DỊCH ... TƯỢNG ĐÀI & CỔNG CHÀO
1. Tăng trưởng GDP
Tăng trưởng GDP là một trong những chỉ số phấn đấu quan trọng của Chính phủ. Nhưng không phải ai cũng tường tận về các nhân tố làm tăng trưởng GDP?
Chẳng hạn – giữ vai trò trụ cột cho tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức độ 5- 7% là do “công lao to lớn” của ngành xây dựng. Trong đó: Đào vỉa hè lên lát lại cũng góp phần làm tăng trưởng GDP; Xây tượng đài cũng tăng GDP; Xây cổng chào cũng tăng GDP… Từ đó để biết, có những nhân tố làm tăng trưởng GDP nhưng không làm cho nền kinh tế mạnh lên mà ngược lại.
2. Có bao nhiêu Cổng chào ?
Nhìn hình ảnh “Cổng chào Long Xuyên” trị giá 6,8 tỷ đồng mà hoảng hốt. Không thể biểu cảm nổi về độ xấu của “Cổng chào Long Xuyên”. Còn nói về giá thành, nếu tư nhân bỏ tiền túi xây dựng thì “Cổng chào Long Xuyên” chỉ đáng vài trăm triệu đồng. Độ “ăn dày” của “Cổng chào Long Xuyên” không thua kém độ “ăn dày” của máy xét nghiệm covid – 19. Đến ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, cũng khẳng định “việc xây dựng cổng chào TP Long Xuyên với tổng kinh phí trên 6,8 tỉ đồng trong bối cảnh đất nước đang khó khăn là lãng phí và chưa cần thiết”.
Nhưng nếu liên hệ với quá khứ thì “Cổng chào Long Xuyên” chỉ là “tép riu” so với “các tiền bối”. Vì trước đó khoảng 1 năm (12/7/2019), đã xây xong “Cổng chào Quảng Ninh” có giá thành 198 tỷ đồng, cũng xấu không kém, mà còn có tội chiếm đến 75.363m² đất. Còn xa hơn một chút nữa, thì “Cổng chào Bình Dương” có giá 40 tỷ đồng xây chưa được 3 năm (khánh thành 31/8/2010) đến năm 2013 đã tả tơi xuống cấp.
Cả nước có 58 tỉnh, 5 thành phố trực thuộc trung ương, 77 thành phố trực thuộc tỉnh, 52 thị xã, 529 huyện. Đi từ tỉnh này sang tỉnh khác đều có cổng chào. Đi từ huyện này sang huyện khác cũng có cổng chào (hay bảng hiệu chào). Cả nước có bao nhiêu cổng chào?
3. Có bao nhiêu Tượng Đài ?
Hôm nay (05/7/2020) thêm một lần giật mình khi nghe tin 1 trong 4 huyện nghèo nhất của Bình Định là Vĩnh Thạnh bỏ ra 48 tỷ đồng để xây tượng đài “Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh” trên khuôn viên diện tích 3.000 m2. Lãng phí đến mức ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, “cũng cho rằng Vĩnh Thạnh là một huyện nghèo, dân còn khổ cực, làm một tượng đài gần 50 tỉ đồng thì quả thực quá lớn”.
Chợt nhớ lại hôm 13/6/2020 tỉnh Quảng Bình khánh thành khu quần thể tượng đài kỷ niệm 63 năm (16/6/1957) ngày Hồ chủ Tịch về thăm Quảng Bình, có mức đầu tư 128 tỷ đồng, đổi bằng 360.000 m2 đất. Rồi liên tưởng đến không lâu trước đó (17/5/2020) Thành ủy TP.HCM khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM.
Cả nước có 58 tỉnh, 5 thành phố trực thuộc trung ương, 77 thành phố trực thuộc tỉnh, 52 thị xã, 529 huyện, bao gồm 1.712 phường, 605 thị trấn và 8.297 xã. Cả nước có bao nhiêu tượng đài?
4. Đừng làm vạ lây đến Tiền Nhân
Những người tham gia Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (06/02/1959) nghĩ gì khi con cháu vì xây đài tưởng niệm cho họ mà 9.600 hộ gia đình nghèo khó mỗi hộ phải mất đi 1 tấn thóc?
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ nghĩ gì khi hình mẫu ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch được mang ra gắn cho cái cổng có giá dến 6,8 tỷ đồng mà giá trị thực xây chỉ vài trăm triệu?
Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ nghì gì khi biết được chỉ vì xây tượng kỷ niệm chuyến thăm Quảng Bình của Chủ tịch mà nhân dân phải bán đi 1.000 mẫu ruộng Bắc bộ?
Ghi nhớ công lao tiền nhân không phải là xây tượng đài thật to mà phải làm cho cháu con giàu có hạnh phúc – “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Hiếu khách không phải ở cổng chào cao to. Biết ơn không phải ở tượng đài đắt giá.
Vẫn biết rằng phải có tượng đài và cổng chào. Nhưng những kẻ tham nhũng đang lợi dụng tượng đài và cổng chào để vơ vét. Bao giờ thì chấm dứt dịch bệnh tượng đài và cổng chào?
TS Nguyễn Ngọc Chu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét