“ không lùi một bước ”
- J.Stalin -
- J.Stalin -
TRẬN STALINGRAD
Trận chiến ở Stalingrad cho đến nay vẫn được nhắc tới là trận đánh khốc liệt nhất trong Thế chiến II và cũng là trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Người lính Nga vẫy cờ chiến thắng trên quảng trường ở Stalingrad. Đây cũng là hình ảnh biểu tượng của trận chiến đẫm máu này
Vài nét về diễn biến trận đánh lịch sử
Trận đánh Stalingrad kéo dài từ tháng 7/1942 đến tháng 2/1943, chia làm 2 giai đoạn phòng ngự (từ tháng 7/1942 đến ngày 18/11/1942) và phản công (từ 19/11/1942 đến ngày 2/2/1943) với nhiều chiến dịch của cả hai phía.
Vasily Grigoryevich Zaytsev (bên trái ảnh) là một tay bắn tỉa cự phách của Hồng quân trong chiến tranh vệ quốc. Trong trận Stalingrad, từ ngày 10/11 đến ngày 17/12/1942, tay bắn tỉa thuộc trung đoàn lính bắn tỉa 1047, sư đoàn lính bắn tỉa 284 bắn hạ 225 lính, sĩ quan Đức Quốc xã và quân đội các nước thuộc phe Trục, bao gồm 11 tay súng bắn tỉa của đối phương
Quân Đức mở màn bằng những trận giội bom dữ dội biến Stalingrad thành đống đổ nát, gây thiệt hại lớn về người cho cả quân và dân Staligrad. Sau đó là những loạt pháo kích dọn đường cho lục quân tiến lên. Nhờ ưu thế về lực lượng (huy động tới 266 sư đoàn), phương tiện chiến tranh cũng như trình độ tác chiến, đến giữa tháng 8/1942, quân phát xít đã tiến được vào nội đô Stalingrad. Tập đoàn tăng thiết giáp số 4 của Đức gác vòng ngoài, còn tập đoàn quân số 6 trực tiếp cận chiến sâu trong thành phố và chiếm được 90% diện tích thành phố này, đẩy lùi quân Liên Xô về sát bờ tây sông Volga. Tuy nhiên, chúng vẫn không tài nào tiêu diệt được các ổ đề kháng còn lại của Hồng quân.
Vào ngày 27/7, Lãnh tụ Liên Xô là Nguyên soái Stalin đã ra mệnh lệnh nổi tiếng “không lùi một bước”. Quân dân Liên Xô ở chiến trường Stalingrad đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với tinh thần “không lùi dù chỉ một bước”.
Trước sức vây ép của quân Đức và thương vong quá lớn, Tướng Chuikov chỉ huy Tập đoàn quân 62 của Hồng quân từng xin phép rút lui qua sông Volga nhằm bảo toàn lực lượng nhưng ông đã được cấp trên ra lệnh tử thủ, giữ vững “nút sống” này bằng mọi giá.
Để cải thiện thêm khả năng bám trụ của binh sĩ trước sự khắc nghiệt của cuộc chiến, Liên Xô đã đẩy mạnh công tác Đảng, công tác tư tưởng và hàng loạt biện pháp thắt chặt kỷ luật chiến trường, nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Trong giai đoạn đầu, phía Hồng quân trình độ tác chiến nói chung và hiệp đồng binh chủng nói riêng kém hơn, nhưng bù lại họ có chính nghĩa trong cuộc chiến, và tinh thần chiến đấu rất kiên cường. Về sau họ được hỗ trợ thêm bởi sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.
Trong khi đó lính Đức cũng quyết chiến đến cùng. Chúng cũng cần Stalingrad làm nơi trú ngụ trước mùa Đông lạnh giá của nước Nga.
Công bằng mà nói, lính Đức rất thiện chiến và dũng mãnh (thậm chí khi bị đánh thiệt hại nặng vẫn duy trì được ý thức kỷ luật cao). Ngay cả khi quân Đức đã tan rã từng mảng, vẫn có nhiều đơn vị lẻ tẻ kháng cự một cách dai dẳng.
Một mối nguy hiểm lớn nhất đối với Hồng quân là những cỗ xe tăng Đức, điều làm cho Hitler rất tự tin vào chiến thắng tại Stalingrad.
Tình hình nguy ngập đến mức, Nguyên soái Zhukov ra lệnh sử dụng cả chó cảm tử để mang bộc phá đánh xe tăng Đức. (Truyền thông phát xít sau đó đã lợi dụng điều này để tuyên truyền rằng lính Nga không dám đánh trận và dùng chó thay thế). Những chú chó lính tỏ ra nguy hiểm khi rất nhanh nhẹn và khó phát hiện (vì thấp). Lính Đức về sau được lệnh bắn tất cả những chú chó lai vãng vị trí chiến đấu.
Tập đoàn quân 62 của Hồng quân có nhiệm vụ giữ thành phố bằng bất cứ giá nào và làm “mồi nhử kìm chân quân Đức”. Tướng Chuikov đã chỉ huy bám chắc lấy các căn nhà, tòa nhà gần các vị trí xung yếu trong thành phố, thực hiện chiến thuật “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” nhằm hạn chế ưu thế hỏa lực và cơ động của đối phương.
Quân Đức giỏi hiệp đồng binh chủng và đánh lớn trên địa bàn rộng với các vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên khi quân hai bên đan cài vào nhau thì phi cơ, xe tăng, và trọng pháo không phát huy tác dụng do Đức lo ngại sẽ đánh trúng quân mình. Chiến tranh trong đô thị mang tính phi chính quy cao, đòi hỏi sự quả cảm, kiên cường và mưu trí đặc biệt. Trong giai đoạn cầm cự, Hồng quân đã triệt để thực hiện cận chiến đường phố, giành giật với quân thù từng góc phố, căn nhà, căn hầm. Nhiều lúc xảy ra tình thế “kẹp bánh mì”, trong đó quân Đức chiếm giữ tầng 2, còn quân Liên Xô ở tầng 3 và tầng 1. Hai bên còn quần thảo trong hệ thống cống ngầm chằng chịt của thành phố. Trong thời kỳ này còn nổi lên lối đánh bằng súng bắn tỉa. Trong các trận “so găng” kiểu này, các tay súng thiện xạ phía Liên Xô có vẻ áp đảo hơn.
Để tiến được từng thước đất, lính Đức đã phải đổ rất nhiều máu. Một sĩ quan Đức đã viết: “Các con phố không còn được đo bằng mét nữa mà bằng các xác chết… Stalingrad không còn là một thành phố mà đã thành một đám mây bốc cháy… một lò lửa khổng lồ… Đến loài vật còn phải chạy trốn khỏi địa ngục này, chỉ có con người là trụ lại được.”
Xác một chiếc MesserschmittBf 109, xương sống của lực lượng tiêm kích Không quân Đức trong Thế Chiến II. Tổng cộng 160 máy bay Đức bị tiêu diệt, 328 chiếc bị hư hỏng nặng nề trong trận đánh đẫm máu này. Không quân Đức tổn thất gần 1.000 phi đoàn ném bom nhiều kinh nghiệm
2, Giai đoạn phản công và bao vây quân Đức
Lãnh đạo Liên Xô đã âm thầm chuẩn bị trong 2 tháng cho một chiến dịch phản công quyết định. Trong lúc Tướng Chuikov cầm chân quân Đức, còn các mặt trận khác đánh nghi binh phối hợp thì một lực lượng lớn quân Liên Xô, chủ yếu từ Siberia, đã được bí mật tập trung về Stalingrad.
Chiến dịch Uran do Hồng quân tiến hành từ 19-23/11/1942 đã giúp Liên Xô bao vây Tập đoàn quân số 6 của Đức, các tập đoàn số 3 và 4 của Romania và một bộ phận của Tập đoàn tăng thiết giáp số 4 của Đức.
Sáng sớm ngày 19/11/1942, hàng ngàn khẩu pháo Xô viết bắn cấp tập vào các vị trí của quân Đức Quốc xã, mở màn cuộc phản công. Sử dụng một lực lượng lớn cơ giới và xe tăng, Hồng quân đã đột kích nhanh và mạnh, chọc thủng vùng sườn quân Đức đang bị căng mỏng và chỉ được bảo vệ bởi lực lượng quân chư hầu Romania và Hungary, hình thành thế bao vây quân Đức.
Chỉ vài ngày sau đó, gần 350.000 lính và sĩ quan Đức đã bị nhốt chặt trong vòng vây của quân đội Xô viết.
Hoảng sợ trước tình hình này, Hitler vội phái Thống chế Manstein có tài thao lược bậc nhất của Đức Quốc xã đến để giải vây. Không hổ danh, ông này đã gây nhiều khó khăn cho Hồng quân.
Sau đó tiếp tục diễn ra những trận chiến đấu ác liệt. Quân Đức thì trong đánh ra ngoài đánh vào, còn Hồng quân thì vừa khép chặt vòng vây, vừa phá vây. Đạo quân của Manstein cuối cùng bị đánh bật ra xa. Tất cả các nỗ lực phá vây của phát xít Đức rơi vào vô vọng. Các đường tiếp liệu bị cắt đứt, một bộ phận lính Đức bắt đầu lả dần vì đói và rét.
Sau khi thất bại trong việc kêu gọi đối phương hạ vũ khí, từ 10/1 đến 2/2/1943, Hồng quân mở cuộc tấn công tiêu diệt lực lượng Đức bị bao vây, kết quả diệt được 2 phần 3 số này và bắt sống số còn lại, bao gồm tư lệnh Tập đoàn quân số 6 Paulus và 24 viên tướng. (Nước Đức Quốc xã sau đó đã quyết định làm quốc tang cho binh sĩ chết trong trận Stalingrad).
Trước đợt tấn công của Hồng quân từ 10/1 đến 2/2, Thống chế Paulus từng xin phép Hitler để được đầu hàng nhưng Hitler đã ra lệnh “chiến đấu đến người lính cuối cùng và viên đạn cuối cùng”. Sau một thời gian cầm cự thêm, Paulus đã “thức thời” hạ lệnh đầu hàng bất chấp Hitler để bảo toàn mạng sống cho số binh lính dưới quyền còn lại.
- st -
* Ảnh từ Daily Mail
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét