Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Tạm nghỉ núi thôn nam

TẠM NGHỈ NÚI THÔN NAM

Thân nhàn Nam Bắc áng Mây trôi,

Bên gối Gió qua, nhẹ việc đời.

Cõi Phật thanh u, xa cõi tục

Trước sân Hoa đỏ. Tiếng Oanh vui.

Chu Văn An

Tâm Minh dịch


Thôn nam sơn tiểu khế

Nhàn thân nam bắc phiến vân khinh,

Bán chẩm thanh phong thế ngoại tình.

Phật giới thanh u, trần giới viễn,

Đình tiền phún huyết nhất oanh minh.


*Dịch nghĩa:

Thân nhàn như đám mây nhẹ bay khắp Nam, Bắc. 

Gió mát thổi bên gối, tâm tình để ngoài cuộc đời. 

Cõi Phật thanh u, cõi trần xa vời. 

Trước sân, hoa đỏ như máu, một chiếc oanh kêu.


* Chu Văn An (1292-1370): Ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Sau khi thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) cụ không ra làm quan, ở nhà mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông, có nhiều người thành đạt, làm quan to trong triều. Năm Khai Thái đời vua Trần Minh Tông (1314-1329) cụ mới nhận chức Quốc tử giám tư nghiệp, dạy học cho thái tử. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng : “An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông là Quốc Tử giám tư nghiệp, dạy thái tử học “.

Như vậy, vua Trần Dụ Tông  (1341-1369) chính là học trò nổi tiếng nhất của Chu Văn An và cũng là người học trò khiến cụ thất vọng nhất. Nhà vua mải mê chơi bời, tình cảnh xã hội nhiễu nhương, chính sự thối nát, dân tình đói khổ, cụ đã dũng cảm dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Cụ bèn treo mũ, cởi áo từ quan lui về ở ẩn. Cụ tính ưa đọc sách nên dựng một ngôi nhà ở sườn đồi, cạnh bờ đầm tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh), vừa làm thư viện, vừa làm trường và là nơi soạn sách. Cụ lấy hiệu là Tiều Ẩn (có nghĩa là người đi hái củi ẩn dật). Cụ dạy học và viết sách cho tới khi qua đời tại đây. Khi cụ mất, vua Trần đã dành cho cụ một vinh dự lớn bậc nhất đối với một trí thức là được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của cụ được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cụ được tôn kính là người Thầy vĩ đại, được coi là “Vạn thế sư biểu”. Các tác phẩm của cụ phần lớn đã bị giặc Minh thâu góp và tiêu hủy. Hiện chỉ còn lưu truyền lại mười hai bài thơ. 

Tâm Minh Ngô Tằng Giao 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét