Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

Tây Tiến

 
TÂY TIẾN
Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi ! 
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi 
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 
Mường Lát hoa về trong đêm hơi 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm 
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời 
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống 
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi 

Anh bạn dãi dầu không bước nữa 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời ! 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét 
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người 

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói 
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi 

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa 
Kìa em xiêm áo tự bao giờ 
Khèn lên man điệu nàng e ấp 
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ 

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy 
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ 
Có nhớ dáng người trên độc mộc 
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa 


Tây tiến đoàn binh không mọc tóc 
Quân xanh màu lá dữ oai hùm 
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới 
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm 

Rải rác biên cương mồ viễn xứ 
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh 
Áo bào thay chiếu, anh về đất 
Sông Mã gầm lên khúc độc hành 

Tây tiến người đi không hẹn ước 
Đường lên thăm thẳm một chia phôi 
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy 
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi. 

-- Phù Lưu Chanh, 1948 
Quang Dũng
 

* Chân dung Quang Dũng : Tranh Bùi Quang Ngọc
* Kháng chiến : Tranh vẽ của Quang Dũng ở một cuốn sổ tay khổ 13cmx18cm, bằng chất liệu mầu nước. Vẽ trong khoảng 65 - 66 khi gia đình sơ tán ở Kim Châu, Thanh oai

Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu, tức Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), là một nhà thơ, từng làm đại đội phó Trung đoàn Tây Tiến năm 1947 và trưởng đoàn văn nghệ Liên Khu III, hoạt động thời kháng chiến chống Pháp. Ông là người tài hoa, không chỉ làm thơ, viết văn, mà còn vẽ tranh và  viết cả nhạc.
 
Lúc trẻ ông học trường Trung học Thăng Long, rồi dạy học tư ở Sơn Tây. Ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công và làm phóng viên cho tờ Chiến Đấu.
Theo hồi kí của Phạm Duy, Quang Dũng là một người rất hiền từ, chan chứa tình người như đã thể hiện qua nhũng bài thơ của ông. Quang Dũng vừa cầm bút, vừa cầm súng, những tác phẩm nổi tiếng của ông trong thời kì này là Mắt Người Sơn Tây, Đôi Bờ, Tây Tiến, Những Làng Đi Qua...v.v
Trong kháng chiến, ông từng tham gia một cuộc triển lãm hội họa với bức tranh Gốc Bàng. Ông cũng soạn nhạc, bài hát Ba Vì Mờ Cao cũng được dân chúng yêu chuộng lưu truyền trong vùng kháng chiến một thời gian. Sau hiệp định Genève, ông ở lại miền Bắc rồi bị đi chỉnh huấn cùng nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Thơ của ông bị xếp vào loại thơ "tiểu tư sản" thiếu tính chiến đấu. Sau đó Quang Dũng được sắp xếp làm biên tập viên cho tờ Văn Nghệ rồi Nhà xuất bản Văn học, nhưng thực sự là sống ở ẩn, sáng tác cầm chừng vì bệnh tật và nghèo túng.
Ông mất âm thầm vào ngày 13/10/1988 tại Hà Nội.
 
* Công viên Thống Nhất : Tranh Quang Dũng 
 Khi nghe tin ông mất, cố Nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn cùng lớp của ông đã viết:
........
" Quang Dũng đã nằm xuống trên một mảnh đất quê hương tôi mong rằng cũng không xa cánh đồng Bương Cấn của anh là mấy.
 Thôi nhé, xin chúc anh ngủ yên trong giấc mộng thiên thu để cho chúng tôi tiếp tục buồn hộ anh nỗi buồn viễn xứ khôn nguôi..."
 
- st -

2 nhận xét:

  1. NHỮNG CÂU CHUYỆN PHÍA SAU BÀI THƠ " TÂY TIẾN "
    Đây là những câu chuyện lần đầu tiên được kể bởi chính nhạc sĩ Quang Vĩnh - con trai cả của cố nhà thơ Quang Dũng hiện đang sống tại Thái Nguyên.

    “Tây tiến” đã “bị” sửa như thế nào
    Quang Dũng tham gia đoàn quân Tây tiến năm 1947 và hành quân lên Tây Bắc với nhiệm vụ phối hợp với bộ đội nước bạn để bảo vệ vùng biên giới Việt Lào. Đến tận bây giờ người ta vẫn còn nhớ như in những câu thơ oai hùng về đoàn quân Tây tiến:

    Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
    Quân xanh màu lá dữ oai hùm
    Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
    Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm

    Ban đầu, bài thơ được Quang Dũng lấy tựa đề là “Nhớ Tây tiến”. Nhưng có một điều là Quang Dũng sáng tác rất nhiều thơ, tuy vậy không hiểu tại sao ông lại có nhiều trăn trở nhất đối với riêng bài thơ này.
    Ông Quang Vĩnh kể lại, về sau ông còn nhớ có nhiều lần thấy cha mình ngồi rất lâu trước một cuốn sổ tay băn khoăn về cái tít vỏn vẹn có 3 chữ ấy. Có lẽ “Tây tiến” là một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Quang Dũng nên bài thơ thấm đẫm linh hồn đoàn quân hào hoa ngày nào, ông luôn muốn có một sự chỉn chu đến từng câu chữ.
    Cuối cùng đến một ngày Quang Dũng lấy bút sổ béng đi chữ “Nhớ”. Mặc dù khi ấy còn nhỏ, nhưng ông Vĩnh cũng đã buột miệng hỏi sau khi thấy cha “bóp trán” hàng năm trời mà chỉ sửa được vọn vẹn duy nhất một từ: “Chữ “Nhớ” đâu có ảnh hưởng nhiều đến vần điệu bài thơ sao bố nghĩ gì mà lâu thế?”. Khi ấy Quang Dũng chỉ cười mà rằng: “Tây tiến, nhắc đến là đã thấy nỗi nhớ rồi. Thế nên để chữ nhớ là thừa. Không cần thiết nữa con trai ạ”. Đến quãng năm 1956 có lẽ vẫn chưa “dứt duyên” nổi với “Tây tiến” nên một buổi sáng Quang Dũng lại mang cuốn sổ thơ của mình ra “ngâm cứu”. Rồi như cần đến một người tri kỷ, Quang Dũng gọi con trai lại và hỏi: “Con đọc cho bố nghe cả bài thơ rồi cho nhận xét xem nó thế nào”. Khi ấy tôi còn rất nhỏ - ông Vĩnh nói - mới học lớp 7 nên nào biết cảm nhận văn chương thơ phú nó ra làm sao, thậm chí đọc bài thơ ấy còn thấy hơi... ngang ngang.
    Tuy vậy, nhưng ra vẻ con nhà nòi, ông Vĩnh cũng “phán” bừa một câu rằng: “Con thấy câu Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người nghe nó cứ “chối” thế nào. Hay bố thay cái địa danh khác vào nghe cho nó hợp chứ Mường Hịch nghe nặng nề quá”. Thực ra lúc ấy ông Vĩnh chỉ thấy nó có vẻ không vần điệu lắm với khổ thơ trên, nhưng nghe vậy Quang Dũng ngần ngừ một lát, rồi suy tính thế nào lại mỉm cười nói "thế thì không ổn con trai ạ."
    Mãi về sau ông Vĩnh mới vỡ lẽ ra cái sự ngần ngừ không ổn ấy bắt nguồn từ một nguyên do, Mường Hịch còn là một địa danh gắn liền với kỷ niệm bất ngờ của cha mình. Đó là trong một lần hành quân, đoàn quân Tây tiến đã dừng chân ở Mường Hịch gần sông Mã. Người dân nơi đây kể cho Quang Dũng về một con cọp đã thành tinh chuyên bắt người ăn thịt. Rất nhiều dân lành đi rừng đã bị con cọp này vồ mất xác.
    Thấy bộ đội có súng nên một số người dân đã ngỏ lời nhờ bộ đội Tây tiến diệt trừ giúp. Vốn là người gan dạ, khỏe mạnh, mới nghe thế máu mã thượng trong người Quang Dũng đã bốc lên. Ông gọi một số anh em trong đơn vị lại rồi lấy một con lợn trói tại gốc cây làm mồi bẫy, còn bản thân cùng anh em chia nhau nấp đợi hổ về.
    Nửa đêm, dân làng nghe thấy mấy tiếng súng vọng lại từ rừng già, rồi sau đó là tiếng hổ gầm điên loạn, gần sáng thì thấy Quang Dũng dẫn đầu một tốp bộ đội hớn hở tìm về, người ngợm ướt đẫm sương. Mãi sau này người ta mới biết, lúc bị thương con hổ điên cuồng chống trả, Quang Dũng phải nổ mấy phát súng mới kết liễu được nó. Vậy mà cái địa danh đáng nhớ ấy, suýt nữa thì ông Vĩnh cắt mất của cha mình.

    Trả lờiXóa
  2. CHẲNG TIẾC ĐỜI XANH
    Giáo sư - tiến sĩ Lê Hùng Lâm - nguyên cán bộ của trung đoàn Tây Tiến, nay là trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh Tây Tiến nhớ lại tháng 3-1947 từ Hòa Bình hành quân lên biên giới Việt - Lào, đoàn binh Tây Tiến đi qua những rặng đá tai mèo, núi cao rừng sâu. Khi sang đến Sầm Nưa, nhiều người trong đoàn quân có da bàn chân cứng như sừng. Đoàn binh Tây Tiến với vũ khí thô sơ, có chiến sĩ người Mường chỉ có cung nỏ mà khiến giặc Pháp phải kinh sợ. Do vậy, chiến sĩ của đoàn binh Tây Tiến hầu như ai cũng giỏi võ thuật, đặc biệt là sức chiến đấu bền bỉ, sẵn sàng hi sinh.
    Ông Lâm bùi ngùi: đúng như lời thơ của nhà thơ Quang Dũng nói về các chiến binh Tây Tiến đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Pháp là “rải rác biên cương mồ viễn xứ”, đến bây giờ nhiều chiến binh Tây Tiến ngã xuống vẫn còn vô danh nơi núi rừng Tây Bắc.

    Ông Thường cựu chiến binh hào hứng kể lại đoàn quân Tây Tiến được thành lập năm 1947 (sau đổi tên là trung đoàn 52) với đủ các thành phần như giải phóng quân ở Việt Bắc về thủ đô Hà Nội, tự vệ chiến đấu Thủ đô, công nhân chế độ cũ, trí thức và đặc biệt có cả những nhà sư... Khi các cánh quân của trung đoàn Tây Tiến tập hợp ở Hòa Bình để tiến lên Tây Bắc, nhiều chiến binh đồng bằng vẫn nghĩ về vùng núi non trùng điệp, vùng biên viễn Việt - Lào với bao điều mới lạ, bí ẩn nhưng khi bước vào trận chiến mới thấy gian lao vô cùng.Tây Tiến đúng là “đoàn binh không mọc tóc” như lời thơ Quang Dũng. Quân trang thì ai có gì mặc nấy, phần lớn mặc quần áo nâu, nhiều anh trốn nhà đi gia nhập quân đội chỉ mang theo duy nhất bộ quần áo. Đêm rét chỉ có đốt lửa sưởi, muốn giặt quần áo phải ngâm mình dưới suối. Kể về sự tích cái đầu trọc của đoàn binh Tây Tiến, ông Thường rưng rưng nước mắt: “Từ cán bộ đến chiến sĩ đều phải dùng dao, kiếm mài thật sắc để cạo tóc vì chấy rận rất nhiều, không ít anh em đã chết vì chấy rận, sốt rét rừng quật ngã”.
    Ông Thường kể có lần cả đại đội dừng lại bên suối nghỉ chân, giặt quần áo. Trong lúc phơi quần áo thì bất ngờ quân Pháp tập kích hòng bắt sống toàn bộ đại đội. Có anh đã bị địch ôm trong tay nhưng vì trần truồng nên không giữ được, địch tóm lấy tóc thì không tóm được vì đầu trọc. Sau trận ấy, chuyện lan ra khắp trung đoàn và thế là từ trung đoàn trưởng đến chiến sĩ đều... cạo trọc đầu. “Cái đầu trọc hóa ra là biểu trưng của đoàn quân Tây Tiến” - ông Thường cười vui vẻ.

    Trả lờiXóa