Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Trận hải chiến lịch sử

 

TRẬN HẢI CHIẾN LỊCH SỬ 

Năm 1644, một đội tàu chiến của công ty Đông Ấn, Hà Lan theo yêu cầu của chúa Trịnh Tráng đã tiến đánh Đàng Trong. Chiến thuyền Hà Lan được chia làm hai cánh. Một cánh gồm ba chiếc tiến thẳng ra Đàng Ngoài để hội quân cùng với mười vạn binh mã của chúa Trịnh Tráng. Cánh thứ hai gồm 3 tàu chiến lớn dưới sự chỉ huy của Pieter Baeck khởi hành sau.

Cả hai cánh giao ước sẽ hội quân ở sông Gianh trước khi cùng tiến đánh chúa Nguyễn. Nhưng đội tàu chiến của Pieter Baeck trên đường gặp bão nên đã bị đá cảng Eco (tức Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế ngày nay).

Theo sử sách ghi chép lại thì chúa Nguyễn Phúc Lan và cận thần cũng nhận được tin, nhưng chưa dám quyết định có nên chặn đánh bằng đường biển hay không vì các tàu chiến của Tây phương được trang bị rất hiện đại. Lúc này Thế tử Nguyễn Phúc Tần liền chủ động dẫn quân đi đánh.

Sách Đại Nam thực lục ghi chép như sau:

Bấy giờ, giặc Ô Lan (tức Hà Lan) đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử (tức Nguyễn Phúc Tần) tức thì mật báo với chưởng cơ Tôn Thất Trung (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh. Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử tự đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra biển. Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền của thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay, giặc trông thấy thất kinh hoảng sợ ”.

- Đại Nam Thực Lục -

 

Khi cách sông Gianh 5 dặm về phía Nam, đội tầu Hà Lan bất ngờ khi thấy khoảng 50 chiến thuyền quân Đàng Trong đang đợi sẵn. 

Thế nhưng quân Hà Lan cũng không lo lắng quá vì tàu chiến của họ rất mạnh và hiện đại, được trang bị trọng pháo, đã chinh phục được Batavia và vùng quần đảo Indonesia.

Thế tử Nguyễn Phúc Tần lệnh cho các thuyền chiến bao vây tấn công 3 tàu chiến Hà Lan. Các tàu Hà Lan trút hỏa lực tối đa. Một số thuyền bị trúng đạn, nhưng số thuyền khác vẫn tiến lại gần tàu chiến Hà Lan. Nhờ nhỏ nhẹ nên thuyền chúa Nguyễn tiến rất nhanh.

Thấy tình thế nguy ngập, một tàu Hà Lan tìm cách tháo chạy, một tàu khác lúng túng va vào đá khiến cả tàu và người chìm xuống biển. Tàu lớn nhất không chạy kịp ở lại chống cự quyết liệt, quân chúa Nguyễn áp sát tràn được vào tàu. Tuyệt vọng, thuyền trưởng Pieter Baeck cho nổ kho thuốc súng trên tàu, tử trận cùng quân sĩ. 7 thủy thủ nhảy xuống biển cố bơi thoát nhưng đều bị bắt.

Đây được xem là cuộc hải chiến đầu tiên giữa thủy binh Đại Việt với tầu chiến của người Tây Phương. Thất bại này cũng khiến người Hà Lan phải từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam.

...

 

- st -

* Nguyễn Phúc Tần hiệu là Hiền Vương (chúa Hiền) nắm quyền cai trị Đàng Trong từ 1648 - 1687. Ông đã ra “khẩu dụ” chấm dứt chiến tranh với Đàng Ngoài, xóa bỏ mối thù giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn.

* Loại thuyền đi biển quan trọng nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ 19 được khắc trên cửu đỉnh ở Huế

 

https://zingnews.vn/chien-cong-lan-dau-danh-bai-phuong-tay-tren-bien-cua-nguoi-viet-post770976.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét