Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Người có záo zụk

NGƯỜI CÓ ZÁO ZỤK
Anton Chekhov (1860-1904) : nhà văn và tác giả kịch vĩ đại người Nga, đã để lại 900 tác phẩm đủ các thể loại, nhưng trong cuộc sống ông còn dạy chúng ta nhiều điều hơn trong các tác phẩm của mình. Ông có người em ruột Nicolai là một họa sỹ đầy tài năng, nhưng tiếc thay lại không có bản lĩnh và suốt đời say rượu. Ông rất hiểu, rất thương và buồn cho cách người em coi thường chính khả năng trời phú của mình. Và ông không có cách nào hơn, là viết cho Nicolai một bức thư, mà đến nay chúng ta đọc lại cũng sẽ tìm được cho mình khá nhiều điều bổ ích...
...
“Matxcơva 1886
“Em thường than thở với anh là “Người ta chẳng hiểu em!” Đến Niutơn và Gớt còn chẳng than thở về điều đó...Người ta hiểu em rất rõ! Nếu người khác không hiểu em, thì đó không phải lỗi của mọi người...
Là một người thân và gần gũi với em, anh có thể khẳng định rằng anh rất hiểu và đồng cảm với em...Anh biết tất cả mọi tính tốt của em, như năm ngón tay của bàn tay mình vậy, đánh giá rất cao và kính nể chúng. Nếu để chứng minh rằng anh hiểu và đánh giá cao chúng thì anh thậm chí có thể liệt kê chúng ra đây. Theo anh thì em tốt bụng đến mức quá đà, rất rộng lượng, dễ tính, thương người, thương yêu súc vật, không đểu giả, không thù dai, tin người...Em gặp may hơn rất nhiều người: trời cho em tài năng! Tài năng đặt em lên trên hàng triệu người, vì cứ hai triệu người mới có một họa sỹ tài năng...
Tài năng đặt em vào một vị thế đặc biệt: em có là con cóc hay con nhện độc, thì mọi người vẫn tôn sùng em, vì tài năng được bỏ qua, tha thứ tất cả. Em chỉ có một điểm yếu duy nhất. Nó là nguyên lý sai lầm của em, của nỗi khổ của em, của chứng viêm loét dạ dày của em. Đó chính là tính vô giáo dục đến cực điểm của em! Xin tha lỗi cho anh, nhưng veritas magis amicitiae (chân lý cao hơn tình bạn)...Bởi vì cuộc sống có những điều kiện của nó...Muốn cảm thấy thoải mái trong môi trường trí thức, không trở nên lạc lõng ở đó và không cảm thấy nặng nề thì cần phải được giáo dục một cách căn bản...Tài năng đưa em vào môi trường đó, em thuộc về đẳng cấp đó, thế nhưng...em bị lôi kéo khỏi nó, và em cứ phải tìm cách cân bằng giữa tầng lớp văn minh và những người vis-a-vis (đối nghịch). Dễ thấy ảnh hưởng của thói tiểu tư sản thành thị, rượu chè, bố thí...Thật khó mà vượt qua được điều đó, quả thật rất khó!
Những người có giáo dục cần phải thỏa mãn những điều kiện sau:
- Họ trân trọng cá tính con người, vì vậy luôn độ lượng, nhẹ nhàng, lịch thiệp, nhường nhịn... Họ không nổi đóa lên vì một cái búa hay chiếc tẩy bị mất; sống với ai họ chẳng lấy đó là sự làm ơn, còn khi ra đi không nói rằng: tôi không thể sống với cô (anh) được! Họ bỏ qua những chuyện ầm ĩ, lúc lạnh lùng, miếng thịt rán quá lửa, những câu châm chọc, sự có mặt của người lạ trong căn nhà mình...
- Họ có lòng trắc ẩn không chỉ với những người ăn mày hay những con mèo. Tâm hồn họ đau đáu cả với những điều mắt thường không trông thấy được...
- Họ tôn trọng tài sản của người khác, và vì vậy luôn trả hết các khoản nợ.
- Họ trung thực và sợ sự dối trá như sợ lửa. Họ không nói sai cả trong những điều vặt vãnh. Nói dối là xúc phạm người nghe và hạ thấp người nói trong con mắt người nghe. Họ không phô trương, hành xử ở nơi công cộng cũng như ở nhà, không phỉnh phờ lớp người trẻ tuổi... Họ không ba hoa, không giãi bày tâm sự những khi không được hỏi đến. Vì tôn trọng những lỗ tai người khác, họ thường im lặng.
- Họ không tự hủy diệt mình với mục địch để gợi dậy nơi kẻ khác sự thương cảm và giúp đỡ. Họ không khơi gợi lòng trắc ẩn của người khác để nhận lại sự cảm thông và chăm sóc. Họ chẳng nói: Người ta không hiểu tôi!...
- Họ không phù phiếm. Họ chẳng quan tâm đến những trò hư vinh, như việc quen biết các nhân vật danh tiếng, lời thán phục của đám người gặp ở salon, sự nổi tiếng nơi quán rượu...
Nếu họ có tài năng, thì họ biết trân trọng nó. Vì nó, họ hi sinh thời gian, đàn bà, rượu chè, những việc lăng nhăng...
- Họ phát triển nơi mình khả năng thẩm mĩ. Họ không thể mặc nguyên áo quần mà ngủ, không thể nhìn thấy những khe nứt đầy rệp trên tường, hít thở không khí nặng mùi, bước trên sàn nhà toàn vết nhổ, ăn uống ngay từ trên bếp dầu. Họ cố gắng có thể chế ngự và hoàn thiện bản năng tính dục. Những người có giáo dục trong vấn đề này không nặng về bếp núc. Họ cần ở đàn bà không phải chuyện giường chiếu, không phải mồ hôi ngựa, không phải đầu óc thể hiện khả năng gạt gẫm giả vờ có thai và nói dối không biết mệt... Họ, đặc biệt là những họa sĩ, cần sự tươi mới, tao nhã, tính người.
- Họ không tham lam bạ đâu uống đấy, không đánh hơi các loại tủ, vì họ biết rằng họ không phải là những con heo. Họ chỉ uống những khi rảnh rỗi, gặp dịp… Bởi vì họ cần mens sana in corpore sano (một tâm hồn lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh).
Để giáo dục bản thân và không đứng thấp hơn môi trường xung quanh...cần phải làm việc cả sáng cả chiều, đọc luôn luôn, lòng hiếu học, lý trí...Từng giờ khắc đều quý...Em hãy đến đây, đập vỡ cái bình rượu vođka ấy đi, nằm xuống và đọc, hãy đọc chẳng hạn Turgeniev, tác giả mà em còn chưa đọc ấy...!”

Anton Chekhov 
Nam Nguyễn sưu tầm, bổ sung lời dịch của Đoàn Tử Huyến

PS : Nhà văn Chekhov còn là một bác sỹ tâm lý giỏi, thế nên ông là hình mẫu của việc “nói được-làm được”. Cũng như đa số các nhà văn, nhà thơ kinh điển của Nga (hình như có một “truyền thống” như vậy) ngoài vợ ra ông còn có hàng chục nhân tình và luôn tìm được cách thoát ra khỏi họ mà không quá làm họ tổn thương. Ông cũng rời khỏi cõi đời theo một cách rất “có giáo dục” và phải nói là rất ngoạn mục. Bị lao phổi đã lâu, khi đang nghỉ dưỡng ở Đức, thấy mệt lúc nửa đêm, lần đầu tiên ông cho mời bác sỹ tới khám. Khi bác sỹ tới rồi, ông gọi một chai sâm-panh, rót đầy một cốc, sau đó nói “Tôi chết đây” bằng tiếng Đức và tiếng Nga. Thế rồi ông uống hết cốc rượu, cười bằng nụ cười luôn quyến rũ của mình, chỉ nói thêm “Tôi lâu lắm chưa uống sâm-panh...”, nằm xuống giường và ra đi mãi mãi!

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Mất Dê

Người láng giềng nhà Dương Chu mất một con dê, đã sai hết cả người nhà đi tìm, lại sang nói với Dương Chu mượn người nhà cho đi tìm hộ. 
Dương Chu nói: Ôi! Sao có mất một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm? 
Người láng giềng đáp: Vì đường có lắm “ngã ba”. 
Khi các người đi tìm dê đã về, Dương Chu hỏi:  
- Có tìm thấy dê không? 
Người láng giềng đáp: 
- Không 
- Sao lại không tìm thấy? 
- Tại đường đã lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã ba khác. Thành không biết đi vào đường nào để tìm thấy dê, phải chịu về không cả.  

Ấy đường cái chỉ vì lắm ngã ba mà dê mất không tìm thấy. Người đi học cũng vậy, chỉ vì dễ mê muội mà mất cả lương tâm. 

Liệt Tử 
* Dương Chu: người thời Chiến Quốc, xướng lên học thuyết “vị ngã” trái với học thuyết “kiêm ái” của Khổng Tử. 


Lời bàn

Người đi học mà không suy xét cho tinh, cái gì cũng tham muốn cả thì không bao giờ học cho thực đến nơi đến chốn được! Vì cái tâm con người có một, cái sức hoạt động của người cũng có hạn nên phân tán ra nhiều nơi, dùng sự hoạt động vào nhiều loại, tuy rằng học nhiều biết nhiều thật, nhưng chẳng qua chỉ hời hợt trên mặt, gọi là biết qua loa chút ít thôi. Sao cho bằng chỉ chuyên tâm học về một mặt nào, mà học cho đến cùng kỳ sự học, sự biết mới là chắc chắn sâu xa và có giá trị vậy. Sự học cũng như nhiều sự khác quí hồ tinh bất quí hồ đa. 

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Thu nhà em

Anh đến mùa thu nhà em 
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ 
Mà cho đấy rửa lông mày 
Nông nổi heo may từ đó 

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy 
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ 
Bướm lượn bay hoa ngày 
Tin phấn vàng hay thuở gió 

Tóc hong mùi ca dao 
Thu rất em 
          và xanh rất cao 

Lê Đạt






...
Âm điệu bay nhẹ trên những cánh thơ sáu chữ nhiều âm bằng, nhiều chữ em và vần m. Một câu thơ cô đúc :
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Chữ “ lăm răm ” không có trong từ điển, có lẽ do Tản Đà sáng tạo trong bài Gửi Chị Hàng Cau (1916) :
Ai đang độ ấy lăm răm mắt
Tản Đà tạo ra từ “ lăm răm ” trên nhiều cơ sở : tiếng Việt đã có những chữ na ná : “ lăm tăm ” và “ lâm râm ” : mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ trong ca dao. Lại có :
– Cô nào con mắt lá răm
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền
– Cổ tay em trắng như ngà
Đôi mắt em liếc như là dao cau
Bài thơ Tản Đà gửi cô hàng cau, và gợi hình ảnh đôi mắt tình tứ. Trong câu thơ Lê Đạt, chữ lăm răm tả ánh nắng lăm tăm, lăn tăn trên vũng nước, mà đồng thời gợi tác dụng của đôi mắt : hình ảnh toàn bài thơ phản ánh ca dao :
Trên trời có đám mây xanh
(...)
Đừng rửa lông mày chết cá ao anh
Trong thơ Lê Đạt “ vũng nhỏ ” nhắc lại đôi mắt, vào một ngày thu biêng biếc : nước phải thật trong và trời phải thật xanh, như trong thơ Nguyễn Khuyến, lại có thêm nắng cúc vàng hanh ấm áp.
Bình thường không ai nói “ nắng cúc ” mà chỉ nói trà cúc, rượu cúc : do đó màu nắng dậy lên chất men ngây ngất. Cảm giác ấy, ta có gặp trong văn xuôi : “ Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ ” (Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa, tr.11) hay thơ Huy Cận : Chỉ biết trời xanh là ta say. Người xưa nói : thu ẩm hoàng hoa tửu là ám chỉ rượu cúc. Lê Đạt không nói gì về rượu, người đọc vẫn ngất ngây, cho đến câu cuối :
Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao
Câu thơ trước chỉ vỏn vẹn năm chữ mà nói lên được năm cảm giác của ngũ quan. Câu dưới biến từ loại (nature grammaticale) thành từ tính (qualificatif). Chữ “ rất ” biến “ em ” thành tính từ, trong khi chữ “ xanh ” trở thành thể từ. Không gian từ hữu thể như tan biến, như thăng hoa thành vô thể, trong “ quãng trời hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mông mênh ” (Nhất Linh, trong Đôi Bạn, tr. 211).
Thu Nhà Em là một bài thơ hay và hàm súc. Bình luận sẽ không cùng khi đã biết rằng :
Nông nỗi heo may từ đó...

Đặng Tiến

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017

Thực tế

Một người mê cờ bạc, ngày kia nói với Minh Sư:
- " Hôm qua người ta bắt gặp con chơi cờ gian bạc lận nên những người chung sòng đã cho con một trận nên thân và họ đã liệng con qua cửa sổ. Thầy thấy con phải làm gì đây?"
Minh Sư nhìn thẳng vào mắt anh ta rồi nói: 
- " Nếu tôi ở vào trường hợp của anh, từ rày về sau, tôi sẽ chơi bài ở tầng trệt."
Các đệ tử giật mình nên hỏi Minh Sư : 
- "Sao thầy không khuyên bảo anh ta đừng chơi bài nữa?"
... 
- " Bởi vì thầy biết có khuyên như thế cũng chỉ bằng thừa mà thôi."
- ! ! !

Anthony de Mello

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Dã tràng xe cát

Dã tràng xe cát bể Đông
Anh ngồi xe sợi tơ hồng ... tìm em








·        Ảnh: David Dubnitsky – nhiếp ảnh gia tự do tài năng người Ukraine … nguyên tắc chụp ảnh của ông là luôn đảm bảo rằng các nhân vật nữ trong ảnh không đơn giản chỉ là đẹp

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Mười điều vô ích

"Sự sanh trưởng không làm cho con người là cùng đinh
Không làm cho con người là bà la môn
Hành động làm cho người này là cùng đinh
Hành động làm cho người kia là bà la môn." 
- Sutta nipàta -
\

MƯỜI ĐIỀU VÔ ÍCH
Ở đời, mọi chuyện nhiều lúc sẽ không diễn ra theo đúng ý nguyện của con người. Việc tưởng rằng có lợi có khi lại thành vô ích. Đọc “10 điều vô ích” dưới đây, chúng ta sẽ rõ nguyên do.

1. Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích 
“Tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích”.
Sách “Đại học” có viết: “Cái đạo của việc học làm những việc quốc gia đại sự là làm rạng rỡ cái đức sáng của mình, là làm cho dân thay đổi tốt lên, là đạt đến và dừng ở nơi chí thiện”. 
Nếu trong lòng còn có điều bất thiện, làm trái với thiên đạo, rõ ràng là tự chuốc lấy diệt vong. “Phong thủy vô ích” là nói nếu là người bất thiện, làm nhiều việc bất nghĩa, thì người đó không những mắc tội làm hổ thẹn tổ tông mà còn làm tổn hại đến con cháu. 
Người ta cũng thường cho rằng chọn được phong thuỷ tốt, mảnh đất đẹp là có thể dưỡng được phúc khí, tài lộc cho con cháu đời đời. Thế nhưng, cái gốc của phong thuỷ không phải ở long mạch hay huyệt mộ mà chính ở lòng người. Tâm tốt thì dẫu ở vào nơi hiểm địa cũng gặp dữ hoá lành, chuyển hoạ thành phúc.

2. Bất hiếu cha mẹ, thờ Thần vô ích
“Bất hiếu phụ mẫu, phụng thần vô ích”.
Sách “Luận ngữ” có viết: “Hiếu đễ là cái gốc làm người”. Trăm đức hạnh thì hiếu đứng đầu. Một người dù có được thành tựu vĩ đại như thế nào, trên đầu đội bao nhiêu vòng nguyệt quế đi nữa, nếu bất hiếu với cha mẹ, thì tất cả vinh quang kia đều trở nên vô nghĩa. Nếu bất hiếu với cha mẹ, cho dù có thành kính, kính cẩn với Thần như thế nào chăng nữa, tất cả đều là giả dối cả.

3. Anh em bất hòa, bạn bè vô ích
“Huynh đệ bất hòa, giao hữu vô ích”.
“Kinh Thi” có viết: “Người khắp thiên hạ không bằng tình anh em”. Trong gia đình, cha mẹ là gốc rễ, anh em là cành lá. Chỉ có anh chị em dìu dắt giúp đỡ nhau, thì gia nghiệp mới hưng thịnh. Anh chị em mà còn không thể hòa thuận với nhau thì nói gì đến kết giao bạn bè, bằng hữu.
Rất nhiều người ra ngoài tiếp đãi bạn bè, rất mực lịch sự lễ độ, chân thành thẳng thắn, nhưng đối với anh chị em trong nhà thì khó mà thổ lộ hết lòng, thậm chí còn lời qua tiếng lại với nhau, thật đúng là hành vi đảo lộn, đạo nghĩa xa rời cả. 

4. Hành vi bất chính, đọc sách vô ích
“Hành chỉ bất đoan, độc thư vô ích”. 
Khổng Tử nói: “Người xưa học vì mình, người nay học vì người”. Ý nói người xưa đi học là vì chính bản thân mình, ngày nay người ta lại đi học là vì người khác.
Học vì người khác tức là muốn được người khác ghi nhận, đánh giá, hành vi nông nổi, thiển cận, a dua. Còn học vì mình thì học tập, tu dưỡng, tích lũy năng lực, trong thì tu nhân đức, ngoài thì tu lễ nghĩa.
Nói một cách đơn giản, học là tu thân, làm điều chân chính. Nếu học cả bồ sách Thánh hiền, mà chỉ là để khoe khoang bản thân, hành vi bất chính, có thể nói là đọc sách vô ích. 

5. Làm việc ngang bướng, thông minh vô ích
“Tác sự quai trương, thông minh vô ích”.
Khổng Tử dạy học trò chuẩn mực hành xử chính đáng là: “Học trò ở nhà thì hiếu đễ, ra ngoài thì cung kính, cẩn thận, gần gũi với những người nhân đức, yêu thương tất cả mọi người, làm được như vậy mà còn dư sức thì lúc đó mới bắt đầu học văn hóa”.
“Làm việc ngang bướng” là nói người hành xử bất chấp tình lý, cố chấp, làm gì cũng tỏ ra hơn người. Người thích mị dân lấy lòng người khác, rắp tâm bất lương, thì cái thông minh tài hoa của họ cũng bị người khác lợi dụng, trở thành công cụ làm việc ác.

6. Lòng dạ cao ngạo, học rộng vô ích
“Tâm cao khí ngạo, bác học vô ích”.
Tự mãn chuốc lấy tổn hại, khiêm tốn được nhiều lợi ích. Cái đạo người quân tử khiêm nhu, xưa nay vẫn được người đời tán thưởng.
Đọc sách học rộng để làm gì? Để thông hiểu cổ kim, để tung hoành ngang dọc, biết đóng biết mở, có đầu có đuôi, là để tu thân dưỡng tính mà thôi. Người càng có học thức thâm sâu, càng là người khiêm tốn.
Nếu lấy học rộng để khoe khoang, tự cao tự đại, hùng hổ ép người, thì chỉ có thể nói là vẫn chưa lĩnh hội được cảnh giới cao nhất của việc học của cổ nhân. 

7. Thời vận không còn, cố cầu vô ích
“Thời vận bất tế, vọng cầu vô ích”. 
“Vào bước đường cùng thì tự mình làm tốt thân mình, khi hiển đạt thì giúp cho cả thiên hạ được tốt”. Đường cùng tức là thời vận không còn. Thời vận cũng là một sức mạnh, khi hết thời vận thì chú ý tăng cường tu dưỡng tâm tính bản thân, nâng cao sức mạnh bản thân, thì thời cơ sẽ tự đến.
“Cố cầu” là truy cầu bừa bãi, cố gắng truy cầu thời cơ vốn không thuộc về bản thân mình, trái lại, nên tự truy cầu bản thân, vì lúc này dù cho có được cơ hội thì cũng sẽ mất đi rất nhanh. 

8. Lấy bừa của người, bố thí vô ích
“Vọng thủ nhân tài, bố thí vô ích”. 
Khổng Tử nói: “Bất nghĩa mà giàu và sang, đối với ta như phù vân. Người quân tử quý của cải, để có được của cải phải thuận theo đạo”. Lấy bừa của cải của người khác là bất nghĩa. Không có công lao mà nhận lộc, vơ đầy túi tham, tiện tay dắt dê, đều là hành vi bất nghĩa.
Lấy bừa của người, rồi đi bố thí, nói theo cách mĩ miều là mượn hoa dâng Phật, thì thực ra chỉ là giả thiện. Chi bằng dựa vào sức của đôi bàn tay, cần cù, ra sức lao động, bố thí bởi thiện tâm, như thế mới có thể yên lòng, đạt lý.

9. Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích
“Bất tích nguyên khí, y dược vô ích”.
Mạnh Tử nói: “Ta giỏi dưỡng cái khí lớn lao của ta”. Nguyên khí là trạng thái nội tâm tinh thần phong phú, chính khí tràn trề, là cội nguồn hăng hái vươn lên, tích cực tiến thủ của con người. 
Người không giữ gìn nguyên khí, thì hành động là cái vũ dũng của kẻ thất phu, cho rằng mình sức mạnh vô tận, nhưng lại luôn bị những ngoại lực làm cho nguyên khí tổn thương lớn.
Khi nguyên khí bị tổn thương nhiều, thì gửi gắm hy vọng vào thuốc thần tiên cứu chữa. Chữa được ngọn chứ không chữa được gốc, chữa được nhất thời chứ không chữa được cả đời. 
Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích. Vậy nên, muốn mọi sự tốt đẹp cần giữ được tĩnh khí.

10. Dâm ác phóng túng, âm đức vô ích
“Dâm ác tứ dục, âm đức vô ích”.
“Âm đức”, ý là tích âm đức, tích việc thiện nhỏ mà trở thành công đức lớn, phòng tránh việc ác nhỏ để tránh tổn hao công đức.
Nếu cuộc sống phóng túng xa xỉ, hoang dâm vô độ, tuy làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức, thì cũng uổng công vô ích. Muốn độ cho người khác thì trước tiên phải tự độ cho mình, lấy mình làm gương, nghiêm khắc giữ mình theo giới luật, bắt đầu từ gian khổ, chất phác.
Vậy nên, “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà cứ làm”.
***
Trong đạo đối nhân xử thế, người ta cần phải biết khiêm cung, nhẫn chịu, nhường nhịn, bao dung. Nho gia giảng về thuật “Trung Dung”, nghĩa là giữ sự bình ổn, không thái quá. Đạo gia cũng nói về nguyên lý “Âm Dương cân bằng”, hài hoà, vô vi, thuận theo tự nhiên. Phật gia lại giảng lẽ thiện lương, tiên tha vị ngã (nghĩ cho người trước, nghĩ cho mình sau).
Dù là gia nào, phái nào, người ta cũng luôn coi trọng sự “cân bằng”. Trong thuật đối nhân xử thế, đạt được cảnh giới cân bằng chính là điều khó làm nhất. Chỉ khi học được cách dung hoà, hành thiện, tích đức, tránh xa cái ác thì người ta mới không còn phải đối mặt với những điều “vô ích” như trên nữa vậy.

Lâm Tắc Từ
Hải Sơn biên dịch

*Lâm Tắc Từ (1785 – 1850) là một trọng thần của triều Thanh. Ông nổi tiếng là người liêm khiết, có dũng khí. Lúc 54 tuổi, Tắc Từ viết ra 10 câu cách ngôn, sau hàng trăm năm vẫn khiến người đời tấm tắc khen ngợi. Lâm Tắc Từ đã lấy những điều mà con người thường cho là hữu ích, lần lượt xem xét, phân định để chỉ ra vì sao chúng lại trở nên vô nghĩa. “10 vô ích” này vừa là tiêu chuẩn tu dưỡng của Lâm Tắc Từ, và cũng là nguyên tắc giáo dục con cái của ông.

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Tại sao ?

TẠI SAO ?
Một bác nông dân bị nông trang cướp mất đất liền viết thư khiếu nại gửi cho đồng chí Lê Nin ở Moskva 
Một tháng sau chính quyền cho gọi bác nông dân lên:
“ Tại sao ông lại gửi thư cho đồng chí Lê Nin? Ông không biết đồng chí Lê Nin đã chết rồi sao? ” 
- “ Mẹ kiếp, tại sao lúc các người cần thì đồng chí Lê Nin sống mãi trong sự nghiệp ... còn lúc ta cần thì đồng chí ấy lại chết mất rồi ...? " 

- st -

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới

“ Học, học nữa, học mãi ”
 - Lenin -



CUỘC CÁCH MẠNG LÀM RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI
Ngày 7/11/1917, tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông đã tuyên bố với toàn nhân loại về một kỷ nguyên mới, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời. Diễn ra tròn 100 năm trước, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là một trong các sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử nước Nga nói riêng và lịch sử thế giới nói chung.
Cuộc Cách mạng tháng Hai năm 1917 đã đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho triều đại Romanov nói riêng và chế độ quân chủ Nga nói chung. Quần chúng nhân dân, do quá mệt mỏi với chế độ chuyên chế, đã lật đổ Sa hoàng II. Sau vài tháng tranh đấu chính trị, bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười (7/11/1917), các thành phần cấp tiến nhất của phái tả Nga khi đó – đảng Bolshevik, đã giành chiến thắng, lật đổ giai cấp tư sản, lần đầu tiên đưa giai cấp công nhân và nông dân lên nắm quyền ở quốc gia có lãnh thổ rộng nhất thế giới. Những người cộng sản sau đó dẫn dắt nước Nga thêm 7 thập kỷ nữa.
Cuộc cách mạng diễn ra trong bối cảnh vào đầu thế kỷ 20, Nga là một nước quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Sa hoàng Nikolai II. Ông đã đẩy Nga vào Thế chiến I, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Kinh tế Đế quốc Nga kiệt quệ vì chiến tranh, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, công nghiệp, nông nghiệp đình đốn, đời sống người dân cực khổ. Ngoài ra, hoàng gia Nga còn bị “tu sĩ” Grigory Rasputin đứng đằng sau thao túng. Phong trào phản đối chiến tranh đòi lật đổ Sa hoàng diễn ra khắp nơi.
Tháng 2/1917, Cách mạng tháng Hai, bùng nổ với các cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh và bãi công tập thể, tiêu biểu như cuộc biểu tình của 90.000 nữ công nhân từ 50 xí nghiệp tại Petrograd, thủ đô của Đế quốc Nga (hiện là Saint Petersburg). Phong trào nhanh chóng chuyển từ tổng bãi công chính trị sang khởi nghĩa vũ trang. Chế độ quân chủ chuyên chế Sa hoàng bị lật đổ. Cách mạng tháng Hai được coi là cách mạng dân chủ tư sản.
Theo lời kêu gọi của đảng Bolshevik, công nhân và binh lính đã thành lập các Xô viết đại biểu, tức các cơ quan đại biểu để lãnh đạo đất nước. Cùng thời gian, giai cấp tư sản cũng thành lập Chính phủ lâm thời. Sau Cách mạng tháng Hai, Nga tồn tại hai chính quyền song song do hai lực lượng trên lãnh đạo.
Chính phủ lâm thời không giải quyết những vấn đề đã hứa như cải cách ruộng đất cho nông dân, tạo việc làm cho công nhân. Tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra và Chính phủ lâm thời vẫn quyết theo đuổi chiến tranh.
Trước tình hình này, Vladimir Ilyich Lenin, lãnh đạo đảng Bolshevik, đã xác định cần lật đổ chính quyền tư sản lâm thời, chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết” và “Hòa bình, ruộng đất, bánh mì”.
Ngày 24/10/1917, cuộc khởi nghĩa bắt đầu với sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Lenin. Cận vệ Đỏ, lực lượng vũ trang tình nguyện của công nhân và nông dân, tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, nhà ga, cầu đường. Ngày 25/10/1917, họ tấn công Cung điện Mùa Đông, bắt giữ các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời.
Ngay trong đêm 25/10/1917, chính quyền Xô viết do Lenin đứng đầu được thành lập. Các sắc lệnh đầu tiên được thông qua là Sắc lệnh hòa bình (lên án chiến tranh) và “Sắc lệnh ruộng đất” (nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân).

NHỮNG DIỄN BIẾN CHÍNH
Ngày 11/3/1917, tại nước Nga đã nổ ra một cuộc cách mạng, lịch sử gọi là ”Cách mạng Tháng Hai”. Cách mạng Tháng Hai đã lật đổ sự thống trị chuyên chế của Sa hoàng, nhưng xuất hiện hai chính quyền cùng tồn tại. Một là Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và địa chủ, hai là Xô viết đại biểu công nhân và binh lính của quần chúng nhân dân.
Ngày 16/4, Lenin từ nước ngoài trở về Petrograd, thủ đô nước Nga. Sau khi ra khỏi nhà ga, ông xuất hiện trên một chiếc xe bọc thép giữa tiếng hoan hô chào mừng của đám đông quần chúng. Tại đây, ông kêu gọi nhân dân giành lấy thắng lợi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa và đưa ra khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền thuộc về Xô viết”.
Ngày 16/7, hàng ngàn công nhân và binh lính đã giương cao biểu ngữ ”Đả đảo chiến tranh!”, ”Đả đảo 10 bộ trưởng tư sản!”, ‘Toàn bộ chính quyền thuộc về Xô viết!” tiến hành một cuộc biểu tình thị uy rầm rộ. Chính phủ lâm thời đã đàn áp cuộc biểu tình bằng bạo lực hòng chấm dứt tình trạng cùng song song tồn tại của hai chính quyền. Sau đó, Tổng tư lệnh quân đội Nga, tướng Kornilov đã điều quân về Petrogad, nhằm lật đổ Chính phủ lâm thời, đồng thời tiêu diệt chính quyền Xô viết, xây dựng thể chế quân sự độc tài.
Trước tình thế đó, Đảng Bolshevik do Lenin lãnh đạo đã tổ chức nhân dân đập tan kế hoạch phản loạn này. Mặt khác, thấy tình thế không ổn, Chính phủ lâm thời đã câu kết với quân Đức, mượn tay để bóp chết chính quyền cách mạng của giai cấp công nông.
Tối ngày 29/l0, trong một ngôi nhà gác hai tầng ở ngoại ô Petrograd, Ban lãnh đạo Đảng Bolshevik đã tổ chức một cuộc họp quan trọng. Lenin phát biểu thẳng thắn tại hội nghị: ”Tình thế rất rõ ràng: hoặc là chuyên chính của Kornilov hoặc là chuyên chính của tầng lớp nghèo khổ của giai cấp vô sản và nông dân”.
Lenin chủ trương phải khởi nghĩa ngay lập tức. Hội nghị nhanh chóng tán thành đề nghị của Lenin và thành lập một trung tâm quân sự cách mạng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Ngày 6/11/1917 (lịch Nga là 24/l0), trên đường phố Petrograd bán đầy những tờ báo đăng tin Chính phủ lâm thời chuẩn bị tấn công Bolshevik. Bước đầu tiên của kế hoạch đó là đóng cửa tờ báo ”Tiếng nói công nhân”, Cơ quan trung ương của Đảng Bolshevik.
Mười giờ sáng, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kerenski đắc ý tuyên bố với các bộ trưởng trong Cung điện Mùa Đông: Bolshevik không thể tuyên truyền lật đổ chính phủ được nữa. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, những người Bolshevik đã chiếm lại được xưởng in báo “Tiếng nói công nhân”. Kerenski ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố. Các cửa hàng đều đóng cửa, các ngân hàng nghỉ việc. Lúc bấy giờ, các lãnh tụ của Đảng Bolshevik đều tập trung ở điện Smolniy.
Sáng sớm ngày 7/11 (lịch Nga là ngày 25/l0) bắt đầu cuộc chiến đấu giành chính quyền. Đội Tự vệ Đỏ Bolshevik đã chiếm được bưu điện, ga xe lửa, nhà máy điện, trạm điện thoại.
11 giờ sáng, những người Bolshevik dùng điện đài trên Tuần dương hạm Aurora (Rạng Đông) để phát đi ”Bức thư gửi các công dân Nga” của Lenin, tuyên bố chính quyền nhà nước đã thuộc về Xô viết công nhân và binh lính Petrograd. Tuần dương hạm Aurora (Rạng Đông) trên sông Neva ở thủ đô Petrograd bắn một phát đại bác. Tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông đã tuyên bố với toàn nhân loại về một kỷ nguyên mới, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời.
Ngay sau đó cuộc chiến đấu đánh chiếm Cung điện Mùa Đông bắt đầu. Tiếp theo tiếng pháo, đội Tự vệ Đỏ và anh em thuỷ thủ đã xông vào Cung điện Mùa Đông, trụ sở của Chính phủ lâm thời. Phần lớn các quan chức của Chính phủ lâm thời đều bị bắt. Thủ tướng Chính phủ lâm thời Kerenski đã kịp bỏ trốn.
Hai giờ sáng ngày hôm sau, quân khởi nghĩa đã hoàn toàn chiếm lĩnh được Cung điện Mùa Đông. Cách mạng thắng lợi, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai đã bầu ra được Chính phủ cách mạng mới, do Lenin làm Chủ tịch. Nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới đã ra đời.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm rung chuyển thế giới. Chủ nghĩa Marx – Lenin cũng theo tiếng súng của chiến hạm Rạng Đông lan truyền trên nhiều nước khắp các châu lục Âu, Á và Mỹ Latinh. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, sau đó, trên thế giới có nhiều nước đi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người.


NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý

Năm 1917, nước Nga trải qua 2 cuộc cách mạng lớn vào tháng 2 và tháng 10, chấm dứt 200 năm trị vì của Nhà Romanov cũng như chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ ở Nga. Cách mạng tháng 10 Nga còn mở ra chương mới trong lịch sử nhân loại khi những người vô sản ở Nga thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Cách mạng tháng 10 Nga thực chất diễn ra vào tháng 11
Cách mạng tháng 10 Nga 1917 thực chất diễn ra vào tháng 11 (và Cách mạng tháng 2 Nga 1917 diễn ra vào tháng 3), điều này sẽ làm nhiều người khó hiểu, thậm chí cả đối với người Nga do cách tính ngày tháng gây ra.
Cho tới tận năm 1918, Nga vẫn sử dụng lịch cũ, hay lịch Julius do Hoàng đế La Mã Julius Caesar đưa ra từ năm 45 TCN. Lịch Julius lệch so với lịch Gregorius, còn gọi là lịch dương hay lịch mới, khoảng 2 tuần. Một trong những việc đầu tiên mà những người Bolshevik thực hiện sau khi giành chính quyền là chuyển sang dùng lịch mới.

Nguyên nhân Cách mạng tháng 10
Có nhiều giả thiết xung quanh nguyên nhân của cả 2 cuộc cách mạng năm 1917 tại Nga, nhưng các nhà sử học đồng ý với quan điểm cho rằng người dân Nga lúc bấy giờ cảm thấy giận dữ vì Nga tham gia Thế chiến I. Khi ấy, người dân Nga mong chờ hòa bình từ rất lâu, nhưng chính quyền Đế quốc Nga vẫn tiếp tục tham gia chiến tranh.
Do cơ sở vật chất phục vụ sản xuất của nước Nga khi ấy rất yếu kém, tình trạng thiếu lương thực xảy ra, đặc biệt tại thủ đô Petrograd (tên cũ của Saint Petersburg) của Đế quốc Nga. Những cuộc “bạo loạn bánh mì” nổ ra đánh dấu bước đầu của cuộc nổi dậy.
Những người nông dân, chiếm đa số tại nước Nga khi ấy, không hài lòng với chính phủ Đế quốc Nga. Dù cho Sa hoàng Alexander II bãi bỏ chế độ nông nô từ năm 1861, song đến năm 1917 phần lớn nông dân Nga không sở hữu bất cứ tài sản nào. Những người lao động phải chịu đựng những điều kiện lao động khắc nghiệt vượt quá sức tưởng tượng.
Bản thân Sa hoàng Nicolas II cũng là nguyên nhân khiến cách mạng nổ ra, thậm chí những người trung thành với ông còn cho rằng Sa hoàng Nicolas 2 là nhà lãnh đạo kém cỏi. Hoàng gia Nga bị thao túng bởi Grigory Rasputin trong nhiều năm, Rasputin được Hoàng gia Nga coi là vị thánh nhưng bị phần lớn người Nga căm ghét.
Cách mạng tháng 2 nổ ra với nòng cốt là lực lượng của Đảng Đảng Bolshevik do Vladimir Lenin lãnh đạo, bắt đầu bằng phong trào biểu tình chống chiến tranh. Ngày 26/2 (11/3 theo lịch mới), cuộc tổng bãi công tại Petrograd chuyển thành khởi nghĩa vũ trang. Sa hoàng Nicolas 2 phải thoái vị.
Mặc dù theo lời kêu gọi của Đảng Bolshevik, công nhân và binh lính đã lập các xô viết đại biểu của mình, nhưng giai cấp tư sản Nga thỏa thuận cùng phe Menshevik, chiếm khá nhiều trong các xô viết đại biểu, đặc biệt là xô viết Petrograd. Ngày 3/3 (16/3 theo lịch mới), Chính phủ Lâm thời, đứng đầu là Kerensky, được thành lập, bao gồm các đại biểu của Duma Quốc gia Đế quốc Nga và đây là chính quyền không qua bầu cử.
Tình trạng 2 chính quyền song song này tồn tại đến tận tháng 10/1917. Chính phủ Lâm thời do Kerensky lãnh đạo tiếp tục tham gia Thế chiến I. Tháng 7/1917, Cuộc tổng tấn công của Kerensky thất bại hoàn toàn, 60.000 lính Nga tử trận và 200.000 bị thương, điều này dẫn đến cuộc biểu tình của hơn 500.000 người dân Petrograd nhưng cuộc biểu tình này bị Chính phủ Kerensky thẳng tay đàn áp.
Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Kerensky, nước Nga ngày càng rơi vào khủng hoảng, giao thông vận tải gần như tê liệt, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi trên nước Nga, đặc biệt là tại cách thành phố. Quân đội Nga tiếp tục hứng chịu những thất bại nặng nề trên mặt trận. Đó là bối cảnh mà những người Bolshevik quyết định thực hiện Cách mạng tháng 10.

Lý do những người Bolshevik giành thắng lợi
Do những cuộc khủng bố của chính quyền Sa hoàng Nicolas II, đầu năm 1917, Đảng Bolshevik không có nhiều tiếng nói cũng như không có nhiều ảnh hưởng tại Nga lúc bấy giờ. Nhưng khi Cách mạng tháng 2 Nga nổ ra, Vladimir Lenin cùng nhiều đồng chí đang ở Thụy Sĩ lập tức trở về Nga và bắt đầu hành động.
Người dân Nga lúc bấy giờ ủng hộ những người Bolshevik bởi những người Bolshevik khẳng định sẽ mang lại hòa bình và ruộng đất ngay sau khi giành thắng lợi. Đồng thời, những người Bolshevik khẳng định rằng công nhân và nông dân cần đoàn kết đấu tranh để chống lại tư bản và đế quốc.
Trước khi Cách mạng tháng 10 Nga nổ ra, những người Bolshevik còn ngăn chặn thành công âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự của tướng Kornilov và điều này khiến uy tín của họ trở nên rất cao. Những người Bolshevik cũng không sợ bất cứ điều gì cả, họ từng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong nhiều năm và bị chính quyền Đế quốc Nga đàn áp thẳng tay.
Các nhà sử học cũng đánh giá rằng Vladimir Lenin, lãnh tụ của Đảng Bolshevik là lý do khiến những người Bolshevik giành được thắng lợi. Lenin thể hiện ông là nhà cách mạng chăm chỉ và dũng cảm – những bài phát biểu của ông đã lay động trái tim của người dân Nga lúc bấy giờ, và Lenin đã tổ chức rất tốt Đảng Bolshevik để đảng lãnh đạo cuộc cách mạng đi đến thắng lợi.
Đến mùa thu năm 1917, người dân Nga tin tưởng Lenin hơn hẳn người đứng đầu Chính phủ Lâm thời Nga Alexander Kerensky, nhân vật được đánh giá là xảo quyệt nhưng kém cỏi. Đó là những lý do chính giúp những người Bolshevik giành thắng lợi trong Cách mạng tháng 10 Nga.

Những gương mặt cách mạng khác
Bên cạnh Lenin, không thể không kể đến nhiều người khác với đóng góp không nhỏ cho thành công của Cách mạng tháng 10 Nga. Có 1 ví dụ điển hình, đó là Leon Trotsky, người đóng vai trò quan trọng trong đảng Bolshevik vào năm 1917. Sau này, chính ông là người thành lập Hồng quân Liên Xô, lực lượng đã bảo vệ chính quyền Xô viết trước sự tấn công của các lực lượng phản cách mạng.
Nadezhda Krupskaya, phu nhân của Lenin, cũng là người có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng. Có thể nói Krupskaya đã dành toàn bộ cuộc đời của bà để giúp đỡ Lenin, mặc dù bản thân bà chịu nhiều thiệt thòi về mặt tình cảm.
- st –

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

khoảng cách

Mình giống nhau đôi mắt
Mà khác nhau cách nhìn
Bức tranh đời thơ mộng
Anh thích, em phê bình.

Mình giống nhau đôi tai
Cách nghe không đồng điệu
Em thích nhạc u hoài
Anh chê buồn, không chịu.

Mình giống nhau đôi môi
Mà không cùng cách nói
Em chân thật từng lời
Sao anh thường gian dối ! 

Mình giống nhau trái tim 
Nhưng không cùng nhịp đập.
Em tìm kẻ chung tình
Anh ưa nhìn dáng dấp .

Mình giống nhau khối óc
Suy nghĩ hoài khác xa
Những điều làm em khóc
Anh lại cười ha ha.. 

Phải chăng vì như vậy
Vui, buồn riêng biết thôi
Vẫn chưa lần Hiểu lấy
Vẫn gần mà xa xôi.. 

Chủ Nhật em đi lễ
Anh đến quán cà phê
Cùng đi trên lối nhỏ
Cuối con đường rẻ chia .

Thích thánh Tuệ
*Tranh Phạm Lực