Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Định kiến chính trị thành phản văn hoá


ĐỊNH KIẾN CHÍNH TRỊ THÀNH PHẢN VĂN HÓA
Tôi không ngạc nhiên khi một vài nhà sử-chính trị ký đơn phản đối Đà Nẵng đặt tên đường lấy tên hai giáo sĩ phương Tây: Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Vì lẽ đơn giản, định kiến chính trị đã từng làm cái việc thay, xóa tên đường cũ thành tên đường mới, chủ yếu đường hiện nay dành đặt tên gắn với những người có công với cách mạng.
Đọc nguyên văn cái đơn này thấy rất rõ định kiến chính trị đã ăn sâu vào trong não những người được gọi là nhà khoa học.
Trong đơn chỉ có một nội dung đúng. Đó là phủ nhận Alexandre de Rhodes là "ông tổ" của chữ quốc ngữ. Nhưng cái đúng này trẻ con cũng nói được, vì làm gì có chuyện một cá nhân sáng chế ra cả kho tàng ngôn ngữ, dù chỉ là chữ viết. Ngôn ngữ được xem là kỳ quan hàng đầu của các cộng đồng người, qua giao tiếp hàng triệu năm mà thành. Riêng chữ viết, hiện nay trên thế giới chỉ có chưa tới 10 hệ ký tự được dùng chung cho cả trăm quốc gia, dân tộc. Khi sử dụng một hệ ký tự nào đó, đố biết ai là 
tổ ghi hình hay ghi âm cho ngôn ngữ của dân tộc mình. Bất cứ từ điển 
nào cũng chỉ ghi lại những gì đã có, tức tổng hợp từ sản phẩm của nhiều người và được cộng đồng thừa nhận như một tài sản chung. Chính Alexandre de Rhodes đã nói rõ điều đó trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La mà ông biên soạn chứ không tự nhận mình là "ông tổ". 
Chỉ tính công lần đầu tập hợp biên soạn cuốn từ điển đó đã đủ vinh danh Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.
Chưa nói sự ngụy tạo lời của Alexandre de Rhodes, việc luận tội truyền giáo hay gián điệp cho thực dân cướp nước ta mà xóa công lao 
của 2 giáo sĩ này đủ thấy định kiến chính trị đã sinh ra một thứ nhãn quan phản văn hóa không nên có ở nhà khoa học.
Nếu cho việc truyền bá chữ quốc ngữ với mục tiêu xâm lược hay nô dịch mà phủ nhận sạch trơn thì có lẽ cả ngàn năm trước cha ông ta đã từ chối chữ Hán chứ không để cho đến nay nó đã Hán hóa ngôn ngữ Việt đến hơn 70%. Và cho rằng chữ Latin đã làm ta nô dịch Tây (thực chất chỉ mượn ký tự để ghi tiếng nói của dân tộc chứ không phải như chữ Hán trước đó) thì cha ông ta đầu thế kỷ 20 đã tẩy chay hay vứt cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes vào sọt rác chứ không thể có 
phong trào truyền bá chữ quốc ngữ rầm rộ và ca khúc khải hoàn bởi chiến thắng của nền văn hóa mới!
Nếu vẫn giữ cái đầu định kiến chính trị như ta, có lẽ phương Tây, và cho đến nay gần như toàn cầu, cũng không dùng bảng chữ cái Latin. Bởi vì sự ứng dụng rộng rãi chữ Latin gắn liền với sự bành trướng của đế chế La Mã và việc truyền giáo của Giáo hội Rome. Nếu muốn luận tội thì đế chế La Mã và Giáo hội Rome thời trung cổ tội ác chất chồng, luận ba ngàn trang sách cũng không hết. Nhưng việc nào ra việc nấy, người Âu - Mỹ vẫn tôn trọng và biết ơn cả một nền văn hóa mà đế chế La Mã và Giáo hội Rome đã hình thành như một nền tảng thứ hai sau thời cổ đại Hy Lạp.
Sẽ thật thú vị khi nghiên cứu sâu về nguồn gốc chữ viết của nhân loại. Một điều dễ hiểu là gần như chữ viết ra đời gắn liền với hoạt động tôn giáo. Tôn giáo là hoạt động văn hóa đầu tiên của nhân loại. Nhu cầu truyền bá tôn giáo đòi hỏi phải có chữ viết để ghi chép chính xác những bộ kinh được cho là thánh truyền. Tất cả các loại chữ, kể cả chữ Hán, đều ra đời từ chép kinh. Mục tiêu này được phát triển rộng ra thành hoạt động giáo dục và diễn giải triết học, khoa học.
Nói Alexandre de Rhodes chỉ thực hiện mục tiêu xâm lăng hay truyền giáo nên phủ nhận công lao truyền bá chữ viết mới cho người Việt thì chỉ có thể là cách nói của trẻ trâu vô văn hóa, trong khi những người ký tên kia lại là những "sử gia" hay người giảng dạy chính trị.
Nên nhớ, chính cuộc khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đã kéo theo một kết quả nằm ngoài mục tiêu thực dân. Cùng với những nhà tư sản, nhà buôn đi tìm kiếm thị trường ở thế giới mới là các nhà truyền giáo, các nhà khoa học đã khai hóa thật sự cho dân tộc các nước thuộc địa. Trong khi nhà tư sản, nhà buôn dựa vào chính quyền để khai thác thuộc địa bằng vơ vét tài nguyên vật chất, kể cả kỳ thị chủng tộc, thì chính các nhà truyền giáo, nhà khoa học tiến bộ đã mang đến cho người bản xứ những giá trị tinh thần mới: tín ngưỡng mới, khoa học tự nhiên, y học, kể cả tư tưởng tự do, dân chủ và bình đẳng. Hàng ngàn công trình khoa học, nhân chủng học, cấu trúc luận... với tư tưởng chống thực dân, chống kỳ thị chủng tộc ra đời ngay trong lòng chủ nghĩa thực dân. Nhiều nhà truyền giáo, nhà khoa học đã lăn lộn, đối mặt với gian khổ và hiểm nguy ở các nước thuộc địa, ở vùng thổ dân hoang dã mới có những công trình vĩ đại đó. Cái di sản khổng lồ ấy đã góp phần san phẳng hố sâu ngăn cách giữa các dân tộc. Trong khi các dân tộc trên thế giới dù đấu tranh giành độc lập nhưng đều biết ơn những di sản đó, lẽ nào trừ người Việt?
Chính trị gieo rắc định kiến và hố sâu thù địch vì tính lợi ích của nhóm cầm quyền. Nhưng văn hóa thì khác. Với những giá trị tinh thần, văn hóa đi tìm tiếng nói chung và hóa giải quan hệ thù địch. Một nền chính trị tốt phải dựa vào nền tảng văn hóa chung, nếu chỉ nhìn kẻ khác bằng con mắt thù địch thì muôn đời chẳng sống được với ai. Độc lập theo cách tự cô lập thì chỉ có thể là một dân tộc bệnh hoạn trước khi tự sát.
Không ngẫu nhiên mà các bộ sử cổ đều ghi công Triệu Đà về việc tạo ra thuần phong mỹ tục Việt, ghi công Sĩ Nhiếp về chữ viết và nền văn hóa Hán học. Không hiểu sao, đến thời cộng hoà xã hội chủ nghĩa này các sử gia lại gạt phăng tất cả ra ngoài. Nay lại nuôi máu thù địch luôn với mấy ông Tây truyền bá chữ quốc ngữ để chứng tỏ mình có lập trường độc lập. 
Trước năm 1975, giới cầm quyền Việt Nam cộng hòa đặt tên đường Quang Trung Nguyễn Huệ và các danh tướng triều đại Tây Sơn, họ cũng đặt tên đường Gia Long Nguyễn Ánh, Tự Đức, Minh Mạng và các bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Cách làm đó có ý nghĩa sâu sắc trong việc hóa giải quan hệ thù địch trong quá khứ để hướng tới hòa điệu trong tương lai. Sau 1975, những gì liên quan đến nhà Nguyễn bị xóa sạch một cách cực đoan theo chủ nghĩa anh hùng trẻ trâu.
Như vậy đủ thấy chục vị sử - chính trị gia kia, trong đó có những người là bạn thân của tôi, tự thấy nhân cách và trình độ của mình ở đâu.

Chu Mộng Long
* Ảnh : Francisco De Pina (1585-1625).
Alexandre De Rhodes (1591– 1660).

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Giải thoát, nếu một ngày ...

 
Có đâu miền giải thoát
Ở phía bên kia đời
Bây chừ không an lạc
Chắc gì mai thành thơi




GIẢI THOÁT, NẾU MỘT NGÀY...
 Đừng nghĩ rằng sự giải thoát chỉ dành cho những bậc xuất gia, nếu biết tu hành và biết sống thì giải thoát có thể đến với tất cả mọi ngườiGiải thoát trong tầm tay và ngay nơi vị trí mình đang đứng bạn ạ!
- Nếu một ngày bạn bị hàm oan, bị người khác xúc phạmtổn thươngbạn chỉ mỉm cười ghi nhận rồi xem nhẹ, không phản ứng, thì ngay đó bạn giải thoát.
- Nếu một ngày bạn không còn tin vào việc cầu cúng, giải hạn. Bạn không tin vào việc thần thánh có thể ban phước giáng họa. Bạn chỉ tin vào luật nhân quả công bình khắp thế gian. Gieo nhân gì, gặt quả nấy. Bạn tự nhận thấy mình là một cá thể tồn tại trong vũ trụ này, cá thể đó hoàn toàn có thể vươn lên để tự hoàn thiện mình, hòa nhập với Vũ trụ. Ngay đó bạn được giải thoát.
- Nếu một ngày bạn thôi không bất mãn với chính mình, với những người xung quanh. Bạn biết chấp nhận chính mình, chấp nhận mọi người như họ đang là. Lúc đó bạn được giải thoát.
- Nếu một ngày bạn bằng lòng với những gì bạn có, biết vui với chiếc điện thoại đã đủ chức năng cần thiết cho nhu cầu của mình, mà không phải là một chiếc điện thoại hạng sang. Thì ngay đó bạn được giả thoát.
- Nếu một ngày bạn nhận ra mình làm việc vì niềm vui, vì những nhu cầu tối thiểu ăn, mặc, ở, vì muốn san sẻ cho người khác. Bạn chọn được một công việc vừa lợi mình, vừa không làm tổn hại đến chúng sinh khác. Không phải vì tham muốn, không phải vì muốn có nhiều hơn, thì lúc đó bạn được giải thoát.
- Nếu một ngày bạn ngắm đóa hoa ven đường, chỉ đơn giản là ngắm và thưởng thức vẻ đẹp của đóa hoa mà không phải là muốn sở hữu nó, thì ngay đó bạn được giải thoát.
- Ngày nào bạn biết cho đi, biết giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh. Giúp đỡ mà không yêu cầu nhận lại bất kỳ điều gì. Lúc đó bạn được giải thoát.
Sống an vui, tỉnh thức
Trọn vẹn với hôm nay
Chánh niệm và buông xả
Giải thoát trong tầm tay .

Thích Tánh Tuệ

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Đừng ... !

ĐỪNG ... !
Cô hầu già đang đi dưới ánh đèn mờ trong con phố nhỏ thì một kẻ cướp đường bất ngờ nhảy xuống từ bụi cây.
- "Nộp hết tiền đây!" hắn ta ra lệnh. 
"Tôi chẳng có đồng nào đâu " cô hầu lắp bắp đáp lại
Hắn ta tiến hành lục soát kĩ càng cô ấy. Mọi chỗ có thể cất giấu đều bị lục soát.

- "Tao đoán là mày nói thật," cuối cùng hắn lẩm bẩm một cách giận dữ. "Mày chả có đồng mốc nào cả."
"Trời ơi," cô ấy rền rĩ, "đừng dừng lại bây giờ! Tôi sẽ viết cho ông một tấm séc!" 


Nguồn Osho 

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2019

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Bạn ... Bè

"Trên thế gian này có ba kiểu bạn tốt có thể trợ giúp cho mình là 
Người thẳng thắn, người bao dung, người hiểu biết” 
- Khổng Tử -


  
BẠN ... BÈ
Người ta thường nói: Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt nhưng không biết lòng. Thử ngọc phải đốt 3 ngày, phân biệt gỗ tốt phải chờ 7 năm. 
Xưa nay, hiểu rõ một người là chuyện không hề dễ dàng. Nhưng nếu chú ý những điểm sau, thì về cơ bản ta đã có thể hiểu rõ được bản chất thực sự của một người.

Thứ nhất: Lựa chọn khi phải đối mặt với lợi ích
Khi đối mặt với lợi ích thiết thân, nhiều người sẽ phá bỏ lớp ngụy trang của mình, lúc này có thể nhìn thấy rõ nhất bản chất của một con người.
Nếu một người vì lợi ích riêng của mình mà sẵn sàng vứt bỏ lương tâm, không cần tình thân, coi thường đạo đức nghề nghiệp thì bạn có dám tin tưởng họ? 
Ngược lại, nếu một người đối mặt với lợi ích mà không từ bỏ nguyên tắc của bản thân, vẫn tuân thủ đạo đức và coi trọng tình người thì đó tuyệt đối sẽ không phải là kẻ tiểu nhân chỉ biết lợi cho bản thân mình.

Thứ hai: Cách đối xử với những người có địa vị thấp hơn
Với người giỏi hơn mình không tự ti, với người kém hơn mình không kiêu ngạo, đây mới là nhân cách của những người lương thiện. Một người mà với người trên thì tâng bốc, với người dưới thì tỏ ra khinh thường thì ắt là kém tu dưỡng.
Một người có đạo đức, có giáo dục thì đối với bất kỳ ai cũng đều tôn trọng. Cho dù là giao tiếp, qua lại với người có địa vị xã hội thấp cũng không hề tỏ ra là kẻ bề trên. Càng đáng quý hơn nữa là những người vẫn có thể duy trì sự chính trực khi đối mặt với quyền lực. 
Nhìn chung, người ta thường dễ nảy sinh tâm lý kẻ bề trên khi đối diện với những người kém hơn mình. Nhưng chỉ cần mở rộng tấm lòng, đồng cảm với kẻ dưới, thấu hiểu người ở trên bằng sự tôn trọng, khoan dung thì điều bạn nhận lại cũng chính là khoan dung và tôn trọng. 

Thứ ba: Thái độ đối với bố mẹ
Chúng ta thường rất nhẹ nhàng, ôn nhu, lịch sự với người dưng nhưng lại dễ dàng nổi nóng với người nhà. Về mặt tâm lý học mà nói, đây cũng là điều hết sức bình thường. Nhưng người không thể bao dung ngay cả những người thân bên cạnh thì liệu đó có phải là người mà bạn đáng ngưỡng mộ? 
Trong “Luận Ngữ” có ghi lại rằng khi Tử Hạ hỏi về hiếu thuận. Khổng Tử đã trả lời : “Con cái có thể giữ được nét mặt an hoà, vui vẻ là điều khó nhất. Khi có việc phải làm, người trẻ làm thay, khi có đồ ăn thức uống, người lớn tuổi ăn trước, lẽ nào như vậy chưa thể được coi là Hiếu ư?”. 
Cư xử với người già, khó nhất chính là thái độ, quan trọng nhất chính là hiếu đức, tiền bạc tuyệt nhiên không phải là ưu tiên hàng đầu. Đừng tức giận với cha mẹ một cách vô cớ, hãy để những ngày tháng tuổi già của họ trôi đi trong niềm hạnh phúc. 
Đối với những người thân xung quanh, nói chuyện đừng giận dữ, không kiêu ngạo, không thờ ơ, có lịch sự và lễ phép. Làm được điều này ấy đều là những người có gia giáo, có trách nhiệm và luôn biết nghĩ cho người khác.

Thứ tư: Khi đối mặt với lời hứa
Khi đối mặt với lời hứa là lúc người ta để lộ nhân phẩm và đức tính của mình. Một người không bao giờ vi phạm lời hứa của mình là một người thực sự đáng tin cậy.
Một người luôn thất hứa, nói xong để đó, đánh trống bỏ dùi chính là người không có chính kiến, lập trường và tất nhiên rất dễ thay lòng đổi dạ. Người không trung thực, không giữ lời hứa chẳng khác nào như chiếc xe không có bánh, mãi chẳng thể tiến xa. Chữ tín là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người.

Kết giao với những người xung quanh, điều đáng ngại nhất là kết giao nhầm người, bởi bạn bè thế nào có thể sẽ ảnh hưởng đến cả đời chúng ta thế đó. Nhiều khi nếu không gặp phải việc hệ trọng ở đời, chúng ta quả thực rất khó nhận ra nhân phẩm của người khác cao thấp thế nào. Để đánh giá khái quát nhân phẩm của một người, nhất định cần phải xem cách người đó đối xử với bố mẹ, người nhà và bạn bè ra sao. Có thể nói 3 chữ dưới đây cũng là một cơ sở đáng tin cậy giúp chúng ta lựa chọn đúng người để giao thiệp. 

Thứ nhất: Chữ hiếu 
Nếu như một người đến cả bố mẹ sinh ra mình mà không hiếu thuận thì nhân phẩm của anh ta tuyệt đối có vấn đề. Vì thế, trước khi kết giao, đầu tiên hãy quan sát xem người mình muốn làm bạn có hiếu kinh cha mẹ hay không.
Nếu anh ta chỉ dành cho bố mẹ những lời nói cộc cằn thô thiển và ác ý, vô trách nhiệm thì cho dù anh ta có tử tế với bạn bao nhiêu thì hành động đó cũng khó có thể là thật. 
Người như vậy muốn kết giao, lấy lòng bạn có thể là bởi vì vị thế quyền lực trong tay bạn, vì tiền trong túi của bạn hoặc vì một ý đồ nào đó. Một khi trên người bạn không còn bất cứ giá trị nào mà anh ta cần, bạn sẽ bị ruồng bỏ không thương tiếc. 

Thứ hai: Chữ yêu 
Có lẽ người bình thường chúng ta sẽ khó để có thể làm được một việc cao thượng đó là yêu thương vạn vật nhưng ít nhất chúng ta nên yêu thương những người trong gia đình mình. 
Thế nhưng có rất nhiều người ích kỷ chỉ biết yêu thương bản thân, ngay cả những người thân thiết nhất cũng chẳng màng tới. 
Người như thế chắc chắn sẽ khó có thể dành tình yêu vô tư cho bạn. Một người ngày nào cũng đánh đập chửi rủa vợ sẽ không phải là một người có trách nhiệm, càng không phải là một người bạn có thể dốc lòng dốc sức vì bạn. 

Thứ ba: Chữ nghĩa 
Giữa bạn bè với nhau, yếu tố chúng ta cần nhắc đến đầu tiên chính là nghĩa khí. Có một câu nói rất hay như thế này: " Muốn nhận biết một người có đáng kết giao hay không, cứ nhìn bạn bè xung quanh anh ta là biết "
Câu nói này rất có lý. Con vật quy tụ với nhau theo loài, con người chơi với nhau theo nhóm. Với mỗi người, ngày ngày kết giao với kiểu người như thế nào thì bản chất của anh ta rồi cũng sẽ là như vậy.    
Yếu tố thứ hai, làm người chúng ta phải có tinh thần chính nghĩa.
Hằng ngày, chúng ta đều gặp phải rất nhiều việc, nghe được rât nhiều tin tức, hãy xem thái độ của anh ta với những sự vật hiện tượng gặp phải mỗi ngày sẽ biết giới hạn đạo đức của anh ta đến đâu. 
Nếu như ngay cả thị phi đúng sai mà người bạn định kết giao cũng không phân biệt được, hãy thận trọng. 
Cổ nhân nói: " Tương giao vì chữ lợi, hết lợi tắc tán; tương giao vì chữ thế, thế mất tắc khuynh, tương giao vì chữ quyền, quyền mất tắc khí (từ bỏ, vứt bỏ); tương giao vì chữ tình, tình mất người tổn thương "
Một người không hiếu thuận với cha mẹ nhưng lại hiếu kính với bạn vốn là lãnh đạo của anh ta, cho đến khi bạn không còn quyền hành trong tay, dám chắc anh ta sẽ giẫm đạp lên bạn mạnh hơn bất cứ ai; 
Anh ta có thể vứt bỏ vợ con để nói những lời mật ngọt với bạn, nhưng một khi bạn già nua kém sắc, dám chắc anh ta sẽ đối xử với bạn chẳng khác nào đối xử với vợ con anh ta trước kia. 
Phán đoán nhân phẩm của một người, nhất định phải xem anh ta đối xử với bố mẹ, vợ con, người thân và bạn bè ra sao. 
Trước mặt bố mẹ là con ngoan, trước mặt người nhà là anh em tốt, vợ chồng tốt, trước mặt bạn bè là anh chị em tốt, phẩm chất của một người như vậy nhìn thoáng qua đã có thể biết là không xấu. 
Còn một khi ai đó không làm được 1 trong 3 chữ trên, bạn hãy thận trọng khi kết giao. Cho dù họ có tốt với bạn đến đâu cũng rất có thể họ đang có dụng ý gì đó. 
Người như thế, tốt nhất vẫn nên giữ khoảng cách.

Thầy Khổng Tử cũng từng nói, có 3 kiểu bằng hữu có ích: hữu trực (người bạn thẳng thắn, chính trực), hữu lượng (người bạn thành tín, bao dung) và hữu đa văn (người bạn hiểu biết sâu rộng). Trên đời, may mắn lớn nhất chính là kết giao được với những người bạn ngay thẳng chính trực, giữ được lòng thành tín và có hiểu biết sâu rộng.
Vật hợp theo loài, nếu cứ mãi giao du cùng những người chán nản, tiêu trầm, không chí tiến thủ thì có lẽ bạn cũng không có đủ nghị lực vươn lên. Tiếp xúc với người khoe khoang, khoác lác, bạn sẽ trở thành kiểu người không thực tế. Còn khi bạn thân đều là những người khí lực tràn trề, hăng hái, tự tin, bạn cũng sẽ có thể trở thành một con người mạnh mẽ. Chẳng phải người xưa hay nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” đó sao?

Thứ nhất: Người ngay thẳng
Người bạn ngay thẳng giống như một tấm gương, Vua Đường Thái Tông từng nói: “Lấy người làm gương, có thể hiểu rõ được mất”. Người ngoài cuộc bao giờ cũng sáng suốt, họ nhìn được toàn diện và có thể thấy được chỗ thiếu sót của bạn. Nhưng thường chỉ có những người bạn ngay thẳng, trung tín mới không ngại chê trách mà chỉ rõ sai lầm của bạn. Bởi đơn giản họ thà gánh lấy rắc rối còn hơn là nhìn bạn vướng vào rắc rối ấy. Có câu “Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng”. Lời nói ngay thẳng có lẽ sẽ khiến bạn không vui, khiến tai bạn không bùi nhưng có thể cứu thoát bạn khỏi sai lầm, vận hạn. Một đấng minh quân ắt phải có trung thần phò tá. Làm người cần phải kết giao được với bạn bè ngay thẳng. Chính những lời nói thật không ngại ngùng của họ sẽ đánh bóng bạn, khiến bạn trở nên hoàn mĩ hơn.

Thứ hai: Người thành tín
Quan niệm kết bạn của nhiều người rất kỳ lạ, chỉ quan tâm làm sao ý hợp tâm đầu mà không đoái hoài gì đến sự thành tín, bao dung. Khi bè bạn của họ có hành vi không thành thật với người khác, họ lại tự ru mình bằng những ý nghĩ như: “Dù sao bạn ấy cũng chưa từng dối nạt mình”, “Bạn ấy nhất định sẽ không dối gạt mình đâu”. Họ quên rằng nếu hôm nay bạn bè họ thất tín với người khác thì ngày mai nạn nhân rất có thể là chính họ. Sách “Luận ngữ” viết: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô khẩu, kì hà dĩ hành chi tai?”, ý là người mà không có lòng thành tín thì cũng giống như cỗ xe lớn không có chốt nối giữa càng xe và bánh xe, làm sao có thể chạy được.
Người xưa vốn rất coi trọng việc kết giao với những người bạn thành tín, bao dung. Tìm được một người bạn biết giữ chữ tín, có lòng bao dung phải chăng chính là điều tuyệt vời 

Thứ ba: Người hiểu biết sâu rộng
Có câu danh ngôn rằng: “Tự học mà không có bạn, thì ngu dốt mà lại hiểu biết nông cạn”. Một người bạn hiểu biết sâu rộng, uyên bác thực sự có thể mang đến cho chúng ta những chân trời mới. Họ có cách tư duy khác biệt, biết truyền cảm hứng, có khả năng phán đoán và sự tinh tế. Đó thực là “quân sư” thông thái của chúng ta, chỉ nói vài câu là đã điểm trúng nhiều yếu huyệt, có thể giúp ta giải quyết đầy rẫy khó khăn, bế tắc. Họ không chỉ là một người bạn tốt, mà đúng hơn là một người thầy uyên bác và trí tuệ. Nhưng uyên bác không phải là điều kiện quan trọng nhất. Người đó còn phải thật thà và ngay thẳng. Một người học rộng, có thể hiểu thấu bạn nhưng lại không ngay thẳng thì trái lại chỉ có thể gây hại cho bạn mà thôi.

Trong Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya), Đức Phật cũng khuyên chúng ta nên biết phân biệt đâu là một người bạn tốt thực sự, và đâu là những kẻ giả nhân giả nghĩa núp dưới danh nghĩa bạn bè để không rơi vào những rắc rối hoặc tự làm hại mình. 
Theo Đức Phật, có 4 kiểu bạn mà chúng ta nên kết giao, đó là: 
Thứ nhất, người luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn không vụ lợi.   
Thứ 2, người không bị hoàn cảnh thay đổi, trước sau như một, dù nghèo khổ hay giàu có thì vẫn không thay lòng đổi dạ, không khinh thường bạn bè. 
Thứ 3, người luôn đưa ra những lời khuyên tốt cho bạn, không ngại nói thẳng, nói thật dù có thể sẽ làm mất lòng bạn. 
Thứ 4, người biết cảm thông với những khó khăn của bạn, biết giữ bí mật của bạn, không đi nói xấu bạn, vui mừng trước những thành tựu của bạn, không so đo, ghen tị hay đố kị với bạn, đem bí mật của bạn đi nói cho những người khác.  

Trong khi đó, cũng có 4 kiểu người nguy hiểm, thường giả danh tình bạn để lợi dụng người khác mà chúng ta cần tránh kết giao, hoặc nếu buộc phải giao thiệp thì cần phải hết sức thận trọng, cảnh giác.   
Thứ nhất, đó là những kẻ tham lam, chỉ muốn phần lợi thuộc về mình, phần thiệt cho kẻ khác.
Thứ 2, những kẻ luôn nói những lời đãi bôi, ngon ngọt dễ nghe để lấy lòng bạn, chẳng bao giờ bày tỏ suy nghĩ thực sự của mình. 
Thứ 3, những kẻ trước mặt thì tâng bốc bạn, nhưng sau lưng thì lại ghen tị, nói xấu, gièm pha bạn. 
Thứ 4, những kẻ khiến bạn tiêu tán gia sản, chỉ thích rủ rê, lôi kéo và dẫn dụ bạn sa đà vào những tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, bỏ bê gia đình, con cái. 
Kết giao với những kẻ như vậy thì rồi sớm hay muộn ta cũng sẽ phải gánh nhận những hậu quả tồi tệ.  

Tổng hợp

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Cho hỏi ngu tí

 Cho hỏi ngu tí ... Nước Ngoài có phải là Nước Lạ không ợ ?

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Cuộc duyệt binh lịch sử Mùa Đông năm 1941

" Nước Nga rộng lớn, nhưng chúng ta quyết không lùi. Vì sau lưng là Moskva "
 - Kolotshcov -


CUỘC DUYỆT BINH LỊCH SỬ MÙA ĐÔNG NĂM 1941
Cuộc duyệt binh lịch sử của Hồng Quân Liên Xô đúng vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga - 7/11/1941 là cuộc duyệt binh có một không hai trong lịch sử nhân loại. Nó diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của mùa đông lạnh giá năm 1941 khi quân thù đã tiến đến cửa ngõ thủ đô Moskva và vận mệnh của Liên Bang Xô Viết đang ở vào tình thế vô cùng nguy khốn. Trong thời khắc khó khăn như vậy, Xô Viết tối cao đã có một quyết định không ai ngờ tới khi vẫn tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 
như thông lệ hàng năm. Ngay sau lễ duyệt binh, từ Quảng trường Đỏ, các đơn vị Hồng quân đã tiến thẳng ra mặt trận.

I. Bối cảnh lịch sử 
Ngược dòng thời gian, vào ngày 22/6/1941, sau khi chiếm hầu hết châu Âu, phát xít Đức đã xé bỏ mọi điều ước ký kết trước đó giữa hai nước, tung một lực lượng hùng mạnh bao gồm bộ binh, thiết giáp, không quân bất ngờ tấn công Liên Xô. Kể từ đây, quân đội và nhân dân Liên Xô bắt đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt. Cuộc Chiến đã lôi cuốn hàng triệu người con của Liên bang Xô Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia. Đặc biệt trong số đó có cả những người Việt Nam.
Quân đội phát xít Đức đã huy động 190 sư đoàn với tổng quân số trên 5 triệu người, cùng một số lượng khổng lồ phương tiện chiến tranh gồm khoảng 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 3.400 xe thiết giáp, 600.000 xe cơ giới các loại, 47.000 pháo và súng cối, 4.940 máy bay các loại và khoảng 300 tàu 
chiến vào chiến dịch được mang mật danh " Barbarossa " này.
Trong khi đó, Hồng quân Liên Xô có 141 sư đoàn với 3,2 triệu quân đóng ở các khu vực phía Tây 
chống lại quân Đức. So với Hồng quân, quân Đức chiếm ưu thế cả về quân số lẫn kinh nghiệm tác chiến.
Chiến dịch Barbarossa được dự định sẽ đánh bại triệt để Liên Xô chỉ trong 2-3 tháng.Trong giai đoạn đầu, các lực lượng Đức tiến lên nhanh chóng do lợi thế từ yếu tố bất ngờ, ưu thế về quân số và trang bị, kinh nghiệm dày dạn của binh sĩ Đức, cộng với những yếu kém và sai lầm trong tác chiến của các chỉ huy Hồng Quân.
Tháng 10/1941, sau 4 tháng chiến đấu với những điều kiện bất lợi, Hồng quân liên tục rút lui và cũng phải gánh chịu nhiều tổn thất. Trong khi đó, quân Đức đã tiến đến rất gần cửa ngõ thù đô Moskva. Bộ chỉ huy Đức quyết định tập trung mọi sức lực để mở cuộc tấn công mang tên “Bão biển” (Typhoon) vào Moskva với dự định chiếm thủ đô nước Nga trước ngày 7-11, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Hitler đã huy động 80 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn xe tăng với 1.700 xe tăng, 14.000 pháo 
,súng cối và xe cơ giới ( khoảng hơn 1,8 triệu quân) cùng với 1.390 máy bay vào trận đánh này. 
Trong nhật lệnh ngày 2/10/1941 - ngày mở đầu cuộc tấn công vào Moskva, Hitler quyết định ngày 
7/11/1941 sẽ chiếm xong Moskva và duyệt binh chiến thắng tại Hồng trường, xử tử ban lãnh đạo Liên Xô, phá đổ tường thành Kremli...
Được chỉ huy bởi tướng Heinz Guderain, ngay trong tuần đầu tiên chiến dịch “Bão biển” đã nhanh chóng chiếm ưu thế và dễ dàng chiếm giữ được một vài thị trấn gần Moskva. Đợt tấn công ác liệt và đẫm máu này kéo dài suốt trong tháng 10/1941, quân Đức tiến được 230 km, nhưng lực lượng cũng bị tổn thất nghiêm trọng. Những ngày đầu tháng 11/1941, một bộ phận quân Đức đã chọc thủng được tuyến phòng thủ của Hồng quân, chiếm giữ các thị trấn trọng yếu của các thành phố Kaluga và Mozhaisk phía tây nam Moskva, ở một số vị trí quân Đức chỉ cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30km. Vào những ngày bầu trời hửng nắng, nhiều lính Đức đã có thể nhìn thấy đỉnh chóp dát vàng của tháp chuông hàng trăm năm tuổi “Ivan vĩ đại” trong khuôn viên điện Kremli.
Tuy nhiên, có những yếu tố đã tác động làm chậm bước tiến của quân đội Đức.
Trước hết, quân đội Đức đã tiến nhanh hơn các binh đoàn tiếp tế. Thứ hai, Stalin và bộ chỉ huy tối 
cao Xô Viết quyết định bổ nhiệm tướng Georgy Zhukov làm tổng chỉ huy mặt trận phía tây. Tướng 
Zhukov đã kịp thời ổn định và củng cố vành đai phòng thủ quanh thành phố Leningrad và bắt đầu xúc tiến tạo dựng một vành đai tương tự để bảo vệ thủ đô Moskva. 
Thứ ba, tuyến tiếp viện của Đức bị cản phá dữ dội trên đường vận chuyển quân lương từ Viễn Đông đến Moskva. Ban chỉ huy phòng vệ Moskva đã yêu cầu người dân tổ chức thành những đội du kích hoặc vệ quốc quân để sẵn sàng chiến đấu. Những đội quân này được nhanh chóng đào tạo cơ bản để 
đến ngày 20-10, thủ đô Moskva đã sẵn sàng cho các trận đánh ngay trên đường phố với lực lượng phòng thủ gồm quân đội và khoảng 450.000 người dân Moskva. Khi ấy, Hồng quân bắt được một sĩ quan Đức mặc hai lớp áo; lễ phục mặc bên ngoài quân phục. Hắn khai: Mục tiêu của kế hoạch “Bão biển” là phải giành thắng lợi chớp nhoáng nên quân Đức không mang theo áo ấm và đang khốn đốn 
vì giá rét. Chúng phải điều gấp quân trang chống rét cho các sĩ quan bằng lễ phục đội hậu cần mang 
theo để chuẩn bị cho cuộc “duyệt binh thắng lợi chiếm Moskva” dự định diễn ra vào ngày 7-11 tại Quảng trường Đỏ của Liên Xô với kịch bản có các “tiết mục hấp dẫn” như dẫn giải các lãnh đạo Liên 
Xô bị bắt ra quảng trường và treo cổ họ, nổ mìn phá tường thành Điện Kremli, phá lăng Lênin...
Mùa đông năm 1941-1942 được cho là một trong những mùa đông lạnh khủng khiếp nhất trong lịch sử Nga. General Raus, người nổi danh trong giới quân sự Đức với tư cách là một nhà chiến thuật Tăng - Thiết giáp lỗi lạc đã ghi lại nhiệt độ trung bình hàng ngày gần Moskva trong suốt những ngày đầu của tháng 12 / 1941 như sau: ngày 1-12: -7ºC, 2-12: -6ºC, 3-12: -9ºC, 5-12: -37ºC, 6-12: -37ºC… Những ngày sau đó trong tháng, nhiệt độ giảm đến mức -45oC. Sư đoàn Thiết giáp số 6 của tướng 
Raus báo cáo mỗi ngày có khoảng 800 ca chết cóng vì giá lạnh. Các thiết bị khí tài của Đức bắt đầu hỏng hóc khi nhiệt độ xuống -20oC. Các loại vũ khí không thể khởi động được, đặc biệt là các vũ khí chống tăng, chất lỏng tạo độ giật lùi cho pháo đều đông cứng, dầu bôi trơn cho các vũ khí thông minh và súng máy cũng vậy, chỉ có lựu đạn ném tay là còn sử dụng được. Tháp pháo của xe tăng thì không 
thể xoay và xe tăng thì phải hoạt động liên tục để tránh bị đông cứng. Trong khi đó, vũ khí của Hồng 
quân đều được thiết kế để vẫn đảm bảo độ tin cậy trong điều kiện lạnh khắc nghiệt như vậy. Xe tăng T-34 của Nga với số lượng rất lớn, lại có bộ khởi động khí nén, có thể hoạt động được kể cả trong
thời tiết lạnh nhất. Thêm nữa, bánh xích của loại T-34 này rất rộng nên tản đều trọng lượng của cỗ xe giúp T-34 có thể lăn xích trên các mương rãnh cũng như các hố tuyết sâu 1,5m.
Bình luận về điều kiện sình lầy (mùa thu) và tuyết lạnh (mùa đông), Nguyên soái Zhukov nói ngắn gọn rằng: quân Đức đáng ra phải hiểu rõ về thời tiết. Trong trường hợp này, thời tiết đóng một vai trò quan trọng (nhưng không phải là hàng đầu) giải thích tại sao Hồng quân Liên Xô – với hơn 1 triệu binh sĩ hy sinh trong 2 tháng đầu bị quân phát xít tấn công đã không chỉ có thể giữ vững Moskva, mà 
còn tiến hành được các đợt phản công mạnh mẽ.
II. Quyết định không ai ngờ
Trước hung tin tuyến phòng thủ liên tục bị phá vỡ, người dân thủ đô hết sức hoang mang, tình hình trị an Moskva trở nên hỗn loạn và căng thẳng như đứng bên bờ vực thẳm. Trong khi đó, máy bay Đức liên tục ném bom oanh kích nhiều vị trí trong thành phố. Một bộ phận các cơ quan chính phủ và đoàn ngoại giao tại Moscow đã sơ tán về Kuibyshev từ giữa tháng 10.
Vào thời điểm đó, có tin đồn rằng Stalin và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã rời khỏi thủ đô 
Moscow khiến tinh thần binh sĩ và nhân dân càng thêm hoang mang. Để xua tan những tin đồn và củng cố tinh thần của Quân - Dân trong cả nước, bộ chỉ huy tối cao Xô Viết đã có những quyết sách kịp thời nhằm bảo vệ Thủ đô trước tình thế vô cùng hung hiểm này. Ngày 28/10/1941, Stalin ra mật lệnh bắt đầu chuẩn bị cho cuộc duyệt binh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười như thông lệ trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối. Đây là một quyết định ít ai ngờ tới của Tổng Tư lệnh Tối cao. Stalin đã quyết định việc này vào cuối tháng 10 – đầu tháng 11 sau khi tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh và phân tích tình hình tiền phương cũng như hậu phương. Ngày 28-10, Stalin triệu tập tới điện Kremli tướng Artemiev – Tư lệnh Quân khu thủ đô, tướng Zhigarev – tư lệnh Binh chủng Không quân, tướng Gromadin – chỉ huy đơn vị Phòng không khu vực Moskva và tướng Sbytoc – Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Ông hỏi các vị tướng: “Sắp đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, chúng ta sẽ tổ chức duyệt binh ở Quảng trường Đỏ chứ ?”.
Câu hỏi của Tổng tư lệnh quân đội làm tất cả bất ngờ khiến không ai có thể đáp lời ngay. Tuy duyệt 
binh vào ngày 7/11 là truyền thống của Liên Xô hàng năm, nhưng mùa đông buốt giá của năm 1941 
này lại quá đặc biệt. Quân thù đã ở ngay của ngõ Thủ đô Moskva , máy bay Đức liên tục oanh kích, chướng ngại vật đã dựng lên khắp các đường phố, những cây cầu bắc qua kênh đào Moskva – Volga và các nhà máy như “Tháng Mười Đỏ”, TMZ… đã được đặt mìn. Trong tình thế như vậy, không có ai lúc đó còn nghĩ đến việc tổ chức một lễ kỷ niệm đầy màu sắc trên Quảng trường Đỏ.
Stalin phải nhắc lại câu hỏi đó tới lần thứ ba thì mọi người mới bừng tỉnh và đồng thanh đáp: "Vâng, tất nhiên là có. Điều đó sẽ khích lệ tinh thần quân sĩ và hậu phương!". Tuy nhiên, buổi lễ có nguy cơ sẽ bị máy bay Đức oanh tạc, và hàng ngũ lãnh đạo Chính phủ Liên Xô đứng trên lễ đài rất có thể sẽ trở thành những tấm bia sống cho quân địch ngắm bắn. Thực ra, trước đó Stalin đã tham khảo ý kiến của Tướng Zhukov. Theo Zhukov, trong những ngày tới quân địch sẽ không có khả năng tổ chức những đợt tấn công lớn do bị tiêu hao lực lượng trong các trận đánh gần Moskva và đang chờ bổ sung 
cũng như biên chế lại các cánh quân. Còn để đối phó với hoạt động oanh kích diễn ra hàng ngày của 
không quân Đức thì cần tăng cường các lực lượng phòng không và bổ sung cho Moskva đội máy bay 
tiêm kích từ các mặt trận lân cận. Đó là những cơ sở để Tổng Tư lệnh Stalin đi đến quyết định tiếp 
tục tổ chức duyệt binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười như thông lệ hàng năm. Chính cái quyết định không ai ngờ tới đó đã mang lại một bước ngoặt quan trọng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. 
III. Lễ duyệt binh lịch sử
Để đảm bảo bí mật, quyết định tổ chức duyệt binh chỉ được thông báo cho các quan chức chính phủ trước "giờ G" chưa đầy 1 ngày. Còn bản thân các đơn vị tham gia duyệt binh được tập luyện trước đó vài ngày, nhưng chỉ với nội dung là biểu dương về sức mạnh phòng thủ của thủ đô Moskva, chứ không phải để tham gia duyệt binh. Cơ quan khí tượng dự báo ngày 7/11 thời tiết Moskva nhiều tuyết, gió mạnh, vì vậy nên không quân Đức cũng khó có thể oanh tạc nhiều như khi thời tiết đẹp.
Ngày 6/11/1941, buổi lễ trọng thể kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng 10 của chính quyền thành phố Moskva được tổ chức ngay tại nhà ga tàu điện ngầm Mayakovskaya. Bàn tiệc đặt trong các toa tàu điện ngầm, ghế ngồi bố trí ngay trên hành lang chờ tàu trong nhà ga, khán đài dựng trong nhà ga, khách khứa xuống ga theo thang máy, còn thành viên chính phủ thì tới nơi tổ chức bằng một chuyến tàu khác ở đường ray bên cạnh.
Tại lễ kỷ niệm Stalin có bài phát biểu nêu những nguyên nhân khiến quân địch tạm thời chiếm ưu thế trong thời kỳ đầu chiến tranh và nhấn mạnh kẻ thù nhất định sẽ bị đánh bại. Tuy nhiên trong bài phát biểu này của Stalin không có bất cứ lời nào về cuộc duyệt binh sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau.Bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên dài phát thanh và in thành truyền đơn rải ở những vùng bị quân Đức chiếm đóng. Chỉ sau khi lễ kỷ niệm kết thúc Stalin mới thông báo cho Bộ Chính trị và chính quyền Moskva về lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ vào sáng hôm sau nhưng được tổ chức sớm lên 2 tiếng - vào lúc 8 giờ sáng chứ không phải 10 giờ như các năm trước.
Chỉ huy các đơn vị tham gia duyệt binh chỉ được biết lịch này vào lúc 11 giờ đêm ngày 6/11, còn khách mời và khối nhân dân lao động được thông báo về giờ tổ chức lúc 5 giờ sáng ngày mùng 7.
Trong đêm mùng 6 rạng ngày mùng 7/11 các ngôi sao điện Kremli mới được gỡ chụp bảo vệ và được thắp sáng, lăng Lê-nin được dỡ bỏ ngụy trang. Quảng trường Đỏ đón chào ngày kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng 10 với đầy vẻ trang trọng và hùng tráng.
Trước đó, từ ngày 5/11 các lực lượng không quân - Hải quân Xô Viết đã có nhiều đợt tấn công ngăn chặn vào các sân bay Đức. Không quân cũng điều 550 máy bay chiến đấu từ mặt trận về chi viện bảo vệ thủ đô trong ngày lễ.
Đúng 8 giờ sáng ngày 7/11/1941, Lễ duyệt binh kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười bắt đầu trong giá lạnh và gió tuyết. Sau lễ chào cờ trang nghiêm là bài phát biểu của Tổng Tư lệnh Stalin. Phát biểu tại Lễ duyệt binh lịch sử này, Stalin đã nói : 
" Toàn thế giới đang coi các đồng chí là lực lượng có thể tiêu diệt bè lũ xâm lược phát xít Đức. Nhân 
dân các nước bị nô dịch ở châu Âu hiện đang sống dưới ách của bọn xâm lược Đức, đang coi các đồng chí là những người giải phóng cho họ. Các đồng chí được giao phó một sứ mệnh vĩ đại, sứ mệnh giải phóng. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh ấy! .."
Sau bài phát biểu, cuộc duyệt binh lịch sử bắt đầu. Trong tiếng quân nhạc hùng tráng, khối quân kỳ hùng dũng tiến qua lễ đài. Tiếp đó là khối các đơn vị bộ binh mang theo đầy đủ trang bị và súng đạn. Sau các khối bộ binh là các đơn vị kỵ binh, pháo binh...Đi cuối cùng khóa đuôi cho cuộc duyệt binh là những chiếc xe tăng T34, T-38 và T-60. Trong đó có nhiều chiếc vừa được chuyển tới từ nhà máy còn chưa kịp sơn xe và số hiệu. Cuộc duyệt binh chỉ kéo dài 25 phút. Điều đặc biệt là sau khi rời Quảng trường Đỏ, tất cả các đơn vị tham gia duyệt binh đều đi thẳng tới chiến tuyến ở ngoại ô Moskva với một khí thế mới. Và chính tinh thần ấy đã giúp họ chặn đứng bước tiến của phát xít Đức, tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc.
Cuộc chiến phòng thủ và bảo vệ Moskva mang nhiều ý nghĩa quan trọng, nó đánh dấu thất bại đầu tiên của quân đội phát xít Đức. Đây là trận chiến then chốt mở đầu cho giai đoạn phản công đẩy lùi 
bước tiến của những tập đoàn quân phát xít Đức đang thống lĩnh gần hết châu Âu. Barbarossa, kế hoạch quân sự – chính trị chứa đựng những tham vọng lớn nhất của Hitler và đệ tam đế chế đã bị phá sản hoàn toàn kể từ sau lễ duyệt binh lịch sử của mùa đông năm 1941. Cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moskva cũng đã sản sinh ra rất nhiều các nhà lãnh đạo quân sự xuất chúng như Zhukov, Konstantin Rokossovsky, Ivan Boldin, Dmitry Lelyshenko… những người đã trở thành trụ cột chính của Hồng quân Liên Xô trong suốt cuộc chiến tranh Vệ Quốc đầy máu lửa và vinh quang này.

7.11.2019
Van Ngan tổng hợp

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

Nhìn đời như bọt nước

Ta cứ ngỡ Trăng Sao là vĩnh cửu
Nào ngờ đâu Non Nước cũng vô thường


NHÌN ĐỜI NHƯ BỌT NƯỚC
Phần đông chúng ta đều có nghi vấn: “Tại sao chúng ta học Phật pháp nhiều mà tâm vẫn còn nhiều dính mắc, không buông xả hết được? Như vậy, ở nhà sướng hơn đi học Phật pháp!” Có người còn nói: “Đi tu thì mình cũng chết, mà ở nhà cũng chết, vậy thì ở nhà còn hơn!” vậy thì chúng ta có cần thiết phải Tu hành cho nhọc cái thân này nữa không ?
Trong kinh A-hàm, Đức Phật đưa ra ví dụ:
“Này các Tỷ-kheo! Ví như có hai người cùng rớt xuống một cái hầm xí, người thứ nhất may mắn được người thân vớt lên tắm rửa xức dầu thơm; người thứ hai không được ai vớt, khi leo được lên bờ thì cũng không ai tắm rửa xức dầu thơm cho. Này các Tỷ-kheo! Như Lai nói rằng hai người đều sanh ra trong cuộc đời này, cũng gặp khổ nạn, cũng gặp khổ đau nhưng người thứ nhất không khổ, không buồn, không bị xúc não vì họ được giúp đỡ. Còn người thứ hai thì không được may mắn như thế.”
Cũng vậy, trong cuộc sống giữa đời thường này, không ai là không khổ, người nhiều - kẻ ít, có những nỗi khổ giống nhau, mà cũng có những nỗi khổ khác nhau. Khi một trận động đất đổ xuống, đá đè lên đầu thì người ăn mày ăn xin bị khổ bị chết, mà ông tỉ phú có khỏi khổ khỏi chết hay không?. Bởi vì đã sanh ra trong cõi ta-bà này, hay nói khác hơn là mang cái hình hài ngũ uẩn này thì tất cả mọi con người chúng ta đều có khổ có buồn, có vui sướng có hạnh phúc. Người có bằng cấp tiến sĩ, bác sĩ bị dao đâm vào bụng cũng đau, mà người không biết chữ, dốt hoặc nghèo nàn bị dao đâm vào bụng cũng đau. Nhưng người có trí tuệ, họ rút dao ra rồi băng bó vết thương. Còn người không có trí tuệ khi bị dao đâm, về nhà họ lại tiếp tục đâm thêm nhiều nhát dao vào bụng nữa. Con dao này, Đức Phật ví dụ như những lời người ta mắng chửi hoặc nói nặng mình. Mình biết tu thì ngay trong giờ phút đó mình buông xả liền chứ không đem về nhà. Còn mình ăn không được, ngủ không được đó là mình tiếp tục đâm con dao thứ hai. Tối lại mình lôi chồng ra kể, tức là con dao thứ ba. Mình kể cho chồng chưa hả, lôi con cái kể, đó là con dao thứ bốn. Kể với chồng con cũng chưa hết giận, lôi cháu ra kể, rồi con rể con dâu, dòng họ bà con cô bác, tức là đâm rất nhiều con dao vào bụng. Người có trí tuệ, ví như gặp Trời mưa mà người ta có cây dù, họ không bị mưa ướt lạnh lẽo vì họ có cây dù chánh pháp. Còn mình đi trong cuộc đời này mà không tu học, không chịu buông xả là mình bị mưa ướt.
Như vậy quý Phật tử thấy rằng, cuộc đời chúng ta đau khổ hay hạnh phúc là do bản thân ta quyết định. Ta buông xả được thì cuộc đời ta bớt khổ, tự tạiung dunggiải thoát. Ngay nơi đời sống này mà mình giải thoát, thì chắc chắn khi chết mình được giải thoát. Còn không buông xả được thì ngay đời này mình khổ, mà chắc chắn khi chết, chính nghiệp lực này đưa mình đến những chỗ mà mình dính mắc nhiều.
Đức Phật không dạy cho mình thần thông phép lạ hay những gì huyền bí, cũng không dạy những điều đến khi chết mình mới thấy. Mà đạo Phật dạy để mình quán chiếuthực tậpbuông xả lúc còn sống. Đó là tinh thần của nhà Phật.
Đức Phật và chư Tổ ra đời, các Ngài trang bị cho mình chỉ một cái thấy duy nhất thôi. Cho nên trong kinh A-hàm Đức Phật nói là ở thế gian này có hai hạng người, hạng người bị mù mắt và hạng người không bị mù mắt:
“Này các Tỳ-kheo! thế nào là hạng người bị mù mắt? Này các Tỳ-kheo! Người đó không học hỏi Phật pháp, không tu tập con đường giới, con đường định, con đường tuệ. Thế nào là người sáng mắt? Là người đó tu học về Phật pháp, và đi trên lộ trình Giới - Định - Tuệ.”
Nói khác hơn là một người ngủ và một người thức. Khi mình không buông xả được, đụng đâu chấp đó, có nghĩa là mình đang ngủ. Còn gặp chuyện gì đến buông xả được, tâm nhẹ nhàng, tức là mình đang thức.
Trong kinh Pháp CúĐức Phật nói một bài kệ dạy cho các Tỳ-kheo khi đi khất thực không bị cuộc đời làm cho khổ và phiền nãoĐức Phật nói các ông chỉ cần nhớ bài kệ này thôi, các ông đi đâu cũng hạnh phúc hết:
Nhìn đời như bọt nước,
Nhìn đời như ảo ảnh.
Ai nhìn đời như thế,
Chẳng bị thần chết lôi.
Nếu quý Phật tử trang bị được cái thấy nhìn đời như ảo ảnh, nhìn đời như bọt nước, thì sẽ không khổ và khi cái chết đến cũng không sợ hãi. Bây giờ tôi xin hỏi : Tinh thần của đạo Phật là lạc quan hay bi quan? Lạc quan là vui mà bi quan là buồn khổ, đúng vậy không?
Để làm minh chứng, tôi kể một câu chuyện trong Tương Ưng Bộ Kinh:
Một thời Thế Tôn ở tại Xá Vệ, rừng Kỳ Đà (Jetavana) vườn ông Cấp Cô Độc.
Rồi một vị Thiên Tử tên là Kakudha, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jatavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên, bạch rằng:
-Thưa Sa Môn, Ngài có hoan hỷ không?
-Ta được cái gì, này hiền giả (mà ta hoan hỷ)?
-Nếu vậy, thưa Sa Môn, có phải Ngài sầu muộn?
-Ta mòn mỏi cái gì, này hiền giả (mà ta sầu muộn)?
-Vậy thời, thưa Sa Môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?
-Thật đúng vậy, này hiền giả!
Thế Tôn liền nói bài kệ:
Hoan hỷ chỉ có đến
Với người tâm sầu muộn
Sầu muộn chỉ có đến
Với người tâm hoan hỷ
Do vậy, vị Tỳ Kheo
Không hoan hỷ sầu muộn
Vậy nên, này hiền giả
Ngươi phải biết như vậy.
Như vậy, tinh thần của nhà Phật là vượt lên sự bi quan và lạc quan.
Đứng trên mặt nước, chúng ta thấy dòng sông đang cuồn cuộn chảy, thấy rác, thấy bọt bèo đang trôi, với điều kiện là chúng ta chỉ nhìn ngắm nó, nhìn ngắm dòng sông. Chúng ta nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm tất cả mọi người mà chỉ với một cái biết, cái tánh biết này không buồn, không khổ, không vui. Đó là tinh thần của nhà Phật. Bởi vì khi lạc quan thì một lúc nào đó sẽ bi quan. Còn tinh thần nhà Phật là cái nhìn xuyên suốt giữa bi quan và lạc quan, giữa thiện và ác, giữa vui và khổ, giữa phiền não và Bồ-đề, giữa sanh tử và Niết-bàn.
Đức Phật nói, sở dĩ chúng ta khổ, không được vui, không được tự tại vì chúng ta luôn luôn nhìn cái bóng cho là mình, rồi từ đó chúng ta bắt bóng. Bắt cái bóng đó cho là mình, rồi chúng ta chìm trong đó khóc than, rồi trách người này trách người nọ. Phật nói là do mình bắt cái bóng mà không thấy được rằng cái gì thấy được cái bóng. Rồi chấp cái bóng cho là mình, cho nên mới khóc than, buồn vui, sướng khổ. Chỉ cần biết đó là cái bóng, là ảo ảnh thì quý Phật tử buông là xong. Mình buông không được vì không thấy nó chỉ là bóng, không phải là thật của mình. Khi nào cái bóng vỡ ra thì tức khắc quý Phật tử tỏ ngộ. Chỉ cần quán chiếu như thế thì cuộc đời này sẽ hết khổ an vui.
Cũng giống như khi Tổ Huệ Khả nhìn lại tâm mình không thấy bóng dáng của nó nữa, thì tức khắc Ngài ngộ đạođơn giản vậy thôi. 
Trong kinh Lăng Nghiêm, ông Diễn-nhã-đạt-đa soi gương thấy đầu mình trong gương, khi úp gương xuống ông hoảng sợ la lên: “Tôi mất đầu rồi!” Ngay trong giờ phút đó mà có ai gõ đầu ông: “Đầu ông còn đó sao mất!”
Cũng như thế, các Thiền sư gõ đầu mình khai thị, mình vẫn còn hiện hữu sờ sờ đó không có mất. Khi cái bóng nó lặn rồi vẫn có chủ chứ không phải không còn gì nữa. Quý vị nhớ kỹ, khi cái gương úp xuống rồi không còn cái bóng nữa, vẫn còn mình sờ sờ tức là cái biết mình sáng suốt rõ ràng, chứ không phải khi cái bóng mất rồi không còn mình. Cái bóng đến đi, chạy nhảy, khóc cười nhưng ông chủ vẫn ngồi yên nhìn cái bóng chạy nhảy. Khi quý Phật tử phát hiện được đó là cái bóng của mình thì không khổ nữa, đơn giản vậy thôi.
Để giúp mình bớt chấp, bớt dính mắc và buông xả được, Đức Phật dạy mình phương pháp thứ hai, trang bị cho mình một cái thấy nữa: Tất cả vạn pháp đều phải tan rã. Một vị thiền sư nói:
Ta cứ ngỡ trăng sao là vĩnh cửu,
Nào ngờ đâu non nước cũng vô thường.
Gần đây có những trận động đất, những trận sóng thần. Thế giới mình đang ở càng ngày càng nóng lên. Người ta còn nhìn thấy trái đất bây giờ mỏng manh giống như một quả trứng gà, chỉ cần vật gì va chạm là nổ tung. Thấy như thế không phải mình bi quan mà để có một sức sống, từ đó mình nương theo chỗ Đức Phật chỉ dạy mà tu. Mình biết rằng rồi mình  cũng sẽ từ giã cuộc đời này ra đi. Khi ra đi mình mang theo được cái gì, thì mình ráng tu tập, ráng ngồi thiềnniệm Phậttụng kinh, ráng tạo các việc phúc thiện, đó là quý Phật tử trang bị cái thấy cho mình. Đức Phật khẳng định tất cả mọi con người chúng ta có mặt trong cuộc đời này rồi cũng bị tan rã, chứ không phải đứng yên một chỗ mãi mãi.
Quý Phật tử nghiệm lại xem, khi qua nước Đức này quý Phật tử bao nhiêu tuổi? Bây giờ nhìn lại là ba chục năm, có người bốn chục năm. Khi mới qua đây, tóc mình còn đen nhánh. Bây giờ trên đỉnh đầu tóc bạc hết, có phải là vạn pháp đang đốt cháy mình, đang vô thường, đang biến dịch không? Quán chiếu như thế để làm gì? Để thấy thân xác toàn là vay mượn. Sáng quý Phật tử vay mượn một ổ bánh mì, trưa ăn cơm là vay mượn đất, ăn thêm chén canh là vay mượn nước. Mình vay mượn tứ đại bên ngoài vào trong thân, mà tối nó không chịu ra thì tính sao? Chắc chắn mình phải uống thuốc xổ, mà uống thuốc xổ nó cũng không chịu ra luôn, phải làm gì? Đi bệnh viện! Hãy quán chiếu thật kỹ để bớt chấp ngã.
Quý Phật tử có bảo đảm rằng thân thể là cái ngã của mình không? Nếu mình bảo đảm cái thân thể này là cái ngã bất di bất dịch của mình thì nó phải đủ ba yếu tố kèm theo: một là chủ tể, hai là bất biến, ba là đồng nhất.
Chủ tể là gì? Chủ tể là phải làm chủ được cái thân này. Mà có ai làm chủ được thân chưa? Chẳng hạn như sáng nay mình có một buổi đi tham quan nước Bỉ. Xe đang chạy ngon trớn giữa đường, hồi sáng ăn cái gì mà bây giờ bị chột bụng, chịu không nổi phải kêu bác tài ngừng lại. Bác tài nói ở đây không có nhà vệ sinh, lúc đó mình nói: “Mày ngừng lại không được ra!” thì có ngừng lại được không? Nếu mà nó ngừng lại, tức là mình làm chủ cái thân này. Còn mình kêu nó ngừng lại mà nó không chịu ngừng, tức là không làm chủ được. Như vậy mình đâu phải là chủ tể.
Rồi quý Phật tử thấy nó có đồng nhất không? Đồng nhất là gì? Đồng nhất có nghĩa nếu là đất thì phải toàn là đất, nước phải toàn là nước, gió phải toàn là gió, lửa cũng phải toàn là lửa. Nhưng thân này do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp thành, tức là nó không đồng nhất. Chất cứng tóc, răng, móng tay móng chân là đất. Nước là đàm, giãi, nước tiểu. Hơi thở là gió, hơi nóng trong mình là lửa. Hôm nào nước trong mình nhiều quá phải tìm cách cạo gió cho nước nó ra bớt. Hôm nào đất nhiều quá, nó lấn ba đại còn lại thì phải xông hơi. Như vậy trong suốt cả cuộc đời, mình phải biết điều phụcđiều phục sao cho đất, nước, gió, lửa điều hòa thì cơ thể không bệnh. Chỉ cần bốn đại này trục trặc là sanh bệnh.
Bất biến là gì? Bất biến có nghĩa là tứ đại của quý Phật tử mười tám tuổi là mười tám tuổi nó đứng yên một chỗ. Còn đằng này sao? Quý Phật tử nghe bài kệ của Thiền Sư Quang Giác đời Tống:
Năm trước gặp thanh xuân,
Má hồng khoe đào lý.
Năm nay gặp thanh xuân,
Tóc bạc đầy cả mái.
Người đời tuổi bảy mươi,
Nhanh như dòng nước chảy.
Chẳng ngộ tâm xưa nay,
Sanh tử làm sao khỏi.
Ngài nói năm trước gặp thanh xuân thì hoa đào hoa lý cũng thua cô bé mười bảy mười tám tuổi sắc mặt hồng hào. Nhưng với cặp mắt giác ngộ của các Thiền sư thì “năm nay gặp thanh xuân, tóc bạc đầy cả mái.” Mà cuộc đời bảy mươi tám mươi năm, nhìn lại nhanh như dòng nước chảy chứ không đứng yên một chỗ. Như vậy thì cái ngã này không phải là chủ tể, không phải là bất biến, không phải là đồng nhất. Khi biết rằng cái ngã này do duyên tụ hợp lạihoàn toàn không phải của mình thì mình không còn chấp nữa.
Bây giờ tôi xin hỏi một câu, quý Phật tử phải mạnh dạn trả lời. Buổi sáng thức dậy điều đầu tiên quý Phật tử nghĩ đến là gì? Mình nghĩ sáng nay ăn bánh mì loại nào, phô mai loại nào, cơm sườn, cơm tấm hay bún bò kho. Hoặc nghĩ hôm nay chủ nhật, nấu món gì thật ngon cho chồng con ăn. Có thể nhịn ăn bảy ngày, nhịn khát hai ngày nhưng không bao giờ nhịn thở được một ngày, nhịn thở một ngày là chết liền. Hơi thở là quan trọng nhất, vậy mà không ai nhớ. Đức Phật nói chúng sanh không bao giờ nhớ hơi thở, mà nhớ ăn uống, nhớ mặc, nhớ tiền tài, nhớ danh vọng… Cho nên phương pháp thực tập trong nhà Phật để giảm bớt độ căng thẳng trong cuộc sống, Phật dạy khi mở mắt ra là nhớ lại hơi thở của mình, và điều đầu tiên là mình cảm ơn cuộc đời cho mình sống thêm một ngày nữa để làm lợi ích cho mình cho người, cả hai cùng được lợi.
Lúc đó quý Phật tử như có thuốc kháng sinh trong người, không có chuyện gì làm cho mình buồn khổ được. Mình biết chắc chắn rằng còn tiếp tục sống trên đời, và có đầy đủ tất cả. Có những người muốn vỗ tay mà không vỗ được, bởi vì họ không còn đủ điều kiện vỗ được hai bàn tay. Có người muốn lạy Phật mà không lạy được, vì không có hai cánh tay. Có người muốn ngồi thiền, muốn thực tập đi thiền hành buổi sáng giống mình, mà không có đủ điều kiện vì không có đôi chân. Và có những người họ thích ngắm hình tượng Đức Phật mà họ ngắm không được vì thiếu cặp mắt. Quý Phật tử nhìn lại coi mình đầy đủ không? Đầy đủ hết tất cả, những thứ Đức Phật nói là khó nhất mà mình có. Điều kiện học hỏi mình cũng có luôn. Quán chiếu được như thế thì mình rất trân trọng cuộc sống.
Như vậy bài pháp này Đức Phật trang bị cho chúng ta một cái thấy, vậy ta thấy cái gì? :
 Tất cả đều tan rã, tất cả đều bể, đều vụn. 
Từ cái thấy đó chúng ta tu họcbuông xả lần lần. Đó là mục đích của người tu.
Quý Phật tử chiêm nghiệm lại xem, mình bằng Đức Thế Tôn chưa? Ngài là một vị Đông cung Thái tử sống trong nhung lụa không thiếu thứ gì. Nhưng Ngài chiêm nghiệm thân phận của kiếp người, kể cả Phụ hoàng, kể cả công chúa Gia-du-đà-la và Hoàng nhi La-hầu-la, kể cả Thái tử Tất-đạt-đa và dòng tộc Thích-ca rồi một lúc nào đó sẽ bị bể, bị nát, bị vụn. Cho nên Đức Phật từ giã hết tất cả để tìm ra con đường sống, con đường chân lý. Hiểu được như vậy, quý Phật tử mới phát tâm mạnh để tu học.
Hỏi thật một điều, khi quý Phật tử ở nhà niệm Phật có nhất tâm bất loạn không? Ở đâu thì mình niệm được nhất tâm bất loạn? Khi quý Phật tử đi trên một chiếc thuyền mà sắp bị chìm, hoặc khi ngồi trên chiếc máy bay mà bị trục trặc là lúc đó nhất tâm bất loạn, chỉ một lòng nhớ đến Phật. Chớ đinh ninh rằng cái thân mình không bao giờ bể, thì khi ngồi niệm Phật mình cũng nhớ chuyện đông chuyện tây, chuyện nam chuyện bắc. Bởi vì mình nghĩ rằng bữa nay không niệm thì mai niệm, bữa nay không ngồi thiền thì mai ngồi. Chẳng hạn như hôm nào đó chuẩn bị tụng kinh sám hối, chuẩn bị tọa thiền, chuẩn bị niệm Phật, bỗng nhiên điện thoại reo, bạn mình gọi nói, hôm nay có live-show ở hải ngoại qua hát, đặc biệt là không tốn tiền, ca sĩ toàn những người nổi tiếng. Khó quá! Bây giờ ngồi niệm Phật hay là đi xem? Rồi mình nghĩ, ngày nào cũng niệm, bỏ một bữa đâu có sao! Khi mà chúng ta thấy cuộc sống còn mãi mãi thì nhiều lúc chúng ta bỏ bê.
Trong Nghệ Thuật Sống kể câu chuyện:
Có một ông già bán bánh, quán của ông rất đông khách vì ông treo cái bảng: “Ngày mai ăn khỏi trả tiền”. Mấy đứa con nít tưởng thiệt, hôm sau lại đến, hy vọng ăn bánh khỏi trả tiền. Nhưng vẫn là “ngày mai ăn khỏi trả tiền”, hôm nay phải trả! Như vậy là không có ngày mai. Cho nên Đức Phật trang bị cho mình một cái thấy là thân tâmvạn pháp vô thường thì mình mới phát Bồ-đề tâm được, mới mạnh dạn tu được, không thì cũng giải đãi.
Từ khi có mặt trong cuộc đời này rồi lớn lên quý Phật tử có điều kiện qua Đức, có ai bắt được chiếc bong bóng nước nào chưa? Có chứ, bong bóng nước của mình là gì? Là tài sản sự nghiệp, là danh vọng… đủ hết, quý Phật tử bắt được chưa? Bắt được rồi nhưng mà sao? Hòa thượng Trúc Lâm nói: “Nhìn lại cũng tay không.” Hòa thượng nói nào lợi nào danh đủ hết, nhìn xa thì chúng óng ánh long lanh, nhưng khi bắt được thì nó bể vụn hết. Như con ve sầu chỉ sống ba tháng mùa hè, đến mùa đông là chết; chư Thiên thấy đời sống của loài người còn ngắn ngủi hơn đời sống con ve sầu, chỉ cần nhắm mắt mở mắt là xong một cuộc đời.
Bữa nọ tôi giảng ở Sài Gòn, có một anh Phật tử đứng lên hỏi:
- Thưa Thầy, nếu ai cũng đi xuất gia hết thì dòng giống nó tiệt chủng.
Tôi hỏi:
- Anh có vợ chưa?
- Dạ con có rồi.
- Anh có mấy con?
- Dạ con có hai đứa con.
Tôi nói:
Vậy thì chưa tiệt chủng, bởi vì anh có vợ. Nếu anh xuất gia mà nói câu này thì tôi chưa chắc, còn đằng này khi anh nói chuyện với tôi anh có vợ có con có đủ hết.
Tôi đi máy bay nhiều lần mà chưa bao giờ gặp hai người xuất gia đi cùng một chiếc máy bay. Quý Phật tử rất may mắn, tuy hình thức là cư sĩ nhưng biết tu học, biết chuyển hóa, biết buông xả, đó là phước duyên.
Qua bài pháp này, tôi muốn nêu lên cho quý Phật tử thấy tất cả các pháp đang tan rã, đang bể vụn và chính thân thể này cũng bể vụn, nát luôn. Một lúc nào đó chúng ta cũng phải từ giã tất cả để ra đi. Đức Phật nói mình đến cuộc đời này như đến khách sạn, nhà trọ. Những người giàu có thì đến khách sạn năm sao, bốn sao. Nghèo hơn ở khách sạn một sao. Những người nằm ngoài đường ở “khách sạn ngàn sao”, cũng sống thôi! Dầu cho ngàn sao, một sao, hai sao, năm sao rồi cũng phải bỏ hết.
Hiểu được như thế không phải là bi quan, mà là có một cái nhìn xuyên suốt để mình tu học, gạn bỏ để không dính mắc, không cố chấp, không phiền hận vì mình có cây dù chánh pháp.
Trong cuộc sống giữa đời thường, tất cả chúng ta đã mang kiếp người, chẳng ai là không khổ cả. Nhưng chúng ta tu học thì không khổ giống như những người không tu. Bởi vì, Đức Phật trang bị cho mình một cái thấy, cái thấy này là nhìn cuộc đời giống như bọt nước, nhìn cuộc đời giống như ảo ảnh. Sở dĩ chúng ta bị dòng đời lôi cuốn, vì không thấy được bóng dáng của mình. Một khi thấy được bóng dáng thì chúng ta không còn khổ đau nữa.
Đức Phật dạy cho chúng ta thấy, dầu cho nắm bắt được gì, tất cả vạn pháp cuối cùng rồi cũng tan rã, kể cả con người. Tan rã tức là con người sanh ra rồi già bệnh, rồi đến con đường chết. Vũ trụ đi qua bốn chu trình thành, trụ, hoại, không. Còn vạn pháp là sanh, trụ, dị, diệt. Đức Phật nói vì bản chất các pháp là duyên hợp, là duyên khởi nên phải đi đến con đường đó. Con người do duyên hợp bốn yếu tố, đất, nước, gió, lửa thành hìnhVạn pháp cũng do những yếu tố kết hợp mà hình thành, cho nên Bồ-tát Long Thọ nói một bài kệ:
Nhân duyên sanh các pháp
Ta nói tức là không
Cũng gọi là giả danh
Cũng gọi nghĩa Trung Đạo.
Bồ-tát Long Thọ nói các pháp đều do nhân duyên sanh. Chẳng hạn cái nhà này được tạo thành từ đất nước gió lửa, xi măng cốt thép, người thợ xây. Tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh, rồi cũng tan rã, sẽ chết, và đi đến số không. Vậy chúng ta cần tu tập, tạo phước thiện để làm gì?
Tinh thần nhà Phật rất đặc biệt. Nếu có người tự xưng là thợ xây chứ không thật là thợ xây, mà xây nhà thì cái nhà sẽ ra sao, hoặc xây bằng vật liệu xấu thì cái nhà sẽ như thế nào? Tuy rằng các pháp là do nhân duyên sanh, nhưng nhờ chúng ta tạo dựng thiện pháp nên bây giờ chúng ta ở trong môi trường tốt. Tinh thần nhà Phật là trả hết tự do nghiệp lực cho mỗi chúng sanh tự quyết định. Được ở môi trường tốt là do phước lực của mỗi người, không có gì phải kiêu ngạo. Khi gặp chuyện khổ đến, cũng chẳng có gì mà buồn giận. Đó là người biết học Phật.
Tổ Bồ-đề Đạt Ma dạy chúng ta tinh thần Báo oán hạnh và Tùy duyên hạnh.
Báo oán hạnh có nghĩa là tự dưng có người chửi mắng đánh đập, làm cho mình khốn khổ. Người biết sống không trách trời trách đất, không trách xã hội, không trách gì hết, mà trách lại chính mình không khéo tu, đời trước mình bỏ gốc theo ngọn, chạy theo tham sân, tật đố, ích kỷ, cho nên ngày hôm nay mình gặp chuyện này.
Tùy duyên hạnh có nghĩa là khi gặp được môi trường tốt, gặp một xứ sở như ý, nếu mình biết tu thì không có gì mà ngạo mạn, coi thường những xứ sở nghèo nàn. Chớ không phải bây giờ mình được túc duyên tốt, sanh ra đời được tướng hảo quang minh, rồi coi thường những người khốn khổ, như vậy là không biết tu. Thân ngũ uẩn của chúng ta là do trong đời quá khứ khéo léo dựng nên, bây giờ con người hình thành như thế, cho nên chẳng có gì mà coi thường những người khác. Hiểu được như thế rồi chúng ta sống rất an ổn, chuyện khổ đến chẳng buồn, chuyện vui đến mình cũng không sanh tự cao, ngã mạn. Đó là người biết sống, người có trí tuệ Bát-nhã.
Trong Nghệ thuật sống kể câu chuyện:
Trong thôn xóm nọ có một gia đình mở xưởng mộc, người thợ mộc làm việc trong xưởng rất giỏi và khéo léo. Với bàn tay nghệ thuật, vật dụng nhà cửa ông làm ra rất đẹp, ai thấy cũng ưng ý muốn mua. Một ngày, ông xin chủ xưởng mộc nghỉ hưu vì thấy mình đã lớn tuổi. Người chủ nhờ ông làm giúp một căn nhà cuối cùng trước khi ông nghỉ việc. Khi nhà làm xong, người chủ cầm chìa khóa giao cho ông thợ mộc: “Nhờ bác mà gia đình tôi ngày càng khấm khá, chúng tôi tặng bác căn nhà này làm kỷ niệm.” Nghe xong ông thợ mộc bàng hoàng, buồn bã, vì đã làm căn nhà này một cách cẩu thả, làm lấy lệ mà thôi!
Ông thợ mộc này giống như chúng ta, làm cái gì cũng làm cho có, nhưng không ngờ căn nhà chúng ta xây lên là căn nhà của chính mình. Khi quý Phật tử đến đây dọn dẹp, nấu nướng, bố thí cúng dường hoặc làm việc gì đó, mình tưởng làm cho ai, thật ra là làm cho chính mình.
Ngày xưa khi vào chùa, chúng tôi làm tất cả các việc nấu cơm, dọn dẹp cầu tiêu, làm đủ thứ hết mà tưởng làm cho Thầy Tổ. Khi ra làm Phật sự rồi mới thấy đó là làm cho chính mình. Ngày xưa khi Sư Ông Trúc Lâm giảng pháp tôi phát tâm nấu cơm, nấu nước, bây giờ y báo tốt thì chánh báo trổ ra tốt. Tôi giảng ở đâu người ta đều cúng gạo, đường, muối… những vật dụng ngày xưa đã từng nấu nướng ở thiền viện Thường Chiếu. Mới phát hiện ra rằng ngày xưa mình làm là làm cho mình.
Tuy rằng tất cả các pháp là do duyên sanh, nhưng duyên mình tốt thì các pháp tốt theo. Duyên không tốt, tức là y báo không tốt thì chánh báo không tốt. Quý Phật tử cứ suốt ngày tham sân bực tức phiền hận, thì chắc chắn khi chết nghiệp lực này sẽ đưa quý Phật tử đến những cảnh giới xấu khổ. Tinh thần của Tịnh Độ tông dạy chánh nhân Tịnh Độ để trở về quả Tịnh Độ. Nhân Tịnh Độ là chúng ta phải tụng đọc kinh điển Đại Thừaphát Bồ-đề tâmthành tâm sám hối rồi khuyến khích người ta tu học. Tuy rằng Đức Phật dạy nhìn đời như bọt nước, nhưng không phải là cái nhìn bi quan yếm thế, mà để chúng ta có cái thấy toàn diện và thực hiện con đường tu tập.
Cho nên dưới cặp mắt giác ngộ của Bồ-tát Long Thọ Ngài nói: “Ta nói tức là không”. Nó không có thực thể, cũng gọi là giả danh, là trung đạo đế, là đệ nhất nghĩa đế mà chư Phật, chư Tổ dạy để nắm bắt pháp tu. Thấy được như thế thì vượt thoát được phiền não, buồn hận.
Chúng ta thường nói giải thoát giác ngộ, như vậy không đúng? Giác ngộ xong rồi mới đến giải thoát. Cho dù tu pháp môn nào, theo tinh thần nhà Phật, chúng ta học là phải giác ngộ, để mình có cái thấy không bị cuộc đời làm đau khổ. Phật dạy giác ngộ điều gì? Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ nhất Phật dạy là:
Thế gian vô thường,
Quốc độ nguy thúy,
Tứ đại khổ không,
Ngũ ấm vô ngã.
Sanh diệt biến dị,
Hư ngụy vô chủ,
Tâm thị ác nguyên,
Hình vi tội tẩu,
Như thị quán sát,
Tiệm ly sanh tử.
Đức Phật dạy thế gian này vô thường, mỏng manh, tạm bợ. Ngày xưa khí hậu không nóng bao nhiêu nhưng bây giờ càng ngày càng nóng. Rồi động đất, sóng thần, chiến tranh, bạo động, khủng bố… tất cả mọi nơi đều có. Phật dạy thế gian vốn là như thế, cõi nước mình ở vốn là giòn bở. Bây giờ khoa học chứng minh trái đất mỏng giống như vỏ trứng gà, chỉ cần đụng nhẹ là bể vụn.
Tất cả chúng ta đều như nhau cả . Khi khổ đến mình mong muốn cho nó qua mau. Khi vui chúng ta mong muốn thời gian ngừng lại cho mình hưởng thụ. Mà thời gian thì không dừng, cứ chầm chậm trôi. Một tuổi, hai tuổi... mười tuổi, hai chục tuổi, ba chục tuổi... cứ tăng lên.
Đức Phật dạy cõi nước này vô thường, mỏng manh, tạm bợ mà chúng ta vẫn thích thú, vẫn chìm ở trong biển khổ. Hỏi thật quý Phật tử thích thú không? Thích mình mới có mặt trong cuộc đời này chứ.
Trong Nghệ thuật sống có kể câu chuyện:
Một hôm Thượng Đế thấy những con vật, con người ở trần gian sống không có tuổi tác nên quyết định cho con lừa, con chó, con khỉ và con người một số tuổi nào đó. Có nghĩa là xuống trần gian bao nhiêu năm rồi phải đi, không được ở luôn.
Đầu tiên con lừa bước raThượng Đế cho lừa xuống trần gian ba chục năm. Lừa khóc, nói ở trần gian đâu có sung sướng gì, phải làm việc cực khổ lắm. Thượng Đế thấy tội quá, thôi được, bớt cho nhà ngươi mười lăm năm. Lừa mừng quá đi vào. Con chó bước raThượng Đế cho ba chục năm. Chó nói phải thức đêm canh nhà cho chủ, lỡ nhà bị mất trộm là bị chủ chửi mắng đánh đập. Ăn thì chỉ ăn cơm thừa canh cặn chớ sung sướng gì đâu. Chó xin mười lăm năm ở trần gian thôi. Thượng Đế đồng ý. Tới con khỉ bước raThượng Đế thấy khỉ nhảy nhót vui vẻ nên cho xuống trần gian ba chục năm, khỉ cũng không chịu, Thượng đế rút lại còn mười lăm năm.
Cuối cùng con người bước ra một cách mạnh bạoThượng Đế phán liền ba chục năm. Con người khóc lóc than rằng ba mươi tuổi là lúc cuộc đời xanh tươi hạnh phúc nhất nên không chịu rời cõi trầnThượng Đế cho thêm mười lăm năm tuổi của con lừa. Con người không chịu, nói bốn mươi lăm tuổi sức sống đang tràn đầy. Thượng Đế cho thêm mười lăm năm tuổi của chó, con người cũng chưa chịu nên Ngài phải cho luôn mười lăm năm tuổi của con khỉ, rồi Thượng Đế phủi tay áo đi vào. Và tuần tự, con lừa, con chó, con khỉ, và con người có mặt trong nhân gian.
Khi còn nhỏ được cha mẹ nuôi nấng, chúng ta không biết khổ là gì. Một tuổi đến ba mươi tuổi là tuổi trẻ trung hạnh phúc nhất. Lớn lên lập gia đìnhchúng ta phải đi cày để lo cho vợ, cho chồng, cho con, đó là mười lăm năm của con lừa! Già hơn một chút, tới tuổi về hưu, chúng ta giữ nhà cho con là mười lăm năm của con chó! Rồi tới mười lăm năm của con khỉ, chúng ta coi cháu, nó khóc mình phải làm trò nhảy nhót cho nó vui! Như vậy hình ảnh con lừa, con chó rồi con khỉ cũng là hình ảnh con người
Phật dạy:
Thế gian vô thường,
Cõi nước giòn bở,
Bốn đại khổ không,
Năm ấm vô ngã.
Sanh diệt biến đổi,
Giả dối không chủ,
Tâm là nguồn ác,
Thân là rừng tội,
Quán sát như thế,
Thoát ly sanh tử.
Tức là sanh diệt biến đổi liên tụcgiả dối không có chủ. Tâm là nguồn gốc của thị phi phải quấy hơn thua. Tâm vọng động, từ vọng động đó, bắt đầu nó đi vào con đường tội lỗi của thân khẩu ý. Chẳng hạn mình nghĩ ác thì làm ác, nói ác. Nếu chúng ta quán sát như thế liên tục thì dần dần ra khỏi con đường sanh tử.
Quán chiếu sự tan rã của muôn pháp, tức là chúng ta quán chiếu tự thân, nội tâmhoàn cảnh, và tất cả người thân, để có một cái nhìn xuyên suốt, khi sự việc đến, hoặc người thân đột ngột ra đi, chúng ta không buồn khổ. Đó là tinh thần Phật dạy.
Vào thời Đức Phật, Kisa-Gotami có một đứa con trai rất đẹp, lên ba tuổi bị bệnh chết. Cô buồn khổ khóc lóc suốt ngày đêm, không chịu đem chôn. Có người mách với cô, Đức Phật Thích-ca-mâu-ni hiện ở thành Xá VệTinh Xá Kỳ Viên có năng lực phi phàm, cô hãy đến đó nhờ Ngài. Đức Phật nói sẽ làm cho con trai cô sống lại với điều kiện cô phải xin được một nắm tro của nhà nào chưa từng có người chết. Cô đi hết tất cả các nhà, nhà nào cũng từng có người thân qua đời. Cuối cùng cô tỉnh ngộ.
Cũng vào thời Đức Phật, bà Tỳ-xá-khư có một đứa cháu nội ba tuổi chết. Bà khóc vì buồn khổ. Đức Phật hỏi bà có thích tất cả những người trong thành Xá Vệ này là người thân yêu của bà không. Bà bảo, nếu được như thế thì bà rất vui. Đức Phật nói, nếu vậy thì ngày nào bà cũng buồn khổ, khóc lóc vì ngày nào cũng có người chết. Rồi Phật nói kệ cho bà Tỳ-xá-khư:
Tất cả hành vô thường,
Tất cả hành là khổ,
Tất cả pháp vô ngã,
Thấy thế với trí tuệ,
Liền thoát ly khổ đau,
Đó là đường thanh tịnh.
Tất cả hành là vô thường, tất cả hành là khổ. Cái gì có mặt trong cuộc đời này mà do duyên hợp thì là khổ, là vô thường, là vô ngã. Thấy bằng trí tuệ thì tức khắc thoát khỏi những cảnh khổ đau trong cuộc đời. Muốn hết khổ, muốn được an vui tự tạichúng ta không phải nói suông, nghe suông, mà phải có một sức dụng công để cho những gì còn cù cặn trong tâm thức, những bóng dáng của tập khí buồn giận, yêu ghét, tật đố, ích kỷ xan tham, những hạt giống xấu mà ngày xưa chúng ta cho là của mình chết đi.
Có một thương nhân giàu có buôn bán đồ cổ, ông đi tất cả các nước, những gì quý nhất ông đều mua đem về. Một hôm khi đến khu rừng ở châu Phi, ông mua được một con chim hiểu và nói được tiếng người. Đem về nước ông cho chim ở trong chiếc lồng bằng vàng, ly nước chim uống được làm bằng ngọc, và cho chim ăn những gì ngon nhất. Dù ở trong lồng vàng, uống nước bằng ly ngọc, thức ăn đầy đủ chim vẫn buồn.
Một hôm chuẩn bị đi xa, ông đến nói với chim:
- Này bạn, tôi chuẩn bị đi một chuyến buôn hàng rất xa, chuyến đi này đến đất nước của bạn, bạn cần gì không?
Chim nói:
- Ông làm ơn đến khu rừng ngày xưa ông mua tôi. Ở đó tôi có một số bạn, ông hỏi bạn tôi xem có cách nào cứu tôi ra khỏi chiếc lồng này.
Ông thương nhân cười nghĩ thầm: “Lâu nay tưởng con chim này thông minh lắm không ngờ nó ngu quá. Dầu cho bạn mày chỉ cho cách ra khỏi cái lồng này nhưng tao nắm chìa khóa trong tay thì làm sao mày ra được.”
Mỗi người chúng ta đều ở trong một cái lồng. Quý Phật tử ở trong đất nước giàu có sung túc, mở tủ lạnh ra là thức ăn đầy đủ phô mai, bơ sữa… Đó là quý Phật tử được phúc duyên ở trong cái lồng vàng. Tôi ở trong đất nước hơi khổ một chút, tủ lạnh của thiền viện toàn là rau, thì ví như tôi đang ở trong một cái lồng bằng sắt hay bằng chì. Dầu lồng sắt hay lồng vàng, cũng là ở trong lồng. Chúng ta không được tự do tự tại vì cũng đang bị nhốt. Mà người nắm chìa khóa là ai? Chúng ta, là nghiệp nắm giữ vận mệnh của mình. Nhưng tinh thần của nhà Phật là chuyển nghiệp được.
Khi ông thương nhân gặp bạn của con chim ở nhà, ông nói:
- Này bạn, bạn có một người bạn hiện đang ở nhà tôi, trong một cái lồng bằng vàng. Bạn ấy lúc nào cũng buồn và nhờ tôi hỏi bạn có cách gì cứu bạn ấy ra khỏi chiếc lồng không?
Con chim nghe nói như thế liền nhắm mắt lại gục xuống chết. Ông không ngờ tình bạn của nó quá đặc biệt. Về đến nhà, việc đầu tiên là ông đến chiếc lồng kể cho chim nghe câu chuyện ông gặp bạn của nó. Nghe xong nó cũng gục xuống chết luôn. Ông thương nhân không ngờ loài súc sanh mà thương mến nhau quá. Ông mở cửa lồng lấy con chim đặt trên lòng bàn tay, bất thình lình con chim bay vù lên cây và nói:
- Bạn tôi đã chỉ cho tôi bí quyết, muốn thoát khỏi cái lồng này thì phải chết.
Bí quyết mà Đức Phật muốn chỉ dạy là muốn thoát cái lồng nghiệp này thì chúng ta phải mạnh dạn, một lần chết đi để ngàn năm sống lại vĩnh viễntinh thần nhà Thiền gọi là tuyệt hậu tái tô. Phật dạy rất rõ nhưng chúng ta không bao giờ chịu chết mà cứ nhớ mãi, nhớ đủ thứ chuyện. Chúng ta luôn sống trong quá khứ, những tâm niệm đau thương tủi hận không chết đi thì làm sao chúng ta sống được.
Có một bà già tu ba chục năm mà không ngộ đạo, không có niềm vui. Một hôm bà đến Thiền viện Pa-Auk, gặp một vị Thiền sư, bà nói:
- Thưa Thầy, con theo Thầy suốt ba chục năm rồi, con tu hoài mà không được giác ngộ.
Thiền sư nói:
Sở dĩ bà không được sự giác ngộ là vì bà không dám chết. Bà mạnh dạn chết đi thì bà được sống liền.
Bà suy nghĩ mình lớn tuổi rồi nên chấp nhận chết.
Thiền sư nói:
Phương pháp chết này không phải tôi giết bà, cũng không phải bắt bà tự tử. Tôi cho bà ba chữ thôi: Mặc kệ nó.
Khi bà ôm công án Mặc kệ nó, bước chân vào nhà, ông chồng nói:
- Bà ơi, hai mẫu đất ngày xưa người ta trả có ba tỷ, bây giờ bán được mười tỷ, bà mừng không?
Bà nói:
Mặc kệ nó.
Bà đi vào nhà. Nghe tin đứa con trai đậu vào đại học y khoa mà ngày xưa bà rất ao ước, bà cũng nói: Mặc kệ nó.
Rồi một hôm đang chiên cá, do bà ôm ấp công án đó, bà chỉ nghĩ công án đó thôi, bất thình lình con cá phựt lửa cháy. Ông chồng từ xa thấy la lớn cá cháy rồi, bà cũng nói: Mặc kệ nó. Bỗng nhiên bà ngộ đạo. Bà úp cái chảo xuống, đến trình Thiền sư Pa-Auk.
Bà nói:
- Con đã hoàn thành sứ mệnh. Con đã cho những tâm niệm đó chết, bây giờ con sống lại trong hình hài mới mẻ của con.
Như vậy Quý Phật Tử phải nhớ kỹ rằng:  Cho dù tu pháp môn nào, theo tinh thần nhà Phật, chúng ta học là phải giác ngộ, để mình có cái thấy không bị cuộc đời làm đau khổ, để mình biết Nhìn đời như bọt nước, như ảo ảnhTất cả rồi sẽ tan rã, vỡ vụn...
Giác ngộ như thế xong rồi mới có thể giải thoát được .

Thiền Viện Sùng Phúc
Trích : Pháp thoại tại CHLB Đức