Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

Điện Biên Phủ ...

ĐIỆN BIÊN PHỦ ... 

“ Qua miền Tâу Bắc núi vút ngàn trùng xa ...”

 

Cuối năm 1953, phát hiện quân chủ lực Việt Minh di chuyển lên Tây Bắc, tướng Henri Navarre quyết đinh tái chiếm một căn cứ cũ tại Điện Biên Phủ, cách Hà Nội 175 dặm về phía tây và sát với biên giới Lào để cản đường Việt Minh tiến vào vùng trồng lúa và cây thuốc phiện lớn.  

Ngày 20/11/1953, Tướng Cogny - tư lệnh chiến trường Bắc Bộ đã tổ chức cuộc hành binh Hải Ly cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ. Liên tục sau đó, lực lượng quân Pháp đồn trú ở Điện Biên được tăng cường thêm. Đến tháng 12/1953 đã lên tới 6 tiểu đoàn, khoảng 4.500 quân.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được ra đời nhằm án ngữ miền Tây Bắc Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào đồng thời làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công và sẽ bị nghiền nát tại đó.

Lúc đầu, Navarre chỉ coi Điện Biên là một cứ điểm bình thường nhằm ngăn chặn các hành động quân sự của đối phương. Nhưng khi phát hiện hai đại đoàn 308 và 312 đang di chuyển lên Tây Bắc, Navarre đã chú trọng tăng cường cho Điện Biên Phủ để nơi đây trở thành trận quyết chiến của hai bên. Trung tuần tháng 12 /1953, Navarre thông báo cho quân đồn trú ở Điện Biên là ông ta chấp nhận cuộc giao chiến với Việt Minh tại đây. Phương Tây coi đây là một sự chuyển hướng có tính chiến lược của Navarre, vì Điện Biên Phủ không nằm trong kế hoạch Thu Đông 1953 - 1954. 

Quyết định này dựa trên các yếu tố so sánh lực lượng mà phía Pháp thấy có nhiều lợi thế.

Trước hết, về hậu cần, trong khi quân Pháp có máy bay vận tải để tiếp tế thì Việt Minh chỉ có thể dùng sức người là chính vì đường sá tiếp cận Điện Biên rất xấu. Phép tính này cũng không lầm lẫn khi nguồn tiếp tế lương thực của Việt Minh là từ Khu 4, Việt Bắc và Trung Quốc. Cả 3 nguồn tiếp tế đó, khoảng cách quãng đường đến chiến trường từ 300 đến 400 km đều trong tình trạng đường rất xấu và dễ bị khống chế bằng không quân. Ngoài không lực từ Hà Nội, Hải Phòng có thể tiếp ứng thì quân Pháp ở Điện Biên cũng có máy bay ném bom ngay tại chỗ.

Hỏa lực pháo binh là yếu tố quan trọng trên chiến trường, Pháp có 24 khẩu pháo 105 mm và 4 khẩu đại pháo 155mm cùng gần 30 súng cối 120 mm. Trong khi Việt Minh khó có thể đưa được pháo lớn vào Điện Biên do địa hình hiểm trở. Nếu đưa được vào thì cũng sẽ bị hoả lực áp đảo của pháo binh Pháp tiêu diệt do phải đặt pháo ở sườn núi đối diện thung lũng mới đủ tầm bắn tới các cứ điểm vì thung lũng Mường Thanh dài 15 km và rộng hơn 5 km. Pháp lại có riêng 2 máy bay trinh sát chuyên lo việc phát hiện trận địa pháo nên trung tá Piroth – chỉ huy pháo binh ở Điện Biên tự tin hứa với Navarre rằng, sẽ tiêu diệt bất cứ khẩu pháo nào của Việt Minh sau 3 phút khai hỏa.

Bên cạnh ưu thế tuyệt đối về máy bay, Pháp cũng có ưu thế tuyệt đối về thiết giáp. Trong khi lực lượng Việt Minh chỉ là các đơn vị bộ binh thuần túy thì Pháp có ở đây 10 xe tăng. Địa hình bằng phẳng trong khu vực là một yếu tố địa lợi giúp quân Pháp phát huy ưu thế hỏa lực của máy bay, pháo binh và xe tăng trong khi Việt Minh thì không có chỗ ẩn núp.

Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm phòng ngự có hỏa lực mạnh. Toàn bộ khu vực gồm 49 cứ điểm được chia làm 3 phân khu. Các cứ điểm có sự liên kết chặt chẽ với nhau theo những tính toán rất chi tiết. Khi đối phương tấn công vào một cứ điểm, hỏa lực mà họ gặp phải không chỉ của bản thân cứ điểm mà còn có hỏa lực của các cứ điểm xung quanh cùng với máy bay ném bom và pháo từ các trận địa trong trung tâm cứ điểm hỗ trợ.

Với những ưu thế đó, tướng lĩnh Pháp thậm chí còn lo lắng Việt Minh không tấn công thì công sức xây dựng cứ điểm Điện Biên sẽ vứt đi. 

Quyết định này của Pháp phù hợp hoàn toàn với mong đợi của các nhà lãnh đạo Việt Minh. Tại cuộc họp tháng 10 trong một căn nhà tre giản dị sâu trong núi, họ đã nhất trí rằng tranh chấp đồng bằng sông Hồng chỉ khiến quân Pháp được thi triển lực lượng và hỏa lực ngay sát căn cứ của họ. Mục tiêu của Việt Minh là phải dụ cho được đối phương và phân tán chúng, rồi tiến đánh khi chúng liều lĩnh tiến xa nhất. 

Khi biết kế hoạch Thu Đông 1953 - 1954 của Navarre là nhằm tập trung quân cơ động ở đồng bằng Bắc bộ để tìm diệt bộ đội chủ lực Việt Minh - Hồ Chủ tịch đã nói: "Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn."

Ngay từ tháng 4/1953 Việt Minh đã mở một mặt trận mới ở Lào để phân tán lực lượng của Pháp. Vào tháng 6, số thiết bị và quân nhu mà Trung Quốc viện trợ đã tăng từ 250 tấn trong cùng thời kì năm trước đến 2,000 tấn mỗi tháng, cùng với xe tải Molotova và xe ủi đất.

Lúc đầu bộ chỉ huy Pháp tại Hà Nội không biết Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Minh các pháo tự hành M2A1 105mm của Mỹ mà họ đã tịch thu từ Quốc Dân Đảng cùng với súng cối 120mm và pháo cao xạ 37mm. Các vũ khí này giúp tăng cường hoả lực mạnh mẽ và trên hết là tầm bắn  – một quả pháo 105mm có thể bay đến mục tiêu từ ụ pháo cách đó khoảng 11,000 mét.

Lời kêu gọi quan trọng mà Tướng Giáp đưa ra là về hậu cần khi thuyết phục bộ chính trị rằng có thể kéo các khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, vượt 500 dặm qua một số địa hình hiểm trở và duy trì tiếp tế hàng tháng trời cho lực lượng vây hãm gồm 4 sư đoàn. Việt Minh đã ban hành lệnh tổng động viên dân công trên toàn ‘vùng giải phóng’ trong ngày 6 - 12 .

Tướng Navarre và Cogny đã biết tin về bốn sư đoàn Việt Minh đang chuyển quân lên vùng núi phía bắc, nhưng vẫn không nắm được hướng đi và điểm đến do nhiều cuộc tấn công nghi binh của Việt Minh tại Cao nguyên Trung phần và châu thổ sông Hồng. Ngày 31/12, Tướng Navarre báo cáo về Paris rằng có khả năng căn cứ không thể bảo vệ được sau khi biết tin Việt Minh đang triển khai pháo tự hành ở Điện Biên Phủ.

Trong những tuần sau kỳ nghỉ năm mới, lực lượng đồn trú phát động một số cuộc xuất kích nhắm vào pháo binh Việt Minh, nhưng đều thất bại. Nỗ lực cắt đứt đường tiếp tế từ trên không cũng không thành công, một phần cũng vì hạn chế của phi đội B-26 Marauder.

Cách xa Điện Biên Phủ, Việt Minh tiến hành các cuộc tấn công biệt kích đêm nhằm làm tiêu hao không lực Pháp và đánh lạc hướng sự chú ý của Navarre. Hai mươi máy bay, phần lớn là C-47 quý giá, bị phá hủy trong các cuộc đột kích vào sân bay quanh Hà Nội và Hải Phòng. 

Trong tuần cuối của tháng giêng, quân đồn trú bị đặt trong tình trạng báo động cao. Tin tình báo cho biết Việt Minh sẽ tổng tấn công trong vài giờ tới. Nguồn tin này không sai -  đó là kế hoạch, nhưng Tướng Giáp đã quyết định lùi thời gian lại khi nhận định các điều kiện chưa chín muồi. Trận địa pháo trống trải dễ bị phản kích và dự trữ đạn pháo, đạn súng cối còn chưa được như mong muốn. 

Tiến trình ra khỏi Đông Dương của Pháp được đẩy nhanh hơn sau một phiên họp căng thẳng và khó khăn vào tháng giêng 1954 giữa các ngoại trưởng tại Berlin. Đại diện phía Liên Xô là Molotov thúc giục triệu tập một hội nghị có sự tham dự của Trung Quốc để giải quyết các vấn đề nổi cộm ở châu Á, nhất là Triều Tiên và Đông Dương. Hội nghị sẽ bắt đầu ở Geneva vào ngày 26/4 dưới sự chủ tọa của Anh và Nga.

Cả hai đội quân đang đối đầu ở Điện Biên Phủ giờ bị thúc ép trước tình hình khẩn trương mới, phải đạt được vị thế chiến trường mạnh nhất có thể trước bàn hội nghị. Paris đã bác bỏ đề nghị của nhà lãnh đạo Ấn Độ Jawaharlal Nehru cho một cuộc ngừng bắn ngay lập tức ở Đông Dương. Không chắc là Việt Minh sẽ chấp nhận một cuộc hưu chiến như thế, nhưng người Pháp đã bác bỏ một cơ hội – cơ hội cuối cùng có thể nghĩ ra – để rút lại tiền cá cược của mình đã đặt trên bàn Điện Biên Phủ.

Các cuộc không kích vào đường tiếp tế của Việt Minh không gây tác động nhiều trong khi phi cơ Pháp ngày càng phải đương đầu với hỏa lực ác liệt từ súng máy phòng không 12,7mm và pháo cao xạ 37mm của Xô viết.

Khi đạn pháo bất ngờ chụp xuống tiền đồn hoang vu ở phía tây Bắc Kỳ, người Pháp nhận ra một diễn tiến không ngờ khác từ phía Việt Minh. Theo kiến thức quy ước -  trận địa pháo nên được bố trí trên bờ nghiêng ngược lại, ngoài  tầm nhắm trực tiếp của đối phương. Vậy mà Việt Minh lại đặt các khẩu pháo trên mặt dốc phía trước - nòng pháo chĩa thẳng xuống các cứ điểm của De Castries. Dù ở vị trí đó, các khẩu pháo của Việt minh gần như không thể bị tổn thương bởi hỏa lực phản pháo, bởi vì chúng được giấu trong các đường hầm khoét sâu vào núi và chỉ được kéo ra khi lâm trận. Đồng bằng Điện Biên Phủ nằm trên độ cao 1,000 bộ so với mặt nước biển; vị trí cao nhất của Pháp cao hơn 600 bộ (khoảng 180 mét). Vậy mà chỉ cách đó khoảng 4,500 mét, Việt minh án ngữ một phòng tuyến trên đồi ở độ cao trung bình khoảng 1,100 mét. Pháo và súng cối của quân Pháp đặt trong hố bị phơi bày lộ liễu một cách kinh khủng.

Hàng tuần liền, bộ đội của Tướng Giáp chỉ đào, đào và đào. Họ đào chung quanh một mạng lưới hầm và hào để tiếp cận vành đai phòng tuyến Pháp. Các cứ điểm của Pháp tập trung trên 9 ngọn đồi, mỗi đồi được gắn một tên của phái đẹp. Isabelle và Béatrice được xem là mạnh nhất.

Vào ngày 11 /3, Việt Minh bắt đầu pháo kích vào các máy bay tại sân bay Mường Thanh và khống chế không phận bằng hỏa lực pháo cao xạ.

Chiều 13/3, Sư đoàn 312 tập kích cứ điểm phía đông - Béatrice ( Him Lam ), cách đường băng không đến 2 dặm.  Lúc 17:05, lực lượng phòng thủ chuẩn bị hỏa lực pháo và súng cối khi phát hiện Việt Minh bắt đầu chuyển quân thì Tướng Giáp đã ra tay trước. Một trận bão lửa của pháo và đạn súng cối hạng nặng ập xuống không chỉ Béatrice, mà còn vào các mục tiêu phân tán rộng khắp căn cứ, nhất là các vị trí pháo và bộ chỉ huy với độ chính xác cao. Tiểu đoàn Lê Dương Viễn Chinh với 450 người chống giữ Beatrice căng thẳng chờ đợi cuộc tấn công bằng bộ binh. Nhưng chỉ khi đêm xuống, bộ đội Việt Minh mới tràn lên từ những vị trí đã đào cách chu vi Béatrice khoảng 45 mét và giành được quyền kiểm soát Béatrice sau nửa đêm.

Lúc 18:00 giờ ngày 14, ngay trước khi mặt trời lặn, Sư đoàn 308 của Việt Minh bắt đầu tấn công cứ điểm Gabrielle( đồi Độc Lập ) xa hơn về phía bắc - được lực lượng Tirailleurs Algeria thứ 7 phòng thủ. Trận đánh ác liệt kéo đài đến tận đêm, dưới ánh sáng hỏa châu do máy bay Dakota thả xuống. Trong vài giờ đầu lực lượng phòng thủ bám vững trận địa, với sự yểm trợ của pháo gây nhiều khó khăn cho phía Việt Minh. Tuy nhiên, lúc 03:30 sáng, hoả lực pháo binh Việt Minh đã dội trúng đồn chỉ huy gây thương vong nặng nề. Quân Pháp hy vọng phản công vào rạng sáng nhưng binh lính Algeria đã chịu hết thấu. Lúc 07:00 ngày 15 khi các binh sĩ Việt Minh đầu tiên xuất hiện trên đỉnh Gabrielle thì lực lượng Tirailleurs, trong đó có một đại đội không hề giao tranh mà bỏ chạy tán loạn xuống đồi.

Sang ngày thứ ba của trận đánh, phân nửa kho đạn 27,000 quả pháo của quân đồn trú đã xài hết. Một phần ba pháo đội 155mm và hơn phân nửa đội súng cối 120mm thương vong. Người Pháp đã mất các vị trí quan sát tiền tiêu, thành ra các khẩu pháo còn lại buộc phải bắn gần như mù, lệ thuộc vào các mục tiêu trên các không ảnh chụp in ra giấy được thả dù xuống căn cứ. Chỉ huy pháo binh, Đại tá Piroth đã tự sát bằng một quả lựu đạn vì bất lực trước hỏa lực pháo của đối phương.

Hai ngày sau trôi qua không có sự cố gì. Các loa tuyên truyền của Việt Minh phát đi lời kêu gọi đầu hàng cho lực lượng phòng thủ bằng tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Ả Rập và Đức. Việc này không phải là không có tác dụng theo sau các loan báo về hội nghị Geneva sắp tới vì Cogny đã bổ sung vào lực lượng đồn trú Điện Biên Phủ một tiểu đoàn Việt và hai tiểu đoàn Thái được cho là không đáng tin cậy. Trong đêm 15/3, các vụ đào ngũ đã xảy ra tại tiểu đoàn Thái Lan án ngữ cứ điểm Anne-Marie( Bản Kéo ), cách Gabrielle một dặm rưỡi về phía tây - nam. Không lâu sau đó một trận pháo kích đẩy nhanh tiến độ tháo chạy trên diện rộng. Anne-Marie 1 và 2 rơi vào tay Việt Minh gần như không tốn một giọt máu và họ nhanh chóng triển khai ở đó dàn súng cối và súng không giật. Tinh thần chiến đấu của quân đồn trú vỡ vụn đến nỗi Việt Minh có thể tiến lên đánh chiếm toàn bộ căn cứ. Tuy nhiên, Tướng Giáp không muốn hấp tấp. Sự chuẩn bị kiên trì, có phương pháp đã có kết quả. Hơn nữa, các lực lượng tấn công cũng tổn thất nặng nề trong các thắng lợi ban đầu. Một phần tư bộ đội tấn công Béatrice được cho là đã hy sinh, và một tiểu đoàn tấn công Gabrielle tổn thất 240 người. Dưới làn mưa đạn pháo và đạn súng cối, lực lượng tấn công phải trả giá đắt vì thiếu thốn mũ sắt, và cách tấn công ‘biển người’ ban đầu. 

Vào ngày 28, pháo của Việt Minh đã phá hủy một máy bay Dakota trên đường băng. Đường băng không còn hữu dụng gì nữa. ‘Cầu không vận’ - điểm tựa để kế hoạch Điện Biên Phủ được xây dựng đã tan tác. Binh sĩ bắt đầu tháo dỡ những tấm thép từ đường băng để lợp nóc hầm và boongke.

Việt Minh tung ba phần tư lực lượng chính quy của mình vào Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, cho dù trận chiến đang tiếp diễn, lực lượng du kích của Họ vẫn duy trì sức ép ở nơi khác, để phân tán quân lực Pháp. Có đọ súng xảy ra trong vùng châu thổ sông Hồng và xa hơn về phía nam. Giữa tháng 2 và giữa tháng 5 nhiều đồn Pháp bị đánh chiếm. Pháp ra sức phòng thủ các vị trí trên khắp Việt Nam và sâu trong đất Lào.

Trong khi De Castries chiến đấu ở Điện Biên Phủ, thì tại Washington, London và Paris các cuộc thảo luận - đúng ra là tranh cãi nảy lửa xảy ra khi Đô đốc Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân ra sức vận động cho đề xuất mang tên ” Chiến dịch Kền kền".

Theo đó, Mỹ sẽ dùng 60 máy bay ném bom hạng nặng B-29 từ căn cứ không quân ở Philippines để ném bom rải thảm, mỗi đợt khoảng 450 tấn bom, xuống các vị trí của Việt Minh ở Điện Biên Phủ cùng với sự hộ tống của 150 máy bay chiến đấu từ Hạm đội 7. Ngoài loại bom thường (2 tấn/quả), Radford còn đề nghị sử dụng 3 quả bom nguyên tử chiến thuật để nghiền nát lực lượng Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Kế hoạch được sự ủng hộ của Tổng thống Eisenhower, Phó tổng thống Nixon, Dulles, tướng Nathan F.Twining (Tham mưu trưởng Không quân Mỹ). Rất may, nhiều người đã tán đồng ý kiến phản đối quyết liệt của Matthew Ridgway ( Tham mưu trưởng Lục quân ) nên kế hoạch đã bị đình chỉ. 

Đợt tiến công thứ 2 bắt đầu vào 16 giờ ngày 30/3. Các trận tấn công liên tiếp của 5 trung đoàn Việt Minh đánh chiếm các mục tiêu trên và chung quanh Eliane 1 do binh sĩ Algeria trấn giữ. Việt Minh khai hỏa pháo kích đúng giờ thông lệ 17:00, và phát động bộ binh một giờ sau. Mưa nặng hạt đã làm ngập úng các chiến hào và yểm trợ không lực gần như không thể thực hiện được. Trong khi đó, xa hơn về phía bắc - cứ điểm Dominique cũng bị bao vây. Sau gần bốn giờ giao tranh ác liệt, cứ điểm Eliane 1 sụp đổ. Cảnh tượng tương tự cũng xảy ra vào 22:00 ở Dominique 2.

Sáng ngày 31, một tiểu đoàn dù khác đã nhảy xuống Điện Biên Phủ và vào cuối ngày Pháp phản công chiếm lại Dominique 2, Eliane 1 để rồi nhìn chúng rơi trở lại trong cuộc tái tấn công của Việt Minh.

Vào khuya ngày 4/4, Pháp chính thức yêu cầu Mỹ viện trợ không lực cho Điện Biên Phủ. Tại Điện Biên Phủ, lực lượng tiếp viện vẫn được gửi đến. Một quyết định kịch tính được đưa ra khi Pháp phái đi nhóm quân tình nguyện chưa qua đào tạo về nhảy dù. Trong khi lực lượng bao vây tiếp tục đào hào tiến gần đến các mục tiêu tiếp theo thì sáng ngày 10/4 - đại tá Marcel Bigeard chỉ huy một cuộc phản kích vào Eliane 1. Lúc 11:30, sau trận đánh ác liệt họ đến được đỉnh đồi – rồi khựng lại với 60 binh sĩ thương vong. Hoàng hôn ngày 18/4, lực lượng đồn trú 100 người của Huguette 6 tháo chạy khỏi công sự.

Vào đêm 22 và ngày 23/4, bộ đội Việt Minh liên tục tiến đánh Huguette 1. Tướng De Castries ( được thăng hàm chuẩn tướng tại mặt trận vào ngày 16/4/1954 ) yêu cầu phản công, vì nếu mất Huguette 1 sẽ không còn không gian để thả dù tiếp tế. Lính dù dẫn đầu cuộc phản kích vào lúc 14:00 ngày 23/4, sau khi bốn chiếc Marauder và một tá chiến đấu cơ tiến hành không kích. Quân Việt Minh trên Huguette chịu tổn thất nghiêm trọng, nhưng do quân dù triển khai chậm 45 phút nên viện binh phía Việt minh cũng đã kịp bổ xung. Lính Pháp gặp hoả lực ác liệt và phải rút lui với thương vong nặng nề.

Tướng Navarre và Cogny bám vào các hy vọng - hoặc thời tiết mùa mưa tệ hại hơn sẽ khiến bộ đội của Tướng Giáp khó giữ vững nhịp độ tấn công vì lý do hậu cần, hoặc một cuộc ngừng bắn tại chỗ có thể được áp đặt bởi các cường quốc tại hội nghị ở Geneva. Họ thúc giục Paris rằng tiếp viện nhiều hơn sẽ cải thiện cơ may của quân đồn trú. Tất nhiên, điều này là vô lý vì không mấy người trong số phi hành đoàn còn muốn làm ra vẻ gắng sức, họ tống đại hàng tiếp tế ra khỏi máy bay từ 10,000 bộ - nên gần như phân nửa rơi vào tay đối phương. Nhiều trận dội bom được tiến hành mù, qua các đám mây.

Đêm 1/5, bộ đội Việt Minh tiến đánh Eliane 1 và chiếm được sau 90 phút cận chiến. Trong khi đó, quân phòng thủ Thái và Algeria trên Dominique 3, chống đỡ gan lì trước khi ngã quỵ. 

Cứ điểm Eliane 2 (đồi A1) giữ vai trò quan trọng vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực sở chỉ huy của De Castries và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm. Trong trận đánh tại đây, quân Pháp thiệt hại 331 người chết hoặc mất tích và 168 người bị thương. Tướng De Castries chỉ còn hơn 2,000 binh sĩ chống lại 14,000 bộ đội của Tướng Giáp. Việt Minh tung ra vũ khí mới - Katyusha của Xô viết, dàn phóng tên lửa đa nòng, với tiếng rít gây chấn động tinh thần.

Việt Minh cũng tiến hành một cuộc tấn công vào Huguette 4 rạng sáng ngày 4/5. Trong 24 giờ tiếp theo quân đồn trú được bổ xung 383 lính tiếp viện bằng nhảy dù, trong đó có 155 người Việt. 

Sáng ngày 6/5, Tướng De Castries được tin tình báo về một trận tấn công lớn đêm đó. Vào lúc 21:30 một quả mìn của Việt Minh phát nổ bên dưới Eliane 2( A1 ), và rồi nó bị chiếm sau trận đánh chớp nhoáng dưới cơn mưa tầm tã. Đại úy Jean Pouget dẫn đầu một cuộc phản công bất thành. Một trận hỗn chiến ác liệt cũng nổ ra trên Eliane 4 và Eliane 10, khiến Langlais và Bigeard phải yêu cầu không kích ngay trên đầu rồi hủy bỏ cuộc nhảy dù tiếp viện vì vành đai phòng thủ bây giờ quá chật chội đến nỗi lính nhảy dù chắc chắn tiếp đất ngay trước mũi súng của Việt Minh. Thông điệp cuối cùng của sĩ quan chỉ huy Eliane 4, thất thủ sau 21:00 là đừng pháo kích vào vị trí đã thất thủ vì hào chứa đầy thương binh Pháp.

Lúc 17:00 ngày 7/5, Tướng De Castries điện đàm với bộ chỉ huy của Cogny, nói : ‘Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể . Đúng 17:30 tôi sẽ phái sứ giả.’ 

‘Ngài không được giơ cờ trắng. Ngài nên để trận đánh lụi tàn tự nhiên.’ - Tướng Cogny tìm cách ngăn cản một cuộc đầu hàng chính thức.

Rồi, từ boongke nhớp nhúa, ngột ngạt, De Castries ra lệnh phá hủy nhiều vũ khí có thể trước khi chính thức đầu hàng. Vị chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ không thể hiện phẩm chất có thể khiến ông là một anh hùng. Nhưng sẽ là hoàn toàn lầm lẫn khi cho rằng ông chịu trách nhiệm với việc thất thủ căn cứ, đã được an bày kể từ lúc lực lượng đồn trú không thể nhận được sự hậu thuẫn vững chãi.

Trên giấy tờ, trận đánh ở Điện Biên Phủ không hẳn là sự kiện quyết định của chiến tranh, bởi vì người Pháp còn sở hữu các lực lượng hùng mạnh và được Mỹ hậu thuẫn. Vậy mà chính quyền và nhân dân Pháp lại không thể chịu đựng thêm được nữa. Pierre Rocolle đã viết: ‘Điện Biên Phủ trở thành lời mời mọc cấp thiết để kết thúc cuộc bắn giết, bởi vì ý chí theo đuổi cuộc chiến đấu không còn tồn tại.’

Trước khi các phiên họp chính thức mở ra ở Geneva, ngày 3/5 - chính quyền Bảo Đại đe dọa tẩy chay hội nghị nếu người Pháp không đảm bảo việc chia cắt không có trên nghị trình. Các cuộc đối thoại song phương được nhộn nhịp tiến hành trước khi họp chính thức bắt đầu vào ngày 8/5.

Trong tuần lễ đầu, Trung Quốc vẫn giữ thái độ im lặng - hai ngoại trưởng duy nhất tỏ ra mất kiên nhẫn là Eden và Molotov. Vào ngày 10/5, Ông Phạm Văn Đồng đọc bài phát biểu tuyên bố Việt Minh chủ trương một nền độc lập đầy đủ cho ba nước Đông Dương. Ông hứa những người Việt nào từng chống lại Họ sẽ ‘không bị áp bức’. Rồi, trước sự kinh ngạc của phương Tây, ông bày tỏ ý muốn xem xét việc chia cắt. Gần như chắc chắn Việt Minh đã bị gây áp lực mới đưa ra một đề nghị như thế. Ngày 12/5, phái đoàn Bảo Đại tái xác nhận bác bỏ bất kì sự chia cắt nào. Nhưng các cuộc đối thoại song phương về cách thức và phương tiện bắt đầu giữa các đại biểu Pháp và Việt Minh, do Anh động viên.

Để hiểu rõ các sự kiện vài tuần sau đó, cần nhận thức rằng việc đầu hàng tại Điện Biên Phủ không ngăn được hai bên tiếp tục đánh nhau ở nơi khác trên khắp Việt Nam. Ngày 4/6 Navarre bị cách chức, nhường chỗ cho Paul Ely trở thành toàn quyền Đông Dương. Hai thảm họa quân sự mới xảy ra. Nhóm Cơ động 100, trong khi tiến hành một cuộc rút quân khỏi An Khê ở Cao nguyên Trung phần, rơi vào hàng loạt bẫy phục kích bắt đầu vào ngày 24/6. Khoảng nửa quân số Nhóm Cơ động 100 bị tiêu diệt và 4 phần 5 xe cơ giới bị phá hủy, một trong các trung đoàn thiện chiến nhất, ‘Triều Tiên’ 1 bị xoá sổ. Vào ngày 12/7 Nhóm Cơ động 42 chịu chung số phận. Nhiều nguồn tin cho biết Tướng Giáp đang chuẩn bị một trận công kích lớn vào đồng bằng sông Hồng. Tuyến đường sắt Trung Quốc nối với biên giới phía bắc của ‘vùng giải phóng’ hiện giờ cung cấp cho Việt Minh đến 4,000 tấn quân nhu và trang thiết bị mỗi tháng.

Trong khi đó tại Geneva, sau ngày 15/6 hội nghị phát triển một cách kịch tính - Joseph Laniel rời chức thủ tướng, và được Pierre Mendès-France thay thế. Vị thủ tướng mới lập tức tuyên bố rằng ông cũng sẽ từ chức nếu trong 30 ngày ông không đạt được lệnh ngừng bắn ở Đông Dương. Như vậy là ông đã đặt ra kỳ hạn chót cho hòa đàm Geneva. Các đại biểu của chính quyền Bảo Đại do thủ tướng mới được chọn một cách bất thường là Ngô Đình Diệm vẫn tỏ thái độ thù địch.

Vào ngày 10/7, mọi việc chia cắt được thỏa thuận giữa người Pháp và Việt Minh khép lại tại Vĩ tuyến 17. Sự chia cắt này ‘sẽ có tính lâm thời và theo bất cứ cách nào không nên được giải thích là hình thành một đường biên giới chính trị hoặc lãnh thổ. Mọi công dân Việt Nam được nhận một thời kỳ chiếu cố 300 ngày để quyết định sẽ sống dưới chế độ nào, với quyền tự do được bảo đảm đi ra bắc hay vô nam. Trong vòng hai năm sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Cả hai miền Việt Nam sẽ tham gia cùng với Lào và Cambodia như các nhà nước được thừa nhận là trung lập. Người Pháp sẽ khăn gói về nước. Có hai văn kiện chính hình thành Hiệp định Geneva. Thỏa thuận Đình Chiến được ký vào ngày 21/7/1954 bởi Pháp và Miền Bắc. Thông cáo Cuối cùng của Hội nghị Geneva được hậu thuẫn miệng bởi Pháp, Anh, Trung Quốc,  và Nga.

Hiệp định Geneva chỉ giải quyết những điều khoản hưu chiến, giữa thực dân Pháp ra đi và Việt minh nắm quyền ở Miền Bắc. Trong đó chứa cơ sở cho cả Washington lẫn Sài Gòn sau này nhấn mạnh rằng việc từ chối tiến hành bầu cử quốc gia trong khuôn khổ hai năm là không vi phạm điều gì mà hai bên đã thỏa thuận.

 ...

 

Theo Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

*Photo:  9 giờ sáng 14.3.1954, Việt Minh làm chủ toàn bộ cụm cứ điểm Him Lam (Béatrice), sau trận chiến đẫm máu kéo dài từ chiều hôm trước

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét