Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Thị đệ tử

Dạy đệ tử 

Đời người bóng chớp vút qua 
Cỏ cây xuân tốt, thu ra héo tàn
Sợ chi suy thịnh lẽ thường
Khác đâu ngọn cỏ giọt sương đọng hờ

Vạn Hạnh Thiền Sư

 

 

  
       
       
       
       
 

Thị đệ tử    

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô


Dịch nghĩa

Người đời như bóng chớp, có rồi lại không, 
Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo. 
Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi, 
Vì sự thịnh suy cũng mong manh như giọt sương đầu ngọn cỏ.

 

 Trên cõi đời không có cái gì là vĩnh viễn. Thân của người đời, cũng như cái bóng chớp, có rồi lại biến thành không, các thứ cây cối, mùa xuân tươi, thu lại khô. Vận của cõi đời dù có lúc thịnh, lúc suy, nhưng cũng đừng sợ, sự thịnh suy đó chỉ là những việc tạm thời, cũng như giọt sương đọng trên ngọn cỏ vậy.


Dịch thơ

Thân như bóng chớp có rồi không 
Cây cối xuân tươi, thu não nùng 
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi 
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương Đông 

 Ngô Tất Tố dịch

 

Thân như chớp nhoáng có rồi không 
Cây cỏ thu tàn xuân trổ bông 
Nhìn cuộc thịnh suy, nào có sợ 
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương hồng*

* Bản dịch khuyết danh

* “ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô ”

Các bản dịch 

- Thịnh suy đầu cỏ tựa phơi sương ( Lê Mạnh Thát )

- Thịnh suy như cỏ hạt sương đông ( Thích Thanh Từ ) 

- Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương hồng ( Nguyễn Lang )

- Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành ( Thích Mật Thể) 

- Xuống lên ngọn cỏ hạt sương trong ( Nguyễn Đăng Thục)

- Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông ( Ngô Tất Tố ).

Thú vị nhất trong câu này là chữ lộ mà ai cũng nghĩ là sương, là hạt sương, giọt sương... (như từ điển Nguyễn Văn Khôn); cho nên ai cũng dịch là sương cả. Ta thử đi qua một số từ và tự điển. 

Lộ là hạt móc - những hạt hơi nước rơi xuống lúc ban đêm mát trời (Bửu Kế). 
Lộ: Móc. Hơi nước gần mặt đất, đêm bám vào cây cỏ, gặp khí lạnh tụ lại từng giọt gọi là móc (Thiều Chửu). 

Lộ: Móc. Cây cỏ đất đá trên mặt đất nhân khí nóng mà bức xạ, lại gặp lạnh đến quá mau, khiến không khí khi tiếp xúc với chúng bị ngưng kết thành hạt nước bám vào chúng gọi là móc. Chỗ này, tác giả (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố) còn chịu khó dẫn câu thơ của Đỗ Phủ: Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm (Những hạt móc như ngọc rơi rụng trong rừng cây phong). 

Như vậy là đã rõ, lộ là hạt móc. Móc khác với sương. Móc thì đọng lại còn sương thì lay bay. Thịnh suy giống như hạt móc phô trên đầu ngọn cỏ. Đây là cái nhìn trạm nhiên, thanh tịnh, đúng như hiện thực đang là. Chúng sao thì nói vậy chứ không có nghĩa đẹp (sương hồng) cũng chưa có ý định nói là nó rơi (sương rơi đầu cành). Chúng ta hãy nhìn hạt móc trên đầu ngọn cỏ (thảo đầu) thử xem. Nó có đấy chứ. Nó có đấy nhưng mong manh làm sao. Nó có đấy nhưng không biết sẽ rơi lúc nào, sự sống của nó ngắn ngủi lắm. Chỉ cần một vệt nắng, một làn gió, một chiếc lá rơi khẽ, một con chim lơ đễnh đụng nhằm (ngoại duyên) thì nó tan ngay! Có đó là không đó ngay. Thịnh, có đó chứ! Suy, có đó chứ! Nhưng thoáng chốc thôi - khi vận, lực, số, khí, thời... chuyển đổi, duyên khởi liên tục, vận hóa liên tục, cái này sang cái kia... như Lão Tử nói: Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu! Hoặc dịch nói, cực âm, quá độ thái âm là thiếu dương, thiếu dương rồi thái dương, thái dương rồi thiếu âm! Chúng luôn luôn đi tìm sự quân bình - nhưng nếu quân bình thì vũ trụ sẽ ngưng dứt, tuyệt đối tĩnh chỉ, diệt vong! Đông Tây người ta đều hiểu điều này, ví như thuyết bảo toàn năng lượng! Định luật tâm, định luật pháp đều như thế. Cũng vậy, không những thịnh suy, mà tất thảy pháp hữu vi khác trên thế gian đều phải chịu chung định luật sinh diệt, có không tất yếu ấy!

Minh Đức Triều Tâm Ảnh