Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

Tầm Sư

 “Động lực giảng dạy của một vị Thầy phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất… Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội được. Cũng vậy, trừ phi vị thầy có phẩm chất đúng đắn, thì mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc theo học vị thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải khảo xét họ…”
 - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 -


TẦM ... SƯ
 
Tìm Thầy Trong khung 
Ði tìm Ðạo tức là đi tìm Thầy. Do đó có câu: "Tầm Sư học Ðạo". Vì thế chữ Ðạo không thể rời chữ Sư. Ðức Phật là một Ðạo Sư, người chỉ đường đến Niết Bàn và con đường này được gọi là Ðạo Phật. Chúa Giê-Su cũng là một Ðạo Sư, người chỉ đường về nước trời (Thiên Ðàng) và con đường này được gọi là Ðạo Chúa. Ngày nay hai vị Ðạo Sư này không còn nhưng có các đệ tử đại diện cho hai ngài, đó là quý Thầy Hòa Thượng, Thượng Tọa, Ðại Ðức, hoặc các cha Linh Mục, Giám Mục, Hồng Y, v.v...

Tìm Thầy hay tìm một người mẫu lý tưởng?
Người tu hành ban đầu rất cần sự hướng dẫn của một vị Thầy. Nếu theo một Thầy lành, ta sẽ trở nên lành; nếu theo một Thầy ác, ta sẽ trở nên ác. Do đó người tu hành phải sáng suốt lựa chọn cho mình một vị Thầy xứng đáng tin tưởng. Nếu lựa chọn đúng thì sự tu hành gặp nhiều thiện duyên tiến triển. Nếu lựa chọn sai thì có thể thối thất đạo tâm, không muốn tu hành, nhiều khi đâm ra hận và chán ghét luôn tất cả Thầy khác.
Ở đây tôi sẽ không giới thiệu bạn một Thầy mẫu lý tưởng mà chỉ nói lên sự nhận xét của tôi về chuyện tìm Thầy.
Tìm Thầy cũng giống như tìm bác sĩ vậy. Khi bị bệnh muốn khỏi thì phải đi tìm bác sĩ. Thí dụ trong tỉnh bạn ở có 10 ông bác sĩ. Sự đi tìm bác sĩ có thể được chia ra làm ba giai đoạn:
1. Tìm bác sĩ gần nhà nhất.
2. Tìm bác sĩ nổi tiếng hoặc do người quen giới thiệu.
3. Chính mình đi hết 10 ông bác sĩ.
Khi mới bị bệnh, bạn sẽ tìm đến một ông bác sĩ gần nhà nhất. Nếu bệnh của bạn không nặng lắm và ông ta cho thuốc chữa khỏi thì bạn không cần tìm một ông bác sĩ khác nữa.
Nhưng nếu bệnh của bạn thuộc loại nan y và ông ta không chữa khỏi, hoặc bạn đi chữa nhiều lần mà không thấy khá thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy cần phải tìm một ông bác sĩ khác khá hơn. Bạn có thể tìm đến một ông bác sĩ nổi tiếng trong vùng hoặc nhờ người quen giới thiệu. Nếu ông bác sĩ này chữa bạn hết bệnh hoặc bạn cảm thấy bệnh tình thuyên giảm thì bạn sẽ tiếp tục đến với ông ta và không cần đi tìm một bác sĩ khác nữa. Nhưng nếu ngay cả ông bác sĩ nổi tiếng này cũng không chữa bạn hết bệnh được thì giải pháp thứ ba là bạn phải tự mình chịu khó đi khám hết 10 ông bác sĩ trong vùng, may ra sẽ tìm được một ông chữa cho bạn khỏi bệnh.
Trong trường hợp cả 10 ông bác sĩ trong tỉnh cũng không chữa hết bệnh thì có lẽ bạn phải chịu khó lặn lội sang tỉnh lân cận để tìm bác sĩ khác. Và đây là một giải pháp thứ tư. Ta có thể tiếp tục đưa ra nhiều giả thuyết và sẽ có nhiều giải pháp khác nhau. Nhưng tôi tạm ngưng ở ba giai đoạn đầu.

Ði tìm Thầy học Ðạo cũng tương tự như vậy. Bình thường chúng ta không bao giờ nghĩ chuyện tới chùa. Ðến khi trong nhà có ai bệnh, ai chết cần phải cầu an, cầu siêu thì lúc đó ta đến đại một chùa nào gần nhà có Thầy cầu an, cầu siêu. Nếu bệnh của ta chỉ là bệnh cần tín ngưỡng, cần cầu xin ơn trên gia hộ thì tất cả chùa nào có đầy đủ tượng Phật trang nghiêm, có quý Thầy tụng niệm nhịp nhàng hợp nhĩ là có thể cứu khổ cho ta được rồi.
Nhưng có những người sau thời gian cầu an, cầu siêu bỗng nhiên nghe lòng chán ngán cuộc đời vô thường, muốn tìm hiểu nhiều hơn và bắt đầu thỉnh kinh sách về đọc. Càng đọc càng thấm thía, muốn tìm hiểu hơn, muốn đi nghe thuyết pháp, muốn tu thiệt, muốn ngồi thiền, trì chú, v.v... Nếu vị Thầy trụ trì ở đó ngoài việc ứng phú, tụng kinh làm đám, còn biết giảng Ðạo thuyết pháp thì quá tốt, ta sẽ không cần phải đi tìm Thầy khác học Ðạo. Nhưng nếu sau một thời gian học Ðạo với Thầy, ta cảm thấy mình thông minh quá, học đâu hiểu đó và hình như Thầy cứ giảng đi giảng lại hoài những đề tài cũ rích. Ðến đây ta sẽ nảy lên ý niệm muốn đi tìm Thầy khác giỏi hơn. Ðây chính là giai đoạn hai: đi tìm Thầy nổi tiếng hoặc nghe đồn về Thầy nào giỏi. Nhiều người ở Pháp, Mỹ mua vé về Việt Nam xin làm đệ tử Thầy Thanh Từ, hoặc ở Việt Nam thì muốn sang Pháp tu học với Thầy Nhất Hạnh, hoặc gần đây có một số người muốn sang Ấn Ðộ, Dharamsala, làm đệ tử của đức Dalai Lama, hoặc các Lạt Ma Tây Tạng vì cho rằng các Lạt Ma tu cao hơn, nhiều thần thông. Họ đâu biết rằng Phật Giáo Tây Tạng cũng có những lủng củng nội bộ, chia rẽ tông phái, thù hiềm lẫn nhau.
Anh A thích tu theo Thầy Thanh Từ thì cứ để anh theo. Cô B thích theo Thầy Nhất Hạnh thì cứ để cô theo. Chị C thích theo Thầy Tây Tạng thì cứ để chị theo. Chúng ta là những người đang đi trong sa mạc nắng chói, cần tìm bóng mát. Các vị Thầy là những bóng cây che mát. Sao ta lại dại dột chia rẽ, níu kéo nhau, muốn mọi người phải theo về ông Thầy của mình, Thầy mình là giỏi nhất, là bậc chân tu đắc đạo.
Song le, có những người theo học với Thầy nổi tiếng trong một thời gian mà vẫn không thỏa mãn, còn nhiều nội kết đau khổ trong lòng chưa giải tỏa được. Ðến đây ta bước sang giai đoạn ba là lên đường tham vấn tất cả Thầy khác. Ðiều này xưa kia các thiền sư Trung Hoa đã có làm, gọi là hành cước.
Thông thường giai đoạn ba ít có người đến vì đa số dừng lại ở giai đoạn hai. Khi được làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, có ai dại gì mà lại bỏ đi. Nếu có bỏ đi thì chắc phải tìm Thầy nổi tiếng hơn nữa, hơi đâu mà đi tìm một Thầy vô danh tiểu tốt. Ðược làm đệ tử của một Thầy nổi tiếng, dù không đắc đạo đi nữa, cái Ta (ngã) của mình không nhiều thì ít cũng được hưởng lây danh của Thầy.
Sau giai đoạn ba còn nhiều giai đoạn tìm Thầy nữa, nhưng theo tôi, có một giai đoạn sau cùng mà rất ít ai nghĩ tới, đó là giai đoạn mà ta không còn là đệ tử của một cá nhân ông Thầy nào nữa, mà là đệ tử của một bóng cây, một dòng sông, một đám mây, một cơn mưa, một ông già, một em bé, v.v...

Trong quyển "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, Siddharta đã gặp và biết đức Phật là một Ðạo Sư đắc đạo nhưng anh ta vẫn không theo, trở về ngồi bên dòng sông, lắng nghe dòng sông. Không phải vì Phật là một Ðạo Sư nổi tiếng mà ta phải cố bám chạy theo. Không phải vì tôi là một tu sĩ Phật Giáo mà tôi phải luôn luôn ca tụng Ðạo Phật. Vì Ðạo Phật không phải là chân lý mà chỉ là con đường dẫn đến chân lý. Các Ðạo khác cũng vậy, không phải là chân lý mà chỉ là con đường dẫn đến chân lý. Tôi đến với Ðạo Phật vì tôi có nhân duyên và hoàn cảnh nhiều hơn đối với Ðạo khác.

Trên đây là ba giai đoạn thông thường của sự tìm Thầy. Trong mỗi giai đoạn chúng ta đều mang theo một cái khung về ông Thầy. Ðó là những khái niệm cứng ngắc sẵn có của ta về một ông Thầy lý tưởng. Thí dụ theo tôi thì một ông Thầy lý tưởng phải như sau:
- Hiền như Bụt.
- Khờ khạo không biết gì về chuyện đời.
- Sống kham khổ, ăn mặc thô sơ.
- Suốt ngày chỉ biết gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật.
Nếu tôi thích ứng phú thì tôi sẽ thêm vào:
- Thầy phải biết tán tụng đúng điệu miền Trung, tán rơi, tán xắp, tán trạo, v.v...
- Thầy phải biết làm sớ làm điệp ...
Hoặc nếu tôi biết đôi chút về giáo lý thì thêm:
- Thầy phải biết tất cả giáo lý căn bản.
- Thầy phải biết giảng kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, Kim Cang, v.v...
Nếu tôi thích tu Thiền thì sẽ thêm:
- Thầy phải có định lực này nọ...
- Thầy phải ngồi thiền suốt ngày hay ít nhất là bốn tiếng một ngày...
Hoặc nếu thích Mật Tông thì:
- Thầy phải biết làm bùa vẽ chú, trừ ma yếm quỷ, v.v...
Cứ thế, cái danh sách tiêu chuẩn về Thầy lý tưởng của tôi dài hay ngắn tùy theo sự hiểu biết nhiều hay ít về Ðạo. Sau đó tôi đóng khung cái danh sách này rồi mang nó đi tìm Thầy. Nếu thấy Thầy nào hợp với những tiêu chuẩn ấn định trong khung thì tôi cho Thầy đó xứng đáng làm Thầy của tôi, là một Thầy tu chân chính.
Chúng ta thường khao khát đi tìm một Thầy chân tu đạo đức. Nhưng chân tu đạo đức của ai? Của ta hay của ông Thầy đó? Chân tu của ta có nghĩa là gì? Ðạo đức theo ta là sao? Phải chăng là những tiêu chuẩn đóng khung của ta? Ta đi tìm ông Thầy tự thân hay đi tìm ông Thầy trong khung của mình?
Thầy tôi phải như thế này, phải như thế nọ! Thầy tu không được như thế này, không được như thế kia!
Trước khi đi tu, tôi đã học đến cử nhân vật lý (licence de physique) ở Ðại Học Orsay. Khi đi tu, tôi nghĩ rằng bằng cấp thế gian không có ích lợi gì và cũng không có gì đáng để phô trương, vì Ðạo Phật há chẳng dạy buông xả hết sao! Thế nhưng sau khi vào chùa tôi thấy quý Thầy hay trưng bằng tiến sĩ (Ph.D) ra, và nhiều Thầy khuyên tôi nên trở lại Ðại Học để lấy bằng tiến sĩ, vì thời nay nếu có bằng cấp cao thì dễ làm Ðạo, nói người ta mới nghe, mới nể. Nghe nói hợp lý nên tôi cũng tính đi học lại để lấy bằng Ph.D, nhưng một hôm ngồi nói chuyện với chú Minh Lâm, chú nói một câu làm tôi tỉnh ngộ: "Sao quý Thầy cứ tốn thì giờ theo đuổi bằng cấp ngoài đời làm chi! Xá lợi Phất, Mục kiền Liên đâu có bằng Ph.D mà vẫn đắc đạo". Cuối cùng tôi đã nghe lời chú nên tới nay tôi vẫn không có bằng Ph.D. Nói vậy bạn đừng hiểu lầm cho tôi chống báng bằng cấp. Bằng cấp chỉ là bằng cấp, tự nó vô hại, chỉ có những khái niệm về bằng cấp mới là nguy hiểm mà thôi. Bằng cấp dùng để chứng minh trình độ kiến thức. Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học, bạn có thể tham khảo tất cả Tam Tạng Kinh Ðiển anh ngữ trên hệ thống Internet ngay nơi phòng ngủ của mình nếu bạn có máy vi tính. Với Internet bạn có thể mở mang kiến thức của mình 24 tiếng trong ngày nếu bạn muốn mà không cần phải vào Ðại Học hay Thư Viện.

Tìm Thầy đắc đạo
Theo tôi nghĩ, không phải ai cũng muốn tìm Thầy đắc đạo, vì đa số chỉ cần một Thầy hướng dẫn tinh thần là đủ. Tuy nhiên ước muốn tìm Thầy đắc đạo không phải là không có, nhất là đối với người muốn tu hành thực sự, muốn giải thoát luân hồi càng sớm càng tốt. Là Phật tử, chắc bạn cũng biết thời nay là thời mạt pháp, cách Phật xa hơn 2500 năm, tìm đâu ra Thầy đắc đạo? Mà đắc đạo theo bạn là thế nào? Có phải khi nhìn vào bạn, ông Thầy đó liền biết quá khứ, vị lai của bạn không? Nếu vậy thì Thầy đó có khác gì thầy bói tướng? Có phải Thầy đó biết trừ ma yếm quỷ, làm cho gia đạo của bạn được bình an không? Nếu thế thì đó là thầy bùa, thầy pháp rồi.
Ðắc đạo có phải ngồi thiền nhập định suốt ngày suốt đêm không? Ở Ấn Ðộ có nhiều đạo sĩ Fakir có thể ngồi hoặc nằm suốt ngày trên những bàn chông hoặc đứng một chân, giơ một tay suốt cả tuần cả tháng. Theo bạn nghĩ, mấy ông này có đắc đạo không?
Ðắc đạo có phải là giảng được những bộ kinh lớn Ðại Thừa như Kim Cang, Niết Nàn, Hoa Nghiêm không? Mấy giáo sư Ðại Học Triết ở Pháp, Bỉ, Mỹ cũng giảng được các kinh này và nhiều khi còn dẫn chứng đầy đủ hơn quý Thầy nữa.
Biết trước giờ chết của mình hoặc muốn chết thì chết như chuyện gia đình Bàng Long Uẩn của Thiền Tông, có phải là đắc đạo không? Ở Ấn Ðộ các đạo sĩ Du Già (Yogi) luyện tập pháp môn làm chủ hơi thở Pranayama có thể tùy ý làm đứng nhịp tim hoặc ngưng hơi thở để chôn sống hai ba ngày, sau đó sống trở lại như thường. Không biết mấy ông này đã đắc đạo chưa? Mà cho dù đắc đạo đi nữa cũng phải chờ đến khi ông ta chết tự tại rồi mới biết là đắc đạo, và như vậy đâu còn ích lợi gì cho tôi, nếu có thì chỉ xin hình ông ta đem về để lên bàn thờ tôn sùng khấn vái.
Bạn cho rằng tôi không thích mấy ông Thầy đắc đạo sao? Chính vì thích mấy Thầy đắc đạo nên tôi đã rời chùa, khăn gói lên đường tìm các bậc chân sư đắc đạo. Chữ đắc đạo đã làm tôi say mê đắm đuối trong suốt bảy năm (từ 87 đến 93). Ngoài chuyện tìm Thầy đắc đạo, tôi còn muốn đắc đạo ngay trong đời này nữa, muốn bắt chước Milarépa. Vì thế tôi đã đi tìm học với các Thầy Tây Tạng và nhập thất ba năm. Nhưng bây giờ tôi không còn muốn tìm Thầy đắc đạo nữa, chỉ muốn tìm Thầy chỉ "Ðạo Sống" khác với Ðạo Chết. Ðạo chết là Ðạo dạy tu hành để sau khi chết được lên thiên đàng hay vào Niết Bàn, v.v...và nhiều lúc chỉ vì muốn nhập Niết Bàn hay lên thiên đàng sớm mà người ta bỏ quên sự sống hiện tại, đánh mất bao nhiêu sinh lực và tiền của.

Ðạo Sống là sống cho ra sống, hiểu được ý nghĩa của sự sống, thực hiện an vui hạnh phúc ngay trong hiện tại, sống hoà hợp thương yêu với chính mình và mọi người, biết chấp nhận cả thiện lẫn ác.

Lúc trước mỗi khi nghe nói ở đâu có Thầy tu cao, đắc đạo là tôi liền tìm đến cầu học. Nhưng tôi chỉ ở được vài tuần hoặc vài tháng rồi lại bỏ đi. Bởi vì tôi không bắt được sự thông cảm hai chiều, có nghĩa là trò phải hiểu Thầy chứ Thầy không cần hiểu trò. Thầy dạy sao thì nghe vậy, hiểu hay không cũng phải làm theo. Có nhiều Thầy còn muốn tôi trở thành y hệt như ông ta, trở thành hình bóng của ông ta. Nhưng làm sao tôi trở thành hình bóng của một người khác được! Do đó cứ thế mà tiếp tục tầm Sư học Ðạo. Thế rồi có một lần tôi dừng lại, tự hỏi làm sao biết được Thầy kia là người đắc đạo? Mà đắc đạo là đắc đạo gì? Ở đây nếu bạn giỏi kinh thì có thể trả lời: người đắc đạo là đắc cái vô sở đắc, chứng cái vô sở chứng, dĩ vô sở đắc cố, cố danh chân đắc. Trả lời như vậy thì đúng là tinh thần bát nhã rồi, nhưng thú thật với bạn, tôi thấy nó không ăn nhập gì với tôi cả.
Bạn tu theo Ðạo Phật, tôi cũng tu theo Ðạo Phật, nhưng Ðạo Phật của bạn có chắc là Ðạo Phật của tôi không? Chắc chắn là không rồi. Cũng cùng là Phật Thích Ca nhưng Phật Thích Ca trong đầu bạn đâu có giống Phật Thích Ca trong đầu tôi. Không tin bạn cứ nhìn các tượng Phật thì biết. Tượng Phật của Trung Hoa, Nhật Bản thì mập mạp, đẫy đà; tượng Phật của Thái Lan, Miến Ðiện thì gầy gò, bụng thắt lưng eo.
Ở gần một Thầy đắc đạo mà không cảm thấy an vui hạnh phúc, ngược lại chỉ thấy buồn bực, khó chịu thì sự đắc đạo của ông ta có giúp ích gì cho mình? Hơn nữa làm sao biết được ông ta đắc đạo? Mình chỉ biết người khác đắc đạo khi chính mình đã đắc đạo. Nếu chưa được như vậy mà dám cho kẻ khác đắc đạo thì đó chỉ là một khái niệm đắc đạo chủ quan. Thêm vào đó, đắc đạo nào? Ðạo Phật chăng? Như đã nói hồi nãy, Ðạo Phật có nhiều truyền thống, mỗi truyền thống lại có nhiều tông phái, mỗi tông phái lại có nhiều khái niệm đắc đạo khác nhau. Bởi vậy khi đi tìm Thầy đắc đạo, ta cần phải xác định lại cái Ðạo mà mình cần đắc, sau đó quan sát xem ông Thầy "đắc đạo" mà mình theo học có thể hiện cái Ðạo mà mình muốn đắc hay không?

Giờ đây, bất cứ ai cũng có thể làm Thầy tôi được, từ một em bé đến một bà lão. Ngay cả bạn nữa, nếu bạn biết sống cho ra sống, tự thân bạn tỏa ra niềm vui, tỏa ra tình thương và sự chân thật thì thế nào tôi cũng có dịp đến học Ðạo với bạn.

HT Thích Trí Siêu

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Nhớ tháng Ba


Có ai hẹn gì với tháng Ba không?
Để hoa sưa cứ bời bời nỗi nhớ
Mưa buông mành cuối đường, góc phố
Rối tơ lòng, níu từng bước chân qua.

Hương nồng nàn và sắc rất kiêu sa
Hoa bưởi trong vườn, hoa ban đầu ngõ
Chùm mộc miên thắp những vầng lửa đỏ
Một trời xoan đơm sắc tím thung dung.


Tháng Ba ơi, xuân đến thế là cùng!
Mưa nắng bao dung, búp chồi non mới
Thương Giêng, Hai bung biêng diệu vợi
Hóa lặng câm trong khô lá, héo cành.


Tháng Ba vô tư, tinh khiết, mát lành
Khiến Mùa Đông quên bỏ bùa xưa cũ
Cõi vô minh, biết ai người thiếu, đủ
Lục dục, thất tình, ai ngộ thì buông.


Thiên địa ngập tràn sắc sắc, không không
Tâm Pháp viên minh, diệu kỳ, đắc đủ
Chốn cũ an hòa, hoa người hội tụ
Hạo đãng ân lành, xuân tới thinh không…

Minh Ngọc 

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

Mặc kệ


Mặc kệ ngày mai
Mặc kệ ngày kia
Mặc kệ tháng năm
Mặc kệ thời gian...có ủ men tội nghiệp
Hãy đến với anh nếu lòng em da diết...
Cần anh

Hãy đến với anh... nếu con tim em muốn vậy
Mặc kệ ngày mai
Mặc kệ ngày kia
Mặc kệ con đường...sẽ đưa ta về đâu

Hãy để cho nỗi nhớ kia…
Được lấp đầy
Hãy để cho đôi môi kia…
Không còn lạnh giá
Hãy đến với anh…
nếu thực lòng em muốn vậy
Mặc kệ con đường…dù chẳng biết về đâu

1.12.2011

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019

Khác biệt


Hai cuộc thử nghiệm được tiến hành song song trên hoang đảo, một bên để 5 người đàn ông và 1 phụ nữ sống cùng nhau, bên kia thì ngược lại. Sau 3 tháng, chuyện gì sẽ xảy ra?
Ở phía đảo có 5 người đàn ông và 1 phụ nữ , sau 3 tháng … những người đàn ông đã làm một chiếc kiệu hoa… người phụ nữ đang ngồi trên đó, mặt như hoa đào, yêu kiều diễm lệ...lũ đàn ông xúm xít vào khiêng… tất cả đều rạng rỡ vui vẻ. 
Còn phía bên kia đảo nơi có 5 người phụ nữ cùng 1 đàn ông, sau 3 tháng… quang cảnh thật là huyên náo… nhóm phụ nữ đang vây quanh một cây dừa, có người ném đá lên trên, có người cầm trái cây dứ dứ, có người la hét…còn người đàn ông thì gầy như con khỉ, run lẩy bẩy… bấu chặt lấy thân cây … dứt khoát không chịu xuống.

-st-

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Ta đã đi tìm đi tìm đi tìm…

 

Ta đi tìm về thương nhớ
Ta đã đi tìm đi tìm đi tìm
Ta đã đi tìm về quá khứ
Ta cứ đi tìm đi tìm đi tìm

Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em
Ôi một giấc mơ chơi vơi nhiều đêm
Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em
Thương một giấc mơ ôm ta nhiều đêm

Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em
Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em
Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em
Và anh đếch cần gì nhiều ngoài em

Siêu Chùa và công nghiệp Tâm Linh


Những cái nhất không hợp lòng dân 
Thời gian gần đây, xứ mình “đoạt” được nhiều cái nhất thế giới, từ vật bé mọn như bánh chưng, bánh phồng tôm, tô phở, ly cà phê,… đến cái to lớn như đường sá, cáp treo, chùa chiền,… 
Không bao lâu nữa, bạn bè quốc tế sẽ phải ngả mũ thán phục trước một công trình đồ sộ mà có lẽ trong tương lai chưa một nước nào đủ sức vượt qua: Ngôi chùa lớn nhất thế giới, tọa lạc trên một diện tích 5.100 ha (tương đương 51km2), xấp xỉ bằng diện tích một xã lớn ở miền núi hay một huyện nhỏ ở đồng bằng Bắc bộ. 
Những cái “nhất” như thế, liệu có đáng để tự hào? Liệu có phải là minh chứng cho sự phát triển, phồn thịnh của đất nước trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa? 
Bánh chưng nặng hàng tấn không sử dụng được, tô phở vừa làm xong phải đổ đi, ly cà phê có dung tích cả ngàn lít, xong giây phút kỉ lục rùm beng thì cũng rơi vào quên lãng. 
Chùa tuy to nhất châu lục, lớn nhất thế giới nhưng 
“ hoành tráng không tôn nghiêm
ồn ào không tĩnh lặng
Phật vẫn buồn ngàn năm”. 
Rõ là những cái “nhất” như thế không làm nên thương hiệu Việt kiểu như Honda, Yamaha của Nhật Bản, Samsung, Hyundai của Hàn Quốc hay Vivo của Trung Quốc. 
Có cái nhất vô bổ, chỉ để thõa danh hão nhất thời của một số ít người nhưng cũng có cái nhất khiến ông chủ của nó hốt bộn tiền. 

Đua xây chùa to có phải vì thành tâm với Đức Phật? 
Dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước một loạt những dự án du lịch tâm linh siêu khủng đang mọc lên như nấm. 
Những siêu dự án ấy được chính quyền cấp hàng ngàn héc ta nhưng chỉ một phần rất nhỏ dành cho việc xây dựng chùa chiền, còn lại chủ yếu là để xây các tổ hợp kinh doanh giải trí, tham quan – nghỉ dưỡng như nhà hàng, khách sạn, biệt thự, sân golf,… Toàn những thứ xa xỉ, cao cấp không có chỗ cho người lao động đang vất vả với cuộc mưu sinh. 
Để mọc lên những khách sạn, nhà hàng, resort, sân golf trên diện tích hàng ngàn héc ta như thế, thật không dễ nếu tách khỏi dự án khoác áo “du lịch tâm linh”. 
Có một ngành “công nghiệp không khói” mới mẻ đang hình thành mà lợi nhuận của nó không một ngành nghề nào có thể theo kịp, vượt xa cái gọi là “một vốn bốn lời”. 
Đó là ngành “công nghiệp tâm linh” với những “Công ty nhà chùa”, “thị trường thần thánh”, “doanh nhân sư sãi”,…. 
Hàng vạn, hàng vạn người đang bị dẫn dụ, cuốn vào vòng xoáy vận hạn: Cầu may, cầu tài cầu lộc, cầu chức tước, dâng sao giải hạn,… 
Cả một xã hội chìm trong khói hương, sì sụp quì lạy, chen chúc, giành giật để mong đạt được điều không tưởng. Nó hoàn toàn xa lạ đối với giáo lý tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Câu răn “Phật tùy tâm” chẳng còn nghĩa lý gì giữa thời buổi kim tiền. 

Đức Phật nào ở trong những ngôi chùa hào nhoáng, hoành tráng với những kỉ lục vô đối? 
Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh ngôi chùa một thời khi tóc còn để chỏm. Những ngôi chùa của làng thường tọa lạc giữa đồng không mông quạnh, mái ngói rêu phong. Cảnh chùa tĩnh lặng, bình yên, có cái gì đó khiến cho mọi người kể cả những đứa trẻ như tôi tin ở chốn linh thiêng khiêm nhường ấy có Ngài (Đức Phật) ngự, để rồi tự răn mình luôn làm điều thiện, tránh xa cái ác, lo tu tâm tích đức. 
Rồi chiến tranh đi qua, những ngôi chùa gắn bó bao đời với làng quê không còn nữa, phần vì do bom đạn, phần vì do chính bàn tay con người với tư duy một thời quyết xóa sạch những gì được cho là tàn tích của phong kiến. 
Bây giờ thì, không chỉ chùa cũ được phục dựng, người ta còn đua nhau xây chùa mới. Những ngôi chùa hoành tráng, siêu khủng, lòe loẹt mọc lên như nấm. Nó quá xa lạ so với những ngôi chùa cổ kính bé nhỏ nhưng đậm chất văn hóa của ông cha. 
Phú quí sinh lễ nghĩa! Đành là thế, nhưng lễ nghĩa nào thì cũng phải tiếp nối dòng chảy muôn đời trong truyền thống văn hóa dân tộc. 
Nhưng buồn thay, hình như mọi giá trị đang bị đảo lộn. 
Nếu không chấn chỉnh việc dung dưỡng những hành vi trái với giáo lí tốt đẹp của nhà Phật; nếu không chấm dứt việc xây dựng chùa chiền tràn lan núp bóng những dự án “du lịch tâm linh” để trục lợi; nếu không loại bỏ những lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm, khích lệ mê tín dị đoan; nếu không… thì văn hóa dân tộc sẽ đi về đâu? 

Nguyễn Duy Xuân