Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Đôi bờ đâu cách xa ...

  

Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa



 ĐÔI BỜ ĐÂU CÁCH XA

Đôi bờ là một ca khúc trong bộ phim “Khát” (Жажда - còn có tên là “Em và anh,đôi bờ ”) về đề tài chiến tranh Vệ Quốc của đạo diễn Yevgeny Tashkov, ra mắt năm 1959. Ban đầu ca khúc có tên là ”Bài hát của Masa” do Andrey Yakovlevich Eshpai phổ nhạc từ bài thơ của Grigory Mikhailovich Pozhenyan - người đã viết kịch bản phim dựa trên câu chuyện có thật từ trận đánh của nhóm biệt kích hải quân do ông chỉ huy.

Bối cảnh bộ phim thể hiện những năm đầu của cuộc chiến tranh Vệ Quốc thông qua câu chuyện tình của cô gái Masa với một người lính Hồng quân. Nhóm trinh sát Hải quân cảm tử của anh nhận nhiệm vụ chiếm lại nhà máy nước và vận hành nó một vài giờ để cung cấp nước cho thành phố cảng Ô-đét-xa đang bị phát-xít Đức phong tỏa. Nhiệm vụ hoàn thành, nhưng cả đội trinh sát không một ai sống sót. Dù vậy, Masa vẫn chờ đợi và hy vọng người yêu của cô sẽ trở về. Cô thường ra bờ sông, nơi cô và chàng trai từng hò hẹn để nhớ về anh trong nỗi buồn đau tuyệt vọng. Thế nhưng, đâu đó trong sâu thẳm trái tim vẫn là những hi vọng .. cô vẫn không muốn tin đó là sự thật, cô vẫn đợi chờ, đợi chờ .. mặc dù chẳng bao giờ có ngày tái ngộ.

Chỉ mình anh em đợi!

Chờ mãi và vẫn tin,

Dù trái với tim mình:

Em với anh – đôi bờ

Của cùng một dòng sông

 

Ca khúc với giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào mang lại cho người nghe cảm xúc sâu lắng. Nhưng đâu đó lại phảng phất nỗi buồn, nỗi đau của sự chia ly, mất mát.

Đêm dần qua, ánh ban mai

đang lan tràn dâng tới.

Trên bờ sông soi bóng em dài,

xa xa phía chân trời.

Mình em riêng thắm thiết yêu anh,

với niềm tin thiết tha.

Một dòng sông sóng nước long lanh,

đôi bờ đâu cách xa

 

Bản tiếng Việt của bài hát rất đẹp và thơ mộng nhưng không hẳn đúng ý nguyên tác. Câu kết của nguyên tác “Мы с тобой два берега у одной реки” nghĩa là “Em và anh (mãi) như hai bờ của một dòng sông ”, hàm ý chẳng bao giờ gặp được nhau. Nhưng khi chuyển ngữ dịch giả Vương Thịnh đã chuyển thành “ đôi bờ đâu cách xa ” một câu kết gợi mở về một thì tương lai với nhiều hy vọng. Sự chuyển dịch này chẳng hiểu sao lại ngẫu nhiên trùng hợp với ẩn ý của nhà thơ Grigory Pozhenyan. 

Khi xem phim và nghe ca khúc thì hầu hết khán giả đều sẽ nghĩ về một cuộc chia ly vĩnh viễn, một sự đợi chờ trong vô vọng, một câu chuyện tình buồn của thời chiến tranh. Khi có người hỏi Grigory về ý nghĩa của bài hát, cô gái thực sự suy nghĩ điều gì khi chờ đợi một mình vào cái đêm mưa ấy? “Anh và em là hai bờ sông của một con sông ” có phải là sự chia ly mãi mãi ? - thì ông đùa rằng đó là bài hát trong phim, và phải hỏi cô Masa đó mới biết được. 

Chỉ sau này, khi đã luống tuổi - có một lần ông trải lòng ra với bạn bè về hình tượng “đôi bờ” ấy. Đó chính là cuộc đời ông, ông không sinh ra ở biển nhưng suốt cuộc đời thường luôn gắn liền với biển, ngay tìm ra cô gái sau này làm người vợ yêu thương cũng ngoài biển. Và hầu hết các con sông đều đổ ra biển lớn, nếu đủ sức mạnh thì đôi bờ sông sẽ gặp nhau chính ở nơi đó, là biển cả. Cũng vậy, cô gái trong bài hát ấy vẫn tin vào tình yêu, vẫn tin rằng họ sẽ lại bên nhau.

Bài thơ được ra đời sau khi chiến tranh đã kết thúc. Grigory Pozhenyan - người duy nhất còn sống sót sau nhiệm vụ đánh chiếm nhà máy nước ở thành phố Odessa đã giải ngũ và tốt nghiệp trường viết văn Gorky. Ông gặp gỡ Tanhia, người sau này trở thành vợ ông. Lúc đó họ gặp phải sự ngăn trở rất lớn từ tổ chức và gia đình của Tanhia. Nguyên do đến từ việc mẹ Grigory là người Do Thái và cha ông bị qui kết là ‘ phản cách mạng ‘ từ trước chiến tranh.

Trong một lần hai người đi dạo, Tanhia nói: “Anh và em ở hai bờ của dòng sông này. Không có cầu, không có phà, làm sao mà gặp nhau đây?” 

Grigory đã đáp lại: “Rồi chúng ta sẽ đến được với nhau thôi, đôi bờ đâu có cách xa!”

Ngay đêm đó Grigory đã viết nên những vần thơ mà sau này từng làm rung động biết bao con tim của nhiều thế hệ

Một dòng sông sóng nước long lanh,

đôi bờ đâu cách xa

 

ĐÔI BỜ 

Đêm qua trời mưa dông

Cỏ hoa sương đẫm ướt…

Thiên hạ vẫn nói rằng:

Em là người hạnh phúc.

 

Em tin, chẳng nghi ngờ

Dù con tim lần lữa:

Anh và em – đôi bờ

Mà dòng sông ở giữa.

 

Bay từng đôi – bầy chim

Như sóng kề sóng khác.

Người có đôi có cặp

Riêng em chỉ một mình.

 

Nhưng em đợi, em tin

Dù con tim lần lữa:

Anh và em – đôi bờ

Mà dòng sông ở giữa.

 

Đêm qua. Rồi bình minh

Như bóng câu bay vút.

Chẳng còn yêu ai khác

Em vẫn đợi chờ anh.

 

Vẫn đợi và vẫn tin

Dù con tim lần lữa:

Anh và em – đôi bờ

Mà dòng sông ở giữa.

 

Nguyễn Viết Thắng dịch 

 

 

ĐÔI BỜ

Đêm dài qua, dưới mưa rơi,

em mong chờ anh tới

Cây cỏ hoa như nói nên lời

em hạnh phúc nhất đời

 

Lòng em riêng biết có yêu anh,

Giữa tình đôi lứa ta,

một dòng sông sóng nước long lanh,

đôi bờ đâu cách xa…

 

Trên dòng sông, sóng đôi nhau,

thiên nga đùa trên sóng

Bên bờ sông vai sánh vai nhau,

đôi đôi bước theo dòng

Mình em riêng đứng ngóng trông anh,

với tình yêu thiết tha

Một dòng sông sóng nước long lanh,

đôi bờ đâu cách xa…

 

Đêm dần qua, ánh ban mai

đang lan tràn dâng tới.

Trên bờ sông soi bóng em dài,

xa xa phía chân trời.

Mình em riêng thắm thiết yêu anh,

với niềm tin thiết tha.

Một dòng sông sóng nước long lanh,

đôi bờ đâu cách xa

 

Lời Việt của Vương Thịnh

 

Grigory Mikhailovich Pozhenyan sinh năm 1922 tại Kharkov, nhưng lại lớn lên ở thành phố cảng Odessa,Ukraina. Ông là một nhà thơ, nhà văn lớn với hai giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga. Bố ông là người Armenia từng làm giám đốc một viện nghiên cứu tên tuổi còn mẹ lại là một bác sĩ nổi tiếng gốc Do Thái. Nhưng trước khi chiến tranh nổ ra thì bố ông đã bị quy là phản cách mạng, mẹ cũng vì gốc Do thái mà phải chuyển công tác đến nơi rất xa. Grigory những tưởng mình cũng sẽ bị chuyển đến Siberia lạnh giá. Nhưng chiến tranh đã xảy ra, ông tham gia quân đội, và phục vụ trong hạm đội Hắc Hải.

Năm 1941, Odessa bị bao vây. Nhà máy cấp nước cho thành phố cách xa 40 km lại nằm trong tay quân Đức. Dự trữ nước của thành phố cạn kiệt dần do quân Đức cắt nguồn cung cấp. Người ta phải phân khẩu phần cho mỗi người chỉ đươc một ca nước mỗi ngày - mà cái khẩu phần ít ỏi đó cũng chẳng thể kéo dài. Bộ chỉ huy thành lập một toán biệt kích gồm 32 chiến sĩ lính thủy đánh bộ sừng sỏ nhất, do Grigory làm toán trưởng. Nhiệm vụ cảm tử của họ là bí mật đánh chiếm nhà máy nước rồi sau đó phải cố giữ cho bằng được một khoảng thời gian đủ dài để nhà máy kịp cung cấp một lượng nước dự trữ quý báu cho Odessa. Nhiệm vụ hoàn thành nhưng đội biệt kích đã hy sinh tất cả ngoại trừ Grigory. Ông là người cuối cùng còn chiến đấu cầm chân quân Đức trước khi bị thương và được người dân cứu sống rồi mang đi nuôi giấu. Khi bình phục trở về, ông thấy tên mình đã được khắc trên tấm bia tưởng niệm của các liệt sĩ trận vong.

 

9.5.2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét