Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Còn một chút gì để nhớ


Còn một chút gì để nhớ 

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương


Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng


Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong


Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì ... để nhớ để quên

Vũ Hữu Định

 ...

Có thể nói bài thơ " Còn Một Chút Gì Để Nhớ " là chiếc đinh, đã đóng dính tên tuổi Vũ Hữu Định vào trang thế kỷ hai mươi với những bài thơ hay của văn học đất Việt. Nó cũng giúp cho nhạc sỹ Phạm Duy, để lại cho đời một nhạc phẩm (cùng tên) mãi ru hồn người.
Có người cho đây là bài thơ tình. Tôi nghĩ, không hẳn như vậy. Và câu chuyện bắt đầu, từ người lính chiến trên đồn biên giới, lần đầu làm thân lữ khách. Có phải người lữ khách đó là Vũ Hữu Định, hay thi sĩ đã hóa thân làm anh lính chiến ấy? Trong tâm trạng buồn tênh, trước khoảng trời xanh dường như đang thấp xuống, thi sĩ chợt thấy em đi trong sương khói mông lung huyền ảo, giữa cái lạnh chiều đông. Để rồi, chợt một phút xuất thần và có lẽ giây phút xuất thần đó đến với Vũ Hữu Định chỉ có một lần? Thi sĩ đã kịp vẽ lại. Thật là kỳ lạ, chỉ có bốn khổ thơ ngắn gọn đơn giản, thế mà dáng vóc, thần thái của phố núi hiển hiện lên rất hoang sơ mà lãng mạn. Nó như là bức tranh hai mặt, thành phố đã tạc vào em, hay em đã tan trong thành phố, làm người lữ khách phải ngất ngây. Cho nên, dù quen, hay người lần đầu đến với Pleiku, trong hoàn cảnh, tâm trạng nào, khi đọc(nghe) cũng cảm thấy gần gũi và không khỏi bồi hồi xúc động.
Và tôi tin rằng, chắc chắn mai này, sẽ có một con đường Vũ Hữu Định mờ mờ sương khói, được gắn với với bài thơ này, trên dáng hình em phố núi Pleiku.
Không hiểu do vô tình hay cố ý, ở trong nước, khi viết, đọc và hát, người ta đã đổi từ TRÊN ĐỒN trong câu thơ nguyên bản: “ Mai xa lắc trên đồn biên giới ”, là một câu thơ sống, nó sẽ hiển hiện ra sự sống, hình bóng người lữ khách, người lính trên đồn biên cương, bằng từ BÊN ĐỒI, làm cho câu thơ trở thành câu thơ chết, vô nghĩa vô hồn: Mai xa lắc bên đồi biên giới.
Hay câu: “ Đi dăm phút đã về chốn cũ ”. Từ Dăm trong câu thơ bị thay bằng con số đếm NĂM (5) làm cho câu thơ bị đóng khung, gò bó. Từ dăm, ba mang tính ước lệ, làm cho câu thơ thoáng đạt và hay hơn rất nhiều.
Thật vậy, trong một bài thơ chỉ bị thay một từ, một câu ý nghĩa của cả bài sẽ khác đi nhiều lắm.
Và thật kỳ lạ, trên bia mộ thi sĩ Vũ Hữu Định cũng thấy khắc câu thơ vô nghĩa "Mai xa lắc bên đồi biên giới" này? Tôi nghĩ, nếu như vì lý do gì đó, không được sử dụng nguyên bản, nên đổi câu thơ, đoạn thơ khác của thi sĩ. Vũ Hữu Định không thiếu những câu thơ hay. Nghe nói, bia mộ này, do các nhà thơ bạn của thi sĩ cùng với gia đình dựng lên?
 
Leipzig 10-4-2014
Đỗ Trường

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Say đi em

Khúc nhạc hồng êm ái,
Điệu kèn biếc quay cuồng,
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương,
Đầu xanh lận đận cùng xót thương càng nhớ thương,
Hoa xưa tươi trăng xưa ngọt gối xưa kề tình nay sao héo!
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo,
Lòng chót nghiêng mà bước vẫn du dương.
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ.
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ.
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ.
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai pha dần...
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió,
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,
Hãy thêm say còn đó rượu chờ ta!
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa,
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng.
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời Phóng đãng,
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men.
Say đi em say đi em
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt.
Rượu rượu nữa và quên quên hết!
Ta quá say rồi!
Sắc ngã màu trôi ...
Gian phòng không đứng vững ,
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa,
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa,
Say không còn biết chi đời.
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ.
Đất trời nghiêng ngửa,
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi! 

 Hoàng Chương


Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Tiến về Hà Nội

       
Cùng nghe Nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ về sự ra đời của bài hát "Tiến về Hà Nội" trong những ngày sục sôi không khí kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ Đô.
... Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, tôi đã hứa với các anh Khuất Duy Tiến và anh Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.
Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm! Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như " Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga, đây Dương Tử, đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao...". Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ! Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".Khi anh Đạo tiễn tôi ra về, anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài, anh thủ thỉ nói với tôi "Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy". Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi, "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về..." Chỉ hai tuần lễ sau đó, tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội", khi ấy là mùa xuân 1949.
...“Trùng trùng quân đi như sóng Lớp lớp đoàn quân tiến về... Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào Chảy dòng sương sớm long lanh Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…”. Bài hát ngay lập tức được cho in trên Báo Thủ đô, được lưu truyền trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Liên khu 3 và rất được yêu thích. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, Văn Cao đã bị đưa ra kiểm điểm, phê phán vì bài hát “Tiến về Hà Nội”. Kể từ cú sốc ấy, suốt 26 năm, trong im lặng và cô đơn, Văn Cao vẫn làm thơ, vẽ, nhưng sáng tác âm nhạc thì không.
Nếu như “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” được nhạc sỹ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói là, thời điểm bài hát ra đời cách xa ngày giải phóng thủ đô sau này đến 5 năm mà người nhạc sỹ tài hoa vẫn “vẽ” được hình ảnh: “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, trong niềm sung sướng, tự hào: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” khi mà “cả cuộc đời vui tươi từ đây”. Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. "Tiến về Hà Nội" đã và mãi mãi là khúc ca khải hoàn của người Hà Nội, của dân tộc trong ngày vui, ngày kỷ niệm chiến thắng “Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/ Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về, Hà Nội bừng ’Tiến quân ca". Bài hát khép lại và như mở ra trong lòng mỗi người âm hưởng của "Tiến quân ca”  hùng tráng.Bao giông bão, thăng trầm đi qua ông với câu thơ rút từ gan ruột “Một mùa xuân/ Không có hai lần".

-st-

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Hoàng hôn lặng lẽ


Anh phải về thôi, xa em thôi
Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi,
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi.

Anh phải về thôi xa em thôi
Xa vườn xưa đôi chiền chiện tha mồi,
Hoa khế rụng tím ngăn lối nhỏ
Để mải lòng ta xao xuyến bồi hồi...

Anh như cơn gió bay khắp chốn
Để lại mình em với ruộng, với vườn
Mồ hôi đổ giữa ngày mùa bận rộn
Nước mắt trào lạnh buốt những đêm sương...

Xa em, anh như trưa nắng đi trên cát
Thèm một dòng sông, những cánh đồng,
 Xa em anh như người hát sau đêm hát
Chỉ thấy gió vật vờ quanh những tấm phông.

Anh đi em nhé, lòng nhủ khẽ
Hoàng hôn cũng về, dịu êm và lặng lẽ
Một tiếng còi tàu vọng lại phía sông xa
Như muốn nhắc thầm anh: Cơn bão sắp đi qua!

 Hoài Vũ

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Một Kẻ Hợm Mình


Anh Gà Trống bay lên đậu trên hàng rào rồi rướn cao đầu lên trời.
- Anh đang ngắm bầu trời đấy à? - Chị Vịt thấy thế liền hỏi.
- Bầu trời là cái gì đối với tôi cơ chứ ! – Gà Trống đáp lại và rướn cao đầu hơn - Một khoảng không gian ngu xuẩn chất đầy hành tinh đến nỗi không còn chen vào đâu được. Một sự luân phiên nhàm chán giữa ngày và đêm. Tất cả những cái đó đã quá quen thuộc.
- Thế mà từ lâu em không biết anh là một người thú vị đến thế ! Anh có những ý tưởng mới cao siêu làm sao! Chị Vịt thốt lên.
- Tôi dang đôi cánh của mình – Anh Gà Trống tiếp tục nói – Tôi sẽ bay cao hơn cả bầu trời, sẽ thách thức với tất cả các hành tinh và rồi bí ẩn nhưng kiêu hãnh, tôi sẽ quay trở về với biển xanh khôn cùng và ... tôi sẽ chìm.
Nói đến đây, Gà Trống …. Bỗng thấy ….chóng mặt… mất thăng bằng…rồi ngã nhào xuống vũng nước.
- Ôi ! - Chị Vịt sợ hãi – Anh đang chìm đấy ư?
- Ừ ! Đang chìm ! – Gà Trống tức giận trả lời, và rồi nhìn thấy một chú giun, anh ta liền mổ, nuốt chửng.
Hệt như tất cả những anh gà khác !

Mikhankôp
Anh Côi dịch