Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Lòng tốt không bị đánh cắp


Tan buổi hội thảo vào lúc hơn 12 giờ trưa, chúng tôi ra cổng và gặp một ông già đứng ngả mũ xin tiền lẻ. Một vài người rút ví ra. Tôi vòng xe qua, nhưng rồi đứng lại. Người đàn ông ấy có bộ dạng và cách nói năng lịch sự, chòm râu trắng và khuôn mặt chưa nhiều nếp nhăn. Tôi hỏi sao ông lại phải đi xin tiền lẻ, và cho ông ta số tiền cỡ bằng một lần mừng đám cưới. Hỏi ông đi đâu bây giờ, ông nói ra bến xe để về nhà ở huyện BQ, và tôi cho ông đi nhờ, nhưng nửa đường ông xin xuống trước cổng một quán ăn. Sáng hôm sau, tôi lại nhìn thấy ông ngồi ở đầu cầu và đang hút thuốc lá, đếm một xấp tiền lẻ trên tay, chiếc cặp da cũ để bên cạnh. Có lẽ lúc đó ông chẳng vội vàng gì, và có lẽ ông không phải là nhân vật trong câu chuyện đã kể với tôi lúc trưa hôm trước.
Nếu kể lại với vợ tôi, cha mẹ tôi hay những người bạn khác, họ sẽ cười: Đầu hai thứ tóc rồi mà còn ngây thơ, tin và giúp một người xin ăn chuyên nghiệp. Tôi không nghĩ phải kể lại để làm gì, và nếu điều đó xảy ra, bị cười chê, trách móc, có thể tôi cũng chẳng lấy làm buồn. Vì có điều này họ không biết: Ngay khi đưa tiền cho ông ấy, tôi thực sự muốn quan sát bản thân mình, có thấy tiếc tiền không, có muốn tìm kiếm cái suy nghĩ rằng ta là kẻ hào phóng, là người đức độ hay không… tôi tự hỏi mình điều đó.
Nghe câu chuyện làm mồi xin tiền kia, tôi có tin ngay không, có chút gì nghi ngờ không? Không. Không tiếc tiền, không thấy vui vẻ hào phóng, không thấy mình vừa cao giá đạo đức thêm, không tin cũng không nghi ngờ. Đơn giản thôi: Ông ta muốn xin tiền, và tôi cho tiền, câu chuyện khốn khổ kia là lý do phù hợp để xin. Vậy thì cứ thử cho đi, giúp đi, đừng cầu mong đấy là vị tiên phật biến hóa thử thách lòng người, đừng biến mình thành công an tòa án để phán xét nghi hoặc, đừng sung sướng vì câu người ta nói “ơn anh/chị suốt đời”, đừng cầu đền đáp, đừng nghĩ bỏ tiền ra mua phước thiện để dành,…
Có người sẽ trách tôi: Hâm quá, vui vẻ gì khi giúp đỡ một kẻ lừa đảo. Vậy tôi có tức giận không, có thấy bẽ mặt vì bị lừa không? Những người khác gặp ông một lần, cho ông chút tiền lẻ, họ sẽ giữ được trong lòng niềm vui với ý nghĩ rằng mình là người tốt, mình đã làm việc tốt, giúp đỡ một kẻ khó khăn, mình đã tích thiện, cũng như mỗi lần đi chùa mình đều đóng góp công đức,… Thế còn tôi, tôi còn lại gì? Cho dù ông ta là một kẻ đi xin bằng những câu chuyện không có thật nhằm vào lòng trắc ẩn của con người, thì cuộc đời ông vẫn là một bí ẩn, và tôi chẳng có quyền gì mà phán xét ông. Nếu hôm nay ông lại xin tôi với cùng một cách cũ thì chắc là khó đấy, nhưng thứ mà hôm trước tôi đã cho đi, thì nó là của ông rồi.
Nếu cứ mãi băn khoăn rằng những người ngửa tay, ngả mũ xin ăn kia có thực sự khốn khó và thiếu thốn hay không, rồi sẽ đến lúc ta thành kẻ dửng dưng với họ, lòng ta thành chai sạn, vô cảm. Và khi đưa cho đứa bé nhem nhuốc đứng cắp nón bên cổng chợ một chiếc bánh mì, đừng nghĩ thoắt chốc ta đã theo bước đường của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Khi tận mắt chứng kiến cuộc sống của những mảnh đời bơ vơ, khó nhọc, thì có lẽ dăm đồng bạc lẻ ta đã bố thí không còn mua được chút thanh thản nào đâu, mà nỗi day dứt sẽ còn ám ảnh rất lâu.
Lòng tốt, lòng vị tha trắc ẩn của bạn, của tôi, đừng chối bỏ nó chỉ vì không phải là thứ có thể đem đánh đổi, đừng cất giữ quá kỹ càng, dù nó có thể bị lợi dụng nhưng sẽ không ai đánh cắp nó. Đấy sẽ là cái còn lại.

Guilavethu

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

10 lời khuyên sức khỏe


Món quà để lại của vị Thầy thuốc Trung y thọ 112 tuổi thật quá tuyệt vời. Dưới đây là 10 điều bổ ích, bạn cần đọc đi đọc lại nhiều lần để nâng cao nhận thức và cải thiện sức khỏe cho bản thân và gia đình

1. Hãy nhớ kỹ: Ngủ là yếu tố quan trọng nhất của dưỡng sinh. Thời gian ngủ nên từ 21h - 3h sáng. Vì thời gian này là mùa đông trong ngày, mùa đông chủ yếu là ẩn náu, mùa đông mà không ẩn náu thì mùa xuân, hạ sẽ không thể sinh trưởng.

2. Đại đa số hiện tượng bệnh tật của con người là hiện tượng biểu hiện khi cơ thể đang điều tiết, thanh lọc những thứ không tốt trong thân thể. Vì thế chúng ta nên coi đó là hiện tượng sinh lý bình thường, chứ không nên coi đó là căn bệnh để tiêu diệt.
Khi con người bị bệnh, nhất định không nên có tâm thái oán trách và giận giữ, tâm lý phải ổn định, khí thuận thì máu sẽ thông, khi thuận huyết thông thì trăm bệnh đều sẽ tiêu tán.
  
Đừng oán trách khi bị bệnh, nên giữ tâm lý ổn định 

3. Ăn uống quá độ không những không thể gia tăng khí huyết, mà còn trở thành những thứ cặn bã mang gánh nặng cho cơ thể, tiêu hao khí huyết để thanh lọc chúng đi.
Lục phủ ngũ tạng là một xưởng gia công khí huyết, thức ăn là nguyên vật liệu, năng lực gia công là hữu hạn, còn thức ăn là vô hạn, cho nên số lượng thức ăn nhất thiết phải được khống chế.

4. Giận nhiều hại gan, dâm nhiều hại thận, ăn nhiều hại ruột, ưu tư hại lá lách, phẫn nộ hại gan, sầu muộn hại tinh thần.

5. Tham ăn, tham thắng, tham đạt, tham vui an dật, đều đủ để dẫn đến bị bệnh. Khi tham mà không được, thì dễ dẫn đến giận dữ. Hay giận dữ khiến tâm khí hỗn loạn, gan mật rối loạn, sáu mạch chấn động, ngũ tạng sôi trào, đó là nguyên nhân của bệnh tật.
  
Luôn giữ tâm vui vẻ, bình an, bệnh tật sẽ tự tiêu tan

6. Tâm thần bất an, tâm tình nóng vội, là căn nguyên dẫn đến bị bệnh và tử vong. Phương pháp giữ tâm bình an, là bí quyết số một trong việc bảo vệ sinh mệnh.
 Người có tinh lực đủ thần vượng, lực đề kháng nội bộ sẽ khỏe, bệnh tật sẽ tự tiêu tan. 

7. Muốn thân thể khỏe mạnh, đương nhiên cần điều tiết tinh khí thần. Muốn điều tiết tinh khí thần, đương nhiên cần cự tuyệt sự can nhiễu của những thứ tà. Muốn chặn đứng tà, đầu tiên cần phải dưỡng tâm. Muốn dưỡng tâm, cần phải hóa giải tam độc tham-sân-si. Muốn hóa giải tam độc này, bắt buộc phải học tâm giới.
Đi bộ có thể sinh âm

8. Đừng có ngày nào cũng nghĩ  xem ăn cái gì để bổ âm, ăn cái gì để tráng dương. Hãy nhớ kỹ, vận động là có thể sinh dương; tản bộ thì có thể sinh âm. Âm là mẹ của dương, dương là được vận dụng bởi âm.

9. Hãy nhớ kỹ, khi chúng ta ngẫu nhiên bị đau bụng, hắt hơi, ho, phát sốt… đều là hệ thống phục hồi thân thể của chúng ta đang hoạt động, đừng có quá lạm dụng thuốc khi vừa mới xuất hiện bệnh trạng.
 Cho nên, mỗi một người trong chúng ta cần thận trọng khi dùng thuốc, để cho hệ thống hồi phục chức năng của cơ thể được khôi phục, đây mới chính là đạo chân chính trong việc giữ gìn sức khỏe.

Hận thù là nguyên nhân của mọi bệnh tật

10. Rất nhiều trọng bệnh hoặc bệnh hiểm nghèo, đều chỉ bắt nguồn từ một lý do: Hận. Khi mà cái hận này biết mất, bệnh ắt cũng theo đó mà tiêu trừ. Trong thế gian này điều khó giải quyết nhất chính là hận thù kéo dài, chính vì không hóa giải được cái hận đó, mới có những bệnh không thể trị khỏi được.
-st-

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Be the change you want to see in the world



“10 NGUYÊN TẮC THAY ĐỔI THẾ GIỚI”
Mahatma Gandhi là một nhà hiền triết vĩ đại của nhân loại trong thể kỷ 20. Năm 1947, ông đã lãnh đạo người dân Ấn Độ giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị của Vương Quốc Anh bằng đường lối “bất bạo động”. Nhắc đến Gandhi, người ta thường nhớ đến câu nói thật giản dị nhưng có giá trị trường tồn: “Be the change you want to see in the world” – “Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn được thấy trên thế giới này.”
Gandhi còn để lại cho chúng ta “10 nguyên tắc thay đổi thế giới” theo cách rất riêng của ông:
- Nguyên tắc 1: Hãy thay đổi chính mình
“Sự vĩ đại của con người không nằm ở khả năng thay đổi thế giới, mà ở khả năng thay đổi chính bản thân mình
.”


- Nguyên tắc 2: Chính bạn là người chủ
“Không ai có thể làm cho tôi tổn thương, trừ phi tôi cho phép điều đó.”

- Nguyên tắc 3: Tha thứ và buông thả
“Kẻ yếu chẳng thể nào biết tha thứ bởi tha thứ là phẩm chất của kẻ mạnh.”

- Nguyên tắc 4: Không hành động, bạn chẳng thể đi đến đâu
“Một gam hành động thì vẫn hơn một tấn giáo điều.”


- Nguyên tắc 5: Hiện tại chính là thực tại
“Tôi không muốn nhìn thấy trước tương lai. Tôi muốn tập trung hơn cho những gì đang xảy ra. Thượng Đế không cho tôi quyền năng nào để kiểm soát những gì sẽ đến.”

- Nguyên tắc 6: Chúng ta, ai cũng là người
“Tôi chỉ là một người bình thường mà cũng có thể mắc lỗi như bao con người bình thường khác. Tuy nhiên, tính người trong tôi đủ để khi có lỗi thì thừa nhận và sẵn lòng tìm căn nguyên của những lỗi lầm đó. Thật không khôn ngoan khi quá tin tưởng vào trí tuệ của một ai đó. Hãy luôn nhớ rằng, kẻ mạnh cũng có lúc yếu và người khôn cũng có khi nhầm lẫn.”

- Nguyên tắc 7: Kiên gan bền chí
“Ban đầu, mọi người không thèm chú ý đến bạn. Sau đó, họ cười nhạo bạn. Rồi họ chống lại bạn. Nhưng sau cùng, bạn là người chiến thắng.”

- Nguyên tắc 8: Nhìn thấy điều tốt đẹp ở người khác và giúp họ
“Tôi cố tìm ra những ưu điểm của những người xung quanh. Bản thân tôi cũng không hoàn hảo, tôi không cố tìm khiếm khuyết của người khác. Tiền đồ của một người phụ thuộc nhiều vào cách anh ta cư xử với đồng loại. Có một thời, người ta lãnh đạo bằng sức mạnh nhưng ngày nay, tôi nghĩ lãnh đạo là hòa đồng và quan tâm.”

- Nguyên tắc 9: Hãy là con người đích thực của mình
“Hạnh phúc chỉ đạt được khi những gì bạn nghĩ, những gì bạn nói và những gì bạn làm hài hòa với nhau.
Luôn suy nghĩ hướng thiện và mọi thứ sẽ tốt đẹp.”

- Nguyên tắc 10: Không ngừng phát triển
“Vận động và phát triển là qui luật của cuộc sống. Thật sai lầm nếu cứ níu kéo những giá trị giáo diều, duy ý chí.”
-st-

 


Đủ cả đôi
có thời ông Gandhi đi một chuyến xe lửa. Khi xe bắt đầu chuyển bánh thời ông nhảy vội vã lên tàu khiến cho một chiếc giày của ông rơi xuống đường. Ông không thể nào nhảy xuống để nhặt lại chiếc giày trong khi tàu chạy càng lúc càng nhanh. Ông bèn tháo luôn chiếc giày còn lại trong chân và ném về phía chiếc giày kia ở dưới đường. Hành khách trên tàu tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy thế và lấy làm lạ về hành động kỳ quặc của ông. Gandhi mỉm cười và ôn tồn giải thích rằng: “Nếu có một người nghèo nào lượm được chiếc giày thứ nhất thì người đó có thể tìm thấy chiếc thứ hai và như thế là có được đủ đôi giày để đi.”
-st-