Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Nguyện Thái Bình An Lạc

Nguyện tất cả sinh linh

Tràn đầy muôn Hạnh Phúc

 

 

 

 

 

 

Kinh Từ Bi

Người hằng mong thanh tịnh,

Nên thể hiện pháp lành,

Có khả năng, chất phác,

Hiền hòa, không kiêu mạn,

 

Sống dễ dàng, tri túc,

Thanh đạm, không rộn ràng,

 Lục căn luôn trong sáng,

Trí tuệ càng hiển minh,

Chuyên cần, không quyến niệm,

 

Không làm việc ác nhỏ,

Mà bậc trí hiền chê.

Nguyện thái bình an lạc,

Nguyện tất cả sinh linh,

Tràn đầy muôn hạnh phúc.

 

Chúng sanh dù yếu mạnh,

Lớn nhỏ hoặc trung bình,

Thấp cao không đồng đẳng

Hết thẩy chúng hữu tình,

Lòng từ không phân biệt,

 

Hữu hình hoặc vô hình,

Ðã sinh hoặc chưa sinh,

Gần xa không kể xiết,

Nguyện tất cả sinh linh,

Tràn đầy muôn hạnh phúc.

 

Ðừng lừa đảo lẫn nhau,

Chớ bất mãn điều gì,

Ðừng mong ai đau khổ,

Vì tâm niệm sân si,

Hoặc vì nuôi oán tưởng.

 

Như mẹ giàu tình thương,

Suốt đời lo che chở,

Ðứa con một của mình,

Hãy phát tâm vô lượng,

Ðến tất cả sinh linh,

Từ Bi gieo cùng khắp,

Cả thế gian khổ hải,

Trên dưới và quanh mình,

Không hẹp hòi oan trái,

Không hờn giận căm thù,

 

Khi đi, đứng, ngồi, nằm,

Bao giờ còn thức tỉnh,

Giữ niệm từ bi này,

Thân tâm thường thanh tịnh,

Phạm hạnh chính là đây.

 

Ai xả ly kiến thủ,

Có giới hạnh nghiêm trì,

Ðạt chánh tri viên mãn,

Không ai nhiễm dục trần,

Thoát ly đường sanh tử.

 

KINH TỪ BI - (Metta Sutta)

Từ Bi thường được nói chung với nhau. Có người hiểu Từ Bi như là tấm lòng vị tha. Trên thực tế, chữ Từ có nghĩa là một tâm hồn mát mẻ, an hòa. Tâm hồn đó sở dĩ được mát mẻ, an hòa vì nó luôn luôn mong mỏi các chúng sanh khác được hạnh phúc, an lành. Ðối tượng của lòng Từ là tất cả chúng sanh, không phân biệt một ai. Bi là lòng rung động trước sự đau khổ của chúng sanh. Như vậy Bi hay Bi Mẫn lấy chúng sanh đau khổ làm đối tượng. Dù Từ hay Bi, dù đối tượng có khác nhau nhưng Từ Bi thường đi chung với nhau vì đối với tất cả chúng sanh, một hành giả tu tập lòng Từ đều mong mỏi họ được hạnh phúc.

Tóm lại, Từ Bi có nghĩa là một tấm lòng nghĩ đến tha nhân, ở trong ý nghĩ dó không có biên giới phân biệt thân sơ, xa gần, thương ghét. Ðó gọi là Từ Bi.

 

Bài Kinh là một đoạn kệ ngắn trong phẩm Con Rắn (Uraga Vagga) trích từ bộ Sutta Nipata (Kinh Tập), trong Tiểu Bộ Kinh của Kinh Tạng Pali.

 Nguồn gốc của bài Từ Bi Kinh theo Chú giải ghi rằng: 

Vào thời Ðức Phật, có nhiều vị Tỳ Kheo vào rừng để tu tập và trú xứ của chư vị là các cội cây. Nhưng vì giới đức trong sạch của các vị lúc phát triển thiền định đã làm nóng nảy các vị chư thiên bậc thấp ở chung quanh. Họ cảm thấy bất an nên nghĩ cách khiến các vị Tỳ Kheo rời bỏ khu rừng, trả lại trú xứ cho họ. Những loại phi nhân này biến hiện thành những quái vật làm kinh sợ các vị Tỳ Kheo. Chư vị Tỳ Kheo hành thiền định trở về gặp Ðức Phật để trình bày những khó khăn gặp phải trong rừng vắng và Ðức Phật vì lòng từ mẫn đã truyền dạy bài kinh này với nhiều mục đích.

- Mục đích thứ nhất là để các vị Tỳ Kheo hành thiền trong rừng trì tụng. Việc trì tụng này sẽ đem lại sự an lành, mát mẻ đối với những loài chúng sanh ở chung quanh, hữu hình hay vô hình, nghĩa là có mặt lẫn khuất mặt.

Trên đường trở về cũng như khi đến nơi, các thầy đều tụng bài kinh này và tập rải tâm từ cho chư thiên khiến họ hoan hỷ nên họ không còn quấy phá các thầy nữa. Nhờ vậy mà các thầy sống yên ổn tu hành, tinh tấn hành thiền và đều đắc quả sau mùa an cư năm đó.

 

- Ðiểm thứ hai , bản kinh chứa đựng nghĩa lý cũng như phương thức tu học về lòng Từ Bi. Ðiều này sẽ giúp cho các vị Tỳ Kheo tăng tiến trong đời sống tu tập, đặc biệt phương pháp tu tập về lòng Từ. Ngoài ra, ở các khóa gia Phật giáo, đây là một bài kinh quan trọng vì giá trị lịch sử của nó: Bài kinh đã được Ðức Phật thuyết như một thứ kinh hộ mạng cho các vị Tỳ Kheo hành thiền ở những nơi hoang vắng nguy hiểm. Bài kinh được trì tụng như một trong những bài kinh quan trọng thuộc về kinh Paritta tức là Kinh Cầu An, kinh an lành hay là kinh hộ trì . Những bài kinh này mang lại năng lực an lành cho các vị Tỳ Kheo, những nam cư sĩ, nữ cư sĩ và bài kinh này trở nên rất phổ thông, cơ hồ như trong những dịp tụng kinh an lành đều có tụng bài kinh này. Bài Kinh này không chỉ tụng để cho người sống được an lành mà người chết cũng hưởng được lợi lạc. Kinh này cũng có thể gọi là kinh âm siêu dương thới. Trong những khóa lễ cầu siêu, chư Tăng cũng có tụng một đoạn trong Kinh Từ Bi. Vì niềm tin đó, vì ý nghĩa đó nên bài kinh được phổ biến rất rộng. Hiện nay trong các khóa lễ đại chúng, đặc biệt là khóa lễ Cầu An đều có trì tụng bài kinh này. 

 

Vì đây là một bài kinh ngắn nên lời kinh rất xúc tích, ý nghĩa rất cô đọng. Mỗi một đoạn, một câu, một chữ của lời kinh đều có giá trị và chúng ta cần suy nghĩ rất kỹ.

 

 Lời Phật được ghi nhận trong Kinh Tập được các học giả phương Tây chuyên về Kinh điển Phật giáo coi là gần gũi nhất với những lời dạy nguyên thủy của Đức Thế Tôn. Bản dịch Việt ngữ dưới đây căn cứ vào bản dịch tiếng Anh của Tỳ kheo Thanissaro. Ông nguyên là một học giả Hoa Kỳ chuyên về lịch sử trí tuệ châu Âu, nhưng đã từ bỏ sự nghiệp học thuật để tu tập theo truyền thống Kammathana Thái Lan. 

 

" Đây là điều nên làm bởi một người thiện xảo với ý hướng muốn đạt đến trạng thái an lạc: 

Có năng lực, chính trực và công minh, dễ dạy bảo,hòa nhã và không kiêu mạn, biết đủ và dễ cung dưỡng, ít bận rộn vì nhiệm vụ, sống cuộc sống thanh thoát, có nhiều khả năng an tĩnh, biết kềm chế, khiêm tốn và không ái luyến kẻ thân thuộc. 

Đừng làm bất kỳ điều gì dù nhỏ nhặt nhất mà bậc thiện trí sẽ phiền trách. 

Hãy nghĩ: Nguyện cho mọi chúng sinh đều an lạc, bất kể các chúng sinh ấy thuộc loài nào, yếu hay mạnh cũng không ngoại lệ, cao to hay trung bình hoặc thấp bé, dễ nhận biết hay khó nhận biết, hữu hình hay vô hình, gần hay xa, đã sinh hay đang chờ tái sinh. Nguyện mọi chúng sinh ấy đều an lạc. 

Nguyện đừng ai dối lừa người khác hay khinh miệt bất kỳ ai ở bất cứ nơi nào, hoặc vì giận dữ hay bực tức mà cầu cho người khác phải chịu đau khổ. 

Như một người mẹ sẵn sàng hy sinh cuộc sống để bảo vệ đứa con duy nhất của mình, cũng vậy người mong muốn an lạc hãy trau dồi từ tâm trải đến mọi chúng sinh. 

Hãy trau dồi tâm từ để trải lòng từ ái khắp vũ trụ, cả trên, dưới và bốn phương tám hướng sao cho không bị ngăn ngại, với không một chút thù hằn, ghen ghét. 

Cho dù đứng hay đi, ngồi hay nằm, bao lâu còn tỉnh thức, hãy quyết tâm với chánh niệm như trên. 

Đó chính là nơi an trú cao thượng nhất tại đây và ngay bây giờ. 

Không chấp vào tà kiến mà nhận biết với đức hạnh viên mãn và khuất phục được ham muốn dục lạc, người như thế sẽ không còn nhập vào bào thai ".

 

Tỳ Kheo Giác Đẳng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét