Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Dưới Bóng Hoàng Lan


 “ ... Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến Chàng vương phải ... ”

Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người; trên con đường gạch bát tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhẩy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí. Thanh rút khăn lau mồ hôi trên trán - bên ngoài trời nắng gắt - rồi thong thả đi bên bức tường hoa thấp chạy thẳng đến đầu nhà. Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa.
Thanh bước lên thềm, đặt va li trên chiếc trường kỷ, rồi ngó đầu nhìn vào trong nhà: bóng tối dịu và man mát loáng qua những màu sắc rực rỡ chàng đem ở ngoài trời vào. Thanh chưa nhìn rõ thấy gì cả; một lát, quen bóng tối, chàng mới nhận thấy cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y nguyên như ngày chàng đi xưa. Sự yên lặng trầm tịch đến nỗi Thanh trở nên nghẹn họng; mãi mãi chàng mới cất được tiếng lên gọi khẽ:
- Bà ơi!
Một cái bóng lẹ làng từ trong vụt ra, rơi xuống mặt bàn; Thanh định rõ nhìn: con mèo của bà chàng, con mèo già vẫn chơi đùa với chàng ngày trước. Con vật nép chân vào mình khẽ phe phẩy cái đuôi, rồi hai mắt ngọc thạch xanh giương lên nhìn người. Thanh mỉm cười lại gần vuốt ve con mãn:
- Bà mày đâu?
Thanh bước xuống giàn thiên lý. Có tiếng người đi, rồi bà chàng, mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào. Thanh cảm động và mừng rỡ, chạy lại gần.
- Cháu đã về đấy ư?
Bà cụ thôi nhai trầu, đôi mắt hiền từ dưới làn tóc trắng đưa lên nhìn cháu, âu yếm và mến thương.
- Đi vào trong nhà không nắng cháu.
Thanh đi bên bà, người thẳng, mạnh, cạnh bà cụ gầy còng. Tuy vậy chàng cảm thấy chính bà che chở cho chàng cũng như những ngày chàng còn nhỏ.
- Nhà không có ai ư bà?
- Vẫn có thằng Nhân, hôm nay nó đi đong thóc bên kia xóm. Dễ chốc nó về. Con đã ăn cơm chưa?
- Dạ chưa. Con ở tầu về đây ngay. Nhưng con không thấy đói.
Bà nhìn cháu, giục:
- Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt. Trời nắng thế này mà con không đi xe ư?
Thanh cười:
- Có một tí đường đất, cần gì phải xe. Con đi bộ hàng ngày cũng được.
Nhưng Thanh cũng vẫn theo lời bà. Chàng đến bên bể múc nước vào thau rửa mặt. Nước mát rợi và Thanh cúi nhìn bóng chàng lay động trong lòng bể với những mảnh trời xanh tan tác.
Tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại với chàng. Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ. Phong cảnh vẫn y nguyên, gian nhà vẫn tịch mịch và bà chàng vẫn tóc bạc phơ và hiền từ.

Trên trường kỷ, ngọn đèn con và cái điếu cũ kỹ. Con mèo già tròn mình nằm bên cạnh, mắt lim dim trong sự bình yên và nhàn nhã. Thanh trông thấy cảnh ấy đã nhiều lần. Lần nào trở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng.
- ấy, bà làm gì thế? Bà để mặc cháu.
Bà cụ vẫn không thôi phẩy chiếc phất trần lên đầu giường:
- Đã lâu không có ai nằm nên bụi bám đầy khắp cả.
Thanh phải để mặc cho bà sửa chiếu và xếp lại gối. Chàng thấy mình bé quá.
- Cháu đi nghỉ chẳng mệt. Để bà hái mấy lá rau nấu canh ăn cho mát.
Bà cụ đi ra. Thanh bỗng thấy mệt mỏi. Chàng lặng nằm xuống giường, duỗi chân tay, khoan khoái. Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: "cây hoàng lan!", mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa. Đã từ lâu lắm, ngày mới có căn nhà này, ngày cha mẹ chàng hãy còn. Rồi đến ngày một bà một cháu quấn quýt nhau. Thanh ra tỉnh làm rồi đi về hàng năm, các ngày nghỉ. Bây giờ cây đã lớn.
Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này. Những ngày bận rộn ở tỉnh giờ xa quá. Khu vườn với các cây quen đã nhận biết chàng rồi. 
Nghe tiếng bà đi vào, Thanh nằm yên giả vờ ngủ. Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi. Gió quạt đưa nhẹ trên mái tóc chàng. Thanh vẫn nằm yên, nhắm mắt nhưng biết bà ở bên mình. Chàng không dám động đậy, yên lặng chờ cho bà lại đi ra. Bà xuống bếp làm cơm hẳn. Tiếng dép nhỏ dần.
Chàng cảm động gần ứa nước mắt. Bà yêu thương cháu quá, giờ chỉ có mình cháu, với mình bà. Mà bà làm bếp có một mình thôi ư? Không, hình như có tiếng người khác nữa, tiếng trong và mau hơn. Thanh lắng nghe: một tiếng cười sẽ đưa lên. Tiếng ai? Nghe quen quá mà Thanh không nhớ được.
Chàng lẳng lặng ngồi dậy, tì trên cửa sổ, cúi mình nhìn ra phía ao. Bóng cây hoàng lan lay động cả một vùng. Chàng chợt nhớ, chạy vùng xuống nhà ngang, gọi vui vẻ:
- Cô Nga...
Người thiếu nữ đương nhặt rau nghe tiếng gọi vội ngửng đầu; một nụ cười, đôi mắt trong sáng lên; rồi tiếng nhẹ nhàng:
- Anh Thanh! Anh đã về đấy à?
Thanh đứng tựa bên cột, chưa trả lời. Chàng nhìn cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng, mái tóc đen nhánh buông trên cổ nhỏ, bên cạnh mái tóc bạc trắng của bà chàng. Cô Nga, cô bé hàng xóm vẫn sang chơi với chàng trong vườn, và mỗi lần về, chàng lại gặp ở nhà như một người thân mật.
Một lát cô Nga nói:
- Anh Thanh độ này khác hẳn trước. Anh chóng nhớn quá.
- Tôi vẫn thế đấy chứ.
Bà cụ cúi trên rổ rau, không nhìn cháu đáp:
- Cô trông em có phải gầy đi không? Không bằng độ còn ở nhà.
Nga ngửng nhìn Thanh, cười:
- Đấy em nói có sai đâu. Anh trông lại đen đi nữa.
Lá rau tươi xanh ngắt bên bàn tay trắng hồng nhỏ nhắn. Thanh cũng ngồi ghé xuống. Thế là lại như lúc còn ở nhà, ngày ngày chàng cũng vẫn với Nga xuống bếp xem bà làm cơm. Câu chuyện vẫn vui vẻ và vẫn đậm, có lúc chàng lầm tưởng Nga chính là em gái ruột của mình.

Lúc Nhân bưng cơm đặt lên bàn, bà cụ bảo cô thiếu nữ:
- ở đây ăn cơm một thể, cháu ạ.
Thanh nhìn lên:
- Ăn cho vui, cô Nga.
- Xin phép cụ và anh thôi, em vừa mới ăn cơm xong ở nhà. Em đứng đây cũng được chứ gì.
Thanh ra vẻ không bằng lòng:
- Không, cô phải ngồi ăn cơ. Cô làm khách mãi.
Nga sợ, vén áo ngồi bên cạnh bà cụ, nhưng nàng chỉ ăn nhỏ nhẻ, cầm chừng, và buông đũa luôn để xới cơm cho Thanh. Bữa cơm vui quá. Thanh ăn rất ngon miệng, lòng thư thái và sung sướng. Thỉnh thoảng chàng nhìn đôi mắt thắm của Nga, hai má hồng. Và nụ cười tươi nở, nàng nhìn lại Thanh, một chút thôi, nhưng bao nhiêu âu yếm.

Ngoài vườn, trời vẫn nắng. Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá. Gạch mát và phủ rêu khiến Thanh nhớ lại hai bàn chân xinh xắn của Nga, ngày nào, đi trên đó. Hai bàn chân nhỏ, lấm tấm cát, để dấu tự ngoài ao trở về... Chàng đột nhiên mỉm cười, rồi hỏi:
- Cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không?
Nga cũng cười hơi thẹn:
- Vẫn nhặt đấy. Nhưng không có ai tranh nữa.
Nàng nhìn Thanh, mắt như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ, và sẽ vuốt mấy sợi tóc mai ra một bên. Thanh thấy quả tim đập nhẹ nhàng.
Bà cụ thì mải nhìn cháu. Bác Nhân khoanh tay đứng dựa bên cột nghe; bác cũng vui mừng vì thấy cậu về, vẫn mạnh khỏe và xinh trai như ngày trước. Còn cô Nga vẫn tươi đẹp và vui vẻ như thế. Có cô nhà cũng đỡ vắng, và bà cậu cũng đỡ buồn; hàng ngày cô chạy sang chơi giúp đỡ bà cụ giã cối trầu và nói chuyện đến người đi vắng ở trên tỉnh đã lâu không về thăm nhà.

Bữa ăn xong. Thanh với Nga đã trở lại thân mật như khi còn nhỏ. Thanh dắt nàng đi thăm vườn; cây hoàng lan cao vút, cành lá rủ xuống như chào đón hai người. Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan. Nhưng hoa lan chưa rụng, vẫn còn tươi xanh ở trên cành, Nga bảo Thanh:
- Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá.
Thanh chẳng biết nói gì; chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa, rồi nhẹ nhàng buông ra cho cành lại cong lên. Nắng soi vào vai hai người, nhưng dưới chân đất vẫn mát như xưa.
- Bao giờ anh lên tỉnh?
- Ngày mai thôi. Kỳ này được nghỉ ít. Nhưng mai kia, tôi sẽ về ở đây lâu hơn.
Lòng Thanh dịu lại. Nga đến bên bể múc nước rửa hoa, rồi xếp bầy trên quả trầu. Bà cụ nhìn cô, âu yếm:
- Hoa hãy còn non lắm, sao hái sớm thế, con?
Nga thưa:
- "Anh con hái đấy ạ" và nàng nhìn Thanh mỉm cười.

Đêm ấy, một bà, một cháu với một cô láng giềng chuyện trò dưới bóng đèn mãi tới khuya, khi trăng lên. Qua vườn, Thanh tiễn Nga ra đến cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió mát. Không lưỡng lự, Thanh cầm lấy tay Nga, để yên trong tay mình. Nga cũng đứng yên lặng. Lâu lâu, Nga rút tay sẽ nói:
- Thôi em về.
Thanh đi trở vào rất thong thả. Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải. Chàng đến trường kỷ ngồi ở bên đèn.

Sáng hôm sau, Thanh đã phải lên tỉnh. Chiếc va li chàng nặng những thức quà bà chàng đã ban cho. Thanh cầm mũ đứng nghe lời khuyên bảo ân cần của bà dưới giàn hoa lý. Chàng vẫn bé quá và lại đi xa.
Tới cổng, Thanh còn đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn. Bác Nhân nhanh nhảu cầm đỡ va li cho chàng, Thanh dặn khẽ:
- Bảo tôi có nhời chào cô Nga nhé.
Rồi chàng bước ra đi nửa buồn mà lại nửa vui. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương.

Thạch Lam

Sen đầu mùa

Sen đầu mùa e ấp nụ và em


Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Bí mật của cuộc sống hạnh phúc

 " Mỗi người chúng ta nên tự hỏi mình: Tôi thật sự muốn gì? Trở thành người thành công số 1? Hay đơn giản là người hạnh phúc? Để thành công, bạn có thể phải hi sinh hạnh phúc của mình. Bạn có thể trở thành nạn nhân của thành công, nhưng bạn không bao giờ là nạn nhân của hạnh phúc "

 - Thiền Thích Nhất Hạnh



SAU 75 NĂM NGHIÊN CỨU, ĐẠI HỌC HARVARD CHÍNH THỨC CÔNG BỐ LỜI GIẢI CHO " BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC "


Công trình khoa học đồ sộ mang tên Grant & Glueck của đại học Havard đã theo sát cuộc sống của 724 người đàn ông Hoa Kỳ trong suốt 75 năm để khám phá bí mật của hạnh phúc. Dự án nghiên cứu táo bạo và cực hiếm thấy này sẽ tiết lộ cho chúng ta điều gì về Hạnh phúc. Hãy cùng khám phá!

Công trình nghiên cứu về Hạnh phúc – “Grant & Glueck” được thực hiện với ước vọng tìm ra được công thức bí mật làm nên một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc của con người.
Liên tiếp bốn thế hệ các nhà khoa học của Havard đã đưa dự án nghiên cứu này tới đích thành công. Đến năm 2012, các nhà khoa học thuộc thế hệ thứ tư, dưới sự dẫn dắt của nhà tâm thần học Robert Waldigne đã công bố kết quả nghiên cứu của họ sau hơn 7 thập kỉ thu thập và phân tích các số liệu.
Để tìm ra bí mật làm nên sự khỏe mạnh và hạnh phúc của con người, họ đã tiến hành nghiên cứu toàn bộ cuộc đời của 724 người đàn ông. Các đối tượng nghiên cứu này được chia thành hai nhóm lớn, có khác biệt cơ bản về học thức và hoàn cảnh xuất thân.

Nhóm đầu tiên bao gồm 268 sinh viên ưu tú nhất, đang theo học năm 2 tại đại học Havard vào thời điểm nghiên cứu bắt đầu. Hầu hết trong số họ sau khi tốt nghiệp đều tham gia vào thế chiến thứ hai. Trong khi đó, nhóm các 456 đối tượng nghiên cứu đến từ Boston là những thanh niên thuộc tầng lớp nghèo khó nhất trong xã hội. Họ thường sống trong những căn hộ chật hẹp, không đủ điện nước để dùng.
Bên cạnh đó, cứ hai năm một lần, các nhà khoa học sẽ gọi điện thoại để hỏi những người tham gia rằng, liệu họ có thể gửi bảng câu hỏi cho những người này để tiếp tục cuộc điều tra?
Các nhà khoa học cũng thu thập tất cả những số liệu liên quan tới sức khỏe của người tham dự: Lấy mẫu máu, scan não bộ và thu thập hồ sơ tình trạng sức khỏe của họ trong suốt thời gian nghiên cứu.
Năm năm một lần, các nhà nghiên cứu đã thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp, họ gặp gỡ, nói chuyện và tiếp xúc với các đối tượng nghiên cứu ngay tại tư gia, để hiểu hơn về hoàn cảnh sống, tình trạng các mối quan hệ của những người này.
Sau 75 năm, họ thu thập được hàng chục triệu trang thông tin về cuộc đời của hơn 700 con người…
Mỗi người một con đường: Họ làm những nghề nghiệp khác nhau, một trong số đó đã trở thành tổng thống Hoa Kỳ, một số trở thành những kẻ nát rượu, một số khác phát bệnh tâm thần, một số từ dưới đáy xã hội và vươn lên tới đỉnh cao, còn một vài người thì thay đổi theo chiều ngược lại. 
Từ việc nghiên cứu hơn 700 câu chuyện cuộc đời, các nhà khoa học có khám phá ra điều gì tạo nên hạnh phúc của con người? Liệu đó có phải là những gì mà từ lâu con người quan niệm sẽ đem tới hạnh phúc viên mãn: Sự giàu có – thành công – danh tiếng hay sự lao động cật lực?
Thật không may, đa phần con người chúng ta đã nhầm. Bài học mà các nhà khoa học rút ra từ nghiên cứu đồ sộ này lại giản dị đến bất ngờ:

Có được những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống sẽ khiến bạn khỏe mạnh và hạnh phúc. Bí quyết chỉ có vậy!

Các nhà khoa học đã rút ra ba bài học lớn về các mối quan hệ tốt đẹp, để chúng ta có thể hình dung được rõ ràng hơn: Yêu thương và quan tâm những người xung quanh sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên rực rỡ như thế nào.

Bài học số 1: Kết nối mình với mọi người, bạn sẽ hạnh phúc. Ngược lại, sự cô đơn sẽ “giết chết” bạn.
Trong các kết quả nghiên cứu, các nhà học của Havard đã khám phá ra các quan hệ xã hội đóng một vai trò cực kì quan trọng đối với sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của con người.
Thật vậy, những người đàn ông giữ được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè và cộng đồng của anh ta sẽ mạnh khỏe, có nhiều cảm giác hạnh phúc và sống lâu hơn những người còn lại. 
Ngược lại, những người đàn ông luôn cảm thấy cô đơn, bởi có không nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, sẽ luôn thấy kém hạnh phúc hơn, sức khỏe suy giảm sớm. Tồi tệ hơn, trí tuệ của họ cũng bị tàn phá nhanh và mạnh hơn khi tuổi già gõ cửa. 

Bài học số 2: Số lượng không bằng chất lượng
Kết nối với thật nhiều người chưa phải là sự đảm bảo tối ưu để đem lại cho bạn trạng thái thân tâm tốt đẹp nhất. Quan trọng hơn, hãy chú ý tới chất lượng và sự sâu sắc của các mối quan hệ mà mình đã tạo dựng. 
Hai trong số rất nhiều dẫn chứng được đưa ra để minh họa cho luận điểm này.
Khi một người đàn ông ở độ tuổi 50, chỉ số hàm lượng Cholesteron trong máu của anh ấy không thể dự báo được tình trạng sức khỏe của chủ nhân ở độ tuổi 80. Chính mức độ hài lòng của họ với những mối quan hệ đang có mới đóng vai trò quyết định. Khi 50 tuổi, những người đàn ông cảm thấy hài lòng nhất với các mối quan hệ của mình đều đã trở thành những cụ ông 80 tuổi hạnh phúc và khỏe mạnh nhất trong nghiên cứu. 
Bên cạnh đó, chất lượng của các mối quan hệ gần gũi nhất có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của con người khi phải trải qua sự đau đớn trong cơ thể.
Đối với những cặp vợ chồng già nhất của cuộc nghiên cứu, những cặp đôi hạnh phúc vẫn luôn giữ được sự vui vẻ và cảm giác lạc quan trong tâm hồn ngay cả trong những ngày thân thể họ đau nhức nhất.

Nếu không may ở trong hoàn cảnh ngược lại, họ sẽ cảm thấy đau đớn nơi thân thể một cách rõ nét bởi những cảm xúc tiêu cực. 

Bài học số 3: Sự tin tưởng trong mối quan hệ – Chìa khóa để bảo vệ bộ não của bạn trước sự tấn công của tuổi già
Đây có lẽ là một trong những bài học thú vị nhất mà nghiên cứu chỉ ra. 
Với những người đàn ông sống trong những mối quan hệ bền chặt, họ sẽ bảo toàn trí nhớ của mình tốt hơn. Bí quyết nằm ở việc họ luôn có thể tìm thấy người mà họ thực sự tin tưởng để tâm sự, chia sẻ trong bất kì hoàn cảnh nào họ cần. Nếu ở vào hoàn cảnh ngược lại, họ rất dễ dàng trở thành nạn nhân của những căn bệnh về trí nhớ như Alzheimer.
Đặc biệt với những cặp đôi sống cùng nhau rất lâu năm, dù họ có thường xuyên tranh cãi, nhưng nếu những người trong cuộc vẫn cảm thấy có thể tin tưởng vào người bạn đời của mình, não bộ của họ vẫn sẽ có được “sức đề kháng” tốt, từ đó giữ vững được sự minh mẫn của mình. 

Tóm lại
Bí mật của cuộc sống hạnh phúc theo Đại nghiên cứu “Grant & Glueck” không nằm ở sự giàu sang hay nổi tiếng – những mục tiêu lớn nhất mà con người hiện đại đang điên cuồng theo đuổi. Hạnh phúc thực sự nằm ngay trong mỗi ý, mỗi niệm của con người chúng ta. 
Như cổ nhân vẫn luôn dạy dỗ con cháu mình:
Lòng vị tha là cái gốc của hạnh phúc của mỗi con người. Trong mọi hoàn cảnh khi biết suy nghĩ cho người khác trước, biết làm mọi điều để tránh làm tổn hại đến người, tâm lúc nào cũng mang ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn mà đối đãi với tất cả, mọi mối quan hệ sẽ theo đó mà trở nên bền chặt mãi mãi.

Thuận theo lời dạy ấy, khi nghĩ cho người khác chính là lúc chúng ta có thể buông cái tôi nặng nề của mình xuống, sống vì người khác nhiều hơn, cho đi nhiều hơn. Tâm hồn cũng nhờ thế mà trở nên nhẹ nhàng và khoáng đạt. Liệu chúng ta có thể không khỏe mạnh, không hạnh phúc khi trong tâm luôn là một cánh đồng rộng lớn toàn cỏ hoa? 


Hải Lam tổng hợp

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Khả năng kỳ diệu của Yoga và Thiền định

KHẢ NĂNG KỲ DIỆU CỦA CON NGƯỜI NHỜ  YOGA - THIỀN ĐỊNH

Chạy 42 km trên sa mạc 40 độ C, sụt hơn 6 kg trong ngày nhưng người đàn ông này vẫn khỏe mạnh

Nhiều kỳ tích đã chứng minh cơ thể người có tiềm năng chống chịu những điều kiện môi trường khắc nghiệt nhất. Một ví dụ điển hình là Wim Hof, một người có thể chịu được giá lạnh dưới mức nhiệt đóng băng.

Được mệnh danh là “Người Băng”, ông Wim đã đạt được những kỳ tích trước đây tưởng chừng như không thể, nhưng năng lực của ông không phải do bẩm sinh: Ông là một bậc thầy về thiền định và ông đã học được điều này từ “Mẹ thiên nhiên”. 
Ông đã áp dụng thành công kỹ thuật thiền định để phát triển một phương pháp kiểm soát hệ miễn dịch nhằm phòng tránh bệnh tật. 
Hiện nắm giữ 20 kỷ lục Guinness, mọi thành tích ông đạt được đều rất ấn tượng. Ông là người nắm giữ kỷ lục chịu đựng giá lạnh lâu nhất trên thế giới khi có thể đứng trong một thùng đầy đá trong vòng 1 tiếng 52 phút 42 giây. Ông từng chạy maratông trên vòng cực tại mức nhiệt −20 °C với đôi chân trần. 
Ông từng có ý định chinh phục đỉnh Everest, ở độ cao 8.848 mét trong năm 2008 mà chỉ mặc 1 chiếc quần đùi. Tuy nhiên ông phải từ bỏ quyết tâm chinh phục đỉnh núi này khi leo tới độ cao 7.400 mét do ngón chân bị đóng băng.

Wim Hof đã thiết lập kỷ lục Guinness khi dành 1 giờ 52 phút 42 giây trong thùng băng đầy lên đến cổ tại Công viên Bryant ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ.

Khả năng của ông không chỉ giới hạn trong môi trường nhiệt độ thấp, ông còn có thể đạt được thành tích đáng kinh ngạc trong môi trường nhiệt độ cao. Ông từng chạy maratông hơn 42 km trên sa mạc Namib cao nhất thế giới với mức nhiệt lên đến 40 độ C mà không cần đến chút nước hay đồ ăn nào. Sau cuộc chạy này ông bị sụt mất hơn 6,3 kg vì mất nước nhưng vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Một thành tích không thể tưởng tượng được. 
Ông lần đầu thu hút sự chú ý của giới khoa học khi biểu diễn khả năng ngâm mình dưới băng trong vòng 1 giờ 53 phút mà không thay đổi nhiệt độ của những phần cơ thể bên trong. 
Ông hiện đang cộng tác với một nhóm các nhà nghiên cứu từ trường đại học nhằm chứng minh rằng bất kỳ ai cũng có thể làm được những điều phi thường như ông. 

Các nhà nghiên cứu đã xác nhận ông Wim thật sự có khả năng điều khiển hệ thần kinh thực vật (hệ thần kinh sinh dưỡng hay hệ thần kinh tự chủ/tự động) và các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Đây không phải là một chuyện nhỏ, vì sở dĩ nó được gọi là hệ thần kinh thực vật, thần kinh tự động (tự chủ) vì nó hoạt động độc lập với sự chỉ huy theo ý muốn thông thường, ví như khi ta ngủ say không biết trời đất là gì thì hệ thần kinh giao cảm vẫn tự làm việc chăm chỉ và đều đặn để tim đập, phổi thở, dạ dày co bóp tiêu hóa, mồ hôi vẫn tiết ra… Vậy mà ông Wim có thể kiểm soát được những chức năng này, đủ thấy khả năng kiểm soát cơ thể của ông đã đạt đến một trình độ cao. 
Ông có thể dễ dàng đạt được những kỳ công này nhờ ‘Phương pháp Win Hof’. Đây là một kỹ thuật thở cho phép người tập kiểm soát được hệ thần kinh tự chủ.  Phương pháp Win Hof có điểm tương đồng với kỹ thuật thiền Tummo (nhiệt lượng nội tại) và Pranayama (thở yoga). 

Ông Wim Hof đã tập yoga và thiền định trong nhiều năm, nhưng phương pháp của ông khác biệt ở chỗ nó được dựa trên điều mà ông gọi là ‘bản chất lạnh giá khắc nghiệt’. 
Bằng cách hòa nhập bản thân vào các hoàn cảnh tự nhiên khắc nghiệt, ông Wim đã học được cách chống chịu giá lạnh, nóng bức và cả nỗi sợ. 

Nếu vận dụng thành thục “Phương pháp Wim Hof”, biết đâu bạn có thể đạt được những kỳ tích tương tự ông Wim? 

Theo messagetoeagle 
Thạch Khánh tổng hợp 
23/10/2016

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

" Đừng để ai nói rằng con không thể làm được điều gì đó, kể cà là bố "
- Chris Gardner -