Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019

Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam


THỈNH NGUYỆN CỦA DÂN TỘC AN NAM
Cách đây đúng 100 năm, tại Hội nghị Quốc tế vì hoà bình họp ở  Versailles vào ngày 18/6/1919, bản " Yêu Sách của nhân dân An Nam " đã được Nguyễn Tất Thành gửi đến hội nghị dưới cái tên
Nguyễn Ái Quốc. Đây là tên chung của nhóm Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh. Họ thay mặt cho " Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp " do Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thành lập. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tên gọi Nguyễn Ái Quốc trên chính trường thế giới, và sau đó Nguyễn Tất Thành đã sử dụng thành tên riêng của mình khi hoạt động cách mạng. Cùng ngày, bản yêu sách tám điểm bằng tiếng Pháp này đã được đăng toàn văn trên báo L' Humanité và được phân phát trên đường phố Paris. Sạu đó, Nguyễn Tất Thành đã dịch ra tiếng Hán với nhan đề " An Nam nhân dân thỉnh nguyện thư " và tiếng Việt theo thể thơ lục bát chuyển về phổ biến rộng rãi với đồng bào trong nước dưới nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca”.
Bản Yêu sách gồm tám điểm tóm tắt như sau:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Toàn văn Bản yêu sách:

Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam
( Revendications du Peuple Annamite )
Thụy Khuê dịch

Từ khi Đồng Minh thắng trận, các cường quốc long trọng cam kết rõ ràng trước thế giới quyết tâm tranh đấu, lấy Văn Minh chống lại Hung Tàn; tất cả những dân tộc bị áp bức đều nôn nao hy vọng, trước viễn ảnh, sẽ được sống trong công bằng và luật pháp.
Trong khi chờ đợi nguyên tắc dân tộc tự quyết, từ lý tưởng sang thực hành, bằng sự nhìn nhận thực sự quyền thiêng của mỗi dân tộc, tự định đoạt lấy số phận mình; Chúng tôi, Thần dân của Đế quốc An Nam ngày trước, nay là Đông Dương Pháp, trình bày với Cao Quyền Đồng Minh nói chung và Kính Quyền Pháp nói riêng, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:
1- Đại xá tất cả tù binh chính trị bản xứ.
2- Cải tổ luật pháp Đông dương, bằng cách bảo đảm cho người dân bản xứ, những điều kiện về luật pháp như người Âu châu. Bỏ hẳn các toà án đặc biệt là công cụ khủng bố và đàn áp thành phần lương thiện nhất của dân tộc An Nam.
3- Tự do báo chí và tư tưởng.
4- Tự do lập hội và hội họp.
5-Tự do di dân và du lịch ra nước ngoài.
6- Tự do giáo dục và xây dựng những trường kỹ thuật và thực nghiệp tại các tỉnh cho người bản xứ.
7- Thay thế Chế độ pháp lý.
8- Có phái đoàn đại diện thường trực dân biểu bản xứ tại Nghị viện Pháp để thông báo những nguyện vọng của người dân bản xứ.
Dân tộc An Nam, qua những thỉnh nguyện trên đây, tin tưởng ở công pháp quốc tế của các cường quốc và đặc biệt trông cậy vào lòng thành của dân tộc Pháp cao quý, đang cầm vận mệnh của chúng tôi trong tay; nước Pháp là một nước Cộng hoà, cầm bằng như đã bảo hộ chúng tôi. Khi thỉnh cầu sự bảo trợ của Dân tộc Pháp, Dân tộc An Nam, không hề tự hạ mình, mà ngược lại còn lấy làm vinh hạnh, vì họ biết Dân tộc Pháp biểu hiện tự do và công bằng, không bao giờ từ khước lý tưởng cao cả: Tứ hải giai huynh đệ. Vì vậy, khi đáp ứng tiếng kêu của người bị áp bức, Dân tộc Pháp không những làm tròn bổn phận đối với nước Pháp mà còn đối với cả Nhân loại.

Thay mặt nhóm An Nam Yêu Nước - Nguyễn Ái Quốc.





Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Giải phóng hay Xâm lược

  
" Trên thế giới này, không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn “
 - Lord Palmerston -

 

 

GIẢI PHÓNG HAY .. XÂM LƯỢC

Những phát ngôn gần đây của Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long về sự kiện Việt Nam đưa quân đội vào Campuchia đã làm dấy lên nhiều tranh luận và phê phán. Lý Thủ Tướng đã phải hứng chịu không ít những ý kiến phản đối và chỉ trích. Vậy thì dựa vào đâu ? hay có toan tính gì mà ông Lý lại có thể phát biểu những lời như vậy ? - Những lời trái ngược hẳn với suy nghĩ mà phần lớn người Việt Nam chúng ta vẫn quen nhìn nhận về sự kiện này. Đây là chủ đề vô cùng nhậy cảm vì nó liên quan đến những hi sinh mất mát rất to lớn mà những người con Đất Việt đã phải gánh chịu. Cùng với đó là những toan tính lợi ích, địa - chính trị của nhiều Quốc gia trong giai đoạn đối đầu trước đây về ý thức hệ. 

Để có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, trước tiên chúng ta hãy thử xem xét tiến trình theo dòng thời gian của các sự kiện lịch sử.

Ngay từ năm 1970, khi Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung lực lượng cho chiến cuộc ở miền Nam thì Khmer Đỏ đã bắt đầu gây hấn trên vùng biên giới Tây Nam. Việc gây hấn của Khmer Đỏ có thể bắt nguồn từ những tư tưởng hận thù dân tộc đối với các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Việt Nam. Cả Sihanouk, Lon Nol và sau này là Pol Pot đều xem Việt Nam và Thái Lan là kẻ thù truyền kiếp vì đã tiêu diệt Vương quốc Khmer, cướp đất của người Khmer. Khmer Đỏ muốn lấy lại các lãnh thổ thuộc Vương quốc Khmer đã bị chiếm từ thế kỷ 17 trở về trước. Thêm vào đó là sự rạn nứt, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc ( quốc gia bảo trợ chính cho Khmer Đỏ ) càng cổ suý cho những tư tưởng cực đoan của Khmer Đỏ.

Ngày 4/5/1975 được xem là ngày bắt đầu cuộc chiến với Khmer Đỏ khi một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc sau sự kiện quân đội Bắc Việt tiến vào Sài Gòn. 6 ngày sau Khmer Đỏ đánh chiếm và hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu. Ngay sau đó, Bộ đội Việt Nam phản công giành lại các đảo này. Tiếp theo sau cuộc đột kích vào các đảo Thổ Chu và Phú Quốc, bên cạnh nhiều cuộc đột kích nhỏ, Khmer Đỏ tiến hành hai cuộc xâm nhập quy mô lớn cấp sư đoàn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào đêm 30/4/1977, quân chính quy Khmer Đỏ cùng với lực lượng địa phương bất ngờ tiến công sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát nhiều dân thường. Ngay trong đêm đó, Sư đoàn 330 của Việt Nam được lệnh cơ động chiến đấu phối hợp với lực lượng vũ trang An Giang thực hiện nhiều trận đánh phản kích, dành lại những địa bàn bị Khmer Đỏ chiếm đóng.

Cuộc tấn công lớn thứ hai diễn ra vào ngày 25/9/1977, khi 9 sư đoàn chủ lực Khmer Đỏ cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công đánh sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh. 

Ngày 31/12/1977, Việt Nam tập trung 8 sư đoàn mở đợt phản công, đánh bật quân Khmer Đỏ lùi sâu 20–30 km vào đất Campuchia đến tận Neak Luong rồi mới rút lui, đồng thời mang về một số nhân vật quan trọng bên phía Campuchia, trong đó có thủ tướng tương lai Hun Sen. Cũng trong ngày 31/12/1977, Pol Pot đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cuộc tấn công này của quân đội Việt Nam được xem là lời "cảnh cáo" cho Khmer Đỏ. Sau đó, Việt Nam đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới, nhưng Pol Pot từ chối và giao tranh vẫn tiếp diễn. Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15–20 km. Tội ác của Khmer Đỏ lên đến đỉnh điểm khi họ gây ra vụ thảm sát Ba Chúc vào tháng 4 năm 1978 với hơn 3000 dân thường bị giết hại, trong đó hơn 100 gia đình bị giết cả nhà. Quân Khmer Đỏ đã rút lui an toàn sau 12 ngày chiếm đóng Ba Chúc.

Ngày 3/11/1978, Việt Nam ký hiệp ước hợp tác toàn diện chiến lược với Liên Xô. Cũng trong tháng này, trong chuyến công du Thái Lan, Malaysia và Sinhgapore - Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ dùng vũ lực nếu Việt Nam tấn công Campuchia.

Ngày 13/12/1978, được sự hậu thuẫn của Trung Quốc, Khmer Đỏ đã huy động 19 sư đoàn (khoảng gần 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt như đã làm với người Khmer. Quân đội Việt Nam đã chống trả quyết liệt nên các hướng tiến quân của Khmer Đỏ đều bị chặn lại và không thể tiến lên. Ngoại trừ Hà Tiên bị chiếm giữ trong thời gian ngắn, không một thị xã nào bị chiếm. Ngày 23/12/1978, sau khi được tăng viện với 80.000 quân, quân đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên toàn mặt trận, đẩy lùi quân Khmer Đỏ ra khỏi các vị trí dọc theo tỉnh lộ 13 sát biên giới. Sau đó 2 ngày, bộ đội Việt Nam tiếp tục mở cuộc tổng tấn công phòng ngừa vào Campuchia và giải phóng thủ đô Phnom Penh khỏi tay Khmer Đỏ vào ngày 7/1/1979. Tiếp đó vào ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia do Heng Samrin làm Chủ tịch đã được thành lập với sự hậu thuẫn của Việt Nam nhưng không được Liên Hiệp Quốc công nhận. 

Trước khi tiến vào Phnom Penh, một đơn vị đặc công của Việt Nam được giao nhiệm vụ giải cứu Norodom Sihanouk khỏi sự giam lỏng của Khmer Đỏ nhưng không thành công do phía Khmer Đỏ được báo trước. Sau đó, Pol Pot đã trả tự do hoàn toàn cho Sihanouk và đưa ông cùng với vợ sang Bắc King bằng máy bay Boeing 707 của hàng không dân dụng Trung Quốc vào ngày 6/1/1979. Trung Quốc đã nhiều lần ép Khmer Đỏ phải trả tự do cho Sihanouk và thành lập chính phủ quốc gia, nhưng Khmer Đỏ bỏ ngoài tai. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã có Sihanouk, và có cả mọi cơ hội trong tay.

Sự cố Phnom Penh rơi vào tay quân đội Việt Nam chỉ trong vòng chưa đến hai tuần chiến đấu là một cú shock lớn, nhưng không quá bất ngờ. Ngay từ tháng 11/1978 Phó chủ tịch Trung Quốc, Uông Đông Hưng trong chuyến thăm Campuchia đã khuyên Pol Pot bỏ ngỏ thủ đô khi Việt Nam tấn công và tiến hành chiến tranh du kích nhưng Pol Pot không đồng ý. Tuần báo Kinh Tế Viễn Đông số ra ngày 15/12/1978, đã có bài viết với tựa: “Pol Pot lại hướng về rừng rậm” của phóng viên Nayan Chand. Theo tác giả thì từ một nguồn tin rất đáng tin cậy đã tiết lộ rằng: Việt Nam sẽ tấn công Campuchia và Khmer Đỏ sẽ bỏ ngỏ thành phố, lẩn vào rừng già, tiến hành chiến tranh du kích. 

Sau khi Phnom Penh thất thủ, Khmer Đỏ rút chạy về phía Tây, hướng biên giới với Thái Lan và chốt lại tại các căn cứ gần biên giới. Polpot, Ieng Sary trốn qua Thái Lan, rồi tới Bắc Kinh. Trong cuộc gặp với Ieng Sary, Đặng Tiểu Bình đã buộc Khmer Đỏ phải thành lập mặt trận đoàn kết, chấp nhận Sihanouk là nguyên thủ, tiến hành chiến tranh du kích chống phá Việt Nam lâu dài nếu muốn Trung Quốc giúp đỡ. Trước đó Trung Quốc đã thuyết phục được Thái Lan hỗ trợ Khmer Đỏ trong cuộc chiến tại Campuchia. Thái Lan đồng ý để Trung Quốc sử dụng lãnh thổ của mình làm nơi tiếp tế cho Khmer Đỏ.

Ngày 9 tháng 1 năm 1979, Sihanouk được Khmer Đỏ đưa đến trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York với tư cách đại diện tối cao của Campuchia Dân chủ. Tại cuộc họp bất thường của hội đồng bảo an vào ngày 11/1/1979, Sihanouk đã lên án Việt Nam xâm lược Campuchia, đồng thời gọi Pol Pot là "một tên đồ tể " và kêu gọi Liên Hợp Quốc trục xuất quân đội Việt Nam ra khỏi Campuchia. Tại phiên họp này, Mỹ thừa nhận vi phạm nhân quyền tại Campuchia và Việt Nam có lo ngại an ninh chính đáng khi Khmer Đỏ tấn công vùng biên giới nhưng: "tranh chấp biên giới không cho phép một quốc gia quyền áp đặt một chính phủ thay chính phủ khác bằng vũ lực". Anh Quốc cũng tuyên bố : "dù nhân quyền ở Campuchia có thế nào, không thể tha thứ cho Việt Nam ... khi vi phạm lãnh thổ Campuchia Dân Chủ ". Pháp tuyên bố: "Quan niệm rằng vì một chính quyền đáng xấu hổ, mà có thể biện minh cho can thiệp nước ngoài và lật đổ, thật là nguy hiểm.". Na Uy và New Zealand cũng đồng quan điểm khi : "mạnh mẽ phản đối" các vi phạm nhân quyền của Pol Pot, nhưng vi phạm nhân quyền này "không thể biện hộ cho hành động của Việt Nam ", "việc xấu của một nước không biện minh cho sự xâm lăng lãnh thổ của một nước khác". Đại diện Singapore phát biểu: "Không nước nào có quyền lật đổ chính phủ Campuchia Dân Chủ, dù chính phủ này có đối xử tàn tệ nhân dân thế nào. Đi ngược nguyên tắc này có nghĩa là thừa nhận chính phủ nước ngoài lại có quyền can thiệp và lật đổ chính phủ nước khác.".

Ngày 14/1/1979, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết: "hối tiếc sâu sắc về sự can thiệp vũ trang của quân nước ngoài vào nội bộ Campuchia" và "kêu gọi rút ngay lập tức mọi lực lượng nước ngoài khỏi Campuchia.. " 

Từ đây, cuộc đấu tranh ngoại giao tại Liên Hợp Quốc đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia để giành quyền tự quyết cho người Campuchia đã tạo ra một liên minh gồm hơn 100 quốc gia hỗ trợ Khmer Đỏ. Sau đó Liên Hiệp Quốc tiếp tục ra nhiều nghị quyết về việc Việt Nam đóng quân tại Campuchia vào các năm 1980,1981,1987,1988,1989. Đặc biệt trong nghị quyết ra ngày 16/11/1989 có đoạn : "lên án can thiệp quân sự nước ngoài và chiếm đóng ở Campuchia, nguyên nhân của thù nghịch tiếp tục ở đất nước, nghiêm trọng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế" và "khẳng định rằng bất kỳ sự rút quân nước ngoài khỏi Campuchia mà không có Liên Hiệp Quốc giám sát, kiểm soát và xác minh thì không phải là nằm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện". 

Cuối năm 1979, Đại hội đồng họp bàn việc ai sẽ đại diện cho Campuchia tại Liên Hiệp Quốc. Việt Nam và Liên Xô ủng hộ Cộng hoà nhân dân Campuchia nhưng 71 nước bỏ phiếu bác bỏ chính phủ này. Singapore tiếp tục có bài phát biểu phản đối Việt Nam như sau: "Nếu chúng ta thừa nhận học thuyết can thiệp nhân đạo, thế giới sẽ càng nguy hiểm hơn cho các nước nhỏ như chúng tôi."

Việc Liên Hợp Quốc tiếp tục công nhận Khmer Đỏ là thành viên hợp pháp của Liên Hợp Quốc đồng nghĩa với việc Việt Nam tiếp tục bị cô lập về chính trị thay vì được hoan nghênh do đã lật đổ một chế độ mà cả thế giới lên án. 

Sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án và yêu cầu Việt Nam rút quân ngay lập tức khỏi Campuchia thì Đặng Tiểu Bình đã phát lệnh tấn công vào lãnh thổ Việt Nam với tuyên bố sẽ dậy cho Việt Nam một bài học.

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động hai đại quân khu Quảng Tây và Vân Nam, gồm 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn), 6 trung đoàn xe tăng... với khoảng trên 60 vạn binh sĩ tấn công Việt Nam. Quân Trung Quốc đánh chiếm các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và một số thị trấn vùng biên. Cuộc chiến kéo dài 1 tháng và kết thúc khi Trung Quốc rút quân vào ngày 16/3/1979. Mặc dù chịu thiệt hại lớn và thất bại trong việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhưng Trung Quốc đã chứng minh được rằng Liên Xô - dù mới ký hiệp ước hợp tác toàn diện với Việt Nam nhưng đã không trực tiếp tham chiến để bảo vệ đồng minh của mình. Để chuẩn bị dư luận cho cuộc tấn công này, Đặng Tiểu Bình đã có chuyến công du một số nước Asian và Nhật Bản. Đặc biệt, trong chuyến thăm Mỹ vào cuối tháng 1 /1979, Đặng Tiểu Bình đã nhận được sự ủng hộ cần thiết của Hoa Kỳ trong kế hoạch tấn công Việt Nam.

Tại Campuchia, cho đến cuối tháng 3/1979, quân đội Việt Nam coi như chiếm được hết những thành phố và tỉnh lỵ quan trọng và tiến sát tới biên giới Thái Lan. Tuy nhiên tàn quân Pol Pot vẫn tiếp tục chống cự và quấy nhiễu, gây ra nhiều thương vong cho bộ đội Việt Nam. 

Nhờ có sự giúp đỡ của Trung Quốc và quốc tế, từ tình trạng chỉ còn là những nhóm du kích đói rách sốt rét hồi cuối năm 1979, đến cuối năm 1980 lực lượng Khmer Đỏ đã hồi phục đầy đủ sức mạnh, với quân số tăng từ 20.000 lên 40.000 lính. Đến cuối năm 1981, chiến tranh du kích của Khmer Đỏ lan rộng mạnh mẽ, gây mất an ninh tại những khu vực rộng lớn.

Năm 1982, Việt Nam rút bớt quân khỏi Campuchia, nhưng do sự hoạt động mạnh trở lại của Khmer Đỏ nên Việt Nam buộc phải tiếp tục đóng quân tại Campuchia để bảo vệ chế độ của Hun Sen.

Mùa khô 1984 - 1985, cuộc tấn công quyết định của Việt Nam đã phá hủy các căn cứ chính của Khmer Đỏ khiến Khmer Đỏ suy yếu đi nhiều và không còn đủ sức đe dọa chế độ mới của Campuchia. Trong cuộc tấn công này, các đơn vị vũ trang của Việt Nam đã tiến hành các cuộc đột kích qua biên giới Thái Lan truy kích quân Khmer Đỏ và đánh vào các trại tị nạn của các phe Khmer đối lập. Trong lúc giao tranh, quân Việt Nam lần đầu tiên giao chiến với quân đội Thái Lan. 

Tới tháng 4, chiến dịch mùa khô kết thúc, bộ đội Việt Nam rút về các căn cứ của mình. Theo nhận định của các quan sát viên, Việt Nam không còn kiên nhẫn để tiến hành các hoạt động quân sự giới hạn. Bộ đội Việt Nam thậm chí sẵn lòng truy kích ráo riết lực lượng chống đối và không ngần ngại đánh vào các căn cứ/trại tị nạn với đông dân cư.

Thời gian này, nền kinh tế Việt Nam ở tình trạng vô cùng khó khăn do bị cô lập trên trường quốc tế ngoại trừ khối Liên Xô. Lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ còn dẫn đến việc nhiều nước không quan hệ thương mại với Việt Nam. Tệ hơn nữa, cấm vận thương mại của Mỹ trì hoãn cho đến 19 năm sau (1994) nhưng thực sự là 24 năm khi có quy chế tối huệ quốc (1999).Trong khi đó, chi phí cho việc đóng quân tại Campuchia chiếm từ 40% đến 50% ngân sách quân sự của Việt Nam. Tất cả các yếu tố đó cùng với sự quản lý yếu kém của Nhà nước đã đẩy nền kinh tế kế hoạch của Việt Nam đi đến chỗ kiệt quệ.

Xin nhắc lại rằng, lệnh cấm vận này liên quan đến sự kiện Việt Nam đưa quân đội vào và ở lại Campuchia chứ không phải việc Việt Nam giải phóng Sài Gòn và thống nhất Đất nước.

Ngày 16/8/1985, trong cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương tại Phnom Penn. Việt Nam tuyên bố sẽ rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia, quá trình rút quân sẽ hoàn thành trong năm 1990.

Từ năm 1986, Việt Nam tiến hành rút dần quân và đến năm 1989 thì hoàn thành việc rút quân toàn bộ khỏi Campuchia.

Tháng 9/1990, hội nghị Thành Đô đã được bí mật diễn ra tại thủ phủ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây là cuộc gặp giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai Nước và hai Đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.

Nhìn lại quá trình diễn tiến của các sự kiện lịch sử trong giai đoạn này có thể nhận thấy một số vấn đề như sau:

- Chế độ diệt chủng tàn ác của Khmer Đỏ là quá khủng khiếp và cần phải được loại bỏ.

- Quân đội Việt Nam phát động cuộc phản kích tự vệ chống lại sự xâm nhập của Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam là một việc làm đúng đắn và đúng chuẩn mực Quốc tế

- Quân đội Việt Nam tiếp tục phát động cuộc tổng phản kích tự vệ vào Campuchia để tiêu diệt tận gốc chế độ tàn ác của Khmer Đỏ, giải cứu 1/3 dân số Campuchia là một việc làm cần thiết và có thể chấp nhận dù không đúng theo chuẩn mực Quốc tế.

- Chính phủ Việt Nam đã không tranh thủ được dư luận Quốc tế, không có động thái tuyên bố kịp thời tại Liên Hiệp Quốc ngay sau khi phát động tấn công. Lẽ ra, theo chuẩn mực quốc tế, Việt Nam cần thông báo sự việc tới Liên Hợp Quốc và HĐBA, muộn nhất là ngay sau khi Khmer đỏ sụp đổ, để lấy chính danh cho việc tấn công 1 quốc gia có chủ quyền. Nhưng Việt Nam đã không làm, có lẽ do thất bại trong việc giải cứu Sihanouk và để tuột mất quân bài chính trị này vào tay Trung Quốc nên ý tưởng đưa Sihanouk làm lãnh tụ của mặt trận giải phóng Cambodia đã không thể thực hiện. Cũng có thể còn do những nguyên nhân khác nữa nhưng rõ ràng hành động này đã đẩy Việt Nam vào thế bất lợi, bị dư luận Quốc tế lên án và cô lập.

- Việt Nam tiếp tục duy trì quân đội thêm 10 năm nữa tại Campuchia sau khi lập nên 1 chính quyền thân Việt Nam và hợp pháp hóa việc đóng quân bằng 1 hiệp ước hợp tác hữu nghị là không chính danh vì Liên Hợp Quốc chỉ công nhận nhà Nước Campuchia Dân chủ do Sihanouk đứng đầu. Nên dù sau này có tổ chức bầu cử thì cái hiệp ước kia cũng không được phương Tây, ASEAN và LHQ công nhận. Có thể việc tiếp tục đóng quân của Việt Nam xuất phát từ những bất ổn quân sự tại Campuchia. Nhận được hỗ trợ của Trung Quốc, tàn quân Khmer Đỏ đã trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ trong khi quân đội của chính quyền Hun Sen vẫn còn chưa đủ sức để đương đầu. Cũng có thể còn thêm nhiều lý do khác nữa, nhưng giá như Việt Nam sớm đưa ra tuyên bố tại Liên Hợp Quốc sau khi giải phóng Phnom Penh, cũng như đưa ra một lộ trình rút quân khỏi Campuchia thì có lẽ sự việc đã được dư luận Quốc tế nhìn nhận khác đi. 

Qua những sự kiện và nhìn nhận kể trên cũng không khó để hiểu tại sao cả hai cha con Thủ Tướng Singapore lại có những đánh giá và phát ngôn như vậy đối với sự kiện này. Singapore là một quốc gia phát triển có dân số chủ yếu là người gốc Hoa lại thân cận với Mỹ và Anh Quốc. Ở vị thế như vậy cùng với những phán quyết của Liên Hợp Quốc thì quan điểm phê phán của Họ cũng không có gì là lạ cả. 

Có một sự thật đáng buồn là mặc dù đã phải gánh chịu rất nhiều tổn hại về cả nhân lực và vật lực nhưng vẫn có không ít những người Campuchia mang tư tưởng thù nghịch với Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã không thể duy trì tầm ảnh hưởng lên chính quyền của Thủ tướng Hun Sen - người đã được Việt Nam đưa lên vị trí này. Ông Hun Sen đã từng bị Trung Quốc gọi là con rối của Việt Nam, nhưng giờ đây đã trở thành đồng minh của Trung Quốc. Trước đây, Hun Sen gọi Trung Quốc là kẻ chống lưng cho Khmer Đỏ, là cội nguồn của mọi tội ác. Nhưng năm 2012, Hun Sen đã công khai ủng hộ Trung Quốc, giúp Trung Quốc phá hỏng thông cáo chung ở thượng đỉnh ASEAN, đồng lõa với hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Nền kinh tế Campuchia đã bị lệ thuộc vào Trung Quốc khi trở thành con nợ lớn nhất (hơn 10 tỷ Mỹ kim) của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á và cũng trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng nhất của Trung Quốc. Một sự thật là, Trung Quốc đã trở thành ông chủ nắm 62% tổng số nợ nần của Campuchia. Có một người có ảnh hưởng không nhỏ ở Campuchia là Fu Xianting (Đại ca Fu), một cựu sỹ quan Giải phóng Quân Trung Quốc. Theo điều tra của tuần báo Financial Times, Đại ca Fu chỉ huy, trang bị, huấn luyện, và trả lương cho đơn vị 3000 vệ binh tinh nhuệ của thủ tướng Hun Sen. Cuộc tập trận quân sự chung “Rồng Vàng” thường niên giữa quân đội hai nước Campuchia Và Trung Quốc vừa được diễn ra hồi trung tuần tháng 3 vừa qua. Đây là cuộc tập trận thường niên lớn nhất kể từ khi được bắt đầu vào năm 2016. 

Cũng khó mà có thể trách được ông Hun Sen ! - như phần lớn các lãnh đạo trên thế giới, ông ta cũng phải đặt lợi ích của Campuchia lên trên hết.

Xin được mượn câu nói nổi tiếng của cựu thủ tướng Anh Lord Palmerston thay cho lời kết vì nó vẫn ... quá chuẩn.

 

Chúng ta không có đồng minh đời đời, và chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích của Quốc Gia là đời đời và vĩnh viễn, và chúng ta có nghĩa vụ theo đuổi những lợi ích đó "

- Lord Palmerston -

 

Hà lội, mùa sấu rụng

11.6.2019

Hà lội, mùa sấu rụng
11.6.2019
VN

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Cuộc đua xây Chùa, dựng tượng và kinh doanh tâm linh ở Trung Quốc

 
“ Tôn giáo là để thực hành, không phải để trình diễn ” 
- Xue Yu -

 

CUỘC ĐUA XÂY CHÙA, DỰNG TƯỢNG VÀ KINH DOANH TÂM LINH Ở TRUNG QUỐC

Từng bị hạn chế vào những năm 1980, giờ đây Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Hơn cả một tôn giáo, Phật giáo trở thành một ngành kinh doanh lớn tại Quốc gia đông dân nhất Thế giới này khi du lịch bùng nổ.

Một trong những dấu hiệu của sự bùng nổ với du lịch tâm linh tại Trung Quốc là “cơn sốt xây dựng tượng Phật trong vài thập kỷ qua” theo cách gọi của Zhou Mingqi, nhà sáng lập công ty tư vấn du lịch Jingjian.

Năm 2002, tượng Trung Nguyên Đại Phật tại huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được hoàn thành và giữ kỷ lục bức tượng cao nhất thế giới trong suốt 10 năm trước khi Tượng Thống Nhất tại Ấn Độ khánh thành vào năm ngoái. 

Theo thống kê của tạp chí The Atlantic đến cuối tháng 10/2018, trong số 15 bức tượng cao nhất thế giới, Trung Quốc có tới 5 và tất cả đều là tượng Phật. 4 bức tượng trong số này, bao gồm cả tượng Trung Nguyên Đại Phật, được hoàn thành trong hơn 20 năm trở lại đây.

Cứ sau vài năm, truyền thông Trung Quốc lại đưa tin về những bức tượng khổng lồ tại quốc gia này. Những tượng Phật đồ sộ lấp lánh ánh vàng trở thành biểu tượng của ngành du lịch Trung Quốc, tô điểm vẻ đẹp của các đền chùa, đỉnh núi, hồ nước hay bất cứ ở đâu có vị trí phong thủy thuận lợi.

Theo ông Zhou Mingqi, dù việc xây dựng những bức tượng Phật này có thể nhắm đến đời sống tâm linh của người dân Trung Quốc, mục đích chính của các bức tượng to lớn nói trên lại hướng về mục tiêu kiếm tiền từ khách du lịch trên thế giới nhiều hơn.

“Nói một cách đơn giản, nếu một khu vực không có sẵn địa danh thiên nhiên hay lịch sử nào đáng chú ý muốn xây dựng thứ gì đó để thu hút du khách thì một bức tượng Phật khổng lồ là lựa chọn hợp lý "

" Cách làm này cũng phù hợp với ngành du lịch Trung Quốc vốn đặt trọng tâm vào việc thu tiền bán vé vào cổng. Khi du khách nhận ra tượng Phật lớn tại khu tham quan cũng không khác mấy so với những nơi khác cũng là lúc những người quản lý ở đó đã thu được toàn bộ số tiền có thể kiếm được từ du khách”, nhà sáng lập công ty du lịch Jingjian nhận định.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại công viên văn hóa Phật giáo Nanshan ở đảo Hải Nam là 1 trong 15 bức tượng cao nhất thế giới. Theo The Economist, năm 2015, du khách phải bỏ ra gần 9 USD để đi thang máy lên tới chân tượng và cầu nguyện trong chốc lát. Nhưng để làm được việc này, mỗi người đã phải bỏ ra gần 18 USD trước đó để mua vé vào công viên. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm hiện diện mọi nơi trong khu vực tham quan, bày bán nhiều thứ từ chuỗi tràng hạt đến tượng Phật. Tờ báo này cũng khẳng định chính quyền địa phương hưởng một phần doanh thu từ dự án.

Trung Nguyên Đại Phật (hay Lỗ Sơn Đại Phật) là một bức tượng Đại Nhật Như Lai được xây dựng trong quần thể kiến trúc ở chân Nghiêu Sơn thuộc hương Triệu Thôn, huyện Lỗ Sơn, Hà Nam, Trung Quốc. Tượng Phật khổng lồ này bắt đầu xây dựng từ năm 1997 và hoàn thành năm 2002. Để làm nên bức tượng Phật khổng lồ này phải dùng hết 3.300 tấn đồng, 108 cân vàng, hơn 15.000 tấn thép đặc biệt. Tổng kinh phí của dự án Trung Nguyên Đại Phật là khoảng 55 triệu USD trong đó riêng bức tượng tiêu tốn khoảng 18 triệu. Đây là một trong những bức tượng lớn nhất thế giới với tổng chiều cao là 208 mét: riêng chiều cao tượng lên đến 153m, đài sen cao 20m..Sau khi đưa vào hoạt động năm 2002, khu vực này nhanh chóng trở thành một điểm du lịch cấp quốc gia, tượng Phật này cũng được đưa vào danh sách kỷ lục Guinness thế giới. Sự nổi tiếng kéo theo sự phát triển như vũ bão của ngành du lịch. Người ta bắt đầu cho bán vé và tăng dần theo thời gian. Hiện nay, giá vé để vào cửa là 100 tệ (341.000đ). Phật giáo là nơi thiên liêng và sạch sẽ nhưng bây giờ hầu như nơi nào cũng đều thương mại hóa. Nhiều người cảm thấy rằng nơi này đã dần mất đi ý nghĩa thật sự của nó, mùi tiền có khắp mọi nơi. Thậm chí, nhiều người muốn sờ tay vào bàn chân Phật cũng phải trả một số phí nhất định, điều này gây ra không ít bức xúc cho khách du lịch.

Tất nhiên, nhà chùa và những tu viện có danh lam thắng cảnh cũng cần có chi phí để bảo trì. Chính vì vậy, điều này thật nan giải và càng làm cho tình hình trở nên khó xử.

Chỉ tính riêng năm 2010, ngôi chùa Nanputuo có từ thời Nhà Đường ở thành phố Hạ Môn, Trung Quốc, ước tính đón khoảng 2 triệu du khách với số tiền bán vé gần 900.000 USD. Theo giáo sư Li Xiangping từ Đại học Sư phạm Hoa Đông, một phần trong số tiền thu này được giữ lại để bảo trì và phát triển chùa nhưng chính quyền địa phương cũng hưởng lợi một phần doanh thu. Người ta gọi ngôi chùa này là một “con bò sữa” hái ra tiền khi đem lại hàng chục nghìn khách hàng cho nhà hàng chay tại đây và tạo ra việc làm cho nhiều người bán nhang và trang sức Phật giáo.

Một trong những trung tâm tôn giáo hàng đầu bị cáo buộc thương mại hóa là Thiếu Lâm tự, trong hai thập kỷ qua đã trở thành một đế chế kinh doanh trải dài từ các trường võ thuật và biểu diễn, đến y học, chương trình văn hóa, du lịch và thực phẩm. Chỉ riêng trong năm 2015, Thiếu Lâm Tự báo cáo đã thu hơn 50 triệu nhân dân tệ (7,3 triệu USD) tiền vé vào cửa và mức phí hơn 14 USD cho mỗi lần dâng hương ( 100 nhân dân tệ ). Trụ trì chùa được gọi là “nhà sư CEO” vì thường xuyên tổ chức các hoạt động nặng tính thương mại tại đây.

Tuy nhiên, giáo sư xã hội học Zhe Ji của khoa Nghiên cứu Trung Quốc thuộc viện nghiên cứu Inalco tại Pháp cho rằng chính quyền địa phương mới là nơi được hưởng lợi chính từ các hoạt động kinh doanh ở Thiếu Lâm Tự.

“Nhà chùa chỉ hưởng ít hơn 1/3 doanh thu. Số còn lại thuộc về chính quyền huyện Đăng Phong (nơi Thiếu Lâm Tự tọa lạc)”

Như nhiều địa điểm tâm linh khác, Thiếu Lâm Tự được quản lý bởi một ủy ban gồm phần lớn quan chức địa phương.

“Ngay cả thủ quỹ của chùa Thiếu Lâm cũng được chính quyền chỉ định vì vậy các khoản chi đều phải được phê duyệt. Các vị sư trụ trì không có tiếng nói trong vấn đề tài chính của nhà chùa”, ông Ji cho biết.

Năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã giải quyết vấn đề này bằng cách cấm niêm yết các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo địa phương trên thị trường chứng khoán. Tiếp đó, vào tháng 2, Quy chế Tôn giáo sửa đổi cũng cấm thương mại hóa.

Trong khi cái gọi là thương mại hóa thường được lãnh đạo bởi chính quyền địa phương, với phần lớn lợi nhuận sẽ dành cho họ, thì các nhà sư luôn nhận lấy sự trách móc từ dư luận.

Một doanh nhân và là bạn thân của sư trụ trì Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín (Shi Yongxin) nói rằng sư trụ trì Thiếu Lâm là một ví dụ điển hình về cách các nhà lãnh đạo Phật giáo bị xâm phạm.

" Cách đây nhiều năm, Shi Yongxin nói với tôi rằng ông ấy phản đối việc thu phí vào cửa tại Thiếu Lâm Tự, nhưng đã bị chính quyền địa phương bỏ phiếu phản bác " 

Mới tháng trước, chùa Thiếu Lâm một lần nữa mang tiếng khi các nhà sư của họ giương cờ quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử 1.500 năm của chùa như một phần của nỗ lực yêu nước tại các cơ sở tôn giáo, bao gồm chùa, nhà thờ Công giáo và thánh đường Hồi giáo.

 “Có thể nào đây là ý tưởng riêng của sư Thích Vĩnh Tín ? Để thúc đẩy việc treo cờ trong chùa? Thiếu Lâm phải đi hàng đầu, tôi biết sư Vĩnh Tín có tham vọng nhưng với nền tảng giáo dục hạn chế nên Ông ấy dễ bị thao túng ”, nhà doanh thương nói.

 

Khi các nhà làm phim đến Thiếu Lâm tự quay cuốn phim Võ thuật Thiếu Lâm nổi tiếng năm 1986 với sự tham gia của diễn viên Lý Liên Kiệt, họ đã bị sốc khi không tìm thấy một nhà sư nào ở đây. Tu viện 1.500 năm tuổi, ở dãy núi Tống thuộc tỉnh Hà Nam, nổi tiếng là cái nôi của Phật giáo Thiền tông Trung Quốc nhưng đã bị lãng quên và vùi dập hàng thập kỷ.

Tu viện nổi tiếng này là một trung tâm võ thuật tuy vẫn còn những nét nguyên sơ nhưng phần hồn Phật giáo đằng sau võ thuật đã biến mất. Cựu nữ diễn viên Hồng Kông Mary Jean Reimer cho biết các nhà sư trong phim đều do các học viên võ thuật thủ diễn. Nhiều người trong số họ tiếp tục biểu diễn cho khách đến tham quan chùa sau khi bộ phim trở thành top hit, mặc dù rất ít, nếu có, trong số họ tuân theo bất kỳ kỷ luật Phật giáo nào, cô nói.

Sự trống rỗng của tu viện phản ánh tình trạng không mấy tốt đẹp chung cho các tổ chức Phật giáo trong cả nước, sự suy giảm vẫn tiếp tục cho đến ngày nay khi truyền thống hàng thế kỷ bị vướng vào các vụ bê bối tham nhũng. Nhưng trong khi tôn giáo là cổ xưa, các nhà quan sát nói, gốc rễ của sự suy giảm là do sự quản lý tôn giáo và can thiệp chính trị.

Giáo sư Zhe Ji cho biết:

“Đây là vấn đề có liên quan đến cấu trúc quyền lực cơ bản của nhà chức trách tôn giáo. Một cách chính thức, chính phủ đã ủng hộ các nhà lãnh đạo Phật giáo kiểm soát cách tổ chức Phật giáo. Họ đầy quyền lực chính trị nhưng thiếu tính chính danh hợp pháp tôn giáo giữa các tín đồ ", ông Ji nói thêm rằng một số lãnh đạo của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, trước khi được bổ nhiệm, đã không được coi là những bậc thầy lớn của giới Phật tử bên ngoài tổ chức của họ.

“Thật khó để các nhân vật tôn giáo có ảnh hưởng thực sự vươn lên khi vị trí của các nhà lãnh đạo tôn giáo này được quyết định bởi chính trị”, ông nói.

Theo dữ liệu chính thức, có hơn 240.000 tu sĩ Phật giáo ở Trung Quốc, với hơn một nửa trong số đó đến từ Tây Tạng. Khoảng 100.000 tu sĩ Phật giáo người Hán sống trong 28.000 tu viện trong khi phần còn lại là các nhà sư thuộc Phật Giáo Nam Tông Theravada, chủ yếu sống ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây ở miền Tây Nam Trung Hoa.

Nhưng trong những năm gần đây, tại Trung Quốc chưa thấy xuất hiện các nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo có tầm vóc toàn cầu nổi tiếng về trí tuệ, nhân từ và từ bi.

Ngược lại, Đài Loan có nhiều nhà sư nổi tiếng như Đại Sư Tinh Vân (Master Hsing-Yun) và Lão Hòa Thượng Thánh Nghiêm (Master Sheng-Yen) đầy ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Theo Tiến sĩ Tsui Chung-hui từ Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo của Đại học Hồng Kông, các vấn đề“chuyển tiếp” liên quan đến Phật giáo Trung Quốc một phần là do di sản của sự áp bức trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

“Đài Loan đã may mắn có thể bảo tồn các giá trị đạo đức của Khổng Tử, Đạo giáo và Phật giáo [khi hòn đảo tách khỏi đất liền sau cuộc nội chiến], tạo cơ hội cho Phật giáo phát triển”, ông Tsui nói.

Sự chia đôi đó xảy ra vào năm 1949, khi Phật giáo và các tín ngưỡng khác bị coi là tư tưởng phản cách mạng ở đại lục.

“Sau năm 1949, Phật giáo đã trải qua một cuộc khủng hoảng to lớn trên tất cả các mặt trận, từ học thuyết tôn giáo, tổ chức, đến việc tài trợ. Nhiều vấn nạn ngày nay bắt nguồn từ những cải cách xã hội chủ nghĩa của những năm 1950”, ông Ji nói.

Sự áp bức lên đến đỉnh điểm trong thời kỳ hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa, khi có sự đàn áp rộng rãi Phật tử và tàn phá các ngôi chùa.

Nhưng khi được nới lỏng, Phật giáo Trung Quốc đã không khởi sắc, liên tục bị chỉ trích vì một loạt các vấn đề như thương mại hóa và tham nhũng.

Các nhà quan sát cho rằng sự can thiệp chính trị vẫn đóng một vai trò lớn trong sự sụp đổ đó bằng cách làm suy yếu uy quyền tâm linh và kìm hãm tự do tôn giáo.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, các tôn giáo bản địa như Phật giáo nhận được sự hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy văn hóa và tín ngưỡng truyền thống cũng như sức mạnh mềm của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo chính thức của đại lục được nhà nước ủng hộ với sứ mệnh đoàn kết các tín đồ để yêu nước và truyền bá giáo lý tôn giáo theo các giá trị yêu nước cốt lõi.

Tất cả các nhóm tôn giáo dựa trên đức tin ở Trung Quốc, bao gồm 41 viện nghiên cứu Phật giáo trên toàn quốc, cũng được Cơ quan tôn giáo nhà nước the State Administration of Religious Affairs giám sát.

Vào tháng 3, Trung Quốc đã tăng cường hơn nữa sự kiểm soát đối với tôn giáo bằng cách xếp cơ quan hành chính vào Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất the United Front Work Department (tương đương với Mặt trận Tổ quốc của tổ chức chính quyền Việt Nam hiện nay – ghi chú của dịch giả).

 

Xa hơn về phía bắc , một nhà sư từ tỉnh Sơn Tây cho biết sự can thiệp chính trị đang diễn ra và thiếu tự do tôn giáo đã tạo ra một nền văn hóa im lặng trong Phật giáo Trung Quốc, cản trở sự phát triển của Phật Giáo truyền thống.

“Có rất nhiều điều chúng tôi không được phép thảo luận. Nó quá phức tạp và họ không thể điều tra được. Càng đào sâu, bạn sẽ càng tìm thấy nhiều chi tiết không mong muốn và không ai thích thấy điều đó”, nhà sư nói, từ chối tiết lộ thêm chi tiết.

Nhà văn Li Hai có trụ sở tại Bắc Kinh đã chứng kiến  tận mắt điều này. Năm 2004, Li đã dành một tháng tu học tại một ngôi chùa hẻo lánh ở trung tâm tỉnh Hồ Nam chỉ để thấy các nhà sư và trụ trì của ngôi chùa buộc phải rời khỏi chùa và được thay thế bằng những người được tuyển dụng bởi các quan chức tôn giáo địa phương.

“Vấn đề không phải là về Phật giáo mà là về cách tổ chức, người dân có nhu cầu về tôn giáo dựa trên đức tin chưa bao giờ mạnh hơn nhưng cách tổ chức Phật giáo đã không đáp ứng nhu cầu tâm linh của họ”, ông Li Li nói.

“Tất cả những gì họ quan tâm là họ có thể kiểm soát mọi khía cạnh như thế nào”.

Nhưng Tiến sĩ Tsui Chung-hui vẫn lạc quan nói rằng các đạo sư Phật giáo đáng kính vẫn có thể được tìm thấy trên đại lục.

" Tôi tin rằng có thể vẫn có nhiều tài năng Phật giáo ẩn giấu tuyệt vời, những người đang âm thầm làm việc không đòi hỏi danh tiếng mà chúng tôi chỉ chưa biết đến mà thôi "

 

Nhiều người trong cuộc không ủng hộ mối quan hệ giữa nhà chùa và chính quyền. “Tôi nghĩ khi một tôn giáo quá gần gũi với chính quyền hoặc các doanh nhân quyền lực, nó không thể thật sự phát triển thịnh vượng và sẽ có nhiều hạn chế.”, nữ tu Yan Lu chia sẻ với Time.

Trong khi đó, nhà sáng lập công ty du lịch Jingjian, Zhou Mingqi cũng khẳng định ngoài những lo ngại trước mắt về việc nhiều nơi ở Trung Quốc đang chạy đua xây dựng những tượng Phật khổng lồ tương tự nhau, ông nhận thấy truyền thống tôn giáo của Trung Quốc đang bị biến thành “con bò sữa” để thu lợi nhuận.

“Trung Quốc có thể đi theo kinh tế thị trường nhưng nếu chúng ta cho phép tôn giáo và tâm linh bị khai thác để kiếm lợi nhuận thì việc những điều này sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian”, ông Mingqi viết trên The Sixth Stone.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo tại Đại học Trung văn Hương Cảng ở Hong Kong, ông Xue Yu, nói ngắn gọn trên The Economist: “Tôn giáo là để thực hành, không phải để trình diễn.”

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tích cực về việc hợp tác giữa các địa điểm tâm linh và giới chức địa phương. “Sự phát triển của du lịch tâm linh thường liên quan đến kinh tế địa phương khi chúng thúc đẩy lẫn nhau. Cả hai phía có thể hợp tác lên kế hoạch chung về điểm đến của du khách và doanh thu từ hoạt động du lịch. Điều này cũng giúp xây dựng hình ảnh của Phật giáo”, giáo sư Li đánh giá.

 

6.2019

Nguồn tổng hợp

Từ : Nghiên Cứu Tôn Giáo và Mimi Lau ( South China Morning )

* Tượng Trung Nguyên Đại Phật ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc là một trong những tượng Phật cao nhất thế giới với tổng chiều cao là 208 mét.