Thứ Tư, 17 tháng 8, 2022

Phản công đã sẵn sàng ?

 PHẢN CÔNG ĐÃ SẴN SÀNG ?

Một cuộc phản công của Ukraine ở Kherson sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn cao độ khi họ cần thể hiện đà tiến trên chiến trường - nhưng quân đội Ukraine có thể vẫn chưa sẵn sàng. 

Các cuộc chiến tranh lớn trong thế kỷ 20 xoay quanh các cuộc phản công: cuộc đổ bộ của Đồng minh tại Normandy; cuộc tấn công bất ngờ của Douglas MacArthur tại Inchon trong chiến tranh Triều Tiên; Norman Schwarzkopf thực hiện “cú đấm móc trái” để cắt đứt các lực lượng Iraq ở Kuwait. Giờ đây, Ukraine, với 1/5 lãnh thổ nằm trong tay Nga, hy vọng có một đợt phản công được gia nhập danh sách đó.

Trong nhiều tháng, các quan chức Ukraine đã ám chỉ về một cuộc tấn công sắp xảy ra ở miền nam Ukraine. Vào cuối tháng 7, các dàn phóng tên lửa HIMARS của Mỹ đã bắt đầu phá hủy nhũng cây cầu dẫn đến thành phố Kherson để cô lập lực lượng Nga ở phía tây sông Dnepr. Một quan chức địa phương cho biết đây là “những bước chuẩn bị nghiêm túc” để tiến tới giải phóng thành phố này. Theo tin từ giới chức tình báo Anh ngày 28/7 thì “Cuộc phản công của Ukraine ở Kherson đang có được bước chạy đà”. Vào ngày 9/8, một cuộc tấn công ngoạn mục vào căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea, nằm ngoài phạm vi của các loại vũ khí mà Ukraine đã có, được phía Ukraine mô tả là khởi đầu cho cuộc phản công. “Kherson sẽ được giải phóng vào cuối năm nay,” tướng Ukraine Dmytro Marchenko tự hào tuyên bố.

Những kỳ vọng cao cả này sẽ không dễ được đáp ứng. Các cuộc tấn công do HIMARS đã làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga, bao gồm cả việc ngăn chặn pháo binh Nga tiến ra tiền tuyến. Ngày 13/8, Ukraine cho biết họ đã phá hủy một cây cầu bắc qua đập Nova Kakhovka, thắt chặt dây thòng lọng xung quanh Kherson. Nhưng chỉ có bộ binh mới có thể chiếm đóng được lãnh thổ. Logic thông thường cho rằng các lực lượng tấn công cần số quân gấp ba lần số quân của bên phòng thủ để có thể chiếm một vị trí được phòng thủ tốt; tỷ lệ này còn phải cao hơn nhiều ở các khu vực thành thị

...

Nếu Ukraine đã từng có lợi thế về quân số như vậy, thì bây giờ không còn nữa. Trong những tuần gần đây, sau khi dự đoán về một cuộc tấn công vào phía nam, Nga đã rút quân khỏi Izyum ở mặt trận phía đông để tăng cường cho Kherson và các khu vực xung quanh. Theo Konrad Muzyka từ công ty Rochan Consulting, Nga có 13 tiểu đoàn tác chiến (BTG - một BTG thường có vài trăm quân, mặc dù hầu hết đã cạn kiệt vào giai đoạn này) ở đây vào cuối tháng 7. Bây giờ số lượng quân Nga có thể đã lên tới 25 đến 30 BTG. “Người Ukraine hiện không có đủ nhân lực để đấu với quân số của Nga.” ông Muzyka nói. 

Mặc dù Ukraine có một lực lượng lớn quân đội, nhưng hầu hết trong số họ là lính nghĩa vụ với thời gian huấn luyện ngắn ngủi. Các đơn vị này đã kiệt sức và phải chịu thương vong nặng nề. Việc huấn luyện các lữ đoàn mới và trang bị cho họ kỹ năng để có thể tấn công quân Nga sẽ mất nhiều thời gian. Nhà nghiên cứu Jack Watling thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia cho biết.

Tấn công thường cần nhiều đạn hơn phòng thủ. Các lực lượng tấn công có xu hướng phải nhận nhiều thương vong hơn. Đại tá dự bị quân đội Ukraine, Sergiy Grabskyi phát biểu rằng: “Kể từ năm 1992, trong các cuộc tập trận thực địa, chúng tôi đã không nghiên cứu các hoạt động tấn công. Sau tám năm chiến tranh, quân Ukraine đã trở nên rất xuất sắc trong phòng thủ, nhưng họ có rất ít hoặc gần như không có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động tấn công quy mô lớn.” Các cuộc phản công của Ukraine xung quanh Kharkiv vào tháng 5, mặc dù thành công, nhưng chỉ có quy mô nhỏ và dẫn đến nhiều thương vong.

Quân Nga đã có kha khá thời gian để chuẩn bị. Trong nhiều tháng, họ đã đào chiến hào và vận chuyển đến Kherson nhiều công sự che chắn. Họ có thể đã được huấn luyện pháo binh tập trung bắn phá trên những con đường mà Ukraine sẽ sử dụng để tiến lên. Theo Chris Dougherty, cựu chuyên gia lập kế hoạch của Lầu Năm Góc thì Ukraine nên thực hiện một cách tiếp cận gián tiếp - cô lập thành phố Kherson rồi sử dụng các lực lượng bí mật và pháo binh để cắt đứt tuyến tiếp tế của Nga, nhằm mục đích “làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga”. 

Một loạt các cuộc tấn công du kích, cũng như các cuộc tấn công gần đây vào kho vũ khí và sở chỉ huy của Nga, cho thấy đây có thể là chiến lược thực sự của Ukraine. Một số quan chức Ukraine nói rằng họ hài lòng với việc chờ đợi, trong khi vẫn đều đặn hạ gục các lực lượng Nga bằng các cuộc tấn công nhỏ như vậy. Thiếu tá Roman Kovalyov chiến đấu ở vùng đông bắc Kherson, cho biết: “Chúng tôi muốn tránh chiến tranh đường phố, bởi vì chúng tôi không muốn phá hủy thành phố này. “Chúng tôi muốn bao vây họ và buộc họ phải rút lui. Chúng tôi muốn vắt kiệt quân Nga”.

Nhưng việc tuyên truyền về một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra có một số lợi thế. Việc này nâng cao tinh thần của người dân đang bị chiếm đóng ở Kherson. Nó giữ cho các lực lượng Nga – vốn đã bị pháo kích – ở thế lúc nào cũng phải lo lắng. Điều này buộc Nga phải chuyển hướng lực lượng ra khỏi khu vực phía đông Donbas, nơi làm suy yếu các cuộc tấn công đang diễn ra đối với thành phố Slovyansk. Những lời tuyên bố phiến diện về một cuộc phản công thậm chí có thể là một lời dối trá, lôi kéo quân Nga về phía Kherson và mở ra những khoảng trống trong giới tuyến của Nga ở những nơi khác, mà có thể bị quân Ukraine khai thác. Rủi ro là việc thổi phồng về cuộc phản công mà không thành hiện thực sẽ gây tổn hại đến tinh thần binh sĩ. Nhưng nếu các cuộc tấn công diễn ra và sau đó bị đánh bại, thì sự vỡ mộng sẽ còn tồi tệ hơn. Một nhà phân tích quân sự dày dạn kinh nghiệm cho rằng một cuộc tấn công được thúc đẩy bởi những cân nhắc chính trị, bất chấp thực tế quân sự ra sao, sẽ là “một ý tưởng thực sự tồi tệ”, “nhưng chúng tôi không thể kiểm soát được tuyên bố và việc làm của các chính trị gia”. Theo một số nguồn tin thì ông Zelensky đã bác bỏ lời khuyên về mặt quân sự và khẳng định rằng các lực lượng vũ trang Ukaraine sẽ bảo vệ thành phố Severodonetsk lâu hơn nhiều so với mức cần thiết. “Quân Ukraine may mắn khi chạy thoát khỏi thành phố đó mà còn sống” Nhà phân tích này nói “ Nếu Ukraine đang trong tình thế phản công, thì cần phải có phương pháp và theo từng giai đoạn: loại bỏ Nga khỏi thành phố Kherson, nhưng dừng lại ở sông Dnepr và chỉ tiến về phía đông khi tình hình quân sự được cải thiện.

Mâu thuẫn giữa các mệnh lệnh chính trị và các tính toán quân sự không có gì mới. Năm 1942, Mỹ và Liên Xô muốn Đồng minh mở mặt trận thứ hai tại Pháp. Stalin hy vọng nó sẽ giảm bớt áp lực ở mặt trận phía đông; Roosevelt muốn dân Mỹ thấy đà tiến công của quân Mỹ. Winston Churchill và một số tướng lĩnh Mỹ không đồng ý với ý tưởng này, phần lớn với lý do quân đội của họ còn chưa sẵn sàng. Cuối cùng một cuộc đột kích của Đồng minh do Canada lãnh đạo đã tấn công vào Dieppe vào mùa hè năm 1942, và hậu quả là hơn một nửa lực lượng tấn công 6.000 người này đã bị giết, bị thương hoặc bị bắt, phần lớn là vì lý do chính trị ẩn sau nó. Sự thất bại của chiến dịch này nhấn mạnh những rủi ro của việc tấn công quá sớm. Đây là những bài học dành cho ông Zelensky và các tướng lĩnh Ukaraine.

 

 

Cù Tuấn dịch từ The Economist

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét