Thứ Năm, 1 tháng 11, 2018

Võ lâm Minh Chủ - Kim tiên sinh

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên



VÕ LÂM MINH CHỦ - KIM TIÊN SINH

Nhắc đến nhà văn Kim Dung, người ta nghĩ ngay đến truyện kiếm hiệp. Nhưng kiếm hiệp chỉ là hình thức mà Kim Dung mượn để giãi bày triết lý nhân sinh của ông và qua đó độc giả được tiếp thụ tư tưởng lớn nhất của văn học Trung Hoa thời hiện đại.
Đọc các tác phẩm của Kim Dung chính là đắm mình vào một thế giới vừa có cái đẹp cổ điển hoa lệ của 5000 năm văn minh Hoa Hạ với những triết lý thâm ảo của cửu lưu Tam giáo, vừa là chuyến du lịch đầy hứng khởi qua nhiều vùng đất, nhiều vùng văn hóa với xiết bao phong tục tập quán đặc sắc, những núi cao sông dài, kỳ hoa dị thảo, không gì không có, như một cuốn từ điển được viết theo cách thú vị nhất.
Người đọc tác phẩm của Kim Dung để giải trí, người tìm kiếm kiến thức sử ký địa dư văn chương thi từ, người trầm ngâm với những triết lý nhân sinh và tôn giáo sâu thăm thẳm… đều được mãn nguyện. Thật là những tuyệt tác mà bao thế hệ độc giả đã không tiếc lời khen ngợi và bình phẩm.
Sau khi Kim Dung hoàn thành các tác phẩm của mình, một người bạn của ông là Nghê Khuông phát hiện rằng chữ đầu tiên của tựa đề 14 tiểu thuyết tạo thành hai câu thơ thất ngôn: 
Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên
Dịch nghĩa: 
Tuyết bay đầy trời bắn (nhìn) hươu trắng
Truyện cười thần hiệp tựa uyên xanh

Có người từng hỏi ông muốn sống một cuộc sống như thế nào, “cha đẻ” của Dương Quá, Lệnh Hồ Xung… chỉ nhẹ nhàng nói:
“Tôi muốn đại náo một trận, rồi lặng lẽ rời đi".
Ở tuổi 94, “nhất đại tiểu thuyết võ hiệp" rời bỏ cuộc đời trong thanh thản sau những năm tháng mang ngòi bút của mình đi chinh chiến ngang dọc giang hồ, mang đến cho độc giả và khán giả những dòng văn tuyệt tác lưu danh thiên cổ.
Nay, ngòi bút đã rơi, nhưng “chốn giang hồ" năm ấy thì vẫn còn lại mãi.
Nhìn lại cuộc đời với những mốc son sáng chói trong sự nghiệp của ông, mặc dù biết rằng bữa tiệc nào cũng đến lúc tàn, ai cũng phải trở về với cát bụi, nhưng Kim Dung thực sự đã sống trọn vẹn một cuộc đời đầy ý nghĩa, khi những áng văn của ông đã lay động biết bao nhiêu trái tim người đọc. Giành cả cuộc đời để viết những áng văn như truyền thuyết, cuối cùng ông cũng đã thực sự trở thành một truyền thuyết. Người ta cung kính gọi Kim Dung là Kim Tiên Sinh, một cách để tỏ lòng kính trọng trước tác gia vĩ đại của văn học Trung Hoa. 
Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh tại trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, địa cấp thị Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong một gia tộc khoa bảng danh giá. Ông cố là Tra Thận Hành, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh, ông nội là Tra Văn Thanh làm tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô. Tra Văn Thanh về sau từ chức, đến đời con là Tra Xu Khanh bắt đầu sa sút; Tra Xu Khanh theo nghề buôn, sau sinh sáu đứa con, Kim Dung là con thứ hai. Thuở nhỏ Kim Dung thông minh, lanh lợi, nghịch nhưng không đến nỗi quậy phá. Ông yêu thiên nhiên, thích nghe kể truyện thần thoại, truyền thuyết, nhất là về những ngọn triều trên sông Tiền Đường. Đặc biệt ông rất mê đọc sách. Dòng họ Kim Dung có một nhà để sách gọi là "Tra thị tàng thư" nổi tiếng khắp vùng Chiết Tây, chứa rất nhiều sách cổ, những cuốn sách này làm bạn với ông từ rất bé. Năm lên tám tuổi, ông lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo, cảm thấy rất say mê, từ đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này. 
Năm 1955, khi bước sang tuổi 31, Tra Lương Dung mới thực hiện được giấc mơ của mình với tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục. Bút danh Kim Dung cũng xuất hiện từ đấy. Năm đó ông đang làm việc cho tờ Đại công báo. Đến một ngày, chủ bút tờ Tân vãn báo - La Phu tìm đến gợi ý muốn ông viết truyện dài kỳ đăng hàng ngày trên tạp chí. Vốn hâm mộ tay bút trước đó là Lương Vũ Sinh, Tra Lương Dung nhận lời thử sức. Tuy nhiên qua đến ngày thứ 2, mặc cho biên tập phái người đến thúc giục, ông vẫn không thể nghĩ ra được chữ nào. Tình cờ nhìn thấy người tạp vụ già được bên toàn soạn phái đến, bất chợt cảm hứng ùa về, ông khai bút:"Một người gần 60 tuổi, râu tóc bạc phơ, nhưng ánh mắt sâu thẳm vẫn toát ra sự tinh nhạy hiếm có...", đó cũng chính là những dòng mở đầu trong tiểu thuyết đầu tay "Thư kiếm ân cừu lục" của Tra Lương Dung.
Từ đây, ông cũng tách chữ Dung () trong tên mình ra thành hai chữ "Kim Dung" (金庸), mang ý nghĩa là "cái chuông lớn". Cho đến khi "Thư kiếm ân cừu lục" xuất bản thành công, tiếng chuông của Kim Dung đã vang xa và bắt đầu được mọi người chú ý đến, vì vậy ông quyết định sẽ chuyên tâm vào việc sáng tác truyện võ hiệp, làm báo, không còn hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Ngoài danh hiệu nhà văn, ông cũng là tiến sĩ lịch sử tại Đại học Cambridge và là doanh nhân thứ 64 trong danh sách những người giàu nhất Hong Kong.
Năm 1957, Anh hùng xạ điêu xuất hiện trên Thương báo Hương cảng; năm 1959, Thần điêu đại hiệp được chọn làm “tiêu điểm” tạo sự chú ý của độc giả khi Kim Dung sáng lập Minh báo. Cùng năm này, báo Buổi chiều mới Hong Kong đăng tiếp tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ, tạo nên “cơn sốt” chưa từng thấy.
1961 có lẽ là năm sung sức nhất của Kim Dung khi ông tung ra đến ba tác phẩm trên Minh báo: Ỷ thiên đồ long ký, Uyên ương đao và Bạch mã khiếu tây phong. Là “báo nhà”, vì vậy mà độc giả Minh báo luôn được Kim Dung ưu ái nên năm 1963, ông đã chọn giới thiệu Thiên long bát bộ, ngoài ra còn bán bản quyền cho báo Đông Nam Á tiểu thuyết Liên thành quyết.
Năm 1965, Minh báo ra phụ trương Nguyệt san Minh báo, được Kim Dung “câu khách” bằng tiểu thuyết Hiệp khách hành. Sang đến năm 1967, Minh báo phát hành thêm tuần báo, đăng độc quyền tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ. Và năm 1972, sau khi hoàn thành Lộc đỉnh ký, Kim Dung quyết định gác bút, không viết truyện võ hiệp nữa.
Trong gần 20 năm sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung đã cho ra đời 15 bộ, trong đó có 14 bộ truyện dài và 1 tập truyện ngắn. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. Có đến 300 triệu bản in, chưa tính một lượng lớn những bản lậu đã đến tay độc giả ở khu vực Trung Hoa đại lục, Hong Kong, Đài Loan, châu Á và được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Mặc dù không phải tác phẩm nào cũng ăn khách nhưng giờ đây, khi nhắc đến Kim Dung là người ta nghĩ ngay đến “truyện võ hiệp”. Chưởng Kim Dung có mặt khắp nơi, là tác phẩm “gối đầu giường” của độc giả nhiều thế hệ người Hoa trên khắp thế giới. Truyện Kim Dung không chỉ đọc giải trí, mà từ lâu chúng đã trở thành “đối tượng văn học” để nghiên cứu như một dòng văn học chính thống với tên gọi “Kim học”.
Đọc truyện Kim Dung hay xem phim Kim Dung, người ta nghĩ rằng ông phải là một “võ lâm cao thủ”, “võ nghệ đầy mình”. Bởi ngoài anh chàng thái giám dỏm Vi Tiểu Bảo (Lộc đỉnh ký), tất cả những nhân vật nam chính trong tác phẩm của ông đều là “đại hiệp”, “hiệp khách” như Dương Quá (Thần điêu đại hiệp), Quách Tĩnh (Anh hùng xạ điêu), Viên Thừa Chí (Bích huyết kiếm), Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành), Địch Vân Đại (Liên thành quyết), Kiều Phong (Thiên long bát bộ), Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký), Trần Gia Lạc (Thư kiếm ân cừu lục)…Trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên Trung Quốc gần đây, khi được đặt câu hỏi: “Nhiều người đọc truyện của ông đều nghĩ rằng ông rất giỏi võ, có đúng thế không?”, Kim Dung hóm hỉnh trả lời: “Tôi chỉ biết một chút võ công thôi nhưng chủ yếu là lý luận chứ không thể… đánh người. Cũng giống như bóng đá vậy, tôi không biết đá cũng chẳng biết huấn luyện, song khi xem một trận đấu tôi có thể biết nó hay hay dở. Tất cả những chiêu thức võ công trong các tác phẩm của tôi đều do tôi… tưởng tượng ra”.
Trong các tác phẩm của mình, Kim Dung thường khắc hoạ các nhân vật theo lối ấn tượng, bất cứ ai cũng có một cá tính riêng biệt thu hút sự chú ý của mọi người. Về bản chất, các nhân vật qua lời văn của Kim Dung (kể cả các bang hội) chia rõ ra hai phe chính - tà trên danh nghĩa. Nhưng sự thật, kể cả những người thuộc về phe tà không hoàn toàn gian ác, mà những kẻ phe chính cũng không thuần lương thiện, nhân nghĩa, đó chính là những chi tiết rất “đời” trong thế giới kiếm hiệp xây dựng từng óc tưởng tượng phong phú của bậc kỳ tài.
Một nữ nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc từng nói, điều đặc biệt ở tiểu thuyết Kim Dung chính là chữ "Tình", thứ có thể đưa người ta một bước lên thiên đàng, cũng có thể nhanh chóng dìm họ xuống địa ngục. Trong những tiểu thuyết của ông, không ít lần người ta bắt gặp những chuyện tình khắc cốt ghi tâm rồi lại phải chia lìa nhau trong dang dở. Hôm nay còn mặn nồng đó, ngày mai đã trở mặt thành thù; có những người như Chu Chỉ Nhược, ngày bước lên vị trí Chưởng môn phái cao quý, cũng là lúc mất đi tình yêu của cuộc đời mình - Trương Vô Kỵ. Mặc dù vang danh thiên hạ nhưng cuối cùng họ đều phải cô độc cả đời. Cho đến nay, rất nhiều người hâm mộ vẫn còn thuộc nằm lòng câu thoại kinh điển của ác nữ Lý Mạc Sầu:
"Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết?". 

15 bộ tiểu thuyết võ hiệp kinh điển của Kim Dung:
1.Thư kiếm ân cừu lục (1955)
2.Bích huyết kiếm (1956)
3.Xạ điêu anh hùng truyện (1957)
4.Thần điêu hiệp lữ (1959)
5. Tuyết sơn phi hồ (1959)
6. Phi hồ ngoại truyện (1960)
7. Bạch mã khiếu tây phong (1961)
8. Uyên Ương đao (1961)
9. Ỷ thiên Đồ long ký(1961)
10. Liên thành quyết (1963)
11. Thiên long bát bộ(1963)
12. Hiệp khách hành(1965)
13. Tiếu ngạo giang hồ(1967)
14. Lộc Đỉnh ký(1969-1972)
15. Việt nữ kiếm (1970)

- st -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét