Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Việt Nam ơi


Đọc lại một bài thơ của Lưu Quang Vũ

Việt Nam ơi

Những áo quần rách rưới
Những hàng cây đắm mình vào bóng tối
Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu
Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ
Lèo tèo mì luộc canh rau
Mấy mươi năm vẫn mái tranh này
Dòng sông đen nước cạn
Tiếng loa đầu dốc lạnh
Tin chiến trận miền xa
Những người đi chưa về
Những quả bom hầm hào sụt lở
Những tên tướng những lời hăm dọa
Người ta định làm gì Người nữa
Việt Nam ơi?
Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ
Người ta còn muốn gì Người nữa
Việt Nam ơi?
Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười
Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn
Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc
Xin Người tha thứ, Việt Nam ơi
Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi
Tôi làm sao sống được nếu xa Người
Như giọt nước bậu vào bụi cỏ
Như châu chấu ôm ghì bông lúa
Người đẩy ra tôi lại bám lấy Người
Không vì thế mà Người khinh tôi chứ
Việt Nam ơi.
Không vì tôi đau khổ rã rời
Mà Người ghét bỏ?
Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
Xin Người đừng ghẻ lạnh, Việt Nam ơi
Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người
Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa?
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ bông lúa
Là tình yêu của Người?
Đến bao giờ ngày vui
Như chim về bên cửa?
Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?
Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi?
 Lưu Quang Vũ
(Tập thơ Bầy Ong Trong Đêm Sâu )
Về lại với 'Việt Nam ơi'...
... Là về với một bài thơ của Lưu Quang Vũ. Bài thơ được Vũ viết từ những năm đầu thập kỷ 70, nhưng chỉ sau khi Vũ mất khá lâu, bài thơ mới được in ra nhờ tấm lòng của những người chí tình với thơ và với Vũ.
Trước khi trở thành một kịch tác gia với những kịch phẩm dữ dội nhất của sân khấu Việt Nam vào thập kỷ 80, Vũ đã là một nhà thơ. Và tôi tin rằng trong tâm tưởng bạn đọc, Vũ trước tiên và vĩnh viễn là một nhà thơ. Một nhà thơ, không phải hoàn toàn như Hoài Thanh nhận xét trong sự quy chiếu của lý luận chính thống: “...rất gắn với chế độ chúng ta... Cái buồn ở anh là cái buồn trung hậu.” ('Một cây bút trẻ nhiều triển vọng' - Tạp chí Văn học số 12 năm 1966). Ở độ tuổi hai mươi, vào lứa tuổi của những người đồng lứa thích hát ‘Bài ca Trường sơn’ và “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”, Vũ đã chiết từ trái tim mình ra những câu thơ đạt tới sự vi tế, như:
“ Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.”
Người đọc dễ nhận thấy từ đó một khả năng cảm biến cực kỳ bén nhạy trước nỗi đau, chứ không chỉ nỗi buồn. Những câu thơ như thế ở thời ấy của Vũ, hay những câu thơ sau của Bằng Việt:
“ Nơi tựu trường ngây thơ, trang giấy thơm đầu tiên
Mái trường ngây thơ không quên được bao giờ
Chuông xe điện trong màn sương rạng sớm
Và nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn
Có thể nào không xui tôi nhớ em”
( Một chút thì thầm trong tình yêu Hà Nội )
đã từng phải nhận về mình những nhát búa của sự phê bình theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng: “ít sức sống, xa rời hiện thực cách mạng...”, v.v... Không biết sự phê bình ấy có làm biến đổi người bạn thơ từng song hành cùng Vũ thuở hoa niên không? Còn với Vũ, dường như sự phê bình ấy không có tác dụng. Đọc Vũ, có cảm giác Vũ đã gửi vào tất cả các kịch phẩm của mình cái Vũ thu được bằng thị giác, và dành cho thơ tất cả những gì sâu kín nhất, da thịt nhất mà Vũ cảm được từ trong vững bền mà mong manh của cuộc sống con người. Vũ làm thơ trước hết là vì những ẩn ức của riêng mình. Thơ - ấy là hình thức tự giải phóng của Vũ - điều không mấy nhà thơ cùng thời Vũ đạt tới.
Đất nước - hay đúng hơn là những quần thể người sống trên đó - Nhân dân - là một ám ảnh trong thơ Vũ. Chuyện bình thường với những nhà thơ. Nhưng sẽ là không thường nữa khi nhà thơ ấy không nói giống bất kỳ ai, mà lại là thành thực nhất, thiết tha nhất về Tổ quốc, về nhân dân mình. Đó là trường hợp của ‘Việt Nam ơi’.
Không một chú dẫn cụ thể nào về thời điểm ra đời của bài thơ ngoài dòng chữ in ở những trang đầu, bên dưới nhan đề tập “ Bầy ong trong đêm sâu ”(Thơ. 1970-1975). Nhưng dù không có dòng chú giải ấy, những ai đang ở độ tuổi ngoài ba mươi vẫn dễ dàng đoán ra được hiện thực lịch sử dân tộc đã động vào cảm quan thơ của Vũ. Chính là thế, là cái thời ấy, thời mỗi con người - từ trong tâm thức - đã rã rời, kinh hoàng bởi chiến tranh… chiều chiều trên những phố phường Hà Nội, loa phóng thanh vẫn truyền đi những giai âm của ‘Bài ca Hà Nội’, của ‘Hà Nội niềm tin và hy vọng’... Thơ về đất nước thời ấy, và cả thời không xa trước đấy, thường là tụng ca: ‘Đất nước’ (Nguyễn Đình Thi), ‘Xuân 67’, ‘Xuân 69’ (Tố Hữu), ‘Đất nước’ (Nam Hà), ‘Mặt đường khát vọng’ (Nguyễn Khoa Điềm), ‘Tình yêu và báo động’ (Bằng Việt)... ở đó đất nước được hình dung như là, và trước tiên là người sinh thành của những chiến công, của những anh hùng dũng sĩ.
“ Đất nước của những người con trai con gái
Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt chỉ để cho ngày gặp mặt ”
(Nam Hà)

“ Những bà mẹ lại đo chân vào thần tích
Để hoài thai triệu triệu những anh hùng ”
(Nguyễn Khoa Điềm)

“ Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? ”
(Chế Lan Viên)
“ Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ ”
(Tố Hữu)
Chưa bao giờ tôi thấy một bài thơ nào về đất nước có nhan đề giản dị như ‘Việt Nam ơi’ của Vũ. Từ gọi hỏi ‘ơi’ đã nhất thể hóa đất nước với con người, đã gợi ra sự gần gũi tột bậc giữa khách thể và chủ thể, đã mở ra một khát khao giãi bầy, khơi mở...về cuộc sống đơn giản, thiếu thốn, đầy nghiệt ngã thời chiến tranh:
“ Những áo quần rách rưới
Những hàng cây đắm mình vào bóng tối
Chiều mờ sương leo lắt đèn dầu
Lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ
Lèo tèo mì luộc canh rau
Mấy mươi năm vẫn mái tranh này
Dòng sông đen nước cạn
Tiếng loa đầu dốc lạnh
Tin chiến trận miền xa
Những người đi chưa về
Những quả bom hầm hào sụt lở
Những tên tướng những lời hăm dọa...”
Sự thống kê này mang sức lay cảm của thơ và chỉ có những nhà thơ đã thoát khỏi sự ràng buộc của những quan niệm phức tạp hóa thơ mới có thề viết thế. Loạt tính từ - từ láy ‘rách rưới’, ‘leo lắt’, ‘lèo tèo’, hoặc chỉ giản đơn là những trạng từ ‘cạn’, ‘lạnh’, ‘đen’, ‘xa’, ‘sụt lở’... có giá trị như những gam màu tối trên những bức tranh về sự thống khổ của những con người của những danh họa. Dám viết như thế ở thời buổi ấy, Vũ đích thực là Người-Không-Biết-Sợ. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì Vũ chưa khác mấy với những nhà thơ cùng thời. (Chẳng phải cũng vào những năm đó, Phạm Tiến Duật đã xuất hiện với một gương mặt khác qua ‘Vòng trắng’?) Cái động vào tâm thức người đọc khiến ta muốn khóc ở ‘Việt Nam ơi’ là những câu này:
“ Người ta còn định làm gì Người nữa
Việt Nam ơi?
Người ta còn muốn gì Người nữa
Việt Nam ơi? ”
Những dấu hỏi cuối câu khép lại từng khổ thơ đã tước bỏ hết những lớp hào quang vẫn từng được điểm tô cho chiến cuộc. Không phải cái ‘hùng’ đánh thức chúng ta. Đánh thức chúng ta là nỗi đau của chính chúng ta:
“ Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ ”
Phải đọc những câu thơ này trong sự đối sánh với những câu thơ thời ấy, viết về thời ấy:
“ Lớp cha trước lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành ”
(Tố Hữu)
“ Cha còn đang quân hành
Con đã xin nhập ngũ
Một hòn đá Trường sơn
Cả hai cùng gối ngủ ”
(Nguyễn Trọng Oánh)
mới thấy hết được sự can đảm của Vũ trong cách cảm nhận hiện thực, mới thấy hết sự quyết liệt của nhà thơ trẻ ấy trong cách đặt vấn đề:
Người ta định, Người ta muốn >< Việt Nam - Người.
Có cần chăng việc giải thích ngọn nguồn hai chữ ‘người ta’. Có cần chăng việc nói nhiều hơn về tình yêu Tổ quốc da diết của Vũ ở đây? - ở những câu hỏi mà chỉ có những tâm hồn lớn mới dám đặt ra cho mình?
Vũ yêu Tổ quốc bằng tình yêu của người dân thường, của Người-Dưới-Đáy (Ôxtrốpxki) và bằng tình yêu của một nhà thơ chỉ để mình bị chỉ đạo bằng một tinh thần duy nhất - Nhân bản, bởi độ rung của những ‘dây thần kinh xấu hổ’ (Bônđarép). Sẽ không khi nào ta tìm được ở những bài thơ cùng đề tài, cùng thời điểm ra đời với ‘Việt Nam ơi’ nỗi đau đớn tật cùng, cũng là tình yêu tột cùng đến độ sắp rơi vào mê loạn như những câu thơ này:
“ Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi
Tôi làm sao sống được nếu xa Người
Như giọt nước bậu vào bụi cỏ
Như châu chấu ôm ghì bông lúa
Người đẩy ra tôi lại bám lấy Người
Không vì thế mà Người khinh tôi chứ
Việt Nam ơi.
...
Xin Người đừng nhìn tôi như kẻ lạ
Xin Người đừng ghẻ lạnh, Việt Nam ơi!”
Dường như từ tiềm thức, Vũ đã cảm biết mình là người xa lạ giữa thời mình hiện hữu.
Cùng thời với Vũ, hầu như các nhà thơ đều bị cuốn vào cơn lốc của những cuộc hành quân. Điều dễ hiểu! Vũ đã từng đi trong đội ngũ, và Vũ đã ‘tuột xích’. Nhưng khác với rất nhiều người yêu Tổ quốc rồi dần dần xa lạ hóa Tổ quốc, thể hiện Tổ quốc như một đối tượng để chiêm bái và loay hoay tự làm mất bóng mình trong bóng cả của Tổ quốc, Vũ - cũng chân thành như thế - nhưng lại chỉ ra quan hệ song đối giữa mình và Tổ quốc mình. Không còn là chiêm ngưỡng mà là chiêm nghiệm. Không còn là tráng ca mà là một khúc ai ca.
“ Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người
Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa?
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ bông lúa
Là tình yêu của Người?
Đến bao giờ ngày vui
Như chim về bên cửa?
Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ?
Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi? ”
Vẫn lại là những câu hỏi tu từ ấy, khôn cùng day dứt và chua xót. Trong âm vọng ai oán của chúng, người ta cảm nhận được tất cả sự thống khổ của nước non này, của dân tộc này. (‘Việt Nam ơi’ có thể được coi là bi phẫn ca hiện đại.) Cũng chính từ đó, bỏng cháy một khát khao yên bình đã thăng hoa. Khát khao ấy đã được Vũ hóa giải thành tình yêu bông lúa, thành bóng chim, thành nắng, thành tiếng cười trẻ nhỏ. Lẽ dĩ nhiên vẻ đẹp của yên bình không chỉ là như thế. Nhưng cũng là lẽ dĩ nhiên, không thể có một hình dung khác về yên bình nếu thiếu đi những hình ảnh trên. Hạnh phúc bao giờ cũng giản dị:
“ Đời đáng yêu nhiều lúc có gì đâu
Miếng ván chênh kêu giữa nhịp cầu
Một buổi chiều sương nghe chó sủa...”
(Xuân Diệu)

“ Ôi cuộc đời bình dị quá đây kia
Một bà mẹ ngồi ôm con hóng mát
Một chú bé hai nắm tay dụi mắt
Một con đường có bóng lá xe đi ”
(Vũ Quần Phương)
Hiểu như thế mới, cảm hết được khát khao tuyệt vọng của Lưu Quang Vũ về đất nước!
“ Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi? ”
Có thể một ai đó sẽ nói rằng bài thơ buồn quá, bi thảm quá. Mà quả vậy! Trùng điệp những câu hỏi cứa lòng kia không có tiếng trả lời. Nhưng đó là sự thực, không phải của thời xa xôi ấy mà còn của cả thời ta đang sống. Biết làm sao! Sức mạnh của thơ ca chính là ở chỗ đó, ở khả năng biết đau buồn và yêu thương, và làm cho người đọc cùng chung trải những nỗi niềm ấy. ‘Năm tháng sẽ qua đi, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét...’ (A.Tôlxtôi). Sẽ chỉ ‘còn lại tình yêu’ (Nguyễn Huy Thiệp). Sau tất cả những thăng trầm, dời đổi, trước và trên tình yêu gái trai là tình yêu Tổ quốc khó nghèo, cơ cực và tao loạn. Chỉ khi nào nói được đúng như thế về tình yêu Tổ quốc, thơ về Tổ quốc mới có thể lặng lẽ đi qua thời gian, lặng lẽ sống, không cần trò tung hứng của những người làm xiếc chữ. ‘Việt Nam ơi’ là một bài thơ như thế. Ở đó, chúng ta đã cảm thấy hết những dằn vặt suốt đời của Vũ. Từ thuở ấy - thời người ta cao giọng ‘Thời đánh Mỹ là thời tươi đẹp nhất. Tỏa nắng cho thơ là triệu triệu những anh hùng’ (Chế Lan Viên). Vũ đã không tin một cách dễ dàng rằng: ‘Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh’ (Hồ Chí Minh). Mấy ai (ở miền Bắc) đã dám không tin như thế? Vũ đã nghẹn ngào về một ‘Việt Nam khốn khổ’. Phải chăng, cái gọi là ‘văn học phản kháng’ sau này đã cắm rễ từ những tác phẩm chỉ được ấn hành trong trí nhớ của bạn bè như thơ Vũ? Và như thế, sẽ chẳng phải quá lời nếu nói rằng Vũ đã đóng góp nhiều nhất, sớm nhất cho văn học phản kháng - phần thơ. (Văn học phản kháng được biết chủ yếu qua văn xuôi. Xin xem lại ‘Mây trắng của đời tôi’ và ‘Bầy ong trong đêm sâu’ (Lưu Quang Vũ) trong so sánh với (ít nhất) giải thơ báo Văn Nghệ năm 1972.)
Thơ là người. Bằng nhân cách thơ của mình - chỉ ở riêng một ‘Việt Nam ơi’, Vũ xứng đáng có mặt trong đội ngũ hiếm hoi của những người hát rong của nhân dân trên đất nước đàn bầu.

Đỗ Quang Nghĩa
2/05/2015

* Người chỉ đường trong đêm Trường Sơn - Ảnh Lê Minh Trường

5 nhận xét:

  1. "Mấy mươi năm đã mấy lớp người
    Chia lìa gục ngã
    Đã tận cùng nỗi khổ
    Người ta còn muốn gì Người nữa
    Việt Nam ơi?

    Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười
    Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn
    Chiều nay lạnh, tôi nghẹn ngào muốn khóc
    Xin Người tha thứ, Việt Nam ơi!

    Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui
    Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
    Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
    Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi!
    ..."
    "Vũ yêu Tổ quốc bằng tình yêu của người dân thường, của Người-Dưới-Đáy (Ôxtrốpxki) và bằng tình yêu của một nhà thơ chỉ để mình bị chỉ đạo bằng một tinh thần duy nhất - Nhân bản"
    " Sau tất cả những thăng trầm, dời đổi, trước và trên tình yêu gái trai là tình yêu Tổ quốc khó nghèo, cơ cực và tao loạn. Chỉ khi nào nói được đúng như thế về tình yêu Tổ quốc, thơ về Tổ quốc mới có thể lặng lẽ đi qua thời gian, lặng lẽ sống, không cần trò tung hứng của những người làm xiếc chữ."

    "... những người hát rong của nhân dân trên đất nước đàn bầu."
    "..."
    Đọc những đoạn như thế, trào nước mắt.
    HG cứ ngỡ VN hồn nhiên hơn HG, không chú ý đến những câu chuyện, những cảm xúc ... xưa cũ này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi..hi ! VN hồn nhiên những lúc nên hồn nhiên...vả lại hồn nhiên không phải vì không biết những khổ đau - mà vì hiểu rõ khổ đau nên lại hồn nhiên

      Xóa
  2. Xin được cáo lỗi cùng tác giả Đỗ Quang Nghĩa vì khi sử dụng bài viết này VN đã mạo muội biên tập và cắt bớt một vài đoạn mà VN cảm giác nó mang nặng tính chủ quan của tác giả, nó nhìn cuộc chiến theo cái hướng của bà con phía Nam chứ không hẳn của Lưu Quang Vũ, dù có thể LQV yêu Tổ Quốc bằng tình yêu của người dân thường như tác giả đã viết... và người thường đương nhiên sẽ nhìn sự việc khác với những người cầm cờ, người lãnh đạo. Nhân thể Vn sẽ xin được đóng góp một cái nhìn cá nhân về cuộc chiến trong bài Thống nhất sẽ gửi sau

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐQN chủ quan, hay là VN chủ quan... còn chưa ngã ngũ đâu ạ! Vì LQV chỉ trả lời bằng các tác phẩm ông để lại, và cảm nhận của VN với ĐQN hiện tại không hoàn toàn giống nhau. Nhưng thời gian dần qua, suy nghĩ của người ta có thể sẽ đổi thay. Cũng có thể ĐQN dần dần có cái nhìn chủ quan của VN, hoặc ngược lại; VN dần có cái nhìn của ĐQN :)) Không biết thế nào, HG sẽ chờ xem ^^.
      Nhìn chung, VN quả là rất hồn nhiên. :)

      Xóa
    2. chủ quan của mỗi người thì ró ràng là có thể không giống nhau. nhưng thơ của LQV thì vẫn thể hiện khá rõ cảm quan của Ông. LQV làm thơ phản chiến... nhưng không có nghĩa là phê phán hay lên án cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc này...mà nó chỉ là phản ánh cảm xúc đau xót trước những đau khổ,thảm khốc của chiến tranh và lên án nó như phần lớn mọi người trong chúng ta. ĐQN bình thơ rất nhiều xúc cảm, nhưng đôi chỗ, đôi dòng vẫn bị ảnh hưởng cái nhìn chủ quan của một người xa xứ , và ko đồng tình lắm với việc nam tiến của miền bắc..đó là lý do VN xin phép bỏ bớt vài dòng.

      Xóa