Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Mười điều vô ích

"Sự sanh trưởng không làm cho con người là cùng đinh
Không làm cho con người là bà la môn
Hành động làm cho người này là cùng đinh
Hành động làm cho người kia là bà la môn." 
- Sutta nipàta -
\

MƯỜI ĐIỀU VÔ ÍCH
Ở đời, mọi chuyện nhiều lúc sẽ không diễn ra theo đúng ý nguyện của con người. Việc tưởng rằng có lợi có khi lại thành vô ích. Đọc “10 điều vô ích” dưới đây, chúng ta sẽ rõ nguyên do.

1. Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích 
“Tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích”.
Sách “Đại học” có viết: “Cái đạo của việc học làm những việc quốc gia đại sự là làm rạng rỡ cái đức sáng của mình, là làm cho dân thay đổi tốt lên, là đạt đến và dừng ở nơi chí thiện”. 
Nếu trong lòng còn có điều bất thiện, làm trái với thiên đạo, rõ ràng là tự chuốc lấy diệt vong. “Phong thủy vô ích” là nói nếu là người bất thiện, làm nhiều việc bất nghĩa, thì người đó không những mắc tội làm hổ thẹn tổ tông mà còn làm tổn hại đến con cháu. 
Người ta cũng thường cho rằng chọn được phong thuỷ tốt, mảnh đất đẹp là có thể dưỡng được phúc khí, tài lộc cho con cháu đời đời. Thế nhưng, cái gốc của phong thuỷ không phải ở long mạch hay huyệt mộ mà chính ở lòng người. Tâm tốt thì dẫu ở vào nơi hiểm địa cũng gặp dữ hoá lành, chuyển hoạ thành phúc.

2. Bất hiếu cha mẹ, thờ Thần vô ích
“Bất hiếu phụ mẫu, phụng thần vô ích”.
Sách “Luận ngữ” có viết: “Hiếu đễ là cái gốc làm người”. Trăm đức hạnh thì hiếu đứng đầu. Một người dù có được thành tựu vĩ đại như thế nào, trên đầu đội bao nhiêu vòng nguyệt quế đi nữa, nếu bất hiếu với cha mẹ, thì tất cả vinh quang kia đều trở nên vô nghĩa. Nếu bất hiếu với cha mẹ, cho dù có thành kính, kính cẩn với Thần như thế nào chăng nữa, tất cả đều là giả dối cả.

3. Anh em bất hòa, bạn bè vô ích
“Huynh đệ bất hòa, giao hữu vô ích”.
“Kinh Thi” có viết: “Người khắp thiên hạ không bằng tình anh em”. Trong gia đình, cha mẹ là gốc rễ, anh em là cành lá. Chỉ có anh chị em dìu dắt giúp đỡ nhau, thì gia nghiệp mới hưng thịnh. Anh chị em mà còn không thể hòa thuận với nhau thì nói gì đến kết giao bạn bè, bằng hữu.
Rất nhiều người ra ngoài tiếp đãi bạn bè, rất mực lịch sự lễ độ, chân thành thẳng thắn, nhưng đối với anh chị em trong nhà thì khó mà thổ lộ hết lòng, thậm chí còn lời qua tiếng lại với nhau, thật đúng là hành vi đảo lộn, đạo nghĩa xa rời cả. 

4. Hành vi bất chính, đọc sách vô ích
“Hành chỉ bất đoan, độc thư vô ích”. 
Khổng Tử nói: “Người xưa học vì mình, người nay học vì người”. Ý nói người xưa đi học là vì chính bản thân mình, ngày nay người ta lại đi học là vì người khác.
Học vì người khác tức là muốn được người khác ghi nhận, đánh giá, hành vi nông nổi, thiển cận, a dua. Còn học vì mình thì học tập, tu dưỡng, tích lũy năng lực, trong thì tu nhân đức, ngoài thì tu lễ nghĩa.
Nói một cách đơn giản, học là tu thân, làm điều chân chính. Nếu học cả bồ sách Thánh hiền, mà chỉ là để khoe khoang bản thân, hành vi bất chính, có thể nói là đọc sách vô ích. 

5. Làm việc ngang bướng, thông minh vô ích
“Tác sự quai trương, thông minh vô ích”.
Khổng Tử dạy học trò chuẩn mực hành xử chính đáng là: “Học trò ở nhà thì hiếu đễ, ra ngoài thì cung kính, cẩn thận, gần gũi với những người nhân đức, yêu thương tất cả mọi người, làm được như vậy mà còn dư sức thì lúc đó mới bắt đầu học văn hóa”.
“Làm việc ngang bướng” là nói người hành xử bất chấp tình lý, cố chấp, làm gì cũng tỏ ra hơn người. Người thích mị dân lấy lòng người khác, rắp tâm bất lương, thì cái thông minh tài hoa của họ cũng bị người khác lợi dụng, trở thành công cụ làm việc ác.

6. Lòng dạ cao ngạo, học rộng vô ích
“Tâm cao khí ngạo, bác học vô ích”.
Tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn được nhiều lợi ích. Cái đạo người quân tử khiêm nhu, xưa nay vẫn được người đời tán thưởng.
Đọc sách học rộng để làm gì? Để thông hiểu cổ kim, để tung hoành ngang dọc, biết đóng biết mở, có đầu có đuôi, là để tu thân dưỡng tính mà thôi. Người càng có học thức thâm sâu, càng là người khiêm tốn.
Nếu lấy học rộng để khoe khoang, tự cao tự đại, hùng hổ ép người, thì chỉ có thể nói là vẫn chưa lĩnh hội được cảnh giới cao nhất của việc học của cổ nhân. 

7. Thời vận không còn, cố cầu vô ích
“Thời vận bất tế, vọng cầu vô ích”. 
“Vào bước đường cùng thì tự mình làm tốt thân mình, khi hiển đạt thì giúp cho cả thiên hạ được tốt”. Đường cùng tức là thời vận không còn. Thời vận cũng là một sức mạnh, khi hết thời vận thì chú ý tăng cường tu dưỡng tâm tính bản thân, nâng cao sức mạnh bản thân, thì thời cơ sẽ tự đến.
“Cố cầu” là truy cầu bừa bãi, cố gắng truy cầu thời cơ vốn không thuộc về bản thân mình, trái lại, nên tự truy cầu bản thân, vì lúc này dù cho có được cơ hội thì cũng sẽ mất đi rất nhanh. 

8. Lấy bừa của người, bố thí vô ích
“Vọng thủ nhân tài, bố thí vô ích”. 
Khổng Tử nói: “Bất nghĩa mà giàu và sang, đối với ta như phù vân. Người quân tử quý của cải, để có được của cải phải thuận theo đạo”. Lấy bừa của cải của người khác là bất nghĩa. Không có công lao mà nhận lộc, vơ đầy túi tham, tiện tay dắt dê, đều là hành vi bất nghĩa.
Lấy bừa của người, rồi đi bố thí, nói theo cách mĩ miều là mượn hoa dâng Phật, thì thực ra chỉ là giả thiện. Chi bằng dựa vào sức của đôi bàn tay, cần cù, ra sức lao động, bố thí bởi thiện tâm, như thế mới có thể yên lòng, đạt lý.

9. Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích
“Bất tích nguyên khí, y dược vô ích”.
Mạnh Tử nói: “Ta giỏi dưỡng cái khí lớn lao của ta”. Nguyên khí là trạng thái nội tâm tinh thần phong phú, chính khí tràn trề, là cội nguồn hăng hái vươn lên, tích cực tiến thủ của con người. 
Người không giữ gìn nguyên khí, thì hành động là cái vũ dũng của kẻ thất phu, cho rằng mình sức mạnh vô tận, nhưng lại luôn bị những ngoại lực làm cho nguyên khí tổn thương lớn.
Khi nguyên khí bị tổn thương nhiều, thì gửi gắm hy vọng vào thuốc thần tiên cứu chữa. Chữa được ngọn chứ không chữa được gốc, chữa được nhất thời chứ không chữa được cả đời. 
Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích. Vậy nên, muốn mọi sự tốt đẹp cần giữ được tĩnh khí.

10. Dâm ác phóng túng, âm đức vô ích
“Dâm ác tứ dục, âm đức vô ích”.
“Âm đức”, ý là tích âm đức, tích việc thiện nhỏ mà trở thành công đức lớn, phòng tránh việc ác nhỏ để tránh tổn hao công đức.
Nếu cuộc sống phóng túng xa xỉ, hoang dâm vô độ, tuy làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức, thì cũng uổng công vô ích. Muốn độ cho người khác thì trước tiên phải tự độ cho mình, lấy mình làm gương, nghiêm khắc giữ mình theo giới luật, bắt đầu từ gian khổ, chất phác.
Vậy nên, “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà cứ làm”.
***
Trong đạo đối nhân xử thế, người ta cần phải biết khiêm cung, nhẫn chịu, nhường nhịn, bao dung. Nho gia giảng về thuật “Trung Dung”, nghĩa là giữ sự bình ổn, không thái quá. Đạo gia cũng nói về nguyên lý “Âm Dương cân bằng”, hài hoà, vô vi, thuận theo tự nhiên. Phật gia lại giảng lẽ thiện lương, tiên tha vị ngã (nghĩ cho người trước, nghĩ cho mình sau).
Dù là gia nào, phái nào, người ta cũng luôn coi trọng sự “cân bằng”. Trong thuật đối nhân xử thế, đạt được cảnh giới cân bằng chính là điều khó làm nhất. Chỉ khi học được cách dung hoà, hành thiện, tích đức, tránh xa cái ác thì người ta mới không còn phải đối mặt với những điều “vô ích” như trên nữa vậy.

Lâm Tắc Từ
Hải Sơn biên dịch

*Lâm Tắc Từ (1785 – 1850) là một trọng thần của triều Thanh. Ông nổi tiếng là người liêm khiết, có dũng khí. Lúc 54 tuổi, Tắc Từ viết ra 10 câu cách ngôn, sau hàng trăm năm vẫn khiến người đời tấm tắc khen ngợi. Lâm Tắc Từ đã lấy những điều mà con người thường cho là hữu ích, lần lượt xem xét, phân định để chỉ ra vì sao chúng lại trở nên vô nghĩa. “10 vô ích” này vừa là tiêu chuẩn tu dưỡng của Lâm Tắc Từ, và cũng là nguyên tắc giáo dục con cái của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét