BÍ QUYẾT DƯỠNG SINH 8 CHỮ
“ Đồng Tâm, Kiến Thực, Quy Dục, Hầu Hành" - “ Tâm như Trẻ Nhỏ, Ăn như loài Kiến, Mưu cầu như loài Rùa, Hiếu động như loài Khỉ “
Đồng Tâm
Nghĩa là tâm như trẻ nhỏ, ý hướng con người ta tới tính cách đơn thuần, biểu thị mong ước bản thân luôn giữ được tấm lòng của trẻ thơ, hồn nhiên, nhiệt tình, dồi dào sức sống.
Đồng Tâm khái quát lại có ba điểm:
- Thứ nhất là tâm thái thuần khiết không có tà niệm, rộng lượng bao dung không muộn phiền. Tâm không sinh tà niệm sẽ không làm tổn thương tới ai, không lừa gạt, trêu chọc hay đả kích người khác. Cổ nhân giảng: ‘Ái nhân giả nhân hằng ái chi, kính nhân giả nhân hằng kính chi’, ý là, mình thương người ta thì người ta thương lại mình, mình kính trọng người ta người ta sẽ kính trọng lại mình.
Đứng trước mọi mâu thuẫn, nếu có thể cố gắng bình tĩnh, dùng thiện tâm thiện ngữ đối đãi thì sẽ không làm cho sự tình trầm trọng lên, thậm chí có thể biến “chiến tranh thành con đường trải đầy tơ lụa”.
- Thứ hai là nhìn mọi việc đơn giản hóa, không vắt óc suy nghĩ về những điều nhỏ nhặt xung quanh. Mong muốn giúp đỡ người khác, không tính toán, lo âu phiền não.
- Thứ ba là luôn tĩnh tại thì sẽ không bị tổn thương bởi những thất tình lục dục.
Đây được xem là biện pháp dưỡng thần vô cùng hiệu quả.
Kiến Thực
Nghĩa là Ăn như loài Kiến, hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất là ăn ít như kiến, thứ hai là ăn tạp (cái gì cũng ăn một chút).
Nói đơn giản, cách ăn của kiến là không cần ăn nhiều, không cần ăn tinh, không lựa chọn thực phẩm quá mức. Ăn một lượng vừa phải là cách cung cấp vừa đủ lượng thức ăn phù hợp với chức năng làm việc của dạ dày. Nếu ăn quá nhiều, quá no, dạ dày sẽ không còn chỗ để co bóp, không tiết ra đủ dịch vị, không đủ không gian để hoạt động, sẽ không thể hoàn thành công việc tiêu hoá cơ bản. Ăn ít hơn, dạ dày tiết dịch dồi dào hơn, nhu động ruột hoạt động mạnh hơn, vừa không làm cho tỳ vị mệt mỏi, mà còn giúp cho việc hấp thụ các thành phần dinh dưỡng thuận lợi.
Ưu điểm thứ 2 trong cách ăn của kiến chính là ăn đa dạng, không kén chọn. Con người cần chất dinh dưỡng từ nhiều loại thức ăn để tồn tại và phát triển, nguồn chất này trong các loại thực phẩm là vô cùng đa dạng và phong phú. Nếu chỉ chọn những thức ăn ngon theo sở thích cá nhân, thì sẽ không thể cung cấp những loại thực phẩm hữu ích khác cho cơ thể. Vì vậy, kén chọn trong ăn uống sẽ không tốt cho sức khỏe.
Quy Dục
Có thể hiểu là mưu cầu như loài rùa. Đây là loài vật có tuổi thọ rất cao, được tôn sùng như linh vật của điềm lành.
Điều đáng học tập ở rùa là tập tính ít tranh giành, ít toan tính.
Mưu cầu như loài rùa không phải khuyên người ta làm con rùa rụt đầu, mà nên học tập bản lĩnh lấy tĩnh chế động, lấy cái bất biến để đối phó lại cái vạn biến trong cuộc đời. Sống như rùa, tâm trí tĩnh lặng, không tranh giành so đo tính toán, không mưu cầu hay tham vọng quá lớn vượt sức của mình thì sẽ trường thọ.
Hầu Hành
Mang hàm ý là hiếu động như khỉ. Khỉ vốn là loài vật rất nhạy bén về phương diện phản ứng, vô cùng hoạt bát, lanh lợi, ít nghỉ ngơi, không trì trệ, luôn giữ được tinh thần phấn chấn.
Khỉ là động vật ưa hoạt động nhất trong tất cả các loài vật, chúng hầu như không mấy khi ngồi yên. Bởi thường xuyên vận động nên chúng có sự dẻo dai, kiên trì, toàn thân luôn luôn có sức lực. Người thường xuyên vận động thì cơ thể sẽ rất linh hoạt, khoẻ mạnh, sức đề kháng được tăng cường, làm chậm quá trình lão hóa, giúp hệ cơ xương khớp dẻo dai và ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Với người lớn tuổi thì việc vận động nhẹ nhàng, tập thể dục đều đặn có tác động tốt cho hệ tuần hoàn khiến họ thêm dẻo dai, khỏe mạnh và yêu đời. Tuy nhiên, do đặc điểm thể chất, người lớn tuổi cần có chế độ tập luyện phù hợp với tuổi tác. Những môn thể dục thể thao như dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe với tốc độ chậm, bơi lội nhẹ nhàng sẽ phù hợp hơn những môn mạnh mẽ và cường độ cao. Tuy nhiên các hoạt động này chỉ nên kéo dài khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày và nên cách giờ ngủ ít nhất 3 tiếng để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Danh Y Can Tổ Vọng
* Giáo sư Can Tổ Vọng - đại danh y Trường Đại học Trung y dược Nam Kinh (TQ) là một trong những quốc y đại sư đầu tiên, người đồng sáng lập nên ngành Tai Mũi Họng của y học hiện đại Trung Quốc. Ông sinh năm 1912 ở huyện Kim Sơn tỉnh Giang Tô và qua đời năm 2015, thọ 103 tuổi. Giáo sư Can Tổ Vọng được tôn sùng như một bậc đại danh y đương đại của Trung Quốc. Ông là người đi tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa chuyên khoa Tai Mũi Họng Trung Quốc. Can Tổ Vọng nhận được sự trợ cấp đặc cách của chính phủ cho các công trình nghiên cứu của mình. Đóng góp của ông đã đưa Trung Y thoát khỏi những quan điểm rập khuôn truyền thống, tiến từ “Tứ chẩn” (khám bệnh bằng cách: nghe – nhìn – hỏi – chạm) lên “Ngũ chẩn” (bổ sung thêm xét nghiệm, chẩn đoán bằng máy móc). Ông cũng điều chỉnh từ “Bát cương” (gồm 4 cặp phạm trù: âm – dương, trong – ngoài, nóng – lạnh, hư – thực) sang “Thập cương biện chứng” (gồm 5 cặp phạm trù là : trong – ngoài, nóng – lạnh, hư – thực, ngọn – rễ, riêng – chung). Suốt đời đam mê khoa học, ông Can từng được mệnh danh là cuốn “Thư sống” nhờ kho tàng kiến thức phong phú của mình. Cả đời ông không hút thuốc, 55 tuổi bắt đầu cai rượu, tự thực hiện phương pháp dưỡng sinh trong 50 năm và coi đó là phương pháp khoa học bổ ích. Tiết lộ về bí quyết trường thọ - ông Can chỉ nói vẻn vẹn trong tám chữ: “Đồng Tâm, Kiến Thực, Quy Dục, Hầu Hành”. Nguyên tắc chủ đạo trong dưỡng sinh của ông chính là thuận theo tự nhiên, học cách sống tự nhiên trong trời đất từ những con vật xung quanh mình. Linh hồn của đạo dưỡng sinh này chính là "Nhậm Chân" (tin tưởng vào chân lý để theo đuổi nó). Khi chúng ta làm bất cứ điều gì đều cần có một hệ tư tưởng thống trị, hoặc đơn giản là một chân lý hay lý thuyết, niềm tin để đi theo. Việc chăm sóc sức khoẻ cũng đúng như vậy. Khi không có một tư tưởng để theo, hôm nay nghe người A nói về tẩm bổ thì về nhà tập trung ăn uống, ngày mai nghe người B nói về việc ăn chay hay lại ăn theo, sau đó nghe người C nói về thiền tốt thì lại vào chùa tụng kinh niệm phật… nhiều người trong chúng ta vẫn đang làm như thế. Khái niệm "Nhậm Chân" đã xuất hiện từ thời nhà Đường (TQ) do Tôn Tư Mạc (550-691), được người đời tôn xưng là Dược Vương và Tôn Thiên Y - một thầy thuốc nổi danh thời cổ đại đề xuất. Ông cũng là người áp dụng khí công trong thuật dưỡng sinh, tương truyền sống thọ 141 tuổi. Tôn Tư Mạc từng khởi xướng và tự áp dụng học thuyết "sống thuận theo tự nhiên" để nhấn mạnh rằng, trong cuộc sống, ngoài công việc và sở thích ra, còn lại là những thứ đều có thể hoặc nên tuỳ ý, chấp nhận, thuận theo tự nhiên mà sinh trưởng, phát triển.
-st-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét