Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Rừng xưa đã khép

 

 Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Thuyền và Biển


Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển

“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa … còn xa

Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ

Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mang nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.

Xuân Quỳnh
1963

*Tranh : Vicente Romero Redondo

Mây trắng của đời tôi


Cũng muốn tin vào hoa hồng
Tin vào điều không thể mất
Cả tôi và cả chúng ta
Đứng trong đầm lầy mà hát
Ông không phải là bố tôi
Con chim sâm cầm đã chết
Ông không phải là bố tôi
Con chim sâm cầm ai giết

Xuân Sách

*di cảo của Lưu Quang Vũ

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

Bát nước

 " Không quá khứ, không tương lai, bây giờ là tất cả
Bất kì khi nào bạn ở đây và bây giờ, phúc lạc xảy ra "
- Osho -


BÁT NƯỚC
Có một người giàu và một người nghèo cùng tranh luận thế nào là hạnh phúc.
Người nghèo nói:
– Hạnh phúc chính là hiện tại.

Người giàu nhìn người nghèo ăn bận quần áo cũ rách, ở trong chòi tranh lụp xụp, nói giọng khinh miệt:
– Vậy mà ngươi có thể gọi là hạnh phúc? Hạnh phúc của ta là tòa nhà trăm gian lộng lẫy nguy nga, là nô bộc cả ngàn người!
Cuộc đời biến đổi vô thường, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi tòa nhà trăm gian của người giàu, rồi tất cả nô bộc đều bỏ đi, người giàu chỉ trong một đêm biến thành kẻ ăn mày.
Người ăn mày lang thang xin ăn giữa trời nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, đi ngang qua chòi tranh của người nghèo, muốn xin nước uống. Người nghèo bưng ra một bát nước trong, hỏi:
– Thế bây giờ ông cho rằng cái gì là hạnh phúc?
Người ăn mày đáp:
– Hạnh phúc chính là bát nước ở trong tay ông lúc này đây…

- Nhất Tâm st -
* Tranh: nguồn Vivo Vfe

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Hiếu Đạo


Thầy Tâng Sâm bừa cỏ ruộng dưa, lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tâng Sâm đau quá, ngã gục xuống điếng đi một lúc mới hồi lại. Khi về nhà, liền đến thưa với cha rằng: “Lúc nãy con có tội, để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo”. Nói xong, lùi xuống vừa gẫy đàn vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, biết cho rằng mình không còn đau đớn gì nữa. 
Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào. Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà Ngài giận.
Đức Khổng Tử nói: “Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, thì ở luôn bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng là bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá như cha đánh quá tay mà chết mất, thì có phải là làm cho cha mắc tội không, tội bất hiếu còn gì to hơn nữa.”
Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết là nhầm lỗi, đến tạ tội đức Khổng Tử.
Thuyết Uyển
* Lời bàn: Người làm con có hiếu thì dẫu vì cha mà phải hy sinh tính mạng cũng không có gì là quá tạm. Song, liều mình mà cứu cha mẹ trong khi nguy cấp là chí hiếu, thì để cha mẹ nhân cơn giận dữ đánh đập, lỡ hại đến tính mạng, thì chẳng những là bất hiếu mà còn mang tiếng là hãm cha mẹ vào tiếng bất từ nữa. Ông Sâm rất hiếu nhưng chưa phải cách, Ông Thuấn cũng hiếu nhưng biết phải trái. Kẻ làm con, khi thấy cha mẹ làm trái còn có chức trách phải liệu đường trốn tránh hay ủy khúc can ngăn mà vẫn không mắc tiếng bất hiếu.
Nguồn : Cổ học tinh hoa
* tranh " Trọng Do đội gạo " 

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Trung Hoa

Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch
Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu
...





TRUNG HOA

Gió bấc thổi từ xứ xa
Bên kia núi cao sừng sững
Trung Hoa.

Trung Hoa của tuổi thơ
Tiếng ngựa hí đêm khuya
Đoàn xe Chiến Quốc đi trong tuyết
Rũ rượi tóc râu, đao thương sáng quắc
Não bạt thanh la xủng xoẻng
Dữ tợn mà sầu thương.

Bờ sông trắng hoa dương
Chia ly buồn đứt ruột
Dậm chân hát mà từ biệt
Đường thì vằng vặc.

Ào ạt Hoàng Hà
Quán núi đêm hàn rượu nóng
Vạt áo xanh giang hồ
Những mắt xếch Võ Tòng
Những đầm sâu Thuỷ Hử
Người đi như nước đông trong cỏ
Sáng suốt và tối tăm
Uyên thâm mà nhẹ dạ
Tin ngay mọi đIều, dám làm tất cả
Cái người Tàu kỳ lạ
Ngồi dầm củ cải giữa đêm khuya...

Lòng kiên nhẫn của người
Trải ra trên mặt đất
Ở bất cứ nơi nào có khói
Trung Hoa
Nét bút vờn như cánh hạc vút qua
Lóng lánh tay ngà rượu đỏ
Bể thịt rừng xương Kiệt Trụ
Những hôn quân bạo chúa
Những hoàng hậu hồ tinh
Những anh gàn và những triết nhân
Hái rau vi, mơ giấc bướm
Trung Hoa Tây Thi, Trung Hoa Lý Bạch.

Trung Hoa đói rách
Xác người chết trận trắng xương phơi.
Trung Hoa tuổi thơ tôi
Đâu phải chỉ bầy ngựa dữ
Đêm lửa đuốc Chi Lăng
Gò Đống Đa vùi xác vạn quân Thanh
Nhưng Mã Viện, Liễu Thăng, Sầm Nghi Đống...
Không ngăn nổi lòng tôi yêu bác Võ Tòng

Cố cung xưa bao đảo lộn kinh hoàng
Như sóng biển không ngừng một phút
Dưới liễu xanh, lũ quỉ đổi thay màu
Trong chiêng trống, tiếng loa gào thét
Chín trăm triệu người ồn ào mà nín lặng
Trung Hoa muốn gì
Nhân dân đi về đâu?

Đêm nay
Trang sách tuổi thơ đưa tôi gặp lại
Gian nhà nhỏ ven thành
Vách lủng lẳng cỏ khô, lá thuốc
Một người đầu trọc
Áo bông đen khuy vải cũ sờn
Một người không râu lừng lững ngồi im
    Giữa hũ lọ, mực tàu, chăn rách
    Chồng sách dầy, đĩa đèn dầu leo lắt
    Tuyết rơi trắng xoá ngoài thềm
    Ông Tư Mã Thiên
    Một mình ngồi thức
    Ông Tư Mã Thiên mắt nhìn sáng quắc
    Hiểu đời, hiểu nước, hiểu dân mình
    Một ông Tư Mã Thiên
    Ngàn ông Tư Mã Thiên
    Muôn ngòi bút uy nghiêm
    Đang ghi sâu mọi việc
"Hồn bạo chúa nghiến răng trong bụi cát
Mọi ngai vàng, theo lửa hoá tro than..."

Trung Hoa khổng lồ, Trung Hoa đau thương
Mai tan hết mây mù mưa xám
Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch
Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu...

Lưu Quang Vũ 
1974

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Buông bỏ

 " Người nào buông bỏ ít, bình an ít, buông bỏ nhiều, bình an nhiều
Buông bỏ hoàn toàn, bình an hoàn toàn "
- Ajahn Chah -




BUÔNG BỎ

Chúng ta thường nghĩ tu hành là phải buông bỏ hết thảy mọi thứ. Điều này hẳn làm cho nhiều người lo lắng vì nếu ai cũng như vậy thì có lẽ thế giới sẽ sụp đổ mất. Có vị đệ tử nọ đã đem thắc mắc ấy tới hỏi Sư Phụ của anh ta…

Đệ tử: “Thưa thầy đạo Phật khuyên người ta buông bỏ, cái gì cũng buông, buông bỏ hết mọi thứ đúng không?
Sư Phụ: “Không đúng”.
Đệ tử̉: “Vậy tại sao thường hay nói buông bỏ tất cả”.
Sư Phụ: Buông bỏ tất cả để làm gì?”
Đệ tử: “Đúng thế, đệ tử cũng thấy rất e ngại! Cảm giác Phật Pháp khiến người ta có cái nhìn theo xu hướng tiêu cực. Có một vài người hỏi đệ tử: Nếu tất cả đều đặt xuống và buông bỏ hết, vậy tiền từ đâu mà có? Quần áo và thực phẩm từ đâu ra? Đều không lao động làm việc gì hết. Vậy thì thế giới này không phải là sụp đổ rồi sao?”
Sư Phụ: Mọi sự đều buông bỏ hết sẽ dẫn đến sụp đổ, cái gì cũng không buông bỏ thì cũng sụp đổ”.
Đệ tử: “Như vậy phải làm thế nào?”
Sư Phụ: Thay thế và hoán đổi”.
Đệ tử: “Xin thỉnh Sư Phụ minh thị chỉ rõ cho con”.
Sư Phụ: “Con có thể khiến người ăn mày cam tâm tình nguyện buông bỏ chấp mê vào những đồng tiền đang nắm chặt trong tay họ không?”
Đệ tử: “Không buông bỏ, họ ôm giữ chặt”.
Sư Phụ: “Con có thể dùng hòn sỏi đổi số tiền trong tay người ăn mày không?”
Đệ tử: “Không được”.
Sư Phụ: “Tại sao vậy?”
Đệ tử: “Vì tiền đáng giá hơn”.
Sư Phụ: Vậy nếu dùng vàng để đổi thì sao?”.
Đệ tử: “Thế thì được”.
Sư Phụ: “Tại sao?”
Đệ tử: “Vì vàng đáng giá hơn”.
Sư Phụ:
 Vì thế, cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi. Nguyên nhân khiến người ta buông bỏ không được là vì không giành được thứ tốt hơn.
Khi dùng thức ăn chay thay cho thức ăn mặn, con sẽ buông bỏ được con dao giết mổ.
Dùng bố thí thay cho đòi hỏi, yêu sách con sẽ buông bỏ được tham lam. Dùng tín ngưỡng thay cho trống rỗng con sẽ buông bỏ được lạnh lẽo cô đơn.
Dùng trí tuệ thay cho ngu dốt, si mê con sẽ buông bỏ được chấp mê. Dùng chính niệm thay cho tạp niệm, con sẽ buông bỏ được vọng niệm.
Dùng tùy hỷ, hảo tâm thay cho tật đố, con sẽ buông bỏ được ưu phiền.
Dùng nhẫn nhục thay cho oán giận, báo oán con sẽ buông bỏ được sân hận, hận thù.
Dùng từ ái thay cho tham ái, con sẽ buông bỏ được tâm bệnh.
Không hiểu được vấn đề bắt đầu khởi lên từ đâu sẽ không minh bạch biết rõ để buông bỏ. Muốn buông bỏ được gì đó, đầu tiên cần hiểu được là nó bắt đầu khởi lên từ đâu. Tu hành không phải là buông bỏ, mà là để hiểu được lẽ hoán đổi”.

-st-

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Các anh - những người Tháng Tám

Các anh - những người Tháng Tám 
Các anh đâu rồi ? thấm mệt rồi chăng ? 
Các anh nghĩ gì sau nếp nhăn vầng trán 
"Thế sự du du..." thật giả nhập nhằng!... 
...
Bùi Minh Quốc 

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Khổ thân làm việc nghĩa

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: 
- “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc “nghĩa”, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?
Mặc Tử nói: 
- “Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không thì nhiều, đứa đi cày lại ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!”

-st-
* Lời bàn : Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc “Nghĩa”, sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.

* Tranh Tề bạch Thạch

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Quà sinh nhật ...!


QUÀ SINH NHẬT ...
Một điều khủng khiếp đã xảy ra cho tôi đêm qua !" Mario nói với bạn anh ta.
" Nhưng hôm qua chả là ngày sinh nhật của anh còn gì ? "
" Vâng ! Khi tôi tới văn phòng sáng hôm qua, thư ký của tôi mời tôi đi cùng cô ấy tới nhà cô ấy !"
" Và anh gọi điều đó là khủng khiếp sao ? Cô ấy đẹp mà !"
" Để tôi kết thúc đã. Vào 7 giờ tôi đã ở nhà cô ấy với bó hoa hồng.Cô ấy mở cửa, ăn vận bộ đồ đẹp, cắt ngắn... "
" Và rồi sao ? Thế rồi cái gì đã xảy ra ?" Anh bạn nóng lòng hỏi.
" Thế này, cô ấy mời tôi cốc rượu martini. bật nhạc lên rồi thì thào: 'Em có điều ngạc nhiên đây. Tới phòng ngủ của em trong 10 phút nữa nhé !' "
" Và anh đã làm gì ?" Anh bạn hỏi.
"Rồi sau 10 phút tôi bước vào - và ..... đã có mọi đồng nghiệp của tôi đang hát," Happy Birthday to You ' "
" Này, điều đó đâu có gì là khủng khiếp vậy !"
" Ồ, có chứ ! Tôi muốn anh ở vị trí của tôi... tôi đang trần truồng !"
!!!

- st -

Không dính mắc

" Hãy để sự vật tự nhiên, đừng dính mắc
Hãy xả bỏ tất cả, sự vật thế nào, hãy để y như vậy "
- Ajahn Chah -



KHÔNG DÍNH MẮC

1,Tâm Không dính mắc
Người ta nói rằng một trong những vị tổ sư lớn của truyền thống Thiền là tổ Huệ Năng (Hui Neng), đã giác ngộ khi ngài nghe một câu kệ trong Kinh Kim Cương.
Câu kệ đó có thể được dịch bằng nhiều lối khác nhau, tuy nhiên, một dòng chính yếu trong đó nói rằng, "Hãy phát triển tâm không dính mắc."
Chúng ta hãy tưởng tượng sở hữu được một cái tâm như thế - tâm không dính mắc, tâm không cần mọi vật phải theo một cách nào, tâm không cần người khác phải cư xử theo một cách đặc biệt nào. Đấy là một cái tâm ở khắp mọi nơi (xem đâu cũng là nhà), bởi vì cái tâm nầy không cần phải ở một nơi chốn nhất định nào cả.
Tất cả các khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi, và nhẹ nhàng hơn:
- Nếu người nào làm cho bạn khó chịu, bởi vì bạn dính mắc vào ý tưởng là bạn muốn người đó hành xử theo cách bạn muốn, và khi bạn không thấy họ làm như thế, bạn không vui. Nếu tâm bạn không dính mắc vào những gì bạn muốn, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ với cách họ hành động. Thật thế, bạn có thể phát sinh lòng từ bi đối với họ, bởi vì bạn nhìn thấy họ đang đau khổ. 
- Nếu bạn bị kẹt xe, hoặc bạn đứng sắp hàng trong một hàng dài chờ mua bán ở đâu đó, bạn có thể trở nên phiền muộn, và bạn mong muốn cuộc sống của bạn không giống như hiện tại (vì bị kẹt xe, vì phải sắp hàng). Tâm bạn đang dính mắc vào các mong muốn, do đó tâm bạn không muốn bị vật gì ngăn cản, chặn đường. 
- Khi người nào nổi nóng với bạn, bạn có thể trở nên phòng thủ, hoặc là giận dữ vì họ hành xử như vậy, bởi vì bạn đang dính mắc vào sự mong muốn là họ sẽ đối xử với bạn theo một cách khác. Nếu bạn buông xả sự dính mắc, không có nghĩa là bạn tha thứ hành vi xấu của họ - cũng không có nghĩa là bạn cho phép người kia lạm dụng bạn. Tuy nhiên, bạn không cần phải nổi nóng, mà bạn chỉ cần tự bảo vệ mình (để bạn khỏi bị lạm dụng, nếu cần thiết). Và một lần nữa, bạn có thể hiểu được nỗi đau khổ của họ. 
Nhiều khó khăn gây ra do sự dính mắc nầy: như sự căng thẳng khi bạn bị quá tải (vì có nhiều việc phải làm), như sự trì hoãn khi bạn không muốn làm một việc khó khăn, hoặc như khi làm một động tác thể dục khó làm, như sự cô đơn, như thiếu đi sự cảm thông trong các cuộc tranh cãi, như ăn quá nhiều, như thói quen xấu về tài chánh, và nhiều thứ khác nữa.
Trước hết hãy nhìn vào cách chúng ta phản ứng trong một tình huống, mà chúng ta xử dụng tâm không dính mắc. Sau đó, chúng ta hãy nhìn vào cách mà chúng ta có thể phát triển tâm không dính mắc nầy.
Thí dụ bạn có người thân đang bị nghiện ma túy, và bạn thật sự muốn giúp họ. Tuy nhiên, bạn bị căng thẳng về phương cách giúp họ, khuyến khích họ làm một hành động cụ thể, và thậm chí bạn không biết bạn có thể giúp họ được không.
 Sự căng thẳng là do sự dính mắc - bạn muốn họ hành xử theo cách của bạn, bạn muốn mọi chuyện xảy ra theo cách bạn muốn xảy ra. Bạn có lòng thương yêu, bạn có ý tốt, nhưng đồng thời sự dính mắc gây cho bạn ít nhiều nỗi khổ đau.  
Họ nghiện ma túy là do họ dính mắc. Họ vướng phải ma túy vì họ muốn tránh xa các khó khăn của họ, mà nguyên nhân cũng là sự dính mắc. Họ thích cảm giác như bay lên mây, và họ cảm thấy các khó khăn của họ như vơi bớt đi, từ đó họ dính mắc vào cảm giác nầy. Theo thời gian, sự dính mắc nầy trở thành sự nghiện ngập, và sự dính mắc nầy làm cho họ không thoát ra được cơn nghiện. Họ đang đau khổ, và chúng ta có thể thấy được điều nầy, và chúng ta thật lòng mong muốn sự nghiện ngập của họ chấm dứt (mà chúng ta không cần phải dính mắc vào kết quả sẽ xảy ra cho họ như thế nào).
Vì vậy, khi nhìn thấy tất cả các điều nầy, bạn bắt đầu buông xả. Bạn không cần hành vi của họ phải như thế nào, mà bạn chỉ cần thương yêu họ. Bạn chỉ cần đến gặp họ, chấp nhận họ, với lòng từ bi. Bạn mở lòng ra với họ, và bạn không cần họ phải thay đổi.
Và dĩ nhiên, bạn hiến tặng họ sự giúp đỡ. Bạn chia sẻ những ý tưởng như họ hãy đi tìm sự tư vấn, hãy thiền định, hãy xử dụng những phương cách cai nghiện, và xử dụng các trung tâm điều trị. Tuy nhiên, bạn đừng dính mắc vào chuyện họ có thật sự làm những điều nầy không - họ được bạn hiến tặng một món quà, với lòng thương yêu.
Đấy là một là phương cách đối phó với một tình huống khó khăn bằng tâm không dính mắc. Còn có nhiều tình huống khác, tuy nhiên, bạn có thể thấy rằng tâm không dính mắc rất hữu ích để xử dụng trong bất cứ tình huống nào.

 2, Phương cách phát triển tâm không dính mắc
Tôi sẽ không giả vờ nói rằng tôi chẳng bao giờ dính mắc, cũng như sự phát triển tâm không dính mắc là một chuyện dễ dàng. Đấy là chuyện tôi hãy còn đang học hỏi và thực hành, và tôi sẽ không dính mắc vào chuyện, chỉ sau một đêm ngắn ngủi thì phương cách này phát triển xong xuôi (hoặc là tôi có bao giờ đạt được mục đích này trong tương lai hay không).
Các điều sau đây tôi biết sẽ hữu ích, nếu chúng ta thực hành.
Vì thế, đây là cách tôi sẽ thực hành:  
- Bước đầu tiên, chỉ là nhận ra khi bạn đang dính mắc. Ban đầu, chúng ta rất khó nhận ra, tuy nhiên, một khi bạn đã nhận ra rồi, bạn sẽ nhận ra bất cứ giây phút nào sau đó. Khi bạn không thích mùi vị của một món ăn, đấy là sự dính mắc. Khi bạn cần phải uống cà phê, đấy là sự dính mắc. Khi bạn ăn quá nhiều, hoặc có sự trì hoãn, hoặc có sự rối trí, hoặc bạn đánh và đá người khác hoặc vật gì đó,  hoặc bạn chạy vào những nơi giải trí điên cuồng mà bạn thích, hoặc bạn nghỉ chơi với người bạn mà không cần cho họ biết lý do ... đó là những sự dính mắc. Chỉ cần nhận ra sự dính mắc là đủ, mà không cần phải phán xét.  
- Chú ý đến cảm giác khi bạn đang dính mắc. Tâm bạn nhận thấy điều gì? Bạn có cảm xúc gì trên thân thể bạn. Bạn hãy ham thích học hỏi, và chú tâm nhận ra những chi tiết nhỏ nhặt nhất. 
- Thực tập thiền định mỗi ngày, từ 5-10 phút vào buổi sáng, trong vòng ít nhất là một tháng. Sau một tháng, bạn tăng lên từ 10-15 phút. Hãy lưu ý những điều sau đây: khi bạn trì hoãn việc thiền định (bạn dính mắc vì mong muốn kiểm tra điện thoại), hoặc khi bạn đang muốn rời khỏi chỗ ngồi trước khi giờ thiền kết thúc, hoặc khi bạn đang dính mắc vào bất cứ điều gì trong lúc ngồi thiền.
- Thực hành sự buông xả. Đấy là một cách thư giãn cho thân và tâm bạn vơi bớt đi sự căng thẳng. Đấy là sự thư giản về những gì bạn đang nắm chặt lấy. Đầu tiên hãy thực hành trong những tình huống dễ dàng, về những điều gì bạn không có nhiều quan tâm. Hãy nói với chính bạn, "Tôi không cần mọi thứ xảy ra theo cách của tôi. Tôi không cần mọi thứ phải giống như thế nào. Tôi hài lòng theo cách nầy hoặc cách kia (cả hai cách), bởi vì cho dù chuyện gì sẽ xảy ra, thế giới nầy cũng trên cả tuyệt vời." 
- Chú ý đến trọng-tâm là cái-tôi của sự dính mắc. Khi bạn dính mắc vào một cái gì đó, bởi vì bạn nghĩ bạn là trung tâm của vũ trụ. Bạn muốn mọi thứ đi theo con đường của bạn, để đáp ứng sự mong muốn của bạn (hoặc để tránh đi những gì bạn không ưa thích), theo lối bạn thích. Đấy là khi chúng ta đặt mình vào trung tâm của mọi vật. Đấy không phải là sự phán xét, mà chỉ là sự nhận biết về quan điểm.
- Hãy mở rộng quan điểm của bạn, vượt ra khỏi cái nhìn tự-chú-tâm vào mình, để thoát ra khỏi sự dính mắc. Hãy đặt mình vào quan điểm của người khác, để hiểu rằng họ đang đau khổ và dính mắc, và bạn cũng như họ, từ đó bạn kết nối với họ.  Hãy nhận ra rằng bạn và những người khác kết nối với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau, và nếu bạn có thể làm cho người kia không còn đau khổ, điều nầy sẽ có ích lợi cho chính bạn. Hãy mở rộng trái tim của bạn, mong muốn người khác chấm dứt được sự dính mắc và sự đau khổ, và bạn đừng lo lắng quá nhiều về sự ham muốn của mình, và sự tự bảo vệ chính mình. Đây là một điều hữu ích khi nói về sự dính mắc, bởi vì khi chúng ta mở rộng tấm lòng, chúng ta thấy không còn cần thiết, mọi thứ phải xảy ra theo cách của chúng ta nữa.
- Chúng ta hãy nhìn ra vẻ đẹp trong mọi vật, sự bao la vô hạn, sự sắc sảo tuyệt vời trong mọi vật nhỏ bé. Khi chúng ta dính mắc vào mọi vật phải theo một cách nào đó, chúng ta quên đi sự tuyệt vời của những gì xung quanh chúng ta, bởi vì nếu chúng ta nhìn thấy những điều kỳ diệu đó, chúng ta sẽ không cần mọi thứ phải theo một cách nào. Tất cả mọi cách đều tuyệt vời, theo một lối riêng của nó. Sự trân quý điều nầy thì hữu ích cho chúng ta.
Các điều nầy sẽ không giúp bạn trở nên không dính mắc, tuy nhiên, chúng sẽ giúp bạn đến gần sự không dính mắc, hơn trước kia rất nhiều.
Cách thật sự để phát triển tâm không dính mắc, đầu tiên là bạn hãy tiếp tục tập buông xả. Từ giây phút nầy sang giây phút khác, bạn hãy nhận ra sự dính mắc, và sau đó bạn buông xả. Bạn cứ tiếp tục lặp đi lặp lại như thế.
Rồi sau đó chúng ta mở rộng tấm lòng, để vượt thoát ra ngoài cái nhìn hẹp hòi của chúng ta, để nhìn thấy được sự kết nối với tất cả mọi vật, để chúng ta trân quý vẻ đẹp của mọi vật xung quanh, và chúng ta không nhìn thấy mình tách biệt ra khỏi mọi thứ khác, mà chúng ta chính là một phần của mọi thứ khác, cùng với nhau trong đó, và chúng ta thương yêu sâu sắc qua sự thật nầy.  

Leo Babauta 
Nguyễn Văn Tiến biên dịch 
" How To Develop A Mind That Clings To Nothing "

Bất hiếu bởi đâu

Bất hiếu là một hiện thực khổ đau không hiếm gặp trong đời sống. Ai cũng biết bất hiếu là tội lỗi, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người ta bị che lấp tâm trí, dẫn đến hành xử sai lầm. Pháp thoại dưới đây, Thế Tôn đã dùng một bài kệ làm thức tỉnh tâm người con bất hiếu biết phục thiện, hiếu kính với cha mẹ.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà, Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy, có Bà-la-môn tuổi  già sức yếu, chống gậy, cầm bát, đi khất thực từng nhà một. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bà-la-môn:
- “Nay ông đã tuổi già sức yếu rồi, sao lại còn phải chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà?”.
Bà-la-môn bạch Phật:
- “Bạch Cù-đàm, bao nhiêu tài vật có được ở trong nhà tôi, tất cả đều giao cho con trai, cưới vợ cho con trai. Nhưng sau đó chúng lại đuổi ra khỏi nhà, nên phải chống gậy, cầm bát đi khất thực từng nhà”.
Phật bảo Bà-la-môn:
- “Ông có thể học thuộc lòng một bài kệ của Ta, rồi trở về nhà, ở giữa mọi người Bà-la-môn, đọc cho con trai của ông nghe được không?”.
Bà-la-môn bạch Phật:
- “Bạch Cù-đàm, có thể được”.
Bấy giờ, Đức Phật liền nói bài kệ: 
Sanh con lòng vui mừng
Vì con tích chứa của
Rồi cưới vợ cho con
Nhưng mình phải bỏ nhà
Đứa con quê mùa kia
Nghịch, phụ ân cha mẹ
Thân người, tâm La-sát
Xua đuổi bậc già cả
Như ngựa già vô dụng
Bị cướp mất thóc lúa
Con trẻ mà cha già
Phải xin ăn từng nhà
Gậy cong này hơn hết
Ân ái hơn con đẻ
Vì ta ngừa trâu dữ
Tránh đất hiểm, được an
Xua đuổi loài chó dữ
Giúp ta qua chỗ tối
Tránh hầm sâu, giếng thẳm
Cây cỏ và gai góc
Nhờ sức oai cây gậy
Đứng vững không té ngã.
Sau khi nhận bài kệ từ Đức Thế Tôn, người Bà-la-môn liền trở về giữa đám đông Bà-la-môn, đọc lại cho con trai nghe. Trước hết ông cáo bạch mọi người: “Hãy nghe tôi nói”. Sau đó ông đọc lại bài kệ như trên. Người con trai vừa xấu hổ vừa sợ hãi, liền ôm choàng người cha mình đưa vào nhà, tắm rửa lau mình, mặc áo quần sạch sẽ và lập làm gia chủ.
Rồi thì, Bà-la-môn tự nghĩ: “Ta có được dòng họ tôn quý như hôm nay, là nhờ ân đức của Sa-môn Cù-đàm. Như kinh điển của ta đã dạy: ‘Là thầy thì cúng dường như bậc thầy; là Hòa thượng thì cúng dường như là Hòa thượng. Những gì ta đã được hôm nay đều nhờ vào oai lực của Sa-môn Cù-đàm, Ngài là thầy của ta. Hôm nay ta sẽ đem chiếc y quý giá tốt đẹp nhất cúng dường cho Cù-đàm”.
Bấy giờ, Bà-la-môn đem chiếc y quý giá nhất đến chỗ Đức Thế Tôn. Trước mặt Thế Tôn, cùng thăm hỏi sức khỏe rồi, sau đó ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Cù-đàm, ngày nay gia cư của con được thành tựu là nhờ vào oai lực của đức Cù-đàm. Như kinh điển bên con đã dạy: “Là thầy thì cúng dường như là bậc thầy, là Hòa thượng thì cúng dường như là Hòa thượng”. Ngày nay Cù-đàm là thầy của con, xin thương xót con mà nhận chiếc y này”.
Vì thương xót mà Đức Thế Tôn đã nhận chiếc y.
 Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bà-la-môn mà nói đủ các pháp, chỉ dạy, làm sáng tỏ, làm cho vui mừng. Bà-la-môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ cáo lui ”
- Kinh Tạp A-hàm, kinh 96 -

Suy cho cùng, vì tham sân si che lấp mà con cái bất hiếu với cha mẹ. Ngẫm sâu hơn nữa, đó còn là nhân quả nhiều đời của cha mẹ còn đeo đẳng nên mới sinh con bất hiếu, tạo cộng nghiệp khổ đau. Thế nên, chữ hiếu cần được nhìn nhận trong quan hệ duyên sinh, tương tác mà không phải chỉ một chiều dưới phải kính trên. Thành ra, con cháu và ông bà cha mẹ cần được tu tập chuyển hóa, cả nhà phải có mối tương duyên hiếu-dưỡng-kính-thuận không chỉ trong hiện tại mà cả nhiều đời mới có thể cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, kiến tạo một cộng nghiệp thiện lành, hòa hiếu an vui.

Quảng Tánh

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

Duyên đến duyên đi, hết thảy đều là phúc


Trước đây, ở trong ngôi chùa Thiện Quốc, Long Sơn có hai vị hòa thượng là Ngộ Không và Ngộ Liễu. Ban đầu, hai người họ mỗi ngày đều cùng nhau ra ngoài hóa duyên (khất thực), về sau chỉ còn Ngộ Không là thường xuyên đi. Nguyên lai là bởi vì, Ngộ Liễu phát hiện ra đi hóa duyên ở dưới núi rất dễ, cứ xuống dưới núi đi đi đi lại một vài lần là có thể xin được rất nhiều. Ngộ Liễu đem số tiền xin được đi mua gạo, mì, và những thứ cần thiết trong cuộc sống rồi tích trữ lại, thời gian rảnh rỗi còn lại đều nằm ngủ trong chùa. Ngộ Không liền khuyên Ngộ Liễu đừng để lãng phí thời gian, nên đi ra ngoài hóa duyên.
Ngộ Liễu nghe xong cảm thấy bực mình, nói: “Người xuất gia mà có thể tham lam đến thế sao? Có ăn thì được rồi. Huynh xem đệ có nhiều lương thực như vậy, đủ cho đệ ăn hơn nửa tháng rồi, hà tất gì còn phải ra ngoài bôn ba cực nhọc?”.
Ngộ Không niệm một câu A Di Đà Phật rồi nói: “Sư đệ, đệ đã đi hóa duyên nhiều năm như vậy rồi, lẽ nào vẫn còn chưa ngộ được chỗ tuyệt diệu và đạo lý của hóa duyên sao?”.
Ngộ Liễu nghe xong, liền mỉa mai Ngộ Không, nói: “Sư huynh, huynh cứ trời vừa hừng sáng đã ra ngoài, đến khi tối mịt mới trở về, nhưng đệ thấy huynh đi tay không, mà về cũng tay không, xin hỏi duyên của huynh hóa được ở đâu vậy?”.
Ngộ Không nói: “Duyên mà huynh hóa được ở trong tâm. Duyên từ tâm mà đến, duyên cũng từ tâm mà đi”.
Ngộ Liễu nghe xong không hiểu gì cả, nói: “Huynh nói, đệ thật không hiểu gì cả”.
Về sau, tài vật mà Ngộ Liễu xin được càng ngày càng ít dần. Điều này khiến cho Ngộ Liễu rất buồn phiền. Trước đây, xin một lần thì có thể ăn được hơn cả nửa tháng, còn bây giờ chỉ có thể ăn được mấy ngày thôi. Trong khi đó, Ngộ Không vẫn ngày ngày sáng  sớm ra đi, tối mịt tay không mà về,  nhưng vẻ mặt thì luôn mỉm cười.
Ngộ Liễu muốn chế giễu sư huynh liền nói: “Sư huynh! Huynh hôm nay thu hoạch được gì nào?”.
Ngộ Không: “Thu hoạch được rất nhiều”.
Ngộ Liễu : “Ở đâu vậy?”.
Ngộ Không nói: “Ở trong nhân gian, ở trong lòng người”.
Ngộ Liễu cảm thấy bản thân nhất thời khó mà hiểu được những lời của sư huynh, quyết định ngày mai đi hóa duyên cùng Ngộ Không.
Ngộ Liễu nói: “Sư huynh, ngộ tính của đệ quá kém, ngày mai đệ muốn cùng huynh đi hóa duyên một chuyến xem sao”.
Ngộ Không gật đầu đồng ý.
Ngày hôm sau, Ngộ Liễu cùng Ngộ Không đi hóa duyên, Ngộ Liễu lại lấy ra cái túi vải mà anh ta luôn mang theo mỗi khi đi hóa duyên.
Ngộ Không nói: “Sư đệ, hãy cất cái túi đó đi”.
Ngộ Liễu hỏi: “Vì sao?”.
Ngộ Không: “Trong cái túi này của đệ chứa đầy ham muốn cá nhân và lòng tham, mang nó đi theo thì hóa không được duyên tốt nhất đâu”.
Ngộ Liễu nói: “Thế thì chúng ta sẽ đựng những thứ hóa được ở đâu đây?”
Ngộ Không nói: “Ở Trong lòng. Lòng người có thể chứ đựng được tất cả”.
Cứ như vậy, Ngộ Không và Ngộ Liễu cùng nhau lên đường. Hai người họ cứ đi đến đâu thì đều sẽ có rất nhiều người nhận ra Ngộ Không. Ngộ Không còn chưa kịp nói chuyện, họ liền chủ động đem tài vật bố thí cho anh ta. Có người còn nói, lần trước may mắn được Ngộ Không đại sư bố thí, chúng tôi mới vượt qua được cửa ải khó khăn ấy. Đại ân đại đức của ngài, chúng tôi sẽ suốt một đời không quên!
Ngộ Liễu nghĩ trong lòng: “Không cho ta mang theo cái túi, xem huynh lát nữa để các thứ này ở đâu.”
Hai người họ tiếp tục đi về phía trước, duyên mà họ hóa được càng lúc càng nhiều. Ngộ Liễu nhìn thấy hôm nay thu hoạch được không ít, trong lòng vô cùng vui sướng. Vừa đúng lúc này, một người nông dân từ xa đi đến, ôm một đứa bé ở trước ngực, vừa đi vừa khóc. Hóa ra, đứa con của người nông dân này đang bị bệnh nặng, ông không kiếm đâu ra tiền để đưa con đến viện.
Ngộ Không bước đến bên người nông dân này, đem toàn bộ số tài vật xin được cho ông ta. Họ tiếp tục đi về phía trước, ngoài được no ấm ra, trên đường hễ xin được gì họ lại bố thí đi.
Ngộ Không hỏi Ngộ Liễu: “Sư đệ, đệ theo ta ra ngoài đã xin được gì rồi?”
Ngộ Liễu gượng cười. Ngộ Không nói: “Sư đệ chỉ biết được cái phúc khi duyên đến, mà không biết được cái phúc khi duyên đi. Nhìn trong trời đất này, vạn vật của tự nhiên vì sao lại xinh đẹp như vậy! Vạn vật trong trời đất đều đang tuần hoàn. Sư đệ xem, phong thủy, ngày đêm, bốn mùa, có cái nào là không đang tuần hoàn? Người chỉ biết cái phúc khi duyên đến thì đó chỉ là niềm vui trong chốc lát, thời gian lâu rồi, thì chính là một hồ nước chết. Sự khác biệt giữa chúng ta chính là: Đệ đem những thứ xin được bỏ vào trong cái túi chứa đầy ham muốn cá nhân và tham lam, còn huynh thì đem những gì xin được bỏ vào trong lòng người, khiến cho thiện lương, tình yêu thương cứ tuần hoàn ở trong lòng người và trong nhân gian”.
Ngộ Liễu nghe đến đây liền cúi đầu xuống. Ngộ Không niệm một tiếng:
“A Di Đà Phật”.

Mai Trà biên dịch
*Ảnh: Phearun Yin, Giả thưởng Quốc gia CamPuChia

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Hạnh Phúc và Bất hạnh

 " Hạnh Phúc là niềm vui từ bên trong
Nó không đến từ sự tìm kiếm và đòi hỏi "
- Osho -


HẠNH PHÚC & BẤT HẠNH
Đôi khi bạn hạnh phúc và đôi khi bạn bất hạnh - bởi vì hạnh phúc của bạn là có điều kiện. 
Khi bạn thành công bạn hạnh phúc, khi bạn thất bại bạn bất hạnh; hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào nguyên nhân bên ngoài. 
Bạn không thể luôn luôn ca hát được; cho dù bạn hát, bài hát của bạn sẽ không phải bao giờ cũng có việc hát. 
Đôi khi nó sẽ thực sự là vui mừng và đôi khi chỉ là lặp lại, chết và đờ đẫn. 
Đôi khi, khi người bạn tới, khi bạn tìm thấy người yêu, bạn hạnh phúc. Đôi khi, khi người bạn đã đi, người yêu mất, bạn bất hạnh. 
Hạnh phúc và bất hạnh của bạn đều có nguyên nhân từ bên ngoài - nó không phải là dòng chảy bên trong, nó không phải là cái gì đó bạn sở hữu. 
Nó được trao cho bạn bởi người khác và bị lấy đi, được trao cho bạn bởi hoàn cảnh và bị lấy đi. 
Điều này không đáng gì bởi vì bạn vẫn còn là nô lệ, bạn không là người chủ.
Đạo nhân gọi một người là người chủ nếu hạnh phúc của người đó là tuyệt đối của riêng người đó. 
Ông ấy có thể hạnh phúc bất chấp tình huống: trẻ ông ấy hạnh phúc, già ông ấy hạnh phúc; là quân vương ông ấy hạnh phúc, là kẻ ăn xin ông ấy hạnh phúc. 
Bài ca của ông ấy không bị nhiễm bẩn bởi hoàn cảnh; bài ca của ông ấy là của riêng ông ấy, bài ca của ông ấy là nhịp tự nhiên của ông ấy.

Osho
 Trích : “ Đạo - Đường vô lộ "