CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
Ðạo Phật dựa căn bản trên sự kiện rằng vô minh chính là nguyên nhân gây ra mọi bất hạnh trong thế gian này, và rằng chỉ tự mình chứng ngộ sự thực (chân lý) mới có thể chiến đấu với cái vô minh này. Ðức Phật dạy: "Từ vô minh sinh ra bất thiện, và tội lỗi, nếu nhân loại thấy rõ được như vậy, họ có thể hành động chân chánh". Do đó chánh kiến là điều tuyệt đối cần thiết cho một cuộc sống tri thức và tâm linh chân chánh.
Con người, trong cái si mê mù quáng của họ, đã tạo ra không biết bao nhiêu là điều ác và khổ đau trong thế gian này, vì thế Chân Ðế đầu tiên trong Tứ Ðế là Sự Thực về Khổ. Hàng ngày chúng ta có thể nhận ra quanh mình những hậu quả mà người ta phải gặt hái do lòng tham muốn đối với những gì mà họ không có, cũng như hậu quả của việc cố gắng tránh né những trách nhiệm mà lẽ ra họ phải nhận lãnh. Chúng ta cũng biết rằng, trong hầu hết các trường hợp, thì tham vọng hay lòng khát khao đã là nguyên nhân chính khiến cho con người hư hỏng. Ðức Phật dạy rằng cái khuynh hướng muốn sở hữu của con người là kẻ thù nguy hiểm nhất của họ, bởi vì tham muốn tích luỹ đã tước đi của họ lý trí và sự hiểu biết. Như vậy chúng ta đi đến Chân Ðế Thứ Hai của Tứ Ðế, đó là nguyên nhân của khổ hay Tập Ðế. Nguyên nhân chính của khổ đau và bất hạnh là lòng tham muốn sở hữu, và khát khao muốn giữ những gì đã có.
Dính mắc vào một vật là sẽ đau buồn khi mất nó, không ưa hay ghét bỏ một điều gì, cũng sẽ mất vui khi phải gần nó. Ðức Phật dạy rằng tham muốn ích kỷ đối với những đối tượng vật chất thế gian, hậu quả là phải hy sinh kho báu tinh thần của mình để giữ lấy đối tượng của lòng tham ấy, mà có thể đối tượng đó còn kém giá trị hơn là đằng khác. Do đó, chúng ta thấy là lòng tham ích kỷ đã huỷ hoại mất khả năng phân biệt về giá trị của chúng ta, vì lòng tham đặt sở hữu thế gian lên trên trí tuệ và quyền lợi cá nhân lên trên những nguyên tắc đạo đức.
Chân Ðế Thứ Ba là sự giải thoát khỏi khổ đau, điều này được đạt đến nhờ sự tận diệt mọi tham muốn ích kỷ. Song song với điều này chúng ta thấy rằng chấp thủ là nhân căn để của sự sợ chết, và rằng khi một cá nhân không chấp giữ vào những sở hữu của mình thì việc nó đến hay đi cũng không khiến họ phải xao động. Trong khi đó, nếu bị dính mắc vào vật sở hữu thì họ sẽ than khóc khi nó mất, và nếu như đó là điều mà họ ghét thì họ cũng sẽ khóc than khi phải gần nó. Ngày nào đôi mắt họ còn có khả năng nhỏ lệ (đối với việc còn - mất của thế gian), ngày ấy bảo đảm họ không thể có trí tuệ được. Con đường trung dung là con đường của Ðức Phật, để bước vào con đường trung dung này chúng ta phải hiểu rõ Bát Chánh Ðạo, đó là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh, đây chính là Chân Ðế Thứ Tư.
Nằm dưới các pháp này (Bát Chánh Ðạo) là một triết lý rất thâm diệu, vì Bát Chánh Ðạo được dựa trên bốn pháp cùng tột đó là: Tâm, Tâm sở, Sắc pháp và Niết Bàn. Tuy nhiên, đạo Phật không phải là một chủ đề để người ta nghiên cứu, đơn thuần trên quan điểm lịch sử và văn học; ngược lại, đạo Phật cần phải được học và đem ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, vì không thực sự hành chắc chắn người ta không thể nếm được hương vị giải thoát. Ðạo Phật cần được nghiên cứu và thực hành, nhưng trên hết những lời dạy của Ðức Phật vẫn là phải chứng ngộ; tự chứng là cứu cánh tối thượng, chưa bao giờ nhân loại chúng ta cần đến lời dạy của Ðức Phật hơn ngày nay. Ðó chính là con đường chỉ cho chúng ta thấy rằng hạnh phúc chỉ đến với trí tuệ, trí tuệ này là kết quả của cuộc sống chân chánh, và chỉ chừng đó thôi là đủ.
Thiiitla Sayadaw
TK Pháp Thông dịch
Trích: "Phật Pháp Giảng Giải"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét