Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Mất Dê

Người láng giềng nhà Dương Chu mất một con dê, đã sai hết cả người nhà đi tìm, lại sang nói với Dương Chu mượn người nhà cho đi tìm hộ. 
Dương Chu nói: Ôi! Sao có mất một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm? 
Người láng giềng đáp: Vì đường có lắm “ngã ba”. 
Khi các người đi tìm dê đã về, Dương Chu hỏi:  
- Có tìm thấy dê không? 
Người láng giềng đáp: 
- Không 
- Sao lại không tìm thấy? 
- Tại đường đã lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã ba khác. Thành không biết đi vào đường nào để tìm thấy dê, phải chịu về không cả.  

Ấy đường cái chỉ vì lắm ngã ba mà dê mất không tìm thấy. Người đi học cũng vậy, chỉ vì dễ mê muội mà mất cả lương tâm. 

Liệt Tử 
* Dương Chu: người thời Chiến Quốc, xướng lên học thuyết “vị ngã” trái với học thuyết “kiêm ái” của Khổng Tử. 


Lời bàn

Người đi học mà không suy xét cho tinh, cái gì cũng tham muốn cả thì không bao giờ học cho thực đến nơi đến chốn được! Vì cái tâm con người có một, cái sức hoạt động của người cũng có hạn nên phân tán ra nhiều nơi, dùng sự hoạt động vào nhiều loại, tuy rằng học nhiều biết nhiều thật, nhưng chẳng qua chỉ hời hợt trên mặt, gọi là biết qua loa chút ít thôi. Sao cho bằng chỉ chuyên tâm học về một mặt nào, mà học cho đến cùng kỳ sự học, sự biết mới là chắc chắn sâu xa và có giá trị vậy. Sự học cũng như nhiều sự khác quí hồ tinh bất quí hồ đa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét