Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Gửi Eva


Eva ơi! Ai mà không mắc lỗi
Táo Thiên đường… chả nhẽ chỉ để xem
Nỗi khát thèm... đâu chỉ một mình em
Chỉ có khác… em là người dám nói
Giấc mộng ngọt ngào… đang mời, đang gọi
Hay nỗi chua cay… giọt lệ đắng đang chờ
Có thể Thiên đường chả được như mơ
Ai mà biết ... nếu chưa từng… gõ cửa

 

13.7.2012
Van Ngan

Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Tùy duyên

Ở đời vui Đạo hãy Tuỳ Duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có Báu, thôi tìm kiếm
Đối cảnh không Tâm, chớ hỏi Thiền
- Trần Nhân Tông -

Sơ Tổ Trúc Lâm 
1258 - 1308



Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

TƠ NHỆN

Một ngày rực rỡ hào quang trên Thiên đình, Đức Phật bước lững thững bên bờ ao sen. Hoa sen đang nở rộ mang màu trắng ngọc ngà với hương thơm ngào ngạt lan toả từ nhuỵ màu vàng óng ánh nằm giữa cánh hoa. Đó là một buổi sáng trên Thiên đình.
Ngay lúc đó, Đức Phật Từ bi dừng chân ở ven bờ, bỗng nhìn qua kẽ lá sen mọc dày trên mặt ao. Chìm sâu dưới ao sen là vực thẳm của Địa ngục. Qua làn nước trong như thuỷ tinh, người ta có thể thấy quang cảnh của con sông Mê và ngọn núi Kim sống động như người ta đang nhìn qua một chiếc thuyền bằng kính dưới mặt nước.
Ở đó dưới vực sâu nhất của Địa ngục, có một người tên là Kandata cùng những người bạn tội lỗi của anh đang bận viết. Anh ta là một kẻ cướp nổi tiếng đã đốt nhà, giết người và phạm những tội ác tày trời khác. Nhưng anh ta còn nhớ trong đầu một nghĩa cử tốt trong cuộc đời của anh. Việc xảy ra như thế này: Một hôm trong khi băng qua một cánh rừng, anh ta thấy một con nhện bò lê bên vệ đường. Anh ta bốc đồng muốn giở chân lên và nghiền nát con vật. Tuy nhiên một ý nghĩ cao quý hơn thoáng qua trong óc anh. “Mặc dù nó chỉ là một con vật tầm thường, nhưng sự sống rất quý đối với nó. Vả chăng ta sẽ quá tàn nhẫn nếu lấy đi sự sống của nó mà không vì một mục đích hay lý do nào cả, - anh ta tự nhủ, và để con vật an toàn biến đi.
Trong khi quan sát dưới Địa ngục, Đức Phật nhớ lại có lần ngài cũng giữ mạng sống cho một con nhện và để tưởng thưởng cho hành động tốt đó, ngài nghĩ đến việc cho Kandata cơ hội thoát khỏi Địa ngục.
May thay vào lúc đó ngài thấy ngay bên cạnh ngài một con nhện của Thiên đình đang dệt mạng lưới tơ đẹp rực ánh bạc trên những lá sen màu xanh huyền. Nhẹ nhàng lấy tay vít sợi tơ nhện, ngài thả tơ qua kẽ lá của những đoá hoa sen trắng ngọc ngà, thẳng xuống đáy sâu nhất của Địa ngục.
Trong bể Máu dưới vực thẳm của Địa ngục, Kandata thấy mình đang chập chờn lặn ngụp cùng với những tội đồ khác. Dĩ nhiên, dưới đáy sâu của Địa ngục, bất cứ chỗ nào nhìn vào cũng thấy một màu đen như đêm tối, và người ta không thấy gì hơn là ánh lập lòe rời rạc của những mũi kim nhọn chĩa lên từ ngọn núi Kim ma quái. Quang cảnh của Địa ngục hoang sơ và khủng khiếp không có lời nào tả xiết. Hơn nữa, khắp nơi kỳ lạ đó tĩnh lặng như một mộ địa, và người ta không thể nghe được gì ngoại trừ tiếng thở dài uể oải và tiếng rên siết nặng nề đôi khi thoát ra từ những đôi môi khô nẻ của những tử tội trong sự ray rứt khốn cùng, bởi vì những con người rơi xuống đáy sâu của Địa ngục đã mệt mỏi và kiệt lực qua nghìn lẻ một sự tra tấn, đến nỗi họ ngay cả không còn đủ sức để thét gào. Đó cũng là trường hợp của Kandata, một tên cướp bất trị, đang vùng vẫy và quằn quại như một con ếch dãy chết, nghẹt thở trong bể Máu.
Một hôm, anh bỗng ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đen tối. Thế rồi cái mà anh thấy chỉ là một sợi tơ nhện óng ánh màu bạc dần dần chui xuống phía anh kéo theo một tia sáng mỏng manh như là sợ đôi mắt của kẻ bị đày xuống hoả ngục bắt gặp.
Nhìn thấy sợi tơ yếu ớt đó, anh vỗ tay reo mừng. Nếu anh có thể bám vào sợi tơ đó và trèo lên càng cao càng cao cho đến tận điểm xuất phát của nó, thì chắc chắn là anh sẽ thoát ra khỏi Địa ngục. Phải, nếu mọi việc đều êm xuôi, nhờ cơ may, có thể anh đến được ngay cả Thiên đình. Rồi anh sẽ không còn bị ném lên ngọn núi Kim gai góc hay là bị dìm xuống bể Máu kinh khiếp.
Với ý nghĩ đó trong đầu óc, anh nắm chặt lấy sợi tơ bằng cả hai tay, và ngay lúc đó, cố rướn mình lên với tất cả sức mạnh chuyển đổi của đôi bàn tay, anh bắt đầu rút người lên càng lúc càng cao. Vì anh là một kẻ cướp khét tiếng đương thời của anh, anh phải hoàn toàn thông thạo loại việc như thế.
Tuy nhiên, Thiên đình cao hơn Địa ngục hàng triệu dặm, thế nên mặc dù anh cố gắng hết sức, anh cũng không thể lên cao như ý anh mong muốn. Anh leo lên được một lúc nào đó rồi thấm mệt khủng khiếp đến nỗi anh không còn sức để tiến lên một phân nào nữa. Từ lúc đó anh không còn biết làm gì hơn là ngưng nghỉ một chút, bám chặt vào sợi tơ đong đưa, và nhìn xuống bên dưới.
Và rồi anh hết lời cảm ơn cái vận may đã cho anh vận dụng sự khổ nhọc và sự cần mẫn để leo lên! Bây giờ anh nhìn bên dưới thấy bể Máu, trong đó chỉ vừa mới đây anh đã bị dìm xuống, bể Máu đó ẩn mình đen tối dưới ngọn núi Kim âm u, ghê rợn lập lòe mờ nhạt dưới chân. Nếu anh tiếp tục lên cao được theo tốc độ hiện thời, có thể anh sẽ thoát ra khỏi Địa ngục dễ dàng hơn sự mong đợi lúc ban đầu. Đan cả hai tay vào sợi tơ nhện mỏng manh, anh thảng thốt kêu lên, “Ta đã làm được!” và anh cười to hơn là anh đã cười trong nhiều năm trước đây. Thế nhưng bỗng nhiên anh chú ý thấy ngay bên dưới vô số những người bạn tội lỗi của anh leo lên cùng một sợi tơ sát gót chân anh, giống như một đàn kiến vô tận. Thấy vậy anh vừa ngạc nhiên vừa chết lặng người vì sợ, mắt anh trợn trừng và miệng anh há hốc như một người điên đang lên cơn. Làm sao sợi tơ gần như là vô hình đó bất cứ lúc nào cũng có thể đứt lìa, ngay cả dưới sức nặng của một mình anh, lại có thể chịu được sức nặng của nhiều người như thế? Và rồi chính anh, người đã leo lên xa, sau tất cả những nỗ lực tuyệt vọng, có thể bị ném đầu trút xuống Địa ngục, trở lại nỗi tuyệt vọng lúc ban đầu. Mọi sự sẽ chấm dứt với anh, và ngay cả trong lúc này, với hàng nghìn, hàng nghìn những con người tội lỗi đang rõ ràng tranh đấu đi lên, cùng trên một đường dây độc nhất, dọc theo sợi tơ bạc mỏng manh, sau khi bò ngoằn ngoèo, vùng vẫy cố vượt thoát khỏi bể Máu như bao nhiêu con sâu bọ bẩn thỉu. Nếu không làm gì hết trước khi quá trễ, sợi tơ sẽ bị đứt lìa nửa chừng, và rồi chắc chắn là một lần nữa anh sẽ đâm bổ đầu xuống tận cùng đáy Địa ngục.
Kandata hét lớn lên: “Lũ người tội lỗi chết tiệt kia! Sợi tơ nhện này là của ta. Ai bảo chúng bay leo lên? Hãy xuống đi! Tất cả bọn chúng bay hãy xuống đi!
Đúng vào lúc đó sợi tơ nhện, trước đây khá chắc, bổng đứt ra ngay chỗ tay anh đang nắm, với kết quả mà mọi người có thể tưởng tượng được. Trong nháy mắt, Kandata đâm bổ ngược đầu xuống vực thẳm tối tăm của Địa ngục. Và đàng sau anh không còn gì nữa ngoại trừ ánh lấp lánh mờ nhạt của sợi tơ nhện treo lủng lẳng trên bầu trời đen như mực đầy trăng sao.
Đứng trên bờ ao sen, Đức Phật đã nhìn thấy tất cả những việc xảy ra bên dưới. Khi ngài thấy Kandata chìm xuống đáy bể Máu như một tảng đá nặng, ngài có vẻ buồn rầu và bước đi.
Cái tâm đen tối của Kandata, tìm cách thoát ra khỏi Địa ngục chỉ cho riêng mình bằng giá của kẻ khác, cuối cùng đưa đến sự đoạ lạc của chính anh. Đó là sự nhục nhã dưới huệ nhãn của Đức Phật Thích Ca.
Tuy nhiên, những đoá hoa sen trên Thiên đình không mảy may biết đến những gì xảy ra ở hạ giới. Trong khi đó những đoá hoa sen trắng muốt ngọc ngà vẫn phe phất đài hoa xanh lục dưới chân của Đấng Từ bi, toả ngát hương thơm ngạt ngào từ nhuỵ vàng óng ánh giữa hoa ra khắp không gian trong sáng. Trên Thiên đình có lẽ thời gian sắp vào đúng ngọ.


Ryunosuke Akutagawa 
Nguyễn Văn Thảo dịch

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Sinh nhật Bác

 
" Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước "

Học đánh cờ

Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi,
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài;
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc,
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.

Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ,
Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công.

Vốn trước hai bên ngang thế lực,
Mà sau thắng lợi một bên giành;
Tấn công, phòng thủ không sơ hở,
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.

Hồ Chí Minh 
Bản dịch của Văn Trực – Văn Phụng

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Vợ người lính nhận được gì


Vợ người lính nhận được gì
Từ Praha đô thành cổ kính?
Từ Praha, nàng nhận được đôi giày cao cổ
Nhận được lời chào và kèm theo đôi giày cao cổ
Đấy là quà từ thành phố Praha

Vợ người lính nhận được gì
Từ Vacxôvi bên dòng Vittuyn xanh?
Từ Vacxôvi, nàng nhận được chiếc áo vải lanh
Chiếc áo Ba Lan màu sắc lạ kỳ
Đấy là quà từ thành Vacxôvi

Vợ người lính nhận được gì
Từ Oslo trên eo biển Na Uy?
Từ Oslo, nàng nhận được chiếc cổ áo làm bằng lông thú
Hy vọng nàng vui vì cổ áo làm bằng lông thú
Đấy là quà từ Oslo trên eo biển Na Uy

Vợ người lính nhận được gì
Từ Rotterdam châu thành giàu có?
Từ Rotterdam, nàng nhận về chiếc mũ
Nàng đội vừa thay chiếc mũ Hà Lan
Đấy là quà từ thành Rotterdam

Vợ người lính nhận được gì
Từ Brüssel xa xôi trên đất Bỉ?
Từ Brüssel, nàng nhận về những tấm đăng ten quý
Ôi chao, nàng có được những tấm đăng ten quý
Đấy là quà từ thành phố Brüssel

Vợ người lính nhận được gì
Từ Paris đô thành Ánh sáng?  
Từ Paris, nàng nhận được chiếc áo làm bằng lụa trắng
Chị láng giềng phát ghen vì chiếc áo làm bằng lụa trắng
Đấy là quà từ thành phố Paris

Vợ người lính nhận được gì
Từ Tripolis trên đất người Libi?
Từ Tripolis, nàng nhận được chiếc dây chuyền rất đẹp
Dây chuyền bằng đồng, cái khánh nhỏ, tinh vi
Đấy là quà từ đất nước Libi

Vợ người lính nhận được gì
Từ đất nước của người Nga, viễn xứ?
Từ nước Nga, nàng nhận được chiếc khăn choàng quả phụ
Chiếc khăn choàng quả phụ cho ngày lễ đưa tang
Đấy là quà nàng nhận được từ Nga
 

Bertolt Brecht 
Quang Chiến dịch

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Ta là Phật đã thành

 
 " Rồi vào năm ba mươi lăm tuổi, trong một đêm trăng tròn tháng Vesakha năm 589 trTL, Ngài đã ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề trong khu rừng Ưu Lâu Tần Loa gần bờ sống Ni Liên Thiền (Neranjara).
Dùng sự trong sáng khác thường của tâm trí với trạng thái thiền sâu xa, sức mạnh trí tuệ được phát sinh trong trạng thái đó, ngài quán sát sự thật của tâm trí, vũ trụ và đời sống. Cuối cùng ngài đã đạt đến giác ngộ vô thượng và từ đó trở đi ngài được gọi là Phật (Buddha).
Sự giác ngộ của ngài là trí tuệ bao quát và sâu xa nhất, thông suốt thật tánh của tâm trí cũng như vạn vật. Sự giác ngộ này không phải là một sự mặc khải do một đấng thiêng liêng nào đó ban cho, mà là một sự khám phá chứng nghiệm của chính ngài, có nền móng từ những giai tầng thiền định sâu xa nhất.
Đạt đến giác ngộ có nghĩa là ngài đã giải thoát khỏi sự trói buộc của tham ái và vô minh, có nghĩa là ngài đã giải trừ được mọi hình thức đau khổ và đạt được an lạc vĩnh cửu".
...
Thiền sư Ajahn Brahmavamso
...
lời dậy đầu tiên của đức Phật Thích Ca tại vườn Lộc Uyển:
“Này các tỳ kheo, có hai con đường cực đoan mà con người phải tránh nếu muốn đi tìm giải thoát: đó là con đường chấp chặt vào lạc thú giác quan, và con đường khổ hạnh, ép xác. Như Lai đã tìm được con đường ở giữa, đó là con đường trung đạo đưa tới trí tuệ và giác ngộ”.
Đức Phật là người đã trải qua cả hai giai đoạn giàu sang và khổ hạnh, nên biết rõ hơn ai hết rằng cả hai con đường cực đoan đó đều là ngõ cụt, chỉ có con đường trung đạo mới có khả năng đưa tới giải thoát.

...

" Đức Phật đã có và có nhiều hơn bất kỳ con người nào trên thế gian này. Ngài được nhiều cung nữ xinh đẹp vây quanh, ngày ngày được hưởng sơn hào hải vị, sống giữa hàng trăm nô lệ và ngự giữa những vườn thượng uyển lộng lẫy.
Đức Phật nói: “Ta đã từ bỏ tất cả. Ta không tìm kiếm hạnh phúc nào ở thế gian. Ta sẽ tìm kiếm nó, theo đuổi nó, làm mọi thứ để có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự”.
Trong sáu năm, Ngài đã làm những gì mà bất cứ ai cũng có thể làm. Ngài đi gặp những bậc thầy, những bậc đại sư, nhà thông thái, nhà hiền triết, những vị thánh. Đất nước Ấn Độ có thừa những bậc đạo cao đức trọng đó, đến nỗi bạn không cần phải đi tìm họ. Chỉ cần ra ngõ, bạn đã có thể gặp được họ. Họ ở khắp mọi nơi, nếu bạn không thấy họ, họ sẽ tìm bạn. Thời của Đức Phật là như vậy. Thế nhưng, sau sáu năm ròng tu tập – khổ hạnh, ăn kiêng, luyện tập yoga – Ngài vẫn không tìm được hạnh phúc. Và chuyện xảy ra vào một ngày kia…
Suốt quãng thời gian tu hành, Đức Phật đang ăn kiêng, tu khổ hạnh và ép xác mỗi ngày, Ngài trở nên yếu ớt đến nỗi không thể xuống dòng sông nhỏ Niranjana để tắm. Nếu không vịn vào một gốc cây bên bờ sông, Ngài có thể bị trượt chân trôi theo dòng nước. Trong khi đang bám vào gốc cây, Ngài bỗng lóe lên một suy nghĩ: “Các hiền triết cho rằng tồn tại cũng giống như một đại dương. Nếu sự sống là đại dương, thì bất kỳ điều gì ta đã làm đều không đúng, bởi nếu ta không thể băng qua được con sông Niranjana bé nhỏ này thì làm sao có thể băng qua đại dương sự sống? Những gì ta đã làm là lãng phí thời gian, năng lượng và thể xác”. Cuối cùng, Ngài quyết định quay trở lại bờ, quyết định vứt bỏ mọi nỗ lực và ngồi xuống dưới một gốc cây.
Buổi tối hôm đó, dưới ánh trăng lồng lộng mênh mang, lần đầu tiên trong sáu năm trời, Ngài được ngủ một giấc ngon lành, không phải lo âu mình sẽ đi đâu, làm gì vào sáng mai. Không tu luyện, không khổ hạnh, không cần phải dậy sớm trước khi mặt trời mọc. Đó là lần đầu tiên Ngài hoàn toàn tự do, thoát khỏi mọi cố gắng, tìm kiếm, theo đuổi. Ngài đã ngủ một giấc ngủ khác thường, và một buổi sáng khi mở mắt ra, ngôi sao cuối cùng đã tắt. Người ta cho rằng ngôi sao cuối cùng biến mất đồng nghĩa với sự biến mất của con người Tất Đạt Đa trước đó. Giờ đây Ngài đã thực sự sống trong sự an lạc, không còn lo lắng đến tương lai, không còn theo đuổi điều gì, không cố gắng làm một điều gì nữa… Nằm xuống, không vội vã thức sớm, Ngài nhận ra rằng sáu năm qua giống như một cơn ác mộng. Nhưng tất cả đã qua đi. Ngôi sao đã biến mất, và thái tử Tất Đạt Đa cũng không còn hiện diện như một con người trần tục..."

Người ta gọi đó là kinh nghiệm an lạc, kinh nghiệm về sự thật cuối cùng mà chúng ta cứ mãi tìm kiếm và bỏ lỡ nó bao nhiêu lần. Nhiều Phật tử đã không thể hiểu nổi ý nghĩa của câu chuyện này. Đó là biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật mà không gì có thể so sánh được.
Nhưng có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên lắm… Tôi không phải là Phật tử, và tôi bất đồng với Ngài về cả nghìn việc. Song, tôi là người đầu tiên trong hai mươi lăm thế kỷ nhấn mạnh câu chuyện này và đưa nó thành vấn đề cốt yếu, bởi lẽ đó chính là giây phút thức tỉnh sâu sắc của Ngài. Nhiều Phật tử và tu sĩ Phật giáo không thể kể lại câu chuyện này, bởi vì nếu kể lại thì biết bao công sức khổ luyện của họ có ý nghĩa gì? Họ đang cố đạt tới điều gì? Họ đang rao giảng điều gì, thực hành và cầu nguyện cái gì? Nếu bạn kể lại câu chuyện rằng Đức Phật đã chấm dứt mọi nỗ lực tìm kiếm những giáo điều vô nghĩa thì người nghe sẽ hỏi bạn: Vậy, ông đang rao giảng cho tôi thực hành một thứ vô nghĩa hay sao? Và chúng ta sẽ phải chấm dứt việc rao giảng đó trong nay mai hay sao? Nếu cuối cùng chúng ta vẫn phải dừng lại thì tại sao lại bắt đầu nó làm gì?
Đối với các tu sĩ, điều này thật khó trả lời; đặt câu hỏi như thế là hủy diệt toàn bộ sự nghiệp và công lao tu tập suốt một đời của họ.
Sự thật và niềm an lạc của con người cũng giống như thế. Bạn chỉ cần ngồi xuống, không làm gì cả, chờ đợi – không phải chờ đợi Godot, mà chỉ đơn giản là chờ đợi, không phải vì một cái gì đặc biệt mà chỉ đơn giản là chờ đợi, ở tư thế chờ đợi, và điều gì đến sẽ đến. Hạnh phúc cuối cùng sẽ đến.
Phật Thích Ca đã từng sống một cuộc đời như thế. Từ giã mọi cao sang quyền quý, từ giã người vợ hiền xinh đẹp và đứa con trai vừa mới sinh, Ngài trốn khỏi cung điện. Ngài trở thành người ăn xin. Ngài bắt đầu đi tìm hạnh phúc, hỏi khắp các vị đại sư, hiền triết để xin lời khuyên. Rồi Ngài cũng thực hành theo những gì được chỉ dạy. Nhưng càng nghe theo những lời khuyên, Ngài càng bị rối bời, mờ mịt.
Dường như Ngài đã thử làm tất cả những gì được mách bảo. Nghe theo lời khuyên: “Hãy luyện Hatha Yoga đi”, Ngài trở thành một người thực hành Hatha Yoga mẫu mực. Nhưng cũng chẳng có niềm hạnh phúc nào xuất hiện cả. Có chăng là một cơ thể mạnh khỏe hơn mà thôi. Người ta có thể mạnh khỏe hơn đôi chút, nhưng điều đó không đồng nghĩa với hạnh phúc. Năng lượng nhiều mà làm gì nếu cứ dồn hết năng lượng ấy vào nỗi mong chờ bất hạnh. Nghèo túng khiến ta khổ sở, nhưng giàu có cũng làm ta khổ sở hơn vì bao nhiêu mới đủ cho nhu cầu của chúng ta.
Đức Phật chấm dứt mọi sự luyện tập Yoga. Ngài lên đường tìm kiếm các vị thầy khác, những học giả, nhà thông thái, nhà thiền định…Ngài cũng vâng theo lời các vị ấy, và tất nhiên cũng không có niềm hạnh phúc nào xuất hiện. Ngài thực sự mong cầu hạnh phúc. Khi chúng ta thực sự tìm kiếm một điều gì đó tức là chúng ta không còn phương cách nào để giải quyết cả.
Một người tầm thường sẽ dừng lại bất kỳ một nơi nào đó trên đường vì họ không thực sự muốn tìm kiếm. Người tận cùng khát khao là người có thể đi đến cuối con đường, để nhận ra một điều là mọi sự tìm kiếm đều vô nghĩa lý. Chính sự tìm kiếm là con đường của khát khao – Đức Phật đã nhận biết điều trọng yếu ấy trong một ngày giác ngộ. Ngài đã từ bỏ cung điện, từ bỏ mọi kho tàng vật chất, và sau sáu năm, Ngài từ bỏ cả việc đi tìm kiếm hạnh phúc. Nghĩa là Ngài đã chấm dứt việc tìm kiếm vật chất trước, và sau đó là chấm dứt những khao khát về tinh thần. Thế giới đã dừng lại từ lâu, giờ đây, Ngài cũng đã dừng lại. Ngài từ bỏ hoàn toàn mọi dục vọng, mong cầu…, và ngay lúc ấy, hạnh phúc có mặt. Giây phút đó tràn trề ân phúc. Chấm dứt mọi mong muốn, mọi hy vọng, thái tử Tất Đạt Đa lập tức trở thành Đức Phật. Ngài đã tìm kiếm quá lâu trong khi hạnh phúc ở trước mặt Ngài. Hạnh phúc ở đó, tràn ngập khắp nơi trong vũ trụ. Đó là an lạc, là sự thật, là thần thánh.
...
Osho 
...

Theo lịch sử Phật giáo thì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni (vốn là Thái tử Tất Đạt Đa) sinh vào ngày rằm tháng tư (âm lịch) năm 624 trước Công nguyên. Phụ thân của Ngài là vua Tịnh Phạn (Shuddhdara) trị vì vương quốc Ca-tỳ-la-vệ (hiện nay ở phía nam nước Nepal, lúc bấy giờ thuộc lãnh thổ Ấn Ðộ). Mẫu thân là phu nhân Ma Đa - công chúa thành Thiên Tý (Devadaha), thuộc dòng tộc Câu-lợi (Koliya), là chị em cô cậu với vua Tịnh Phạn.
         Thái tử khi sinh ra đã có 32 tướng tốt báo trước Ngài là một vị xuất chúng và Ngài sẽ thành Phật để dìu dắt muôn loài. Ngài sinh ra vừa được bảy ngày, mẹ Ngài từ trần. Bà dì Ngài là bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề nuôi nấng chăm sóc Ngài. Thái tử sống trong cảnh cực kỳ sung sướng và được sự nuông chiều hết sức của vua cha. Xung quanh Ngài luôn luôn có vũ nữ ngày đêm đờn ca xướng hát để làm vui lòng Ngài. Tuy nhiên, Thái tử vẫn trầm tư mặc tưởng. Trên mặt luôn luôn lộ nét buồn kín đáo và một đôi lần Ngài đã tỏ với vua cha xin đi xuất gia để tìm phương cứu mình, cứu đời. Đoán biết ý con, vua Tịnh Phạn sinh sợ sệt và tìm đủ mọi cách tăng thêm dục lạc, cưới vợ cho Thái tử, mong làm khuây được chí nguyện xuất gia của Ngài. Tuy vậy, sau nhiều lần mục kích những thảm trạng già, đau, bệnh, chết và sự bất công mạnh hiếp yếu, khôn lấn dại, trong những cuộc du ngoạn ở bốn cửa thành, Thái tử Tất Đạt Đa cảm nhận được những nỗi thống khổ của con người, lòng thương chúng sanh trổi dậy. Với một ý chí cương quyết tìm chân lý, nên trong một đêm kia sau buổi yến tiệc linh đình, Ngài đã cưỡi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất gia với người hầu cận trung thành là Xa Nặc giữa lúc mọi người đang chìm trong bóng tối và mê man theo giấc ngủ. Ngài ra đi lúc 19 tuổi, ngày mồng tám tháng hai vào lúc giữa đêm.
         Thái tử đi đến rừng sâu nơi cư trú của tiên nhân A-la-la-a-lam. Ông hướng dẫn cho thái tử làm thế nào cho phù hợp với phương pháp tu trì Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Thái tử cảm ơn, xúc động và khiêm cung nhận lời dạy bảo của tiên nhân, nhưng trong lòng vẫn chưa thõa mãn. Không bao lâu, thái tử từ giã tiên nhân A-la-la-a-lam đến một nơi khác tham học. Về sau, thái tử  lại đến tham vấn tiên nhân Uất-đầu-lam-phất. Cũng như vậy, ông ta cũng không có phương pháp nào để giải trừ những nghi hoặc trong lòng của thái tử. Trải qua năm năm cầu học với nhiều thầy, Ngài hiểu rất rõ tình hình tu hành của họ. Hơn nữa, Ngài đã thực hành con đường tu tập của họ và cũng trải qua cảnh giới chứng đắc của họ. Song, cuối cùng Ngài nhận ra được các phương pháp tu hành này đều không phải con đường đưa đến giác ngộ rốt ráo. Ngài liền đến phía đông bờ sông Ni-liên-thiền (nhánh sông Hoàng Hà) chọn một nơi trong rừng sâu núi Già-da rồi quyết chí tu hành triệt để con đường khổ hạnh.
         Lúc bấy giờ, năm anh em nhà ông Kiều Trần Như nghe thái tử tu hành ở núi Già-da liền đến tu hành cùng thái tử. Thái tử ở trong rừng ăn rất ít, thậm chí một ngày chỉ ăn một hạt mè, một hạt lúa tẻ. Vì thế, thân thể của Ngài ngày càng gầy gò ốm yếu, mắt hóp sâu, xương gò má lòi cao. Khổ hạnh như vậy được sáu năm nhưng vẫn chưa khai ngộ, thái tử tự xét lại mình, biết rằng khổ hạnh không phải là phương pháp cứu cánh. Vì vậy, Ngài ra khỏi rừng sâu, đến bên bờ sông Ni-liên-thiền tắm rửa cấu bẩn trên thân thể. Bất ngờ, tay chân và thân thể không còn sức, Ngài ngã xuống đất hôn mê. Khi ấy may sao có một người nữ chăn dê tên là Tu-xà-đa (Sujata) thấy thế liền mang sữa dê đến cho thái tử uống. Sau khi uống sữa dê xong, thái tử dần dần hồi phục được sức khỏe. Năm vị xuất gia theo hầu trước kia, thấy thái tử nhận sữa cúng dường của người nữ chăn dê, cho rằng thái tử đã thối thất tâm đạo, liền bỏ Ngài ra đi. Thái tử cũng không biện bạch, một mình đi đến gốc cây Tất-bát-la bên bờ sông (sau khi đức Phật thành đạo đổi tên là cây Bồ Đề) ngồi kiết già, phát lời thệ nguyện: “Máu có thể cạn, thịt có thể rữa, xương có thể khô, nhưng nếu không giác ngộ, ta thề không rời khỏi chỗ ngồi này!”. Thái tử ngồi thiền qua bốn mươi tám ngày, cuối cùng vào đêm ngày thứ  bốn mươi chín (mồng tám tháng mười hai âm lịch), khi sao mai vừa mọc thì hốt nhiên đại ngộ. Ngài  chứng được Tam minh thành bậc giác ngộ A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni; chúng ta gọi là Phật Ðà. Lúc này, Ngài mới ba mươi tuổi.
 
- st -