Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Cửa Khổng

Một hôm, có người ăn mặc sang trọng ra dáng một vị quan to, xe cộ rình rang, tiền hô hậu ủng đến xin học. Tử Thượng được phân công ra tiếp. Tử Thượng lễ phép hỏi:
- Dám xin hỏi ông làm chức quan gì?
Ông kia trả lời:
- Chức gì lớn nhất mà thầy có thể nghĩ tới được.
Tử Thượng hỏi tiếp:
- Vậy ông còn muốn học Phu Tử để làm gì nữa?
Ông kia trả lời:
- Ta học để bịt mõm thiên hạ.
Tử Thượng nghe thấy hơi lạ tai. Bèn hỏi tiếp:
- Thế nào là bịt mõm thiên hạ?
Ông kia trả lời: 
- Thầy còn giả đò không biết ư? Ta vốn xuất thân làm nghề hoạn lợn, song từ khi thành đạt thì chẳng thiếu thứ gì. Tước vị, bổng lộc, quyền hành, vây cánh... đủ cả. Chỉ phải cái bọn kẻ sĩ trong thiên hạ thấy ta không học hành gì, cứ chửi vụng ta là đồ thượng đẳng vô học. Ta thì không thèm chấp, song vợ con, cháu chắt ta thì không khỏi có lúc phiền lòng. Nay ta đến đây cốt để bù cái chỗ khiếm khuyết duy nhất ấy của mình mà thôi, để chúng nó không còn chửi vào đâu được nữa.
Tử Thượng nghe ông ta nói, lưỡng lự không biết giải quyết ra sao. Cũng đành phải vào thưa lại với Khổng Tử. Khổng Tử thản nhiên phán ngay:
- Kẻ ấy đâu có cần học hành gì. Hắn đến đây chỉ cốt cho thiên hạ trông thấy hắn cũng từ cửa ta mà đi ra giống như những kẻ sĩ khác đó thôi. 
Tử Thượng nghe thầy nói chợt tỉnh ngộ, bèn lập tức trở ra. Quả nhiên thấy ông kia cùng đám lâu la, xe cộ đã rầm rĩ quay ra đến cổng, vừa đi vừa quảng cáo oang oang, cố tình cho thiên hạ chú ý. Chẳng thèm nói gì đến chuyện xin học nữa. TửThượng phục Khổng Tử quá, chỉ biết vừa nhìn theo vừa lẩm bẩm:
- Ta ở ngay trong nhà thầy, đọc sách thầy, nghe thầy giảng... Mà đến bây giờ mới hiểu được ý nghĩa của hai chữ: Cửa Khổng.

Trích “ Luận ngữ Tân thư “

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Khi sếp chơi ‘Phây’

Cả công ty bỗng dưng xôn xao vì sếp bắt đầu dùng “Phây” (Facebook). Sáng nay họp giao ban, sếp bảo để chị về đăng ký cái “Phây” chứ không lạc hậu mất, chuyện gì cũng bảo đọc trên “Phây”, thấy trên “Phây”, nhiều khi các cô nói xấu chị trên “Phây” mà chị không biết cũng nên.
Trưa sếp gọi điện cho cậu điện nước của công ty. Này sao chị không vào được “Phây”? Cậu điện nước hỏi thế chị đã đăng ký tài khoản chưa? Sếp bảo, thì chị gõ họ tên và ngày tháng năm sinh vào 2 ô để trống rồi “entơ” cái mà nó im re không cho chị vào. Hay tại mình chưa đưa phong bì cho bọn “Phây” nhỉ? Cậu điện nước bảo dạ để tí em lập cho. Chị giục ừ nhanh lên nhé, để chị viết bài về cái TPP phát. Sáng nay đi ăn bún thấy chúng nó bóng bàn về TPP kinh quá, mà thực ra TPP là “thực phẩm phân phối” chứ có gì lạ đâu! Nhanh nhá!
Cuối cùng thì sếp cũng có “Phây”. Sau khi add tất cả 64 nhân viên và một mớ người khác vào, sếp bắt đầu thử. Đầu tiên nhờ đứa cháu chụp cho cái ảnh đang ngắm hoàng hôn rồi post lên. Like điên đảo luôn. Đứa nào like nhanh nhất chị ghi vào sổ. Thúy Hường phòng tài vụ like sau 2 giây. Bạch Tuyết phòng nhân sự like sau 4 giây. À sao chưa thấy đám con Huệ, con Minh còm nhỉ? Cả thằng Tùng lái xe và con Na vệ sinh nữa, chúng đâu cả rồi? Thật không thể chấp nhận được.
Cáu quá sếp gọi mấy đứa ra hỏi, này sao thiếu 2 “nai” (like), con Na với thằng Tùng giận gì chị mà không thấy “nai” chị? Đồng chí văn thư bảo dạ, đồng chí Tùng dùng điện thoại cục gạch 1280 không vào mạng được, còn đồng chí Na vệ sinh đang cho con bú, với lại nó không chơi “Phây” chị ạ. Sếp nhăn mặt nói phải quán triệt mới được, thế kỷ 21 rồi mà lạc hậu.
Mới chơi nên sếp rất hào hứng. Cứ 30 phút sếp lại up cái ảnh. 70 phút sếp đăng một “tút” (status). Đi làm tóc về sếp up 12 ảnh, viết mấy câu buồn bã “Mình già thật rồi”. 64 like, vô số comment. Chị ơi trẻ quá. Tóc xinh lắm chị ạ. Đẹp đẹp chị ơi. Gọt xoài đứt tay, sếp up 4 ảnh, viết tút “Vết thương nào rồi cũng sẽ lành phải không anh?” 58 like. 42 comment chia sẻ. Chị ơi làm sao thế? Thương chị quá, ôm chị thật chặt. Cố lên chị, bọn em luôn đứng bên chị.

Đang ngồi đếm “nai” chợt có đứa nhảy vào comment: “Cho chết con khọm già đi”. Đọc xong sếp tím mặt rút ngay phích cắm điện. Lát sau len lén bật máy tính lên vẫn thấy comment lúc nãy chưa biến mất, sếp gọi ngay cho cậu điện nước: “Alô Hoạch hả em, lên ngay, lên điều tra xem đứa nào nó chửi chị này”.
Đồng chí Hoạch chạy lên. Sếp chỉ vào nick chửi mình, hỏi: “Chú xem nó thuộc ban nào, bộ phận nào mà dám xúc phạm chị?”. Đồng chí Hoạch ngó qua, bảo dạ đứa này không thuộc biên chế công ty ta. Sếp hỏi: “Thế nó ở đâu ra?”. “Dạ, nó là bọn trên mạng thôi chị”. “À thế hả, giờ làm sao cho nó biến mất hộ chị”.
Đồng chí Hoạch dí chuột xóa comment xong dặn, lần sau đứa nào chửi chị cứ “lóc” (lock) lại là xong. Sếp tròn mắt: “Lóc là sao em?”. “Dạ là khóa lại đó chị, như ta khóa cửa phòng không cho người lạ vào í”. Sếp hỏi, thế à, thế cái khóa ấy nó bán ở đâu để lát chị bảo tài vụ chi tiền nhờ chú mua cho chị một cái? Đồng chí Hoạch bảo à cái đó không mất tiền. Sếp gật gật, nói nhưng chị hỏi cái, đứa nãy chửi chị con cái nhà ai cậu biết không? Đồng chí điện nước bảo em chịu. Sếp nói ừ thế thì thôi, đồ vô văn hóa.
Tối về sếp thông báo trên “Phây” thằng út 4 tuổi đau bụng. 61 like. Chị ơi chị chụp phân của bé lên em nhờ chồng em là bác sỹ khoa tim mạch xem hộ cho. Sếp bảo đợi tí để chị bảo nó ị đã. 10 phút sau chị tương quả hình rất diễm lệ lên tường, tất nhiên là sản phẩm của cậu út. Lại 61 like. Rất nhiều comment nức nở khen, em thấy phân đẹp mà chị ơi. Thậm chí có nick xuýt xoa bình luận: “Nói không phải nịnh chứ trông như một kiệt tác điêu khắc chị ạ”. Đồng chí Na mới lập nick cũng lao vào trầm trồ: “Em ngồi đếm được cả thảy 7 màu chị ơi, em thật nhìn rực rỡ như cầu vồng”.
Sếp ưng lắm, bảo để mai chị đi siêu âm trĩ của chị rồi up lên nhờ mọi người cho ý kiến cái luôn. Biết hay thế này chị dùng “Phây” lâu rồi!.

Song Hà 

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Ba từ

Một phóng viên hỏi một chủ nhà băng.
- Thưa ngài, bí mật cho sự thành công của ngài là gì vậy? 
- Ba từ.
- Thế thưa ngài, ba từ là gì vậy?
- Quyết định đúng.
- Thế làm thế nào ngài có những quyết định đúng đắn?
- Hai từ.
- Là gì vậy?

- Kinh nghiệm.
- Thế làm sao ngài có kinh nghiệm?
- Ba từ.
- Thưa ngài, ba từ nào?
- Quyết định sai.


-st-

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Sơn phòng mạn hứng


MẠN HỨNG Ở SƠN PHÒNG
Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Danh lợi lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn, mưa tạnh non im vắng
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim *


Sơn phòng mạn hứng
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

Trần Nhân Tông


Dịch Nghĩa :
Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm
Hoa rụng hết, mưa đã tạnh , núi non tịch mịch
Một tiếng chim kêu lại cảnh xuân tàn.


Dịch thơ :
Phải, trái, niệm rơi hoa buổi sớm.

Lợi, danh lòng lạnh trận mưa đêm.
Hoa tàn, mưa tạnh, non yên tĩnh.
Còn tiễn xuân tàn, một tiếng chim!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch


Phải, trái, rụng theo hoa buổi sớm.
Lợi, danh lạnh với trận mưa đêm.
Hoa tàn, mưa tạnh, non im vắng.
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim!

Đỗ văn Hỹ dịch


Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
“Thị phi” là phải quấy, “niệm trục” là niệm đi theo, “triêu hoa lạc” là sáng sớm hoa rơi rụng. Nghĩa là sáng sớm nhìn ở ngoài sơn phòng thấy các đóa hoa rơi từng cánh xuống đất thì niệm thị phi của chúng ta cũng theo đó mà rụng. Tâm danh lợi cũng theo trận mưa đêm lạnh mà lạnh đi.
Như vậy hai câu này Ngài diễn tả ở trên sơn phòng tức là căn phòng trên núi để tu, khi sáng ra thấy hoa trước cửa thất rơi rụng thì tâm thị phi cũng theo đó mà rụng. Tối mưa đêm lạnh thì tâm danh lợi cũng lạnh theo mưa đêm.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
Hoa đã hết, mưa đã tạnh núi vẫn lặng lẽ. Một tiếng chim kêu mùa xuân đã qua. Hai câu này nghe khó hiểu nhưng ý nghĩa rất thâm trầm. Bởi vì khi niệm thị phi của chúng ta rơi rụng hết, tâm danh lợi của chúng ta tan nát rồi lúc đó cũng giống như là hoa hết, mưa tạnh chỉ còn ngọn núi lặng lẽ. Như vậy khi tâm thị phi hết, tâm danh lợi cạn thì lúc đó còn một Tâm thể nguyên vẹn lặng lẽ, cho nên dùng hình ảnh một ngọn núi lặng lẽ dường như vô tình, nhưng đây: Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn, trong ngọn núi tịch tĩnh đó lại có tiếng chim hót lên là mùa xuân đã qua. Như vậy để thấy niệm thị phi đã sạch, tâm danh lợi đã hết thì chúng ta còn một Tâm thể thanh tịnh, Tâm thể không phải vô tri, vô giác mà Tánh giác bừng khởi ở trong đó không còn bị chi phối bởi thời gian cho nên nói mùa xuân tàn. Đó là chỗ kỳ đặc của Ngài chỉ cho chúng ta thấy vậy.
-st-
*Thích Thanh Từ dịch
" Tuế hàn tam hữu đồ " - tranh Mã Viễn, danh họa đời Nam Tống, Tự Dao Phụ, hiệu khâm Sơn, xuất thân trong một dòng họ nổi tiếng về hội họa

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Bàn về lễ hội khai Ấn

 " Khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc
Đó là thượng sách giữ nước vậy "
- Trần Hưng Đạo -




PHẢI CHĂNG TỪ TRONG QUÁ KHỨ ĐÃ CÓ “LỄ HỘI KHAI ẤN”? 

Ai cũng biết lễ hội có hai phần: Phần Lễ và phần HộiLễ là phần tâm linh, phần này nhằm mục đích cố kết cộng đồng bằng tâm thức, hội tụ quanh một hoặc nhiều vị thần nào đó mà cộng đồng tôn thờ làm phúc thần, để che chở cho cả cộng đồng. Thần linh có thể là một vị nhân thần có công lớn với đất nước, cũng có thể là một người dẫn dân đi khai hoang lập ấp, sau thành xóm thành làng, dân cư đông đúc, đời sống khấm khá, cộng đồng đó tôn thờ người ấy làm thành hoàng làng để tỏ lòng biết ơn. Cũng có thể là người đã đem một nghề nào đó về cho cả làng sinh sống rồi trở thành làng nghề, chính người đó được tôn vinh làm tổ nghề và đưa vào điện thần thờ làm Thành hoàng. Lại có vùng thời tiết dữ dội, gió mưa bão lụt khôn lường, dân rước thiên thần vào thờ làm Thành hoàng làng, như Long Hải đại vương. Hoặc cầu mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi, dân thờ Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp điện tức là các thần Mây - Mưa - Sấm - Sét.

Dù thờ thần nào cũng là sự biểu lộ lòng biết ơn của cộng đồng đối với thần linh. Vì vậy phần lễ là linh hồn của mọi lễ hội.

Sau các nghi thức rước, tế và cúng kiếng của lễ, tiếp đó là phần hội.

Khác với lễ, chỉ có một số ít đại biểu được cộng đồng lựa chọn vào việc thờ cúng và tế rước thần linh. Trái lại, hội là phần của toàn thể cộng đồng, ai cũng có thể tham gia tùy sở trường và năng khiếu, không phân biệt giầu nghèo, đẳng cấp. Trong hội có nhiều trò vui, ví như vật, đánh đu, đánh cờ, chọi gà, chọi chim, đánh pháo đất, đi kheo, hát chầu văn (lên đồng), hát chèo, hát đúm, đánh bài tổ tôm điếm hoặc tam cúc điếm vv… Cho nên trong hội, có thể trò này anh là người diễn, sang trò khác anh lại là người xem. Do tính cộng đồng cao, nên lễ hội là một sinh hoạt luôn hấp dẫn và không thể thiếu của cư dân nông nghiệp, qua đó lễ hội còn biểu thị khát vọng của người lao động.

Hội của nước ta thường tổ chức vào mùa xuân hoặc mùa thu là thời điểm nông nhàn. Hội mùa thu chỉ lác đác mà tập trung hội vào mùa xuân.
Như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, hội khai sớm nhất là hội Chùa Hương Tích huyện Mỹ Đức, xưa thuộc tỉnh Hà Đông. Hội mở từ ngày 6 tháng giêng và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Đây là hội dài ngày nhất.

Kết thúc mùa hội xuân là hội Gióng làng Phù Đổng, tổ chức vào ngày 8 tháng tư (âm lịch) tức là đầu mùa hạ.
Tuyệt đại đa số các lễ hội ở nước ta là hội làng. Cũng có một số hội vùng là do sức thu hút của hội đó chứ không có quy định nào của nhà nước, kể cả thời có vua quan thống trị. Các hội vùng nổi tiếng như hội Chùa Hương (Hà Tây), hội đền Kiếp Bạc (Hải Dương), hộ Phủ Giầy (Nam Định), hội núi Bà Đen (Tây Ninh), hội Bà Chúa Xứ (An Giang), hội đền Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá) vv…
Hội của cả nước là rất hiếm. Như hội Đền Hùng ngày nay có quy mô cả nước cũng mới ra đời từ năm 2000, sau khi có quyết định của Quốc Hội, nâng tầm vóc ngày giỗ các vua Hùng (10 tháng 3 âm lịch) làm ngày Quốc lễ.

Trong tất cả các danh mục lễ hội được tổ chức công khai trong cộng đồng, từ hội làng đến hội vùng, hội tầm quốc gia, kể từ vài trăm năm nay không thấy có loại lễ hội nào gọi là “ Lễ hội khai ấn”.

Tuy nhiên, mỗi cuối năm, trước khi nghỉ tết, các chánh văn phòng của các cơ quan nhà nước từ triều đình đến tỉnh, huyện đều thu dọn các đồ văn phòng, đặc biệt là ấn triện, niêm phong cất đi, gọi là phong ( gói ) ấn. Sang giêng, tới ngày các cơ quan làm việc, thì những người giữ ấn tại các cơ quan, lại khai ( mở) ấn ra. Đó là công việc thuần túy sự vụ hành chính, không hề có nghi lễ gì trong việc này.

THỬ DÒ TÌM TRONG LỊCH SỬ XEM CÓ THẤY “LỄ HỘI KHAI ẤN”

Nước ta bị bọn thống trị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, khi giành được quyền độc lập tự chủ vẫn phải dùng chữ Hán. Do đó về lễ nghi, phong tục ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa Trung Hoa.
Tuy ảnh hưởng, nhưng văn hóa phong tục của dân tộc Việt Nam hoàn toàn khác với người Hán, như Nguyễn Trãi từng viết trong “ Cáo bình Ngô”:
Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam Bắc chi phong tục diệc dị.

(Như nhà nước Đại Việt ta
Thực là một nước văn minh
Núi sông bờ cõi đã riêng
Phong tục Bắc – Nam cũng khác)

Để xác định được khách quan, ta thử khảo sát việc lễ của Trung Hoa, và bắt đầu từ bộ “Lễ ký” tức là sách kinh điển về việc lễ của Trung Hoa chép từ thời cổ đại, có cả sự nghị bình từ các đời Hán - Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh.
Đọc kỹ các việc lễ ở đây từ lễ thầy học đến lễ vua chúa về đủ mọi phương diện từ trung hiếu đến quan, hôn, tang, tế(1) vv… tuyệt nhiên không có một thứ lễ nào gọi là “Lễ khai ấn”. Ngoài ra còn tham khảo thêm cả Kinh Thi và Kinh Xuân Thu của chính Khổng Tử san định và trứ tác.

(1).( Quan là lễ đội mũ cho con trai đến tuổi trưởng thành. Hôn là việc cưới hỏi. Tang công việc đối với người chết. Tế là thờ cúng tế tự.)

Lại xét trong lịch sử nước nhà thì Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử lớn nhất do Lê Văn Hưu biên soạn, hoàn tất năm 1272. Sách chép từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng. Sau Phan Phu Tiên chép tiếp từ 1223 đến 1427 gọi là Đại Việt sử ký toàn thư tục biên. Hai bộ sử này tuy bị giặc Minh cướp và đốt hết, nhưng khi soạn Đại Việt sử ký toàn thư (bản đang lưu hành) Ngô Sỹ Liên có sưu tập và tham khảo cốt yếu ở hai bộ sử trên.
Sách này chép kỷ nhà Trần rất kỹ, nhưng về lễ nghi, phong tục không thấy đề cập đến cái gọi là “Lễ khai ấn”. Và trước đó từ kỷ nhà Triệu qua Đinh - Lê - Lý cũng không thấy bóng dáng “Lễ khai ấn”.

Tiếp nhà Nguyễn là thời đại chăm chút đến việc biên tu quốc sử vào bậc nhất, và họ cũng để lại cho hậu thế một khối lượng sách khổng lồ ghi chép về đủ thứ. Đặc biệt là quốc sử. Thế nhưng khảo trong bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, và cả bộ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” đều không thể tìm ra cái gọi là “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn”.

Và điều này mới quan trọng, tức là cả bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú biên soạn hết sức công phu. Tìm khắp trong phần “Lễ nghi chí”, có đủ các thứ lễ cực kỳ phong phú, trừ “Lễ khai ấn”…

Lại khảo thêm “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính; “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh; “Hội hè đình đám” của Toan Ánh vv… đều bặt vắng “Lễ khai ấn”.

Tới đây có thể tạm khẳng định trong các lễ nghi, lễ thức từ làng xã đến triều đình, từ cổ điển đến cận hiện đại của Việt Nam đều không có cái gọi là “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn”.

Vậy “Lễ khai ấn” hiện nay đang tồn tại như một thứ dịch bệnh mọc ra từ đâu?

SỰ KIỆN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CHIẾC ẤN GỖ THỜI TRẦN

Đó là vào năm Mậu ngọ (1258) khi quân xâm lược Mông Cổ sắp tràn vào bờ cõi nước ta, nội các triều đình phải sơ tán, quan chưởng ấn cất giấu ấn báu và chỉ đem theo ấn nội mật cho gọn nhẹ. Nửa đường lại rơi mất ấn này. Vua Trần Thái tông cho phép sai thợ khắc ấn gỗ tạm dùng thay thế.

Nhân sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư tờ 471 tập I NXB Văn hóa Thông tin in năm 2004 chép như sau: “Khi ấy vua đem sáu quân đi chống giặc. Quan chưởng ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo, nửa đường ấn ấy lại bị mất. Giấy tờ trong việc quân không có ấn, vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi trở về kinh sư, lại có người đem dâng ấn bị mất ấy, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên chỗ cũ”.

Ngoài mấy dòng trên, toàn thư không nói việc xử lý ấn ấy như thế nào. Ví dụ như cho lưu trữ, hoặc tiêu hủy, hoặc làm lễ tạ thần linh và tiên tổ đã phù trợ vv… Cũng từ đây Toàn thư tuyệt nhiên không nhắc gì đến chuyện ấn chương nữa. 

Ngay An Nam chí lược của Lê Tắc cũng không đả động gì đến. Lê Tắc là người làm công việc thư lại trong phủ Trần Kiện. Ông ta là người đương thời, cũng vào hàng thông tuệ chắc có biết việc này, nhưng không thấy Lê Tắc đề cập gì tới chuyện lễ tiết về ấn chương trong An Nam chí lược.

Đã nói ấn chương chỉ được dùng trong bộ máy hành chính ,nó không phải vật thiêng, không có ai tôn vinh và thờ phụng ấn, nên nó không thể hóa thần. Vì vậy không xếp được nó vào loại lễ lạt nào hết.

Về chất liệu làm ấn nhà vua, nếu làm bằng ngọc gọi là ngọc tỉ, nếu đúc bằng vàng gọi là kim bảo tỉ và dùng làm vật báu truyền ngôi. Tức là mỗi khi có lễ truyền ngôi (cha truyền con nối) thì vua cũ trao ấn báu và kiếm báu cho vua mới. Hai vật báu đó tượng trưng cho quyền uy tối thượng của nhà vua, đó là lễ duy nhất ta thấy ấn vua xuất hiện. Ngoài ra nó được giữ trong nội mật vụ và dùng đóng vào chiếu, chỉ của nhà vua trước khi ban hành.

Còn như “Lễ khai ấn” đền Trần năm 2000 là ấn gỗ hình vuông được khắc vào thời Nguyễn cuối thế kỷ 19, mặt ấn có bốn chữ “ Trần miếu tự điển” tức là điển lệ cho việc thờ tự tại đền miếu nhà Trần khu vực Tức Mạc. Hai mặt đông tây của viền ấn khắc hai con rồng. Hai mặt viền nam bắc khắc chìm bốn chữ “Tích phúc vô cương”. Ấn này không có giá trị, không liên quan đến ấn của các vua nhà Trần.

Tới đây có thể khẳng định, trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi có nhà nước phong kiến đến kết thúc chế độ vương quyền (1945), không hề có “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn” đầu năm.

VẬY LỄ HỘI KHAI ẤN ĐỀN TRẦN PHÁT SINH TỪ ĐÂU

Thật ra không nhất thiết cái gì đời trước có thì đời nay mới có, còn cái gì đời trước không có thì đời nay không được phép có. Vì rằng từ lễ nghi phong tục đến lễ hội, ngay cả pháp luật và tôn giáo cũng đều xuất phát từ con người, do nhu cầu của con người mà có. Thậm chí nó còn bị xã hội điều chỉnh, uốn nắn một cách mềm mại bằng phương pháp di phong dịch tục để cải hóa cái lạc hậu, đón nhận cái nhân văn tiến bộ.
Khoảng vài chục năm lại đây, giới trẻ Việt Nam tiếp nhận một thứ phong tục lạ hoắc từ phương Tây, đó là ngày “Lễ của tình yêu - ngày Valentine”. Valentine là tên của một vị thánh - một trong những vị thánh được tôn vinh cho tình yêu đôi lứa. Valentine rơi vào ngày 14 tháng 2 hàng năm. Đó là ngày các đôi trai gái biểu lộ tình cảm với nhau, hẹn hò nhau hoặc cầu hôn thông qua các món quà như thiếp chúc mừng, hoa hồng, sô - cô - la vv…
Hiện nay ngày đó tưng bừng như ngày hội của các thanh niên nam nữ, từ thành thị tới nông thôn trên toàn cõi Việt Nam.

Rõ ràng trong lịch sử Bốn ngàn năm của Việt Nam chưa hề có “Lễ hội tình yêu”. Nhưng ngày nay nó có, bởi nó hợp lòng người, nó là nhu cầu xuất phát từ trái tim của phân nửa dân số Việt Nam, nên nó được hào hứng tiếp nhận, đương nhiên nó tồn tại hợp pháp.

Thế thì “Lễ khai ấn” hoặc “Lễ hội khai ấn” đền Trần nếu xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng mà nó xuất hiện, tưởng cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, nếu là chuyện bình thường, tại sao các nhà văn hóa, báo chí và dư luận công chúng cứ công kích liền năm và ngày càng gay gắt. Hình như trong cái gọi là “Lễ khai ấn” đền Trần đang hàm chứa nhiều điều không ổn, không bình thường. Nếu là nhu cầu của xã hội nó phải được công chúng rộng rãi hồ hởi đón nhận, tựa như ngày “Lễ tình yêu” chẳng hạn.
“Lễ khai ấn” đã và đang làm méo mó phong tục của nước nhà. Bởi nó không xuất phát từ nhu cầu văn hóa hoặc nhu cầu tâm linh của cộng đồng.Nó không hề bắt nguồn từ một truyền thống văn hóa hoặc lễ nghi phong tục nào .Vì rằng ấn chương là việc hành chính nghiêm túc, đâu phải trò góp vui cho ngày hội.
Nhưng liệu nó có thể bổ túc cho phần lễ có được không? Không được! Vì rằng lễ là phần thăng hoa của tâm linh cộng đồng, còn khai ấn lại là công việc thường hằng của thế tục.
Điều gì nảy sinh đều có nguyên nhân của nó. Vậy “Lễ khai ấn” đền Trần nảy sinh vì nguyên nhân gì? Đó là nguyên nhân vụ lợi của nhóm lợi ích. Sau này nhờ quảng cáo rùm beng mà “Lễ khai ấn” thu hút hàng chục vạn người, đem về một nguồn thu ngân sách đáng kể cho tỉnh Nam Định. Như thế cũng có nghĩa nó đã nảy sinh chuyện buôn thần bán thánh một cách hợp pháp, được chính quyền nâng đỡ.

Lễ khai ấn đền Trần ở Tức Mạc mới xuất hiện từ năm 2000. Việc lễ chỉ có nhà đền và vài quan chức ngành văn hóa Nam Định chủ trì. Lễ ấy không tế rước, không huyên náo trống chiêng, nhưng diễn ra trang nghiêm, lặng lẽ.
Sau lễ, ban tổ chức có đóng dấu vào những tờ ấn đã in sẵn xếp trên bàn cho khách xem hoặc tự lấy, coi như quà của nhà đền. Tuyệt nhiên không có chuyện bán mua. Có người biết chữ Nho cầm đọc rồi đặt trả lại, có người không biết chữ Nho, nhưng tò mò lấy đi một vài tờ làm kỷ niệm.

Nhớ có lần tôi và kiến trúc sư Trần Thanh Vân về Nam Định và có ghé thăm ông Trần Văn Tuấn, bí thư tỉnh ủy, tôi có nói vài nơi xuống cấp quá ông cần chỉ đạo việc tu bổ, nhân đó tôi đề nghị ông bàn bạc trong lãnh đạo để Nam Định có đường phố mang tên Trần Thủ Độ. Ông bí thư tỉnh ủy nheo mắt lắc đầu: - Khó lắm bác ạ, cả tôi và đồng chí Chủ tịch tỉnh đều họ Trần, đem tiền ngân sách ra tu bổ nơi thờ tự nhà Trần, tránh sao khỏi dị nghị, mà kinh phí Trung ương cấp chỉ nhỏ giọt, sửa chỗ nọ hỏng chỗ kia. Việc đặt tên Trần Thủ Độ cho một đường phố chúng tôi chưa nghĩ đến, nhưng cũng khó đấy.
Không hiểu tại sao lúc ấy tôi không ngăn được phản ứng, liền nói: - Sao các anh lại ngộ nhận kỳ lạ vậy, các di tích này là của cả nước, đâu phải của riêng dòng họ nhà các anh. Trần Thủ Độ là Thái sư thống quốc của Đại Việt có công lớn với đất nước thì nhân dân cả nước tri ân, việc ấy liên quan gì đến mấy người họ Trần các anh. Tưởng cũng nên nhớ, nhà Trần - tức thời đại nhà Trần của Đại Việt thế kỷ 13, chứ không phải của riêng họ Trần ngày nay đâu. Vì vậy anh có thể kêu trước Quốc hội rằng, Nam Định phải quản lý di tích quốc gia quá lớn, xuống cấp lắm rồi, địa phương không đủ sức, xin cả nước chung tay. 
Không biết ông Trần Văn Tuấn có giận tôi không, nhưng một vài năm sau gặp lại, ông bảo: “Chúng tôi bây giờ chỉ lo tu bổ sao cho tốt, chứ không lo kinh phí nữa anh ạ”.
Cùng với đà di tích được tu bổ khang trang, có phần hoành tráng nữa, khá bắt mắt với du khách, lại thêm việc tuyên truyền, cũng không loại trừ khả năng rỉ tai về sự linh nghiệm của tờ ấn. Thêm vào đó, quan chức đầu tỉnh đều có mặt trong lễ khai ấn, rồi lần lượt thỉnh mời được các vị cấp cao từ Nhà nước về dự lễ khai ấn. Thế là sự linh thiêng vụt hiện, khách về dự lễ đông không tài nào giữ được trật tự. Tỉnh phải điều động hàng rào sắt lưu động để ngăn lối và phân luồng. Có năm huy động tới cả ngàn cảnh sát cơ động về giữ trật tự trong ngày hội.
Nhưng trật tự vẫn không thể vãn hồi. Ta thấy khách hội trèo lên đầu lên cổ nhau, nhảy bổ vào mâm lễ để cướp lộc.

Có thể nói “Lễ hội khai ấn” đền Trần, phần lễ là dâng hương, phần hội là chen lấn, xô đẩy và cướp lễ làm lộc. Nhìn cảnh đó diễn đi diễn lại trên màn hình ti vi suốt mấy năm gần đây mà thấy buồn, thấy tủi cho nền văn hóa dân tộc đang đi chệch hướng một cách vững chắc trên nhiều bình diện.
Nhìn quang cảnh lễ hội có hàng rào sắt, có cảnh sát cơ động, nhiều người thốt lên: “Đây là lễ hội có vũ trang, chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim”.
Ấn đền Trần nhờ tác động của con người, đã trở thành thứ hàng hóa đặc biệt, nó không chỉ tràn ngập trên địa bàn Nam Định mà nó có mặt ở nhiều tỉnh. Và lễ hội khai ấn cũng trở thành một nguồn thu ngân sách không nhỏ của tỉnh.

Thật ra không chỉ có đền Trần Tức Mạc bán ấn như một thứ hàng hóa, mà đền Bảo Lộc thuộc thôn Mỹ Lộc Xã Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc Nam Định, chỉ thờ riêng Trần Hưng Đạo và gia thần gia tướng, cũng có lễ khai ấn. Lại còn gọi là “Quốc ấn” nữa kia. Tại đây ấn được bán thoải mái không chỉ trong đền mà các hàng quán quanh đền đều có bán, ai muốn mua ấn bên đền Thiên Trường cũng có luôn. Đặc biệt khách nào muốn chuộng sự linh thiêng, tự mình đóng lấy ấn ở phía sau hậu cung, nhà đền sẽ cho người dẫn vào, nhưng phải chui cúi qua một khuôn của hẹp, nghĩa là phải lách nghiêng người và cúi thấp. Một bộ ấn đóng trong hậu cung gồm: Một lá ấn, một lá bùa hộ mệnh, một tờ trấn trạch, giá 100.000đ, mua nhiều được chiết khấu. Đọc nội dung bùa hộ mệnh thấy cả một sự nhảm nhí. Họ dám đem cả danh tướng Trần Hưng Đạo vào việc vụ lợi.

Nối gót Nam Định, đền Trần tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, mua được chiếc ấn đồng nát, cũng mở “Lễ khai ấn”. Dịch này còn truyền tới tận Quảng Ninh. Hội tao đàn Quảng Ninh đã khai ấn qua vài năm, bị nhiều người chê trách về phần chữ nghĩa. 
Chưa hết, đền thờ Lý Thường Kiệt ở Hà Trung Thanh Hóa và đền thờ Quang Trung trên núi Phượng Hoàng thành phố Vinh cũng đã có lễ khai ấn. Nhiều nơi khác cũng đang tấp tểnh định vào cuộc.

Bỗng nhiên lại có tin đồn khảo cổ tìm thấy ấn gỗ, nghi là ấn gỗ thời Trần khắc tạm trên đường lánh giặc. Báo chí rùm beng, tin đưa giật gân hết cỡ. Ban tổ chức họp báo trong Hoàng thành Thăng Long công bố mập mờ. Nếu xuôi lọt thì lại khai ấn trong Hoàng thành. Tuy nhiên, việc này nghe khó nuốt, bởi các nhà báo, nhà khoa học dồn hỏi những điều cần và đủ cho một vật khai quật, ban tổ chức nói quanh nói quẩn. Tới nay th́ sự việc dường như đã rơi vào quên lãng.

KẾT LUẬN

1.Ấn cổ nhất hiện còn ở nước ta và xác định được niên đại là ấn “Môn hạ sảnh” tạo tác năm Long Khánh thứ 5 (1377) đời vua Trần Duệ tông. Đây là ấn quan chứ không phải ấn nhà vua.
Môn hạ sảnh là một trong ba cơ quan cao nhất của triều đình lập ra để giúp việc nhà vua. Vì vậy các loại ấn tại các đền miếu nhà Trần mạo xưng là ấn vua, đều là ấn dổm.

2. Ấn chương là công cụ biểu trưng cho quyền uy của hành chính, pháp luật, nó không thuộc phạm trù tâm linh, tôn giáo.
Từ cổ xưa, tức là thời loài người biết tổ chức bộ máy nhà nước, ấn chương hành chính đều thuộc phần thế tục không nằm trong khu hệ tâm linh siêu thực. Vì vậy nó không bị điều chỉnh bởi “Lễ”.

3. Vào mùa lễ hội đền Trần, người ta đăng đi đăng lại bài báo mà nguồn của nó có từ khóa “Hình ảnh VN.com” gọi là sưu tầm nhưng không có tên người sưu tầm và nguồn tư liệu sưu tầm. Mở đầu nó viết: “ Lễ khai ấn” đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức tước cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông sau đó lễ khai ấn lại bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh tông cho mở lại…”.

Người viết bài này tỏ ra rất không am hiểu lịch sử, ngay cả điều sơ đẳng.

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược lần thứ nhất của quân dân nhà Trần vào cuối năm 1257 đầu năm 1258. Và từ 1258 đến 1285, tức là 27 năm sau mới có cuộc xâm lược lần thứ hai, lúc này gọi là nhà Nguyên, thế mà tác giả viết: “Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông sau đó lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh tông cho mở lại…”.

Trong 4 năm từ 1258 đến 1262 nước ta không hề có quân xâm lược nào vào cõi. Vả lại lúc ấy chỉ có vua Trần Thái tông là Thượng hoàng. Trần Thánh tông mới được cha nhường ngôi vua bốn năm. Hoàng tử Trần Khâm sau này là vua Trần Nhân tông cũng mới bốn tuổi, sao dám gọi Trần Thánh tông là Thượng hoàng, và nữa tên phủ Thiên Trường mới xuất hiện vào tháng 8 năm 1262, thế mà tác giả này lại dùng nó từ năm 1239.

Những kiến văn này, học sinh cấp 2,3 đều đã được học. Liệu tác giả này có dám chắc đã học qua phổ thông trung học? Người viết bài kiểu này quả là kể táo tợn, dám khẳng định những điều thực ra anh ta chẳng có hiểu biết gì.

4. Năm 2012 khảo cổ học Việt Nam khai đào trong khu vực vườn hồng, nay là nhà Quốc hội, được một chiếc ấn gỗ không có núm và đã rời thành 2 mảnh. Một mặt ấn có khắc bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo”. Phải nói đây là một vật quý, rất quý hiếm. Nhưng chưa xác định được niên đại, chưa công bố hồ sơ hiện vật mà khẳng định thuộc lớp văn hóa thời Trần là vội vàng. Bởi trong lòng Thăng Long có ít nhất bốn, năm tầng văn hóa. Lại còn có ý như đây là chiếc ấn gỗ được khắc dùng tạm trên đường di tản trong cuộc kháng chiến 1258. Nên nhớ ấn gỗ năm ấy Trần Thái tông cho khắc để dùng vào việc quân, không thể có chữ “sắc mệnh chi bảo” được.

Và rồi ban quản lý Hoàng thành Thăng Long lập tức cho người ra phố Hàng Quạt thuê thợ khắc ấn có bốn chữ “Sắc mệnh chi bảo”, và sử dụng nó một cách lập lờ trong cái gọi là “Lễ khai ấn” trong Hoàng thành.
Ngành khảo cổ và ban quản lý di tích Hoàng thành Thăng Long là một nhánh của các cơ quan văn hóa đầu não của cả nước, mà lại hồ đồ đến như vậy sao?
Nếu thật sự là những nhà khoa học và quản lý văn hóa có văn hóa của ngành văn hóa, tưởng nên có lời xin lỗi công chúng bằng văn bản, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Việc tạo ra một thứ lễ hội đầy chất dung tục và vụ lợi, làm mê hoặc lòng người, bại hoại phong tục. Phải chăng đây là thứ văn hóa mụ mị độc hại cần phải loại bỏ ngay. Liệu đây có phải là một dạng tội phạm văn hóa cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự không? Bởi nó làm u mê lòng người và sự lan tỏa trong cộng đồng lại rất nhanh, rất tai hại.

Một đứa trẻ vị thành niên chỉ “chộp” một chiếc bánh mì khi nó quá đói còn bị truy tố như loại tội phạm hình sự. Trên tinh thần nhân văn mà nói, để cho một trẻ vị thành niên đi trộm cắp miếng ăn vì đói, lỗi ấy thuộc về người lớn, thuộc về xã hội, chủ yếu thuộc về chính quyền, nếu chính quyền thực sự vì dân.

Để giữ nghiêm pháp luật, bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa nên cứu xét việc này, xử lý một cách nghiêm túc và công bố công khai cho toàn dân được biết.

Hà nội, ngày 02.5. 2017
Hoàng Quốc Hải

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

BOT ... CHÙA

" Cửa Phật rộng mở, đưa chúng sanh đi vào nẻo thiện
Pháp môn phương tiện, dắt hữu tình ra khỏi đường mê "





BOT ... CHÙA - CÓ TIỀN MỚI ĐƯỢC VÀO CỬA PHẬT ?
Mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất, Yên Tử khai hội. Dòng người từ khắp nơi đổ về khu du lịch tâm linh khiến giao thông tắc nghẽn vài cây số. Khác với mọi năm, từ ngày 1.1 năm nay, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tiến hành thu phí tham quan với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em.
Tại chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), mỗi phật tử khi đến viếng Phật phải mua vé ngoài cổng với giá 10.000 đồng/người. Ban quản lý lập 2 điểm bán vé ở 2 cổng vào. Chùa Tây Phương (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) cũng tiến hành bán vé vào chùa với giá 10.000 đồng/người….

Lý giải cho việc thu phí ở Yên Tử, ông Phạm Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho hay, TP đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cấp, ngành, Giáo hội Phật giáo tỉnh và tỉ lệ thống nhất thu phí đạt hơn 90%.
Còn UBND huyện Thạch Thất có hẳn bảng công khai lý lo thu phí là: Căn cứ Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của HĐND TP. Hà Nội về thu phí, lệ phí; Căn cứ QĐ số 53/2016/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 và QĐ số 58/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP Hà Nội… 

Tóm lại, việc thu phí vào chùa được viện dẫn bởi nhiều quyết định, nghị quyết, hội nghị… rất đúng quy trình. Tuy nhiên, những điều đó khiến nhiều người ngỡ ngàng, bức xúc và không thể đúng quy trình thực hành tâm linh. 
Cửa chùa luôn rộng mở cho chúng sinh. Đó là nơi chúng sinh ba đào đến với Phật, thấm nhuần tinh thần Đức Phật, ngẫm về sự lý giải nỗi khổ của kiếp người, đó là bởi tham - sân - si, là sở cầu bất đắc (muốn mà không được), oán tăng hội (không ưa mà vẫn phải ở với nhau)… Đến với cửa chùa là để chiêm ngưỡng chính quả của Đức Phật và soi vào chính tâm hồn, đạo đức của mình để tự răn, sửa mình; để thúc đẩy mầm thiện, tạo động lực sống tích cực, hoàn thiện hơn trong cách ứng xử văn hoá với mọi người, với thiên nhiên và với chính mình. Cửa Phật không phải nơi để xin xỏ, ngã giá và mặc cả. 
Nhưng đáng tiếc, vẫn còn rất nhiều người mê lầm, đến cửa Phật lại để khởi lòng tham và lòng dục, cầu khấn, mặc cả đủ điều. Và theo đó, các dịch vụ đua nhau mọc lên, thùng công đức lập ở khắp nơi, người ta đua nhau trục lợi tín ngưỡng, tâm linh. Cả không gian linh thiêng nơi cửa chùa trở thành cái chợ. 
Những nhà quản lý đã và sẽ lý giải việc bán vé vào chùa là để “tái đầu tư”, phục vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích. Xưa nay, việc góp công, góp của tô tượng, đúc chuông là việc làm công đức, tạo phước của chúng sinh. Hàng nghìn ngôi chùa đã được xây dựng, tu bổ bằng cách đó mà không cần phải bán vé.
Nay tổ chức bán vé chẳng khác gì cách BOT nơi cửa Phật. Cứ đà này, nếu số tiền dần tăng lên thì chẳng lẽ chỉ người có tiền mới được đến cửa chùa. Người nghèo chẳng lẽ chỉ đứng trước cổng chùa mà bái Phật? Không lẽ đến với Phật, tâm không thôi chưa đủ mà phải có tiền? Đức Phật chưa bao giờ dạy chúng sinh như vậy.

...
Lý do thu phí liệu có thuyết phục?

Theo Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử (BQL), khoản phí thu được sẽ chi 20% để đảm bảo hoạt động của bộ máy BQL, 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước. Số nộp ngân sách này để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử. Cụ thể, số tiền này sẽ chi cho quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường...
Trả lời VNN, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp cho biết giá vé hiện hành đã được tỉnh cân nhắc, bàn bạc thông qua HĐND tỉnh rất kỹ. Tỉnh không thể xem xét để giảm mức thu xuống thấp hơn được. “Về sự công khai, minh bạch nguồn thu, tỉnh đã có chính sách rõ ràng. Số tiền thu được dùng vào đầu tư hạng mục công trình gì sẽ được tỉnh Quảng Ninh niêm yết công khai, minh bạch” - ông Hợp nói.
Nói về việc này, ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên cán bộ ngành văn hóa, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, cho rằng Yên Tử là nơi tâm linh lớn nhất Quảng Ninh nên việc thu phí ở đây là không hợp lý. “Người dân khi đi lễ chùa thường có tiền công đức, đây là nguồn tiền dùng để tu bổ di tích. Du khách đến vịnh Hạ Long là để du lịch, còn đến Yên Tử bằng cái tâm và để cầu nguyện” - ông Duyệt nói.
Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Việc thu phí vãng cảnh chùa Yên Tử là quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Vừa qua GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cũng có góp ý về vấn đề này nhưng không được tiếp thu, họ cho rằng thu phí để góp phần trùng tu tôn tạo chùa. Tuy nhiên, trong bao năm qua, việc trùng tu tôn tạo chùa đều lấy kinh phí từ quỹ xã hội hóa GHPGVN tỉnh huy động nguồn từ công đức nhân dân. Tiền phí này chủ yếu phục vụ mục đích quản lý của chính quyền”.
Để hợp lý, Đại đức Thích Đạo Hiển cho rằng người dân dùng dịch vụ gì thì trả phí dịch vụ đó, nếu thu thêm phí vãng cảnh sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí. “Người dân đi lễ Phật để bày tỏ niềm tin. Họ đi lễ thể hiện đức tin với Phật nhưng lại yêu cầu họ nộp phí vãng cảnh là bất hợp lý. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng nhưng không được tiếp thu” - Đại đức Thích Đạo Hiển nói.

Xuân Hùng