Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Gửi nắng cho anh

   Muốn gửi ra anh một ít nắng vàng

   ...

 

 

 

 

 

Phạm Tuyên .. đao

Photo: Trương Tiến Dũng

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Tập ...

“ Đức Phật dậy, chúng ta đau khổ vì chúng ta đã mất đi khả năng chấp nhận. Điều vốn dĩ chúng ta phải có khi bước sâu vào cuộc đời này là tập chấp nhận những điều bất như ý xẩy ra ”

- Thiền sư Minh Niệm -

 

 

 

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

 CÔNG LÝ & LẼ PHẢI

“ Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn "


Câu nói này ở Việt Nam vẫn hay bị nhầm là của thủ tướng Anh Winston Churchill nhưng thực ra đây là phát biểu của Huân tước Palmerston, người cũng từng giữ chức vị thủ tướng nước Anh trong nhiều năm.

Nguyên văn những lời phát biểu:

" We have no eternal allies, and We have no perpetual enemies. Our interests

are eternal and perpetual, and thoes interests it is our duty to follow “

“ Chúng ta không có đồng minh đời đời, và chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của quốc gia là đời đời và vĩnh viễn, và chúng ta có nghĩa vụ theo đuổi những lợi ích đó “


*Trích dịch :

...

Tôi cho rằng, chính sách thực sự của nước Anh - ngoài những vấn đề liên quan đến lợi ích cụ thể về chính trị hoặc thương mại - là trở thành người bảo vệ công lý và lẽ phải, theo đuổi còn đường đó một cách chừng mực và thận trọng, không phải để trở thành Quixote của thế giới, mà là đưa ra sự cân nhắc và ủng hộ cần thiết về mặt đạo đức khi nào quốc gia chúng ta nghĩ công lý nên được thực thi, và nơi nào chúng ta nghĩ rằng điều sai trái đã xẩy ra.

...

Tôi cho rằng sẽ thật hạn hẹp để ghi nhận đất nước này hay đất nước kia sẽ là đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn của nước Anh. Chúng ta không có đồng minh đời đời, và chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của quốc gia là đời đời và vĩnh viễn, và chúng ta có nghĩa vụ theo đuổi những lợi ích đó.


Huân tước Palmerston

Ls Chung dịch

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2024

Hoa vẫn vàng ...

Hoa vẫn vàng góc sau nhà tôi

Chim vẫn hót bên vườn nhà ai

...


Thanh Tùng ..Đạo

 

 

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Đối xử cho tốt

ĐỐI XỬ CHO TỐT

Narayano đến xin lời khuyên từ Thầy Osho:

- Thầy kính mến, tôi đang yêu một cô gái xinh đẹp, nhưng cô ấy nghèo. Có một cô gái xấu với rất nhiều của ăn, của để yêu tôi. Tôi nên cưới cô gái giàu hay cô gái nghèo ..?

Thầy Osho:

- Narayano à, hãy cưới cô gái giàu có và đối xử tốt với cô gái nghèo.

 

- st -

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2024

Chẳng liên quan

CHẲNG LIÊN QUAN
Có người hỏi Thầy Ajahn Chah rằng: 

"Tại sao một xứ Phật giáo như Thái lan lại có nhiều tội phạm như vậy ? "
Thầy trả lời:

"Người nào làm những điều bất thiện, người đó không phải là Phật tử. Họ làm những công việc của họ chẳng liên quan gì đến Phật giáo. Đức Phật chẳng bao giờ dạy họ làm những điều như thế."

- st -

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

 “ Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn. 
Chỉ có lợi ích Quốc Gia mới là vĩnh viễn ”

 - Lord Palmerston -

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

Giải phóng hay .. Xâm lược

 

 “ Chúng ta không có đồng minh đời đời, và chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích Quốc Gia là đời đời và vĩnh viễn, và chúng ta có nghĩa vụ theo đuổi những lợi ích đó ”

 - Lord Palmerston -

 

 

GIẢI PHÓNG HAY .. XÂM LƯỢC

Những phát ngôn gần đây của Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long về sự kiện Việt Nam đưa quân đội vào Campuchia đã làm dấy lên nhiều tranh luận và phê phán. Lý Thủ Tướng đã phải hứng chịu không ít những ý kiến phản đối và chỉ trích. Vậy thì dựa vào đâu ? hay có toan tính gì mà ông Lý lại có thể phát biểu những lời như vậy ? - Những lời trái ngược hẳn với suy nghĩ mà phần lớn người Việt Nam chúng ta vẫn quen nhìn nhận về sự kiện này. Đây là chủ đề vô cùng nhậy cảm vì nó liên quan đến những hi sinh mất mát rất to lớn mà những người con Đất Việt đã phải gánh chịu. Cùng với đó là những toan tính lợi ích, địa - chính trị của nhiều Quốc gia trong giai đoạn đối đầu trước đây về ý thức hệ. 

Để có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, trước tiên chúng ta hãy thử xem xét tiến trình theo dòng thời gian của các sự kiện lịch sử.

Ngay từ năm 1970, khi Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung lực lượng cho chiến cuộc ở miền Nam thì Khmer Đỏ đã bắt đầu gây hấn trên vùng biên giới Tây Nam. Việc gây hấn của Khmer Đỏ có thể bắt nguồn từ những tư tưởng hận thù dân tộc đối với các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Cả Sihanouk, Lon Nol và sau này là Pol Pot đều xem Việt Nam và Thái Lan là kẻ thù truyền kiếp vì đã tiêu diệt Vương quốc Khmer, cướp đất của người Khmer. Khmer Đỏ muốn lấy lại các lãnh thổ thuộc Vương quốc Khmer đã bị chiếm từ thế kỷ 17 trở về trước. Thêm vào đó là sự rạn nứt, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc ( quốc gia bảo trợ chính cho Khmer Đỏ ) càng cổ suý cho những tư tưởng cực đoan của Khmer Đỏ.

Ngày 4/5/1975 được xem là ngày bắt đầu cuộc chiến với Khmer Đỏ khi một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc sau sự kiện quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. 6 ngày sau Khmer Đỏ đánh chiếm và hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu. Ngay sau đó, Bộ đội Việt Nam phản công giành lại các đảo này. Tiếp theo sau cuộc đột kích vào các đảo Thổ Chu và Phú Quốc, bên cạnh nhiều cuộc đột kích nhỏ, Khmer Đỏ tiến hành hai cuộc xâm nhập quy mô lớn cấp sư đoàn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào đêm 30/4/1977, quân chính quy Khmer Đỏ cùng với lực lượng địa phương bất ngờ tiến công sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát nhiều dân thường. Ngay trong đêm đó, Sư đoàn 330 của Việt Nam được lệnh cơ động chiến đấu phối hợp với lực lượng vũ trang An Giang thực hiện nhiều trận đánh phản kích, dành lại những địa bàn bị Khmer Đỏ chiếm đóng.

Cuộc tấn công lớn thứ hai diễn ra vào ngày 25/9/1977, khi 9 sư đoàn chủ lực Khmer Đỏ cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công đánh sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh. 

Ngày 31/12/1977, Việt Nam tập trung 8 sư đoàn mở đợt phản công, đánh bật quân Khmer Đỏ lùi sâu 20–30 km vào đất Campuchia đến tận Neak Luong rồi mới rút lui, đồng thời mang về một số nhân vật quan trọng bên phía Campuchia, trong đó có thủ tướng tương lai Hun Sen. Cũng trong ngày 31/12/1977, Pol Pot đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cuộc tấn công này của quân đội Việt Nam được xem là lời "cảnh cáo" cho Khmer Đỏ. Sau đó, Việt Nam đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot từ chối và giao tranh vẫn tiếp diễn. Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15–20 km. Tội ác của Khmer Đỏ lên đến đỉnh điểm khi họ gây ra vụ thảm sát Ba Chúc vào tháng 4 năm 1978 với hơn 3000 dân thường bị giết hại, trong đó hơn 100 gia đình bị giết cả nhà. Quân Khmer Đỏ đã rút lui an toàn sau 12 ngày chiếm đóng Ba Chúc.

Ngày 3/11/1978, Việt Nam ký hiệp ước hợp tác toàn diện chiến lược với Liên Xô. Cũng trong tháng này, trong chuyến công du Thái Lan, Malaysia và Sinhgapore - Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu Việt Nam tấn công Campuchia.

Ngày 13/12/1978, được sự hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 19 sư đoàn (khoảng gần 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt như đã làm với người Khmer. Quân đội Việt Nam đã chống trả quyết liệt nên các hướng tiến quân của Khmer Đỏ đều bị chặn lại và không thể tiến lên. Ngoại trừ Hà Tiên bị chiếm giữ trong thời gian ngắn, không một thị xã nào bị chiếm. Ngày 23/12/1978, sau khi được tăng viện với 80.000 quân, quân đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên toàn mặt trận, đẩy lùi quân Khmer Đỏ ra khỏi các vị trí dọc theo tỉnh lộ 13 sát biên giới. Sau đó 2 ngày, bộ đội Việt Nam tiếp tục mở cuộc tổng tấn công phòng ngừa vào Campuchia và giải phóng thủ đô Phnom Penh khỏi tay Khmer Đỏ vào ngày 7/1/1979. Tiếp đó vào ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia do Heng Samrin làm Chủ tịch đã được thành lập với sự hậu thuẫn của Việt Nam nhưng không được Liên Hiệp Quốc công nhận. 

Trước khi tiến vào Phnom Penh, một đơn vị đặc công của Việt Nam được giao nhiệm vụ giải cứu Norodom Sihanouk khỏi sự giam lỏng của Khmer Đỏ nhưng không thành công do phía Khmer Đỏ được báo trước. Sau đó, Pol Pot đã trả tự do hoàn toàn cho Sihanouk và đưa ông cùng với vợ sang Bắc King bằng máy bay Boeing 707 của hàng không dân dụng Trung Quốc vào ngày 6/1/1979. Trung Quốc đã nhiều lần ép Khmer Đỏ phải trả tự do cho Sihanouk và thành lập chính phủ quốc gia, nhưng Khmer Đỏ bỏ ngoài tai. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã có Sihanouk, và có cả mọi cơ hội trong tay.

Sự cố Phnom Penh rơi vào tay quân đội Việt Nam chỉ trong vòng chưa đến hai tuần chiến đấu là một cú shock lớn, nhưng không quá bất ngờ. Ngay từ tháng 11/1978 Phó chủ tịch Trung Quốc, Uông Đông Hưng trong chuyến thăm Campuchia đã khuyên Pol Pot bỏ ngỏ thủ đô khi Việt Nam tấn công và tiến hành chiến tranh du kích nhưng Pol Pot không đồng ý. Tuần báo Kinh Tế Viễn Đông số ra ngày 15/12/1978, đã có bài viết với tựa: “Pol Pot lại hướng về rừng rậm” của phóng viên Nayan Chand. Theo tác giả thì từ một nguồn tin rất đáng tin cậy đã tiết lộ rằng: Việt Nam sẽ tấn công Campuchia và Khmer Đỏ sẽ bỏ ngỏ thành phố, lẩn vào rừng già, tiến hành chiến tranh du kích. 

Sau khi Phnom Penh thất thủ, Khmer Đỏ rút chạy về phía Tây, hướng biên giới với Thái Lan và chốt lại tại các căn cứ gần biên giới. Polpot, Ieng Sary trốn qua Thái Lan, rồi tới Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với Ieng Sary, Đặng Tiểu Bình đã buộc Khmer Đỏ phải thành lập mặt trận đoàn kết, chấp nhận Sihanouk là nguyên thủ, tiến hành chiến tranh du kích chống phá Việt Nam lâu dài nếu muốn Trung Quốc giúp đỡ. Trước đó Trung Quốc đã thuyết phục được Thái Lan hỗ trợ Khmer Đỏ trong cuộc chiến tại Campuchia. Thái Lan đồng ý để Trung Quốc sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi tiếp tế cho Khmer Đỏ.

Ngày 9 tháng 1 năm 1979, Sihanouk được Khmer Đỏ đưa đến trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York với tư cách đại diện tối cao của Campuchia Dân chủ. Tại cuộc họp bất thường của hội đồng bảo an vào ngày 11/1/1979, Sihanouk đã lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, đồng thời gọi Pol Pot là "một tên đồ tể " và kêu gọi Liên Hợp Quốc trục xuất quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia. Tại phiên họp này, Mỹ thừa nhận vi phạm nhân quyền tại Campuchia và Việt Nam có lo ngại an ninh chính đáng khi Khmer Đỏ tấn công vùng biên giới nhưng: "tranh chấp biên giới không cho phép một quốc gia quyền áp đặt một chính phủ thay chính phủ khác bằng vũ lực". Anh Quốc cũng tuyên bố : "dù nhân quyền ở Campuchia có thế nào, không thể tha thứ cho Việt Nam ... khi vi phạm lãnh thổ Campuchia Dân Chủ ". Pháp tuyên bố: "Quan niệm rằng vì một chính quyền đáng xấu hổ, mà có thể biện minh cho can thiệp nước ngoài và lật đổ, thật là nguy hiểm.". Na Uy và New Zealand cũng đồng quan điểm khi : "mạnh mẽ phản đối" các vi phạm nhân quyền của Pol Pot, nhưng vi phạm nhân quyền này "không thể biện hộ cho hành động của Việt Nam ", "việc xấu của một nước không biện minh cho sự xâm lăng lãnh thổ của một nước khác". Đại diện Singapore phát biểu: "Không nước nào có quyền lật đổ chính phủ Campuchia Dân Chủ, dù chính phủ này có đối xử tàn tệ nhân dân thế nào. Đi ngược nguyên tắc này có nghĩa là thừa nhận chính phủ nước ngoài lại có quyền can thiệp và lật đổ chính phủ nước khác.".

Ngày 14/1/1979, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết: "hối tiếc sâu sắc về sự can thiệp vũ trang của quân nước ngoài vào nội bộ Campuchia" và "kêu gọi rút ngay lập tức mọi lực lượng nước ngoài khỏi Campuchia.. " 

Từ đây, cuộc đấu tranh ngoại giao tại Liên Hợp Quốc đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia để giành quyền tự quyết cho người Campuchia đã tạo ra một liên minh gồm hơn 100 quốc gia hỗ trợ Khmer Đỏ. Sau đó Liên Hiệp Quốc tiếp tục ra nhiều nghị quyết về việc Việt Nam đóng quân tại Campuchia vào các năm 1980,1981,1987,1988,1989. Đặc biệt trong nghị quyết ra ngày 16/11/1989 có đoạn : "lên án can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng ở Campuchia, nguyên nhân của thù nghịch tiếp tục ở đất nước, nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế" và "khẳng định rằng bất kỳ sự rút quân nước ngoài khỏi Campuchia mà không có Liên Hiệp Quốc giám sát, kiểm soát và xác minh thì không phải là nằm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện". 

Cuối năm 1979, Đại hội đồng họp bàn việc ai sẽ đại diện cho Campuchia tại Liên Hiệp Quốc. Việt Nam và Liên Xô ủng hộ Cộng hoà nhân dân Campuchia nhưng 71 nước bỏ phiếu bác bỏ chính phủ này. Singapore tiếp tục có bài phát biểu phản đối Việt Nam như sau: "Nếu chúng ta thừa nhận học thuyết can thiệp nhân đạo, thế giới sẽ càng nguy hiểm hơn cho các nước nhỏ như chúng tôi."

Việc Liên Hợp Quốc tiếp tục công nhận Khmer Đỏ là thành viên hợp pháp của Liên Hợp Quốc đồng nghĩa với việc Việt Nam tiếp tục bị cô lập về chính trị thay vì được hoan nghênh do đã lật đổ một chế độ mà cả thế giới lên án. 

Sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án và yêu cầu Việt Nam rút quân ngay lập tức khỏi Campuchia thì Đặng Tiểu Bình đã phát lệnh tấn công vào lãnh thổ Việt Nam với tuyên bố sẽ dậy cho Việt Nam một bài học.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động hai đại quân khu Quảng Tây và Vân Nam, gồm 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng... với khoảng trên 60 vạn binh sĩ tấn công Việt Nam. Quân Trung Quốc đánh chiếm các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn vùng biên. Cuộc chiến kéo dài 1 tháng và kết thúc khi Trung Quốc rút quân vào ngày 16/3/1979. Mặc dù chịu thiệt hại lớn và thất bại trong việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhưng Trung Quốc đã chứng minh được rằng Liên Xô - dù mới ký hiệp ước hợp tác toàn diện với Việt Nam nhưng đã không trực tiếp tham chiến để bảo vệ đồng minh của mình. Để chuẩn bị dư luận cho cuộc tấn công này, Đặng Tiểu Bình đã có chuyến công du một số nước Asian và Nhật Bản. Đặc biệt, trong chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 1 /1979, Đặng Tiểu Bình đã nhận được sự ủng hộ cần thiết của Hoa Kỳ trong kế hoạch tấn công Việt Nam.

Tại Campuchia, cho đến cuối tháng 3/1979, quân đội Việt Nam coi như chiếm được hết những thành phố và tỉnh lỵ quan trọng và tiến sát tới biên giới Thái Lan. Tuy nhiên tàn quân Pol Pot vẫn tiếp tục chống cự và quấy nhiễu, gây ra nhiều thương vong cho bộ đội Việt Nam. 

Nhờ có sự giúp đỡ của Trung Quốc và quốc tế, từ tình trạng chỉ còn là những nhóm du kích đói rách sốt rét hồi cuối năm 1979, đến cuối năm 1980 lực lượng Khmer Đỏ đã hồi phục đầy đủ sức mạnh, với quân số tăng từ 20.000 lên 40.000 lính. Đến cuối năm 1981, chiến tranh du kích của Khmer Đỏ lan rộng mạnh mẽ, gây mất an ninh tại những khu vực rộng lớn.

Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, nhưng do sự hoạt động mạnh trở lại của Khmer Đỏ nên Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ của Hun Sen.

Mùa khô 1984 - 1985, cuộc tấn công quyết định của Việt Nam đã phá hủy các căn cứ chính của Khmer Đỏ khiến Khmer Đỏ suy yếu đi nhiều và không còn đủ sức đe dọa chế độ mới của Campuchia. Trong cuộc tấn công này, các đơn vị vũ trang của Việt Nam đã tiến hành các cuộc đột kích qua biên giới Thái Lan truy kích quân Khmer Đỏ và đánh vào các trại tị nạn của các phe Khmer đối lập. Trong lúc giao tranh, quân Việt Nam lần đầu tiên giao chiến với quân đội Thái Lan. 

Tới tháng 4, chiến dịch mùa khô kết thúc, bộ đội Việt Nam rút về các căn cứ của mình. Theo nhận định của các quan sát viên, Việt Nam không còn kiên nhẫn để tiến hành các hoạt động quân sự giới hạn. Bộ đội Việt Nam thậm chí sẵn lòng truy kích ráo riết lực lượng chống đối và không ngần ngại đánh vào các căn cứ/trại tị nạn với đông dân cư.

Thời gian này, nền kinh tế Việt Nam ở tình trạng vô cùng khó khăn do bị cô lập trên trường quốc tế ngoại trừ khối Liên Xô. Lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ còn dẫn đến việc nhiều nước không quan hệ thương mại với Việt Nam. Tệ hơn nữa, cấm vận thương mại của Mỹ trì hoãn cho đến 19 năm sau (1994) nhưng thực sự là 24 năm khi có quy chế tối huệ quốc (1999).Trong khi đó, chi phí cho việc đóng quân tại Campuchia chiếm từ 40% đến 50% ngân sách quân sự của Việt Nam. Tất cả các yếu tố đó cùng với sự quản lý yếu kém của Nhà nước đã đẩy nền kinh tế kế hoạch của Việt Nam đi đến chỗ kiệt quệ.

Xin nhắc lại rằng, lệnh cấm vận này liên quan đến sự kiện Việt Nam đưa quân đội vào và ở lại Campuchia chứ không phải việc Việt Nam giải phóng Sài Gòn và thống nhất Đất nước.

Ngày 16/8/1985, trong cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương tại Phnom Penn. Việt Nam tuyên bố sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia, quá trình rút quân sẽ hoàn thành trong năm 1990.

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành rút dần quân và đến năm 1989 thì hoàn thành việc rút quân toàn bộ khỏi Campuchia.

Tháng 9/1990, hội nghị Thành Đô đã được bí mật diễn ra tại thủ phủ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây là cuộc gặp giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai Nước và hai Đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.

Nhìn lại quá trình diễn tiến của các sự kiện lịch sử trong giai đoạn này có thể nhận thấy một số vấn đề như sau:

- Chế độ diệt chủng tàn ác của Khmer Đỏ là quá khủng khiếp và cần phải được loại bỏ.

- Quân đội Việt Nam phát động cuộc phản kích tự vệ chống lại sự xâm nhập của Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam là một việc làm đúng đắn và đúng chuẩn mực Quốc tế

- Quân đội Việt Nam tiếp tục phát động cuộc tổng phản kích tự vệ vào Campuchia để tiêu diệt tận gốc chế độ tàn ác của Khmer Đỏ, giải cứu 1/3 dân số Campuchia là một việc làm cần thiết và có thể chấp nhận dù không đúng theo chuẩn mực Quốc tế.

- Chính phủ Việt Nam đã không tranh thủ được dư luận Quốc tế, không có động thái tuyên bố kịp thời tại Liên Hiệp Quốc ngay sau khi phát động tấn công. Lẽ ra, theo chuẩn mực quốc tế, Việt Nam cần thông báo sự việc tới Liên Hợp Quốc và HĐBA, muộn nhất là ngay sau khi Khmer đỏ sụp đổ, để lấy chính danh cho việc tấn công 1 quốc gia có chủ quyền. Nhưng Việt Nam đã không làm, có lẽ do thất bại trong việc giải cứu Sihanouk và để tuột mất quân bài chính trị này vào tay Trung Quốc nên ý tưởng đưa Sihanouk làm lãnh tụ của mặt trận giải phóng Cambodia đã không thể thực hiện. Cũng có thể còn do những nguyên nhân khác nữa nhưng rõ ràng hành động này đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi, bị dư luận Quốc tế lên án và cô lập.

- Việt Nam tiếp tục duy trì quân đội thêm 10 năm nữa tại Campuchia sau khi lập nên 1 chính quyền thân Việt Nam và hợp pháp hóa việc đóng quân bằng 1 hiệp ước hợp tác hữu nghị là không chính danh vì Liên Hợp Quốc chỉ công nhận nhà Nước Campuchia Dân chủ do Sihanouk đứng đầu. Nên dù sau này có tổ chức bầu cử thì cái hiệp ước kia cũng không được phương Tây, ASEAN và LHQ công nhận. Có thể việc tiếp tục đóng quân của Việt Nam xuất phát từ những bất ổn quân sự tại Campuchia. Nhận được hỗ trợ của Trung Quốc, tàn quân Khmer Đỏ đã trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ trong khi quân đội của chính quyền Hun Sen vẫn còn chưa đủ sức để đương đầu. Cũng có thể còn thêm nhiều lý do khác nữa, nhưng giá như Việt Nam sớm đưa ra tuyên bố tại Liên Hợp Quốc sau khi giải phóng Phnom Penh, cũng như đưa ra một lộ trình rút quân khỏi Campuchia thì có lẽ sự việc đã được dư luận Quốc tế nhìn nhận khác đi. 

Qua những sự kiện và nhìn nhận kể trên cũng không khó để hiểu tại sao cả hai cha con Thủ Tướng Singapore lại có những đánh giá và phát ngôn như vậy đối với sự kiện này. Singapore là một quốc gia phát triển có dân số chủ yếu là người gốc Hoa lại thân cận với Mỹ và Anh Quốc. Ở vị thế như vậy cùng với những phán quyết của Liên Hợp Quốc thì quan điểm phê phán của Họ cũng không có gì là lạ cả. 

Có một sự thật đáng buồn là mặc dù đã phải gánh chịu rất nhiều tổn hại về cả nhân lực và vật lực nhưng vẫn có không ít những người Campuchia mang tư tưởng thù nghịch với Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã không thể duy trì tầm ảnh hưởng lên chính quyền của Thủ tướng Hun Sen - người đã được Việt Nam đưa lên vị trí này. Ông Hun Sen đã từng bị Trung Quốc gọi là con rối của Việt Nam, nhưng giờ đây đã trở thành đồng minh của Trung Quốc. Trước đây, Hun Sen gọi Trung Quốc là kẻ chống lưng cho Khmer Đỏ, là cội nguồn của mọi tội ác. Nhưng năm 2012, Hun Sen đã công khai ủng hộ Trung Quốc, giúp Trung Quốc phá hỏng thông cáo chung ở thượng đỉnh ASEAN, đồng lõa với hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Nền kinh tế Campuchia đã bị lệ thuộc vào Trung Quốc khi trở thành con nợ lớn nhất (hơn 10 tỷ Mỹ kim) của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á và cũng trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng nhất của Trung Quốc. Một sự thật là, Trung Quốc đã trở thành ông chủ nắm 62% tổng số nợ nần của Campuchia. Có một người có ảnh hưởng không nhỏ ở Campuchia là Fu Xianting (Đại ca Fu), một cựu sỹ quan Giải phóng Quân Trung Quốc. Theo điều tra của tuần báo Financial Times, Đại ca Fu chỉ huy, trang bị, huấn luyện, và trả lương cho đơn vị 3000 vệ binh tinh nhuệ của thủ tướng Hun Sen. Cuộc tập trận quân sự chung “Rồng Vàng” thường niên giữa quân đội hai nước Campuchia Và Trung Quốc vừa được diễn ra hồi trung tuần tháng 3 vừa qua. Đây là cuộc tập trận thường niên lớn nhất kể từ khi được bắt đầu vào năm 2016. 

Cũng khó mà có thể trách được ông Hun Sen ! - như phần lớn các lãnh đạo trên thế giới, ông ta cũng phải đặt lợi ích của Campuchia lên trên hết.

Xin được mượn câu nói nổi tiếng của cựu thủ tướng Anh Lord Palmerston thay cho lời kết vì nó vẫn ... quá chuẩn.

 

" Chúng ta không có đồng minh đời đời, và chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của Quốc Gia là đời đời và vĩnh viễn, và chúng ta có nghĩa vụ theo đuổi những lợi ích đó "

- Lord Palmerston -

 

Hà lội, mùa sấu rụng

11.6.2019