Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Giải hạn ...

GIẢI HẠN ...

Trời có lúc nắng lúc mưa, người có lúc may mắn hoặc xui xẻo. Nhưng không có cái gì tự dưng sinh ra hay mất đi, tất cả đều có lý do của nó. Theo Định Luật Bảo Toàn Năng Lượng, khi ta dùng một lực ném quả bóng vào tường, tường sẽ trả lại quả bóng về phía ta do có một phản lực từ bức tường bằng với lực ném của ta. Nếu không ném quả bóng vào tường thì làm gì có quả bóng nào tự dưng bay về phía ta?

Nếu bạn muốn Giải Hạn thì đây là 4 điều Nên Làm và Chắc Chắn sẽ hiệu nghiệm mà không cần nhờ thầy bà nào cúng sao giải hạn cả. Bạn tự là thầy của chính bạn.

 

1. Ăn Năn 

Ăn năn về tất cả những suy nghĩ, lời nói và hành động vô ý hoặc cố ý, mình biết hoặc không biết đã làm tổn thương cho người khác hoặc loài vật. Bạn biết đấy, đụng vào điện là điện giật, bất kể bạn có biết đó là điện hay không. Cho nên "không biết vẫn có tội". Rất may là "Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại". Mà cho dù có "đánh" thì cũng "nhẹ tay" khi người có lỗi biết ăn năn và hứa sẽ bù đắp. Pháp luật cũng luôn có "khoan hồng" cho những ai tự nhận lỗi trước khi bị vạch ra.

 

2. Bù Đắp

Khởi Tâm mong muốn bù đắp cho những ai đã vì mình mà tổn thương. Sau đó, tích cực làm nhiều việc Thiện và hồi hướng công đức đó cho họ và cho cả những người thân của họ. Một cốc nước mặn, bỏ thêm muối vào thì sẽ mặn hơn nhưng đổ thêm nước vào thì sẽ nhạt dần, giải hạn cũng như vậy.

 

 3. Tha Thứ

Ai cũng có lỗi lầm, bạn không tha thứ lỗi lầm cho người khác mà muốn được Trời Đất tha thứ thì thật là vô lý.

 

4. Biết Ơn

Dù gặp may mắn hay xui xẻo thì bạn phải nhớ rằng đó là Nhân - Quả của bạn, nó dành cho bạn. Người có thể nhầm lẫn nhưng Luật Trời không bao giờ nhầm lẫn. Khi may mắn, hãy biết ơn Trời Đất đã giúp cho những việc Thiện mà bạn đã gieo nay thành Quả Ngọt. Khi xui xẻo, hãy biết ơn vì rất may là đã không tệ hơn.

Cầu cho cộng đồng cùng thức tỉnh, không sát sinh để cúng tế vớ vẩn, không lãng phí vào những việc mê tín dị đoan.

 

Như Nhiên Thích Tánh Tuệ

Ngay đó là bờ

NGAY ĐÓ LÀ BỜ

Đức Phật từng nói:“Toàn bộ giáo lý của Như Lai là chỉ nói hai điều, một là nói về khổ và hai là sự chấm dứt khổ hay là diệt khổ”. Đây là một câu nói rất hay, nhưng cũng chính ở chỗ này đã sinh ra một sự hiểu lầm to lớn trong Phật giáo. Nếu như không hiểu lời dạy của Đức Phật một cách đúng đắn thì sẽ biến Đạo Phật thành một phương pháp để diệt khổ. Vì Đức Phật chỉ nói tới khổ và diệt khổ, nên rất nhiều người cho rằng Đạo Phật là một phương pháp hay một biện pháp để diệt khổ. Hiểu như vậy thì coi chừng sẽ đi ngược lại hoàn toàn với giáo lý đức Phật. Chỉ trật một chút xíu thôi mà hệ quả là hoàn toàn khác “sai một li đi một dặm” là vậy.

Cho nên mỗi Phật Tử cần phải hiểu cho thật đúng khổ và diệt khổ là như thế nào. Trong từng sát-na, trong từng giây phút chỉ có một trong hai điều xảy ra, một là mình đang đau khổ, hai là không có đau khổ, chỉ có vậy thôi. Qua Tứ Diệu Đế có thể thấy rất rõ, một mặt là Tập đế và Khổ đế, đó là luân hồi sinh tử, còn mặt kia là Đạo đế và Diệt đế, tức là Niết-bàn. Như vậy thì sinh tử hay Niết-bàn đều ở ngay tại đây và bây giờ. Toàn bộ giáo lý của đức Phật chỉ nói chừng đó. Khổ và diệt khổ trong giáo lý của Đức Phật chỉ có nghĩa là ngay tại đây và bây giờ hoặc là đang khổ, hoặc là chấm dứt khổ, hay nói theo cách khác hoặc là đang luân hồi sinh tử, hoặc là Niết-bàn. 

Cho nên sự thật không phải ở đâu xa. Toàn bộ chân lý hoàn toàn ở ngay tại đây và bây giờ. Ngay tại đây và bây giờ là đã trọn vẹn bao hàm hết tất cả mọi thứ, không còn thiếu bất cứ điều gì hết. Một mặt là bản ngã khởi lên mới tìm kiếm muốn đạt được cái này, muốn đạt được cái kia, tức là vô minh nên mới sinh ra ái dục mà muốn trở thành, rồi tạo tác để trở thành cho nên tạo ra luân hồi sinh tử. Còn mặt kia là chấm dứt ảo tưởng về bản ngã thì ngay đây là Niết-bàn. 

Như vậy Niết-bàn không phải là một quá trình, một con đường thật dài, xa xăm nào đó mà mình phải tìm cách vượt qua mới có thể đạt tới. Niết-bàn hay sinh tử là ở ngay tại đây, trong giây phút này.

Vì người ta hay nói tu là để đi tới bờ bên kia làm cho mình tưởng là mình phải vượt qua bao nhiêu sóng gió của biển luân hồi sinh tử thì mới qua tới bờ bên kia. 

 

Hoàn toàn không phải, bờ bên kia đó chính là đang ở ngay đây, còn biển luân hồi sinh tử chỉ là một cơn mộng mà thôi. Khi tỉnh ra khỏi cơn mộng đó thì ngay đây đã là Niết Bàn.

 

Thầy Viên Minh 

Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2024

Trò chuyện ngắn với rồng

TRÒ CHUYỆN NGẮN VỚI MỘT CON RỒNG 

Chúng ta đã bước vào năm Giáp Thìn ( Rồng ). Nhân một buổi cà phê đầu năm, tôi ( Đinh Dậu) là một chú gà có may mắn được hầu chuyện Rồng, thế là có cuộc trò chuyện vui này vì Rồng thỏa thuận " Chỉ nói chuyện vui thôi nhé. Không đưa lên báo".

Tôi xin đưa lại ở đây. 

***

 

GÀ: Điều gì đáng sợ nhất ở một con Rồng?

RỒNG: Ẩn mình. Nhưng ta khác tất cả là ta ẩn mình trong mây chứ không phải trong xó nhà hay trong bóng tối, càng không núp váy vợ. Thề.

GÀ: Là Rồng chắc Ngài không biết sợ ai? 

RỒNG: Sợ Rồng cái.

GÀ: Điểm yếu nhất của Ngài là gì?

RỒNG: Là không có khả năng trở thành món canh chua.

GÀ: Theo mọi người thì Ngài xuất thân từ một con cá ?

RỒNG: Láo. Phải nói cho chính xác là một con cá chép. Nhưng cũng không đúng. Nói thế là xúc phạm ta. 

GÀ: Người ta nói cá chép đã phấn đấu hết mình để vượt qua Vũ Long Môn và trở thành Rồng.

RỒNG: Suy đoán, bịa đặt. Thế bọn lươn, chạch chúng nó không phấn đấu à. Bọn này vừa phấn đấu vừa biết luồn lách nữa mà đâu thành Rồng được.

GÀ: Vậy vì sao người ta lại nói thế. 

RỒNG: Nói thế vì họ chỉ để ý đến cái mẽ bên ngoài của bọn cá chép. Đừng tưởng có vây mà trở thành Rồng được nhé. Bọn cá sấu không có vây à?

GÀ: Vậy Ngài xuất thân từ đâu?

RỒNG: Từ Rồng. Rồng chỉ sinh ra từ Rồng còn cá chỉ là cá cho dù là cá sấu hay cá voi.

 

GÀ: Trong 4 lối sinh, gồm thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh, Ngài ra vào trong sinh tử theo lối nào?

RỒNG: Ta ra vào sinh tử bằng lối thứ 4, gọi là rồng lộn.

GÀ: Lộn như thế nào?

RỒNG: Lộn một phát thành rồng, đại khái kiểm phiếu xong thì ta hóa rồng. Đấy là lộn xuôi. Lộn xuôi thành rồng sống, lộn ngược thành rồng chết.

GÀ: Thế Ngài có để lại xá lợi không?

RỒNG: Tuyệt đối không. Các loài hóa sinh lúc chết đều biến mất. Vì thế trên Trời không bao giờ có tử thi. Loài Rồng cũng tương tự.

GÀ: Vậy tại sao đây đó vẫn thấy trưng bày những con rồng toàn thân xá lợi, đã chết hàng nghìn năm?

RỒNG: Đó là rồng giả, rồng huyễn... không phải rồng thật.

GÀ: ngài hành tẩu giang hồ theo tiêu chí nào?

RỒNG: ô thế nhà ngươi không nghe câu trong dân gian truyền tụng à?

GÀ: xin ngài chỉ giáo

RỒNG: ăn rồng cuốn nói rồng leo làm thì mèo mửa

GÀ: ngài có kiên định với đường lối ấy không?

RỒNG: phải tùy cơ ứng biến, phải mềm dẻo như tre pheo chứ.

GÀ: kẻ thù của Ngài là gì?

RỒNG: Là bọn dự báo thời tiết khi chúng nói: " Hôm nay trời không mây, tầm nhìn xa trên 1000 km". Không mây thì biết ẩn vào đâu. Lộ hết. 

GÀ: Ngài thích nhất món gì?

RỒNG: Món "Lời đồn" mà bọn nhà văn lắm chữ đẩy lên thành huyền thoại. 

GÀ: Trong tất cả các loài cá, Ngài tin nhất loài nào ?

RỒNG: Cá khô ( khô sặc càng thích)

GÀ: Nếu chỉ khuyên tôi một điều duy nhất đầu năm mới thì Ngài khuyên tôi điều gì?

RỒNG: Hãy là gà như chính gà. 

GÀ: Xin cám ơn Ngài, thank you sir, gracias Señor, 谢谢你,先生, Спасибо, сэр, شكرا لك سيدي.

RỒNG: Gớm, ra vẻ ta đây biết lắm ngoại ngữ. Tra google chứ tài quái gì. 

 

Nguyễn Quang Thiều 

( Phạm Lưu Vũ & Trịnh Lão Hạc bổ xung thêm dị bản )

 

*Phạm Lưu Vũ

( Đọc tút của thi sĩ Nguyễn Quang Thiều thú quá. Tiếc rằng ngài cắt bỏ mất 1 đoạn. Bèn bổ sung thêm đoạn ấy cho đầy đủ ):

Gà: Trong 4 lối sinh, gồm thai sinh, noãn sinh, thấp sinh và hóa sinh, Ngài ra vào trong sinh tử theo lối nào?

Rồng: Ta ra vào sinh tử bằng lối thứ 4, gọi là rồng lộn.

Gà: Lộn như thế nào?

Rồng: Lộn một phát thành rồng, đại khái kiểm phiếu xong thì ta hóa rồng. Đấy là lộn xuôi. Lộn xuôi thành rồng sống, lộn ngược thành rồng chết.

Gà: Thế Ngài có để lại xá lợi không?

Rồng: Tuyệt đối không. Các loài hóa sinh lúc chết đều biến mất. Vì thế trên Trời không bao giờ có tử thi. Loài Rồng cũng tương tự.

Gà: Vậy tại sao đây đó vẫn thấy trưng bày những con rồng toàn thân xá lợi, đã chết hàng nghìn năm?

Rồng: Đó là rồng giả, rồng huyễn... không phải rồng thật.

 

*Trịnh Lão Hạc 

( Gà còn kém trình độ phỏng vấn nên thiếu câu hỏi quan trọng. Xin bổ sung ):

Gà: ngài hành tẩu giang hồ theo tiêu chí nào?

Rồng: ô thế nhà ngươi không nghe câu trong dân gian truyền tụng à?

Gà: xin ngài chỉ giáo

Rồng: ăn rồng cuốn nói rồng leo làm thì mèo mửa

Gà: ngài có kiên định với đường lối ấy không?

Rồng: phải tùy cơ ứng biến, phải mềm dẻo như tre pheo chứ.