Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Không dính mắc

" Hãy để sự vật tự nhiên, đừng dính mắc
Hãy xả bỏ tất cả, sự vật thế nào, hãy để y như vậy "
- Ajahn Chah -



KHÔNG DÍNH MẮC

1,Tâm Không dính mắc
Người ta nói rằng một trong những vị tổ sư lớn của truyền thống Thiền là tổ Huệ Năng (Hui Neng), đã giác ngộ khi ngài nghe một câu kệ trong Kinh Kim Cương.
Câu kệ đó có thể được dịch bằng nhiều lối khác nhau, tuy nhiên, một dòng chính yếu trong đó nói rằng, "Hãy phát triển tâm không dính mắc."
Chúng ta hãy tưởng tượng sở hữu được một cái tâm như thế - tâm không dính mắc, tâm không cần mọi vật phải theo một cách nào, tâm không cần người khác phải cư xử theo một cách đặc biệt nào. Đấy là một cái tâm ở khắp mọi nơi (xem đâu cũng là nhà), bởi vì cái tâm nầy không cần phải ở một nơi chốn nhất định nào cả.
Tất cả các khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi, và nhẹ nhàng hơn:
- Nếu người nào làm cho bạn khó chịu, bởi vì bạn dính mắc vào ý tưởng là bạn muốn người đó hành xử theo cách bạn muốn, và khi bạn không thấy họ làm như thế, bạn không vui. Nếu tâm bạn không dính mắc vào những gì bạn muốn, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ với cách họ hành động. Thật thế, bạn có thể phát sinh lòng từ bi đối với họ, bởi vì bạn nhìn thấy họ đang đau khổ. 
- Nếu bạn bị kẹt xe, hoặc bạn đứng sắp hàng trong một hàng dài chờ mua bán ở đâu đó, bạn có thể trở nên phiền muộn, và bạn mong muốn cuộc sống của bạn không giống như hiện tại (vì bị kẹt xe, vì phải sắp hàng). Tâm bạn đang dính mắc vào các mong muốn, do đó tâm bạn không muốn bị vật gì ngăn cản, chặn đường. 
- Khi người nào nổi nóng với bạn, bạn có thể trở nên phòng thủ, hoặc là giận dữ vì họ hành xử như vậy, bởi vì bạn đang dính mắc vào sự mong muốn là họ sẽ đối xử với bạn theo một cách khác. Nếu bạn buông xả sự dính mắc, không có nghĩa là bạn tha thứ hành vi xấu của họ - cũng không có nghĩa là bạn cho phép người kia lạm dụng bạn. Tuy nhiên, bạn không cần phải nổi nóng, mà bạn chỉ cần tự bảo vệ mình (để bạn khỏi bị lạm dụng, nếu cần thiết). Và một lần nữa, bạn có thể hiểu được nỗi đau khổ của họ. 
Nhiều khó khăn gây ra do sự dính mắc nầy: như sự căng thẳng khi bạn bị quá tải (vì có nhiều việc phải làm), như sự trì hoãn khi bạn không muốn làm một việc khó khăn, hoặc như khi làm một động tác thể dục khó làm, như sự cô đơn, như thiếu đi sự cảm thông trong các cuộc tranh cãi, như ăn quá nhiều, như thói quen xấu về tài chánh, và nhiều thứ khác nữa.
Trước hết hãy nhìn vào cách chúng ta phản ứng trong một tình huống, mà chúng ta xử dụng tâm không dính mắc. Sau đó, chúng ta hãy nhìn vào cách mà chúng ta có thể phát triển tâm không dính mắc nầy.
Thí dụ bạn có người thân đang bị nghiện ma túy, và bạn thật sự muốn giúp họ. Tuy nhiên, bạn bị căng thẳng về phương cách giúp họ, khuyến khích họ làm một hành động cụ thể, và thậm chí bạn không biết bạn có thể giúp họ được không.
 Sự căng thẳng là do sự dính mắc - bạn muốn họ hành xử theo cách của bạn, bạn muốn mọi chuyện xảy ra theo cách bạn muốn xảy ra. Bạn có lòng thương yêu, bạn có ý tốt, nhưng đồng thời sự dính mắc gây cho bạn ít nhiều nỗi khổ đau.  
Họ nghiện ma túy là do họ dính mắc. Họ vướng phải ma túy vì họ muốn tránh xa các khó khăn của họ, mà nguyên nhân cũng là sự dính mắc. Họ thích cảm giác như bay lên mây, và họ cảm thấy các khó khăn của họ như vơi bớt đi, từ đó họ dính mắc vào cảm giác nầy. Theo thời gian, sự dính mắc nầy trở thành sự nghiện ngập, và sự dính mắc nầy làm cho họ không thoát ra được cơn nghiện. Họ đang đau khổ, và chúng ta có thể thấy được điều nầy, và chúng ta thật lòng mong muốn sự nghiện ngập của họ chấm dứt (mà chúng ta không cần phải dính mắc vào kết quả sẽ xảy ra cho họ như thế nào).
Vì vậy, khi nhìn thấy tất cả các điều nầy, bạn bắt đầu buông xả. Bạn không cần hành vi của họ phải như thế nào, mà bạn chỉ cần thương yêu họ. Bạn chỉ cần đến gặp họ, chấp nhận họ, với lòng từ bi. Bạn mở lòng ra với họ, và bạn không cần họ phải thay đổi.
Và dĩ nhiên, bạn hiến tặng họ sự giúp đỡ. Bạn chia sẻ những ý tưởng như họ hãy đi tìm sự tư vấn, hãy thiền định, hãy xử dụng những phương cách cai nghiện, và xử dụng các trung tâm điều trị. Tuy nhiên, bạn đừng dính mắc vào chuyện họ có thật sự làm những điều nầy không - họ được bạn hiến tặng một món quà, với lòng thương yêu.
Đấy là một là phương cách đối phó với một tình huống khó khăn bằng tâm không dính mắc. Còn có nhiều tình huống khác, tuy nhiên, bạn có thể thấy rằng tâm không dính mắc rất hữu ích để xử dụng trong bất cứ tình huống nào.

 2, Phương cách phát triển tâm không dính mắc
Tôi sẽ không giả vờ nói rằng tôi chẳng bao giờ dính mắc, cũng như sự phát triển tâm không dính mắc là một chuyện dễ dàng. Đấy là chuyện tôi hãy còn đang học hỏi và thực hành, và tôi sẽ không dính mắc vào chuyện, chỉ sau một đêm ngắn ngủi thì phương cách này phát triển xong xuôi (hoặc là tôi có bao giờ đạt được mục đích này trong tương lai hay không).
Các điều sau đây tôi biết sẽ hữu ích, nếu chúng ta thực hành.
Vì thế, đây là cách tôi sẽ thực hành:  
- Bước đầu tiên, chỉ là nhận ra khi bạn đang dính mắc. Ban đầu, chúng ta rất khó nhận ra, tuy nhiên, một khi bạn đã nhận ra rồi, bạn sẽ nhận ra bất cứ giây phút nào sau đó. Khi bạn không thích mùi vị của một món ăn, đấy là sự dính mắc. Khi bạn cần phải uống cà phê, đấy là sự dính mắc. Khi bạn ăn quá nhiều, hoặc có sự trì hoãn, hoặc có sự rối trí, hoặc bạn đánh và đá người khác hoặc vật gì đó,  hoặc bạn chạy vào những nơi giải trí điên cuồng mà bạn thích, hoặc bạn nghỉ chơi với người bạn mà không cần cho họ biết lý do ... đó là những sự dính mắc. Chỉ cần nhận ra sự dính mắc là đủ, mà không cần phải phán xét.  
- Chú ý đến cảm giác khi bạn đang dính mắc. Tâm bạn nhận thấy điều gì? Bạn có cảm xúc gì trên thân thể bạn. Bạn hãy ham thích học hỏi, và chú tâm nhận ra những chi tiết nhỏ nhặt nhất. 
- Thực tập thiền định mỗi ngày, từ 5-10 phút vào buổi sáng, trong vòng ít nhất là một tháng. Sau một tháng, bạn tăng lên từ 10-15 phút. Hãy lưu ý những điều sau đây: khi bạn trì hoãn việc thiền định (bạn dính mắc vì mong muốn kiểm tra điện thoại), hoặc khi bạn đang muốn rời khỏi chỗ ngồi trước khi giờ thiền kết thúc, hoặc khi bạn đang dính mắc vào bất cứ điều gì trong lúc ngồi thiền.
- Thực hành sự buông xả. Đấy là một cách thư giãn cho thân và tâm bạn vơi bớt đi sự căng thẳng. Đấy là sự thư giản về những gì bạn đang nắm chặt lấy. Đầu tiên hãy thực hành trong những tình huống dễ dàng, về những điều gì bạn không có nhiều quan tâm. Hãy nói với chính bạn, "Tôi không cần mọi thứ xảy ra theo cách của tôi. Tôi không cần mọi thứ phải giống như thế nào. Tôi hài lòng theo cách nầy hoặc cách kia (cả hai cách), bởi vì cho dù chuyện gì sẽ xảy ra, thế giới nầy cũng trên cả tuyệt vời." 
- Chú ý đến trọng-tâm là cái-tôi của sự dính mắc. Khi bạn dính mắc vào một cái gì đó, bởi vì bạn nghĩ bạn là trung tâm của vũ trụ. Bạn muốn mọi thứ đi theo con đường của bạn, để đáp ứng sự mong muốn của bạn (hoặc để tránh đi những gì bạn không ưa thích), theo lối bạn thích. Đấy là khi chúng ta đặt mình vào trung tâm của mọi vật. Đấy không phải là sự phán xét, mà chỉ là sự nhận biết về quan điểm.
- Hãy mở rộng quan điểm của bạn, vượt ra khỏi cái nhìn tự-chú-tâm vào mình, để thoát ra khỏi sự dính mắc. Hãy đặt mình vào quan điểm của người khác, để hiểu rằng họ đang đau khổ và dính mắc, và bạn cũng như họ, từ đó bạn kết nối với họ.  Hãy nhận ra rằng bạn và những người khác kết nối với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, và nếu bạn có thể làm cho người kia không còn đau khổ, điều nầy sẽ có ích lợi cho chính bạn. Hãy mở rộng trái tim của bạn, mong muốn người khác chấm dứt được sự dính mắc và sự đau khổ, và bạn đừng lo lắng quá nhiều về sự ham muốn của mình, và sự tự bảo vệ chính mình. Đây là một điều hữu ích khi nói về sự dính mắc, bởi vì khi chúng ta mở rộng tấm lòng, chúng ta thấy không còn cần thiết, mọi thứ phải xảy ra theo cách của chúng ta nữa.
- Chúng ta hãy nhìn ra vẻ đẹp trong mọi vật, sự bao la vô hạn, sự sắc sảo tuyệt vời trong mọi vật nhỏ bé. Khi chúng ta dính mắc vào mọi vật phải theo một cách nào đó, chúng ta quên đi sự tuyệt vời của những gì xung quanh chúng ta, bởi vì nếu chúng ta nhìn thấy những điều kỳ diệu đó, chúng ta sẽ không cần mọi thứ phải theo một cách nào. Tất cả mọi cách đều tuyệt vời, theo một lối riêng của nó. Sự trân quý điều nầy thì hữu ích cho chúng ta.
Các điều nầy sẽ không giúp bạn trở nên không dính mắc, tuy nhiên, chúng sẽ giúp bạn đến gần sự không dính mắc, hơn trước kia rất nhiều.
Cách thật sự để phát triển tâm không dính mắc, đầu tiên là bạn hãy tiếp tục tập buông xả. Từ giây phút nầy sang giây phút khác, bạn hãy nhận ra sự dính mắc, và sau đó bạn buông xả. Bạn cứ tiếp tục lặp đi lặp lại như thế.
Rồi sau đó chúng ta mở rộng tấm lòng, để vượt thoát ra ngoài cái nhìn hẹp hòi của chúng ta, để nhìn thấy được sự kết nối với tất cả mọi vật, để chúng ta trân quý vẻ đẹp của mọi vật xung quanh, và chúng ta không nhìn thấy mình tách biệt ra khỏi mọi thứ khác, mà chúng ta chính là một phần của mọi thứ khác, cùng với nhau trong đó, và chúng ta thương yêu sâu sắc qua sự thật nầy.  

Leo Babauta 
Nguyễn Văn Tiến biên dịch 
" How To Develop A Mind That Clings To Nothing "

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét