Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Toà nhà Pavlov


TOÀ NHÀ PAVLOV  
Bản anh hùng ca của trận Stalingrad 

Mùa đông năm 1942, thành phố Stalingrad trở thành tâm điểm giao tranh ác liệt giữa quân đội Xô Viết và phát xít Đức. Trận chiến ở Stalingrad là một trong những trận chiến nổi tiếng nhất của Thế chiến II. Trên chiến trường này, các trận đánh diễn ra ác liệt trên từng con phố, từng ngôi nhà trong suốt nhiều tháng ròng. Mỗi căn nhà là một chiến trường, mỗi căn phòng là một chiến tuyến. Các tòa nhà chung cư đã bị chiếm đi chiếm lại chỉ trong vài giờ, thậm chí trong vài phút. Ranh giới giữa địch và ta thay đổi đến chóng mặt, vừa thuộc về quân Đức ... phút chốc đã trở thành cứ địa của Hồng Quân.
Câu truyện về trung đội của Pavlov là một trong những hình tượng anh hùng tạo nhiều cảm hứng nhất cho các chiến sĩ Hồng quân noi gương học tập. Trung sĩ Yakov Pavlov trở nên nổi tiếng sau khi ông và các đồng đội đã lập kỳ tích khi giữ vững vị trí chiến lược trước lực lượng áp đảo về quân số và hỏa lực của quân thù trong suốt 59 ngày đêm tại một căn hộ ở Stalingrad. Cuộc vây hãm kéo dài từ ngày 27/9 đến ngày 25/11/1942.
Trung sĩ Pavlov nắm quyền chỉ huy trung đội trinh sát sau khi tất cả sĩ quan trong đơn vị lần lượt hy sinh. Đơn vị 30 người của ông được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững một tòa nhà 4 tầng đối mặt với quảng trường 1/9 gần bờ sông Volga. Pavlov nhận lệnh giữ tòa nhà này và không được rút lui, bởi nó nằm ở vị trí quan trọng chiến lược. Họ bị mắc kẹt và gần như biệt lập với đồng đội phía sau vì các lực lượng Hồng Quân ở cách quá xa. Pavlov nhận được lệnh cố thủ tòa nhà theo sắc lệnh 227 nổi tiếng của Stalin: “Không lùi một bước”. Và ông cùng các đồng đội đã làm tất cả để thực thi nhiệm vụ. Họ cố thủ tòa nhà và bảo vệ nó cho tới viên đạn cuối cùng... người lính cuối cùng. 
Trên thực tế, sắc lệnh gây tranh cãi này có ảnh hưởng quyết định đối với tinh thần của các chiến sĩ Hồng Quân khi đó. Họ thà tử chiến chứ không để bị bắt, trở thành tù binh hoặc rút chạy để bị xử bắn.
Tòa nhà có tầm chiến lược quan trọng vì nằm ở vị trí giao lộ giúp lực lượng phòng thủ bên trong có thể bao quát quang cảnh ở các phía trong bán kính hàng cây số.  Cùng các đồng đội thuộc Sư đoàn bộ binh Cận vệ số 13 danh tiếng, Pavlov gia cố tòa nhà bằng 4 lớp hàng rào thép gai, gài mìn, thiết lập các ụ súng máy ở tầng hầm và trên mái nhà. Tường bên trong được đục thủng để tăng cường khả năng liên lạc, một hào giao thông trở thành tuyến đường kết nối với lực lượng bên ngoài. Để chống lại các xe tăng Panzers của Đức, Pavlov chỉ có một khẩu súng chống tăng PTRS-41 cũ. Ông đã cho bố trí khẩu súng chống tăng duy nhất này trên nóc nhà, nơi tầm bắn của pháo trên xe tăng Đức không thể nâng tới, trong khi những người lính của ông có thể bắn xuyên qua lớp giáp mỏng trên tháp pháo xe tăng, loại chúng khỏi vòng chiến. Sử dụng chiến thuật này, trung đội của ông đã phá hủy hơn một chục xe tăng địch.
Quân Đức bắt đầu phát động các đợt tấn công để chiếm lại tòa nhà từ ngày 27/9/1942 với tần suất ngày càng dồn dập hơn. Tuy nhiên, mỗi lần tấn công, quân Đức đều bị đánh bật trở lại bởi hỏa lực từ các ụ súng máy, súng trường ở tầng hầm, cửa sổ và mái nhà cùng với khẩu súng chống tăng cũ kỹ của Hồng quân. Các cuộc tấn công đều bị trung đội Pavlov đẩy lui trong điều kiện nguồn cung cấp hậu cần khan hiếm. Ông và đồng đội không có cả thời gian chợp mắt do quân Đức liên tục bắn thâu đêm. 
Cuộc vây hãm kéo dài tới mức tòa nhà này được gọi là "nhà của Pavlov".
Những người lính sau đó phá một bức tường, đào hào để tạo ra đường dây liên lạc với quân đội Xô Viết ở bên ngoài. Viện trợ cho tòa nhà được thiết lập thông qua đường ống hoặc sông Volga. Một số nhóm quân tiếp viện vượt qua được vòng vây để tới tòa nhà bổ sung lực lượng cho đơn vị Pavlov, nhưng quân số phòng thủ thường trực luôn giữ ở mức chỉ hơn 10 người tại bất cứ thời điểm nào của cuộc vây hãm.
Sau vài cuộc tấn công, xác chết bắt đầu xếp chồng lên trên quảng trường phía trước tòa nhà. Giữa các trận đánh, những người lính của Pavlov phải ra ngoài và dọn dẹp xác lính Đức để tránh việc chúng được tận dụng làm lá chắn cho những đợt tiến công tiếp theo.
Sau 59 ngày đêm chốt giữ tòa nhà, bộ chỉ huy Hồng Quân đã rút trung đội của Pavlov vào ngày 25/ 11. Chỉ còn bốn người lính thuộc trung đội ban đầu (gồm cả Pavlov) sống sót sau cuộc bao vây. Trong suốt thời gian bị vây hãm, những cư dân sống tại đây được sơ tán xuống tầng hầm. Họ ở đó tới khi Hồng quân giải vây cho trung đội Pavlov.
Tướng Vasily Chuikov, vị chỉ huy Lực lượng Xô viết ở Stalingrad tự hào nói về chiến công của những người lính quả cảm này, họ đã chốt giữ gần hai tháng trời và gây thương vong cho quân Đức nhiều hơn số thương vong của quân Đức khi chinh phục Paris. 
Yakov Pavlov tiếp tục chiến đấu cho đến tận trận chiến cuối cùng ở Berlin và sống sót trở về với nhiều huy chương. Ông được tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô viết năm 1945.
Cuộc chiến đấu tại " Tòa nhà của Pavlov "đã trở thành một biểu tượng  cho sự kháng cự kiên cường của các chiến sĩ Xô Viết trong cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại.

9.5.2020
Van Ngan tổng hợp
*Hình ảnh hiện nay về Tòa nhà của Pavlov đã được xây dựng lại sau chiến tranh. Người ta sử dụng gạch của tòa nhà ban đầu để xây một đài tưởng niệm có ghi dòng chữ : “Trong tòa nhà này, những chiến công anh hùng trong chiến đấu và lao động hợp nhất với nhau. Chúng tôi sẽ bảo vệ và xây dựng lại thành phố, Stalingrad thân mến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét