Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Cuộc đời của sen


" Sen tàn, Cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn Đông đà sang Xuân "
- Nguyễn Du -




CUỘC ĐỜI CỦA SEN

Thời gian như bay, sen bắt đầu già. 
     Sen thấy hồng nhan thay sắc, da dẻ dần dần mất đi vẻ bóng mịn; sen cho là tài hoa không trở lại, cuộc đời như bóng ngã về tây, cảm thấy bi ai sợ hãi. Lẽ nào cuộc sống kết thúc không tiếng tăm, không hơi thở như thế này sao? Đâu là những vẻ vang ? Đâu là những tiếng vỗ tay ?
     Nó cầu cứu với Đấng tạo hóa, Ngài nhìn nó dịu dàng nói:
-    “Này con, đây là con đường mà mỗi sinh mệnh phải đi qua”.
     Sen vẫn phản kháng đến cùng:
-    “Nhưng không phải Ngài nói sinh mệnh là vĩnh hằng sao?”
     Đấng tạo hóa khẽ cười:
-    “Huyền diệu của sinh mệnh là ở đây: không có sống thì không có chết, không có chết thì không có sống”.
     Trong mình thế lực đang tàn tạ, ngã lòng, dung nhan đẹp đẽ  sen đã bị tróc ra tàn rụng. Trong tuyệt vọng vô cùng, sen đột nhiên phát hiện nhụy hoa nho nhỏ tự thành hình trong nó, hoa sen bắt đầu hiểu rõ lời của Đấng tạo hóa: chỉ có đi qua sự chết, mới có thể trở lại sự sống.
     Sau khi cánh hoa cuối cùng theo gió mà đi, sen đã hài lòng, nở một nụ cười mà tạ thế.
     Đầu xuân năm nay, trong đầm nước mọc lên vô số là hoa sen mới, mát mẻ không bẩn, tiếp tục đón nhận một mùa phong tao.

Hạnh Lâm Tử
Nhân Tài biên dịch

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Thời Hoa Đỏ - ca sĩ Lệ Thu

 

Sau bài hát rồi em lặng im  
Cái lặng im rực màu hoa đỏ  
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em 
...

Thời hoa đỏ


Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say





Thời hoa đỏ
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng chịu cho lòng ta yên
Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê của thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em
Anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha 
thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim.
Sau bài hát rồi em lặng im 
Cái lặng im rực màu hoa đỏ 
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em 
Sau bài hát rồi em như thể 
Em của thời hoa đỏ ngày xưa 
Sau bài hát rồi anh cũng thế 
Anh của thời trai trẻ ngày xưa.

1972
Thanh Tùng

* Thanh Tùng (tên thật là Doãn Tùng) sinh ngày 7/11/1935 tại Mỹ Lộc, Nam Định, nhưng trưởng thành tại thành phố Hải Phòng. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông đều viết về thành phố Hoa phượng đỏ.
Cuộc đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm. Ban đầu ông làm nghề khuân vác trên bến cảng Hải Phòng, sau đó chuyển sang làm công nhân đóng tàu. Có thời gian dài ông làm nghề áp tải. Thời kỳ bài thơ "Thời hoa đỏ" được phổ nhạc, ông bán sách trên vỉa hè sau khi thôi làm công nhân đóng tàu.
Trong nhiều năm sáng tác thơ, Thanh Tùng lặng lẽ và ít xuất hiện trên báo chí như là “người của công chúng”. Tuy nhiên, ông có những bài thơ được phổ nhạc trở nên rất nổi tiếng như Thời hoa đỏ (nhạc Nguyễn Đình Bảng), Hà Nội ngày trở về (nhạc Phú Quang)...
Sở dĩ Doãn Tùng lấy bút danh Thanh Tùng vì ông thương người em ruột tên là Thanh mắc bệnh tâm thần, nên đem tên em đặt vào trước tên mình.
Thanh Tùng là người dễ xúc động và mau nước mắt, ông còn có biệt tài ứng khẩu thành thơ . Khi mới vào TP.HCM, đang ngồi bia hơi vỉa hè, có một cháu bé mời mua vé số, sờ túi không có tiền để mua nên ông khóc ngon lành. Ngay sau đó, ông ứng khẩu bài thơ, được một bạn thơ ghi lại, rằng: 

“Tôi khóc vì không có tiền mua vé số. 
Mua cho tôi một niềm may. 
Mua cho em một niềm vui. 
Và biết đâu mua cho em một tấm vé vào đời”. 

Thanh Tùng thời hoa đỏ bụi đường và nỗi đam mê

Tôi quen Thanh Tùng vào một chiều mùa hè năm 1965 với cách làm quen rất bộc trực của anh. Tôi đang sinh hoạt với các bạn Đoàn ca múa nhạc Hải Phòng, nơi tôi vừa được chuyển về đây công tác thì cô thường trực vào báo có người muốn gặp.
Hơi ngạc nhiên, mới chân ướt chân ráo đến Hải Phòng, mình đã  quen ai ở thành phố này?  Ra cửa, tôi càng ngạc nhiên thấy một thanh niên trạc ba mươi tuổi, gương mặt khôi ngô nhưng đôi mắt có một ánh sắc lạ, mặc bộ đồ bảo hộ lao động còn lem nhem vết dầu máy, chừng như anh vừa tan ca ở một xí nghiệp nào đấy!  Anh tiến lại, bắt tay tôi:
- Tôi xin hỏi, anh có phải là anh Vân Long, ở Hà Nội về?
Đó là Doãn Tùng, làm thợ nguội ở xí nghiệp Cơ Khí Kiến thiết. Lúc đó anh chưa làm thơ, chỉ là một độc giả đang quan tâm đến thơ, khi làm thơ mới lấy bút danh Thanh Tùng.
... Thanh Tùng lại là người đưa tôi đến, rồi gần như thường xuyên cùng tôi, tối nào cũng có mặt ở nhà anh Đào Cảng, ngay cạnh nhà Đào Cảng lại là Trần Lưu, hai nhà thơ trẻ trực tiếp làm việc trong các xí nghiệp, sau được coi là lớp nhà thơ chống Mỹ đầu tiên, đồng thời là những hạt nhân đầu tiên của “văn học công nhân” Hải Phòng. 
Nhà hai anh trở thành tụ điểm sinh hoạt của giới thơ. Những bạn sở tại gồm Lê Điệp, Nguyễn Bài, Trịnh Hoài Giang, Thi Hoàng. Nguyễn Thanh Toàn (nhà giáo mới được giải Nhì  thơ viết cho thiếu nhi của báo Văn Nghệ), Hoàng Hưng (dạy văn trường cấp III An Dương, giải Ba thơ báo Văn Nghệ năm đó), Nguyễn Khắc Phục (thủy thủ đoàn tàu Giải phóng, lúc đó chỉ làm thơ). 
...Từ sau lần gặp đó, Thanh Tùng bị lôi cuốn vào những cuộc đọc thơ, trò chuyện về thơ, về đời… Rồi anh làm thơ. Ngay từ những bài đầu, thơ anh đã mang một khí chất riêng, như hơi thở bật ra từ tính cách lộ cộ, thô tháp, bộc trực của con người anh, thơ bật ra từ lao động nặng nhọc, anh phải quai búa năm cân mười cân hàng ngày vào những thanh sắt. 
Nếu Phùng Quán phải viết thơ “trên giấy có kẻ dòng” để nói sự thẳng thắn của mình thì chỉ Thanh Tùng là nhà thơ duy nhất làm thơ bằng phấn trên các tấm tôn, lúc lao động chẳng có giấy bút gì, mà đang cầm búa lại lúi húi viết thì cũng kỳ, tiện viên phấn đánh dấu sản phẩm, “ký hiệu” cảm xúc bằng những chữ viết tắt, rồi học thuộc. Tan hoà trong đời sống người thợ, anh mới có những chi tiết thơ này:
Tôi bước lẫn những tấm lưng hầm hập
Thấy mặn lòng từng vệt muối trắng vai ai
Thơ anh thường viết một mạch, ít sửa chữa, ít vần nhưng đầy hình tượng, khí thơ mạnh mẽ lôi cuốn mà vẫn trữ tình…
Lần đầu tôi đưa Thanh Tùng lên Hà Nội, thăm nhà thơ Xuân Diệu. Thanh Tùng đã đưa cuốn sổ chép những bài thơ mới viết cho nhà thơ đàn anh xem. Tôi cũng lặng im hồi hộp chờ nghe sự phán xét của ông. Bất ngờ ông quay lại gườm gườm đôi mục kỉnh:
- Cẩu…cẩu (cậu) lấy vợ chưa?
Thanh Tùng ngạc nhiên lúng túng:
-  Dạ thưa anh, em chưa ạ! 
-Thế thì về lấy vợ đi!
Và ông không nói một lời nào về thơ Thanh Tùng nữa. Ông hỏi tôi về những chuyện khác ở Hải Phòng. Đến nay, tôi và Thanh Tùng vẫn chưa “giải mã” được câu nói đó. Thơ dở quá nên về làm cái việc bình thường là lấy vợ, hay ông luôn bị các nhà…tập làm thơ quấy rầy, buộc phải có cách “trả lời mà không trả lời” như trên.
Thanh Tùng về Hải Phòng, không biết có bực gì không, nhưng anh nghe lời bậc đàn anh: Lấy vợ.
Việc “trăm năm” của Thanh Tùng bao giờ cũng được quyết định nhanh gọn, bất ngờ. Tôi nói vậy, bởi anh không chỉ lấy vợ một lần.
Nhờ chị Nhàn, anh đã sống một thời gian có thể gọi là hạnh phúc của một người có gia đình. Trước đó, phải nói là một kiểu sống lam lũ, tạm bợ. Anh sống với cậu em ruột bị mắc bệnh tâm thần. Chăn màn lẫn với quần áo bộn bề, cạp lồng chưa rửa và bát rếch để đến bữa sau là chuyện bình thường. 
Lại còn một bi kịch thường xuyên xẩy ra: Mỗi lần lên cơn, cậu Thanh hay đánh trẻ con và người qua đường đến thành thương tích. Lúc ấy, ông anh phải ra tay quần nhau với cậu em. Trói được cậu em khoẻ như vâm thì ông anh cũng kiệt sức.  
Có đêm 30 Tết, Thanh Tùng giải cậu em ra một bệnh viện tâm thần ngoại thành, qua cánh đồng  mưa hun hút lạnh. Nửa đường, cậu Thanh dứt cơn, mà lúc đó cậu lại hiền khô, rất dễ thương (Thanh từng là sinh viên năm thứ hai Tổng hợp văn). Thanh thủ thỉ hỏi anh: “Anh ơi! Em nhớ hôm nay là 30 Tết, người ta thì về sum họp gia đình, sao anh lại trói em đưa đi đâu thế?” Câu hỏi khiến gỗ đá cũng phải rơi nước mắt. Những năm chiến tranh bom đạn bời bời, cậu Thanh bỏ nhà đi đâu biệt tích...
Vợ chồng Thanh Tùng đặc biệt hay cãi nhau về …thơ trong bữa ăn.Tôi luôn phải làm nhiệm vụ  hòa giải mỗi khi gặp nghịch cảnh đó. Chị Nhàn luôn phản ứng với thơ bỏ vần của chồng. Ngay cả khi anh được giải thưởng chính thức Văn học công nhân của Tổng Liên  đoàn lao động Việt Nam đến hai lần. Chị bảo nếu thơ có vần, chắc được giải cao hơn (!).
Về Thanh Nhàn, tôi giữ nguyên ấn tượng buổi đầu gặp chị. Chị mặc chiếc áo lụa màu gụ làm nổi bật nước da trắng hồng và đôi mắt bồ câu lúc nào cũng anh ánh như có ngấn nước. Với sắc đẹp nổi tiếng hoa khôi một thời của Hải Phòng, tôi không ngờ chị đã ba con và hai đời chồng. 
Lấy chồng lần đầu mới 17 tuổi, sinh được một con trai, bị đối xử thô bạo, chị rời Quảng Ninh trở lại Hải Phòng. Đời chồng thứ hai được hai con gái cũng buộc phải ly hôn vì lý do tương tự.  Ai ngờ một cuộc đời truân chuyên đến vậy, táp vào cuộc sống lam lũ của Thanh Tùng, lại bù đắp cho nhau thành chuỗi ngày hạnh phúc. Tôi còn giữ được tấm ảnh hai vợ chồng Thanh Tùng cùng hai đứa con một trai, một gái kháu khỉnh, xinh đẹp!
Nhưng với hai con người này, hạnh phúc cứ chập chờn như ảo ảnh. Trước khi Nhàn nhận lời lấy Thanh Tùng (người đã ngỏ lời với chị như một tia sét, khi chị chưa hiểu gì về anh) Nhàn đã nói với tôi: “Nếu anh Tùng sau này đối xử với em thô bạo như cả hai đời chồng trước cộng lại, em cũng phải cắn răng mà chịu, không thể thay đổi được nữa. Em đã quá biết thế nào là sống một mình, khi người đàn bà có chút nhan sắc…”.
Quả vậy, mấy năm người phụ nữ ấy sống một mình, đã nhận được những cực hình của dư luận, bởi những người đàn ông bất xứng luôn vây quanh, o ép chị. Không ai định tính chuyện lâu dài với chị, mà chỉ muốn lợi dụng những cơ hội…    
Nhưng số phận đã không cho chị giữ được quyết tâm trên. Thanh Tùng không thô bạo mà ngược lại, buộc phải gượng nhẹ với chị, bởi chị bị bệnh tim khá nặng, bác sĩ khuyên “phải tiết chế trong đời sống vợ chồng”.  Mấy năm chị làm chủ một Kiốt bán sách báo, nhan sắc còn mặn mà của chị vẫn thu hút một vài người hay lui tới. Thanh Tùng ghen dữ dội, và họ lại chia tay nhau. Xa nhau, Thanh Tùng vẫn lo lắng: Liệu “người ta” có biết giữ sức khỏe cho Nhàn? 
Người phụ nữ này đã từng làm Thanh Tùng dịu đi những gì thô ráp, làm trong lại những gì bụi bậm trong anh, nhưng chính chị đã cho anh biết những đau khổ lớn của kiếp người: Yêu đến man dại và ghen đến điên cuồng. Khi hai người chưa chia tay nhau, lòng ghen ấy hướng về quá khứ. 
Lúc tình yêu thăng hoa nhất, vẫn len lỏi một bóng mờ dĩ vãng của mối tình đầu “Trong câu thơ của em/ anh không có mặt”…Họ đã qua mối tình đầu dại khờ thời trẻ, nhưng mối tình đó ai ngờ lại là bất tử…Trong trạng thái ấy, bài thơ Thời hoa đỏ ra đời. 
Mỗi người trong cuộc tình đều bị cánh hoa mang lửa này đặt một “vết xước vào trái tim”, vết thương tinh tế mà sắc lẻm, nỗi đau không trào máu mà rỉ máu…Nỗi buồn của Thời hoa đỏ khá cao thượng: Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say.  Nếu anh thổ lộ chân thành Anh biết mình vô nghĩa đi bên em khi em hát lên mối tình xưa thì không phải anh ghen, mà anh chấp nhận như chấp nhận một quy luật, một lẽ đời vốn thế! 
Bởi tiếng hát hoài nhớ một thời cũng đánh thức chính kỷ niệm của riêng anh: Sau bài hát rồi em như thể/ Em của thời hoa đỏ  ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa. Thanh Tùng đã ghi lại được tình yêu, tình người muôn thuở với một khí vị mới mẻ, chân thành, tha thiết… 
Bài thơ này được công bố, như một “đứa con lạc loài” ở thời điểm ra đời của nó. Điều này không nhiều người để ý, hoặc biết rồi lại quên đi, người đọc thơ, người nghe hát chỉ cần tọa hưởng bài thơ hay của Thanh Tùng hoặc ca khúc phổ nhạc của Nguyễn Đình Bảng…
Tôi nhớ bài thơ được in ngay trên tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Điều này độc giả nên nhớ đến công của nhà biên tập thơ Phạm Ngọc Cảnh, đã “không nỡ” để bài thơ hay đó chìm trong bóng tối, dám chịu trách nhiệm khi cho in. Sự đón nhận của công chúng cũng khác thường. Bình thường thì một sự “lạc điệu” như vậy không thể qua mặt một số cây bút phê bình. Nhưng hình như họ cũng lặng lẽ ghi nhận, không phản ứng gì. 
Một phần hẳn cũng do tạp chí Văn Nghệ Quân đội là tờ báo lớn, có uy tín chính trị lâu đời, hoặc cũng có thể bài thơ với tình người chân thành cũng động tới nỗi riêng tư kỷ niệm của chính họ? Bây giờ lùi xa vài thập kỷ ta càng thấy, đó là nỗi khát cuộc sống thời bình với những nhu cầu tinh tế, mọi trạng thái cảm xúc của con người muốn được bộc lộ và đáp ứng! 
Mọi người đều nương nhẹ với một vật thể mỏng manh dễ vỡ, tấm gương trong vắt vô tội ai soi cũng thấy tuổi trẻ , tình yêu của mình trong đó, những câu thơ đẹp đến nao lòng, rỉ máu: Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ… Bài thơ cứ thấm dần trong mạch đời, cho đến khi gặp được sự cộng hưởng, đồng điệu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng thì nó oà ra, bừng nở với sự tiếp nhận được nhân lên rộng rãi qua sóng phát thanh…
Những gì làm nên bài thơ đó, có cả những sự việc rất cụ thể mà do gần gũi với tác giả, tôi được biết. Nhớ hôm nghe tin Mỹ ném bom hủy diệt Hòn Gai, chị Nhàn như điên lên vì lo lắng cho đứa con trai đầu của chị đang sống với bố nó ngoài đó. 
Chị nhất quyết phải ra Hòn Gai, xem nó có mệnh hệ gì? Thanh Tùng can không được, không thể để vợ đi một mình giữa lúc bom đạn.  Hai vợ chồng đi nhờ một chiếc xe vận tải quân sự, ban đêm, được thả xuống giữa một đống ngổn ngang vôi gạch, trước kia là thị xã Hòn Gai. 
Không một bóng người để hỏi thăm. Lần ra đến bờ Vịnh, may lại gặp một người quen sắp bơi thuyền ra thăm người nhà đang sơ tán ở một vòm hang ngoài Vịnh, gần hang người chồng cũ của Nhàn trú ngụ.Vợ chồng Tùng được đưa đến cửa hang, vẫn là một quang cảnh hoang lạnh không người, nhìn sâu vào mới thấy leo lét một ngọn đèn hạt đỗ. Chị Nhàn nhất định không cho anh vào cùng, để khỏi kinh động những người trong đó. Chị vào, và mất hút mấy tiếng đồng hồ. Thanh Tùng chỉ thiếu nước phát điên lên vì chờ đợi. Gần sáng, anh phải xông vào. Dưới ánh sáng tù mù, vợ anh đang ôm đứa con ngủ ngon lành…           
Chị Nhàn là con người đầy đam mê nhưng là một người mẹ hết lòng với con. Khi đứa con trai đầu của chị đã thành người lớn, được tin con đang gặp khó khăn trong đời sống, chị liền để lại quán sách ở Hải Phòng, ra Hòn Gai thuê  một căn nhà nhỏ lưng chừng núi mở quán nước nghèo để được gần gũi, giúp đỡ con.   
Một cơn đau tim đã chấm dứt mọi nỗi đau, đến lúc chết cũng không một người thân bên cạnh, cái chết chênh vênh bên sườn dốc như biểu tượng cho cuộc đời truân chuyên của chị…Thời điểm ấy thật dễ nhớ: Đang dự Đại hội nhà văn IV ở Hà Nội, Thanh Tùng nhận được điện báo, nhưng về đến Hòn Gai thì xóm giềng đã lo xong tang ma cho chị.
Có một thời gian, Thanh Tùng nuôi con bằng …nắm đấm. Đó là nhái cách nói của nhà thơ Trần Nhuận Minh viết về anh trong bài Nhà thơ áp tải. Anh nhận việc đi bảo vệ những chuyến xe chở các mặt hàng điện tử cho một cơ quan. “Đất nước có một thời/ Kẻ gian nhiều như nấm/Không ngờ một nhà thơ/Lại sống bằng... …nắm đấm”. (Trần Nhuận Minh). Có đêm giao hàng ở kho Đức Giang xong, nhớ bạn bè, anh đã cuốc bộ một mạch về Hà Nội, vừa kịp sáng để uống với tôi một ly cà phê nóng.
Dư thừa sức lực vẫn không mang nổi sự cô đơn. Một hôm, anh đưa về nhà một người phụ nữ  khoẻ mạnh, đâu cũng trôi dạt từ Thái Bình, Nam Định về thành phố kiếm sống, anh thông báo cho bạn bè: Anh đã có vợ. Tôi chưa kịp biết mặt chị. Chị chỉ sống với Thanh Tùng ở khoảng giữa hai lần tôi xuống Hải Phòng, mà không năm nào tôi không về Hải Phòng thăm bạn một hai lần. Nghe đâu sau đó chị phải trốn khỏi Hải Phòng vì một món nợ cũ!
Có lần nghe tin chị đang ở TPHCM, Thanh Tùng tìm vào, chị vẫn lần hồi kiếm sống, chưa có một chỗ trú ngụ. Họ tái ngộ một đêm trên vỉa hè thành phố, rồi cái khó bó cái khôn, không có cách giải quyết nào khác, Thanh Tùng lại trở về với hai con.
Mùa hè 1993, tôi về Hải Phòng, đến thăm căn buồng của anh, đứa con trai đã lớn, đã tự lập được bằng chiếc tủ bán băng đĩa ở một nơi xa. Cô con gái theo bà dì vào TPHCM học nghề uốn tóc. Thanh Tùng lại trở về cuộc sống độc thân như ngày xưa. Căn buồng lại loạn xà ngầu chăn màn không cần gấp, bát đĩa không buồn rửa, lại cho mấy bà bán hàng gửi hàng nhờ. Thanh Tùng vặn quạt máy tiếp bạn, bụi mù căn phòng. Chúng tôi đành mang chiếu ra ngủ ngoài sân để đỡ công thu dọn. Nhân đó tôi có mấy câu thơ tặng Thanh Tùng: Hai nhăm năm/ Vợ đã dưới mộ/Con thành chim bay/Còn cái tổ/ Bụi của hạnh phúc/ Quẩn lên ở góc phòng này.(Cái tổ không) .          
Chính cảnh sống bụi bậm ngay trong nhà mình đó đã động lòng bè bạn, tôi tin là ngay tại Hải Phòng cũng có nhiều đám mối manh cho Thanh Tùng, nhưng phải duyên thì có cách ngoài nghìn cây số, con ngựa giống hăng hái như Thanh Tùng cũng coi chẳng là…cái đinh! Chính bà mối vợ nhà thơ Hoàng Hưng tận TPHCM đã thành công trong việc giúp đỡ bạn chồng.
Hồi đó tôi còn ở căn gác nhỏ phố Bà Triệu, nhìn sang Đài Phát thanh TNVN. Tự nhiên thấy Thanh Tùng xuất hiện, Thanh Tùng tự nhiên xuất hiện là chuyện tất nhiên, có bao giờ anh phải báo trước với ai là anh sẽ đến! Nhưng có cái lạ là thấy anh ăn mặc có vẻ diểm dắn hơn mọi khi, mà chỉ vì chiếc áo sơ mi trắng. Cái lạ thứ hai là anh dẫn theo một người phụ nữ, tuổi không còn trẻ nữa, mà quyết không phải là người trong giới nghệ sĩ. Có một vẻ gì như hơi bồn chồn, hơi bức xúc cố ghìm nén ở chị.
Có điều lạ nữa là chị hỏi chuyện gia đình tôi khá kỹ, hơn cả sự quan tâm xã giao bình thường, xem vợ chồng tôi làm việc ở đâu, con cái học hành ra sao. Vẻ bồn chồn dịu dần đi, khi biết hai đứa con tôi đều đang học Đại học trong nước và ngoài nước. Nhất là khi tôi nhắc lại kỷ niệm những năm tôi là cán bộ văn hoá ở Hải Phòng, thường làm việc với cụ Doãn An, thân sinh Thanh Tùng, phong độ như một nhà nho, lại là một tác giả kịch bản xuất sắc viết về đời sống thợ thuyền, mắt chị sáng lên một ánh khác lạ! 
Sau tôi mới rõ câu chuyện: Dưới sự xếp sắp của chị M. phu nhân nhà thơ Hoàng Hưng, mẹ con người bạn chị giới thiệu sẽ ra Hà Nội, ở nhà một bà bác. Thanh Tùng sẽ phải đến chào, làm quen. Khi bà mẹ và chị  ưng ý, cụ Doãn An sẽ tới thay mặt nhà trai chính thức đặt vấn đề với bà mẹ chị. Mọi việc phải diễn ra trong vòng mươi ngày nghỉ phép của chị.
Nhưng vốn là một gia đình từ Hà Nội vào sinh sống trong Nam, có rất nhiều mối quen biết ở Hà Nội, Hải Phòng nên vừa đến Hà Nội, chị đã nhận được nhiều thông tin từ Hải Phòng dội lên, mà hình như đều là những thông tin ... không có lợi cho Thanh Tùng. 
Vậy là phải tự mình thẩm tra! Trong lần thứ hai gặp Thanh Tùng, đột nhiên chị hỏi: “Anh có bạn thân ở Hà Nội không, chúng ta đến thăm bạn của anh, được chứ ?” Và thế là từ phố Huế, mấy bước chân là đến nhà tôi. Tôi trở thành nhân chứng cho tư cách của nhà thơ vốn chịu nhiều điều tiếng. Đến ngày nhà trai hẹn đến thì cụ Doãn An bị mệt không lên Hà Nội được. “Thì anh xem có ai ở Hà Nội đủ tư cách thay mặt gia đình anh?” Thanh Tùng nghĩ ra ngay một người, mà chưa kịp nói hết câu đề nghị, người ấy đã reo lên: “A! Hay quá! Đi hỏi vợ cho Thanh Tùng hả? Tuyệt vời! Tuyệt vời! Tôi ký cả hai tay!”.
Và nhân chứng thứ hai xuất hiện: Đích thân ông Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam đi hỏi vợ cho hội viên của mình!                 
Thế là “xuất giá tòng…thê”, Thanh Tùng lấy vợ, nhập cư nơi ở mới gần cùng thời điểm cháu Hương, con gái Thanh Tùng, cũng được nhận vào làm ở một hãng Mỹ phẩm tại TPHCM.  Bạn thơ Nguyễn Vũ Tiềm, tổng biên tập Tài hoa trẻ mời anh làm một chân biên tập báo. 
Bước vào cuộc sống mới cũng là bước vào mối hoài niệm dằng dặc khôn nguôi với cái thành phố tuy không phải quê gốc nhưng đã sinh ra anh ở phần hồn, phần sự nghiệp. Anh đã trưởng thành trên từng viên gạch hè đường, từng đau khổ vật vã  như cây cỏ dưới cơn bão số 6 năm ấy.
Thế mà do phải bươn chải với cuộc sống, với niềm hy vọng mong manh về một hạnh phúc mới, đã phải rời bỏ Hải Phòng, rời bỏ từ Tiếng búa khắc vào hồn phố/ Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường…Anh bộc bạch chân thành: (Nơi) tôi đã bị ít nhiều phản phúc/ Sao bây giờ thành nỗi nhớ thương sâu!
Giọng thơ Thanh Tùng là tiếng thơ trực cảm, chỉ có cái tôi trữ tình nói trực tiếp với người đọc, không cần thông qua một sự bầy đặt nào của nghệ thuật, cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu của khái niệm này. 
Trái tim thi sĩ đầy nội lực của anh ứ tràn ra những câu thơ, dù chỉ tả cảnh thôi mà khiến người đọc choáng váng cùng anh: Trong những vòm cây vun vút chuyển màu/ Trong những vạt bụi bồng bềnh ảo giác/Chóng mặt khi bất ngờ đổ xuống/Cả một trời vô tận sắc vàng
Con người thô tháp mà tinh tế không chỉ một lần cảm thấy: tôi rỗng ra/ như chiếc chai đêm qua còn lăn lóc trên bàn…Anh đang cô đơn day dứt nhớ cái thành phố đầy ắp một thời hoa đỏ: Muốn rời đi, muốn trở về.Lo âu ngổn ngang khắp phía/ Mặt phố chòng chành như bể/ Mặt người sắc lạnh hoang vu…Một mình với bao chờ đợi/ Mà như chẳng đợi chờ chi!
Nhưng tôi biết với sức sáng tạo còn nóng hổi, chính những nỗi nhung nhớ dằn vặt ấy cũng là một dòng mới của thơ anh, con người thi sĩ sống bản năng, bản thể suốt đời…
Vân Long

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Hội nghị phụ huynh


Tôi cứ đắn đo mãi không biết có nên đi họp phụ huynh hay không. Đi thì chẳng biết nói gì. Mà giả dụ có gì muốn nói, thì chưa chắc tôi dám mở miệng. Vì tính tôi không quen nói trước chỗ đông người.
Tuy vậy, cuối cùng tôi cũng dẹp được những nỗi băn khoăn và quyết định đi. Đến nơi, cuộc họp đang vào lúc sôi nổi nhất.
Tôi khẽ mở cửa, rón rén bước vào phòng. Thấy tôi vào, một bà tỏ vẻ khó chịu, đứng dậy bảo:
– Quí ông đến muộn rồi đấy, thưa quí ông!
Tôi ngượng đến chín cả mặt, ấp úng đáp:
– Thưa vì nhà tôi đến đây không tiện đường. Tắc xi chuyến không chạy, mà ô tô buýt cũng không có.
– Đó không phải là việc mà ban giám đốc cần biết!
Tôi không hiểu bà ta định nói ban giám đốc nào? Ban giám đốc công ty xe điện hay ban giám đốc công ty xe khách?
– Cái mà ban giám đốc mong các vị phụ huynh lưu ý cho nhất là việc con em họ thường xuyên đi học muộn. Giờ học bắt đầu từ 9h, nhưng…
– Tôi đề nghị phải cấm các nữ sinh đi bít tất ni lông! – Một bà trong số phụ huynh bỗng đâm ngang một câu – Và không phải chỉ các nữ sinh, mà cả các bà có tuổi nữa!
– Tôi tán thành ý kiến của bà vừa phát biểu đấy! – tôi cũng đế theo một câu mà chính mình cũng không ngờ.
Thú thực trong đời tôi chưa từng thấy cặp chân nào xấu như cặp chân của bà phụ huynh này. Nó vừa cong như cái đòn gánh, mà phần cổ chân lại to hơn phần bắp. Đi tất dày mà vẫn trông rõ cả những đường gân to tướng.
– Tất cả nữ sinh phải bắt mang tất dày màu đen hết! – Tôi tiếp thêm, mắt vẫn không rời khỏi đôi chân bà phụ huynh.
Không hiểu tại sao bỗng dưng tôi lại dính vào chuyện tất tai này thế không biết? Lúc ở nhà đi tôi đã định không nói gì cả. Một ông ăn vận sang trọng bỗng đứng phắt dậy, nói như hét:
– Chúng ta còn có nhiều vấn đề quan trọng khác cần phải bàn, chứ cái chuyện tất tiếc đấy chỉ là chuyện vặt thôi! Trước hết chúng ta phải bàn đến chuyện dạy sinh ngữ. Theo tôi, tất cả các môn phải dạy bằng tiếng Đức hết! Tôi đã từng ở bên Đức nên tôi biết. Bên ấy người ta dạy trẻ con môn gì cũng bằng tiếng Đức cả!
Vẫn mặc cảm mình là người có lỗi, nên để chuộc lỗi, tôi hăng hái hùa theo:
– Tuy chưa sang Đức nhưng tôi cũng tán thành ý kiến của ông vừa phát biểu là chúng ta phải dạy học bằng tiếng Đức. Chắc các vị muốn hỏi tại sao? Xin thưa rằng vì chính người Đức là người đã đem lại triết học và khoa học, văn minh cho toàn thế giới. Chúng ta phải biết ơn người Đức. Nếu như trẻ em Đức không học tất cả các môn bằng tiếng Đức…
– Thưa ông – Một ông đeo kính ngắt lời tôi – ý kiến của ông đã ra ngoài cuộc họp rồi! Dạy học bằng tiếng gì là việc của Bộ chứ! Còn ở trường chúng tôi, như ông biết đấy, cũng có dạy tiếng Đức. Nhưng hôm nay chúng ta họp ở đây là để thảo luận về vấn đề liên lạc giữa ban giám đốc và phụ huynh.
– Thế một tuần có mấy giờ tiếng Đức? – ông ăn mặc sang trọng hỏi.
– Cái đó tuỳ theo mỗi lớp – ông đeo kính đáp – lớp 1 là 6h, còn lớp 7 là 8h…
– Thế thì ít quá!
– Ít quá! – tôi chêm vào.
– Cái chính là phải cấm đá bóng trong trường – Một ông có tuổi ngồi dưới phòng bỗng kêu lên – Nếu không tháng nào cũng mua giầy mới thì đào đâu ra tiền!
– Ơ hay! Nhưng con gái chúng nó có đá bóng đâu! – Một bà tóc hoa râm phản đối ngay lập tức.
– Nhưng tụi con trai nó đá! – ông có tuổi vẫn bướng.
– Tại sao lại dính đến chuyện con trai ở đây? Trường này là trường nữ sinh cơ mà!
– Trường nữ sinh à? Thế ra đứa cháu gái tôi học ở đây ư? Thế mà tôi cứ ngỡ là…
Muốn trường gì thì trường, cứ là phải cấm đá bóng! Trẻ con bây giờ quên hết cả truyền thống của cha ông…

– Cái đáng lo nhất là con em chúng ta hay bỏ học – Một bà giáo lên tiếng – Các vị phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến chuyện này mới được!
Ông ngồi cạnh tôi hỏi:
– Không biết bao giờ mới bắt đầu dạ hội nhỉ?
– Không biết – tôi đáp – ông hỏi ông hiệu trưởng xem!
– Hiệu trưởng là ông nào?
– Tôi cũng không rõ… Nhưng trông ba ông kia ông nào cũng giống hiệu trưởng cả…
Ông ngồi cạnh tôi bèn quay sang một ông có dáng điệu rất bệ vệ ngồi sau dãy bàn của ông giám đốc:
– Thưa ông hiệu trưởng, bao giờ thì bắt đầu dạ hội ạ?
– Ông hiệu trưởng đâu nhỉ? – ông này đưa mắt nhìn quanh hỏi:
– Ông hiệu trưởng ốm, không có ở đây – bà đeo kính trả lời.
– Thế bao giờ mới bắt đầu dạ hội ạ? – ông ngồi cạnh tôi lại hỏi.
– Làm gì có dạ hội nào mà dạ hội? – bà đeo kính ngạc nhiên.
Ông bên cạnh tôi ngượng quá ngồi xuống, đoạn quay sang bảo tôi:
– Hừm!… Về nhà tôi cho con ranh con một trận mới được! Nó láo quá đi mất!
– Tôi không hiểu ông định nói gì? – tôi đáp.
– Cái con mất dạy nó bảo hôm nay ở trường nó có dạ hội và cứ nằng nặc đòi tôi đi dự. Nó còn bảo là chúng nó sẽ múa điệu Khácmanđalư nữa! Vợ tôi đang có mang không đi được, nên tôi phải đi thay.
Trong khi đó, cái bà đòi các nữ sinh phải mang bít tất dày màu đen cứ ra sức tuyên truyền để lôi kéo thêm đồng minh cho mình. Cái ông đòi phải dạy các môn bằng tiếng Đức thì cứ bô bô kể chuyện đời sống bên Đức. Một ông còn trẻ ngồi bên trái tôi quay sang hỏi:
– Xin lỗi, ông có biết người ta nói gì không ạ? Tôi chả hiểu gì hết!
Tôi nói vắn tắt lại cho ông ta biết những ý kiến trái ngược nhau trong cuộc họp.
– Ông cụ này thì đề nghị cấm trẻ con chơi đá bóng và phải giáo dục chúng theo truyền thống cũ. Bà giáo kia thì than phiền về việc học sinh trốn học đi chơi. Còn bà này thì…
– Làm thế nào ra khỏi đây bây giờ nhỉ? Tôi bị nhầm mất rồi! Mấy ông bạn chơi xỏ tôi. Họ không nói rõ cho tôi biết gì cả. Hôm nay là tôi phải đi họp công đoàn… Suýt nữa tôi đứng lên phát biểu về quyền tự do bãi công thì có thật là dơ không?
Bà tóc hoa râm đứng lên yêu cầu trật tự:
– Thưa các vị! Các trò học ở trường ta đây đều là con em các gia đình nghèo. Gần một nửa trong số 670 nữ sinh của chúng ta không có đủ tiền để sắm cả sách giáo khoa. Trách nhiệm của chúng tôi là phải trợ cấp bữa ăn trưa cho ít nhất là 100 học sinh. Và chuyện này, chúng tôi xin nói thẳng là trông mong vào sự trợ giúp của các vị.
– Trợ giúp! – Một bà phụ huynh kêu lên – Lúc nào cũng trợ giúp! Suốt đời chỉ thấy con gái đòi hết tiền này đến tiền khác không biết để làm gì? Không cho thì nó nói: “Mẹ không cho thì con không đi học đâu! Con xấu hổ với tụi bạn lắm!” Vậy tôi xin hỏi, những tiền ấy nó đi đâu? Không thể ngày nào cũng cho tiền mãi được! Phải qui định dứt khoát mỗi tháng là bao nhiêu tiền chứ! Và phải làm sao để chúng tôi ai cũng có thể kiểm tra xem tiền ấy chi dùng vào việc gì chứ!
– Đúng đấy – tôi gào lên.
Bị đỏ mặt, bà tóc hoa râm bèn hỏi cái bà vừa yêu cầu phải cho biết tiền trợ giúp các học sinh nghèo được chi dùng vào việc gì xem con gái bà ta tên là gì.
– Guynten Iasôba ạ!
Bà tóc hoa râm “hừm” một tiếng.
– Lớp 3B, số 141. Guynten Iasôba phải không? Đúng rồi… Từ sau hè, con gái bà chỉ đi học có một tuần thôi, rồi không thấy đến trường nữa. Chúng tôi đã biên thư báo cho bà biết chuyện này…
– Thế chả hóa ra tôi nói điêu hay sao? – bà phụ huynh nọ tức lắm – Ngày nào con gái tôi cũng xin tiền, bảo để giúp ai không biết – đoạn bà quay sang bà bên cạnh phân trần. – Mà tối cũng không thấy nó về nhà. Thế thì chả hiểu nó lang thang ở đâu? Tôi và bố nó thì đã ly dị nhau. Nó sống với ông ấy…
Cứ thế, phòng họp có khoảng 30 người, nhưng người nào cũng ra sức nói to để át người khác và để bảo vệ ý kiến của mình, nên khắp phòng cứ ào ào như chợ vỡ. Cuối cùng bà tóc hoa râm phải kêu lên:
– Đề nghị trật tự! ồn quá, không còn nghe thấy gì hết! Ai muốn phát biểu đề nghị nói lần lượt, chứ không nói cùng một lúc như vậy.
Một rừng tay giơ lên. Ông có tuổi được phát biểu đầu tiên.
Sau khi mở đầu bằng câu “Kính thưa các thầy cô giáo” ông bắt đầu trình bày về cái tác hại của bóng đá, về ảnh hưởng xấu của nó đến tư cách, đạo đức và tư tưởng của học sinh. Ông kể rằng những người đầu tiên chơi bóng đá là những người Iadit. Bấy giờ chưa có bóng, nên họ phải đá bằng cái sọ của một người tử vì đạo tên là Huyxên. Vì thế chơi bóng đá là một tội rất lớn.
Nghe ông kể lể con cà con kê mãi, mọi người sốt ruột không chịu được nữa, phải đồng thanh kêu lên:
– Thôi đi! Cho chúng tôi còn nói với chứ!
Ông phát biểu thứ hai đề nghị mọi người hãy xới thêm một suất cơm vào cặp lồng của con em mình để tương trợ các em khác “Chúng ta làm như thế để ủng hộ các em con nhà nghèo” – ông ta nói, đoạn quay sang than phiền về chuyện giá sinh hoạt đắt đỏ, chuyện không có bơ tốt để bán, chuyện than củi khan hiếm…
Bài diễn văn của ông tưởng chừng không bao giờ chấm dứt. Bị kéo ngồi xuống ghế rồi mà ông còn tiếp tục lẩm bẩm một mình.

Biết rằng có theo thứ tự thì chẳng đời nào đến lượt, nên bất chấp cả trật tự, tôi đứng phắt dậy nói luôn:
– Thưa các ông các bà!
Tôi bắt đầu. Nhưng thực ra vẫn chưa biết nói gì. Tôi bèn kể luôn một câu chuyện tiếu lâm về Khốtgia Naxrêđin để lôi kéo sự chú ý của mọi người đã. Nhưng không may, đến đúng đoạn hay nhất, thì tôi quên béng đi mất. Thế là tôi đành phải nói chữa thẹn: “Câu chuyện kết thúc thế nào thì chắc các vị đã biết cả rồi”.
Lúc này mà ngừng nói, dù chỉ một tích tắc thôi, là người khác sẽ cướp lời ngay. Vì thế, chả cần logic quái gì cả, tôi nói luôn sang chuyện khác.
– Nếu con cái chúng ta bị đúp, thì lỗi hoàn toàn là ở các bậc cha mẹ hết!
Tôi nói thế cốt để lấy lòng ban giám hiệu, vì tôi cũng sợ con gái tôi bị đúp.
– Các bậc phụ huynh bây giờ không chịu quan tâm gì đến con cái của mình cả – tôi tiếp tục ba hoa – Có những ông bố thậm chí không biết con mình học trường nào lớp nào nữa.
Tôi bắt đầu hăng máu, không còn ai ngăn được nữa. Các giáo viên vỗ tay hoan hô tôi nhiệt liệt. Cuối cùng, bà tóc hoa râm phải bảo:
– Bây giờ khí đã muộn, nên ý kiến của ông xin để đến cuộc họp sau vậy!
– Nhưng tôi đã nói được gì đâu!
Lúc ra về, tôi được các giáo viên tiễn ra tận cổng và cảm ơn rối rít. Nhưng vừa về đến nhà, thì lại bị vợ độp ngay cho một câu:
– Anh đi đâu suốt từ tối đến giờ?
Tôi nhìn đồng hồ: kim đã chỉ 10h.
– Đi họp phụ huynh chứ đi đâu! – tôi đáp – Anh đã phát biểu rất hăng và ý kiến của anh được các giáo viên rất thích. Anh nói là các phụ huynh không chịu quan tâm gì đến con cái cả, cứ mặc cho chúng chơi bời lêu lổng, đến lúc bị đúp thì bao nhiêu tội lại đổ cả lên đầu giáo viên.
Bỗng con gái tôi chạy như bay vào phòng:
– Bố ạ! Các thầy giáo con lại hỏi tại sao bố không đi họp đấy?
Vợ tôi lập tức tra khảo ngay:
– A, thế ra những điều anh vừa nói là dối trá hết! Anh chui rúc ở đâu đến tận nửa đêm mới về mà bảo là đi họp hở?
– Bố vừa họp ở chỗ con về mà…
– Nhưng con cũng vừa ở đấy…
– Thì bố cũng vừa họp ở trường nữ sinh của con mà…
– Sao bố lại đến trường nữ sinh? Con có học ở trường nữ sinh đâu! Con học ở lớp cuối trường Baiadít cơ mà!
– Thế nào? – vợ tôi sửng sốt – Tao gởi mày đến học ở trường nữ sinh Khôkhora kia mà!
– Nhưng con bị đuổi khỏi đấy từ lâu rồi mẹ ạ!
– Trời ơi, con mất dạy – tôi điên tiết sấn vào đứa con gái – Tại sao mày không nói cho bố mẹ biết mày học ở đâu, học hành ra sao hở? Con cái nhà mất dạy đến thế là cùng!…

Azit Nexin
Nguồn ảnh : Véronique Fáure