Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Sen tàn cúc lại nở hoa


Sen tàn Cúc lại nở Hoa
...






Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Đó là hai câu Kiều ( 1795-1796 ) khắc họa tâm trạng của Thúc Sinh. Sau khi đã dan díu với Kiều, chàng về thăm vợ rồi “Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ”, thật ra là nhớ Thúy Kiều. Nhớ mà cứ bó chân một chỗ, làm sao chịu nổi? Bèn tìm cách rời khỏi nhà. Hoạn Thư thừa biết nhưng cao cơ hơn nhiều, bảo Thúc Sinh hãy về thăm cha, dù biết tỏng chồng mình đang muốn gì, sẽ đi đâu. Khi Thúc Sinh rời khỏi nhà, Hoạn Thư cũng về thăm mẹ và kể hết mọi chuyện đã nghe thiên hạ đồn đãi. Lập tức một kế hoạch hoàn hảo “chước rất mầu” được thi hành: sai bọn Khuyển Ưng đốt nhà, bắt cóc Kiều rồi tạo nên hiện trường giả là Kiều đã bị chết cháy. Quả nhiên, khi đến nơi, Thúc Sinh tưởng thật. Đi coi bói một quẻ xem sao. Gã thầy bói phán rằng Kiều chưa chết, hai người sẽ chạm mặt nhưng “Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay”. Quả nhiên đúng y như thế. Đó là chuyện về sau. Còn bây giờ, lúc này:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Tìm đâu cho thấy cố nhân
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương
Tội nghiệp Thúc Sinh, chàng dưới cơ Hoạn Thư xa lắc xa lơ.
-st-

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Thiền ca


THIỀN CA
“Lời qua (mà) tiếng lại
Giải quyết chi đâu
Sao không dừng lại?
Kẻo hố thêm sâu
Lời qua (mà) tiếng lại
Đưa ta tới đâu
Sao không dừng lại?
Thở nhẹ và sâu
Lời qua (mà) tiếng lại
Đưa ta tới đâu
Sao không thở nhẹ?
Mỉm cười nhìn nhau.”

-st-

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

Chai sữa đổ

Một buổi sáng, lớp chúng tôi tập trung tại phòng thí nghiệm ban Thực vật học và thấy trên bàn, trước mặt ông giáo Brandwine  lù lù một chai sữa. Chúng tôi ngồi xuống và tự hỏi không biết chai sữa kia có liên hệ gì với bài học vệ sinh bữa đó. Bỗng nhiên, ông Brandwine đứng phắt dậy, gạt chai sữa cho rơi mạnh vào chậu sứ rửa tay mà la lớn lên rằng: “ Đừng có than tiếc chỗ sữa đổ”. Đoạn ông bảo chúng tôi lại gần và nói: “ Ngó cho kỹ, vì tôi muốn các trò ghi nhớ cái bài học này suốt đời. Chỗ sữa này chảy mất hết và các trò có thể thấy nó đang chui ra đường mương; bây giờ các trò có dằn vật và bứt tóc, vò đầu cũng không thể nào thu lại được một giọt. Suy nghĩ một chút, cẩn thận một chút thì có lẽ chỗ sữa này đã không mất. Bây giờ trễ giờ quá rồi và ta chỉ còn có thể quên phứt nó đi và bắt đầu làm việc khác ”.
Trích : “ How to stop worring ”
Dale Carnegie
Nguyễn Hiến Lê lược dịch
* Nguồn tranh :Véronique Fauré

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Chọn ai ?

" Tình là chi hỡi thế gian "


...
 khi Dương Quá hỏi nàng:
 "Nếu là Quách Phù thì cô Long sẽ chọn ai trong hai huynh đệ họ Võ?". 
Tiểu Long Nữ trả lời: 
"Ta chọn Quá nhi". 
Dương Quá tưởng Tiểu Long Nữ chưa rõ ý mình nên nhắc lại: "Không, ý Quá nhi là nếu cô Long là Quách Phù thì cô Long sẽ chọn ai trong hai huynh đệ họ Võ". 
Vẫn câu đấy nàng lặp lại: 
"Ta vẫn chọn Quá nhi".
...
Trích : " Thần Điêu Hiệp Lữ "
* Mô Ngư nhi - Nhạn khâu

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Nghệ thuật có thể làm được gì cho trẻ ?

 
“ Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
   Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ”




Nghệ thuật có thể làm được gì cho trẻ ?
Không phải ai cũng biết, với trẻ em , giáo dục bằng nghệ thuật là tốt nhất. Và, ngay cả những người biết điều đó, cũng không chắc đã thực sự biết giáo dục bằng nghệ thuật là như thế nào! Phần lớn người Việt Nam, bao gồm cả phụ huynh lẫn người đi dạy, tin rằng, nghệ thuật là thế giới của cái đẹp, của trí tưởng tượng và khả năng tạo tác, và cho con đi học nghệ thuật, là để hiểu biết cái thế giới đó, thậm chí, là để trở thành nghệ sĩ. Họ luôn nghĩ, để học nghệ thuật, phải có năng khiếu, và học nghệ thuật là để phát triển năng khiếu! Ngược lại, cũng có không ít người, “dị ứng” với giới làm nghệ thuật, không muốn cho con học các chương trình nghệ thuật!
Ở các nước phát triển, qua vô số công trình thực nghiệm, từ lâu, người ta đã nhận ra rằng, niềm tin với những cách nghĩ như vậy là hết sức sai lầm. Theo họ, cần phải luôn quay trở lại với một câu hỏi cơ bản: “Nghệ thuật có thể làm được gì cho trẻ?”:
• Nếu hiểu, nghệ thuật là những thứ con người làm ra cho con người, để văn-hóa-hóa con người…, thì giáo dục nghệ thuật, chính là để các em có thể thụ hưởng được điều đó. Khám phá được thế giới, khám phá được tâm hồn người khác và của chính mình…!
• Nếu hiểu, nghệ thuật là biểu hiện của tự do-nhân tính nơi mỗi con người…, thì giáo dục nghệ thuật, chính là để giúp các em ý thức và phát triển được hết các chiều kích tự do-nhân tính nơi mình. Trở nên tự chủ hơn, tự tin hơn. Và, gắn liền với nó, là thừa nhận những khác biệt nơi người khác, trở nên cởi mở, bao dung hơn…!
• Nếu hiểu, nghệ thuật là sự tự biểu đạt chính mình trong sự giao lưu giữa tính nội tại với ước mơ… nơi mỗi con người, thì giáo dục nghệ thuật, chính là để giúp các em có khả năng nắm bắt và sử dụng được các ngôn ngữ của sự biểu đạt mang tính nghệ thuật đó. Nó tự thân là nguồn an ủi, phát triển khả năng đối thoại với chính mình, và tự thăng bằng…! (Nghệ thuật có khả năng giải stress, chữa được các chứng trầm cảm, tự kỷ là vậy…!) 
• Nếu hiểu, nghệ thuật là một loại kỹ năng tạo tác, thì giáo dục nghệ thuật, chính là để giúp các em, có thể ứng dụng được các loại kỷ năng này trong cuộc sống ( học vẽ, có thể giúp cho các em nhỏ học viết và học toán dễ dàng hơn; sự hiểu biết về nghệ thuật ý niệm, có thể giúp các em lớn hiểu rõ hơn, thế nào là hình ảnh chính mình trong mắt nhìn của người khác…) Chúng ta, đang sống trong thời của sự “toàn cầu hóa” và trong không gian của xã hội “hậu hiện đại”, mà ở đó, mỗi hình ảnh con người đều như một tượng trưng, và mỗi hành vi của con người đều có ý nghĩa như một ẩn dụ. Trong bối cảnh này, cuộc sống, gần như chồng khít với nghệ thuật. Sự hiểu biết và “làm chủ” nghệ thuật lúc này, do đó, đồng nghĩa với hiểu biết và “làm chủ” cuộc sống.

Nguyên Hưng
* Thơ Thế Lữ