Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất



" Sống có đức thì ở đâu Thần phật cũng biết "

Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật
Chúng ta bắt đầu bước vào tháng Giêng, một tháng của lễ hội. Khi lễ hội Chùa Hương chưa khai mạc thì mỗi ngày đã có năm, sáu vạn khách. Có lẽ trong tháng này, rất nhiều người không còn tâm trí cho công việc cho dù họ vẫn đến công sở. Bao nhiều lễ hội, bao nhiêu đền chùa đang đợi họ. Nào lễ hội Chùa Hương, nào chợ Viềng, nào đền Đức Thánh Cả, nào đền Bà Chúa Kho, nào Bia Bà....
Chúng ta phải thừa nhận rằng: trong dòng người cuồn cuộn như sông mùa lũ đến đền, đến chùa thì số người thực sự đi vãn cảnh, du xuân như một nét đẹp văn hoá, như một đời sống tinh thần là phần nhiều nhưng người đi cầu tiền tài, chức tước cũng không ít.
Không ai bảo những người đi cầu tiền tài, chức tước là không chính đáng. Nhưng soi xét cho tận gốc rễ của vấn đề thì đó là điều thật đáng lo. Bây giờ, để có được những lợi ích cá nhân người ta có thể làm tất cả những gì có thể kể cả việc "hối lộ Thánh Thần".
Tôi không phải là người nghĩ ra cụm từ "hối lộ Thánh Thần" xếch mé, láo xược này. Đó là cụm từ do người dân sáng tạo ra từ những quan sát thực tế mà ta có thể gọi đó là sản phẩm của dân gian. Một người bạn vong niên đầu năm khuyên tôi một cách chân thành: "Nếu chú mày muốn có một chút chức tước thì phải đến đền Đức Thánh Trần xin Ngài một câu".
Cho dù tôi có muốn một cái bỉ chức nào đó thì tôi cũng không bao giờ đến để xin Ngài điều ấy. Vì đến thì cũng phải dâng lễ cho dù lễ to hay lễ nhỏ. Rồi thì phải khấn rằng: "Con có chút lễ mọn dâng lên Ngài xin ngài cho con năm nay được lên chức đội
phó".
 
Nói như thế là bắt đầu hỗn láo với Ngài rồi. Thế hoá ra Ngài là trưởng ban tổ chức của thế gian ư? Chẳng lẽ Ngài là Thánh lại nhận mấy cái lễ mọn hay cho dù cả tỷ đồng để làm cái điều ấy ư? Tôi thì tôi vẫn nghĩ rằng ở không ít ngôi đền, ngôi chùa lâu nay Thánh Thần không còn trú ngụ hay ghé qua đó nữa. Bởi ở những nơi như thế lâu nay chỉ là cảnh chen lấn, cảnh mua Thần bán Thánh, cảnh mê tín dị đoan, cảnh lừa nhau để kiếm chác. Các Ngài làm sao chịu nổi những cảnh ấy. Vì thế, các Ngài có đâu mà biết đến những trò "hối lộ Thánh Thần" .
Khi nghe tôi tâm sự điều này, có người vặn vẹo: "Thế sao mấy tay hay đến đó xin chức tước đều được thăng quan tiến chức cả". Nghe vậy, tôi lại bảo: "Đừng xúc phạm Thánh Thần mà có ngày hối không kịp. Việc muốn thăng quan tiến chức là nhờ mấy "ông thánh ông thần" ngồi ở phòng máy lạnh chứ đâu phải Thánh Thần trong đền trong chùa".
Mẹ tôi hầu như cả đời không đi chùa cúng lễ. Bà nói: "Sống có đức thì ở đâu Thần Phật cũng biết". Mẹ tôi cũng nói: "Nếu Thần Phật chỉ phù hộ độ trì cho những ai đến chùa dâng lễ thì lòng tin của bà vào Thần Phật cũng sẽ chấm dứt. Với bà, Thần Phật mà như thế thì khác gì mấy ông, mấy bà dưới trần này. Bà thấu hiểu câu nói của người xưa: thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Đúng là như vậy. Ai đó cứ phải chọn chùa mới thể hiện được lòng từ bi của mình thì người đó chưa thực sự từ bi.
Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật. Bởi thế, ngôi chùa hay ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người.

 
Thế nhưng, quá ít người biết điều đó. Họ thì thầm kháo nhau về ngôi đền này thiêng lắm, ngôi chùa kia thiêng lắm, xin gì được nấy. Thế là nườm nượp kéo nhau đi. Rồi xì xụp khấn vái với đủ lễ vật to nhỏ. Thử hỏi có mấy ai đến đền, đến chùa chỉ bằng một nén nhang tâm tưởng trong sâu thẳm lòng mình để nói với Thánh Thần rằng lòng họ vẫn còn những u tối, còn những tham lam, còn nhiều ghen ghét.... xin Thánh Thần ban cho họ ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi để xua đi những điều tội lỗi kia trong lòng ???
Mà chỉ thấy hết người này đến người nọ cầu xin mọi thứ có lợi cho mình rồi sau khi ra khỏi cửa đền, cửa chùa thì thản nhiên đối xử với nhân quần bằng trái tim vô cảm và nhiều mưu mô, toan tính. Thế mà sao Thần Thánh vẫn mang cho họ nhiều bổng lộc?
Khi đặt câu hỏi như vậy tôi đã vô tình trở thành kẻ hỗn láo và xúc phạm Thánh Thần. Một người nói cho tôi nghe rằng: không phải Thánh Thần giúp đỡ những kẻ đó mà Thánh Thần đang đi vắng và vô tình lãng quên thế gian một đôi ngày. Mà một ngày của Thánh Thần bằng 100 năm của những kẻ trần thế. Nhưng Thánh Thần sẽ quay lại. Thế gian không thể mãi mãi suy đồi như thế được.
Nhưng tôi lại không nghĩ rằng Thánh Thần đi vắng. Thánh Thần vẫn dõi theo con người dưới thế gian từng giây từng phút. Thánh Thần đã gửi thông điệp từng ngày cho con người để cảnh báo về tai hoạ sẽ ập xuống thế gian bởi chính con người. Thông điệp đó hiện ra trong thiên tai dịch hoạ, hiện ra trong những giết chóc của con người, hiện ra trong sự đối xử tàn tệ của con người với con người, hiện ra trong những cơn hoảng loạn, mù loà của con người, hiện ra trong sự trống rỗng tâm hồn của con người...
Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông... lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh.
 
Nguyễn Quang Thiều

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

Hoa đào

Hoa đào còn bỡn gió xuân đây



Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiểu xuân (đông) phong. (*)


Nghĩa là:
Hoa Đào Năm Ngóai

Năm ngoái ngày này trong cánh cửa này,
Mặt người và hoa đào cùng chiếu ánh hồng cho nhau,
Mặt người không biết đã đi đâu rồi,
Hoa đào vẫn còn cười với gió đông như xưa.

(*) Bút tích bằng chử Hán trên là Xuân phong, vì theo các nhà luận bàn cho biết thì Thôi Hộ viết bài thơ nầy trong tiết Thanh Minh, là mùa Xuân, nên có thể đây là gió Xuân từ phương Đông thổi về, do vậy Xuân hay Đông phong là tùy thiển ý của từng người khi đọc thơ Thôi Hộ vậy.

Bài thơ "Hoa Đào" này được Cụ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu dịch nôm như sau:

Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.

**
Ngòai ra, Cụ Nguyễn Du cũng đã dùng ý của bài thơ này trong hai câu của “Truyện Kiều :
....
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
....

Đây là chuyện kể về chàng thư sinh Thôi Hộ thời Đường, sau khi thi trượt, buồn nên bỏ đi hoang trong rừng, khát nước bèn ghé một ngôi nhà gỏ cửa xin nước uống…
Uống xong, không còn cớ gì lưu lại nên Thôi Hộ cáo từ ra về.
Năm sau, cũng tiết Thanh Minh, nhớ lại chuyện cũ, Thôi Hộ trở lại vườn đào năm xưa thì thấy ngôi nhà khóa cửa im lìm, bèn đưa bút đề lên cánh cửa bốn câu thơ

-st-  

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Mừng xuân Bính Thân


" Vui thay chúng ta sống, không tham giữa cuộc đời đầy tham
Vui thay chúng ta sống, không sân giữa cuộc đời đầy sân
Vui thay chúng ta sống, không mê lầm giữa cuộc đời đầy mê lầm "
- Kinh Pháp cú -

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Trái tim nhân hậu


Sáng nay, tôi vội vã lái xe về nhà sau khi làm xong mấy việc lặt vặt. Khi tôi quẹo phải vào khu phố tôi sống, chỗ hơi choáng tầm nhìn vì mấy bụi cây, thì một cậu bé mặc áo thun vàng băng vụt qua đường, ngay trước mũi xe tôi. Nó nhướn hết cả người trên pedal chiếc xe màu đỏ, gò chân đạp. Lù lù ngay trước mũi xe tôi, thằng bé vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.
Đúng thế! Nó vù qua, cách cản xe tôi có vài phân. Tôi đạp mạnh bàn thắng, phản ứng hoàn toàn vô thức trong khi nó đã phóng đi mất hút. Run bần bật, phải mất một phút sau tôi mới thở lại được. Chỉ trong một tích tắc khủng khiếp thôi, thằng bé chắc chắn đã tiêu đời. Rồi cha mẹ nó sẽ đau khổ suốt đời, và cuộc sống của tôi sẽ mãi là một chuỗi ác mộng.
Vẫn tiếp tục xuôi dọc theo con phố, tôi nhớ lại gương mặt thằng bé thoáng sượt qua. Được cường điệu thêm bởi nỗi sợ, tôi nhớ như in đôi mắt mở lớn của nó, mang vẻ bạo dạn, lì lợm pha lẫn với vẻ sợ sệt. Lại còn nụ cười vênh váo hơi nhá lên bày tỏ sự chiến thắng cái thế giới hay lo lắng đến nhàm chán của người lớn nữa chứ. Hình ảnh nó sống động quá, chẳng mảy may đoái hoài đến nỗi kinh hãi của tôi. Thế là cảm giác hú vía vì suýt nữa giết chết nó được thay thế ngay bằng cơn giận phừng phừng.
Cáu sườn và bức bối vì sự bất cẩn của thằng bé chứ không phải của mình, tôi lái xe về nhà. Nỗi ám ảnh đó cứ đeo đẳng tôi mãi khiến tôi không yên suốt cả ngày. Tới khi trời chạng vạng, tôi chợt nhớ lại chuyện về Mike Roberts, thằng bạn nối khố của tôi cách đây lâu lắm rồi.
Hồi đó, cha tôi là bác sĩ trong một thị trấn Sông Ohio nhỏ bé. Cha mẹ tôi và cha mẹ Mike là chỗ bạn bè thân tình. Thật ra, nhà của nó chỉ cách bệnh viện của cha tôi có một dãy phố.
Mikey, tên thân mật của Mike, rất gan dạ và thích mạo hiểm. Mẹ cậu ta, cô Judy, rất quý mến bọn con nít tụi tôi. Cô thường làm món bánh quy bơ đậu phộng đãi mọi người. Nhà họ không bao giờ khoá, tôi thường tới chơi và ở lại.
Vào thứ Sáu nọ, mẹ tôi đi Cincinnati để mua sắm nên bảo tôi tới nhà Roberts ở một ngày. Cô Judy đang chờ tôi tới.
Cho dù mẹ đã dặn là khôn được ăn quá nhiều bánh quy và không được đi xe đạp ra đường, nhưng khi mẹ vừa rời khỏi, tôi liền nhảy phóc lên xe đạp, phóng thẳng tới nhà Roberts. Cách chỗ cua dẫn đến khu phố nhà Mikey chừng 50 mét, chợt tôi nghe thấy một tiếng rít rợn người. Đó là tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường lẫn với tiếng đạp thắng đột ngột. Âm thanh chỉ rú lên rồi im bặt mà tôi tưởng như nó kéo dài vô tận. Tiếp theo lá tiếng kim loại va vào nhau loảng xoảng. Trong nháy mắt tôi phóng xe hết tốc lực, quẹo vào góc phố nơi phát ra âm thanh đó.
Một chiếc xe tải nằm giữa đường, gần như quay ngang. Ngay trước tấm chắn bùn là chiếc Schwinn đỏ của Mike, gập oặt làm đôi, hai bánh xe xẹp lép xếp chồng lên nhau.
Mikey đang nằm sóng xoài trên cỏ, một người đàn ông vạm vỡ cúi xuống nó. Tôi quăng xe đêp và chạy tới chỗ thằng bạn đang nằm bất động. Vừa lúc, cửa trước nhà Mikey mở to, cô Judy chạy ào ra. Tôi chưa từng bao giờ thấy ai chạy nhanh đến thế. Đồng thời, một cáng thương xuất hiện từ bệnh viện của cha tôi, theo sau là ông cùng một người đứng tuổi khác.
Người đi đường lập tức bu lại. Cô Judy quỳ xuống đầu Mikey và nhẹ nhàng xoa trán nó. Cha tôi bảo cô đừng di chuyển nạn nhân rồi cúi xuống khám cho Mikey. Gã tài xế xe tải lết ra ngồi phệt xuống đất cách đó vài mét. Một khối thịt nặng cả trăm ký là ít, bọc trong đồ bảo hộ màu xanh da trời và áo sơ mi đỏ. Hai vai u bắp chống cái cổ dày với những ngấn sâu nhuếnh ngoáng mồ hôi.
Gã ta ngồi trên cỏ điếng hồn, đầu gục xuống đầu gối, vai rũ xụi lơ, nhưng tôi không nghĩ là gã khóc.
Tôi nhìn trừng trừng người đàn ông, cố ý cho ông ta hiểu tôi căm giận tới mức nào. Đáng lẽ ông phải cẩn thận hơn chứ, tôi nghĩ. Vẻ ngại ngùng trước người lớn biến mất – họ thường không khiến tôi quan tâm. Người này vừa làm bạn tôi bị thương. Tôi muốn trả thù ông ta bằng cách kinh khủng nào đó.
Vài phút sau, Mikey tỉnh lại và bật khóc. Cha tôi giữ cho nó cố định trên tấm bạt rồi khiêng đặt lên băng ca. Cô Judy giữ tay Mikey. Tất cả cùng hối hả hướng về phía phòng cấp cứu. Chỉ còn lại mình tôi với người tài xế xe tải, giờ đã đổi tư thế ngồi gục đầu vào cánh tay khoanh vòng. Toàn thân ông ta vẫn run rẩy như bị sốt rét.
Chúng tôi ngồi im lặng rất lâu. Rồi cô Judy ra khỏi bệnh viện, bước tới chỗ chúng tôi. Cô bảo Mikey không sao cả, chỉ cánh tay bị thương nhưng không đến nỗi nặng lắm.
Tôi nghĩ cô ấy sẽ tát ông tài xế hoặc chí ít cũng sẽ chửi ông ta xối xả. Nhưng điều cô làm khiến tôi kinh ngạc: cô mời ông ta vào nhà. "Cả cháu nữa", cô bảo tôi.
Cô Judy hỏi tên ông tài xế, mời ông ta ngồi bên lò sưởi và đi pha cà phê. Ông ta khoát tay từ chối nhưng cô vẫn mang cà phê ra, phần tôi có sữa và bánh quy. Stan, người tài xế, không nuốt nổi thứ gì, cứ ngồi chìm lỉm, chặt cứng trong chiếc ghế bành xanh da trời. Chốc chốc ông ta lại run bắn lên. Cô Judy đặt tay lên vai ông ta, cất giọng nhẹ nhàng, "Không phải lỗi tại ông. Ông không chạy quá tốc độ. Mieky đã quá liều mạng. Thật ngu ngốc! Tôi rất hối tiếc vì chuyện đó. Ơn Chúa là nó không bị thương nặng. Tôi không đổ lỗi cho ông. Ông không nên tự trách mình".
Tôi nghe cô một cách hoài nghi. Làm sao mà cô ấy nói được những lời như thế với người suýt giết con mình? Cô ấy có làm sao không nhỉ? Một lúc sau, ông ta đứng dậy rời đi.
Khi ra tới cửa, ông ta quay lại và bảo. "Tôi cũng có một thằng con trai. Tôi hiểu điều gì khiến cô giúp tôi".
Còn tôi thì không sao hiểu nổi vì cớ gì mà cô Judy lại có thể xoa dịu và an ủi người đàn ông… Cho mãi tới ngay hôm nay, khi tôi quẹo vào góc đường quen thuộc, và chỉ vài phân nữa là gây ra một tai nạn kinh hoàng.
Suốt ngày hôm ấy, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, nỗi sợ cứ đeo đẳng. Tôi nghĩ về mẹ của Mikey, về cái ngày mùa thu cách đây lâu lắm rồi. Mặc dù không có ai ở bên an ủi, nói rằng tôi không có lỗi, rằng điều tệ hại vẫn thường xảy ra cho dù ta có cẩn trọng đến thế nào chăng nữa, ký ức ngày ấy đã xuyên thời gian về giúp tôi nguôi ngoai.
Sự cảm thông của người mẹ – tựa món quà của lòng tốt – không bao giờ rời bỏ thế giới này. Nó có tác dụng xoa dịu và chữa lành vết thương. Và cứ tiếp tục như thế… mãi mãi.
W.W.Meade
Hương Lan dịch