NHÂN .. QUẢ
Có một dịp Thầy gặp một người đang làm công tác hỗ trợ trẻ em tàn tật, người đó nói: “Con không chấp nhận Đạo Phật cho rằng nhân quả nghiệp báo từ kiếp trước làm ác thì kiếp này phải trả, nói như vậy thì tội cho các em quá! Trong khi đó các em cần được chăm sóc, thương yêu vì các em thiếu may mắn hơn mọi người.” Người này phát biểu cũng đúng một phần.
Không nên hiểu nhân quả nghiệp báo một cách máy móc, như là cái tội mà một người cần phải gánh chịu do tạo nhân từ kiếp trước để rồi “đổ lỗi cho nghiệp” trở thành phương châm ứng xử. Trước mắt, các bé đang bị như vậy thì cần tình thương của mọi người, hoặc đối với những người bất hạnh, nghèo khổ thì chúng ta cần giúp đỡ và chia sẻ.
Giả sử kiếp trước một người vì thiếu hiểu biết nên làm sai, thành ra bây giờ tật nguyền, thì chúng ta cũng không nên vội vàng kết luận cho rằng đó là do nhân trong quá khứ làm ác, nên bây giờ phải tự lãnh quả nghiệp xấu. Làm như vậy thì sẽ dẫn đến thái độ ứng xử không có tình thương, mà lạnh lùng & tàn nhẫn, bởi cho dù có là nghiệp quả vì hành động vô minh trong quá khứ đi nữa, thì cũng vẫn đáng thương, đáng được giúp đỡ.
Mặt khác cũng cần hiểu rằng phải có nhân duyên gì đó thì mới sinh ra điều đau khổ này. Ví như con người muốn tìm ra giống cây tốt, thì phải lựa tìm ra hạt giống hoàn chỉnh thì mới ra cây hoàn chỉnh, ngược lại, nếu hạt giống không tốt thì sinh ra cây, trái bị khiếm khuyết. Về mặt nhân-quả thì điều này hoàn toàn đúng.
Xét theo nhân quả, phước tội, nghiệp báo thì một người đạo đức thì sẽ có phước hơn người trộm cướp, điều này không sai. Nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thôi thì đó mới chỉ là kiến thức qua lý trí mà thiếu mất trải nghiệm thực tế đời sống bằng trái tim.
Nghiệp nên được hiểu như là Bài Học của mỗi chúng sinh. Nhân quả, nghiệp báo đều mang tính giáo dục, chứ không phải như hình phạt để đày đọa mỗi người. Ví dụ một em học sinh vì lười học nên sau này phải làm công việc khó nhọc mới đủ nuôi thân, chính nhờ điều đó giúp em học ra bài học là cần phải học hành siêng năng để có một nghề nghiệp tốt.
Có vị sư nọ tu học rất tinh tấn, gương mẫu, tầm vóc hiểu đạo rất tốt. Nhưng từ ngày đi tu học ở nước ngoài về, vị ấy luôn bị những tai nạn chấn thương tay, chân liên tục. Một lần, vị sư vừa đi bát về thì vấp té gãy xương chân ở cấp độ nhẹ. Gần đó có vài người thợ đang làm đá, họ cõng sư từ trên núi chạy xuống. Tuy nhiên, việc này khiến cho chấn thương từ cấp độ nhẹ trở nên trầm trọng. Xuống đến nơi thì xương gãy lìa, nhưng ngài vẫn tươi cười nói:”May là chỉ mới gãy một chân, chứ chưa gãy hai chân.”
Cứ mỗi lần bị tai nạn, thì vị ấy vẫn bình thản vui vẻ chấp nhận và nói rằng:”Chắc kiếp trước cũng đánh đập người khác, nên bây giờ thì chịu vậy thôi”. Dù cũng bị nghiệp nạn, nhưng vị sư ấy thấy ra và xem đó là bài học, rồi đón nhận với một thái độ vui vẻ, thoải mái. Thái độ ấy khiến mọi người xung quanh đều rất khâm phục.
Cho nên, khi gặp mọi người, dù là tàn tật hay đẹp đẽ, người sung sướng hay bất hạnh, chúng ta nên thấy bằng một cái nhìn bình thản. Việc gì có thể giúp thì giúp, điều gì có thể chia sẻ thì chia sẻ, vì trong cuộc đời quan trọng vẫn là có trí tuệ và tình thương. Ngoài ra, tất cả mọi thứ khác đều vô nghĩa.
Tại sao cần có tình thương yêu và chia sẻ? Bởi vì tất cả chúng sinh đều đang học bài học của mình qua quy luật nhân quả, nghiệp báo để được giác ngộ và giải thoát. Cho dù trong nhà tù chỉ toàn người trộm cướp, thậm chí là đang đau khổ hay làm ác thì vẫn đáng thương, bởi vì họ đang phải trải qua những bài học khó khăn. Cần giúp đỡ, thương yêu họ mới là đúng.
Những người đang bất hạnh và đau khổ vì vô minh mới chính là những người đáng thương. Còn mình may mắn hiểu Đạo, trải nghiệm Đạo, và đã thấy ra sự thật, nên không còn làm những việc sai lầm mà tránh khỏi những nghiệp khổ đó. Thật ra bất cứ ai đã từng tự thân trải qua đau khổ đều có lòng thông cảm, bao dung và sẵn sàng giúp đỡ với những hoàn cảnh khốn khó ấy.
Sau khi Đức Phật đã thành Đạo, Ngài vẫn còn bị tám kiếp nạn rất lớn. Cho nên nghiệp khổ, hay nạn tai là không quan trọng. Trong cuộc đời này, điều quan trọng là chúng ta có từ những gì xảy ra nơi mình, nơi người, mà học được bài học giác ngộ giải thoát hay không?
Một người tuy gặp nạn, gặp đau khổ phiền não nhưng nhờ đó mà giác ngộ, còn một người sống sung sướng, đầy đủ, không gặp nạn tai nhưng vì vậy mà sống chìm đắm, không giác ngộ được điều gì cả, thì như vậy cũng đâu có ý nghĩa gì.
Thông qua nghiệp, học ra bài học giác ngộ mới là điều cần thiết, chứ không cần tìm hiểu chi li về chuỗi nhân quả, tại sao thế này hay thế kia? Điều đó đức Phật đã khẳng định là “bất khả tư nghị”, và nếu cứ suy nghĩ nhân phải như thế này, thì quả sẽ như thế kia, thì đó là một trong những nguyên nhân làm cho mình bị loạn trí.
Thầy Viên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét