Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Now's is the time ...

Now’s the time for us to say ...
Happy new Year ! 
 
 
 
 

Happy new Year !







Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Christmas Bombing

CHRISTMAS BOMBING

Tôi đã đến Hà Nội khảo cứu để viết cuốn sách thứ hai về không chiến tại miền Bắc Việt Nam nhằm tường thuật lại chiến dịch Linebacker II, đó là chiến dịch ném bom Hà Nội bằng B-52 vào tháng 12/1972. Tôi đã đến với nhận thức chuẩn mực của người Mỹ về cuộc không kích. Đó là vào đầu tháng 12/1972, Tổng thống Nixon và cố vấn an ninh Kissinger đang phải đối mặt với thất bại chính trị. Bắc Việt đã hủy bỏ cuộc thương lượng tại Paris. Rõ ràng họ chờ Quốc hội chống chiến tranh của Hoa Kỳ sẽ trở lại (chính trường) trong tháng 1, ngân sách chiến tranh sẽ bị cắt và nhờ vậy họ sẽ toàn thắng. Nixon đã tái đắc cử hơn một tháng trước đó với lời hứa sẽ đạt được " hòa bình trong danh dự " ở Việt Nam - nơi Mỹ đã tham chiến từ năm 1965.

Để buộc Bắc Việt quay lại ký hoà ước, Nixon đã quyết định ném bom Hà Nội. Ông ta cảnh báo Hà Nội sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu không quay trở lại bàn đàm phán một cách thiện chí và ra lệnh cho Linebacker II bắt đầu ngay cả khi các yêu cầu mới đang được gửi đến miền Bắc Việt Nam. Sau những thất bại ban đầu nặng nề, B-52 đã có thể tấn công mà không bị trừng phạt tương xứng và sau 11 ngày đêm không kích, Bắc Việt đã trở lại Paris để kí hiệp ước mà họ đã bác bỏ trong tháng 12.

Nhưng sau vài ngày ở Hà Nội, tôi thấy Bắc Việt có nhận thức khác về chiến dịch này. Theo họ, Linebacker II là chiến thắng chung cuộc của Việt Nam đối với Hoa Kỳ, một chiến thắng có cùng tầm cỡ với chiến thắng đã buộc người Pháp phải rời bỏ Đông Dương.

Qua một cái sân ở bảo tàng Quân Đội, nơi mà những mảnh vụn và bộ phận của chiếc B-52 bị bắn hạ được chất thành đống cao khoảng khoảng 6m. Cạnh đấy là 2 tên lửa SA-2 nằm trên bệ phóng, một trạm phát sóng rada điều khiển tên lửa và một xe điều khiển, nơi mà khẩu đội tên lửa bám theo các máy bay ném bom và cố gắng bắn hạ. Tôi bước đi giữa đống xác B-52 ở một bên và chiếc xe điều khiển ở phía bên kia, thế là tôi chợt nghĩ rằng những người lính đã chiến đấu trong hoàn cảnh tương tự nhau: 6 người trong khoang phi hành đoàn chật hẹp của chiếc B-52 bị nhắm bắn bởi 7 người bị nhốt trong chiếc xe không rộng hơn, điều khiển tên lửa SA-2.

Trong hồi kí của Certain, hoa tiêu B-52 kể lại: “ 11 giờ sáng ngày 18/12, khi phi hành đoàn của Certain tập trung ở phòng chỉ dẫn tác chiến cùng với hơn 100 thành viên của các phi hành đoàn khác thì sĩ quan tác chiến bước đến bục và tuyên bố, “Thưa các vị, mục tiêu tối nay của các vị là Hà Nội,”.

Nixon ra lệnh ném bom Hà Nội vào hôm 14/12 và Bộ Tổng hành dinh của không quân chiến lược (SAC) tại Omaha, Nebraska, đã vội vã lập kế hoạch. Bộ chỉ huy của Không đoàn số 8 tại Guam đã ngạc nhiên với quyết định tác chiến của SAC tại Omaha. Bởi nhẽ khoảng cách nửa vòng trái đất giữa SAC và các phi hành đoàn chiến đấu dường như chắc chắn sẽ làm nẩy sinh rắc rối.

Theo kế hoạch tác chiến của SAC, các máy bay B-52, bay từ Guam và từ một căn cứ tại U-Tapao, Thái Lan, được phiên chế thành 3 đợt tấn công trong suốt cả đêm với khoảng cách giữa mỗi đợt là 4 tiếng. Các máy bay phải bay đến Hà Nội hầu như theo duy nhất một tuyến bay. Sau phiên thông báo nhiệm vụ tác chiến thứ nhất, đại úy Jim “Bones” Schneidman, một phi công phụ của B-52, đã có ấn tượng chẳng hay ho gì. “Ngay trước khi thực hiện nhiệm vụ, đã rõ rằng đó là một chiến thuật ngu xuẩn, mọi người đều bay đến theo cùng một hướng, cùng một độ cao và bay ra theo cùng một đường,” anh ấy nói. “Nó giống làm sao cảnh tượng quân Anh trong chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ

– Tất cả đứng thẳng, bước theo hàng và trở thành những mục tiêu dễ hạ

– Quả là quái dị.”

 

Ngày 18/12, trong điều kiện gió mùa đông bắc, hoàng hôn tại một làng  nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An, ven biên giới phía Tây của Bắc Việt, đặc biệt rét và mưa. Đại đội Rada số 45, trung đoàn rada số 29, thuộc Bộ tư lệnh Phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đinh Hữu Thận là đại đội trưởng, đóng ngay bên rìa làng và thực hiện nhiệm vụ trên tuyến cảnh giới số một (ngoại vi) của hệ thống cảnh báo phòng không. Khi một đám các đốm sáng xuất hiện, di chuyển về hướng bắc và oai vệ diễu qua sông Mekong, biên giới tự nhiên giữa Thái Lan và Lào, thì Thận và các đồng đội gò mình bám màn hình rada cảnh giới P12 do Liên Xô chế tạo. Các đốm sáng được bao bọc bởi nhiễu tĩnh điện dày đặc và căn cứ trên dạng nhiễu, Thận và đội nhận ra đó là .. B-52.

Trước đây các trắc thủ của đại đội 45 đã từng nhiều lần phát hiện được tín hiệu phản hồi của B-52, nhưng chưa bao giờ nhiều đến như vậy và họ sững sờ khi thấy các đốm sáng hướng đến cao điểm 300, nơi mà B-52 thường rẽ sang trái để oanh tạc các mục tiêu trên đất Lào hoặc rẽ phải đến các mục tiêu ở khúc eo miền Trung Việt Nam.

Thế nhưng hôm nay B-52 vượt qua cao điểm 300 và bay tiếp về hướng Bắc. Thận nhận ra chúng bay theo hướng mà các máy bay cường kích của Hoa Kỳ thường sử dụng để tấn công Hà Nội. Anh quan sát các tín hiệu phản hồi thêm vài giây, sau đó vào lúc 7h15 theo giờ Hà Nội, báo cáo lên ban chỉ huy trung đoàn: “Nhiều máy bay B52 đã vượt qua cao điểm 300. Chúng có vẻ đang trên đường bay đến Hà Nội.”

Trung đoàn, lập tức chuyển thông báo về Bộ chỉ huy phòng không ở Hà Nội. Sau khoảnh khắc chờ đợi không bao lâu, Thận được yêu cầu nhắc lại thông báo. Trận chiến cuối cùng của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam đã được mở màn như thế đấy.

 

Sư đoàn phòng không số 36 đảm nhận trách nhiệm bảo vệ khu vực Hà Nội. Sư đoàn này có nhiều rada và pháo phòng không, tuy nhiên đóng vai trò chủ lực là 3 trung đoàn tên lửa SA-2, đó là: Trung đoàn 26 bảo vệ vùng phía Bắc và phía Đông thành phố, trong khi đó các trung đoàn 257 và 274 bảo vệ phía Tây và Nam.

Mỗi trung đoàn được trang bị một số rada cảnh giới và trong biên chế có 3 tiểu đoàn SA-2. Các tiểu đoàn này đều có rada cảnh giới, các ra đa điều khiển đạn đạo và 6 bệ phóng tên lửa SA-2.

Do khả năng cơ động linh hoạt của các máy bay Hoa Kỳ nên hệ thống điều khiển đạn đạo SA-2 có hiệu quả không ổn định trong suốt cuộc chiến. Nói chung, hệ thống có độ tin cậy chấp nhận được, nhưng không thực sự tiện lợi vì sử dụng đèn chân không, máy tính cơ học nên chậm. Rada điều khiển đạn đạo dễ bị vô hiệu hóa bởi các phương tiện điện tử gây nhiễu. Như vậy, hiệu quả của hệ thống chủ yếu phụ thuộc vào kỹ năng của 7 thành viên của khẩu đội.

Các khẩu đội tên lửa của Hà Nội đã có kinh nghiệm nhiều năm chiến đấu chống lại các cuộc không kích của Hoa Kỳ. Các chuyên gia Bắc Việt đã nghiên cứu hầu như hàng ngày chiến thuật chuẩn của B-52 và các quy trình gây nhiễu bởi vì các máy bay này đã được sử dụng để tấn công các mực tiêu tại Lào và phía Nam.

Tại hội nghị tháng 10/1972, chỉ huy của các tiểu đoàn tên lửa đã nghiên cứu hàng trăm thước phim về nhiễu B-52 do các đơn vị đóng ở nam phần Bắc Việt chụp từ các màn hiện sóng của rada cảnh giới và ra đa điều khiển. Sau hội nghị, Bộ Tư lệnh phòng không đã biên soạn cẩm nang “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” và phân phát cho toàn bộ các đơn vị tên lửa SA-2.

Đêm hôm ấy, những máy bay ném bom đầu tiên xâm nhập vùng trời Bắc Việt là những chiếc B-52 thuộc phi đoàn 21 đóng tại U-Tapao, Thái Lan. Các máy bay B-52 từ căn cứ Andersen nối tiếp theo sau và hợp thành chuỗi 49 chiếc tại vùng biên giới Tây Bắc rồi cùng bay về hướng Đông Nam đến Hà Nội.

Đội hình của phi đoàn không kích bao gồm: Các máy bay F-4, một số rải các băng giấy bạc hoặc các mảnh vụn kim loại (để gây nhiễu) và số còn lại thực hiện nhiệm vụ hộ tống; EB-66 máy bay gây nhiễu điện tử và đáng sợ hơn là Wild Weasel (Cáo hoang) – máy bay được trang bị các phương tiện điện tử đặc chủng, tên lửa chống rađa Shrike và ARM để tìm diệt các rađa ngắm bắn của tên lửa SA-2 

Khi phi đoàn không kích áp sát Hà Nội, các máy bay ném bom F-111 bay ở tầm thấp tấn công những sân bay MIG của Bắc Việt. Các máy bay B-52 được phân thành cụm 3 chiếc nối tiếp bay sau.

Khi chúng tôi rời Lào ngoặt về phía Đông vào Bắc Việt để ném bom, chúng tôi đều tập trung để thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất, đó là một nhiệm vụ bay chính xác nhất mà chúng tôi đã từng thực hiện. Chúng tôi sẽ bay khoảng 20 phút trong tầm sát thương của các tên lửa SAM. Chúng tôi không được phép cơ động né tránh trên tuyến bay từ điểm ngắm mục tiêu đến điểm thả bom. Mệnh lệnh này càng trở thành một mệnh lệnh tự sát hơn khi chúng tôi nghe được hàng loạt thông báo về SAM của các B-52 từ U-Tapao, đã bay vào vùng mục tiêu từ 30 phút trước đó.” Bob Certain kể lại.

"Như bay trong trận mưa tên lửa, cảm giác như bạn có thể đi ngang qua đầu của những tên lửa trên bầu trời, có rất nhiều tên lửa đã bắn vào bạn," một phi công Mỹ đã nghỉ hưu nhớ lại. Ông nói, chiếc máy bay rất sáng, bạn có thể "đọc một tờ báo trong buồng lái".

 

Tiểu đoàn SAM đầu tiên đã đụng độ với cuộc ném bom là tiểu đoàn 57, trung đoàn 261, đóng tại bờ Bắc sông Hồng. Nguyễn Văn Phiệt – Tiểu đoàn trưởng là một cựu binh. Mặc dù đã có 5 năm kinh nghiệm chiến đấu nhưng chưa bao giờ anh thấy nhiễu như lần này.

Tất cả các tín hiệu rađa phản hồi bị chôn vùi trong màn sương nhiễu trắng sáng,” anh nhớ lại. Trên các màn hiện sóng của sỹ quan điều khiển và của các trắc thủ hiện ra nhiều bó xanh đậm đan xiên với nhau và thay đổi với một tốc độ không bình thường.Các cụm sáng đè lên và hòa lẫn vào với nhau, cụm sáng này hòa với cụm khác rồi lại tách xa nhau. Sau đó, hàng trăm và hàng ngàn điểm sáng làm cho màn hình lốm đốm những cụm mục tiêu chuyển động vật vờ. Rất khó để phân biệt được nhiễu của máy bay tiêm kích, của B-52 hoặc của EB-66 hay nhiễu thụ động, do máy bay F-4 thả các mảnh kim loại gây ra, trong điều kiện cái mớ hỗn độn như đã nêu kết hợp với sự nhấp nháy thường xuyên của màn hiện sóng như khi có mưa to.

Chẳng bao lâu sau, các tòa nhà của Hà Nội và vùng ngoại vi, kể cả xe chỉ huy của các tiểu đoàn tên lửa bắt đầu rung chuyển nhẹ khi những quả bom đầu tiên được ném xuống các các sân bay MIG tại Hòa Lạc và Phúc Yên.

Bộ Tư lệnh phòng không đã cấp tốc gọi điện cho sỹ quan trực chiến của trung đoàn 261:

– “Đã phát hiện được B-52 chưa?”

– “Đã có đơn vị nào phóng tên lửa chưa?”

– “Tại sao họ phóng?”

Trong các xe chỉ huy tên lửa, kíp chiến đấu cố gắng sử dụng rađa tìm mục tiêu để phát hiện B-52 bằng cách truy theo các cụm nhiễu, họ không sử dụng rađa ngắm bắn vì tín hiệu của nó làm lộ mục tiêu và họ sẽ bị các máy bay Cáo hoang tấn công bằng tên lửa chống rađa. Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễu dày đặc, việc phát hiện mục tiêu thụ động đã không mang lại hiệu quả.

Khi các máy bay đến gần, Nguyễn Chấn – Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 78, thấy “sóng nhiễu này tiếp theo sóng nhiễu khác tràn đến – tựa như những nan quạt giấy được đóng lại rồi mở ra. Chúng xóa trắng toàn bộ dải phổ…Sáng đến mức chói cả mắt…”. Chấn bật rađa ngắm bắn ở chế độ chờ và nếu cần thiết thì chỉ cần 4 giây sau khi nhấn phím phát tín hiệu mục tiêu, rađa sẽ hoạt động với toàn bộ công suất. Khi tốp B-52 bay đến thì rađa tìm mục tiêu của Chấn vẫn bị vô hiệu hóa vì nhiễu, anh quan sát mục tiêu được phân trên tiêu đồ và quyết định bật rađa ngắm bắn để tìm các B-52. Đó là một quyết định tương đối mạo hiểm vì nếu càng phát sóng lên trời càng lâu thì khả năng bị tấn công càng cao, mặc dù vậy Chấn đã chấp nhận mạo hiểm bật nút kích hoạt rađa, sử dụng phương vị và khoảng cách được viết bằng tay trên tiêu đồ để hướng anten của rađa về phía các máy bay đang bay đến. Chẳng mấy chốc, sỹ quan điều khiển Nguyễn Văn Luyện đã nhận ra một đốm sáng đơn độc của nhiễu B-52. Luyện đưa đốm sáng vào hồng tâm lưới ngắm, nhất nút truyền tín hiệu và mục tiêu hiện ra trên màn hiện sóng của 3 trắc thủ. Trắc thủ khoảng cách Đinh Trọng Duệ đã phấn khích hô to “B-52” và cả 3 sỹ quan đã điều chỉnh lại bộ dữ liệu khoảng cách, phương vị và độ cao để chốt cùng một đốm sáng. Sau đó họ nhịp nhàng quay các bánh lái để bám theo đốm sáng.

Do bị nhiễu nên kíp chiến đấu đã không thể sử dụng tính năng chính xác nhất của rađa ngắm bắn đó là tự động bám mục tiêu. Cuối cùng, lúc 7h49, Chấn đã ra lệnh khai hỏa; hai nút đã được bấm cùng lúc và hai tên lửa phụt lửa sáng chói lao qua mây mù hướng đến mục tiêu.

Thiếu tướng Trần Nhân, Tư lệnh lực lượng phòng không Hà Nội, đã nhớ lại khi Chấn báo cáo lệnh phóng tên lửa về Bộ tư lệnh của trung đoàn 257, “tất cả các cấp chỉ huy của bộ tư lệnh đều thở phào nhẹ nhõm.

Một cựu sỹ quan Bắc Việt đã giải thích hiện tượng trên cho tôi. “Bắn trả làm cho người ta cảm thấy sức mạnh của mình, đó là cảm giác họ đang đánh lại kẻ thù chứ không phải là một nạn nhân thụ động,” anh ấy nói. 

Cách Hà Nội vài dặm, Nguyễn Thắng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 đã trải qua một buổi chiều đáng thất vọng. Tiểu đoàn đã phóng đi 4 tên lửa nhưng đều trượt mục tiêu. Quả bom nổ liền kề đã dội như mưa bùn và sỏi lên nóc xe chỉ huy. Thắng vừa nghe điện thoại từ Bộ chỉ huy Trung đoàn 261 báo động cho anh về mục tiêu T671 tại độ cao 10.000m.

Thắng ra lệnh cho sỹ quan điều khiển Dương Văn Thuận: “Mục tiêu phương vị 350, khoảng cách 30km, độ cao 10.000m.”

Thuận quay anten về hướng 350 độ, sau đó nhấn nút phát tín hiệu mục tiêu và sau 4 giây rađa ngắm bắn đã hoạt động hết công suất. Anh thấy đám nhiễu dày đặc trên màn hiện sóng cho thấy dấu hiệu của một tốp 3 B-52. Anh báo cáo lại với Thắng: “Đã phát hiện được mục tiêu, phương vị 352, chưa rõ khoảng cách, độ cao 10.000m.”

Thắng kiểm tra nhanh mọi thứ trên màn hiện sóng rađa của sỹ quan điều khiển, sau đó quay lại màn hiện sóng của mình và ra lệnh cho Thuận chuẩn bị phóng 2 tên lửa. Mặc dù chỉ xác định được phương vị, nhưng do độ cao đã biết vì thế có thể tính toán dễ dàng tọa độ còn lại là khoảng cách.

Do B-52 thường bay ở độ cao từ 30.000 – 38,000 feets (9,0 – 11,6 km) nên tính khoảng cách chỉ là bài toán hình học sơ cấp: sử dụng cạnh (độ cao) và 2 góc đã biết của tam giác vuông – 90 độ và góc của tia rađa ngắm bắn để tính cạnh huyền.

Thắng theo dõi đốm nhiễu trên màn hiện sóng và khi tín hiệu phản hồi ổn định, anh ra lệnh cho 3 trắc thủ bám mục tiêu bằng tay. Đó là nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng rất cao. Thắng mô tả vấn đề như sau: “Việc điều khiển tên lửa bằng tay là đủ khó cho dù mục tiêu được nhìn thấy rõ. Nó sẽ khó hơn khi phải bám theo nhiễu mờ ảo của B-52 trên màn hiện sóng rađa. Nếu quay bánh lái không đều hoặc giật cục, tên lửa có thể bay trệch mục tiêu hàng trăm mét hoặc thậm chí phát nổ trong không khí.”

Khi máy bay B-52 bay vào tầm bắn, Thuận đã phóng 2 tên lửa, các trắc thủ dồn hết sự tập trung vào các màn hiện sóng và bánh lái. Tiếp đó, 24 giây sau khi các tên lửa được phóng đi, một đèn tín hiệu trên bảng điều khiển lóe sáng, báo hiệu ngòi nổ của tên lửa thứ nhất đã điểm hỏa và tiếp theo là đèn tín hiệu thứ hai lóe lên. Trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Đô (Độ, Đỗ ?) hô to đốm sáng đã biến mất, tiếp đó trắc thủ độ cao Lê Xuân Linh báo cáo đốm nhiễu của mục tiêu đang mất độ cao nhanh chóng.

 

Khi đợt B-52 thứ nhất đã bay đi, không khí tại các bộ chỉ huy (phòng không) Bắc Việt đã bớt căng thẳng – họ đã nhận đòn B-52 và có thể đánh trả. Xe chở tên lửa của các tiểu đoàn đã bắt đầu chạy xuyên qua những con đường lầy lội và những tòa nhà đang bốc cháy đến kho nhận những tên lửa mới. Các chiến sĩ quân giới đã làm việc như điên để lắp tên lửa và xếp lên xe những quả đã được hoàn thành.

Ngay trước nửa đêm, máy bay tiêm kích và yểm trợ của Hoa Kỳ lại xuất hiện trên màn hiện sóng ra đa. Một đợt oanh tạc nữa của B-52 lại sắp diễn ra.

Đợt B-52 thứ hai bay cùng một đường với đợt thứ nhất và nhắm đến cùng những mục tiêu như nhau. Peach 02, là B-52 thứ hai bay trên một mục tiêu đã bị ném bom trong đợt đầu. Khi vừa ném bom xong, nó lập tức ngoặt trở lại phía sau mục tiêu thì bị tên lửa bắn trúng. Phi công đã cố gắng lê chiếc máy bay bị thương nặng trở về Thái Lan, nơi mà phi đoàn có thể nhảy dù an toàn ra khỏi máy bay.

Khi đợt thứ hai đã rút về phía Nam thành phố, Đinh Thế Văn (Vân, Vạn?), tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 77, đã thảo luận với sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức về phương pháp sử dụng chức năng tự động bám mục tiêu của ra đa ngắm bắn để hạ B-52. Mặc dù chức năng tự động có độ chính xác cao, nhưng vẫn được xem là không thể được sử dụng trong trường hợp mục tiêu bị nhiễu.

Thế nhưng Văn vẫn quyết định thử.  Đợt ném bom thứ nhất hầu như đã làm tan biến hy vọng của anh khi một vài quả bom rơi gần trận địa của tiểu đoàn 77, phá hỏng một số thiết bị và gây thương vong cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ đưa tên lửa lên bệ phóng. Sau đó vài phút, khi Văn bật ra đa ngắm bắn và cố sử dụng chức năng tự động bám B-52 thì trận địa bị máy bay Wild Weasel tấn công bằng tên lửa Shrike và quả tên lửa đã nổ cách xe chỉ huy chỉ chưa đến 30m.

Sự thất vọng của Văn tăng lên, khi trong đợt B-52 thứ hai tiểu đoàn vẫn không thể tách máy bay ném bom ra khỏi nhiễu. Tuy nhiên, trong đợt ấy Văn nghĩ rằng anh đã nhận ra thời điểm mà nhiễu B-52 tan đi.

“Chúng tôi thấy nhiễu B-52 dầy đặc và thường làm trắng xóa màn hiện sóng của ra đa…[nhưng] chúng tôi thấy rằng không phải lúc nào nhiễu cũng dầy đặc như nhau,” anh ấy nhớ lại. “Vấn đề cốt lõi là xác định khoảng thời gian mà B-52 bị lộ ra và thịt nó như một chú cừu non.”

Bốn giờ sau, Văn và kíp chiến đấu đã có thêm một cơ hội nữa khi đợt B-52 thứ ba bay đến theo cùng một đường bay và ném bom cùng những mục tiêu như hai đợt trước. Kíp chiến đấu của tiểu đoàn 77 đã chăm chú quan sát mục tiêu được phân công và khi thấy nhiễu giảm mạnh họ đã phóng hai tên lửa rồi chuyển sang chế độ bám tự động.

Máy bay B-52 có tên là Rose-01 bị trúng tên lửa, bốn thành viên phi hành đoàn đã nhảy dù ra được trước khi nó rơi xuống vùng ngoại ô Hà Nội. Thế là Văn đã nhận thấy rõ yếu điểm chết người trong chiến thuật ném bom của Hoa Kỳ. 

SAC đã sao chép y nguyên chiến thuật ném bom nguyên tử nổ ở độ cao lớn và ra lệnh sau khi thả bom, máy bay phải lập tức ngoặt gấp trở lại để thoát ra khỏi mục tiêu. Nhưng SAC đã không đánh giá được sơ hở của chiến thuật này trong việc đối phó với ra đa ngắm bắn và không hề xem xét việc ngoặt gấp phía sau mục tiêu sẽ mang lại hậu quả như thế nào khi máy bay ném bom nằm trong tầm bắn của tên lửa SAM.

Do ăng ten phát nhiễu (tích cực) của B-52, bị gắn chặt và hướng về phía mặt đất, nên khi máy bay ném bom ngoặt gấp nó bị chệch khỏi các ra đa mặt đất của SAM, vì vậy ra đa ngắm bắn có thể tách được tín hiệu phản hồi và tự động bám theo.

Đêm tiếp theo, mặc dù các máy bay ném bom vẫn bay theo cùng một đường bay và cùng thực hiện ngoặt ở phía sau mục tiêu như đêm trước, lực lượng phòng không Bắc Việt chỉ bắn trúng 2 chiếc nhưng không chiếc nào bị hạ rơi tại chỗ.

Sáng hôm sau, Bộ tham mưu sư đoàn phòng không 361 đã triệu tập các tiểu đoàn trưởng đến dự họp khẩn cấp, bất chấp việc họ không hề được chợp mắt suốt cả đêm.

Chiều hôm đó, các sĩ quan tham mưu đã đến từng tiểu đoàn để xem xét chiến thuật và quy trình chiến đấu của họ được mô phỏng lại trong xe chỉ huy. Các kíp chiến đấu đã diễn tập chiến đấu trong mọi tình huống mà họ đã gặp phải trong hai đêm đầu và cải tiến các phương pháp điều khiển tên lửa thông dụng nhằm nắm vững ưu thế đối với những chiến thuật cơ động của B-52 mà họ đã dự đoán được

 

Đêm không kích thứ ba, ngày 20/12, đã được mở màn như hai đêm trước: Đợt B-52 thứ nhất đã bay đến ngay trước tám giờ. Kíp chiến đấu trong xe chỉ huy của tiểu đoàn 93 đã lo lắng chờ đợi các máy bay đến gần. Tiểu đoàn này đã bị phê bình vì những thất bại trong đêm trước và suốt buổi sáng các sĩ quan đã xem xét lại quy trình tác chiến cùng với huấn luyện viên từ Bộ chỉ huy sư đoàn 361.

Khi các B-52 bay đến gần các mục tiêu mà chúng đã ném bom trước đó, công sức nghiêm túc, mà tiểu đoàn 93 bỏ ra, đã được đền bù: Các chiến sĩ đã phóng 2 tên lửa vào một B-52 đang nghiêng mình để thực hiện cơ động ngoặt lại phía sau mục tiêu và trong khoảnh khắc sau đó chiếc Quilt- 03 đã lộn cổ xuống đất hầu như theo phương thẳng đứng. Bốn trong số thành viên phi đoàn đã sống sót.

Các tiểu đoàn còn lại cũng đã khắc phục thất bại trong đêm trước. Ba tiểu đoàn đã cùng đánh một máy bay ném bom, các tên lửa đã bắn trúng máy bay khi cửa của khoang bom chứa vừa được mở ra.

Phía Bắc Việt đã rất phấn khích và theo dự đoán, để sẵn sàng chiến đấu với đợt ném bom thứ hai, họ đã cố gắng nhưng chỉ có ít tên lửa được lắp xong. May thay, đợt ném bom vào lúc nửa đêm đã không xẩy ra, SAC đã ra lệnh hủy bỏ nó. Chỉ có một tốp nhỏ B-52 bay về phía Bắc.

Sau đó SAC đã thay đổi quyết định và cho phép tiến hành đợt ba. Vào khoảng bốn giờ sáng, khi đối phương xâm nhập bầu trời Hà Nội, các tiểu đoàn tên lửa đã được trang bị lại đầy đủ các tên lửa mới.

Một lần nữa, lực lượng phòng không Bắc Việt lại nhận thấy các B-52 bay theo cùng một đường và ném bom những mục tiêu y hệt như tám giờ trước.

Hầu như ngay lập tức, một B-52 bị trúng tên lửa khi nó thực hiện cơ động ngoặt lại sau mục tiêu, may mà phi công đã lê được chiếc máy bay bị bắn hỏng sang Lào, nơi mà các thành viên phi đoàn, trừ một người, đã nhảy dù thoát khỏi máy bay. Hai chiếc B-52 nữa đã bị bắn hạ trong 15 phút sau đó.

Tại căn cứ B-52, U-Tapao Thái Lan, sau khi nhận được báo cáo về tổn thất, Chuẩn tướng Glenn Sullivan, Tư lệnh sư đoàn không quân 17, đã quyết định rằng thế là quá đủ. “Tôi gọi các chỉ huy chiến dịch, Đại tá Don Davis và Bill Brown đến và ra lệnh cho họ triệu tập những chàng trai đã dạn dầy kinh nghiệm ngay khi họ hạ cánh để cùng thảo luận những thay đổi mà tôi sẽ trình lên SAC,”  ông nhớ lại.

“Tôi phản đối quan điểm ném bom theo một vệt duy nhất, đêm này sang đêm khác bay trên cùng một độ cao, và những chiến thuật ngu xuẩn khác. Các phi công đã đến và viết ra hàng loạt những đề nghị thay đổi thông minh.

Sáng sớm hôm đó, tôi đã kí và gửi báo cáo trực tiếp cho Tướng J.C. Mayer và gửi bản sao cho Thủ trưởng của tôi tại Quân đoàn Không quân số 8, Tướng Jerry Johnson. Tôi muốn báo cáo đến SAC được gửi đi ngay lập tức. Một số người e ngại rằng tôi sẽ gặp rắc rối vì đã gửi báo cáo trực tiếp cho Mayer, tuy nhiên tôi cần phải làm ngay một điều gì đó.

Báo cáo đã mang lại một vài hiệu quả. Vào đêm hôm sau việc rẽ ngoặt sau mục tiêu đã bị kiên quyết bãi bỏ, tuy nhiên SAC vẫn ra lệnh các máy bay ném bom sử dụng chiến thuật bay cùng một đường bay và theo hàng một đến mục tiêu. Thế là thêm 2 máy bay bị bắn hạ.

Do bị thất bại nên trong ba đêm sau đó SAC đã ra lệnh không ném bom Hà Nội để đánh phá các mục tiêu khác. Không có cuộc ném bom nào được tiến hành trong đêm giáng sinh.

Đêm 26, các máy bay B-52 trở lại đánh phá Hà Nội, nhưng Quân đoàn không quân số 8 đã lập kế hoạch ném bom trên cơ sở sử dụng những ý tưởng được Tướng Sullivan và các phi hành đoàn chiến đấu đề xuất. 

Khoảng 10 giờ đêm ngày 26 tháng 11, các ra đa cảnh báo sớm của Bắc Việt đã phát hiện được nhiều máy bay hộ tống, có nghĩa là B-52 đang bay đến. Các ra đa tìm mục tiêu đã quan sát được một toán lớn B-52 bay xuyên qua Lào, nhưng sau đó thêm một toán nữa đến từ Vịnh Bắc Bộ. Cả 2 toán B-52 áp sát thành phố rồi bay tản ra xung quanh Hà Nội và Hải Phòng. Sau đó hơn 110 chiếc B-52 hầu như đồng thời quay trở lại mục tiêu và tấn công từ khắp mọi hướng.

Phi vụ ném bom theo chiến thuật mới đã được hoàn thành trong vòng 15 phút. Các sĩ quan điều khiển Bắc Việt đã cố gắng .. nhưng hệ thống tìm mục tiêu bằng tay của họ đã bị quá tải vì các máy bay B-52 đã lao đến hầu như đồng thời từ những hướng khác nhau.

Thêm vào đó, thay vì thực hiện cơ động cứng nhắc và nguy hiểm chết người đó là ngoặt lại sau mục tiêu thì các B-52 tiếp tục bay thẳng về phía trước hoặc kéo dài thời gian thực hiện cơ động quay lại cho đến khi đã bay ra ngoài tầm bắn của tên lửa.

Tên lửa đã được phóng lên để chặn đánh hầu hết các mũi ném bom, tuy nhiên cho đến cuối đợt tấn công, chỉ có một B-52 bị bắn rơi tại Hà Nội (một chiếc khác bị tai nạn khi hạ cánh xuống U-Tapao).

Thế là rõ, lực lượng phòng không Bắc Việt đã không còn cơ may bắn được nhiều B-52 nữa và hôm sau, ngày 27/12, các nhà đàm phán Bắc Việt đã cho phía Hoa Kỳ biết là họ muốn tiếp tục cuộc đàm phán tại Paris vào ngày 8/1/1973. Phía Mỹ yêu cầu các cuộc thảo luận kỹ thuật sẽ bắt đầu vào ngày 2/1, 1 ngày trước khi QH Mỹ họp. Phía Bắc Việt chấp thuận ngay. Tuy vậy, còn nhiều chi tiết mà phía Hoa Kỳ cần làm sáng tỏ, vì vậy các cuộc ném bom Hà Nội vẫn được tiếp tục. Vào ban đêm của ngày mà Bắc Việt đồng ý trở lại Paris, 60 chiếc B-52 đã ném bom thủ đô và biên giới Việt - Trung, 2 chiếc đã bị bắn hạ.

Đêm 28 và 29, không chiếc nào trong số các máy bay B-52 tham gia ném bom bị bắn rơi. 

17 phút trước 12h đêm ngày 29/12/1972, không quân Mỹ đã thả quả bom cuối cùng trong chiến dịch không kích. Sau đó vào 30/12, Tổng thống Nixon đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom này và đến cuối tháng giêng Hiệp định hòa bình Paris đã kết thúc sự dính líu của Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam.

 

Cho đến nay, cả hai bên đều đồng í rằng Linebacker II là một chiến dịch mang tính quyết định, đó là chiến dịch kết thúc cuộc chiến, thế nhưng sự nhất trí chỉ dừng lại ở đó mà thôi.

Về phía Hoa Kỳ, Hiệp định Paris nhằm thực hiện mục tiêu của Nixon là đưa tù nhân chiến tranh về nước, tạo điều kiện cho Mỹ chấm dứt dính líu vào chiến cuộc  ở Việt Nam, mà không bị mất mặt và vẫn giữ được cam kết với chính quyền của ông Thiệu.

Tuy nhiên, phía Việt Nam cho rằng mục tiêu của chiến dịch là buộc họ phải đầu hàng và rút quân đội khỏi miền Nam. Vì thế, khi Hiệp định Paris cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam, họ có đủ lí do để tuyên bố rằng Linebacker II đã “thất bại.”

 

Vào năm 1975, niềm tin đó lại càng được củng cố thêm, khi các đạo quân Bắc Việt, ở lại miền Nam, đã mở cuộc tổng tấn công để tái thống nhất đất nước.

Sự thống nhất toàn vẹn đất nước là bằng chứng về chiến thắng của họ trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử này

 

Marshal Michel

( Air & Space Smithsonian Magazine, 01/2001 ) 

*Trích lược từ nguồn do Dove (Viện Khoa học Việt Nam ) biên dịch 

Bài báo đăng trên tạp chí Air&Space Smithsonian được biên soạn theo sách của Marshall Michel: “ Mười một ngày Giáng sinh: Chiến dịch cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam “, do nhà xuất bản Encounter Books phát hành.

*Notice: Thông tin và số liệu về trận đánh 12 ngày đêm này có rất nhiều khác biệt

Theo Karl J. Eschmann, Mỹ đã huy động: Gần 50% B-52 của toàn nước Mỹ (197 trên tổng số 400 chiếc) từ Tập đoàn không quân 7 và 8 đóng tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam và căn cứ Utapao (Thái Lan).

Theo ước tính của Hoa Kỳ, Việt Nam đã phóng khoảng 1.000 - 1.200 tên lửa sau 12 ngày đêm. Ngay trong đêm đầu tiên, Bắc Việt đã bắn 200 quả tên lửa và ít nhất 5 trong số tên lửa đó đã tìm thấy mục tiêu của chúng ( 3 chiếc B-52 bị bắn rơi, và 2 chiếc khác bị hư hại ).

Phía Mỹ công bố có 15 chiếc B-52 đã bị SAM 2 bắn rơi và 33 phi công bị bắt làm tù binh.

 

Số liệu phía Việt Nam rất khác biệt. Có đến 34 chiếc B-52 bị hạ do SAM 2, Pháo Cao Xạ ..  và đặc biệt có 3 chiếc bị hạ bởi MIG 21. Lượng tên lửa được sử dụng cũng nhỏ hơn số liệu từ phía Mỹ cung cấp rất nhiều chỉ khoảng 330-370 SA-2 ( bằng 60% dự trữ tên lửa tốt Hà Nội, Hải Phòng). Việc Hoa Kỳ ước tính sai số tên lửa đã phóng là do chiến thuật "bắn tên lửa giả" của Việt Nam (tên lửa vẫn nằm trên bệ phóng nhưng lại phát sóng điều khiển tên lửa ra ngoài để làm đội tiêm kích bảo vệ B-52 tưởng là tên lửa đang lao tới, phải tìm cách né tránh làm rối loạn đội hình ).

Nhiều nguồn nói Bắc Việt đã hết tên lửa vào những ngày cuối Christmas Bombing. Thực tế còn khoảng gần 300 quả trong kho nhưng chưa kịp lắp ráp. SAM2 đưa sang không phải hoàn thiện như viên đạn súng AK mà để có tên lửa đặt lên bệ phóng, cần phải lắp ráp từ nhiều phần cấu kiện trong xưởng hoặc ở tiểu đoàn 5 trong trung đoàn tên lửa, đưa hai thành phần nhiên liệu lỏng chất O và chất G được bơm vào tên lửa nhằm cấp nhiên liệu làm việc cho động cơ tên lửa khi bay, khi nổ trên trời thấy có mầu vàng da cam như dioxin là do hai loại nhiên liệu rất độc này (bộ đội phải mặc áo phòng hóa và mặt nạ khi làm việc này).

* Ảnh: xác B-52 ở Hồ Hữu Tiệp bị bắn rơi ngày 27.12