HỌC ĐÁNH CỜ
Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc,
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.
Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ,
Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Vốn trước hai bên ngang thế lực,
Mà sau thắng lợi một bên giành;
Tấn công, phòng thủ không sơ hở,
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.
Hồ Chí Minh
Văn Trực,Văn Phụng dịch
* Bức tượng Hồ Chủ Tịch đầu tiên được nữ điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946
學奕棋
閑坐無聊學奕棋,
千兵萬馬共驅馳。
進攻退守應神速,
高才疾足先得之。
眼光應大心應細,
堅決時時要進攻。
錯路雙車也沒用,
逢時一卒可成功。
雙方勢力本平均,
勝利終須屬一人。
攻守運籌無漏著,
才稱英勇大將軍。
Học dịch kỳ
Nhàn toạ vô liêu học dịch kỳ,
Thiên binh vạn mã cộng khu trì;
Tấn công thoái thủ ưng thần tốc,
Cao tài tật túc tiên đắc chi.
Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế,
Kiên quyết thời thời yếu tấn công.
Thác lộ song xa dã một dụng,
Phùng thời nhất tốt khả thành công?
Song phương thế lực bản bình quân,
Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân;
Công thủ vận trù vô lậu trước,
Tài xưng anh dũng đại tướng quân.
Dịch nghĩa
Ngồi trong giam cấm buồn tênh, học đánh cờ,
Nghìn quân muôn ngựa cùng rong ruổi;
Tấn công, lui giữ đều phải thần tốc,
Tài cao, chân nhanh mới được nước trước.
Tầm nhìn phải rộng, suy nghĩ phải sâu,
Phải kiên quyết, luôn luôn tấn công;
Lạc nước, hai xe cũng thành vô dụng,
Gặp thời, một tốt có thể thành công.
Thế lực hai bên vốn ngang nhau,
Kết cục thắng lợi thuộc về một người;
Tính kế đánh hay giữ không sơ hở,
Mới xứng là bậc đại tướng anh dũng
BẢO VẬT QUỐC GIA
Trả lờiXóaBức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim sáng tác năm 1946 được coi là bức tượng Bác Hồ đầu tiên. Tháng 5/1946, bà Nguyễn Thị Kim mới tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vài tháng.
Để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm Mỹ thuật ra mắt công chúng nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, Ban lãnh đạo Hội Văn hóa Cứu quốc cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim đến Phủ Chủ tịch để vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khoảng 10 ngày trực tiếp nặn tượng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, bức tượng bán thân Bác Hồ hoàn thành. Bà Kim đổ thạch cao để làm khuôn đúc đồng. Một nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của làng Mọc ở ngoại thành Hà Nội hồi đó được giao đúc bức tượng. Tượng cao 45cm, nặng 17kg, mô tả Bác đang ngồi tập trung cao độ vào công việc, dáng vẻ ưu tư trên khuôn mặt gầy. Bức tượng được trưng bày trang trọng trong Triển lãm mỹ thuật Mùa thu năm 1946. Nhưng không lâu sau đó, tháng 12/1946, kháng chiến bùng nổ. Nhà in báo Sự thật hồi đó đang đóng ở nhà bà Kim, được lệnh phải khẩn trương rút khỏi Hà Nội. Trước khi rời Hà Nội theo kháng chiến, để bức tượng không lọt vào tay kẻ thù, chồng bà Kim đào hầm ngay dưới gầm bàn thờ nhà thờ họ của gia đình để chôn giấu bức tượng.
Sau ngày Tiếp Quản Thủ đô, bà Kim lại đang đi công tác ở nước ngoài nên chồng bà khi vừa về đến nhà đã lập tức cùng với người anh đào bới căn hầm khi xưa, vui mừng khôn xiết khi thấy bức tượng sau 8 năm nằm trong lòng đất vẫn còn vẹn nguyên màu đồng.
Sau khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được thành lập năm 1959, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim quyết định đem tặng bảo tàng bức tượng quý giá mang dấu ấn một thời kỳ lịch sử của đất nước. Bức tượng đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2022.
Nguồn: Bảo Tàng Hồ Chí Minh