Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Thay người mà vác cờ trắng

THAY NGƯỜI MÀ VÁC CỜ TRẮNG  

Vào lúc 9h30 ngày 30.4.1975, đài phát thanh Sài Gòn đã phát đi phát lại bản tuyên bố ngừng bắn của Tướng Dương Văn Minh với nội dung như sau:  

“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ CMLTCHMNVN ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ CMLTCHMNVN để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.

Hồi ký của ông Lý Quí Chung cho biết trong cuộc gặp với các ông Huyền (Phó Tổng thống) và ông Mẫu (Thủ tướng) cùng chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Trung tướng Nguyễn Hữu Có tại Phủ Thủ tướng, ông Minh đã nói : “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho chính phủ Cách mạng lâm thời”. Sau đó, ông Minh nói với các thành viên tân nội các: “Bắt đầu từ giờ phút này sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người hoàn toàn tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại. Tôi xin thông báo cho anh em nào muốn đi, hiện chiếc tàu Việt Nam Thương Tín vẫn còn đậu ở cảng”.

Theo Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, từ khi đảo chính Diệm thành công, Dương Văn Minh đã ngỏ ý muốn thương lượng theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng để đi đến tuyển cử tự do, thành lập một chính phủ trung lập ở miền Nam Việt Nam. Cũng chính vì lý do này, ông đã bị Mỹ hậu thuẫn cho Nguyễn Khánh lật đổ. Với quan điểm như vậy nên vào những ngày đầu tháng 4/1975, Dương Văn Minh và nhóm của ông đã quyết tâm giành lấy quyền lực để kết thúc chiến tranh bằng các biện pháp: hoặc thương lượng hoặc bàn giao hoặc đầu hàng…

Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống, Trần Văn Hương lên thay. Trong khi quân giải phóng đang ngày đêm áp sát Sài Gòn thì trong chính trường Sài Gòn, các chính khách sa lông vẫn ảo tưởng và tranh giành nhau cái hư danh. Bên cạnh đó là những làn người chạy từ các tỉnh phía Bắc về cùng những làn người tháo chạy ra nước ngoài. Tất cả tạo nên một bức tranh Sài Gòn rối ren trong lúc giao thời.

Ngày 28/4, Tổng thống Trần Văn Hương bị buộc phải đọc diễn văn từ chức để trao quyền cho tướng Dương Văn Minh sau một phiên họp lưỡng viện đầy sóng gió. So với nhiều chính khách khác của Sài Gòn, Dương Văn Minh đại diện cho xu hướng hòa giải, thương lượng với quân Giải phóng để chấm dứt chiến tranh. Những cộng sự thân tín của Minh, có đến ba phần tư là những người đã quan hệ với Mặt trận Giải phóng hoặc là cán bộ cách mạng rồi. Đó là các ông như chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Diệp, Thẩm phán Triệu Quốc Mạnh…

Trong hồi ký của dân biểu Lý Quí Chung – Tổng trưởng Thông tin trong nội các của Dương Văn Minh, ông này cho biết: Từ giữa tháng 4/1975, nhóm Dương Văn Minh đã quyết tâm ra nắm chính quyền với mục tiêu tìm mọi cách chấm dứt cuộc chiến, nếu cần phải cầm cờ trắng đầu hàng.

Điều này được củng cố thêm nữa khi Dương Văn Minh hỏi ý kiến Thượng tọa Thích Trí Quang. Trong cuốn sách Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4 của Nguyễn Hữu Thái, tác giả trích hồi ức của Thượng tọa Trí Quang nói rằng: “Cho đến mùa xuân 2519 (1975) thì một ngày mà có người ba lần đến vận động tôi đừng chống đối việc ông Dương Văn Minh đứng ra, vì chính quyền của ông ấy sẽ có bảy phần mười là người tiến bộ. Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời thầy Trí Thủ nói, rằng chim cá còn mua mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà không hy sinh cấp cứu. Rồi ông Dương Văn Minh gặp tôi, đưa ra hai mảnh giấy báo cáo mật cho thấy ngân hàng trống rỗng và quân sự nguy ngập, và nói ông không vụ lợi vì lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến quốc trưởng là cùng, ông chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc. Tôi nói, nếu lòng ông như thế là ông làm như lời thầy Trí Thủ nói, và có nghĩa ông thay người khác mà vác cờ trắng!”

 - st - 

 



Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Kỷ niệm

KỈ NIỆM
Để kỉ niệm lần thứ ba mươi ngày cưới, Seymour và Rose trở về cùng căn phòng khách sạn tầng hai nơi họ đã trải qua tuần trăng mật.
"Bây giờ," Seymour nói, "cũng giống như đêm đầu tiên, chúng ta hãy cởi quần áo ra, vào góc phòng đối diện, tắt đèn đi, rồi chạy bổ vào nhau ". Họ cởi quần áo, đi vào các góc phòng đối diện, tắt đèn và chạy về phía người kia. Nhưng giác quan định hướng của họ đã kém đi sau ngần ấy năm, cho nên Seymour bắt trượt Rose và ông ta lao thẳng ra cửa sổ ... rồi ngã xuống bãi cỏ .

Seymour gõ cửa sổ hành lang để gợi sự chú ý của người lễ tân. "Tôi bị ngã từ tầng trên," ông ta nói. "Tôi trần truồng và tôi phải trở lại phòng của mình."
"Được thôi," cậu lễ tân nói, "Không ai nhìn ông đâu."
"Anh có điên không đấy? Tôi phải bước qua sảnh tiếp tân mà tôi lại đang trần truồng đây."
"Không ai có thể nhìn được ông đâu," cậu lễ tân nhắc lại. "Mọi người đều ở tầng trên và đang cố lôi bà nhà ra khỏi ... quả đấm cửa!"

Nguồn 
Osho

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Cay

CAY
Nhận tình ... sao mắt anh cay
Nghiêng nghiêng bầu rượu
Tiễn ngày ... vội qua
Ngậm ngùi ... nắng đã xế tà
Tình thừa ... Em rót
Mặn mà ... phần ai !

13.9.2012
VN

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2019

Sữa học đường

“Sữa học đường “” – tươi roi rói 99,99 % nhá !… yên luôn cái tâm đi bà con ơi !




Ảnh : Andreas Gärtner Gust

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019

Đọc sách ích gì ?

" Đọc sách vẫn là cách mà tôi học hỏi những điều mới 
và kiểm tra sự hiểu biết của tôi" 
- Bill Gates -




LÀM THẾ NÀO ĐỂ KÍCH THÍCH VIỆC ĐỌC SÁCH ?

Người Việt Nam, vốn là một dân tộc vừa thực dụng vừa ham vui, chẳng có lý do gì mà không mê đọc sách nếu việc đọc ấy đem lại lợi ích hay sự vui thích cho họ. Vì vậy, những lời than phiền gần đây về việc người Việt Nam không ham đọc sách (căn cứ vào số lượng sách được tiêu thụ trên thị trường, vào số lượng người sử dụng thư viện, vào thực tế rất ít người đọc sách trên tàu xe hoặc những nơi công cộng), chỉ có thể được giải thích rằng: họ thấy việc đọc sách ấy không đem lại ích lợi gì hoặc chẳng gây cho họ sự thích thú nào hết.

Nhưng không đọc sách thì có sao không? Thực ra, chẳng sao cả. Một khi không đọc sách vẫn có thể thi đỗ, vẫn có thể làm giàu, vẫn có thể thăng quan tiến chức thì việc đọc sách là thừa. Nghĩa là, một khi xã hội chỉ hướng người ta tới những tham vọng “ngắn hạn và thực dụng” như thế (bằng cấp, tiền bạc, quyền chức), thì người ta chỉ tập trung vào làm những gì để đạt tới những tham vọng ấy một cách nhanh nhất. Mà ở Việt Nam hiện nay, để đạt được những tham vọng ấy thì đọc sách không phải là việc được ưu tiên hàng đầu. (Hiển nhiên là có những con đường khác để đi đến thành công nhanh hơn, chắc chắn hơn, ít phiêu lưu mạo hiểm hơn.)
Một dân tộc không ham đọc sách vẫn luôn sản sinh ra những nhà triệu phú (xã hội nào mà chẳng có ai đó giàu hơn những người khác!), và một dân tộc không ham đọc sách thì vẫn có những vị lãnh đạo (xã hội nào mà chẳng có ai đó làm thủ tướng!), nhưng dân tộc đó rất khó có thể sản sinh ra những nhà khoa học hoặc những nghệ sĩ xuất chúng với những đóng góp lớn cho nhân loại. Thậm chí, nói thẳng ra, dân tộc ấy cũng khó mà sản sinh ra những chính khách hoặc những nhà doanh nghiệp có tầm vóc lớn, có ảnh hưởng về tư tưởng trên phạm vi quốc tế. Quá lắm dân tộc ấy cũng chỉ sản sinh ra những chính khách tầm tầm và những trọc phú tầm tầm mà thôi.
Tình trạng không ham đọc sách của người Việt Nam hôm nay phải tìm nguyên nhân đầu tiên từ hệ thống giáo dục. Giáo dục không dạy cho học sinh từ bé thói quen đọc sách, thói quen chủ động ghi chép, thói quen tóm tắt các ý tưởng trong sách. Giáo dục không dạy cho học sinh tư duy độc lập, tư duy phê phán, thói quen đặt ra các câu hỏi. Giáo dục chỉ thiên về áp đặt chân lý, luân lý, không khuyến khích học sinh nghi vấn, tìm hiểu, phiêu lưu, sáng tạo. Là sản phẩm của một hệ thống giáo dục như thế, người ta khó mà có mà niềm vui trong việc đọc sách, bởi đọc sách là để được tự do thả mình theo các ý tưởng, để tìm hiểu, để tiếp nhận tri thức, nhưng cũng còn là để tranh luận, phản biện với sách. Đọc sách mà bị gò bó, không được khuyến khích nói ra quan điểm của mình, việc đọc ấy không thể đem lại cảm hứng được.
Nhiều nhà trí thức, nhà nghiên cứu giáo dục hàng đầu (như GS. Hoàng Tụy, nhà văn Nguyên Ngọc…) đã nói nhiều về cải cách giáo dục Việt Nam, nhưng tình hình có vẻ vẫn chưa thay đổi căn bản. Vấn đề hẳn là phức tạp, và tôi không muốn nói tới ở đây. Chỉ xin nhấn mạnh rằng: người ta không ham đọc sách là có nguyên nhân hàng đầu ở hệ thống giáo dục. Giáo dục sai.
Tiếp theo là những yếu tố ngoại cảnh. Người Việt Nam hiện nay đang phải sống trong một môi trường khá bất lợi cho việc đọc sách. Ở các nước phát triển, nhiều người đọc sách khi đi trên xe điện hoặc họ đọc sách vào những kỳ nghỉ. Ở Việt Nam, đa phần đi xe máy và cả năm hầu như không có kỳ nghỉ nào đủ dài. Cứ tính ra thời gian đi lại mỗi ngày 30 phút, một năm 180 giờ, cộng thêm 30 ngày nghỉ (mỗi ngày có thể dành 2 giờ cho việc đọc sách), công dân ở các nước phát triển đã có hàng năm nhiều hơn người Việt Nam tới… 240 giờ đọc sách rồi. Quý vị cứ thử tưởng tượng xem, với 240 giờ, ta có thể đọc những gì? Một người có tốc độ đọc chậm cũng có thể đọc 10 trang sách / 1giờ, như vậy với 240 giờ, anh ta có thể đọc… 2.400 trang sách!
Bên cạnh giao thông bất tiện, ít ngày nghỉ dài, điều kiện sống của người Việt Nam hiện nay cũng rất bất tiện cho việc đọc sách: ồn ào, chật chội. Người nào không có phòng riêng để đọc sách (phần lớn người Việt Nam hiện nay), sẽ phải ngồi đọc sách giữa tiếng tivi, tiếng nói chuyện của những người xung quanh. Đọc sách như thế, khó mà thấy hứng khởi được.
Rồi còn phải nói đến thói quen ăn uống, sinh hoạt của người Việt Nam: rất dềnh dàng, rườm rà, mất nhiều thời gian.
Vậy là, vừa không được hệ thống giáo dục khuyến khích, hướng dẫn, tập cho thói quen đọc sách, vừa bị các yếu tố ngoại cảnh và thói quen sinh hoạt chi phối, người Việt Nam hiện nay đang bị rơi vào một hoàn cảnh rất bất lợi cho việc đọc sách.
Tuy nhiên, trên đây là những nguyên nhân mà tôi xếp vào loại: chưa thể thay đổi ngay được. Thôi thì, cứ đành chấp nhận hệ thống giáo dục hiện thời như thế (sai từ gốc), chấp nhận hệ thống giao thông (hỗn loạn), chấp nhận thói quen sinh hoạt của người Việt Nam (không thay đổi được), câu hỏi đặt ra là:vậy thì chúng ta còn có thể làm gì để khuyến khích người Việt đọc sách?
Tôi thử tìm câu trả lời ở các cơ quan xuất bản, báo chí, các hội trí thức. Tôi sẽ không phân tích dài dòng, mà muốn đưa ra một số giải pháp cụ thể, những giải pháp mà tôi nghĩ người ta có thể thực hiện được trong hoàn cảnh hiện nay.
Theo tôi, để khuyến khích việc đọc sách, có thể tiến hành các biện pháp sau:

1.Tạo ra một “Tủ sách tri thức siêu rẻ”
Sách hiện nay quá đắt. Giả sử tôi là một sinh viên văn khoa, cần trang bị một tủ sách khoảng 300 cuốn (150 cuốn sách văn học nước ngoài, 100 cuốn văn học Việt Nam và 50 cuốn sách nghiên cứu) tôi cần phải trả trung bình khoảng 40.000 đ/cuốn (sách đã giảm giá), tổng cộng tôi cần 12 triệu VND. Đó là một số tiền lớn, vượt quá khả năng của rất nhiều sinh viên hiện nay.
Xét về tâm lý người đi mua sách, nếu thấy cuốn sách giá 10-20.000 đ, họ sẵn sàng mua, nhưng nếu giá lên đến 50 – 100.000 đ, họ bắt đầu ngại, nhất là sinh viên.
Ở Đức có một nhà xuất bản gọi là Reclam(http://www.reclam.de). Nhà xuất bản này có một tủ sách gọi là tủ sách sinh viên (Unviversität-Bibliothek). Đó là những cuốn sách bìa đen, giấy xấu, in chữ nhỏ, giá trung bình chỉ khoảng 2-5 Euro/cuốn, nghĩa là rẻ hơn những cuốn sách khác khoảng 5 lần. Tôi nhớ đã mua cuốn “Phê phán lý tính thuần túy” của Kant với giá 5 Euro, trong khi cũng cuốn sách như thế của Kant ở chỗ khác giá lên tới 28 Euro. Hiện nay cuốn Phê phán lý tính thuần túy của Kant ở Việt Nam giá là 150.000 đ. Nếu in theo lối của Reclam, tôi tin rằng giá sẽ giảm xuống còn 15.000 đ. Bất kì sinh viên nào cũng có thể mua được.
Vì vậy tôi cho rằng, một đơn vị nào đó của Việt Nam với khả năng phát hành mạnh nên lập ra một Tủ sách sinh viên như thế. “Tủ sách sinh viên” này sẽ bao gồm những cuốn sách tạm gọi là “xóa đói tri thức” trong tất cả các lĩnh vực: khoa học xã hội, triết học, văn chương, nghệ thuật, kinh tế, văn hóa. Tất cả đều được in theo lối giản tiện nhất: bìa đen, giấy xấu, chữ nhỏ, miễn là biên tập tốt và đóng gáy chắc. Mỗi cuốn giá trung bình 10-15.000 đ.
Như vậy, một sinh viên nghèo vẫn có thể mua sách. Anh ta vẫn có thể sở hữu một tủ sách 300 cuốn sách tốt, trang bị được tri thức cho mình mà chỉ phải bỏ ra khoảng 3 triệu đồng.
Tủ sách giá rẻ này đã được Nxb Reclam lập ra năm 1867, cho đến nay đã được 141 năm. Năm ngoái, nhân kỉ niệm 140 năm “Tủ sách giá rẻ”, hay còn gọi là “tủ sách cho toàn dân”, Nxb có mời đến những trí thức lớn của Đức đến dự và phát biểu. Hóa ra hầu hết những đại diện lỗi lạc nhất trong giới học thuật và chính khách Đức thời sinh viên đều đã từng mua sách của Reclam, và họ đều nói rằng, nhờ Reclam mà họ có tủ sách riêng. Hóa ra không phải những cuốn sách gáy cứng bìa đẹp mới nuôi dưỡng các vĩ nhân, mà là những cuốn sách bìa đen, giấy xấu.

Ở Việt Nam hiện nay, có vẻ như người ta thích chạy theo những thứ hào nhoáng bề ngoài. Quá nhiều cái rởm rít, vớ vẩn. Theo tôi, để khai sáng cho dân tộc, đây là thời điểm mà người ta nên mạnh dạn vứt hết tất cả những thứ thừa thãi đi, chỉ tập trung vào cái gì thực chất thôi. Cần phải làm một cuộc đột phá về giá sách. Tạo ra một tủ sách tri thức “siêu rẻ”. Tủ sách này có thể bán ở tất cả các nhà sách ở các trường đại học.
Giá sách, theo tôi là một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay. Chẳng cần nhìn đâu xa, cứ xem người ta xếp hàng mua sách ở phố Nguyễn Xí thì thấy. Lý do? Rất đơn giản: vì ở đó có treo biển “Giám giá từ 30-50%!”. Thế thôi, chẳng cần phải quảng cáo gì cho dài dòng.
Nếu ra được một tủ sách siêu rẻ, trong đó Những người khốn khổ, trọn bộ, giá 30.000 đ, hoặc Khế ước xã hội, giá 10.000 đ”,Bàn về tự do giá 10.000 đ”, “Truyện Kiều, giá 5.000 đ... tôi tin rằng chúng ta sẽ kéo được vô sô sinh viên nghèo tới hiệu sách rồi. Chỉ cần nghiên cứu loại sách của Reclam, tôi tin rằng người ta sẽ làm được như vậy.

2.Lập ra một tạp chí “Đọc rẻ”
Cùng với “Tủ sách tri thức giá rẻ”, có lẽ nên lập ra một tạp chí, tạm gọi là “Đọc rẻ”. Tạp chí này theo tôi nên xuất bản khoảng 2 lần trong năm, in theo lối giản tiện nhất và phát miễn phí cho sinh viên hoặc gửi đến các thư viện. Nội dung của tạp chí “Đọc rẻ” rất đơn giản: Giới thiệu các đầu sách mới xuất bản trong “Tủ sách tri thức giá rẻ”. Tiền cho tạp chí này có thể lấy từ nguồn quảng cáo (thực ra là một hình thức quảng cáo cho tủ sách giá rẻ), hoặc từ các tài trợ.

3. Vai trò của “SachHay.org”
Hiện nay chúng ta đã có dự án “SachHay.org”. Tôi hoàn toàn ủng hộ những ý tưởng của dự án này. Tôi nghĩ rằng “Tủ sách tri thức siêu rẻ” + “Tạp chí Đọc rẻ” + “SachHay.org” có thể là một kết hợp tốt mà “SachHay.org” chính là nơi nên triển khai chiến lược này. “SachHay.org” tạo ra một sân chơi tri thức có tính tương tác mạnh, thu hút sự tham gia tự nguyện và chủ động của các thành viên. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của sân chơi đó chính là làm sao kích thích người dân Việt Nam (đặc biệt là sinh viên, học sinh) mua sách, đọc sách. Muốn thế, vẫn phải có sách hợp túi tiền được bán ở những nơi thuận tiện thì người ta mới mua được.
“SachHay.org” có thể tạo ra các phong trào “off-line”, tạo ra các đội tình nguyện ở từng địa phương, tổ chức những chuyến dã ngoại, chở những cuốn sách “tri thức siêu rẻ” (mà thực chất là những cuốn sách khai sáng cho dân tộc) đi khắp các tỉnh thành của đất nước, tạo ra một phong trào mua sách, đọc sách rộng khắp. Điều đó chỉ có thể làm được một khi người ta tìm được sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố: tri thức + quảng bá + giá.
Tri thức: chúng ta đã và đang có những cuốn sách tốt.
Quảng bá: Chúng ta có diễn đàn SachHay.org + tạp chí “Đọc rẻ”
Vấn đề cuối cùng: Hãy tìm ra một cái giá hợp lý và một kênh phát hành năng động.

Đinh Bá Anh
Hà Nội, 12.3.2008

* Bill Gates chia sẻ rằng ông đọc 50 cuốn sách mỗi năm.
* Ảnh : David Dubnitsky – nhiếp ảnh gia tài năng người Ukraine

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Sao vẫn khổ


SAO VẪN KHỔ
Tôi đã tìm một người thầy thông thái và đạo hạnh xin chỉ bảo:
- Vì sao những người lương thiện như con lại thường xuyên cảm thấy khổ, mà những người ác lại vẫn sống tốt như vậy

Thầy hiền hòa nhìn tôi trả lời:
- Nếu một người trong lòng cảm thấy khổ, điều đó nói lên rằng trong tâm người này có tồn tại một điều ác tương ứng. Nếu một người trong nội tâm không có điều ác nào, như vậy, người này sẽ không có cảm giác thống khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm của con có tồn tại điều ác, con không phải là một người lương thiện thật sự. Mà những người con cho rằng là người ác, lại chưa hẳn là người thật sự ác. Một người có thể vui vẻ mà sống, ít nhất nói rõ người này không phải là người ác thật sự.
Có cảm giác như bị xúc phạm, tôi không phục, liền nói:
- Con sao có thể là người ác được? Gần đây, tâm con rất lương thiện mà!
Thầy trả lời:
- Nội tâm không ác thì không cảm thấy khổ, con đã cảm thấy khổ, nghĩa là trong tâm con đang tồn tại điều ác. Con hãy nói về nỗi khổ của con, ta sẽ nói cho con biết, điều ác nào đang tồn tại trong con.
Tôi nói:
- Nỗi khổ của con thì rất nhiều! Có khi cảm thấy tiền lương thu nhập rất thấp, nhà ở cũng không đủ rộng, thường xuyên có “cảm giác thua thiệt” bởi vậy trong tâm con thường cảm thấy không thoải mái, cũng hy vọng mau chóng có thể cải biến tình trạng này; trong xã hội, không ít người căn bản không có văn hóa gì, lại có thể lưng quấn bạc triệu, con không phục; một trí thức văn hóa như con, mỗi tháng lại chỉ có một chút thu nhập, thật sự là không công bằng; người thân nhiều lúc không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái…
Cứ như vậy, lần lượt tôi kể hết với thầy những nỗi thống khổ của mình.
Thầy gật đầu, mỉm cười hiền từ rồi từ tốn nói với tôi:

- Thu nhập hiện tại của con đã đủ nuôi sống chính con và gia đình. Con còn có cả phòng ốc để ở, căn bản là đã không phải lưu lạc nơi đầu đường xó chợ, chỉ là diện tích hơi nhỏ một chút, con hoàn toàn có thể không phải chịu những khổ tâm ấy. Nhưng, bởi vì nội tâm con có lòng tham đối với tiền tài và của cải, cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu con có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa.
Trong xã hội có nhiều người thiếu văn hóa nhưng lại phát tài, rồi con lại cảm thấy không phục, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm. Con tự cho mình là có văn hóa, nên cần phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Cho rằng có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là tâm ngu si; bởi vì văn hóa không phải là căn nguyên của sự giàu có, kiếp trước làm việc thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của kiếp này. Tâm ngu si cũng là ác tâm!
Người thân không nghe lời khuyên của con, con cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân của con, nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng mình, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như con? Không rộng lượng sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.
Thầy nhẹ nhàng tiếp tục:
- Lòng tham, tâm đố kỵ, ngạo mạn, ngu si, hẹp hòi, đều là những ác tâm. Bởi vì nội tâm của con chứa đựng những ác tâm ấy, nên những thống khổ mới tồn tại trong con. Nếu con có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói.”
Con đem niềm vui và thỏa mãn của mình đặt lên tiền thu nhập và của cải, con hãy nghĩ lại xem, căn bản con sẽ không chết đói và chết cóng; những người giàu có kia, thật ra cũng chỉ là không chết đói và chết cóng. Con đã nhận ra chưa, con có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có bên ngoài, mà dựa trên thái độ sống của con mới là quyết định. Nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan, hòa ái, cần cù để thay thế lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ; nội tâm của con sẽ dần chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn.
Trong xã hội, nhiều người không có văn hóa nhưng lại giàu có, con hãy nên vì họ mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn mới đúng. Người khác đạt được, phải vui như người đó chính là con; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện! Còn con, giờ thấy người khác giàu con lại thiếu vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị chính là một loại tâm rất không tốt, phải kiên quyết tiêu trừ!”
Con cho rằng, con có chỗ hơn người, tự cho là giỏi. Đây chính là tâm ngạo mạn. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy” (nghĩa là: ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt) người khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.
Kiếp trước làm việc thiện mới chính là nguyên nhân cho sự giàu có ở kiếp này, (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu). Mà người thường không hiểu được nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu muội. Chỉ có người chăm học Phật Pháp, mới có được trí huệ chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.”
Bầu trời có thể bao dung hết thảy, nên rộng lớn vô biên, ung dung tự tại; mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi! Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy duyên tự tại! Vĩnh viễn dùng tâm lương thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.
Nếu tâm một người có thể rộng lớn như bầu trời mà bao dung vạn vật, người đó sao có thể khổ đây?
Vị thầy khả kính nói xong những điều này, tiếp tục mỉm cười nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và bao dung.
Ngồi im lặng hồi lâu…xưa nay tôi vẫn cho mình là một người rất lương thiện, mãi đến lúc này, phải! chỉ đến lúc này, tôi mới biết được trong tôi còn có một con người rất xấu xa, rất độc ác! Bởi vì nội tâm của tôi chứa những điều ác, nên tôi mới cảm thấy nhiều đau khổ đến thế. Nếu nội tâm của tôi không ác, sao tôi có thể khổ chứ ?
Xin cảm tạ thầy, nếu không được người khai thị dạy bảo, con vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa như vậy vẫn đang tồn tại trong con!

Từ Đạo Tâm

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

 
Nghe tiếng Chim họa mi
Cạnh nhà tôi
Những cánh hoa mận trắng
Nở rồi tàn
Lẳng lặng 
...

Thái bá Tân dịch
“ Thơ cổ tanca Nhật Bản ”