Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới

“ Học, học nữa, học mãi ”
 - Lenin -



CUỘC CÁCH MẠNG LÀM RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI
Ngày 7/11/1917, tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông đã tuyên bố với toàn nhân loại về một kỷ nguyên mới, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời. Diễn ra tròn 100 năm trước, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là một trong các sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử nước Nga nói riêng và lịch sử thế giới nói chung.
Cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 đã đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho triều đại Romanov nói riêng và chế độ quân chủ Nga nói chung. Quần chúng nhân dân, do quá mệt mỏi với chế độ chuyên chế, đã lật đổ Sa hoàng II. Sau vài tháng tranh đấu chính trị, bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười (7/11/1917), các thành phần cấp tiến nhất của phái tả Nga khi đó – đảng Bolshevik, đã giành chiến thắng, lật đổ giai cấp tư sản, lần đầu tiên đưa giai cấp công nhân và nông dân lên nắm quyền ở quốc gia có lãnh thổ rộng nhất thế giới. Những người cộng sản sau đó dẫn dắt nước Nga thêm 7 thập kỷ nữa.
Cuộc cách mạng diễn ra trong bối cảnh vào đầu thế kỷ 20, Nga là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Sa hoàng Nikolai II. Ông đã đẩy Nga vào Thế chiến I, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Kinh tế Đế quốc Nga kiệt quệ vì chiến tranh, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, công nghiệp, nông nghiệp đình đốn, đời sống người dân cực khổ. Ngoài ra, hoàng gia Nga còn bị “tu sĩ” Grigory Rasputin đứng đằng sau thao túng. Phong trào phản đối chiến tranh đòi lật đổ Sa hoàng diễn ra khắp nơi.
Tháng 2/1917, Cách mạng tháng Hai, bùng nổ với các cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh và bãi công tập thể, tiêu biểu như cuộc biểu tình của 90.000 nữ công nhân từ 50 xí nghiệp tại Petrograd, thủ đô của Đế quốc Nga (hiện là Saint Petersburg). Phong trào nhanh chóng chuyển từ tổng bãi công chính trị sang khởi nghĩa vũ trang. Chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng bị lật đổ. Cách mạng tháng Hai được coi là cách mạng dân chủ tư sản.
Theo lời kêu gọi của đảng Bolshevik, công nhân và binh lính đã thành lập các Xô viết đại biểu, tức các cơ quan đại biểu để lãnh đạo đất nước. Cùng thời gian, giai cấp tư sản cũng thành lập Chính phủ lâm thời. Sau Cách mạng tháng Hai, Nga tồn tại hai chính quyền song song do hai lực lượng trên lãnh đạo.
Chính phủ lâm thời không giải quyết những vấn đề đã hứa như cải cách ruộng đất cho nông dân, tạo việc làm cho công nhân. Tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra và Chính phủ lâm thời vẫn quyết theo đuổi chiến tranh.
Trước tình hình này, Vladimir Ilyich Lenin, lãnh đạo đảng Bolshevik, đã xác định cần lật đổ chính quyền tư sản lâm thời, chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết” và “Hòa bình, ruộng đất, bánh mì”.
Ngày 24/10/1917, cuộc khởi nghĩa bắt đầu với sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Lenin. Cận vệ Đỏ, lực lượng vũ trang tình nguyện của công nhân và nông dân, tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, nhà ga, cầu đường. Ngày 25/10/1917, họ tấn công Cung điện Mùa Đông, bắt giữ các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.
Ngay trong đêm 25/10/1917, chính quyền Xô viết do Lenin đứng đầu được thành lập. Các sắc lệnh đầu tiên được thông qua là Sắc lệnh hòa bình (lên án chiến tranh) và “Sắc lệnh ruộng đất” (nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân).

NHỮNG DIỄN BIẾN CHÍNH
Ngày 11/3/1917, tại nước Nga đã nổ ra một cuộc cách mạng, lịch sử gọi là ”Cách mạng Tháng Hai”. Cách mạng Tháng Hai đã lật đổ sự thống trị chuyên chế của Sa hoàng, nhưng xuất hiện hai chính quyền cùng tồn tại. Một là Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và địa chủ, hai là Xô viết đại biểu công nhân và binh lính của quần chúng nhân dân.
Ngày 16/4, Lenin từ nước ngoài trở về Petrograd, thủ đô nước Nga. Sau khi ra khỏi nhà ga, ông xuất hiện trên một chiếc xe bọc thép giữa tiếng hoan hô chào mừng của đám đông quần chúng. Tại đây, ông kêu gọi nhân dân giành lấy thắng lợi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa và đưa ra khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền thuộc về Xô viết”.
Ngày 16/7, hàng ngàn công nhân và binh lính đã giương cao biểu ngữ ”Đả đảo chiến tranh!”, ”Đả đảo 10 bộ trưởng tư sản!”, ‘Toàn bộ chính quyền thuộc về Xô viết!” tiến hành một cuộc biểu tình thị uy rầm rộ. Chính phủ lâm thời đã đàn áp cuộc biểu tình bằng bạo lực hòng chấm dứt tình trạng cùng song song tồn tại của hai chính quyền. Sau đó, Tổng tư lệnh quân đội Nga, tướng Kornilov đã điều quân về Petrogad, nhằm lật đổ Chính phủ lâm thời, đồng thời tiêu diệt chính quyền Xô viết, xây dựng thể chế quân sự độc tài.
Trước tình thế đó, Đảng Bolshevik do Lenin lãnh đạo đã tổ chức nhân dân đập tan kế hoạch phản loạn này. Mặt khác, thấy tình thế không ổn, Chính phủ lâm thời đã câu kết với quân Đức, mượn tay để bóp chết chính quyền cách mạng của giai cấp công nông.
Tối ngày 29/l0, trong một ngôi nhà gác hai tầng ở ngoại ô Petrograd, Ban lãnh đạo Đảng Bolshevik đã tổ chức một cuộc họp quan trọng. Lenin phát biểu thẳng thắn tại hội nghị: ”Tình thế rất rõ ràng: hoặc là chuyên chính của Kornilov hoặc là chuyên chính của tầng lớp nghèo khổ của giai cấp vô sản và nông dân”.
Lenin chủ trương phải khởi nghĩa ngay lập tức. Hội nghị nhanh chóng tán thành đề nghị của Lenin và thành lập một trung tâm quân sự cách mạng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Ngày 6/11/1917 (lịch Nga là 24/l0), trên đường phố Petrograd bán đầy những tờ báo đăng tin Chính phủ lâm thời chuẩn bị tấn công Bolshevik. Bước đầu tiên của kế hoạch đó là đóng cửa tờ báo ”Tiếng nói công nhân”, Cơ quan trung ương của Đảng Bolshevik.
Mười giờ sáng, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kerenski đắc ý tuyên bố với các bộ trưởng trong Cung điện Mùa Đông: Bolshevik không thể tuyên truyền lật đổ chính phủ được nữa. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, những người Bolshevik đã chiếm lại được xưởng in báo “Tiếng nói công nhân”. Kerenski ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố. Các cửa hàng đều đóng cửa, các ngân hàng nghỉ việc. Lúc bấy giờ, các lãnh tụ của Đảng Bolshevik đều tập trung ở điện Smolniy.
Sáng sớm ngày 7/11 (lịch Nga là ngày 25/l0) bắt đầu cuộc chiến đấu giành chính quyền. Đội Tự vệ Đỏ Bolshevik đã chiếm được bưu điện, ga xe lửa, nhà máy điện, trạm điện thoại.
11 giờ sáng, những người Bolshevik dùng điện đài trên Tuần dương hạm Aurora (Rạng Đông) để phát đi ”Bức thư gửi các công dân Nga” của Lenin, tuyên bố chính quyền nhà nước đã thuộc về Xô viết công nhân và binh lính Petrograd. Tuần dương hạm Aurora (Rạng Đông) trên sông Neva ở thủ đô Petrograd bắn một phát đại bác. Tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông đã tuyên bố với toàn nhân loại về một kỷ nguyên mới, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời.
Ngay sau đó cuộc chiến đấu đánh chiếm Cung điện Mùa Đông bắt đầu. Tiếp theo tiếng pháo, đội Tự vệ Đỏ và anh em thuỷ thủ đã xông vào Cung điện Mùa Đông, trụ sở của Chính phủ lâm thời. Phần lớn các quan chức của Chính phủ lâm thời đều bị bắt. Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kerenski đã kịp bỏ trốn.
Hai giờ sáng ngày hôm sau, quân khởi nghĩa đã hoàn toàn chiếm lĩnh được Cung điện Mùa Đông. Cách mạng thắng lợi, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai đã bầu ra được Chính phủ cách mạng mới, do Lenin làm Chủ tịch. Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới đã ra đời.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới. Chủ nghĩa Marx – Lenin cũng theo tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông lan truyền trên nhiều nước khắp các châu lục Âu, Á và Mỹ Latinh. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, sau đó, trên thế giới có nhiều nước đi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.


NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý

Năm 1917, nước Nga trải qua 2 cuộc cách mạng lớn vào tháng 2 và tháng 10, chấm dứt 200 năm trị vì của Nhà Romanov cũng như chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ ở Nga. Cách mạng tháng 10 Nga còn mở ra chương mới trong lịch sử nhân loại khi những người vô sản ở Nga thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Cách mạng tháng 10 Nga thực chất diễn ra vào tháng 11
Cách mạng tháng 10 Nga 1917 thực chất diễn ra vào tháng 11 (và Cách mạng tháng 2 Nga 1917 diễn ra vào tháng 3), điều này sẽ làm nhiều người khó hiểu, thậm chí cả đối với người Nga do cách tính ngày tháng gây ra.
Cho tới tận năm 1918, Nga vẫn sử dụng lịch cũ, hay lịch Julius do Hoàng đế La Mã Julius Caesar đưa ra từ năm 45 TCN. Lịch Julius lệch so với lịch Gregorius, còn gọi là lịch dương hay lịch mới, khoảng 2 tuần. Một trong những việc đầu tiên mà những người Bolshevik thực hiện sau khi giành chính quyền là chuyển sang dùng lịch mới.

Nguyên nhân Cách mạng tháng 10
Có nhiều giả thiết xung quanh nguyên nhân của cả 2 cuộc cách mạng năm 1917 tại Nga, nhưng các nhà sử học đồng ý với quan điểm cho rằng người dân Nga lúc bấy giờ cảm thấy giận dữ vì Nga tham gia Thế chiến I. Khi ấy, người dân Nga mong chờ hòa bình từ rất lâu, nhưng chính quyền Đế quốc Nga vẫn tiếp tục tham gia chiến tranh.
Do cơ sở vật chất phục vụ sản xuất của nước Nga khi ấy rất yếu kém, tình trạng thiếu lương thực xảy ra, đặc biệt tại thủ đô Petrograd (tên cũ của Saint Petersburg) của Đế quốc Nga. Những cuộc “bạo loạn bánh mì” nổ ra đánh dấu bước đầu của cuộc nổi dậy.
Những người nông dân, chiếm đa số tại nước Nga khi ấy, không hài lòng với chính phủ Đế quốc Nga. Dù cho Sa hoàng Alexander II bãi bỏ chế độ nông nô từ năm 1861, song đến năm 1917 phần lớn nông dân Nga không sở hữu bất cứ tài sản nào. Những người lao động phải chịu đựng những điều kiện lao động khắc nghiệt vượt quá sức tưởng tượng.
Bản thân Sa hoàng Nicolas II cũng là nguyên nhân khiến cách mạng nổ ra, thậm chí những người trung thành với ông còn cho rằng Sa hoàng Nicolas 2 là nhà lãnh đạo kém cỏi. Hoàng gia Nga bị thao túng bởi Grigory Rasputin trong nhiều năm, Rasputin được Hoàng gia Nga coi là vị thánh nhưng bị phần lớn người Nga căm ghét.
Cách mạng tháng 2 nổ ra với nòng cốt là lực lượng của Đảng Đảng Bolshevik do Vladimir Lenin lãnh đạo, bắt đầu bằng phong trào biểu tình chống chiến tranh. Ngày 26/2 (11/3 theo lịch mới), cuộc tổng bãi công tại Petrograd chuyển thành khởi nghĩa vũ trang. Sa hoàng Nicolas 2 phải thoái vị.
Mặc dù theo lời kêu gọi của Đảng Bolshevik, công nhân và binh lính đã lập các xô viết đại biểu của mình, nhưng giai cấp tư sản Nga thỏa thuận cùng phe Menshevik, chiếm khá nhiều trong các xô viết đại biểu, đặc biệt là xô viết Petrograd. Ngày 3/3 (16/3 theo lịch mới), Chính phủ Lâm thời, đứng đầu là Kerensky, được thành lập, bao gồm các đại biểu của Duma Quốc gia Đế quốc Nga và đây là chính quyền không qua bầu cử.
Tình trạng 2 chính quyền song song này tồn tại đến tận tháng 10/1917. Chính phủ Lâm thời do Kerensky lãnh đạo tiếp tục tham gia Thế chiến I. Tháng 7/1917, Cuộc tổng tấn công của Kerensky thất bại hoàn toàn, 60.000 lính Nga tử trận và 200.000 bị thương, điều này dẫn đến cuộc biểu tình của hơn 500.000 người dân Petrograd nhưng cuộc biểu tình này bị Chính phủ Kerensky thẳng tay đàn áp.
Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Kerensky, nước Nga ngày càng rơi vào khủng hoảng, giao thông vận tải gần như tê liệt, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi trên nước Nga, đặc biệt là tại cách thành phố. Quân đội Nga tiếp tục hứng chịu những thất bại nặng nề trên mặt trận. Đó là bối cảnh mà những người Bolshevik quyết định thực hiện Cách mạng tháng 10.

Lý do những người Bolshevik giành thắng lợi
Do những cuộc khủng bố của chính quyền Sa hoàng Nicolas II, đầu năm 1917, Đảng Bolshevik không có nhiều tiếng nói cũng như không có nhiều ảnh hưởng tại Nga lúc bấy giờ. Nhưng khi Cách mạng tháng 2 Nga nổ ra, Vladimir Lenin cùng nhiều đồng chí đang ở Thụy Sĩ lập tức trở về Nga và bắt đầu hành động.
Người dân Nga lúc bấy giờ ủng hộ những người Bolshevik bởi những người Bolshevik khẳng định sẽ mang lại hòa bình và ruộng đất ngay sau khi giành thắng lợi. Đồng thời, những người Bolshevik khẳng định rằng công nhân và nông dân cần đoàn kết đấu tranh để chống lại tư bản và đế quốc.
Trước khi Cách mạng tháng 10 Nga nổ ra, những người Bolshevik còn ngăn chặn thành công âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự của tướng Kornilov và điều này khiến uy tín của họ trở nên rất cao. Những người Bolshevik cũng không sợ bất cứ điều gì cả, họ từng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong nhiều năm và bị chính quyền Đế quốc Nga đàn áp thẳng tay.
Các nhà sử học cũng đánh giá rằng Vladimir Lenin, lãnh tụ của Đảng Bolshevik là lý do khiến những người Bolshevik giành được thắng lợi. Lenin thể hiện ông là nhà cách mạng chăm chỉ và dũng cảm – những bài phát biểu của ông đã lay động trái tim của người dân Nga lúc bấy giờ, và Lenin đã tổ chức rất tốt Đảng Bolshevik để đảng lãnh đạo cuộc cách mạng đi đến thắng lợi.
Đến mùa thu năm 1917, người dân Nga tin tưởng Lenin hơn hẳn người đứng đầu Chính phủ Lâm thời Nga Alexander Kerensky, nhân vật được đánh giá là xảo quyệt nhưng kém cỏi. Đó là những lý do chính giúp những người Bolshevik giành thắng lợi trong Cách mạng tháng 10 Nga.

Những gương mặt cách mạng khác
Bên cạnh Lenin, không thể không kể đến nhiều người khác với đóng góp không nhỏ cho thành công của Cách mạng tháng 10 Nga. Có 1 ví dụ điển hình, đó là Leon Trotsky, người đóng vai trò quan trọng trong đảng Bolshevik vào năm 1917. Sau này, chính ông là người thành lập Hồng quân Liên Xô, lực lượng đã bảo vệ chính quyền Xô viết trước sự tấn công của các lực lượng phản cách mạng.
Nadezhda Krupskaya, phu nhân của Lenin, cũng là người có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng. Có thể nói Krupskaya đã dành toàn bộ cuộc đời của bà để giúp đỡ Lenin, mặc dù bản thân bà chịu nhiều thiệt thòi về mặt tình cảm.
- st –

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét