Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Tiết kiệm

“ Không có gì giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng tình yêu sét đánh ngay từ cái nhìn đầu tiên ”
 -st-

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Vẫn còn vang ngân

Chuông Chùa tàn dần
Hương hoa Đào buổi tối
Vẫn còn vang ngân

Matsuo Basho

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Bái lạy Phật



Có một chàng trai trẻ tuổi tính tình có phần ngạo mạn đến gặp vị Thiền sư, anh ta có điều không hiểu và hỏi:
 “ Vì sao có rất nhiều người nhìn thấy tượng Phật, thấy ngài đều dập đầu bái lạy vậy? Thưa Thầy ”
Vị Thiền sư ngạc nhiên nhìn anh ta mà chưa nói gì thì anh ta lại nói tiếp: 
“ Đây phải chăng là có điểm mê tín? Tôi chưa từng phải bái lạy ai cả, chỉ bái lạy chính mình mà thôi!” 
Vị Thiền sư không trả lời mà hỏi lại chàng trai:
 “Cậu đã từng chơi thể thao như bóng rổ, bóng bàn hay cầu lông, chạy…chứ?” 
Chàng trai trẻ trả lời: 
“Đúng vậy! Tôi đã từng chơi!” 
Vị Thiền sư lại hỏi: 
“Thế cậu chơi chúng để làm gì? Cậu không đánh bóng rổ, bóng rổ sẽ khó chịu sao? Nhiều người cùng đánh một quả bóng, mục đích có phải là để đập nó vào giỏ hay không?” 
Chàng trai suy nghĩ một chút rồi trả lời: 
“Không phải! Mọi người chơi bóng là để rèn luyện sức khỏe thân thể và để giải trí!” 
Vị Thiền sư nói: “Bóng rổ chính là một đạo cụ để rèn luyện thân thể và để giải trí. Như vậy, sức khỏe thân thể cần phải rèn luyện, thế còn tinh thần và tâm linh chẳng lẽ không cần rèn luyện sao?” 
Chàng trai trả lời:
 “Theo lý thì tinh thần và tâm linh cũng cần phải rèn luyện ạ!” 
Vị Thiền sư lại nói:
 “Kỳ thực,Tinh thần và tâm linh của con người cũng cần phải rèn luyện. Con người ta hiểu được lòng biết ơn nên mới bái lạy. Khi một người cúi đầu bái lạy là bày tỏ sự khiêm nhường, phục tùng, sám hối, cảm ơn và tiếp nhận. Đồng thời cũng là đem tâm linh của mình hòa tan, hợp nhất với tâm linh của người được bái lạy. Đây là rèn luyện tâm linh. 
- Con cháu bái lạy tổ tiên là để bồi dưỡng đức hiếu tâm của bản thân mình.
- Bởi vì chúng sinh đều sinh sống trên đại địa, đại địa cho chúng sinh rất nhiều thực vật và vật phẩm, nên chúng sinh bái lạy Thổ Địa là vì để cảm ơn và quý trọng thổ địa. 
- Con người bái lạy Long Vương cũng là vì cảm ơn và quý trọng nước.” 
Chàng trai trẻ xúc động nói:
 “Bây giờ thì con đã hiểu rồi! Xin cảm ơn thầy!” 
-st-

* Chúng ta biết rằng Phật là lương thiện, là từ bi. Ý chỉ của Phật là giáo huấn con người hướng thiện, tu tâm tích đức. Sống hòa hợp với Đạo lý của Đất Trời. Người có lòng tin vào Phật, đến trước tượng Phật là để bày tỏ lòng kính ngưỡng, nhất tâm làm theo lời dạy của Phật, sống thiện lương, lấy chân thành, yêu thương và  khoan dung mà đối đãi với mọi người. Họ tin rằng thiện ác hữu báo nên họ sẽ không làm điều ác, chỉ làm điều Thiện, như thế không tốt sao?Vì vậy mà họ tự răn mình để lời nói ra không làm thương tổn người khác, kể cả trong suy nghĩ cũng nghĩ những điều thiện lành, đối xử với mọi người bằng tâm thái hòa ái từ bi, yêu thương kẻ khó và khoan dung với người làm tổn hại đến mình.
Đấy là tu tâm dưỡng tính theo ý chỉ của Phật. Nào có chi mê tín. Lấy Chân, Thiện, Nhẫn mà hành xử, như vậy sao có thể gọi là mê tín được.

Niềm tin Phật, kính ngưỡng Phật do đó, không phải là có gì mê tín mà chính là sự giác ngộ!
-st -   

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Mưa xuân


Năm Tao bẩy tuyết Anh hò hẹn 
Để cả Mùa Xuân cũng nhỡ nhàng !





Mưa xuân

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: "Thôn Ðoài hát tối nay"

Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chả sang xem!

Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe
Mưa bụi nên em không ướt áo
Thôn Ðoài cách có một thôi đê

Thôn Ðoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

Mình em lầm lụi trên đường về
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

Em giận hờn anh cho đến sáng
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì
"- Thưa u họ hát..." rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Ðặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày"

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Ðặng đi ngang ngõ
Ðể mẹ em rằng hát tối nay?

Nguyễn Bính
1936

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Làm chủ vận mạng

“Cội phúc lớn muôn đời quả ngọt 
Cành nhân bền vạn thuở hoa tươi”
-st-




Làm chủ vận mạng

Số mạng là một khái niệm thông thường chỉ cho việc “lập trình sẵn” cuộc đời của một người. Một cách tự nhiên, ai cũng muốn biết là số mạng có hay không. Trong thực tế,mỗi cá nhân đều tùy lúc khởi lên một trong ba trạng thái liên quan đến số mệnh : hoàn toàn không tin, nửa tin nửa ngờ, hoàn toàn tin.
Thông thường khi mọi việc trong cuộc đời thuận buồm xuôi gió (hoặc khi người ta còn trẻ) thì con người ở trong trạng thái rất “tự tin” xem như là không có số mạng. Mọi việc trong đời được hành xử theo hiểu biết của mình. Tuy nhiên, các hành vi thiện và bất thiện của người ấy được thực hiện lẫn lộn. Sau một thời gian tích lũy hành vi không định hướng như vậy, người “tự tin” bắt dầu có  những rắc rối, khó khăn không được như ý. Nhuệ khí nhụt dần và từ từ họ chuyển sang trạng thái nửa tin nửa ngờ. Lúc đó, con người “tự tin” chạy khắp nơi cầu cạnh, mong gặp dịp may. Người ta tìm cách cải thiện tình hình từ một số người có khả năng đoán trước tương lai. Một số yếu tố được cho là đem lại sự may mắn được sử dụng, chẳng hạn như số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp… Thế rồi mọi việc vẫn diễn ra không như ý muốn, khi đó trạng thái “nửa tin, nửa ngờ” chuyển dần sang trạng thái “hoàn toàn tin”.
Viên Học Hải là một trong số rất ít người hoàn toàn tin vào số mạng ngay từ khi còn trẻ, do có duyên gặp được ông cụ họ Khổng đóan cho số mạng cả đời. Ông viết: “Khổng tiên sinh đã suy đoán số phận của ta rằng: khi ta còn là đồng sinh (học trò chưa có danh phận), thi kỳ Huyện khảo ta đỗ thứ 14, thi kỳ Phủ thảo ta đỗ thứ 71, thi kỳ Đề học ta đỗ thứ 9. Đến năm sau, quả nhiên trong cả 3 kỳ thi, số thứ tự tên ta hoàn toàn đúng như thế. Khổng tiên sinh còn suy đoán việc lành việc dữ suốt đời ta. Cụ bảo năm nào thì đậu thứ mấy, năm nào thi thì được làm Cống sinh. Cho đến khi ta làm Xuất cống, thì vào năm nào được tuyển vào làm Tri huyện tại một huyện của Tứ Xuyên. Khi tại chức còn được 3 năm rưỡi thì vào giờ Sửu ngày 14-8 năm ấy ta sẽ mệnh chung, đáng tiếc lại chẳng có con cái gì”. Cho đến khi Viên Học Hải đậu Cống sinh thì mọi việc diễn ra theo đúng “chương trình” ấy. Do đó  khi đến học Quốc Tử Giám tại Bắc Kinh, ông xem như mọi sự trong cuộc đời mình đã an bài, ông trở thành người sống không có mục đích, không suy nghĩ cũng không thèm xem sách vở gì nữa. Sau một năm, ông về học tại Quốc Tử Giám ở Nam Kinh.
Trước khi về Nam, ông đến núi Thê Hà viếng thăm Thiền sư Vân Cốc Hội. Ông đã cùng Thiền sư ngồi đối mặt suốt ba ngày đêm không nhắm mắt. Ngạc nhiên vì một người trẻ tuổi như Học Hải lại có khả năng ổn định tâm thức như vậy, Vân Cốc Thiền sư mới hỏi ông: “Người ta không thể là Thánh nhân được chỉ vì do vọng niệm trong tâm triền qua nhiễu lại. Thế mà ông ngồi suốt 3 ngày không khởi lên một vọng niệm nào, như thế là do đâu?” Học Hải đáp: “ Số mạng tôi đã được Khổng tiên sinh đoán định rồi. Lúc nào sinh, lúc nào tử, lúc nào đắc ý, lúc nào thất ý đều đã được định đoạt, không cách nào thay đổi được, thế thì muốn nghĩ bậy, nghĩ bạ cũng không được gì”.Thiền sư Vân Cốc cười mà bảo rằng: “ Thế mà cứ tưởng ông là bậc hào kiệt cao siêu, nay mới biết ông chỉ là kẻ phàm phu hèn kém”... “Số mạng do ta tự tạo, phước đức do mình tự cầu”.
“Số mạng” giống như vụ mùa mà nông dân đã gieo hạt. Do đó, Số mạng là kết quả tổng hợp của những hành vi mà ta đã làm. Đó là một quá trình gieo và gặt liên tục nên vô cùng phức tạp. Nếu trồng hạt dưa, ta sẽ được dưa, nếu trồng đậu ta sẽ được đậu. Cũng vậy, người ta gieo nhân nào thì được quả nấy. Quá trình thu nhận kết quả sẽ diễn ra tự nhiên, nếu gieo đúng nhân. Tất cả đều quy về việc ta cần phải làm gì và không làm gì để điểu chỉnh “vụ mùa” cuộc đời mình. Nghĩa là ta phải định hướng các hành vi của mình như thế nào.
Để có kết quả tốt, cần phải thực hành con đường đưa đến kết quả ấy. Muốn thế, ta cần phải làm những điều tốt phù hợp, và phải tránh các điều xấu không phù hợp. Thiền sư Vân Cốc bảo Viên Học Hải: “ Một người mong cầu giàu sang thì sẽ được giàu sang , mong cầu con cái thì sẽ được con cái , mong cầu trường thọ thì sẽ được trường thọ, chỉ cần làm việc thiện thì số mạng không thể câu thúc anh ta nổi”. Ngược lại, nếu ta có một trong hai việc: làm các điều xấu hoặc không làm các điều tốt thì sẽ gặp phải nhiều điều không như ý.
Ngày nay có nhiều người muốn giàu có nhanh chóng nên đã dùng mọi biện pháp bất thiện để có được tiền của, nhà cửa. Kết quả là mất đi sự yên ổn, chuốc lấy nhiu lo lắng ...đau khổ cho bản thân và gia đình. Ở một thái cực khác, nhiều người vẫn vịn vào hoàn cảnh để biện hộ cho thái độ tiêu cực, không làm một điều tốt nào. Viên Học Hải cũng thế, ông quá tin vào số mệnh nên không sửa chữa được các tật xấu cảu mình. Thiền sư Vân Cốc hỏi ông: “Ông hãy tự mình nghĩ mà xem, có nên tìm kiếm công danh chăng? Nên có con cái chăng?” Trước câu hỏi này, Học Hải suy nghĩ rất lâu về các hành vi của mình trong quá khứ và phát hiện ra rằng mình phạm rất nhiều sai sót trong cuộc sống .Ông nói: “Tôi không thể nhẫn nại để đảm đương các việc nhỏ nhặt hay hệ trọng, Người khác có gì không đúng tôi không thể bao dung …Trong lòng nghĩ thế nào là làm thế ấy, tôi tùy tiện giảng bậy, nói bừa …Tôi ưa uống rượu ..” . Vì thế ông tự kết luận: “Tôi không thi đỗ, cũng không nên có con cái”. Việc tin vào số mệnh đã làm ông mất hẳn những suy nghĩ hợp lý, không nhìn thấy các lỗi lầm và những điều nguy hại trong các thói quen của mình .Do đó , ông đã không làm các điều tốt cần thiết để cải sửa . Lúc ấy, Thiền sư Vân Cốc mới đánh giá “Đâu chỉ có khoa cử là không được, e rằng có nhiều việc ông không đáng được”.
Ngài giảng giải cho Viên Học Hải về khả năng thay đổi số mạng “Chỉ có người bình thường mới bị số mạng trói buộc. Nếu là một vị cực thiện thì số mạng không thể câu thúc vị ấy được. Do vì người cực thiện đáng lẽ phải chịu mọi khổ đau vốn đã được ấn định trong số mạng, nhưng người ấy làm những việc thiện to lớn thì cái sức mạnh của những việc thiện to lớn đó có thể biến khổ thành vui. Nhưng nếu người ấy làm việc ác thực lớn thì cái sức mạnh của việc ác lớn ấy có thể biến phước thành họa, giàu sang trường thọ thành nghèo hèn, đoản mạng”.
Mọi người đều thấy có hoàn cảnh khách quan và có những hành vi chủ quan của mình. Vì thế, khi nói đến luật nhân quả thì mọi người thường chấp nhận ở khía cạnh: những điều ta làm (mà ta biết được), kết quả tốt xấu gì cũng do khả năng của ta. Nếu có những hoàn cảnh thuận lợi không phải do ta tạo ra mà ta lại được hưởng thì được gọi là may mắn. Nếu có những hoàn cảnh khó khăn không phải do ta (trực tiếp) gây ra thì ta gọi đó là xui rủi .
Thiền sư Vân Cốc dẫn lời của Lục tổ Huệ Năng: 
“ Các thứ ruộng phước đều nhất định trong tâm mỗi người. Phước không xa lìa tâm, ngoài tâm ra không có ruộng phước nào có thể tìm cầu được. Cho nên trồng phước, trồng họa gì thảy đều tự tâm mình. Chỉ cần từ trong tâm mà cầu phước thì không có cảm ứng nào không đến”. 
Mọi hoàn cảnh ta gặp phải đều do ta tự gieo nhân. Cái gì ta gieo thì ta gặt. Cái gì ta không gieo thì ta không gặt. Làm việc tốt thì sẽ được quả tốt, làm việc xấu thì sẽ gặp phải quả xấu. Bằng cách định hướng việc gieo  nhân, ta có thể có tất cả như ý muốn .
Cuộc nói chuyện đã làm nảy sinh lòng tin sơ khởi nơi Học Hải. Sau cuộc nói chuyện đó, Viên Học Hải trở thành người sống có mục đích. Mục đích của ông là làm điều thiện để cải đổi “chương trình” đã được Khổng tiên sinh tiên đoán. Ông đã quyết định đoạn tuyệt với hai mươi năm suy nghĩ và hành động bằng cách đổi hiệu thành Viên Liễu Phàm, nghĩa là chấm dứt không suy nghĩ theo thói thường nữa. Ông viết: “Ta tin lời Thiền sư Vân Cốc, bái tạ ngài, tiếp thọ chỉ giáo của ngài”.
Sau đó ông đã dành cả cuộc đời để tạo một lòng tin thực sự vào lý thuyết nhân quả. Lòng tin đó được xây dựng thông qua kinh nghiệm bản thân Viên Liễu Phàm và thông qua các câu chuyện nhân quả nhiều đời mà ông biết được. Ông đã làm rất nhiều việc thiện và cuộc đời ông đã khác với “chương trình” của Khổng tiên sinh .Ông kể: “Vào năm thứ hai, sau khi gặp Thiền sư Vân Cốc, ta đến Bộ Lễ để dự thi. Cứ như Khổng tiên sinh đoán sồ mạng của ta thì ta đỗ thứ 3, nào ngờ ta đỗ thứ nhất. Lời đoán của Khổng tiên sinh không linh ứng nữa rồi. Khổng tiên sinh không đoán ta có thể đỗ cử nhân, nào ngờ đến kỳ thi Hương vào mùa thu, ta lại đỗ cử nhân. Những điều này không ứng định trong số mạng của ta.Thiền sư Vân Cốc nói: " vận mạng có thể cải đổi được, ta lại càng tin vào câu nói ấy”. Mười năm sau, ông sinh được một người con trai đặt tên là Thiên Khải. Ông kể lại: “Cụ Khổng đoán số mạng ta rằng vào lúc 53 tuổi, thế nào ta cũng bị nguy nan. Ta tuy chẳng cầu trời cho được sống lâu, thế mà năm 53 tuổi ấy, ta tuyệt nhiên không có chút bệnh tật nào. Hiện nay, ta đã 69 tuổi. Do đó, ta mới biết rằng hễ nói đến họa đến phước của người ta thì đấy đều do người ta tự tìm cả”.

Thảo Vy
 *Viên Liễu Phàm tên là Viên Hoàng, hiệu là Viên Học Hải, người huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ông sống vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII , dưới triều đại nhà Minh . trong cuộc đời của mình , ông đã làm nhiều điều ích nước lợi dân . Tuy nhiên , tên tuổi ông được lưu truyền không phải chỉ nhờ vào những công tích ấy mà chủ yếu nhờ vào việc trước tác quyển Giới tử văn ( Văn răn dạy con ) còn có tên là Liễu Phàm tứ huấn. Viên Liễu Phàm đã sưu tập rất nhiều câu chuyện về nhân quả nhiều đời trong các gia đình ở Trung Quốc, từ đời ông cho tới đời cháu. Ai cũng biết là các tấm gương tốt quan trọng như thế nào trong việc giáo dục nhân cách con người. có rất nhiều sách vở về các danh nhân, về cuộc đời nỗ lực của họ. Tuy nhiên, mọi thành công và thất bại đều có nguyên nhân mà một phần thể hiện ở gia đình cha mẹ người đó. Rồi cái thành công của một người có đúng cách hay không còn thể hiện qua đời con cháu…