Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Thầy Ngô Sĩ Quý

Vĩnh Xuân quyền Hệ phái Ngô Sĩ Quý


Lược sử hình thành Vĩnh Xuân:
Vĩnh Xuân Quyền là môn võ xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 18 tại miền Nam Trung Quốc,tương truyền do một số võ tăng Thiếu Lâm và tướng lĩnh nhà Minh tham gia Hồng Hoa hội, một phong trào Phản Thanh Phục Minh, sáng tạo nên.
Sau khi chùa Thiếu Lâm Bồ Điền Phúc Kiến bị nhà Thanh hỏa thiêu, các thành viên HồngHoa hội mang theo Vĩnh Xuân Quyền lưu truyền trong đoàn Hồng thuyền - Việt kịch Quảng Đông. Dần dần từng bước, môn võ này được truyền thụ ra bên ngoài qua các nhân vật tiêu biểu như Lương Vũ Tế, Hoàng Hoa Bảo, Đại Ma Diện Cẩm; thế hệ tiếp theo có Lương Tán, Quách Bảo Toàn, Phùng Tiểu Thanh …
Vĩnh Xuân Quyền kế thừa hình thái của Ngoại gia Thiếu Lâm, kết hợp với nội dung của Nội Gia Trung Hoa trở thành môn võ nhấn mạnh tính đơn giản, hiệu quả, kiểm soát thăng bằng và thư giãn tích cực, phù hợp với nữ giới và những người không có lợi thế về thể hình, thể lực.
Về phương pháp, Vĩnh Xuân Quyền đào tạo môn sinh một cách có hệ thống, giúp họ đạt được sự giải phóng, sự tự do trong vận động thân thể, trong giao tiếp, trong tư tưởng cũng như trong quan hệ giữa con người với vũ trụ.


Vĩnh Xuân quyền tại Việt Nam:
Vĩnh Xuân Quyền bắt đầu được truyền dạy tại Hà Nội cho một số Hoa kiều và người Việt vào những năm 30 thế kỷ trước nhờ công của Tôn Sư Nguyễn Tế Vân (1877 – 1959).Ông là con thứ tư của một thương gia giàu có tại Phật Sơn, Trung Quốc, học Vĩnh Xuân từ các thầy Quách Bảo Toàn, Phùng Tiểu Thanh và được tôn vinh trong giới võ thuật Phật Sơn. Năm 1954, ông di cư vào Nam, tiếp tục thu nhận một số môn đồ cho tới khi mất vào năm 1959 tại Sài Gòn.
Các môn đồ của Tôn sư Nguyễn Tế Vân tại Việt Nam có thể kể đến là Cam Túc Cường,Ngô Phượng Tường, Đỗ Bá Vinh, Nguyễn Duy Hải, Trần Văn Từ, Ngô Sỹ Quý, Vũ Bá Quý, Trần Thúc Tiển, Trần Văn Phùng, Lê Bá Khả, Lục Vĩnh Khai,... Nhiều người trong số này sau đó trở thành những võ sư nổi tiếng, tiếp tục truyền bá và phát triển Vĩnh Xuân Quyền.

Hệ phái Ngô Sĩ Quý
Quyền sư Ngô Sỹ Quý (1922 – 1997) có cơ duyên đến với Vĩnh Xuân Quyền vào năm 1938 dưới sự dẫn dắt của Tôn sư Nguyễn Tế Vân và sư huynh Cam Túc Cường. Năm 1945, ông chia tay sư phụ để theo Trung đoàn Thủ Đô rời Hà Nội. Trong suốt những năm tiếp theo, dù hoạt động ở Chiến Khu, dạy học ở Quế Lâm hay trở về công tác tại Hà Nội sau 1954, ông không ngừng học hỏi và trau dồi bản thân. Năm 1968, sau một thời gian dài nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống, ông bắt đầu truyền dạy Vĩnh Xuân Quyền cho những học trò đầu tiên.
Với phương châm "Kết hợp thể dục hiện đại có chọn lọc với các hình thức vận động cổ truyền để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện", Quyền sư Ngô Sỹ Quý đã cống hiến cả cuộc đời cho việc học tập, nghiên cứu và truyền bá Vĩnh Xuân Quyền.
Hệ Phái Ngô Sĩ Quý (còn được gọi là Ngô Gia Vĩnh Xuân Quyền) do ông khởi xướng đặc biệt coi trọng tính KHÔNG, nhấn mạnh rằng môn võ này không có hình thức hay khuôn mẫu đặt sẵn nào, “không tấn không mã, không chiêu không thức”, và coi Vĩnh Xuân Quyền “trên hết là công cụ để thấu hiểu bản thân.” 

Chương trình:
Hệ thống Vĩnh Xuân Quyền Hệ Phái Ngô Sĩ Quý có thể được tóm gọn trong 10 chữ: “Tam Tinh, Ngũ Hình, Lục Hợp, Thất Đáo, Bát Pháp”, và được thể hiện qua các nội dung tập cơ bản như:
·        Thủ đầu quyền
·        Khí công quyền
·        Ngũ hình sơ bộ
·        Long hình quyền
·        Xà hình quyền
·        Hổ hình quyền
·        Báo hình quyền
·        Hạc hình quyền
·        Hệ thống 108 ( mộc nhân)
·        Hệ thống đu đẩy
·        Hệ thống luyện tập linh giác

-st-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét