Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

BOT ... CHÙA

" Cửa Phật rộng mở, đưa chúng sanh đi vào nẻo thiện
Pháp môn phương tiện, dắt hữu tình ra khỏi đường mê "





BOT ... CHÙA - CÓ TIỀN MỚI ĐƯỢC VÀO CỬA PHẬT ?
Mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất, Yên Tử khai hội. Dòng người từ khắp nơi đổ về khu du lịch tâm linh khiến giao thông tắc nghẽn vài cây số. Khác với mọi năm, từ ngày 1.1 năm nay, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tiến hành thu phí tham quan với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em.
Tại chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), mỗi phật tử khi đến viếng Phật phải mua vé ngoài cổng với giá 10.000 đồng/người. Ban quản lý lập 2 điểm bán vé ở 2 cổng vào. Chùa Tây Phương (Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) cũng tiến hành bán vé vào chùa với giá 10.000 đồng/người….

Lý giải cho việc thu phí ở Yên Tử, ông Phạm Tuấn Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho hay, TP đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cấp, ngành, Giáo hội Phật giáo tỉnh và tỉ lệ thống nhất thu phí đạt hơn 90%.
Còn UBND huyện Thạch Thất có hẳn bảng công khai lý lo thu phí là: Căn cứ Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của HĐND TP. Hà Nội về thu phí, lệ phí; Căn cứ QĐ số 53/2016/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 và QĐ số 58/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP Hà Nội… 

Tóm lại, việc thu phí vào chùa được viện dẫn bởi nhiều quyết định, nghị quyết, hội nghị… rất đúng quy trình. Tuy nhiên, những điều đó khiến nhiều người ngỡ ngàng, bức xúc và không thể đúng quy trình thực hành tâm linh. 
Cửa chùa luôn rộng mở cho chúng sinh. Đó là nơi chúng sinh ba đào đến với Phật, thấm nhuần tinh thần Đức Phật, ngẫm về sự lý giải nỗi khổ của kiếp người, đó là bởi tham - sân - si, là sở cầu bất đắc (muốn mà không được), oán tăng hội (không ưa mà vẫn phải ở với nhau)… Đến với cửa chùa là để chiêm ngưỡng chính quả của Đức Phật và soi vào chính tâm hồn, đạo đức của mình để tự răn, sửa mình; để thúc đẩy mầm thiện, tạo động lực sống tích cực, hoàn thiện hơn trong cách ứng xử văn hoá với mọi người, với thiên nhiên và với chính mình. Cửa Phật không phải nơi để xin xỏ, ngã giá và mặc cả. 
Nhưng đáng tiếc, vẫn còn rất nhiều người mê lầm, đến cửa Phật lại để khởi lòng tham và lòng dục, cầu khấn, mặc cả đủ điều. Và theo đó, các dịch vụ đua nhau mọc lên, thùng công đức lập ở khắp nơi, người ta đua nhau trục lợi tín ngưỡng, tâm linh. Cả không gian linh thiêng nơi cửa chùa trở thành cái chợ. 
Những nhà quản lý đã và sẽ lý giải việc bán vé vào chùa là để “tái đầu tư”, phục vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích. Xưa nay, việc góp công, góp của tô tượng, đúc chuông là việc làm công đức, tạo phước của chúng sinh. Hàng nghìn ngôi chùa đã được xây dựng, tu bổ bằng cách đó mà không cần phải bán vé.
Nay tổ chức bán vé chẳng khác gì cách BOT nơi cửa Phật. Cứ đà này, nếu số tiền dần tăng lên thì chẳng lẽ chỉ người có tiền mới được đến cửa chùa. Người nghèo chẳng lẽ chỉ đứng trước cổng chùa mà bái Phật? Không lẽ đến với Phật, tâm không thôi chưa đủ mà phải có tiền? Đức Phật chưa bao giờ dạy chúng sinh như vậy.

...
Lý do thu phí liệu có thuyết phục?

Theo Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử (BQL), khoản phí thu được sẽ chi 20% để đảm bảo hoạt động của bộ máy BQL, 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước. Số nộp ngân sách này để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử. Cụ thể, số tiền này sẽ chi cho quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường...
Trả lời VNN, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp cho biết giá vé hiện hành đã được tỉnh cân nhắc, bàn bạc thông qua HĐND tỉnh rất kỹ. Tỉnh không thể xem xét để giảm mức thu xuống thấp hơn được. “Về sự công khai, minh bạch nguồn thu, tỉnh đã có chính sách rõ ràng. Số tiền thu được dùng vào đầu tư hạng mục công trình gì sẽ được tỉnh Quảng Ninh niêm yết công khai, minh bạch” - ông Hợp nói.
Nói về việc này, ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên cán bộ ngành văn hóa, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, cho rằng Yên Tử là nơi tâm linh lớn nhất Quảng Ninh nên việc thu phí ở đây là không hợp lý. “Người dân khi đi lễ chùa thường có tiền công đức, đây là nguồn tiền dùng để tu bổ di tích. Du khách đến vịnh Hạ Long là để du lịch, còn đến Yên Tử bằng cái tâm và để cầu nguyện” - ông Duyệt nói.
Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Việc thu phí vãng cảnh chùa Yên Tử là quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Vừa qua GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cũng có góp ý về vấn đề này nhưng không được tiếp thu, họ cho rằng thu phí để góp phần trùng tu tôn tạo chùa. Tuy nhiên, trong bao năm qua, việc trùng tu tôn tạo chùa đều lấy kinh phí từ quỹ xã hội hóa GHPGVN tỉnh huy động nguồn từ công đức nhân dân. Tiền phí này chủ yếu phục vụ mục đích quản lý của chính quyền”.
Để hợp lý, Đại đức Thích Đạo Hiển cho rằng người dân dùng dịch vụ gì thì trả phí dịch vụ đó, nếu thu thêm phí vãng cảnh sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí. “Người dân đi lễ Phật để bày tỏ niềm tin. Họ đi lễ thể hiện đức tin với Phật nhưng lại yêu cầu họ nộp phí vãng cảnh là bất hợp lý. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng nhưng không được tiếp thu” - Đại đức Thích Đạo Hiển nói.

Xuân Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét