Một nhà Họa Sĩ vẽ giỏi không bao giờ vẽ nguyên cả một con Rồng
Mà vẽ con Rồng khi ẩn, khi hiện giữa những đám mây "
- Hồ Chí Minh -
NGÀY SINH NHẬT BÁC
Ngày 19/5/1941, một tổ chức tên không hề lạ là Việt Minh đã ra đời tại Pác Bó Cao Bằng, song cho đến nay chẳng mấy ai chú ý tới cái ngày thành lập tổ chức này, tuy vậy không phải vì thế mà ngày 19/5 bị lãng quên - nó đã trở nên quá quen thuộc với người Việt Nam bởi ý nghĩa là ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh. Liệu rằng đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử giống như ngày mất của ông trùng với ngày quốc khánh? Khi nói về cái ngẫu nhiên thường người ta bỏ qua luôn lý do xuất hiện của nó vì đơn giản nó xảy ra một cách "không cố ý" tuy nhiên lịch sử lại chứa đầy những hành động có chủ ý của con người. Và một trong những chủ ý như thế của Hồ Chí Minh đã tạo ra một "ngày sinh nhân tạo" cho mình.
1, Sinh nhật chính trị
Sẽ là không ngoa chút nào khi nói ngày sinh nhật 19/5 của chủ tịch Hồ Chí Minh là sinh nhật chính trị vì nó tạo ra hoàn toàn vì mục đích chính trị.
Bây giờ chúng ta quay về thời điểm lịch sử xung quanh tháng 5/1946. Vào ngày 6/3/1946, Hồ Chí Minh cùng Jean Sainteny đã ký kết hiệp định sơ bộ Pháp-Việt. Theo đó Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (état libre), có chính phủ riêng, nghị viện riêng và tài chính riêng trong Liên Bang Đông Dương và trong khối Liên Hiệp Pháp. Việt Nam sẵn sàng tiếp đón quân đội Pháp đến thay thế quân đội Trung Hoa Dân Quốc để giải giáp quân đội Nhật. Hiệp định này được xem là một nước cờ chính trị của cả hai bên nhằm mưu đồ lợi ích riêng. Chính vì thế mà nó bị các đảng phái khác ra sức công kích dữ dội xem nó là "Hiệp ước bán nước" khiến Hồ Chủ Tịch phải đứng ra tuyên bố trước quốc dân đồng bào trong một cuộc mit tinh ở Nhà hát lớn: “Hồ Chí Minh không bán nước!”. Những diễn biến này đặt ông trước những tình thế nhạy cảm tiếp theo.
Sau Hiệp định Sơ bộ, quân Pháp bắt đầu vào miền Bắc và sớm gây sự. Quân Tưởng rút dần nhưng chậm. Cao ủy Pháp D’Argenlieu đề nghị gặp Hồ Chí Minh trên Vịnh Hạ Long. Cuộc gặp gỡ đi đến các thỏa thuận: Mở cuộc đàm phán trù bị ở Đà Lạt. Khi trù bị kết thúc sẽ mở đàm phán chính thức ở Paris. Phía Pháp đồng ý mời một đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm Pháp. Cùng dịp này, Chính phủ Pháp mời Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với danh nghĩa thượng khách của nước Pháp. Đây là cơ hội lớn để đề cao vị thế của Việt Nam, tranh thủ dư luận Pháp, tranh thủ đấu tranh về vấn đề Việt Nam trực tiếp với Chính phủ Pháp, tránh giáp mặt với thực dân Pháp ở Đông Dương.
Trong lúc Hồ Chí Minh chuẩn bị chuyến đi thì Cao ủy Pháp D'Argenlieu, mở cuộc kinh lý khu vực phía bắc vĩ tuyến 16 từ ngày 14/5/1946. D'Argenlieu đến Hà Nội chiều ngày 18/5/1946. Trên danh nghĩa, D'Argenlieu là cao uỷ, đại diện chính phủ Pháp tại Đông Dương. Việt Nam là một quốc gia trong Liên Bang Đông Dương nên theo nghi thức ngoại giao, để đón tiếp cao ủy, phía Việt Nam phải treo quốc kỳ trong ba ngày để đón D'Argenlieu. Dư luận trong nước thì vẫn còn đang sôi sục vì Pháp đã chiếm lại Nam Bộ, lúc này mà lại treo cờ ra với lý do chào đón "toàn quyền" thì thể nào cũng bị công kích rùm beng là chính phủ Việt Minh bán nước cho mà xem. Đúng là một bài toán khó cho Hồ Chủ Tịch và các đồng chí của mình.
Quân đội Pháp thì muốn tổ chức lễ đón D'Argenlieu thật long trọng để phô trương thanh thế và khẳng định sự quay trở lại của Pháp. Họ mời Hồ Chí Minh tới dự vào ngày 19/5/1946. Khận được giấy mời vào ngày 18, Hồ Chủ Tịch liền cử bộ trưởng Phan Anh thay mặt đi dự và sau đó yêu cầu thư ký Vũ Đình Huỳnh mời các lãnh đạo trong chính phủ và các đoàn thể tới Bắc Bộ Phủ dự lễ sinh nhật mình vào ngày hôm sau. Theo Hồi ký "Tháng tám cờ bay" của Vũ Đình Huỳnh có đoạn:
“Khi tôi báo tin về ngày sinh của Bác, mọi người cằn nhằn sao nước đến chân mới nhảy. Anh Trường Chinh nói rằng tôi đã biết ngày sinh của Bác mà không nói trước. Tôi thưa lại: Bác vừa bảo thì tôi đến đây ngay”.
Chi tiết này cho thấy ngày sinh nhật đùng một cái được công bố ra như vậy chắc đến 100% là sinh nhật giả. Vì đâu mà lại sinh nhật khéo thế đúng vào dịp có "việc phải xử lý". Hôm sau, cả Hà Nội bừng lên màu cờ, biểu ngữ chúc mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tối 19/5, lễ mừng chính thức được tổ chức trọng thể tại Bắc Bộ Phủ. Không khí tưng bừng, quan khách tấp nập, các đoàn thiếu nhi gõ trống ca vang. Trong không khí rộn ràng đó, Cao ủy D’Argenlieu và Ủy viên Cộng hòa Sainteny mang hoa đến "chúc mừng sinh nhật Hồ chủ tịch". Việc lựa chọn ngày sinh cho mình của Hồ Chủ Tịch đã giúp ông đi một nước cờ ngoại giao có ý nghĩa cả về mặt đối nội và đối ngoại. Đối với dân chúng ông đã tìm được một lý do hợp lý để treo cờ "đón giặc Pháp" mà vẫn tạo được hậu thuẫn cho bản thân và Việt Minh, đo được sự ủng hộ của dân chúng đối với mình, cũng như kiềng mặt các đảng phái đối lập. Đối với các đồng chí là cơ hội biểu dương lực lượng chào mừng ngày thành lập Việt Minh. Còn đối với Pháp ông đã đảo ngược thế cờ, đổi vị thế chủ và khách với phía Pháp, tránh không đến dự buổi lễ do Pháp tổ chức mà lại kéo hai đại diện chính của Pháp phải đến chúc mừng mình, nói theo kiểu vẫn thấy trong phim Trung Quốc là "hạ thấp oai phong của địch nâng cao uy thế của ta", tạo bước đệm tốt cho chuyến thăm của ông sang Pháp sắp tới. Nói chung là một mũi tên trúng nhiều con chim và từ sau sự kiện đó thì ngày 19/5 được chính thức hóa trở thành ngày sinh Hồ Chí Minh
2, Tự vẽ rồng
Từ những dữ kiện trên có đủ kết luận là ngày 19/5 thực tế là một ngày sinh nhật chính trị, vậy còn những dữ kiện nào khác về ngày sinh Hồ Chí Minh đã được biết tới trong các hồ sơ lưu trữ?
Căn cứ theo lá thư Nguyễn Tất Thành tại Marseille ngày 15/9/1911 gửi tổng thống Pháp để xin vào học trường thuộc địa tại Paris lấy từ cuốn Ho Chi Minh: A Life của William J.Duiker thì phía dưới lá thư ký: Nguyễn Tất Thành, Sinh tại Vinh, 1892 con trai ông Nguyễn Sinh Huy (tiến sĩ văn chương) sinh viên tiếng Pháp và Trung Quốc.
Theo Jacques Dalloz trong cuốn " Les Vietnamiens dans la Franc-Maçonnerie coloniale " ( Người Việt trong hội tam điểm thuộc địa ) thì trong đơn xin vào Hội Tam Điểm (Franc - Maçonnerie) vào đầu năm 1922, Hồ Chí Minh, lúc đó có tên là Nguyễn Ái Quốc, ghi trong phiếu cá nhân rằng ông sinh ngày 15/2/1895.
Trong tờ khai của ông tại Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin, vào tháng 6 năm 1923, thì ngày sinh là 15/2/1895 ( trùng với ngày khai ở trên ).
Hộ chiếu Tổng lãnh sự quán Trung Hoa tại Singapore cấp ngày 28/4/1930 cho Tống Văn Sơ ghi năm sinh là 1899.
Còn theo sử gia Daniel Hémery, dựa theo các nguồn của kho lưu trữ của chính phủ Pháp có một tờ khai tại sở cảnh sát Paris năm 1902, Hồ Chí Minh lại khai là sinh ngày 15/01/1894. Cũng theo ông này thì có một nguồn tin khác nữa là khai sinh của Hồ Chí Minh được những người làm chứng ở Kim Liên xác nhận đã được cơ quan mật thám lập năm 1931 (tức khoảng 40 năm sau) thì ngày sinh của Nguyễn Sinh Cung vào tháng 03 năm Thành Thái thứ 6, tức khoảng tháng 04 năm 1894.
Trong cuốn truyện "những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" dưới bút danh Trần Dân Tiên ông Hồ đã nêu ra một triết lý:
"Một nhà họa sĩ vẽ giỏi không bao giờ vẽ nguyên cả một con rồng, mà vẽ con rồng khi ẩn, khi hiện giữa những đám mây".
Có lẽ ông đã sử dụng nguyên lý này để chỉ đạo các hành động của mình nên đã chủ động tạo ra rất nhiều đám mây xung quanh bản thân mình cả trong điều kiện phải lẩn tránh sự theo dõi chú ý của kẻ thù cũng như xây dựng hình ảnh vị lãnh tụ tối cao trong dân chúng. Qua sự sai khác giữa các thông tin trong các hồ sơ mà ông tự khai cho thấy từ khi còn rất sớm ông đã có ý thức "bảo mật thông tin" của một "điệp viên" khá rõ ràng.
3, Dữ liệu từ những ký ức
Dữ liệu mà một điệp viên tự khai thì độ tin cậy không thể cao vì mục đích của thông tin đó tự thân nó không phải cung cấp sự thật. Vì thế muốn biết ngày sinh thực của Hồ Chí Minh thì bắt buộc là phải có thao tác khai phá dữ liệu kiểu "data mining". Phân tích từ chính thông tin của ông lúc "sơ hở" so sánh các nguồn tư liệu khác nhau và tìm kiếm gián tiếp qua thông tin của những người thân cận với ông. Khi đi tìm dữ liệu về năm sinh của ông manh mối đầu tiên mà tôi phát hiện ra là một chi tiết khi trả lời phỏng vấn tạp chí "Ngọn lửa nhỏ" vào năm 1923 của Liên Xô:
“Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe về những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng đều được coi là người Pháp – thể là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ngữ ấy” .
Theo thông tin từ cuốn "Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế" của Nguyễn Đắc Xuân - một người đã gặp gỡ, phỏng vấn, ghi âm rất nhiều lời kể của những người sống ở Huế có mối liên hệ với gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc cũng như bạn học cùng với Hồ Chí Minh ở trường Pháp Việt Đông Ba và quốc học Huế ngay sau thời điểm 1975 có xác nhận thời điểm gia đình ông Hồ chuyển đến Huế là khoảng thời điểm 1905. Trong cuốn đó cũng có phần trao đổi giữa ông Xuân và "nhân chứng" là cụ Hồ Đắc Định (87 tuổi). Cụ Định kể:
“Lúc cụ Hồ còn là cậu học sinh Nguyễn Sinh Côn ở trường Đông Ba và trường Quốc Học tôi có biết nhưng ít khi gặp nhau chuyện trò. Tuy vậy, trong gia đình tôi thì không thể quên được người học sinh ấy. Bởi vì cuộc đời học vấn của cụ Hồ lúc ấy có liên quan đến ông anh tôi là thầy trợ Hồ Đắc Quỳnh. Trước đây mấy người cháu của tôi đi tập kết (Hồ Đắc Nga làm ở báo Độc Lập) gửi thư về bảo tôi viết chuyện ấy. Nhưng tôi không viết. Anh lạ gì người Huế mình có thói quen rất sợ mang tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ”. Bây giờ thì cụ Hồ đã mất gần mươi năm rồi, đối với anh là học trò cũ, tôi không thể từ chối được.Tôi kể anh nghe rồi anh coi chọn sử dụng được cái gì thì tuỳ ý anh.
-“Lúc vào học trường Pháp Việt Đông Ba trình độ Pháp văn của anh Côn còn kém lắm. Từ điển rất hiếm và học sinh cũng chưa có thói quen tra Từ điển. Gặp chữ gì khó hiểu anh Côn cũng hỏi thầy. Một hôm mới vào lớp anh Côn thấy dòng chữ kẻ phía trên tấm bảng đen trước mặt, anh đứng dậy hỏi thầy:
- “République Francaise,Liberté-Égalité-Fraternité, nghĩa là gì, thưa thầy?”
Anh tôi- cụ Hồ Đắc Quỳnh - vốn là một học sinh thông minh, mới 23 tuổi đã đỗ Thành chung, tuy vậy anh cũng chưa hiểu hết câu tiêu ngữ này. République Francaise là nước cộng hoà Pháp nhiều người đã hiểu. Còn ba chữ kia thì sao? Vì tình trạng đất nước mình lúc đó không có những từ tương đương với những từ Pháp ấy. Cuối cùng anh tôi giở Từ điển ra xem và đọc nguyên văn bằng tiếng Pháp cho anh Côn và cả lớp đều nghe. Nghe xong anh Côn vẫn chưa thỏa mãn. Hết giờ anh Côn và một số học sinh đi theo yêu cầu thầy giáo giải nghĩa thêm bằng tiếng Việt nữa. Khi anh hiểu mấy chữ ấy rồi thì anh rất thích thú. Anh nói với bạn bè anh sẽ học tiếng Pháp cho thật giỏi để hiểu được văn minh, lịch sử nước Pháp. Ngoài giờ học ở trường anh còn xin đi học cours du soir (Lớp chiều) với thầy Ưng Dự (lớp học chiều ấy mở ngay ở ngã tư Trần Hưng Đạo-Phan Đăng Lưu ngày nay)"
Nếu kết hợp lời kể này với điều "bộc bạch" của Hồ Chí Minh trong bài phỏng vấn ở trên ( tôi dùng chữ bộc bạch vì trong câu trả lời không có tính khai báo mà nó là chia sẻ về một ký ức thời niên thiếu, độ tin cậy cao hơn ) ta có thể thấy là thời điểm Cụ Hồ lần đầu nghe mấy chữ "Tự do, bình đẳng, bác ái" là khoảng 13 tuổi, và đó cũng là thời điểm không thể sớm hơn năm 1905 được ( nếu ông sinh năm 1890 thì lúc đó ông phải ít nhất là 15 tuổi chứ không phải trạc 13 tuổi ). Lấy 1905 trừ đi 13, chấp nhận sai số cộng trừ 1 thì năm sinh của ông sẽ rơi vào khoảng 1891 hoặc 1892.
4, Những cuốn hồi ký
Khi nghiên cứu lịch sử ngoài các hồ sơ lưu trữ, các tư liệu được giải mật thì các cuốn hồi ký cũng là một nguồn tư liệu hết sức quan trọng. Trong số các cuốn hồi ký hot thì gần đây nhất là "Đèn cù" của Trần Đĩnh cũng có nhắc đến chi tiết về năm sinh của Hồ Chí Minh:
"Tháng 3, Tố Hữu triệu tập mấy người lập nhóm viết tiểu sử Hồ Chí Minh với danh nghĩa Ban nghiên cứu lịch sử đảng. Gồm Tố Hữu, Phạm Bình (Ban nghiên cứu lịch sử đảng), Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh và tôi. Hai nhà văn vào tận quê Cụ sưu tầm tài liệu. Phạm Bình cung cấp tài liệu. Tôi viết. Cố nhiên cũng sưu tầm cả tài liệu. Hai nhà văn trở ra với nhiều điều giật gân. Cụ sinh năm 1891! Cụ Khiêm, anh trai Cụ nói thế, có bằng chứng hẳn hoi trong gia đình và họ hàng. Báo cáo với Cụ thì Cụ nói của người ta thế nào thì cứ để thế không sửa gì hết. Hai nhà văn và tôi bảo nhau: Bác muốn dân dễ nhớ nên lấy tròn 1890".
Điểm lưu ý trong đoạn trên là Trần Đĩnh khẳng định "có bằng chứng hẳn hoi trong gia đình và họ hàng" vậy bằng chứng đó là gì? Chúng ta có thể tìm thấy một sự tương thích về mặt nội dung trong thông tin của Trần Đĩnh và thông tin từ một người họ hàng của Hồ Chí Minh là nhà văn Sơn Tùng.
Trong ký lục về buổi nói chuyện của Sơn Tùng ngày 27/4/2001 tại Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục Đào tạo có đoạn:
" Thế kỷ 19, Bác Hồ sinh ra năm 1891, tôi nói đây là nói nghiên cứu từ gốc. Bây giờ nói Bác sinh năm 1890, nhưng tôi nghiên cứu tử vi của Bác thì Bác sinh năm 1891. Bác đi làm cách mạng, Bác khai 1890, nhiều người chúng ta khi đi học, đi hoạt động cũng khai bớt hoặc thêm tuổi như thế. Bác sinh năm 1891. 1895 Bác vào Huế, tuổi ta là 5 tuổi, tuổi bắt đầu có trí nhớ, tuổi mà người ta dễ nhớ nhất là tuổi này, tuổi lên 5 đến lên 10. Bác 5 tuổi đi theo cha mẹ vào Huế. Khi ông Nguyễn Sinh Khiêm đưa cho tôi cuốn “Tất Đạt tự ngôn” là tháng 6-1950. Sau đó ít tháng thì cụ qua đời. Trong “Tất Đạt tự ngôn” thì cụ có ghi ba bài thơ về thời niên thiếu của em trai mình, tức Bác Hồ."
Ông Sơn Tùng có nhắc đến cả tử vi của Hồ Chí Minh như vậy thì ngoài chi tiết về năm sinh 1891 thì ông chắc chắn còn biết cả ngày tháng thậm chí là giờ sinh ( không biết thì không thể lập được là số tử vi ). Lá số tử vi này do ai lập? Ngay trong đoạn sau của bài nói chuyện trên cũng có đề cập thêm một lần nữa về lá số tử vi của Hồ Chí Minh qua lời kể của ông cả Khiêm trực tiếp kể cho ông ( Sơn Tùng ) nghe:
"Lúc đến chân Đèo Ngang, đường lúc đó có đoạn sát với biển, không như đường ô tô bây giờ. Đến chân Đèo Ngang, có bãi cỏ rất bằng, mẹ bác mới đặt gánh xuống, cha bác xếp ô lại bảo: chỗ này phằng phiu, nghỉ lại đây ăn cơm nắm, để rồi leo đèo, Bác ngồi xuống thì ôm bàn chân rộp, còn chú Thành thì nhảy chơi, mới hỏi cha:
-Thưa cha, cái gì ở trên kia mà đỏ, lại ngoằn ngèo như rứa? Cha bác nói: Đó là con đường mòn vắt qua đèo, tí nữa ta phải đi leo trèo lên đó, lên cái đường mòn đó. Thế rồi chú Thành mới ứng khẩu luôn một bài thơ. Sau này bác ghi lại trong cuốn sách “Tất Đại tự ngôn” này:
“Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng theo con
Núi nằm ì một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Đường bám lì lưng núi
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hơn hòn núi
Con đường lười hơn con”
Nói về văn, thơ, tôi là anh thanh niên năm 1950 tiếp xúc với bài thơ này trong cuốn “Tất Đại tự ngôn” của người anh ruột Bác Hồ viết lúc 5 tuổi thì tôi hơi sững sờ.
Ông Khiêm nói tiếp:
Lúc đó, cha bác mới mở cái ví vải lấy lá số tử vi của con ra xem, bác mới biết cha đã lấy tử vi cho các con. Cha bác nói với mẹ:
Với thiên tư này, thằng bé sẽ khó nuôi, có lẽ, quan Đào Tấn với ông ngoại đã nói như thế không nhầm.
Như vậy là ông Nguyễn Sinh Sắc đã lập là số tử vi cho cậu con trai của mình. Điều này cũng không có gì là khó hiểu bởi Nguyễn Sinh Sắc vốn là bậc túc nho, nói đến Nho là nói đến "Tứ thư, ngũ kinh", trong mấy sách này "Dịch quán quần kinh chi thủ" đứng đầu bảng là Kinh Dịch vốn là cha đẻ của mệnh lý học. Từ cái gốc Dịch thì tỏa ra là các môn lý số khác như Tử vi, Thái Ất, Phong Thủy ..., tầng lớp sĩ phu có danh vọng hồi xưa có lẽ ông nào cũng thông thạo Nho, Y, Lý, Số cả. Cái tên chữ "Tất Thành" ông đặt cho con trai phải chăng là đã ước đoán được con đường của cậu con trai mình qua sơ đồ mệnh lý "Đa gian truân, hựu tất thành"?
Theo Thiếu Lăng Quân ( tên thật là Nguyễn Tài Tư, còn có một tên khác là Hồ Chí Trung cũng là họ hàng gọi Hồ Chí Minh bằng bác, tác giả của "Ba mươi năm mong đợi Bác về tập hồi ký 400 trang viết tay chưa xuất bản" ) kể về lá số Tử Vi của cậu bé Nguyễn Sinh Cung là:
"Cụ Nguyễn Sinh Sắc có lấy lá số Tử Vi ngay và cụ Sắc cũng có đưa lá số này ra để giải đoán với các bạn bè như cụ Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý".
Sau này ông Khiêm cải táng mộ cho mẹ là bà Hoàng Thị Loan về núi Đại Huệ, người biết về Phong Thủy sẽ luận ra viễn án của ngôi mộ bà Loan là dãy núi Hồng Lĩnh như một đàn ngựa đang rong ruổi, minh đường là dòng sông Lam vắt qua, tiền án là ngọn rú Dầu, phân tích này chứng tỏ là ông Khiêm cũng được truyền lại các kiến thức Phong Thủy từ cha mình và các bậc tiên nho khác.
5, Tư duy dịch lý phương đông
Là một người có gốc cựu học vững vàng Hồ Chí Minh có lẽ còn giỏi lý số dịch học hơn cha và anh trai mình. "Dĩ bất biến ứng vạn biến" là câu nói khá nổi tiếng mà ông dặn dò một nhà nho khác là Huỳnh Thúc Kháng trước khi lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau đã khắc họa sâu sắc nguyên lý dịch học "Bất dịch, Biến dịch và Giản dịch". Ông cũng đã vận dụng điều này qua những phát biểu khác nhau, có nhiều cái bất biến được ông khẳng định như:
"Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".
"Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho được độc lập".
"Không có gì quý hơn độc lập tự do".
Rõ ràng là với ông những khái niệm "Tự do, Độc lập, Thống nhất" ở trong ông là những khái niệm bất di "bất dịch", trong khi đó ông lại khá uyển chuyển "biến dịch" trong sách lược chính trị ngoại giao cũng như cách ứng xử. Và đời sống sinh hoạt của ông thì vô cùng "đơn giản, cơ động" rất đậm chất "giản dịch", người ta vẫn hay nói về "sự giản dị của Bác Hồ" như một thói quen sinh hoạt mà ít đề cập tới rằng nó có thể là một triết lý sống hay là một thái độ triết học nữa , trong tiếng Hán thì chữ giản dị và giản dịch là cùng một từ 簡易, trong câu văn Việt tùy theo ngữ cảnh mà phiên âm ra là giản dị hay giản dịch. Vì đã đi khắp nơi, xài cả mực Tàu và mực Tây nên trong số đồ nghề ông sử dụng có đầy đủ các thể loại Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Hoa và ông cũng không đề cao duy nhất một loại mực nào. Ông thường làm những điều tưởng chừng như rất nghịch lý nhưng đem lại hiệu quả khá cao:
Dùng chủ nghĩa cộng sản làm phần mềm để xây dựng và tập hợp lực lượng nhưng lại customize nó bằng cách viết ra một cương lĩnh mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa khi thành lập Đảng cộng sản Đông Dương khiến ông bị các đồng chí của mình là Hà Huy Tập, Trần Phú phê phán gay gắt là "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh" kéo theo việc ông bị mất ảnh hưởng trong đảng của mình thời gian sau đó. Tuy nhiên sau này nhờ vào đường lối dân tộc và bộ máy tổ chức kiểu cộng sản mà ông giành được mục tiêu của mình còn những người đã từng phê phán ông thì đều đi vào con đường suy vong. Ông trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền dân quyền Pháp vào Tuyên ngôn độc lập Việt Nam chứ không phải lời nói nào đó của Marx hay Lenine.
Theo hồi ký "Con rồng An Nam" thì Hồ Chí Minh nói với Bảo Đại là ông cho mấy lời đó vào để "làm đẹp lòng người Pháp và người Mỹ" , ông cũng có lần đề nghị Bảo Đại phục vị còn ông sẽ đứng sau làm thủ tướng với lý do mà ông thổ lộ với Bảo Đại là người Pháp, người Mỹ họ không tin ông vì "họ thấy tôi quá đỏ" ông sẵn sàng lùi lại sau để phương Tây thấy chính phủ của ông "bớt đỏ đi". Trước khi chết Bảo Đại còn trả lời nhà sử học trẻ Frédéric Mitterand ( cháu của Tổng thống François Mitterand ) trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp được phát trên truyền hình Pháp nhiều lần trong đó có đoạn:
Bảo Đại: "Vâng, xin đừng quên rằng cụ Hồ xuất thân từ một gia đình quan lại. Và cụ đã đối xử với tôi như tôi còn làm vua. Cụ cấm những người xung quanh cụ gọi tôi bằng đồng chí, bằng những tên gọi của giai cấp vô sản, và luôn luôn gọi tôi là Hoàng thượng"
Hồ Chủ Tịch gửi thư cho cả 2 ông trùm của 2 phe là Truman và Stalin đề nghị công nhận độc lập của Việt Nam, hợp tác với sĩ quan OSS của Mỹ và sau này là đi dây với cả Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù không thể hợp những người "đồng chí cộng sản" Trotskyist khác đường lối như Tạ Thu Thâu nhưng lại sẵn sàng sử dụng cựu đảng viên Quốc dân đảng như Nguyễn Bình làm tư lệnh thống nhất các lực lượng vũ trang miền Nam. Ông có thể phong ngay cho một anh giáo Võ Nguyên Giáp hàm đại tướng tổng tư lệnh trong khi sẵn sàng bỏ qua không cần dùng một anh "thừa tướng" đã từng trải "Vạn lý trường chinh" như Nguyễn Sơn. Ông cũng đặt tên lại cho ông Võ Nguyên Giáp là Văn, phải chẳng đó chính là vì ông muốn nhắc nhở vị tướng của mình một nguyên lý của Dịch là "Trong văn có võ, trong võ có văn", "trong quân sự có chính trị, trong chính trị có quân sự" và kẻ cầm quân không hiểu đạo lý này sẽ không thể thành tướng tài được.
Tất cả những việc ông làm đều cho thấy ông là người thực dụng không câu nệ hình thức, cái gì cũng có thể sử dụng được cốt sao được việc, cốt sao đạt được những mục tiêu bất biến của mình, và qua mỗi hành động đó đều có một nguyên lý nhất quán xuyên suốt mà ông cố gắng vận dụng và thực hành đó là " dung thông những cái trái khoáy, đối lập nhau, khai thác những ưu điểm của sự đối lập đó theo khía cạnh có lợi nhất trên toàn cục thay vì độc tôn một mặt nào đó, loại bỏ cái cái còn lại". Những lời sau đây của ông có thể minh họa cho lập luận này:
“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Jesus có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jesus, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.
Người ta có thể lý giải cho những hành động này của ông bắt nguồn từ phép biện chứng của chủ nghĩa Marx vì chính Engels đã từng nói "Everthing exists in pair" ( mọi thứ tồn tại ở thế lưỡng trị ) tuy nhiên theo tôi có lẽ nó bắt nguồn từ lối tư duy "lưỡng tại song hành" đẻ ra từ học thuyết âm dương thì đúng hơn, bởi phép biện chứng của Marx không nhấn mạnh rằng các mặt đối lập có chứa đựng các yếu tố của của mặt đối lập kia như học thuyết âm dương "Trong âm có dương và trong dương có âm" dù nó có đề cập đến việc chuyển hóa lẫn nhau giữa các mặt đối lập.
Những dẫn chứng hơi dài dòng vừa rồi của tôi cốt để chứng minh một niềm tin rằng Hồ Chí Minh là người am tường dịch lý một cách sâu sắc và có vận dụng dịch học vào việc tạo ra sự nghiệp chính trị của mình. Điều này chưa từng đề cập đến trong các tài liệu nghiên cứu về ông do giới sử học trong và ngoài nước tiến hành, có lẽ bởi với hệ thống lý luận XHCN thì dịch lý là sản phẩm của chế độ phong kiến nên không thể đưa nó vào tài liệu nghiên cứu chính thống, còn với giới nghiên cứu phương Tây thì "học thuật của phương Đông" không phải là thứ được đánh giá cao.
Nếu không thừa nhận điều này thì sẽ khá khó khăn trong việc lý giải tại sao Hồ Chí Minh có khả năng tiên đoán trước một số điều ( vốn đã được kiểm chứng bằng dữ liệu chính xác ). Ở đây tôi xin trích ra một đoạn trong hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh, một cuốn hồi ký cũng từng gây xôn xao văn đàn và xã hội cả ảo lẫn thực.
Một bí ẩn nữa là vì sao Hồ Chí Minh đoán rất chính xác mấy thời điểm lịch sử quan trọng: năm 1945, chấm dứt Đại chiến Thế giới thứ hai và Cách mạng tháng Tám thành công; năm 1954 chiến thắng giặc Pháp (đoán từ năm 1950); năm 1975 chiến thắng giặc Mỹ (đoán năm 1960).
Theo Trần Quốc Vượng, vì ông có tử vi. Năm 1943, khi Hồ Chí Minh viết câu kết bài “Diễn ca lịch sử nước ta”: “Bốn nhăm sự nghiệp hoàn thành”, thì ở Hội nghị Téhéran, thủ lĩnh ba siêu cường trong phe Đồng Minh là Stalin, Churchill, Roosevelt đoán, chiến tranh chấm dứt năm 1946. Không lẽ gì Hồ Chí Minh ở Việt Bắc, với một cái đài bán dẫn rất thô sơ, lại đoán thời cuộc thế giới chính xác hơn ba tay trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến tranh chống phát-xít với những thông tin phong phú, cập nhật và những dữ kiện đầy đủ. Mà ba tay này đâu có dốt nát gì!
Trần Quốc Vượng kết luận: cụ Hồ có tử vi. Vượng cũng là tay rất sành sỏi tử vi. Anh kể chuyện đến Thư viện Quốc gia mượn cuốn Tử vi phú đoán của Lê Quý Đôn dịch thì cô thủ thư nói sách không còn. Bố Trần Quốc Vượng có quen cụ Xước là giám đốc thư viện, Vượng đến hỏi, cụ Xước nói: Ông Hoàng Minh Giám đến lấy cho cụ Hồ đọc rồi. Sách đang ở chỗ cụ Hồ.
Anh Từ Sơn có tặng tôi tập Di bút của Hoài Thanh (bản đánh máy lúc chưa xuất bản thành sách).Trong đó có đoạn viết: “Năm 1945, khi quân Tưởng đã kéo vào dày đặc ở miền Bắc và quân Pháp đã bắt đầu đánh phá ở miền Nam, anh Tố Hữu có dịp được gặp Bác. Anh thưa với Bác:
‘Thưa cụ, một bên thì Tây, một bên thì Tàu, bên nào đáng sợ hơn?’
‘Tây cũng không đáng sợ. Tàu cũng không đáng sợ. Đáng sợ nhất là các chú.’ Ông Cụ trả lời như vậy.
Ngẫm ra đây cũng là một tiên đoán thiên tài của Hồ Chí Minh. Ngày nay Pháp, Mỹ đều rút hết rồi. Đất nước nếu còn khốn khổ thì đúng là do “các chú” còn gì.
Chi tiết nói về khả năng tiên đoán tương lai của Hồ Chí Minh không phải chỉ một mình Nguyễn Đăng Mạnh nhắc đến mà nó được nhiều người khác từng tiếp xúc với ông nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện thông tin chính thống, chỉ có thông tin về việc ông Cụ Nghiên cứu tử vi là thông tin mới. Dù rằng "môn dự đoán dựa trên dịch học" chưa được xác lập là một môn khoa học thực sự bởi cái mã nguồn của nó vẫn chưa được mở để trở thành open source mọi người cùng nghiên cứu nhưng có một thực tế là công chúng vẫn đã và đang thừa nhận năng lực này ở một số nhân vật lịch sử được tôn xưng là "Thượng thông thiên văn, hạ tường địa lý, trung tri nhân sự, huyền cơ tham tạo hóa" như Thiệu Ung ở Trung Quốc và Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Việt Nam.
Khác với Thiệu Ung chuyên tâm vào học thuật, chú trọng soạn thảo các trước tác dịch học, Nguyễn Bỉnh Khiêm không để lại trước tác dịch học nào cả ( có một số tác phẩm được cho là của cụ nhưng chưa có bằng chứng xác thực, có thể người đời sau tạo ra mượn danh cụ để lấy uy ) nhưng ông lại được xem là người đã sắp xếp thế các thế lực chính trị tạo nên cục diện lịch sử Việt Nam thế kỷ 16 qua việc "chỉ dẫn" cho các tập đoàn Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn. Cũng có những ví dụ khác về những "trí thức cổ trang" có bản lĩnh "Chọc trời khuấy nước, khuynh đảo thiên hạ" là "bậc thầy của đế vương" từng dùng cái năng lực "thần cơ diệu toán" của mình can dự một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào lịch sử lập nên các triều đại kéo dài mấy trăm năm như : Trương Lương, Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn mà học thuật của mấy đồng chí này không gì khác ngoài mấy món "Âm dương dịch lý, ngũ hành vật luận".
Bất kể ai xuất phát từ quan điểm chính trị nào mà nói đều phải thừa nhận rằng Hồ Chí Minh cũng là một nhân vật "hùng tài đại lược" có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Căn cứ vào những hệ quả mà ông tạo ra đối với lịch sử ( tôi không nói về việc nó là tiêu cực hay tích cực, cái này tùy quan điểm lập trường của các phe phái theo các xu hướng chính trị khác nhau, tôi chỉ nói về mức độ sâu và rộng của ảnh hưởng đó ) thì bản lĩnh của ông so với các nhân vật đã nêu cũng không kém chút nào, không có gì là phi lý nếu cho rằng bản lĩnh ấy một phần bắt nguồn từ học vấn về dịch lý cũng như năng lực thực hành nó của ông.
Quay trở lại với chủ đề về ngày sinh, tôi đồng tình với kết luận của Giáo sư Trần Quốc Vượng qua lời kể của Nguyễn Đăng Mạnh, vì như tôi đã dẫn chứng ở trên, tôi tin rằng Hồ Chí Minh có căn bản dịch lý vững vàng và theo logic đó ông cũng am hiểu tử vi, tất nhiên ông là người biết rõ về ngày tháng năm sinh của mình, chỉ có điều ông không muốn người khác biết. Song không phải là không ai biết thông tin đó. Ngoài những người trong gia đình ông Hồ thì trong giới nghiên cứu tử vi lý số Việt Nam nhiều người có biết những thông tin này.
...
( Trích )
Theo Thành Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét