CÁI MẶT BUỒN CỦA TÔI
Khi tôi đứng bên cảng nhìn theo những con chim hải âu thì cái mặt tôi làm cho viên cảnh sát tuần tra khu vực này để ý. Tôi hoàn toàn đắm mình trong chiêm ngưỡng đàn chim đương chao lượn, chúng uổng công bắn lên và nhào xuống tìm kiếm một chút gì ăn được. Bến cảng hoang liêu, nước biển màu xanh lục đậm đặc dầu mỡ bẩn, và trên làn da nhăn nheo của nước biển có đủ thứ rác rưởi được ném xuống đương trôi nổi, không nhìn thấy một con tàu nào, những chiếc cần cẩu hoen rỉ, những gian nhà kho tan hoang, ngay cả lũ chuột cống hình như cũng không muốn định cư trong những đống đổ nát, tối tăm bên kẽ đá, tất cả đều cô tịch. Đã nhiều năm nay, cảng bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài.
Tôi thâu vào tầm nhìn một con chim hải âu nhất định và quan sát đường bay của nó. Nó sợ sệt như một con chim én đoán trước được trời xấu nên thường bay là là trên mặt nước, chỉ thảng hoặc mới dám bắn mình lên cao, kêu thê thiết để hòa nhập đường bay của nó với bầu bạn. Giá tôi có được một điều ước thì tôi mong muốn nhất là một ổ bánh mì để cho hải âu ăn, bẻ bánh thành mẩu vụn, hoặc định một cái chấm màu trắng cho những đường bay đương rối loạn của chúng, định ra một cái đích để cho chúng lao tới, và cả một mạng lưới những đường bay rối bung kia sẽ được kéo căng ra bởi cái mẩu bánh mì được ném đi, nắm vào đó như nắm vào những đường dây để người ta kéo ra. Nhưng tôi cũng đói bụng như chúng, cũng mệt mỏi, song vui sướng bất kể cả nỗi sầu trong tôi, vì khi tôi đứng đó thật dễ chịu, hai tay đút trong túi để ngắm đàn hải âu và để uống nỗi buồn.
Nhưng bất chợt một bàn tay nhà chức trách đã đặt lên vai tôi và một giọng nói cất lên:
- Ông hãy đi theo tôi!
Trong khi đó thì cái bàn tay ấy tìm cách kéo vai tôi và giật nó quay lại. Tôi đứng im, gạt bàn tay đó ra, nói điềm tĩnh:
- Ông điên rồi.
Và con người vẫn còn vô hình đó đối lại:
- Chiến hữu, tôi cảnh cáo ông!
- Thưa quý ông, tôi đáp.
- Không có quý ông nào ở đây hết! Hắn nói, giọng giận dữ - Tất cả chúng ta cùng đều là chiến hữu.
Và lúc này, hắn bước lên cạnh tôi, nhìn tôi từ phía bên, tôi bắt buộc phải thu lại ánh mắt nhìn đầy hạnh phúc của mình và thả nó sang đôi mắt đầy mẫn cán của hắn. Hắn nghiêm nghị như một con trâu mà đã nhiều thập niên không gặm thứ gì khác ngoài nghĩa vụ.
- Vì lý do gì … ? tôi đang định khơi chuyện.
- Có dư thừa lý do, hắn nói - cái mặt của ông buồn!
Tôi bật cười.
- Đừng có cười!
Sự phẫn nộ của hắn rất thật. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ, có lẽ hắn ngán ngẩm vì chẳng có lấy một gái điếm hành nghề không đăng ký, chẳng có một thủy thủ say rượu, chẳng có lấy một tên trộm cắp hay một kẻ chạy trốn nào cho hắn bắt. Nhưng bây giờ tôi nhận ra là hắn rất nghiêm túc .. hắn muốn bắt giữ tôi.
- Ông hãy đi theo tôi...!
- Tại sao? - Tôi bình tĩnh hỏi lại.
Nhưng trước khi tôi kịp nhận ra thì cổ tay trái của tôi đã bị khóa bởi một sợi giây xích, và trong khoảnh khắc ấy tôi biết mình đã mất. Một lần cuối cùng, tôi đưa mắt nhìn những con hải âu đương chao lượn, nhìn bầu trời xám đẹp, và tìm cách .. bằng một động tác quay ngoắt lại bất ngờ lao xuống nước, vì như thế, tự nguyện chết đuối trong cái món nước dùng bẩn thỉu ấy tôi cảm thấy vẫn sướng hơn là rồi đây, tại một sân sau ở đâu đó, tôi sẽ bị bọn hạ sĩ bóp cổ hoặc lại bị nhốt tù. Nhưng tên cảnh sát đã kéo giật tôi lại, không thể thoát thân nữa.
- Tại sao?- Tôi hỏi lại một lần nữa.
- Có một đạo luật bắt buộc ông phải tỏ ra hạnh phúc.
- Tôi hạnh phúc lắm chứ! - Tôi kêu lên.
- Nhưng cái mặt ông buồn... ! hắn lắc đầu.
- Nhưng đạo luật này mới, tôi nói.
- Đã được băm sáu tiếng, và ông biết sau khi ban bố 24 giờ, mọi đạo luật bắt đầu có hiệu lực.
- Nhưng tôi không biết đạo luật ấy.
- Điều đó không bênh vực nổi ông tránh khỏi sự trừng phạt. Luật được công bố ngay hôm kia, qua tất cả các hệ thống truyền thanh, trên tất cả các báo chí, và đối với những kẻ... nói tới đây, hắn nhìn tôi khinh bỉ, - với những kẻ không được ban phước bằng báo chí, hoặc bằng đài phát thanh, người ta đã ban bố đạo luật bằng truyền đơn, rải khắp mọi ngã đường của đế chế. Vậy là, rồi chúng ta sẽ biết, ba mươi sáu giờ vừa qua ông làm gì, chiến hữu ạ!
Hắn lôi tôi đi. Mãi bây giờ tôi mới cảm thấy là trời rét và tôi không có áo khoác ngoài, mãi bây giờ tôi mới cảm thấy đói cồn cào trước cổng ngõ dạ dày, và mãi bây giờ tôi mới hiểu là mình cũng bẩn thỉu, râu không cạo, rách rưới, mà đã có những đạo luật bắt buộc mỗi chiến hữu phải tỏ ra sạch sẽ, mày râu nhẵn nhụi, hạnh phúc và no đủ. Hắn đẩy tôi đi trước như một tên bù nhìn, một kẻ bị luận tội ăn cắp và buộc phải rời bỏ xứ sở của mộng mơ bên bờ ruộng.
Đây đó, trong lúc bị giải đi, tôi nhìn thấy một vài trại Ái Tình đã trương biển Nhà Nước, công bố danh sách những kẻ sẽ đến lượt hưởng niềm vui thân xác vào các ngày thứ tư, và một số quán rượu hình như đã được quyền treo dấu hiệu giải khát - một cốc bia dập bằng tôn, được phết lên các gam màu của Đế chế: màu nâu nhạt - màu nâu sẫm - màu nâu nhạt. Chắc chắn niềm vui đương trào lên trong lòng những kẻ có tên trong danh sách Nhà Nước được uống bia và hưởng lạc thú vào ngày thứ tư.
Mọi người gặp chúng tôi đều mang dấu hiệu của một sự hăng hái không thể lầm lẫn vào đâu được, một lớp màng mẫn cán phủ kín họ, và họ càng tỏ ra hăng hái hơn, khi họ nhìn thấy viên cảnh sát, tất cả rảo bước hơn, những bộ mặt hoàn toàn thấm nhuần ý thức nghĩa vụ được trưng ra, và những người đàn bà khi ra khỏi cửa hàng đều cố bắt mặt mình biểu thị được niềm vui như người ta đòi hỏi, vì đã có lệnh buộc họ phải tỏ ra vui vẻ, phấn hứng về bổn phận của một người làm nội trợ, nghĩa là tối tối phải làm cho viên chức Nhà Nước tươi tỉnh mặt mày bằng một bữa ăn ngon.
Nhưng tất cả những người này đều khôn ngoan tránh né chúng tôi, họ khôn ngoan tới mức không một ai chịu chạm trán với chúng tôi, vừa mới thấy dấu vết của sự sống trên đường phố, chỉ cách chúng tôi hai mươi bước, những dấu vết ấy thoắt cái đã biến mất, mỗi người đều cố sống cố chết bước nhanh vào nhà hàng hoặc ngoặt vào góc phố, có người còn chui vào nhà lạ, sợ hãi náu mình sau cánh cửa, chờ cho chúng tôi bước chân qua.
Chỉ có một lần, khi chúng tôi đi qua ngã tư đường, một người đàn ông đã luống tuổi gặp chúng tôi, người này - nhìn lướt qua huy hiệu tôi biết là giáo học, ông ta không thể trốn được nữa, và lúc đó, sau khi đã chào viên cảnh sát đúng quy định (tự lấy tay đập đập lên đầu mình ba lần để tỏ mình quy phục tuyệt đối), ông ta bèn cố làm nghĩa vụ người ta yêu cầu ông, tức là nhổ toẹt vào mặt tôi ba lần và chửi tôi bằng câu chửi chính thống "Đồ con lợn phản quốc!". Ông ta nhổ rất trúng, nhưng hôm ấy trời nóng, có lẽ ông ta khô khốc nơi cần cổ, vì vậy chỉ có vài giọt nhỏ thảm hại hầu như không phải là thực thể bắn trúng tôi, những hạt lỏng ấy .. trái với mọi quy định - tôi đã vô tình lấy tay áo quệt đi. Ngay lập tức viên cảnh sát đá thốc vào đít tôi, dùng tay nện thẳng cánh vào chính giữa sống lưng tôi, và hắn nói bằng một giọng trầm tĩnh:
- "Phạt cấp một!", điều đó có nghĩa đại loại như: đây là hình thức trừng phạt đầu tiên nhẹ nhàng nhất mà bất kỳ một viên cảnh sát nào cũng có thể áp dụng.
Viên giáo học đã nhanh chóng biến mất. Nói chung, mọi người đều thành công khi tránh né chúng tôi, duy nhất trừ một người đàn bà - người này đứng bên trại Ái Tình và đương làm cho mình thoáng khí theo quy định trước khi vào niềm vui buổi tối. Đó là một phụ nữ tóc vàng hung, mặt nhợt nhạt và xung xẩy, cô ta thổi vội sang cho tôi một nụ hôn bằng tay, và tôi mỉm cười để tạ ơn, trong lúc đó viên cảnh sát cố làm bộ hắn không thấy gì hết. Chúng đã được lệnh phải bảo đảm tự do cho những cô ả ấy, còn tự do đối với các chiến hữu sẽ đưa lại sự trừng phạt nặng nề, bởi lẽ, những cô ả như thế đã góp phần rất đáng kể vào việc nâng cao niềm vui lao động chung, người ta để mặc họ đứng ngoài vòng pháp luật. Đây là sự nhượng bộ mà ý nghĩa của nó đã được ngài triết gia tiến sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ Blaiguet công bố trên tạp chí chính thống: “ Triết Học (Nhà Nước), coi đó là dấu hiệu khởi đầu quá trình tự do hoá “... một ngày trước đó, trên đường về thủ đô, tôi đọc được điều ấy trong cầu tiêu của một nhà nông dân, khi tôi tìm thấy vài tờ tạp chí mà một sinh viên - có lẽ con trai bác nông dân - đã viết bậy lên đó những câu rất giàu chất trí tuệ.
Cũng may chúng tôi đã tới trạm, vì đúng lúc đó còi tan tầm rú lên, nghĩa là đường phố sẽ tràn ngập bởi hàng ngàn con người mang bộ mặt hạnh phúc đã phanh hãm có mức độ (vì có lệnh khi hết giờ làm việc không được bày tỏ một niềm vui quá lớn, bởi như thế sẽ chứng tỏ lao động là khổ ải, ngược lại, khi bắt đầu làm việc mọi người phải reo vui, reo vui và ca hát), tất cả hàng ngàn con người ấy có lẽ sẽ đều nhổ nước bọt vào mặt tôi. Tuy nhiên, tín hiệu còi tầm được kéo lên mười phút khi hết giờ làm, vì mỗi người đều được lệnh phải dâng mình cho một sự - rửa ráy mười phút - thực sạch sẽ, đúng tinh thần của Quốc trưởng: “ Hạnh phúc và Xà phòng!”
Ở cổng vào khu trại, cả một khối bê tông đơn giản, có hai lính canh gác, và khi tôi qua đó chúng đã để cho các "biện pháp thân thể" như thông lệ nở rộ trên người tôi, chúng dùng súng khoác vai đập tôi vào thái dương, lấy nòng súng lục phang tôi vào xương vai, rất đúng tinh thần của đoạn mở đầu trong đạo luật số 1 của Nhà Nước: "Đứng trước bất kỳ ai bị tóm cổ (ý muốn nói bị bắt), mỗi một cảnh sát phải chứng minh rằng mình là sự hiện thân cho quyền lực Nhà Nước, trừ những người đã bắt được đối tượng, vì những người này sẽ được hưởng hạnh phúc là áp dụng mọi biện pháp thân thể cần thiết khi hỏi cung đối tượng". Bản thân đạo luật số 1 của Nhà Nước cũng bao hàm một nội dung như sau:
"Bất kỳ một viên cảnh sát nào đều có thể trừng trị bất kỳ ai, anh ta phải trừng trị bất kỳ ai đã tỏ ra phạm tội. Không có quyền miễn trừ xử phạt đối với các chiến hữu, chỉ có khả năng được miễn trừ mà thôi".
Bây giờ chúng tôi đi qua một hành lang dài và lạnh, có nhiều cửa sổ lớn, một cánh cửa được mở ra tự động, vì lính canh đã thông báo chúng tôi tới, và trong những ngày ấy, khi tất cả mọi người đều hạnh phúc, ngoan ngoãn, trật tự, khi mọi người đều nỗ lực xài bằng hết một nửa cân xà phòng quy định cho một ngày, thì sự xuất hiện của một kẻ bị tóm cổ (bị bắt), là một sự kiện lớn.
Chúng tôi bước vào một gian phòng hầu như là rỗng không, chỉ có chiếc bàn viết, máy điện thoại và hai chiếc ghế bành, tôi phải chiếm vị trí đứng giữa phòng, viên cảnh sát giải tôi bỏ mũ sắt khỏi đầu và ngồi xuống.
Lúc đầu rất yên ắng, không xảy ra chuyện gì, bọn chúng vẫn thường làm như thế, đấy là điều tệ hại nhất, tôi cảm thấy mặt mình cứ chảy dài mãi ra, tôi mệt mỏi và đói, cả dấu tích cuối cùng của hạnh phúc trong nỗi buồn của tôi cùng tiêu ma, vì tôi biết -
tôi đã đánh mất mình.
Vài giây sau, một tên dài ngoẵng, mặt nhợt nhạt, câm lặng bước vào phòng, hắn mặc quân phục nâu của một kẻ hỏi cung tiền sự, hắn im lặng ngồi xuống và chằm chằm nhìn tôi:
- Nghề nghiệp?
- Một chiến hữu bình thường.
- Sinh?
- 1.1. Một, - tôi đáp.
- Việc làm gần đây nhất?
- Tù nhân.
Cả hai tên nhìn nhau.
- Được thả ra ở đâu và bao giờ?
- Hôm qua, nhà 12, buồng giam số 13.
- Thả về đâu?
- Thủ đô.
- Giấy tờ?
Tôi moi trong túi ra mảnh giấy được ra tù đưa cho hắn. Hắn dán mắt vào tấm phiếu màu xanh lục, bắt đầu viết lên đó các dữ kiện về tôi.
- Phạm tội gì?
- Một cái mặt hạnh phúc!
Hai tên lại nhìn nhau.
- Giải thích!
- Lúc bấy giờ, tôi đáp - một viên cảnh sát để ý tôi có cái mặt hạnh phúc, đúng cái hôm có lệnh phải buồn trong cả nước. Đấy là ngày chết của Quốc trưởng.
- Thời hạn tù?
- Năm năm.
- Thực hiện?
- Tồi.
- Lý do?
- Thiếu ý thức lao động.
- Xong!
Và tên hỏi cung tiền sự ấy đứng lên, tiến thẳng đến chỗ tôi, đấm tôi gãy luôn ba răng cửa - một dấu hiệu chứng tỏ là tôi cần phải bị kết án là một tên đổ đốn, đấy là biện pháp cứng rắn hơn mà tôi không lường được. Rồi tên hỏi cung tiền sự ấy rời phòng, một tên béo mập mặc quân phục màu nâu sẫm bước vào - tên hỏi cung chính sự.
Tất cả bọn chúng đều đánh tôi - tên hỏi cung tiền sự, tên hỏi cung chính sự, tên hỏi cung chủ sự, tên luận tội khởi sự, tên luận tội kết sự, thêm vào đó là viên cảnh sát giải tôi đã áp dụng mọi biện pháp thân thể như luật pháp quy định, và chúng kết án tôi mười năm tù vì cái mặt tôi buồn, cũng giống như năm năm trước đây, chúng kết án tôi tù năm năm vì cái mặt hạnh phúc của tôi.
Và mười năm tới đây, nếu sống sót được nhờ Hạnh Phúc và Xà Phòng, tôi sẽ phải tìm cách để không bao giờ có một gương mặt nữa.
Heinrich Böll
Quang Chiến dịch
* Heinrich Böll sinh năm 1917 tại köln ( Cologne ) một thành phố lớn của Đức với gần 2000 năm lịch sử. Ông dành giải thưởng văn học Georg Büchner của CHLB Đức năm 1967 và giải Nobel văn học năm 1972
* Nguồn: Tạp chí Sông Hương số 22 - 12.1986
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét