Nhân việc Thành Phố Hà Nội đang bàn về việc cấm hay không cấm hôn nhân đồng giới...Mình xin giới thiệu một bài viết rất hay, rất đẹp không rõ tác giả nhưng nội dung thì không còn gì để phải bàn nữa
Trích đoạn trong truyện của Annie Proulx: “…một chiếc áo treo lâu ngày trên đinh. Gã nhấc nó ra khỏicây đinh. Chiếc áo cũ của Jack từ những ngày ở Brokeback. Máu khô trên tay áo là máu của gã… Chiếc áo có vẻ nặng, đến khi gã thấy có một chiếc áo nữa lồng ở trong, tay áo cẩn thận luồn trong tay áo của Jack, đó là cái áo sơ mi kẻ ô của gã… Hai chiếc áo như hai làn da trong nhau, hai trong một… Ennis áp mặt mình vào lớp vải, và chầm chậm hít vào bằng miệng và mũi, hi vọng tìm thấy thoang thoảng mùi khói, mùi ngải núi và mùi mồ hôi mặn ngọt của Jack…”
...
Brokeback Mountain: Không chỉ một mối tình đồng giới
Kỷ niệm 6 năm bộ phim Brokeback Mountain 12/2005 – 12/2011, kiệt tác hay nhất về đề tài tình yêu đồng giới. Và dành tặng cho những ai bỗng một ngày chợt thấy mình khác.
Lần đầu tiên xem Brokeback Mountain khi tôi được biết đó là bộ phim về đồng tính đoạt nhiều giải thưởng lớn, tua nhanh cả bộ phim chỉ trong 30 phút, chỉ thấy đó là câu chuyện lạc loài buồn.
Bỗng một hôm, tình cờ đọc Wikipedia, tôi dường như bị cuốn hút bởi chính câu chuyện mà tôi cho là lạc loài đó, rồi chợt nhận ra, có lẽ mình mới là kẻ lạc loài khi “dám” đánh giá như thế về một kiệt tác. Bộ phim mạng đậm tính nhân văn cao cả ấy không chỉ nói về tấn bi kịch của một mối tình đồng giới mà đằng sau nó còn là tấn bi kịch của những mối tình vấp phải rào cản phi lý của xã hội. Rồi tôi xem lại bộ phim, chầm chậm, từng chút một, để say đắm một mối tình thiêng liêng không trọn vẹn, và dư âm của nó, một nỗi buồn mênh mang xâm chiếm tôi, trong nhiều ngày sau đó.
Một tình yêu đẹp, không toan tính
Brokeback Mountain là câu chuyện về hai chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ – hình ảnh những người đàn ông vạm vỡ, rắn rỏi, kiên trường, với đôi bốt cao cổ, áo sơ mi bỏ thùng cùng quần jean đinh rivê, và không thể thiếu chiếc mũ phớt rộng vành cong cong hai bên, trên lưng những chú ngựa của thảo nguyên mênh mông và đồi núi hùng vĩ – Ennis del Mar và Jack Twist, hai anh chàng chăn cừu thuê vào một mùa hè tại vùng núi Brokeback. Trong hoang sơ của núi, tình cảm giữa họ nảy nở như một điều tất yếu cho sự sẻ chia nỗi cô đơn. Một tình yêu đẹp. Nhưng họ không thể vượt qua nỗi sợ hãi những định kiến của con người về tình yêu đồng giới. Và rồi mỗi người đều đã tìm được cuộc sống riêng cho mình, như những người đàn ông đầy trách nhiệm và biết tuân thủ quy luật cuộc sống.
Nhưng, định mệnh đã kéo họ lại với nhau một lần nữa, và rồi cứ thế cho tới 20 năm sau, họ vẫn không thể vượt qua rào cản xã hội, vẫn phải kìm nén mình, che dấu tình cảm và nỗi khát khao hạnh phúc, chỉ được bùng cháy trong những lần gặp nhau vội vã. Cho đến khi Jack ra đi vĩnh viễn, thì Ennis mới hiểu rằng, cuộc đời anh đã có nhiều lựa chọn sai lầm.
....
Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh miền Tây nước Mỹ, rộng lớn với những con đường đầy bụi đỏ trong tiếng ghita chậm rãi bản Opening của Gustavo Santaolalla như đón chào bạn.
Ennis del Mar và Jack Twist đều chưa đầy 20 tuổi, cùng xin việc giữ trại chăn cừu cho Joe Aguirre, cái bắt tay và một vài lời chào hỏi xã giao, dăm ba câu chuyện trong quán bia, rồi hôm sau lên núi. Ennis lầm lì, giọng trầm, nói nhỏ giọt, mang nét thô kệch của một chàng cao bồi thất học, tất cả mọi cảm xúc chỉ thể hiện qua đôi mắt sâu nặng trĩu, ngược lại là Jack, một anh chàng khá bảnh bao, sôi nổi với điệu nhếch mép khinh khỉnh đầy quyến rũ.
Tiếp tục câu chuyện về hai chàng cao bồi. Họ có thể nói là đồng nghiệp, là bạn rượu, là bạn chuyện qua những ngày nắng đẹp, những ngày mưa giông và cả những cơn giá rét trên núi Brokeback. Rồi khi họ cởi mở với nhau hơn, họ kể cho nhau nghe về gia đình, về dự định tương lai, về cô vợ sắp cưới Alma của Ennis. Nhưng rồi thời gian trông đàn cừu vào mỗi tối của Ennis ngày càng ngắn hơn, anh thích ngồi uống với Jack, hát mấy câu vớ vẩn, nghe âm thanh chói tai của cây kèn harmonica Jack thổi, rồi cứ thế cho đến khuya, khi không còn đủ sức nhấc người dậy để đi trông đàn cừu, Ennis đã nằm ngủ bên bếp lửa, ngoài trời, với tấm chăn mỏng, và với hàm răng lập cập. Jack cáu kỉnh, đề nghị Ennis vào trong lều, họ nằm bên cạnh nhau, gần gũi, ấm áp. Chỉ khi Jack cầm bàn tay Ennis, làm một động tác bất ngờ, và Ennis cũng bất ngờ không hiểu tại sao, giống như bản năng, đã làm một cái việc mà anh chưa từng làm.
Đây có thể xem là cảnh nóng đầu tiên của bộ phim, tôi nghe nói nó còn bị cắt đi khi chiếu tại Trung Quốc, bởi một số ý kiến cho rằng có gì đó hơi dữ dội, thô thiển khiến người ta sợ. Tôi cũng hơi giật mình khi xem đến đây dù đã biết trước nó sẽ xảy ra, nhưng đến khi đọc truyện của Annie Proulx, tôi mới thấy rằng, đạo diễn Lý An đã mô tả vô cùng chân thực, sống động những gì bà đã viết, đó mới là cái tài của một đạo diễn bậc thầy
....Cảnh lột tả rõ nét nhất tình cảm dành cho nhau của hai chàng cao bồi, chính là đoạn chia tay nhạt nhẽo trước cửa văn phòng của Aguirre, không một cái ôm, không một cái bắt tay, và ai đi đường nấy. Nhưng sau đó, là ánh mắt thân thương của Jack khi nhìn Ennis qua gương xe, là những cái nôn khan, tiếng nức nở của Ennis khi xe của Jack đã mất dạng. Trong truyện, khi mô tả đoạn này, Annie Proulx đã viết: “Ennis cảm thấy như có kẻ đang lôi ruột gã ra từng khúc, từng khúc một… Gã cảm thấy khó chịu chưa từng thấy, và cảm giác đó lâu lắm mới phai đi.” Và câu nói của Ennis sau 4 năm gặp lại: “… Tớ quặn ruột lại, tưởng đã ăn phải cái gì thiu. Một năm sao tớ mới hiểu ra, đáng lẽ tớ không nên để mất cậu…”
Trích đoạn trong truyện của Annie Proulx: “…một chiếc áo treo lâu ngày trên đinh. Gã nhấc nó ra khỏicây đinh. Chiếc áo cũ của Jack từ những ngày ở Brokeback. Máu khô trên tay áo là máu của gã… Chiếc áo có vẻ nặng, đến khi gã thấy có một chiếc áo nữa lồng ở trong, tay áo cẩn thận luồn trong tay áo của Jack, đó là cái áo sơ mi kẻ ô của gã… Hai chiếc áo như hai làn da trong nhau, hai trong một… Ennis áp mặt mình vào lớp vải, và chầm chậm hít vào bằng miệng và mũi, hi vọng tìm thấy thoang thoảng mùi khói, mùi ngải núi và mùi mồ hôi mặn ngọt của Jack…”
...
Cũng cần phải nói thêm rằng truyện Brokeback Mountain của Annie Proulx đã đạt giải thưởng truyện ngắn O.Henry vào năm 1998.
Có một điều khá thú vị, khi bộ phim công chiếu ở Mỹ, có đến gần 70% khán giả tới rạp là nữ giới!
Brokeback Mountain sẽ còn là đề tài tranh cãi trong nhiều năm nữa, cho đến khi cái gọi là kỳ thị tình yêu đồng giới hoàn toàn được xóa bỏ.
Nhiều người đã nói với tôi thế này: Cái gì đi chệch quy luật của cuộc sống, nó sẽ bị đào thải. Nhưng đánh giá một cách toàn diện, thì xét cho cùng, quy luật của cuộc sống là do chính con người định ra, thì con người cũng có thể phá vỡ một thứ gì đó tồn tại trong nó, để cái phản quy luật, lại trở thành quy luật, tựa như việc Paul Dirac tìm ra phản vật chất trong quan niệm chỉ có vật chất mới tồn tại, có lẽ là thế chăng?
Dẫu sao có thể nói, dù không thuộc giới thứ 3, nhưng với tôi, Brokeback Mountain là một bộ phim không tì vết, và nó đẹp, nó tuyệt vời, nó đầy tính nhân văn như những gì cuộc sống đã dành tặng cho mỗi chúng ta.
***Bạn cứ yêu đi, và hãy thể hiện tình yêu của bạn, sao phải sợ người ta nói gì cười gì, nhưng nên nhớ, bạn chỉ làm thế khi đối phương của bạn cũng yêu bạn, mà thôi.
Ling – Yume
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét