NHỮNG ANH HÙNG TRONG CHỐN QUẦN THOA
Đài Loan, Đức và New Zealand, ba nơi được ca ngợi về cách ứng phó chủ động với đại dịch, có một điểm chung là đều do phụ nữ lãnh đạo.Tại Đài Loan, những biện pháp can thiệp sớm đã giúp hòn đảo kiểm soát thành công Covid-19, đến mức Đài Loan hiện đã chuyển sang xuất khẩu hàng triệu khẩu trang hỗ trợ cho Liên minh châu Âu và các nước khác. Đức đang thực hiện chương trình xét nghiệm nCoV lớn nhất châu Âu với 350.000 xét nghiệm mỗi tuần, giúp phát hiện virus sớm để cách ly và điều trị bệnh nhân hiệu quả. Tại New Zealand, nước này cũng sớm đóng cửa ngành du lịch và áp đặt lệnh phong toả toàn quốc kéo dài một tháng, giúp hạn chế tối đa thiệt hại về người. Các quốc gia, vùng lãnh thổ này đều được ca ngợi về cách ứng phó ấn tượng với đại dịch. Họ nằm ở châu Âu, châu Á và Nam Thái Bình Dương nhưng có một điểm chung: đều do phụ nữ lãnh đạo. Thành công của những chính quyền trên trong đại dịch toàn cầu càng đáng ghi nhận khi phụ nữ chỉ chiếm chưa đầy 7% lãnh đạo thế giới.
Đảo Đài Loan có khoảng 24 triệu người, tương đương dân số Australia. Hòn đảo được Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ chưa thống nhất và không được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận nên rất dễ gặp nguy cơ trước dịch bệnh bắt nguồn từ đại lục. Tuy nhiên, khi lãnh đạo Thái Anh Văn nghe tin về một loại virus bí ẩn đang lây truyền giữa các cư dân Vũ Hán tháng 12 năm ngoái, bà đã ngay lập tức ra lệnh kiểm tra tất cả chuyến bay từ thành phố này. Bà Thái sau đó thành lập một trung tâm chỉ huy về dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất các thiết bị bảo hộ như khẩu trang và cấm tất cả chuyến bay từ đại lục, Hong Kong và Macau. Những biện pháp sớm và quyết liệt trên đã giúp Đài Loan đến nay chỉ ghi nhận gần 400 ca nhiễm nCoV, trong đó 6 ca tử vong. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng với thành công của Đài Loan trong cuộc chiến chống Covid-19, hòn đảo nên được cấp quyền quan sát viên tại Hội đồng Y tế Thế giới của WHO. Trong khi đó, Đức, với 83 triệu dân, ghi nhận hơn 132.000 ca nhiễm nhưng có tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với các nước châu Âu khác. Tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Angela Merkel, người có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, đã tăng vọt nhờ cách xử lý của bà trong đại dịch. Đức có lượng giường chăm sóc tích cực lớn nhất và chương trình xét nghiệm nCoV quy mô nhất ở châu Âu.
"Có lẽ sức mạnh lớn nhất của chúng tôi ở Đức là cấp cao nhất của chính phủ đưa ra quyết định hợp lý kết hợp với niềm tin với chính phủ trong người dân", Hans-Georg Kräusslich, chủ nhiệm khoa virus học Bệnh viện Đại học ở Heidelberg, nói với NYTimes.
New Zealand là một quốc đảo với gần 5 triệu dân, có nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngành du lịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Jacinda Ardern đã cấm du khách nước ngoài từ ngày 19/3 và tuyên bố phong toả toàn quốc 4 tuần từ hôm 23/3, yêu cầu tất cả người lao động không thiết yếu ở nhà, ngoại trừ ra ngoài mua nhu yếu phẩm hay tập thể dục gần nhà. Nước này cũng tiến hành xét nghiệm trên diện rộng và phát hiện hơn 1.300 ca nhiễm nCoV, trong đó chỉ 9 ca tử vong. New Zealand mới đi được nửa chặng đường phong toả và bà Ardern tuyên bố sẽ không kết thúc sớm các biện pháp hạn chế.
"Đối mặt với mối đe doạ lớn nhất về sức khoẻ con người mà chúng ta từng thấy trong hơn một thế kỷ qua, người New Zealand đã lặng lẽ và đoàn kết thực hiện một bức tường phòng thủ toàn quốc", nữ Thủ tướng nói trong bài phát biểu tới người dân tuần trước. 4 trong 5 quốc gia Bắc Âu do phụ nữ lãnh đạo. Các nước này đều có tỷ lệ tử vong do nCoV thấp hơn so với phần còn lại của châu Âu. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, 34 tuổi, là lãnh đạo trẻ nhất thế giới nhưng được 85% người dân ủng hộ nhờ sự chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Nước này chỉ ghi nhận 59 ca tử vong trên 5,5 triệu dân.Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir lãnh đạo một quốc đảo nhỏ chỉ 360.000 dân, tuy nhiên việc xét nghiệm ngẫu nhiên trên quy mô lớn của nước này đáng được phần còn lại của thế giới học hỏi khi phát hiện một nửa trong số những người dương tính với nCoV không có triệu chứng. Iceland cũng can thiệp sớm, ráo riết điều tra dịch tễ bệnh nhân và cách ly các trường hợp nghi nhiễm.
Cách tiếp cận trên trái với Thuỵ Điển, quốc gia Bắc Âu duy nhất không do phụ nữ lãnh đạo. Thủ tướng Thuỵ Điển Stefan Löfven từ chối áp lệnh phong toả và vẫn để trường học, cửa hàng hoạt động. Tỷ lệ tử vong ở nước này cao hơn nhiều so với hầu hết các nước châu Âu khác. Những nữ nguyên thủ khác gây chú ý bằng cách ứng phó mạnh mẽ với Covid-19 là Thủ tướng Silveria Jacobs của đảo quốc nhỏ bé Sint Maarten ở vùng Caribbean, với 41.000 dân. Video bà yêu cầu người dân "ngừng đi lại" trong hai tuần đã lan truyền khắp thế giới.
"Nếu các bạn không có loại bánh mỳ mình thích trong nhà, hãy ăn bánh quy. Nếu các bạn không có bánh mỳ, hãy ăn ngũ cốc, ăn yến mạch", bà nhấn mạnh.
Dĩ nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng xứng đáng được ca ngợi vì đã làm phẳng đường cong của dịch bằng chiến lược xét nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác do nam giới lãnh đạo đã dẫn tới thảm hoạ dịch bệnh.Tâm dịch thế giới hiện nay là Mỹ. Tổng thống Donald Trump ban đầu cáo buộc đảng Dân chủ chính trị hoá nCoV, xem đây là một "trò bịp bợm" và suốt nhiều tháng phớt lờ cảnh báo từ các nhà khoa học. Kết quả là Mỹ hiện rơi vào tình trạng khẩn cấp với hơn nửa triệu ca nhiễm, hơn 26.000 ca tử vong và con số vẫn tiếp tục tăng lên mỗi ngày.Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson bác bỏ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng và từ chối áp đặt lệnh cấm tụ tập đông người rất lâu sau khi các quốc gia châu Âu khác đã ban bố phong toả. Trước khi nhập viện vì nhiễm nCoV, ông còn tuyên bố trước các phóng viên rằng virus này sẽ không thể ngăn cản ông bắt tay với các bệnh nhân. Covid-19 cũng có thể sẽ không lan rộng khắp thế giới nhanh như thế nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm ngăn chặn 5 triệu người rời khỏi Vũ Hán trước khi áp lệnh phong tỏa hôm 23/1.Vẫn còn quá sớm để khẳng định lãnh đạo nào thực hiện đủ các bước đi đúng đắn để kiểm soát nCoV và cứu sống người dân. Tuy nhiên, những ví dụ ở trên cho thấy phần lớn những lãnh đạo hành động sớm và quyết liệt là phụ nữ.Tính đến ngày 1/1, chỉ 10 trong số 152 nguyên thủ đắc cử trên thế giới là phụ nữ, theo Hội đồng Liên minh Nghị viện và Liên Hợp Quốc, và nam giới chiếm 75% thành viên quốc hội, 73% người ra quyết sách và 76% nhân lực trong truyền thông chính thống.
"Chúng ta đã tạo ra một thế giới mà phụ nữ bị thu hẹp chỉ còn 25% không gian, cả trong các phòng ra quyết sách lẫn trong những câu chuyện mà chúng ta trao đổi về cuộc sống của mình", bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, giám đốc điều hành của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, nói.
"Đã lâu rồi chúng ta mới nhận ra rằng thế giới đang rất cần nhiều nữ lãnh đạo và phụ nữ phải được hiện diện bình đẳng ở tất cả các cấp chính trị", bình luận viên Leta Hong Fincher của CNN viết. "Ít nhất, số lượng nữ lãnh đạo thành công trong việc kiểm soát đại dịch đến nay cũng cho chúng ta thấy rằng bình đẳng giới rất quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu và an ninh quốc tế".
Anh Ngọc
Theo CNN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét