Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Bài Ca Trường Sơn


Trường Sơn! Đường ta qua chưa một dấu chân người
Chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác
Dừng ở lưng đèo nghe suốt hát
Ngắt đóa hoa rừng gài lên mũ, ta đi!

Trường Sơn! Đèo vút cao vượt trên mây gió
Đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân
Đi ta đi những trai làng Phù Đổng
- Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!

Ôi những vì sao thức cùng ta đêm đêm không mỏi
Như mắt em mang trọn niềm tin yêu chờ đợi
Như ngọn hải đăng vời vợi nghìn trùng
Giục lòng ta vượt Trường Sơn
Đi luyện chí anh hùng

Miền Nam gọi ta bằng tiếng pháo xé trời Đà Nẵng
Bằng đường lê ngang dọc Sài Gòn
Bằng Huế hiên ngang tung bay cờ Giải Phóng
Từng phút từng giờ thôi thúc, Trường Sơn!

Trường Sơn ơi! Ta biết người còn mang gánh nặng
Nhức nhối nửa đầu đòn gánh: miền Nam!
Nhớ má Năm Căn, thương em Cửa Việt
Mười bốn năm – một giấc ngủ chưa tròn!

Miền Nam! Miền Nam! Lửa đốt lòng ta
Hỡi Trường Sơn hãy biến thành con ngựa sắt
Và rừng xanh thành vạn khóm tre ngà
Cho con cháu Bác Hồ làm Thiên Vương đuổi giặc

Đêm nay ta đi, Trường Sơn lộng gió
Trời vắng trăng sao nhưng trong tim rực lửa
- Đi ta làm ngọn sóng giữa trùng dương
Quật xuống đầu thù bằng sức mạnh Trường Sơn!

 Gia Dũng

*Tranh Hoàng Đình Tài

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Thiện và Bất Thiện


Hoa đẹp hôm nay, mai sẽ tàn
Không gì Vĩnh cửu, để đeo mang
Phước Nghiệp mới theo mình mãi mãi
Tạo Phước đường Tu, sẽ vững vàng
- Mạc Đĩnh Chi -



THIỆN VÀ BẤT THIỆN
Một trong những biểu hiện cụ thể của người thực tu theo Chánh pháp là sống đời thiện lành; đoạn trước, đoạn giữa và đoạn sau tất cả đều thiện. Có không ít đệ tử Phật thường khái quát cách thức tu tập của mình là tu tâm. Ăn chay cũng do cái tâm, giữ giới cũng dựa trên cái tâm, làm phước cũng xuất phát từ cái tâm v.v... Dĩ nhiên tu tâm là quá đúng. Nhưng vì chữ tâm trong đạo Phật có ý nghĩa vừa sâu kín lại vừa bao la, tâm vô hình vô tướng thoắt ẩn thoắt hiện, không phải ai cũng hiểu trọn cái tâm nên tuy thường nói tu tâm mà thực ra vô cùng lúng túng chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Theo lời dạy của Thế Tôn, tu tập hướng thiện phải thiết thực, cụ thể, tức chuyển hóa ba nghiệp thân miệng ý từ xấu ác sang thiện lành. Nói cách khác là tu mười nghiệp thiện, ba thiện nghiệp của thân, bốn thiện nghiệp của miệng, ba thiện nghiệp của ý. Và đây cũng chính là quy chuẩn về thiện và bất thiện theo quan điểm của Thế Tôn. Tạo mười nghiệp lành thì gọi là thiện, được sinh về cõi lành. Ngược lại tạo mười nghiệp ác thì gọi là bất thiện, sẽ sinh về cõi ác súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ nói về hạnh thiện và bất thiện. Lắng nghe, lắng nghe, khéo suy nghĩ đó!
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.

Thế Tôn dạy:
- Thế nào gọi là bất thiện? Thế nào gọi là thiện? Nghĩa là: sát sanh là bất thiện, không sát sanh là thiện; lấy của không cho là bất thiện, lấy của cho là thiện; dâm là bất thiện, không dâm là thiện; nói dối là bất thiện, không nói dối là thiện; nói thêu dệt là bất thiện, không nói thêu dệt là thiện; nói hai lưỡi là bất thiện, không nói hai lưỡi là thiện, đấu loạn kia đây là bất thiện, không đấu loạn kia đây là thiện; tham của người là bất thiện, không tham của người là thiện; nổi giận là bất thiện, không nổi giận là thiện; tà kiến là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như thế, này các Tỳ-kheo, hành điều ác này xong, đọa trong súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Nếu người làm lành liền sanh trong loài Người, lên Trời và trong các đường lành, A-tu-la. Thế nên, hãy xa lìa hạnh ác, tu tập hạnh lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

( Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm16.Hỏa diệt, 
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.211)

Qua pháp thoại trên, thiện và bất thiện được Thế Tôn phân định thật rõ ràng. Không sát hại, không trộm cướp, không tà hạnh (ba thiện nghiệp của thân); Không nói dối, không nói thô ác, không nói đâm thọc, không nói thêu dệt (bốn thiện nghiệp của miệng); Không tham lam, không sân hận, không tà kiến si mê (ba thiện nghiệp của ý) chính là thiện. Ngược lại là bất thiện. Tạo bất thiện thì sinh vào cõi ác, tu thiện thì sinh vào cõi lành.

Vẫn biết, trọng tâm của tu tập theo giáo pháp Thế Tôn là chứng đắc giải thoát Niết-bàn, thoát ly sinh tử luân hồi ngay trong đời này. Tuy nhiên, phân biệt rõ thiện ác và lập chíhành thiện để thành tựu công đức, phước báo trong hiện tại và vị lai cũng là một trong những mục tiêu tu tập quan trọng của hàng Phật tử. Nhờ nắm được pháp căn bản này, người đệ tử Phật khi chưa hội đủ duyên lành tu tập chỉ quán để lần lượt chứng đạt bốn Thánh quả thì có thể chuyển hóa thân tâm theo mười điều thiện, đảm bảo thành tựu kết quả “nay vui đời sau vui”.

Quảng Tánh





Kinh CÁC CĂN BẢN BẤT THIỆN - Mula Sutta

Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện.

Cái gì là tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy bất thiệnAi với lòng tham có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy bất thiện. Với ai có lòng tham, bị lòng tham chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh từ tham, duyên khởi từ tham, tập khởi từ tham, khởi lên nơi người ấy.

Cái gì là sân, này các Tỷ-kheo, cái ấy bất thiện. Ai với lòng sân có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy bất thiện. Với ai có lòng sân, bị lòng sân chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh từ sân, duyên khởi từ sân, tập khởi từ sân, khởi lên nơi người ấy.

Cái gì là si, này các Tỷ-kheo, cái ấy bất thiện. Ai với lòng si có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy bất thiện. Với ai có lòng si, bị lòng si chinh phục, tâm không được tự chủ, vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếchay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là bất thiện. Như vậy, rất nhiều ác bất thiện pháp này sanh từ si, duyên khởi từ si, tập khởi từ si, khởi lên nơi người ấy.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp, nói phi luật. Vì sao người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp, nói phi luật? Như vầy là vì người này, này các Tỷ-kheo, đã vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh". Khi được đối chất với sự thật, người ấy phủ nhận, không có chấp nhận, khi được đối chất với sự không thật, người ấy không có nhiệt tình thoát mở ra ngoài, nói rằng: "Đây là không chân, đây là không thực". Cho nên, người như vậy được gọi là người nói phi thời, nói không thực, nói không trúng đích, nói phi pháp, nói phi luật.
Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do tham sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do sân sanh nhiếp phục, tâm mất sự tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do si sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổvới sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.

Ví như này các Tỷ-kheo, cây Sāla hay cây Dhava hay cây Phandana bị phá hoại, bị bao trùm bởi ba loại tầm gởi, đi đến tổn hại, đi đến bất hạnh, đi đến tổn hại, và bất hạnh.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do tham sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do sân sanh nhiếp phục, tâm mất sự tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị các ác bất thiện pháp do si sanh nhiếp phục, tâm mất tự chủ, ngay trong hiện tại sống đau khổ với sự tổn não, với sự ưu não, với sự nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là ác thú.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn bản bất thiện.

Có ba căn bản của thiện, này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Không tham là căn bản của thiện, không sânlà căn bản của thiện, không si là căn bản của thiện.

Cái gì là không tham, này các Tỷ-kheo, cái ấy thiện. Ai với lòng không tham có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy thiện. Ai không có lòng tham, không bị lòng tham chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện pháp này sanh từ không tham, duyên khởi từ không tham, tập khởi từ không tham, khởi lên nơi người ấy.

Cái gì là không sân, này các Tỷ-kheo, cái ấy thiện. Ai với lòng không sân có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy thiện. Với ai không có lòng sân, không bị lòng sân chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện pháp này sanh từ không sân, duyên khởi từ không sân, tập khởi từ không sân, khởi lên nơi người ấy.

Cái gì là không si, này các Tỷ-kheo, cái ấy là thiện. Ai với lòng không si có làm gì về thân, về lời, về ý, cái ấy thiện. Với ai không có lòng si, không bị lòng si chinh phục, tâm được tự chủ, không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh", cái ấy là thiện. Như vậy, rất nhiều thiện pháp này sanh ra từ không si, duyên khởi từ không si, tập khởi từ không si, khởi lên nơi người ấy.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, người này được gọi là người nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp, nói đúng luật. Vì sao người như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là người nói đúng thời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp, nói đúng luật? Như vầy là vì người này, này các Tỷ-kheo, đã không vu cáo làm người khác đau khổ, bằng cách sát hại, trói buộc, tịch thu tài sản, mắng nhiếc hay tẩn xuất, dựa trên: "Ta là sức mạnh, ta có sức mạnh". Khi được đối chất với sự thật, người ấy chấp nhận, không có phủ nhận, khi được đối chất với sự không thật, người ấy nhiệt tình thoát mở ra ngoài, nói rằng: "Đây là chân, đây là thực". Cho nên, người như vậy được gọi là người nói đúngthời, nói thực, nói trúng đích, nói đúng pháp, nói đúng luật.
Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do tham sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởitrong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do sân sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do si sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn.

Ví như, này các Tỷ-kheo, cây Sāla hay cây Dhava, cây Phandana, bị ba cây tầm gởi phá hoại bao trùm. Rồi có người đi đến, cầm cuốc và thúng. Người ấy chặt đứt rễ cây tầm gởi ấy, sau khi chặt đứt rễ, người ấy đào mương. Đào mương xong, người ấy nhổ các rễ lên, nhổ cho đến các rễ nhỏ, rễ có mùi thơm (Usīra). Rồi người ấy chặt cây tầm gởi thành từng khúc nhỏ, bửa và chẻ thành từng mảnh nhỏ, người ấy đem phơi giữa gió và mặt trời. Sau khi phơi giữa gió và mặt trời, người ấy lấy lửa đốt, làm thành một đống tro, và quạt chúng ra giữa gió lớn, hay đổ chúng xuống dòng nước chảy nhanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các cây tầm gởi ấy, bị cắt đứt gốc từ rễ, bị làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiệndo tham sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do sân sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, đoạn tận các ác bất thiện do si sanh, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Tāla, làm cho không hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai, ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, ngay trong hiện tại được Bát-Niết-bàn.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là ba căn bản của thiện.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt