Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Việc cần làm hàng ngày

 

VIỆC CẦN LÀM HÀNG NGÀY

Tạ Ơn và Sám Hối là việc nên tự nhắc nhở mình thực hiện hàng ngày. 

Chúng ta được sinh làm người để học bài học giác ngộ là đã mang ơn Tam Bảo, Trời Đất, Thầy Tổ, Cha Mẹ, Chư Thiên và vô số chúng sanh nên trước tiên cần phải chân thành biết ơn và tạ ơn tất cả. 

Ngay cả những pháp đối nghịch cũng đã giúp chúng ta học được nhiều bài học quý giá như lòng nhẫn nại, từ bi .... Đồng thời khi còn cái ta vô minh ái dục - chúng ta đã vì lòng ích kỷ cá nhân mà đối nghịch với Tam Bảo, Trời Đất, chư Thánh Hiền, Bồ-tát và Cha Mẹ, Thầy Tổ ... cũng như gây khổ đau tổn hại đến vô số chúng sanh. 

Do đó, Tạ Ơn - Sám Hối là pháp mà bất cứ ai bắt đầu ý thức được sự quan hệ mật thiết trong cuộc sống trùng trùng duyên khởi đều tự thấy ra đó là trách nhiệm của mình.

Cũng không cần phải có một phương pháp Tạ Ơn - Sám Hối nào nhất định, mà chủ yếu là ở tấm lòng. Cách thể hiện thì tùy người tùy hoàn cảnh. Nên tự mình thấy ra hơn là làm theo một bài bản sẵn có. Khi chúng ta đọc mãi một lời tạ ơn sám hối soạn sẵn thì dễ rơi vào máy móc, quán tính và lâu ngày sẽ không còn sinh khí để cảm ứng xúc động nữa. 

Và cụ thể hơn nữa là biểu hiện bằng hành động thiết thực đối với Tam Bảo, Cha Mẹ, Thầy Tổ, những người, vật và hoàn cảnh xung quanh với tâm tôn kính, thương yêu, thông cảm, bao dung, tha thứ v... 

 Đó mới thật sự là Tạ Ơn - Sám Hối

 

Thầy Viên Minh

Năng lượng ...

NĂNG LƯỢNG ... 

Năng lượng tồn tại và tác động đến mọi sự vật trên trái đất. Dù bạn cho đó là sức mạnh của Thượng Đế, của các thế lực siêu nhiên, của quỷ dữ, hay chính là bản thể của mỗi con người, thì năng lượng đó vẫn tồn tại.

Khi bạn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bày tỏ lòng biết ơn, khi bạn có niềm tin, lòng nhân hậu, và khi bạn chia sẻ thái độ sống tích cực, lạc quan với những người khác, nghĩa là bạn đang cho và nhận năng lượng tích cực - năng lượng mà tôi gọi là “lòng biết ơn”.

Ngược lại, khi tâm trí bạn quẩn quanh với những điều tồi tệ, hành xử nóng vội, bạn nuôi tính đố kỵ, thường xuyên phàn nàn, chỉ trích, suy nghĩ bi quan, nghĩa là bạn đang phát tán một dạng năng lượng khác. Khi đó, cuộc sống của bạn bị vướng vào vùng ảnh hưởng của thứ năng lượng mà tôi gọi là “rác rưởi”.

Khi bạn ở trong vòng ảnh hưởng của những điều tồi tệ, bạn cảm thấy tự mãn và tin rằng có gì đó không ổn với thế giới bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của bạn. Những người khác đều sai lầm. Tất cả những thứ khác đều có vấn đề. Điểm mấu chốt là đừng để người khác lôi kéo bạn vào những suy nghĩ tiêu cực, cách hành xử tồi tệ. Hãy tỉnh táo để nhận ra cái bẫy “rác rưởi“ bạn đang vướng vào và sau đó nhanh chóng thoát ra khỏi đó.

Mỗi ngày sống đều mở ra cho bạn hai lựa chọn: sống trong vòng ảnh hưởng của “ lòng biết ơn “ hay trong vòng ảnh hưởng của “rác rưởi”. Có những hấp lực mạnh mẽ sẽ cuốn bạn đến gần hai lựa chọn trên.

Chọn cách sống nào là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn.

 

David J. Pollay

Trích: “ Bài học diệu kỳ từ chiếc xe rác “

Ảnh: Net

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Tây Tiến

 
TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi ! 
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi 
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 
Mường Lát hoa về trong đêm hơi 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm 
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời 
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống 
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi 

Anh bạn dãi dầu không bước nữa 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời ! 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét 
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người 

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói 
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi 

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa 
Kìa em xiêm áo tự bao giờ 
Khèn lên man điệu nàng e ấp 
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy 
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ 
Có nhớ dáng người trên độc mộc 
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa 


Tây tiến đoàn binh không mọc tóc 
Quân xanh màu lá dữ oai hùm 
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ 
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh 
Áo bào thay chiếu, anh về đất 
Sông Mã gầm lên khúc độc hành 

Tây tiến người đi không hẹn ước 
Đường lên thăm thẳm một chia phôi 
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy 
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. 

-- Phù Lưu Chanh, 1948 
Quang Dũng
 

* Chân dung Quang Dũng : Tranh Bùi Quang Ngọc
* Kháng chiến : Tranh vẽ của Quang Dũng ở một cuốn sổ tay khổ 13cmx18cm, bằng chất liệu mầu nước. Vẽ trong khoảng 65 - 66 khi gia đình sơ tán ở Kim Châu, Thanh oai

Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, tức Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), là một nhà thơ, từng làm đại đội phó Trung đoàn Tây Tiến năm 1947 và trưởng đoàn văn nghệ Liên Khu III, hoạt động thời kháng chiến chống Pháp. Ông là người tài hoa, không chỉ làm thơ, viết văn, mà còn vẽ tranh và  viết cả nhạc.
 
Lúc trẻ ông học trường Trung học Thăng Long, rồi dạy học tư ở Sơn Tây. Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công và làm phóng viên cho tờ Chiến Đấu.
Theo hồi kí của Phạm Duy, Quang Dũng là một người rất hiền từ, chan chứa tình người như đã thể hiện qua nhũng bài thơ của ông. Quang Dũng vừa cầm bút, vừa cầm súng, những tác phẩm nổi tiếng của ông trong thời kì này là Mắt Người Sơn Tây, Đôi Bờ, Tây Tiến, Những Làng Đi Qua...v.v
Trong kháng chiến, ông từng tham gia một cuộc triển lãm hội họa với bức tranh Gốc Bàng. Ông cũng soạn nhạc, bài hát Ba Vì Mờ Cao cũng được dân chúng yêu chuộng lưu truyền trong vùng kháng chiến một thời gian. Sau hiệp định Genève, ông ở lại miền Bắc rồi bị đi chỉnh huấn cùng nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Thơ của ông bị xếp vào loại thơ "tiểu tư sản" thiếu tính chiến đấu. Sau đó Quang Dũng được sắp xếp làm biên tập viên cho tờ Văn Nghệ rồi Nhà xuất bản Văn học, nhưng thực sự là sống ở ẩn, sáng tác cầm chừng vì bệnh tật và nghèo túng.
Ông mất âm thầm vào ngày 13/10/1988 tại Hà Nội.
 
* Công viên Thống Nhất : Tranh Quang Dũng 
 Khi nghe tin ông mất, cố Nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn cùng lớp của ông đã viết:
........
" Quang Dũng đã nằm xuống trên một mảnh đất quê hương tôi mong rằng cũng không xa cánh đồng Bương Cấn của anh là mấy.
 Thôi nhé, xin chúc anh ngủ yên trong giấc mộng thiên thu để cho chúng tôi tiếp tục buồn hộ anh nỗi buồn viễn xứ khôn nguôi..."
 
- st -

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2022

Cả họ .. mất nhờ !


Lương lãnh Đạo èo ọp còn thua cả Grab thế này thì cả Họ .. mất nhờ !

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

Nhân .. Quả

NHÂN .. QUẢ

Có một dịp Thầy gặp một người đang làm công tác hỗ trợ trẻ em tàn tật, người đó nói: “Con không chấp nhận Đạo Phật cho rằng nhân quả nghiệp báo từ kiếp trước làm ác thì kiếp này phải trả, nói như vậy thì tội cho các em quá! Trong khi đó các em cần được chăm sóc, thương yêu vì các em thiếu may mắn hơn mọi người.” Người này phát biểu cũng đúng một phần.

Không nên hiểu nhân quả nghiệp báo một cách máy móc, như là cái tội mà một người cần phải gánh chịu do tạo nhân từ kiếp trước để rồi “đổ lỗi cho nghiệp” trở thành phương châm ứng xử. Trước mắt, các bé đang bị như vậy thì cần tình thương của mọi người, hoặc đối với những người bất hạnh, nghèo khổ thì chúng ta cần giúp đỡ và chia sẻ.

Giả sử kiếp trước một người vì thiếu hiểu biết nên làm sai, thành ra bây giờ tật nguyền, thì chúng ta cũng không nên vội vàng kết luận cho rằng đó là do nhân trong quá khứ làm ác, nên bây giờ phải tự lãnh quả nghiệp xấu. Làm như vậy thì sẽ dẫn đến thái độ ứng xử không có tình thương, mà lạnh lùng & tàn nhẫn, bởi cho dù có là nghiệp quả vì hành động vô minh trong quá khứ đi nữa, thì cũng vẫn đáng thương, đáng được giúp đỡ.

Mặt khác cũng cần hiểu rằng phải có nhân duyên gì đó thì mới sinh ra điều đau khổ này. Ví như con người muốn tìm ra giống cây tốt, thì phải lựa tìm ra hạt giống hoàn chỉnh thì mới ra cây hoàn chỉnh, ngược lại, nếu hạt giống không tốt thì sinh ra cây, trái bị khiếm khuyết. Về mặt nhân-quả thì điều này hoàn toàn đúng.

Xét theo nhân quả, phước tội, nghiệp báo thì một người đạo đức thì sẽ có phước hơn người trộm cướp, điều này không sai. Nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thôi thì đó mới chỉ là kiến thức qua lý trí mà thiếu mất trải nghiệm thực tế đời sống bằng trái tim.

Nghiệp nên được hiểu như là Bài Học của mỗi chúng sinh. Nhân quả, nghiệp báo đều mang tính giáo dục, chứ không phải như hình phạt để đày đọa mỗi người. Ví dụ một em học sinh vì lười học nên sau này phải làm công việc khó nhọc mới đủ nuôi thân, chính nhờ điều đó giúp em học ra bài học là cần phải học hành siêng năng để có một nghề nghiệp tốt.

Có vị sư nọ tu học rất tinh tấn, gương mẫu, tầm vóc hiểu đạo rất tốt. Nhưng từ ngày đi tu học ở nước ngoài về, vị ấy luôn bị những tai nạn chấn thương tay, chân liên tục. Một lần, vị sư vừa đi bát về thì vấp té gãy xương chân ở cấp độ nhẹ. Gần đó có vài người thợ đang làm đá, họ cõng sư từ trên núi chạy xuống. Tuy nhiên, việc này khiến cho chấn thương từ cấp độ nhẹ trở nên trầm trọng. Xuống đến nơi thì xương gãy lìa, nhưng ngài vẫn tươi cười nói:”May là chỉ mới gãy một chân, chứ chưa gãy hai chân.”

Cứ mỗi lần bị tai nạn, thì vị ấy vẫn bình thản vui vẻ chấp nhận và nói rằng:”Chắc kiếp trước cũng đánh đập người khác, nên bây giờ thì chịu vậy thôi”. Dù cũng bị nghiệp nạn, nhưng vị sư ấy thấy ra và xem đó là bài học, rồi đón nhận với một thái độ vui vẻ, thoải mái. Thái độ ấy khiến mọi người xung quanh đều rất khâm phục.

Cho nên, khi gặp mọi người, dù là tàn tật hay đẹp đẽ, người sung sướng hay bất hạnh, chúng ta nên thấy bằng một cái nhìn bình thản. Việc gì có thể giúp thì giúp, điều gì có thể chia sẻ thì chia sẻ, vì trong cuộc đời quan trọng vẫn là có trí tuệ và tình thương. Ngoài ra, tất cả mọi thứ khác đều vô nghĩa.

Tại sao cần có tình thương yêu và chia sẻ? Bởi vì tất cả chúng sinh đều đang học bài học của mình qua quy luật nhân quả, nghiệp báo để được giác ngộ và giải thoát. Cho dù trong nhà tù chỉ toàn người trộm cướp, thậm chí là đang đau khổ hay làm ác thì vẫn đáng thương, bởi vì họ đang phải trải qua những bài học khó khăn. Cần giúp đỡ, thương yêu họ mới là đúng.

Những người đang bất hạnh và đau khổ vì vô minh mới chính là những người đáng thương. Còn mình may mắn hiểu Đạo, trải nghiệm Đạo, và đã thấy ra sự thật, nên không còn làm những việc sai lầm mà tránh khỏi những nghiệp khổ đó. Thật ra bất cứ ai đã từng tự thân trải qua đau khổ đều có lòng thông cảm, bao dung và sẵn sàng giúp đỡ với những hoàn cảnh khốn khó ấy.

Sau khi Đức Phật đã thành Đạo, Ngài vẫn còn bị tám kiếp nạn rất lớn. Cho nên nghiệp khổ, hay nạn tai là không quan trọng. Trong cuộc đời này, điều quan trọng là chúng ta có từ những gì xảy ra nơi mình, nơi người, mà học được bài học giác ngộ giải thoát hay không?

Một người tuy gặp nạn, gặp đau khổ phiền não nhưng nhờ đó mà giác ngộ, còn một người sống sung sướng, đầy đủ, không gặp nạn tai nhưng vì vậy mà sống chìm đắm, không giác ngộ được điều gì cả, thì như vậy cũng đâu có ý nghĩa gì.

Thông qua nghiệp, học ra bài học giác ngộ mới là điều cần thiết, chứ không cần tìm hiểu chi li về chuỗi nhân quả, tại sao thế này hay thế kia? Điều đó đức Phật đã khẳng định là “bất khả tư nghị”, và nếu cứ suy nghĩ nhân phải như thế này, thì quả sẽ như thế kia, thì đó là một trong những nguyên nhân làm cho mình bị loạn trí.

 

Thầy Viên Minh