Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Ở đời

“ Ở đời có 3 thứ không thể mua được bằng tiền đó là : Tình Yêu, Tình Bạn, và Lòng Biết Ơn ”

- Osho -

 


Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Đã từng ... đơn giản

ĐÃ TỪNG ... ĐƠN GIẢN

Chuyện đã từng ... đơn giản nay lại trở thành không hề đơn giản. Thời các Cụ đã từng ... đơn giản nhưng đến thời con cháu các Cụ lại không còn ... đơn giản.

" Hữu Mai thể hiện " là cụm từ quen thuộc đã xuất hiện trong các xuất bản phẩm trước đây một cách ... đơn giản. Nó như một dấu ấn mặc nhiên ghi nhận công lao của người chấp bút.

Tác quyền 50/50 cũng đã được thực hiện một cách đơn giản ... trước đây. Và Đại Tướng cũng đã xem câu chuyện tác quyền này chỉ là vấn đề ... đơn giản. 

Cho dù thực tế có thể là nhà văn Hữu Mai chỉ đơn thuần làm công việc của người ghi chép,người biên tập ... những lời kể của Đại Tướng thì công sức và những đóng góp của ông cũng đã được chính Đại Tướng và bạn đọc một thời thừa nhận. 

Cho dù thực tế có thể là nhà văn Hữu Mai đã sáng tác rất nhiều, đã dành nhiều công sức để nghiên cứu tìm tòi bổ xung tư liệu, đã thổi cái hồn văn chương vào đó... hay đến đâu thì danh tiếng của Đại Tướng cũng chẳng hề vì thế mà bị ảnh hưởng. Ai cũng hiểu những cuốn sách đó là chuyện của Đại Tướng, nó thuộc về Đại Tướng và theo năm tháng người ta sẽ chỉ còn nhớ đến những cuốn " hồi ký của Đại Tướng ". Mấy người còn để tâm xem ai là người chấp bút, " người thể hiện " những cuốn sách đó. 

 

Chuyện đã từng ...  đơn giản khi những đóng góp của nhà văn Hữu Mai vẫn được chính Đại Tướng và dư luận xã hội công khai ghi nhận. Nay không rõ vì nguyên cớ gì mà người ta lại muốn rũ bỏ đi cái sự thật hiển nhiên đó. 

Người ta muốn hô biến cái chuyện đã từng ... đơn giản trở thành không còn ... đơn giản.

 

https://tuoitre.vn/ban-quyen-hoi-ky-chuyen-khong-don-gian-20210328105854447.htm

Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Ngôi Chùa thiêng nhất

 " Cửa Phật rộng mở, đưa Chúng Sanh đi vào nẻo Thiện
    Pháp môn phương tiện, dắt Hữu Tình ra khỏi đường Mê "



NGÔI CHÙA THIÊNG NHẤT

Đi lễ Chùa là một truyền thống có từ rất lâu đời của người Việt. Người xưa đi lễ đầu Xuân là để thể hiện tấm lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, biết rằng điều Phật dạy con người là tu nhân tích đức, điều Phật ban cho con người không phải là tiền bạc, của cải hay sức khỏe, mà là trí huệ và giác ngộ tâm linh. Người thường cũng nhân dịp lễ Phật mà ăn năn cho những tội lỗi của mình, và cầu xin có cơ hội được hoàn trả sai trái, hành thiện giúp đời. Người mộ Đạo đến cầu chân lý, một lòng mong được tinh tấn trên con đường hành Đạo.

Ngày nay, người ta bảo nhau cầu chức, cầu danh thì phải đến Đền này; xin con, xin của thì phải đến Chùa nọ, Phủ kia. Rằng ngôi Đền này linh lắm, ngôi Chùa kia thiêng lắm, xin gì được nấy. Thế là họ nườm nượp kéo nhau đi, xì xụp khấn vái với đủ lễ vật to nhỏ. 

Ngày nay, người đến lễ Phật mấy ai sám hối ăn năn? Lại càng ít người mang cái tâm cầu Đạo.

Liệu rằng Phật Thánh có còn ở Đền Chùa nữa không, khi mà ở những nơi như thế lâu nay chỉ là cảnh bon chen, cảnh mua Thần bán Thánh, cảnh mê tín lầm lạc, cảnh dối lừa để kiếm chác... hối lộ cả Thánh Thần. 

 

1.Lễ Phật không phải là hình thức

Đối với nhiều người, việc thắp ba nén hương và vái ba vái trước tượng Phật tựa như thói quen mà không hiểu ý nghĩa đằng sau của hành động này. Theo Phật giáo thì “Giới, Định, Huệ” là phương pháp “phá mê khai ngộ” và cũng là một loại quan hệ nhân quả. Người ta dù có xuất gia hay không, khi đến với Phật thì trước hết phải Giới. Giới tức là phải tự ước thúc mình đoan chính từ suy nghĩ đến hành động. Khi đã Giới được rồi, thì mới có Định. Tức là tâm trí trầm tĩnh, không suy nghĩ mờ tối, toan tính này khác. Tâm có tĩnh thì Huệ mới sinh, tức là trí mới sáng suốt, mới làm chủ được mình trước mê hoặc cám dỗ, mới ít sai lầm. 

Chúng ta thắp “ba nén hương” trước tượng Phật là có ý nghĩa tương ứng với “Giới, Định, Huệ”:

- Nén hương thứ nhất được gọi là “giới hương”, biểu đạt mong muốn buông bỏ dục vọng, suy nghĩ sai trái. 

- Nén hương thứ hai được gọi là “định hương” là có ý hy vọng đối với bất kỳ sự việc nào xảy ra thì bản thân cũng có thể nhẫn nại, điềm tĩnh mà xử sự. 

- Nén hương thứ ba được gọi là “huệ hương” (hay “tuệ hương”) là có ý khẩn cầu bản thân có được trí tuệ, khai ngộ mà gặp được Phật tâm.

Vậy vì sao phải vái ba vái? Theo quan niệm dân gian thì: 

- Vái thứ nhất là thể hiện cho tâm lễ kính Phật. 

- Vái thứ hai là thể hiện nguyện vọng mong muốn được giác ngộ, nguyện lòng hướng Phật. 

- Vái thứ ba là trang nghiêm sám hối lỗi lầm của mình trước Phật.

Còn trong quan niệm Phật giáo thì ba vái tượng trưng cho lễ ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng 

- Một vái nhớ ơn, kính ngưỡng Đức Phật soi sáng, chỉ đường để chúng sinh thoát khỏi khổ đau luân hồi, tìm thấy an nhiên cực lạc. 

- Vái thứ hai tượng trưng cho Pháp ( những lời dậy quý báu mà Phật truyền tụng lại ), nguyện ý thực hiện những lời răn dạy đó để hướng tới chân tâm, học Phật soi mình. 

- Vái thứ 3 tượng trưng cho Chư Tăng, và Tăng đoàn - những người xuất gia dành trọn cuộc đời cho mục đích tu tập và truyền dạy giáo pháp của Đức Phật. Dẫn dắt chúng sinh trên con đường hành đạo.

Ngoài ra, Phật giáo cũng nhấn mạnh, ý nghĩa 3 vái không chỉ là lạy Tam Bảo mà còn là lễ chính ba ngôi quý trong mỗi người, mỗi chúng sinh. Đó là Phật tính, Pháp tính và Thanh tịnh tính. Ai cũng có Phật tính sáng suốt, Pháp tính từ bi bình đẳng và Thanh tịnh tính hòa hợp. Cung dưỡng những tính ấy chính là cách để học Phật, hướng Phật.

Như vậy có thể thấy rằng, thắp hương và bái Phật không phải chỉ là hành động “theo thói quen” hay hành động “bề ngoài” mà chính là thể hiện cái tâm của người lễ Phật. Người xưa có câu “không thắp hương, không bái lạy mà vẫn được phúc báo”  là có ý nói rằng cái Tâm của con người mới là yếu tố quan trọng nhất và được Phật,Thánh thấu tỏ.

Nhiều người xem việc ăn chay nghĩa là tu Phật. Kỳ thực, họ ăn chay niệm Phật, gõ mõ tụng kinh, nhưng trong lòng lại là để cầu phúc báo chứ không phải chân chính Hành Đạo. Họ bố thí, nhưng là để cầu được tích đức chứ không phải vì lòng thương xót chúng sinh. Có người quy y, nhưng lại không thật tâm Tu Hành, trong lòng vẫn chất chứa đầy suy nghĩ nhỏ nhen và toan tính hơn thua với đời. Có người vào chùa thì thành kính lễ bái xì xụp nhưng ra khỏi cửa đã lại tiếp tục tranh tình giành lợi, đấu đá với người khác, không việc xấu gì không dám làm, vì vậy nhân quả và nghiệp chướng cũng như những người vô Thần, vô Đạo mà thôi. 

Nếu không thực hành theo lời Phật dậy, bỏ các tâm chấp trước vào hư danh, tài lợi, sắc tình, thì dẫu lễ bái ăn chay, Tu hành,Tu tập ... cũng chỉ là cái hình thức bề ngoài chứ không phải là Phật tử chân chính. “ Phật vô xứ bất tại “, trong tâm chúng ta nghĩ gì thì các Ngài đều biết rõ

 

2. Sống có đức thì ở đâu Thần Phật cũng biết

Cổ nhân nói: “ Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa “.

Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó nhiệt tâm giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn, ai đó sống chân tình và quan tâm đến những người xung quanh, ai đó biết vì .. người khác ... thì lòng người đó có Phật. Bởi thế, ngôi Chùa hay ngôi Đền thiêng nhất là ở chính trong lòng người.

Liệu có mấy ai đến Chùa với một nén nhang trong sâu thẳm lòng mình để thưa với Thần Phật rằng, lòng họ vẫn còn những u tối, còn những tham lam, còn nhiều ghen ghét… xin Thần Phật ban cho họ ánh sáng của trí tuệ và lòng từ bi để xua đi những điều tội lỗi kia.

Thần Phật vẫn dõi theo con người dưới thế gian từng giây từng phút, đã gửi thông điệp từng ngày cho con người để cảnh báo về tai họa sẽ ập xuống thế gian bởi chính ... con người. Thông điệp đó hiện ra trong thiên tai dịch họa, hiện ra trong sự trống rỗng của tâm hồn, sự tha hoá về đạo đức, sự mê tín một cách mù quáng ... của chính chúng ta

Ngôi Đền hay ngôi Chùa thiêng nhất chính là ngôi Đền, ngôi Chùa được dựng trong lòng người. Vậy mà nhiều người đã bỏ quên những ngôi Đền, ngôi Chùa thiêng nhất ấy. 

 

3. Người như thế nào mới được Thần Phật phù hộ độ trì? 

Chư Phật không cần chút vật chất gì ở con người cả. Vì Tâm Vô Lượng mà chư Phật muốn giang tay cứu độ chúng sinh ra khỏi bể khổ của lục đạo luân hồi. Sinh lão bệnh tử, mọi sự việc ở đời vốn là chiểu theo luật nhân quả; ai làm điều ác sẽ kết ác duyên; ai làm điều thiện sẽ kết thiện duyên.

Phật chỉ có thể giúp được những người kính Phật hướng tâm tích đức Tu Thiện, khuyên họ từ bỏ ham muốn vật chất, từ bỏ “tham sân si” để đạt được tâm thanh tịnh, tiến đến cảnh giới giác ngộ, chứ không thể ban phát tài lộc, công danh, hay tiêu tai giải nạn.

Trong mỗi người đều có Phật tính và Ma tính. Chịu theo lời dạy của Phật tu bỏ ma tính, bỏ các dục vọng và chấp trước về danh - lợi - tình, thì Phật tính xuất hiện. Lục Tổ Huệ Năng từng dậy: “Trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật”, tức là nhằm thẳng vào cái tâm mà tu, tu bỏ hết ma tính, để Phật tính xuất lai. Tu Phật không phải hướng ngoại mà cầu, mà là hướng vào tìm ở trong chính bản thân mình, khơi dậy Thiện niệm của chính mình để Phật tính vốn sẵn có trong con người được khởi phát. Vậy nên Phật gia giảng phải hướng tâm mà tu, hướng nội mà cầu.

Con người nguyên sơ khi sinh ra đã mang trong mình Phật tính, chỉ là trong dòng chảy tha hóa, đã bị danh - lợi - tình phủ kín chân tâm. Nay nếu ta thức tỉnh, “Phật tính nhất xuất, chấn động mười phương thế giới”. Quay về với thiện niệm, buông bỏ hết tâm truy cầu vật dục, tìm về với bản tính nguyên sơ, để Phật tính trong tâm khởi phát, thì mới có thể nhận thấy phúc lành của Phật nơi tâm mình, thì một cách tự nhiên sẽ không cầu mà tự đắc.

Ngôi Chùa thiêng liêng nhất lại là ở chính trong lòng mỗi người, mỗi chúng sinh.

 

Theo Lam Khanh

 

Phải quét dọn mỗi ngày

 “ Đừng bao giờ nghĩ Phật Tại Tâm, luôn nhớ rằng trong Tâm mình toàn rác.

 Phải quét dọn mỗi ngày để dẹp bỏ Tham, Sân, Si ... 

Khi Tâm mình trong sạch rồi thì Bình An sẽ có mặt, Đức Phật sẽ có mặt ”

-  Thường -