Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Thân phận Công Lý

THÂN PHẬN CÔNG LÝ 
Khi tôi chập chững bước vào nghề báo, các nhà báo đàn anh dạy rằng: Còn cầm cây bút, chớ vô cảm! 

Khi còn là phóng viên trẻ, những bản tin đầu tiên chúng tôi viết là về các bị cáo trọng án như Lê Bá Mai, Hồ Duy Hải, Huỳnh Văn Nén,... Tuổi thanh xuân của các bị cáo trôi qua trong tù. Người may mắn được trả lại tự do, được bồi thường. Kẻ kém may hơn vẫn miệt mài ngồi tù với lửng lơ pháp lý...
Tôi được đọc một bài viết của phóng viên nước ngoài miêu tả miếng băng keo trên công tắc điện của gia đình có con gái là nạn nhân của kẻ giết người hàng loạt. Miếng băng keo do người mẹ dán lên ngăn người khác tắt bóng đèn trong phòng con gái. Người mẹ luôn hy vọng con mình còn sống.

Miếng băng keo cứ ám ảnh tôi suốt một quãng đời làm nghề của mình.

Hôm nay, tôi đi qua Bưu điện Cầu Voi với hàng cổng chằng chịt dây leo, gỉ sét đến mòn vẹt từng thanh sắt. Từ khi xảy ra vụ án, 13 năm qua, ngôi nhà hai tầng, màu vàng ấy lọt thỏm vào khu dân cư. Âm khí và ám ảnh! Cùng với đó là sự hoang tàn của máu và nước mắt hai cô gái vô tội.
Tôi lại nhìn mẹ Hồ Duy Hải, 13 năm bà dọn dẹp căn phòng trống để đợi con trai về. Cho đến khi kiệt quệ, bán căn nhà cũ để kêu oan cho con.
Từ một người ít học, có lẽ bà Loan đã thuộc lòng đến từng bố cục phiên tòa, các quy đình tố tụng và cả các điều luật hình sự, dân sự với trách nhiệm bồi thường...
Hơn một chu trình lặp lại của 12 con giáp, 13 năm theo đuổi vụ án, tìm cách minh oan cho con, từ một phụ nữ quê, bà Loan thành người đàn bà kiên nghị và rắn rỏi.

Năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Chiều dài của Nghị quyết này đến nay cũng đi hết tuổi thanh xuân của nhiều bị cáo, điều tra viên, nhà báo và đặc biệt là các bị cáo. Nhiều người trong số họ về hưu, chuyển nghề, qua đời như quy luật tất yếu của tự nhiên.
Về chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị là rất đúng. Văn bản này mở ra hướng nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp trong đó có bắt giam, điều tra, truy tố, xét xử tránh oan, sai. Nghĩa là, nghị quyết có nội hàm nhằm điều chỉnh hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tiếc thay, Huỳnh Văn Nén oan án vườn điều còn chưa ráo mực trên các bản tin, Lê Bá Mai ngậm ngùi với bản án giết người, hiếp dâm trẻ em lãnh án tù chung thân mà chỉ với một hành vi là đủ lãnh án tử...
Và giờ là đến Hồ Duy Hải phó thác thân phận mình cho cán cân công lý mà đại diện là hội đồng xét xử trong phiên Giám đốc thẩm.

Pháp luật, suy cho cùng cũng chỉ là do con người làm ra. Điều tra, xét xử thì tận cùng cũng là con người điều hành. Người tránh sao được những sai sót, hữu hạn về thu thập chứng cứ, nhận định ban đầu và sàng lọc đối tượng...
Hải sẽ đáng chết nếu anh ta là hung thủ tàn độc của hai mạng người vô tội! Nhưng một nền tố tụng văn minh và nhân bản sẽ không buộc tội bất cứ ai khi không đủ chứng cứ. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra, chứ không phải của Hải. Điều này được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự và cao hơn hết là Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 
Nhiều chuyên gia băn khoăn, tranh cãi về kỳ án Cầu Voi không phải tìm cách cứu sống Hải! Có lẽ ai cũng hiểu rằng, nếu Hải bị oan thì mục tiêu đúng đắn của Cải cách tư pháp không trọn vẹn. Trong khi đó, hung thủ thực sự của vụ án tiếp tục thách thức tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của cơ quan điều tra để bảo vệ bằng được sự uy nghiêm của pháp luật và công lý.
Quan trọng hơn nữa là câu trả lời chính xác cho hai cô gái vắn số với bí mật khủng khiếp...
Những vụ kỳ án luôn để lại nỗi day dứt không nguôi, nhưng có lẽ cao hơn hết, kỳ án luôn ẩn chứa nỗi lo bất kỳ ai cũng có thể chịu án oan...

Tôi nhớ hoài một phiên tòa kỳ án đốt nhà, giết người ở quận Gò Vấp được xét xử giữa buổi trưa hè. Vị thẩm phán giọng nhẹ nhàng nhưng uy nghiêm, rằng, Hội đồng xét xử không đủ chứng cứ buộc tội nên sẽ tuyên trả tự do cho bị cáo. Tuy vậy, bị cáo hãy nhớ, còn một phiên tòa khác nghiêm khắc hơn từ trong lương tâm bị cáo! 
Tôi rời phiên tòa, cứ mãi ưu tư chỉ với một vấn đề: Thà bỏ lọt một tội phạm, có lẽ sẽ tốt hơn mối nguy oan sai cho hàng triệu người! 

Các đàn anh trong nghề báo vẫn truyền nhau câu: Không vô cảm với những dòng tin được viết ra. 
Giờ thì tôi nghĩ khác, làm bất cứ nghề nào cũng đều không được phép vô cảm với thân phận con người! Thân phận bà Loan là một mảnh băng keo kết dính niềm ưu tư về một nền tư pháp khoa học và nhân bản!

Thanh Nhã
* Ảnh: Mẹ của Hồ Duy Hải ngày 5/5 đợi chờ phiên toà Giám đốc thẩm, để kết thúc 13 năm đi tìm công lý cho con 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét