“ Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ”
Nghệ thuật có thể làm được gì cho trẻ ?
Không phải ai cũng biết, với trẻ em , giáo dục bằng nghệ thuật
là tốt nhất. Và, ngay cả những người biết điều đó, cũng không chắc đã thực
sự biết giáo dục bằng nghệ thuật là như thế nào! Phần lớn người Việt Nam,
bao gồm cả phụ huynh lẫn người đi dạy, tin rằng, nghệ thuật là thế giới
của cái đẹp, của trí tưởng tượng và khả năng tạo tác, và cho con đi học
nghệ thuật, là để hiểu biết cái thế giới đó, thậm chí, là để trở thành
nghệ sĩ. Họ luôn nghĩ, để học nghệ thuật, phải có năng khiếu, và học
nghệ thuật là để phát triển năng khiếu! Ngược lại, cũng có không ít người,
“dị ứng” với giới làm nghệ thuật, không muốn cho con học các chương trình
nghệ thuật!
Ở các nước phát triển, qua vô số công trình thực nghiệm, từ
lâu, người ta đã nhận ra rằng, niềm tin với những cách nghĩ như vậy là
hết sức sai lầm. Theo họ, cần phải luôn quay trở lại với một câu hỏi cơ
bản: “Nghệ thuật có thể làm được gì cho trẻ?”:
• Nếu hiểu, nghệ thuật là những thứ con người làm ra cho
con người, để văn-hóa-hóa con người…, thì giáo dục nghệ thuật, chính
là để các em có thể thụ hưởng được điều đó. Khám phá được thế giới, khám
phá được tâm hồn người khác và của chính mình…!
• Nếu hiểu, nghệ thuật là biểu hiện của tự do-nhân tính nơi
mỗi con người…, thì giáo dục nghệ thuật, chính là để giúp các em ý thức
và phát triển được hết các chiều kích tự do-nhân tính nơi mình. Trở nên tự
chủ hơn, tự tin hơn. Và, gắn liền với nó, là thừa nhận những khác biệt nơi
người khác, trở nên cởi mở, bao dung hơn…!
• Nếu hiểu, nghệ thuật là sự tự biểu đạt chính mình trong sự
giao lưu giữa tính nội tại với ước mơ… nơi mỗi con người, thì giáo
dục nghệ thuật, chính là để giúp các em có khả năng nắm bắt và sử dụng
được các ngôn ngữ của sự biểu đạt mang tính nghệ thuật đó. Nó tự thân là
nguồn an ủi, phát triển khả năng đối thoại với chính mình, và tự thăng
bằng…! (Nghệ thuật có khả năng giải stress, chữa được các chứng trầm cảm,
tự kỷ là vậy…!)
• Nếu hiểu, nghệ thuật là một loại kỹ năng tạo tác,
thì giáo dục nghệ thuật, chính là để giúp các em, có thể ứng dụng được
các loại kỷ năng này trong cuộc sống ( học vẽ, có thể giúp cho các em
nhỏ học viết và học toán dễ dàng hơn; sự hiểu biết về nghệ thuật ý niệm,
có thể giúp các em lớn hiểu rõ hơn, thế nào là hình ảnh chính mình trong
mắt nhìn của người khác…) Chúng ta, đang sống trong thời của sự “toàn cầu hóa”
và trong không gian của xã hội “hậu hiện đại”, mà ở đó, mỗi hình ảnh
con người đều như một tượng trưng, và mỗi hành vi của con người đều
có ý nghĩa như một ẩn dụ. Trong bối cảnh này, cuộc sống, gần như chồng
khít với nghệ thuật. Sự hiểu biết và “làm chủ” nghệ thuật lúc này, do đó,
đồng nghĩa với hiểu biết và “làm chủ” cuộc sống.
Nguyên Hưng
* Thơ Thế Lữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét